Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

THỜI THỊNH TRỊ HỒNG ĐỨC CÓ MỘT ĐÊM TRUNG THU KHÔNG TRĂNG

"ĐÊM TRUNG THU KHÔNG TRĂNG"
Một bài thơ Nôm thời Hồng Đức

Nguyễn Đăng

Sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề ghi chép về Bảng nhãn Nguyễn Toàn An, có đoạn viết: 

Ông người làng Thời Cử, huyện Đường An (nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng), thuở hàn vi phải sung làm lính cắt cỏ nuôi ngựa trong cấm cung. 

Một đêm trung thu, vua Lê Thánh Tông cùng quần thần hội họp trước sân điện đón trăng. Chẳng ngờ đêm ấy trăng thu không tỏ, nhà vua bèn ra đề: “Đêm thu vô nguyệt” (Đêm trung thu không trăng), sai các quan ngâm vịnh. Bữa ấy Nguyễn Toàn An đến phiên hầu tiệc, ông cảm xúc nảy nở ra tứ thơ, bèn mạnh dạn dâng lên. Bài thơ có hai câu thơ kết là: 

“Mạc bả kim phiên nhàn kiến nguyệt.
Lai thu vọng nguyệt, nguyệt di cao”.

Phần cuối tác giả cho biết, bài thơ nguyên làm bằng quốc âm, ở đây dịch ra Hán văn.  Nguyên văn là:

“Chớ thấy phen này mà rẻ nguyệt.
Thu sau trông nguyệt, nguyệt càng cao”.

Nhờ bài thơ này Nguyễn Toàn An được vua ban thưởng cho rất hậu, lại cho giải ngũ về nhà theo việc đèn sách. Năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472) ông thi đỗ Bảng nhãn. Các sách biên soạn đời sau như Liệt huyệt đăng khoa lục, Hải Dương phong vật chí, Tam khôi bị lục, Giai thoại văn học Việt Nam… đều chép theo như vậy.

Gần đây chúng tôi mới tìm thấy trong gia phả họ Bùi (Bùi thị gia phả) ở làng Thịnh Liệt huyện Thanh Trì Hà Nội có chép đầy đủ bài thơ này, và ghi rõ tác giả là Bùi Xương Trạch. Bùi thị gia phả(1) là cuốn gia phả do Bùi Xương Tự (1656 - 1728) biên soạn, bài tựa viết năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676). Sau này đến đời Cảnh Hưng, cháu nội ông là Bùi Huy Bích (1744 - 1818) tiến hành hiệu đính và viết thêm phần Bổ di. Trong phần Bổ di, Bùi Huy Bích cho biết rằng ông đã khảo cứu kỹ lưỡng trong quốc sử (có lẽ chỉ bộ Đại Việt sử ký toàn thư) thấy chép đêm 16 tháng 8 năm Bích Thiên niên hiệu Hồng Đức thứ 7 (1476) có nguyệt thực toàn phần và đoán định bài thơ được sáng tác vào dịch này. Chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra lại sách Đại Việt sử ký toàn thư, thấy đúng là năm Hồng Đức thứ 7 có nguyệt thực vào dịp trung thu. Các niên hiệu Hồng Đức trước đó, từ 1470 đến 1475, không thấy Toàn thư chép có nguyệt thực vào dịp trung thu. Nguyễn Toàn An đã đỗ vào năm Hồng Đức thứ 3 (1472), còn Bùi Xương Trạch thì đỗ tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 9 (1478). Bốn năm sau khi Nguyễn Toàn An thi đỗ, mới thấy có nguyệt thực vào trung thu, vậy thì theo logíc câu chuyện, Bùi Xương Trạch có nhiều khả năng là tác giả của bài thơ nôm này. Bùi thị gia phả là sách ghi chép riềng sự tích của một dòng họ, chỉ lưu hành trong phạm vi rất hẹp, còn Công dư tiệp ký tuy ra đời muộn hơn do tính chất của tác phẩm như chính tác giả đã xác nhận trong bài tựa viết năm 1755: “Trong phần ghi chép có ngụ ý răn dậy, cũng là để xem chơi lúc thư nhàn…”, Lên được lưu truyền phổ biến hơn. Chính vì lẽ đó mà Nguyễn Toàn An được nhiều người ghi nhận là tác giả bài thơ “Đêm trung thu không trăng” này, còn Bùi Xương Trạch thì ít được biết đến.

Về tác giả bài thơ có thể còn tiếp tục nghiên cứu để khẳng định thêm. Song dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể xác nhận, đây là một bài thơ nôm được sáng tác dưới thời Hồng Đức (1470 - 1497). Hiện nay chúng ta đang tiến hành sưu tập, giám định, chỉnh lý để còn có được một sưu tập thơ nôm thời Hồng Đức chính xác đầy đủ, thì bài thơ nôm Đêm trung thu không trăng này xứng đáng được tuyểt chọn đưa vào.

Toàn bài là:
Lề la vặc vặc rạng tơ hào,
Phải mịt mù nay vì cớ sao?
Nhân bởi hắc vân(2) ngất phủ,
Há rằng ngọc thỏ(3) hèn sao.
Hằng nga(4) chiếm lấy làm song viết(5)
Thục tế tuồng n(6)i dám ước ao,
Mựa dắng(7) đêm nay trăng thấy nguyệt,
Thu qua đông đến quế(8) càng cao.

CHÚ THÍCH
.
(1) Hiện ở Thư viện Hán Nôm có bản chép tay, ký hiệu A.640
(2) Hắc vân: mây đen.
(3) Ngọc Thỏ: Chỉ một trăng. Tương truyền trên cung trăng có con thỏ ngọc giã thuốc, nên thơ văn cổ thường dùng hình tượng con thỏ để chỉ mặt trăng.
(4) Hằng nga: Tên nhân vật trong truyền thuyết cổ đại của Trung Quốc. Tương truyền Hậu Nghệ, chồng của Hằng nga được tiên cho viên thuốc trường sinh bất lão, dự định sẽ cùng vợ chia hưởng. Chẳng dè, một hôm Hậu Nghệ đi vắng, Hằng Nga lấy trộm thuốc của chàng uống vào rồi bay lên cung trăng.
(5) Song viết: Chưa rõ nghĩa. Ở đây là phiên âm Hán Việt theo một chữ.
(6) Thục đế tuồng ni: nguyên bản viết là 蜀 帝 從 尼 chúng tôi chưa rõ là nói về điều gì, tạm phiên theo mặt chữ.
(7) Mựa dắng: Tiếng cổ có nghĩa là “chớ nên bảo rằng”.
(8) Quế: Chỉ mặt trăng.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 2/1988.
.
*Ảnh: Bức chạm Quản ngựa. Trên cốn gỗ đình Hoành Sơn, Nghệ An, chạm khắc năm 1762. Nguồn: Hình tượng con người trong chạm khắc cổ Việt Nam. Viện Mỹ thuật xuất bản.

3 nhận xét :

  1. Mựa dắng đêm nay CHĂNG thấy nguyệt. Chứ không phải TRĂNG.

    Trả lờiXóa
  2. Khi tôi học cụ Nguyễn Hùng Vĩ, cụ nói rằng "song viết" nghĩa là "của để, của cải, của nả, của rả...". Hỏi tại sao? Cụ nói đang nghiên cứu nhưng xét theo ngữ dụng tất cả các trường hợp ngữ liệu thì nghĩa của nó phải là thế.
    Nên phiên "hắc vân NGẶT phủ" thì hay hơn.
    "Thục đế" chứ không phải "Thục tế". Tác giả lấy ngữ liệu "con quốc kêu trăng" trong cổ thi. Người ta hình tượng hóa hồn Thục đế kêu quốc quốc khản cả giọng, mờ cả trăng. Cũng có người cho rằng khi trăng mờ thì con quốc kêu to hơn cho trăng sáng.
    Cổ thi hay có quốc kêu gắn với trăng mờ:
    Chu Mạnh Trinh viết ở Cổ Loa:
    Tịch mịch tiền triều cung ngoại miêus
    Đỗ quyên đề đoạn NGUYỆT ÂM ÂM.
    Nguyễn Khuyến viết về tiếng chim này:
    Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
    Ấy hồn Thục đế thác bao giờ
    Năm canh máu chảy đêm hè vắng
    Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
    CHĂNG chứ không phải là TRĂNG trong câu 7. Thường dùng chữ "trang" để tá âm Nôm.

    Trả lờiXóa
  3. Đêm trung thu lại nhớ bài Tống Biệt của thi hào Tản Đà.
    'Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi'

    Trả lờiXóa