Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Phương Bích: CHUYỆN BIỀU TÌNH NGÀY 5.8.2012 (Tiếp theo và chưa hết)

Chuyện biểu tình ngày 5/8/2012

Phương Bích

Phần 3: Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

Với tôi đây là lần đầu tiên vào Lộc Hà. Nói thật ngày xưa chỉ cần bị công an chặn lại đã thấy xấu hổ lắm, cứ như mình vừa bị bắt quả tang làm một việc xấu xa vậy. Vậy mà giờ đây năm lần bảy lượt, tôi bị họ bắt giữ mà trong lòng chỉ thấy phẫn nộ, khinh bỉ chứ chả thấy có điều gì khiến tôi phải cúi mặt hổ thẹn
Tôi tò mò nhìn cái trại đã nghe nói đến nhiều lần, đặc biệt nhất là những lần gần đây nhất trở thành nơi tạm giữ những người biểu tình dưới mọi hình thức như: biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình đòi đất...
Dĩ nhiên tôi cũng biết trước đây báo chí cũng gọi đây là trại phục hồi nhân phẩm. Không biết từ khi nào nó đổi tên là trại lưu trú. Thực tế trong dân, người ta vẫn gọi nôm na là trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà. Cho dù họ có đưa tạm chúng tôi đến đây với lý do gì, thì cũng coi là một lần bước chân vào trại phục hồi nhân phẩm. Không biết ở đây ai mới thực sự có đủ tư cách để phục hồi nhân phẩm cho ai đây?
Họ đưa chúng tôi vào một gian nhà rộng, đúng cái gian tôi nhìn thấy trong clip quay các bà các chị nông dân Dương Nội, đi khiếu kiện đất đai rồi bị bắt về đây. Nhìn cái cửa sổ và hình ảnh mấy chú công an áo xanh kê ghế ngồi chắn ở hai đầu hồi, lại nhớ đến cái clip ấy, nhớ cái câu chửi: “cha năm đời mười đời cái lũ ăn cơm dân mặc áo đảng...”.
Khổ! Cái “lũ” bắt người ấy nó có ở đây đâu mà chửi. Hội ở đây có hai kiểu. Một là chỉ biết canh. Hai là chỉ biết hỏi. Còn cái thằng bắt mình nó lại vẫn ở Bờ Hồ cơ. Mà khốn nạn nhất là ba hội đó chả phối hợp với nhau tý nào. Giao hàng xong là hết nhiệm vụ.
Quên chưa nói, vừa vào đến cửa đã thấy blogger Lê Dũng mặc áo No-U đen, tay cầm  Ipad cười tươi như hoa ra đón “đoàn”. Chúng tôi reo lên, ôm nhau, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau ầm ĩ. Hóa ra “đoàn” của Lê Dũng chỉ có 3 người. Sao không chờ cả thể mà  mới có 3 người đã chạy biến đi thế nhỉ? Chưa kể có tới 6 công an áo vàng đi xe máy dẹp đường nữa. Đúng là tiền ngân sách có khác, lãng phí quá chừng.
Chuyện giữa hai đoàn chưa vãn thì lại ồ reo lên, đoàn thứ ba đang vào. Lại tay bắt mặt mừng. Quên cả bức xúc, cứ gặp nhau là thấy mừng cái đã. Chắc cánh công an canh giữ ở đây thấy lạ lắm, cái hội biểu tình này sao cứ cười tươi roi rói thế. Chả thấy vẻ nem nép lo sợ hay hối hận gì cả.
Nhìn thấy trong đoàn thứ ba ngoài một số gương mặt quen như tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, Dũng Aduku....Có cả bà bầu Nga Thuy mà không thấy thằng cu Phú đâu, tôi ngạc nhiên chạy ra hỏi. Cô ấy bảo cậu thanh niên đi bên cạnh đang bế hộ thì cô ấy bị bắt. Cơ khổ! Thế là lại con một nơi, mẹ một nơi.
Nhìn một lúc thấy thêm bé gái, con cô bạn chụp ảnh cùng lúc ban sáng. Lúc tôi còn đang trên xe, cô ấy gọi điện, kêu thất thanh bảo là chúng nó bắt mất con gái em rồi, chẳng biết chúng nó mang con em đi đâu. Cô ấy làm loạn cả lên khiến tôi cũng sốt ruột, bảo làm sao tôi biết được. Giờ cô ấy đang tìm đường sang Lộc Hà mà chả biết đường.   
Ai mới thực sự là kẻ gây nên cảnh náo loạn này?

Mọi người thi nhau kể lể, tố khổ chuyện mình bị bắt như thế nào. Xem ra mỗi người bị bắt một kiểu. Nhà báo Đoan Trang thì bảo, vì thấy công an bắt mấy đứa thanh niên thì ra hỏi tại sao bắt chúng, thế là cũng bị túm lấy, cho vào một rọ.
Đấy! Chỉ hỏi thế thôi cũng bị bắt đấy. Nghĩa là bây giờ:
Người đi bộ - cũng bị bắt!
Ra hỏi tại sao bắt người đi bộ - cũng bị bắt!
Chụp ảnh người đi bộ bị bắt - cũng bị bắt!
Muốn ngồi lên xe lăn     - cũng bị bắt!
Phản đối bắt người - cũng bị bắt!
Cũng vẫn những con người này, vừa mới hôm trước vừa đi vừa hô khẩu hiệu, cờ xí giăng đầy thì lại được công an bảo là thể hiện lòng yêu nước, trước những hành vi xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc, là rất đáng hoan nghênh. Thế mà hôm nay lại quay ngoắt 180 độ, xông vào gây hấn với người biểu tình, rồi vu cho là gây mất trật tự công cộng để bắt bớ họ !!!
Rõ là miệng nhà quan có khác. Lật như trở bàn tay. Ai từng sống trong thời bao cấp chắc đều biết  câu ranh ngôn: Bắt cởi trần phải cởi trần. Cho may ô mới được phần may ô.
Bây giờ thì chắc là: Bắt im mồm phải im mồm. Cho hô to mới được quyền hô to?
Có một điều khiến tôi vô cùng cảm động khi được người trong đoàn thứ ba kể lại. Đó là khi chúng tôi bị bắt đưa đi rồi, trong phút chốc không khí xung quanh ắng lại. Mọi người dẫu đón nhận nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng về sự việc xảy ra quá ư phi lý. TBK ngồi bất lực trên ghế đá khóc. Hẳn không chỉ có một mình TBK khóc. Rồi những con người quả cảm còn lại cũng tụ lại bên nhau. Những người lúc trước mới chỉ đang đi bộ chứ chưa hề giăng biểu ngữ, chưa hề hô khẩu hiệu đã bị bắt. Thế mà những người còn lại đã không hề sợ hãi, họ tiếp tuc đi thành hàng trên Bờ Hồ, vừa đi vừa hô khẩu hiệu và giương cao cờ và biểu ngữ. Nghe cậu thanh niên cầm cờ kể lại, khi cậu ấy quay lại nhìn thì đoàn người phải đông tới gần 200 người. Một điều đáng mừng là trong số này phần lớn là thanh niên. Họ đã không còn thờ ơ nữa. Đoàn người đi đến gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì lại bị đàn áp. Theo lời người bị bắt lúc đó thì công an đông kinh khủng. Tôi thực sự muốn ứa nước mắt khi hình dung ra cảnh tương tàn đó.
Điện thoại bên ngoài gọi tới tấp. Chỉ biết Lân Thắng bị đưa vào Hoàn Kiếm, còn cụ Đức thì vẫn chưa thấy tin tức gì. Thật là đang vui vẻ đi bên nhau, bình yên là thế, bỗng đâu tan tác mỗi người một phương thế này. Nghĩ mà căm uất quá. Sao phận người Việt ta lại khốn nạn đến thế này, không bằng cả người Trung Quốc trên đất nước mình. Nghe nói dân Trung Quốc sang đây hống hách lắm, thế mà chính quyền chả động đến lông chân chúng nó.
Hai người lính già từng chinh chiến trận mạc
Chúng tôi ngồi chán chê chả thấy bọn họ hỏi han tới. Khoảng hơn một tiếng sau mới thấy công an lũ lượt kéo vào, giới thiệu là công an quận Hoàn Kiếm, mời các bác đi “làm việc”. Họ đưa mỗi người vào một phòng riêng. Sau này tôi mới thấy công an làm vậy để dễ lừa những người nào không hiểu biết pháp luật, rồi khép họ vào một tội danh theo ý của công an.
Mặc dù tôi đã ghi nhận tương đối những gì mình học hỏi được từ ngoài đời, vậy mà đến khi vào cuộc vẫn thấy mình quá ngô nghê. Người ta bảo sách nhà Phật dạy: Đừng thấy ác mà chê. Đừng thấy hiền mà mê!
Nó hiền là nó đang dụ dỗ mình, khiến mình mất cảnh giác để rồi đưa mình vào tròng đấy.
Trường hợp của tôi đúng như vậy. Tay công an “làm việc” với tôi có khuôn mặt hiền và nụ cười có vẻ chân tình. Anh ta giới thiệu tên là Châu (chắc không thể là Trâu), công an quận Hoàn Kiếm. Anh ta mang hàm thiếu úy nhưng không đeo biển tên. Lẽ ra tôi nhất định phải yêu cầu anh ta có biển tên đàng hoàng thì mới “làm việc” – vậy mà tôi quên bẵng đi mất.
Mở đầu là những lời khá tử tế. Anh ta nói đề nghị hợp tác, vì anh ta làm việc với tôi theo nhiệm vụ. Thì anh ta đã giới thiệu tên nên tôi cũng nói tên tôi. Nhưng thấy anh ta hỏi thêm một số câu để nhăm nhe lập biên bản, tôi nói luôn là đừng có lập làm gì phí công, tôi chả ký đâu vì tôi chả phải là tội phạm nên chẳng phải khai gì cả.
Anh ta ngập ngừng một lúc rồi đặt bút xuống . Anh ta rất khôn khéo, không yêu cầu tôi tường trình mà quay ra hỏi chuyện kiểu như tâm tình. Thực ra tôi cũng muốn cho anh ta biết rõ sự việc, vì anh ta bảo là anh ta không phải là người bắt tôi nên không biết chuyện xảy ra như thế nào.
Tôi hỏi:
- Anh bảo tôi là làm mất trật tự nơi công cộng! Vậy anh có nhìn thấy tôi làm mất trật tự như thế nào không? Tôi nói và làm những gì anh có biết không?
Anh ta chỉ cười. Trước cả một rừng máy quay phim của an ninh như thế, nhất cử nhất động của tôi chắc hẳn đều có trong máy quay của an ninh, vậy sao không đưa ra làm chứng mà phải mất công bắt bớ, hỏi cung như thế này làm gì? Lời nói nếu không phải là nhân chứng thì đâu có giá trị buộc tội?
Và rằng tôi mới chính là người có bằng chứng, tố cáo hành động ngăn cản trái phép người dân đi bộ trên Hồ Gươm của công an và các lực lương an ninh đeo băng đỏ. Khi người dân phản ứng thì công an và an ninh lao vào bắt người với thái độ rất hung hãn.
Rằng trước đó quang cảnh Hồ Gươm hoàn toàn thanh bình khi những người dân đang đi dạo cùng nhau, nhưng cảnh tượng chỉ trở nên hỗn loạn khi xảy ra hành động ngăn cản trái phép, bắt bớ trái phép người dân một cách thô bạo của công an và an ninh. Đó mới là hình ảnh hết sức phản cảm, làm mất trật tự giữa nơi công cộng của công an và an ninh quận Hoàn Kiếm.
Sau khi tố một hồi, tôi yêu cầu anh ta cho tôi một tờ giấy trắng để tôi viết đơn tố cáo việc bắt tôi trái phép, không có lý do. Lâu ngày không viết, tay tôi cứ cứng đờ, viết lóng nga lóng ngóng. Ngay khi viết, tôi nhớ đến chuyện Bùi Hằng khi viết đơn đã nhất định không chịu viết dòng chữ Độc lâp- Tự do – Hạnh phúc, bởi cô ấy không thể viết những gì mà cô ấy thấy không có. Thế nên tôi viết có mỗi dòng đầu tiên trên lá đơn. Cho dù họ có bảo nó không hợp lệ đi chăng nữa thì tôi cũng thừa biết luật lệ đối với họ chả có nghĩa lý gì. Có hợp lệ mà họ không thích thì họ cũng ném vào sọt rác thôi. Nếu không đơn thư của dân họ chẳng còn chỗ đâu mà chứa.
Tôi đưa đơn cho anh ta xong thì cả đôi bên quay ra trò truyện một cách vui vẻ. Chỉ sau vài phút, tôi thấy anh ta là người khá hiểu biết, có vẻ quan tâm đến cả văn học, lịch sử. Những sự kiện và tên tuổi mà anhta nhắc đến chứng tỏ anh ta có đọc ( sâu sắc đến đâu thì tôi chưa kiểm chứng được). Có một lúc tôi thoáng tiếc, rằng người như anh ta mà phải đi làm cái nghề này.
Đang nói chuyện thì có hai người đàn ông mặc đồ dân sự đi vào, yêu cầu kiểm tra điện thoại và máy ảnh của tôi. Tôi quên mất không vặn hỏi họ là ai mà có quyền đòi kiểm tra những thứ trên. Tôi chỉ bảo đây là tài sản cá nhân của tôi, tôi không đồng ý cho họ kiểm tra. Họ bảo thế là chị không hợp tác với chúng tôi rồi. Nghe mà lộn ruột, vậy  các anh bắt tôi là các anh hợp tác với tôi đấy à?
- Đúng! Tôi tuyên bố là tôi bất hợp tác với các anh. Vì đây là tài sản cá nhân của tôi, kể cả thông tin trong đó cũng là riêng tư, và tôi không đồng ý chia sẻ nó với các anh. Các anh bảo nhỡ có tài liệu gì nguy hiểm trong đó ấy hả? Đó là việc của các anh. Nếu các anh tịch thu thì yêu cầu lập biên bản. Chấm hết!
Hai người đàn ông ngập ngừng một lúc rồi bảo: vâng, thế thì chào chị, rồi cả hai bỏ ra ngoài. Tôi quay ra hỏi anh công an Châu:
- Thế là thế nào? Sao lại làm việc kiểu như đùa thế nhỉ? Yêu cầu cứ yêu cầu, không được thì thôi! Sao có thể tùy tiện thế? Nếu như tôi không biết quyền của mình mà cứ đưa cho các anh thế, thì hóa ra các anh lừa tôi à?
Cứ cho là anh công an tên Châu kia có hiểu biết mấy đi chăng nữa, thì tôi vẫn đố anh ta trả lời được những câu hỏi từ đầu đến cuối trong cuộc nói chuyện của tôi. Nụ cười “hiền” luôn thường trực trên môi, tạo cảm giác thân thiện (may mà anh ta không có phép thôi miên – he he).
Tôi vừa đói vừa khát. Suốt từ sáng tôi chưa hề ăn uống gì. Không lập được biên bản thì công an Châu lôi cái biên bản xử phạt vi phạm hành chính ra, bảo đây là làm theo thủ tục. Ồ! Các anh cứ việc tự biên tự diễn. Nhưng tôi chỉ tò mò muốn hỏi anh một chút, là anh định ghi trong đó tôi làm cụ thể những gì thế, có bằng chứng không? Lấy trong máy quay của các anh chắc nhiều lắm đấy.
Công an Châu chỉ cười, yêu cầu một chị nhân viên của trại ký làm chứng là tôi không ký biên bản. Sau đó bảo tôi sang làm thủ tục lăn tay. Đương nhiên là tôi bảo tôi chả tự nguyện lăn tay, các anh cưỡng chế thì tôi phải làm thôi. Đến bắt cả người vào đây còn phải chịu nữa là lăn tay, tôi mà chống lại, họ cưỡng chế như Bùi Hằng thì tôi chịu rồi.
Tôi sang phòng lăn tay thì các nhân viên công lực đang ăn trưa. Tôi hỏi sao không để đến chiều thì công an Châu cứ bảo làm cho nó xong. Thế là tôi và công an Châu cứ đứng chờ ngay cạnh đó, cho họ ăn cơm xong rồi quay ra lăn tay. Về đến phòng giam chung, hỏi mọi người tôi mới ớ ra. Hóa ra cái bộ mặt tử tế kia bỗng chốc lộ nguyên hình là một kẻ lừa đảo. Trong số gần 30 chục người chỉ có 8 người bị lừa như tôi, cùng một kiểu lừa là mọi người lăn tay hết rồi, chỉ còn có mỗi anh/chị/cháu/chú nữa thôi, rằng đây chỉ là thủ tục. Một cậu thanh niên cười hi hí, bảo trên quảng cáo có câu:
- Hãy nói theo cách của bạn,
Vậy bây giờ ta nói:
- Hãy lừa theo cách của bạn
Tôi cãi:
- Cô có lừa ai đâu mà bảo vậy. Nếu thế thì phải nói là : Hãy lừa theo cách của công an.
Thảo nào mà công an Châu cứ bảo cố làm cho xong. Nếu chiều mới lăn tay thì ý đồ của kẻ lừa đảo sẽ bị lộ tẩy mất rồi còn gì. Tôi giận mình vẫn còn ngu dốt quá, cố tự an ủi rằng ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?
*
Định viết cho xong mà thấy hơi dài, cố kết thúc lại sợ chưa nói được hết, đành ngắt ra thêm một đoạn nữa vậy. Mong bà con thông cảm giùm.

Nguồn: Chim Kiwi Blog.

2 nhận xét :

  1. Chào các bạn.
    Tôi luôn theo dõi các bài viết về biểu tình chống TQ, nhận thấy vấn đề là các tư liệu hình ảnh thường được mọi người lưu trong thẻ nhớ, vì vậy khi bị đàn áp sẽ bị xóa (hoặc lấy) mất.
    Tôi nghĩ mọi người nên dùng giải pháp này :
    1. Sử dụng một điện thoại smartphone HDH Android (rất phổ biến LG, Samsung ...) hoặc Iphone sau đó cài đặt Viber (phần mềm gọi điện thoại, nhắn tin internet). Khi chụp ảnh bạn không sử dụng chụp thông thường mà dùng nhắn tin hình ảnh của Viber cho 1 máy điện thoại khác cũng dùng Viber (chọn Take photo), khi chụp xong hình ảnh được tự động gửi đễn máy ĐT kia (chú ý máy bạn phải có 3G).
    2. Sử dụng tài khoản Youtube, trên các smartphone thường có sẵn youtube, bạn chỉ cần đăng ký 1 tài khoản. Khi quay phim bằng smartphone bạn sử dụng quay trực tiếp lên youtube, khi quay xong đoạn phim đã được gửi lên youtube.
    Với hai cách này thì cho dù lực lượng đàn áp có thu giữ điện thoại thì hình ảnh, đoạn phim của bạn đã được gửi đi nơi khác, đồng thời tạo cơ hội chộp được những khoảng khắc bất ngờ với lực lượng đàn áp.

    Trả lờiXóa
  2. Loạn mất rồi! Công an điều tra Hải Phòng thì ngụy tạo chứng cứ đưa người dân vô tội vào tù, khi bị luật sư phanh phui thì thuê người tạt axit; công an Hà Nội thì bắt bớ, đàn áp thô bạo những người thể hiện lòng yêu nước thông qua biểu tình ôn hòa (theo Hiến định)để chống bọn Trung cộng xâm lược???

    Trả lờiXóa