Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

TRUNG QUỐC: XÔN XAO VỤ TỔNG BIÊN TẬP TỰ TỬ

TQ xôn xao vụ tổng biên tập tự tử

Cập nhật: 13:16 GMT - thứ bảy, 25 tháng 8, 2012 

Vụ tổng biên tập một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tự vẫn gây phản ứng mạnh trong dư luận và các diễn đàn mạng.
.
Nhân dân Nhật báo
Từ Hoài Khiêm công tác nhiều năm tại Nhân dân Nhật báo

Ông Từ Hoài Khiêm, 44 tuổi, làm chủ bút phụ trương Đại địa của Tờ Nhân dân Nhật báo.

Theo thông tin từ kênh chính thức, ông đã nhảy lầu tìm đến cái chết hôm 22/8.

Trang microblog của Nhân dân Nhật báo nói trước đó ông đã xin nghỉ phép vì trầm cảm và đã tìm kiếm trợ giúp y tế.

Từ Hoài Khiêm sinh năm 1968, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 1989.

Gần như suốt cuộc đời làm báo của mình, ông công tác tại Nhân dân Nhật báo. Ông Từ được đánh giá cao với tư cách cây bút viết các bài bình luận.

Trong một phỏng vấn trước khi qua đời, ông Từ Hoài Khiêm nói: "Tôi đau đớn vì dám nghĩ nhưng lại không dám nói ra. Nếu dám nói thì lại không dám viết và nếu tôi dám viết thì chẳng nơi nào chịu đăng bài tôi cả".

"Tôi ngưỡng mộ những cây bút tự do, nhưng tôi không thể rời hệ thống vì nếu làm như vậy thì gia đình tôi sẽ chịu hậu quả."

Trong bài báo mang tựa đề "Hãy để cái chết chứng thực", ông viết: "Chết là một từ nặng nề, nhưng ở Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, không chết thì xã hội không tỉnh dậy mà để ý và chẳng giải quyết được vấn đề gì". 

Choáng váng và giận dữ 

Các phát biểu trên của Từ Hoài Khiêm đã được nhắc lại nhiều lần trên các diễn đàn mạng của Trung Quốc.
"Chết là một từ nặng nề, nhưng ở Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, không chết thì xã hội không tỉnh dậy mà để ý và chẳng giải quyết được vấn đề gì."
Nhà báo Từ Hoài Khiêm
Một độc giả viết trên mạng xã hội Đằng Tấn: "Tôi mới bắt đầu công việc phóng viên mà đã gặp nhiều khó khăn tới nỗi tôi thấy không thể nào khắc phục được".

Một người khác đặt câu hỏi trên mạng Sina: "Từ Hoài Khiêm chết như một nhân chứng chăng? Cá nhân ông bị trầm cảm hay cả thời đại này trầm cảm? Cái đất nước nào mà lại thế này?"

Có người nhận xét rằng vì phải sống với những điều giả dối lâu ngày nên ông Từ lâm bệnh.

Họ cũng tỏ ra thất vọng về tình trạng tinh thần của các trí thức và nhà báo Trung Quốc.

"Người dân chính là các tổng biên tập của một đất nước. Họ chỉ có cuộc đời của mình để đăng lên. Cuộc đời của họ là bài báo và cái chết là nhuận bút. Kết thúc cuộc đời một cách bi thảm là bản nháp chưa hoàn thành."

2 nhận xét :

  1. Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Sonia Brady đã bị đột quỵ và tình hình của bà đang được theo dõi chặt chẽ khi được đưa đến bệnh viện vào thứ Tư tuần trước.

    http://www.tinmoi.vn/dai-su-philippines-tai-trung-quoc-bi-dot-quy-081020711.html

    Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Sonia Brady đã bị đột quỵ và được đưa đến một bệnh viện ở Bắc Kinh, tin tức từ Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) ngày 24/8 cho hay.

    Trả lờiXóa
  2. "Chết là một từ nặng nề, nhưng ở Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, không chết thì xã hội không tỉnh dậy mà để ý và chẳng giải quyết được vấn đề gì."

    Xin nghiêng mình trước anh linh nhà báo Từ Hoài Khiêm. Giống như một vị thánh tử đạo, ông là người dám hiến thân mình cho "Văn Hóa" - với cái nghĩa đẹp nhất của từ này. Xin cám ơn Trời, vì nhân loại này còn có những người như ông.

    Trả lờiXóa