Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

TS LÊ ĐĂNG DOANH: VỤ BẦU KIÊN LÀ HỆ QUẢ VIỆC THIẾU GIÁM SÁT QUYỀN LỰC

TS Lê Đăng Doanh: 

Vụ “Bầu” Kiên là hệ quả việc thiếu giám sát quyền lực

2012-08-21
Ông Nguyễn Đức Kiên, một nhà tài phiệt lớn xếp thứ 14 danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam vừa bị bắt giam chiều 20/8 ở Hà Nội về sai phạm kinh tế.

Vụ việc gây chấn động dư luận trong nước, Nam Nguyên phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương về vấn đề liên quan.

Nam Nguyên: Ông Nguyễn Đức Kiên là một nhà tài phiệt rất lớn trong hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường tài chính Việt Nam, việc ông bị bắt có ảnh hưởng như thế nào? 


TS Lê Đăng Doanh: Việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt là một tín hiệu tốt đối với việc thực thi pháp luật ở Việt Nam, và điều ấy có thể gởi tới một tín hiệu mạnh mẽ rằng không phải là người nào quá giàu cũng có thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, nếu như người ấy phạm pháp. Tôi nghĩ đấy là mặt tích cực.

Điều thứ hai là, ông Kiên bị bắt và đang được điều tra về những sai phạm trong khi thực hiện quản lý 3 công ty của mình, trong đó có công ty đầu tư tài chính của ACB thì tôi nghĩ rằng điều này cũng phản ánh một tình trạng phức tạp trong giai đoạn vừa qua của khối kinh doanh tài chính và ngân hàng đã phát triển quá nóng, đã có tăng trưởng quá nhanh và vì vậy chất lượng không được bảo đảm.

Và điều thứ ba vụ này cũng  phản ánh trình độ quản lý và giám sát của nhà nước Việt Nam đối với thị trường rất quan trọng, nhưng cũng rất mẫn cảm này chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay phải chờ kết luận điều tra thì mới biết được rõ ràng, tuy vậy thị trường tài chính, thị trường chứng khoán của Hà Nội và TP.HCM đã có những phản ứng hốt hoảng và các chỉ số đều đã giảm rất mạnh.

Nam Nguyên: Thưa TS, tình trạng như  vừa nói chỉ là tạm thời hay có thể ảnh hưởng lan rộng ra các lãnh vực khác nữa?

TS Lê Đăng Doanh: Hiện nay tôi chưa có căn cứ gì để nói là nó có thể lan rộng. Tuy vậy, trước mắt sự phản ứng như ngày hôm nay chắc chắn là phản ứng tâm lý. Để có thể lan rộng còn phải có thêm các căn cứ, những chứng cứ khác mà hiện nay chưa được công bố hay công luận chưa biết rõ, cho nên cũng chưa có thể dự báo được rằng tình hình có thể lan rộng hay không.
Tuy vậy tin này diễn ra trong khi tình hình nợ xấu rất căng thẳng và các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có những yếu kém được dư luận trong nước và ngoài nước chỉ rõ, thì nó càng như thêm một giọt nước tràn ly để làm cho tình hình thêm phức tạp hơn.

Nam Nguyên: Có tin nói ông Kiên trong thời gian dài tạo được ảnh hưởng nhóm về một mặt nào đó đối với chính sách tiền tệ ngân hàng của Việt Nam. Tin nói ông Kiên liên kết với một số tài phiệt khác và được lợi lớn nhờ chính phủ thắt chặt tiền tệ, tái cơ cấu sáp nhập ngân hàng, qua sáp nhập đã có sự chuyển đổi những cổ đông lớn và khuynh loát thị trường ngân hàng. Thưa, về mặt chuyên môn có thể có được chuyện này hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Vừa qua thì việc thâu tóm Sacombank thì có những hiện tượng rất không bình thường. Sau đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam cũng đã phạt một số công ty vì đã không có báo cáo kịp thời. Còn những dư luận hoặc thông tin trên mạng điện tử thì có nói rất nhiều và vẽ ra một bức tranh khá phức tạp. Tuy vậy, hiện nay tôi không có đủ căn cứ để có thể xác nhận hay là bác bỏ các thông tin đó, bởi vì những thông tin về hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung là ít được công bố so với tiêu chuẩn quốc tế.

Nam Nguyên: Thưa TS, qua việc ông Nguyễn Đức Kiên thì sắp tới Việt Nam cần có những hành động gì để tránh những vụ bê bối như vụ của ông “Bầu” Kiên có thể xảy ra?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, kết luận rút ra chắc chắn không phải chỉ là bản án nào đó đối với ông Kiên mà kết luận quan trọng hơn rất nhiều tức là: Việt Nam cần phải cải cách thể chế một cách rất là nghiêm chỉnh, cần phải có cơ chế giám sát quyền lực. Bất kỳ quyền lực ở một cấp nào cũng phải có sự giám sát và thực hiện công khai minh bạch, thực hiện quyền giám sát của người dân và thực hiện xét xử một cách độc lập theo pháp luật của các cơ quan tư pháp.

Tôi nghĩ đó là những điều rất cần thiết để có thể thực hiện những cải cách khác về hệ thống tài chính ngân hàng. Nếu không có sự độc lập, sự công minh, không có sự minh bạch thì những cải cách có thể có được hay là người ta đang mong đợi thực hiện sẽ chỉ có kết quả một cách hạn chế mà thôi. Nếu như chúng ta thấy hệ thống ngân hàng ở các nước đã phát triển rồi vẫn mắc những sai lầm ghê gớm như thế nào, thì chúng ta cần phải hết sức cảnh giác hết sức nỗ lực xem việc cải cách thể chế nhà nước nói chung, thực hiện xây dựng một Nhà nước Pháp quyền Dân chủ công khai minh bạch của dân do dân vì dân và giám sát hệ thống tài chính ngân hàng.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh về thời gian dành cho đài Á châu Tự do.



3 nhận xét :

  1. Đã có Đảng và nhà nước lo.
    dân nghèo đừng có hoánh lên.

    Trả lờiXóa
  2. Lãnh đạo một cách ngẫu hứng, thiếu kiến thức , tham lam ích kỷ và giả dối, thì lãnh đạo một doanh nghiệp còn chả nổi nói gì đến một quốc gia.
    Bầu kiên có làm qoái gì đâu, ngoài việc quan hệ với lãnh đạo để đục khoét công quĩ

    Trả lờiXóa
  3. http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Gia-san-kech-xu-cua-bau-Kien-den-tu-dau/213322.gd?i=11

    Gia sản kếch xù của bầu Kiên đến từ đâu?

    Trả lờiXóa