Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA TRẦM ĐANG BỊ XẺ THỊT

Di tích lịch sử chùa Trầm "đang bị xẻ thịt"

09-09-2012 | 12:02 

(Nguoiduatin.vn) - Đến chùa Trầm, du khách bị một số đối tượng gây phiền hà bằng việc tự tổ chức thu phí tham quan, điều chính quyền địa phương đã khẳng định là không hề cho phép.
Cả một quần thể di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, với nhiều giá trị kiến trúc quý đang bị một số cá nhân lợi dụng để lấn chiếm đất di tích, bán đấu giá đền Mẫu cho cá nhân tự quản lý tiền công đức, rào dây thép gai, chặn khách du lịch để thu vé khách tham quan, hành hương đến làm lễ chùa khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc. Trước thực trạng này, PV Người đưa tin đã vào cuộc để tìm hiểu.

Hòm công đức tư nhân của ông Quyên tại đền Mẫu Long Châu

"Miếng mồi béo bở"?

Chùa Trầm ở xã Phụång Châu (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội), một di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ 16 nằm dưới chân núi Tử Trầm Sơn, một quần thể kiến trúc kết hợp hài hòa giữa kiến trúc chùa Bắc bộ, núi và hang tự nhiên. Toàn bộ khu núi này xưa kia là nơi đặt hành cung của vua Lê, chúa Trịnh. Quần thể di tích được xếp hạng quốc gia này gồm có núi Trầm, núi chùa Vu Vi, núi Bút, sông Sen. Trong khu chùa Trầm có Đền Mẫu, hang Long Tiên có đường dẫn lên đỉnh núi Trầm, có hang sâu dẫn vào trong  núi và có hàng trăm cây cổ thụ bao quanh.

Không chỉ ghi dấu những vết tích của thời phong kiến xa xưa, chùa Trầm còn là nơi đầu tiên Đài tiếng nói Việt Nam khi rời Hà Nội để tiếp tục phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là nơi Bác Hồ đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946. Điều đáng tiếc một di tích lịch sử vô giá như thế nhưng đang bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để trục lợi hay nói cách khác quần thể di tích  "sơn thủy hữu tình" này đang trở thành "miếng mồi béo bở" cho nhiều người nhòm ngó và "xẻ thịt".

Theo ghi nhận của PV Người đưa tin tại khu di tích chùa Trầm, cũng như người dân nơi đây phản ánh, ông Nguyễn Văn Thịnh thôn Long Châu Miếu (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) bức xúc cho biết: "Hiện nay di tích chùa Trầm đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Vào năm 2010, ông Nguyễn Đình Tuấn (thôn Long Châu San, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) tự ý dùng máy xúc san lấp khoảng 1ha dòng sông Sen thuộc phần đất của di tích mà chưa được bất cứ một cơ quan nào cấp phép. Trong suốt 15 ngày máy móc làm việc hết công suất mà cơ quan chính quyền địa phương không lập biên bản hay một hình thức cưỡng chế nào đối với việc làm của ông Tuấn".

Sự việc trên khiến người dân rất bức xúc trước việc một phần đất trong di tích lịch sử của làng bị lấn chiếm, còn cơ quan nào cho phép cá nhân ông Tuấn làm như vậy thì người dân chưa được biết.

Một điều mà khó ai nghĩ một di tích, một nơi linh thiêng tôn nghiêm mà lãnh đạo thôn được giao quản lý di tích cũng có thể đem ra "mua bán đấu giá". Theo như giải thích của ông Thịnh thì đền thờ Bà Chúa Liễu Hạnh thuộc sự quản lý của nhà chùa, nhưng nhà chùa giao cho thôn Long Châu Miếu quản lý để lấy kinh phí tu tạo đền khi cần sửa chữa. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương không quản lý mà đem đền ra đấu giá quyền quản lý cho một cá nhân trong xã. 

"Vào tháng 9/2006, hội người cao tuổi thôn Long Châu đã bán đấu thầu 10 năm với giá 1 triệu đồng/năm đền Mẫu Long Châu thờ Bà Chúa Liễu Hạnh, một trong bốn vị thánh tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam, cho ông Trần Văn Quyên về làm chủ nhang đền. Ông Quyên đã lợi dụng khu di tích lịch sử quốc gia "buôn thần, bán thánh", mở phủ, tự in phiếu công đức. Người dân không ai  được biết số tiền công đức đó sẽ rơi vào túi ai hay chi tiêu vào những việc gì. Hơn nữa từ khi ông Quyên về ngôi đền cổ kính này được "trùng tu" bằng cách phá đi xây lại một số hạng mục như bậc thang đá đi lên đền, tự ý cho cơi nới phần hiên trước cửa. Một số tượng cổ trong đền bị hạ xuống thay bằng tượng mới, đôi hoành phi câu đối cổ cũng được dỡ xuống và dân làng cũng không biết bây giờ ở đâu?!", ông Thịnh cho hay.

Để thêm tính thuyết phục và chứng minh cho những gì phản ánh, vừa nói, ông Thịnh vừa đưa tập văn bản có chữ ký và đóng dấu của ông Đỗ Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ xác nhận: "Việc ông Nguyễn Đình Tuấn đã tự ý thuê máy móc múc đất trên diện tích được thầu làm biến dạng mặt bằng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm". Tuy nhiên cho đến nay, phần đất bị lấn chiếm này vẫn còn đó nằm ngổn ngang đất đá gây mất mỹ quan quần thể di tích. Người dân cũng phản ánh nhiều lần nhưng chưa có cơ quan chức năng nào bắt người vi phạm phải  chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Di tích cũng có thể đem "đấu giá"

 Trong khi đó trên thực tế, nhiều người dân nơi đây phản ánh việc du khách thập phương đến tham quan chùa Trầm bị một số đối tượng gây phiền hà bằng việc thu phí tham quan thường xuyên diễn ra. "Mỗi du khách vào cổng sẽ phải nộp 5.000 đồng/người, chưa bao gồm tiền gửi xe 10.000 đồng/xe máy. Có đoàn về đây tham quan vào cổng bị thu phí đã rất bức xúc, đôi lần còn xảy ra to tiếng giữa một số người "tự cho phép mình có quyền thu phí"  với du khách thập phương", một số người dân cho biết.

Một du khách thường xuyên thắp hương và công đức tại di tích chùa Trầm, bà Nguyễn Thị Hảo (phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) bày tỏ: "Từ năm 1985 trở về đây, tôi thường xuyên về di tích chùa Trầm và một số chùa lân cận để thắp hương và làm công đức. Thực tế mấy năm gần đây, quần thể di tích chùa Trầm đang bị xâm hại nghiêm trọng như tượng phật trong đền Mẫu mất mát, thay mới, di tích bị biến dạng, sông Sen trước cửa di tích cũng bị lấn chiếm, rồi núi Bút cũng bị cá nhân tự ý chiếm dụng thu vé khi khách tham quan đến chụp ảnh từ 50.000-100.000 đồng. Hơn nữa, không gian chùa cần yên tĩnh và trong lành thì ngay bên cạch chùa "mọc"  lên một xưởng xẻ đá, đục đẽo chan chát, inh ỏi gây mất mĩ quan cũng như ảnh hưởng không gian tôn nghiêm nơi cửa chùa". 

"Thực tế di tích chùa Trầm đang bị xâm hại nghiêm trọng, mạnh ai nấy làm. Người dân đã phản ánh nhiều lần từ chính quyền thôn, xã đến huyện. Nhưng sự việc vẫn đâu vào đấy, khiến người dân thiếu lòng tin vào cơ quan chức năng địa phương để một di tích cấp Quốc gia bị xâm hại. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết những thắc mắc của người dân", ông Đinh Văn Vinh, Thanh tra thôn Long Châu Miếu, một người được nhân dân tin tưởng cử ra phát ngôn. 

 Đại diện chính quyền: "Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý vi phạm"

 Trước những bức xúc của người dân, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Đồng, Chủ tịch UBND xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội). Vị lãnh đạo này cho biết: "Về vấn đề sông Sen trước cửa bị lấn chiếm như người dân phản ánh, chúng tôi cũng đang tiến hành làm theo kết luận của lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ. Di tích chùa Trầm do huyện quản lý và giao trách nhiệm cho xã bảo quản trông nom, xã giao cho Hội cựu chiến binh xã. Hội cựu chiến binh xã giao chi Hội cựu chiến binh thôn trực tiếp quản lý. Hội chỉ được phép thu vé trông giữ xe chứ không được thu thêm bất cứ một khoản phí nào khác. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra vấn đề này và xử lý những người vi phạm".
Thiên Vũ

Đọc chơi, một bài văn chữ Nôm khắc trên cửa động Long Tiên, núi Tử Trầm:

Người ta sinh ra ở trên đời thú chơi có hai cảnh, một là phồn hoa, một là tịch mịch. Phồn hoa thì phải ở thành thị, tịch mịch thì phải ở lâm tuyền, nhưng ở phồn hoa mãi thì chán, ở tịch mịch mãi thì buồn. Vì thế phải làm cách cho thành thị lâm tuyền thông với nhau, trước là giải lấy trí khôn, sau là thanh lấy niềm tục. Cách tỉnh Hà Đông không xa có bãi đồng bằng, bên hữu thì dãy rừng ngang, bên tả thì dòng sông Hát, trong có một tòa núi đá nổi lên gọi là núi Tử Trầm. Trong núi có động, trong động có hang thông thiên, ngoài động có chùa, dưới chùa có đầm quanh núi. Núi Bút Sơn, bề mặt trước chùa Vô Vi đứng một bên, thực là cảnh lâm tuyền thứ nhất. Trước hai trăm năm nay chúa Trịnh đã lâm cung ở đó. Nơi mắc võng, nơi chèo thuyền dấu cũ đến bây giờ chưa mất. Thế chẳng phải là chốn phồn hoa mà tìm nơi tịch mịch ru ? Tiếc vì cây cỏ rậm rạp, đường sá chưa thông, cho nên lên Lạn Kha tìm khách đánh cờ, vào Dục Thúy thăm ông câu cá, chẳng qua mấy kẻ cao nhân dật sĩ mà thôi. Ta nhân khi thong thả tới cảnh chạnh niềm, kia như núi Đạo Hạnh, chùa Quan Âm, động Hồ Công, hàng Từ Thức cũng chỉ vì người trước có công tìm kiếm mà làm cho người sau có thú vui chơi. Thế thì núi này cũng là cảnh bụt, bầu trời đâu có lẽ phó mặc bóng tà cỏ ấy. Vậy thì theo cảnh tự nhiên thêm công tu bổ. Đường càng gần thì người đi càng tiện, cảnh càng đẹp thì khách càng đông. Từ nay mà đi kẻ lại người qua, dẫu tịch mịch cũng không lấy làm buồn, dẫu phồn hoa cũng không lấy làm chán. Than ôi! Khuất tà quy chính là trách nhiệm kẻ sư nho, hậu lạc tiên ưu là chí khí kẻ quân tử. Có phải cầu tiên cầu phật đem thiên hạ lấy sự hoang đường, muốn cho có cảnh có người, chưng thiên hạ lấy sự lạc lợi. Sách có chữ rằng núi không cần chi thấp mới cao, có tiên thì nổi tiếng, nước không cần chi sâu mới cạn, có rồng thì nên thiêng. Vậy ta lấy tiên rồng mà đặt tên cho động. (Người phiên dịch: Hiền Lương - Bạch Văn Luyến).




Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét