Ngày 28.8.2012: Bà con Đại Từ, Thái Nguyên vẫn bám trụ tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - hình ảnh trong ngày:
“Có điện để sống, không phải có điện để chết”
Khánh An, phóng viên RFA
2012-08-26
Đã gần một tuần kể từ khi cuộc đối thoại dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/8 giữa người dân Đại Từ - Thái Nguyên với tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), lãnh đạo tập đoàn vẫn chưa có phản hồi gì sau khi đã thất hẹn với luật sư, các nhà khoa học và 33 hộ dân Đại Từ.
Hiện người dân Đại Từ vẫn cắm trụ trước cổng EVN để đòi hỏi quyền lợi di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Nhiều lần lỗi hẹn
Nhiều lần lỗi hẹn
Sau khi bất ngờ thay đổi địa điểm vào phút chót, tức vào ngày 16/8, chỉ 1 ngày trước khi buổi đối thoại dự kiến diễn ra, tập đoàn EVN đã không tiếp các hộ dân Đại Từ tại trụ sở ở Hà Nội như quyết định đã được hai bên đồng ý trước đó, mặc dù phía luật sư trợ lý pháp lý cho các hộ dân đã gửi thư đại khẩn thông báo không đồng ý việc thay đổi địa điểm.
Chính vì vậy sáng 17/8, 33 hộ dân Đại Từ, luật sư, nhà báo và các nhà khoa học vẫn đến trụ sở EVN như đã hẹn để được đối thoại với EVN về những ảnh hưởng nghiêm trọng trên sức khỏe và tính mạng của các hộ dân khi đường dây truyền tải điện 220 KV Tuyên Quang – Thái Nguyên được xây dựng và vận hành trên đất và nhà của họ. Tuy nhiên, việc gặp gỡ đã không diễn ra. Phía EVN không tiếp đón các hộ dân, mà ngược lại, cấm cả luật sư đại diện và các nhà khoa học bước vào bên trong trụ sở tập đoàn này.
Đại diện của 33 hộ dân thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết họ kiên quyết cắm trụ biểu tình trước trụ sở của EVN tại Hà Nội cho đến khi nào lãnh đạo tập đoàn này chịu tiếp dân mới thôi. Tuy nhiên, thời tiết mưa bão đã khiến một số người bị bệnh nhưng các nhà trọ xung quanh khu vực lại được lệnh không được chứa chấp các hộ dân này. Một người trong nhóm cho biết tình hình hiện tại:
“Vừa rồi một số bà con về dưới này vào đúng hôm mưa bão, nằm mưa bị ướt, nước vào người bị ốm, thế là vào nhà trọ. Họ cho trọ được hai tối, xong rồi nó cho công an vào bảo là nghiêm cấm không cho những người đi kiện EVN vào trọ, thế là họ không cho trọ. Con gái của cụ nhà trọ bảo là “Các chị ơi, hôm nay không được trọ ở đây. Công an nó thông báo rồi, nếu nhà nào mà chứa chấp những người đi kiện ở cổng EVN thì nó phạt”. Thế là bà con không cho trọ mà bà con chỉ giúp đỡ cho tắm nhờ, mỗi người 5.000 đồng thôi chị ạ.”
Chúng tôi đề nghị và trong văn bản hứa với chúng tôi là mùng 2/8 vừa rồi đối thoại trực tiếp với chúng tôi nhưng rồi lại hoãn lại, làm văn bản và lại hứa 17. Bây giờ lại quay ra lật lọng 180 độ, làm rất sai trái, lừa đảo, hành hạ bà con.Chị Tiến
Trong thông báo gửi cho các cơ quan báo chí, truyền thông, văn phòng luật sư Trần Vũ Hải, trợ lý pháp lý cho các hộ dân Đại Từ, cho rằng “lãnh đạo EVN đã không muốn dư luận và báo chí biết rõ về hoàn cảnh thương tâm của các hộ dân trên nên tìm cách né tránh tổ chức buổi họp”.
33 hộ dân Đại Từ hiện đang đồng khiếu kiện EVN về công trình đường dây tải điện 220 KV đi ngang qua nóc nhà khiến cho nhiều trường hợp tai nạn nghiêm trọng đã diễn ra. Thậm chí, sau khi dân Đại Từ gửi hàng trăm lá đơn kêu cứu về tình trạng mất an toàn điện sau khi công trình được đưa vào vận hành từ năm 2007, tổ công tác liên bộ gồm đại diện UBND xã, huyện, tỉnh Thái Nguyên, cùng với đại diện Văn phòng chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Y tế bộ Khoa học Công Nghệ đã đến khảo sát khu vực vào cuối năm 2007 và cũng đã bị điện giật. Thế nhưng sự việc đã bị bỏ lửng và từ đó đến nay người dân tiếp tục gặp các tai nạn điện nghiêm trọng.
Chị Tiến, một trong các hộ dân ở đây cho biết:
“Đau đầu, tức ngực, khó thở, mệt mỏi, choáng váng, giật, bỏng… Thằng bé con đứng trong nhà mà điện phóng vào bỏng hết nửa lưng phải mang đi cấp cứu. Có người bị điện phóng xuống chết đi sống lại cách đây khoảng 2 tuần, bây giờ cắm bút thử điện vào người là sáng rực lên như cắm vào ổ điện. Nhà tôi không ở được. Các con vật đẻ con bị dị dạng, chân không có ngón, mồm không có, không có mắt, chết dần chết mòn. Gà nuôi 8 tháng có 3 lạng, toàn khối u trên đầu thôi. Chúng tôi không biết bây giờ phải sống như thế nào. Gia đình tôi bây giờ tay trắng hết, không có nhà, không có đất, không có gì cả.
Nhà tôi các đoàn kiểm tra về bị điện giật bỏ chạy, không báo cáo trung thực, khách quan mà báo cáo sai hết bằng văn bản. Ông điện lực này ông trốn tránh, bỏ chạy, không ký biên bản làm việc. Ông làm việc với dân mà không ký biên bản, chạy, vác máy quay chạy hết. Chúng tôi đề nghị và trong văn bản hứa với chúng tôi là mùng 2/8 vừa rồi đối thoại trực tiếp với chúng tôi nhưng rồi lại hoãn lại, làm văn bản và lại hứa 17. Bây giờ lại quay ra lật lọng 180 độ, làm rất sai trái, lừa đảo, hành hạ bà con.”
"Có điện để mà ngất, có điện để mà chết, không được!"
"Có điện để mà ngất, có điện để mà chết, không được!"
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, người được mệnh danh là “Ông già Ozon”, trong một lần đi hướng dẫn người dân trồng chè sạch và bảo quản chè ở khu vực này, đã phát hiện ra sự mất an toàn điện ở đây. Ông cho biết:
“Nhà người ta đã có từ năm 1986, 1990, đang sống bình yên, bây giờ tự nhiên có một đường dây điện cao thế 220 KV đi qua đầu nhà mình, bên cạnh đấy lại là một đườngdây cao thế 110 KV, khi các máy sao chè chạy, chúng ta biết là khi cọ sát thì sẽ xảy ra hiện tượng tích điện và lập tức sét đánh. Khi quạt, ti vi chạy trước lúc trời mưa, đặc biệt là ở những vùng như Núi Hồng là mỏ than thì hơi độc ngưng tụ lại, tích rất nhiều điện tích, mà lúc đó lại sắp mưa, có mây tích nhiều điện tích thì sẽ xảy ra hiện tượng sét đánh. Kết quả là cháu Sơn đã bị sét đánh cháy bỏng lưng.
Hôm trước, sau khi bà con xuống trụ sở điện lực trở về, lại có một trận mưa. Trước cơn mưa có sét đánh làm cháy máy sao chè của nhà bà Sen. Đây là lần thứ hai máy sao chè bị cháy. Tất nhiên với tư cách cá nhân, tôi cũng chỉ nói chuyện được với một số nhà để chỉ họ cách phòng chống.”
Theo TS Nguyễn Văn Khải, việc người dân sinh sống dưới đường dây tải điện 220 KV sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng người dân, đồng thời ảnh hưởng cả trên công việc sản xuất.
“Nếu đọc lại tất cả tài liệu trên thế giới, người ta chỉ nói người công nhân làm ở trong hành lang điện hoặc dưới lưới điện bao nhiêu giờ, không có tài liệu nào nói rằng người dân bình thường có thể sống, sinh hoạt ở ngay dưới mạng lưới truyền tải điện với hiệu điện thế 220 KV như vậy. Bởi vì một anh công nhân vào làm việc hai giờ khác hẳn với một người đàn bà 70 tuổi bế một cháu 2 tuổi suốt ngày ở dưới lưới điện đó. Hiện tượng phơi nhiễm điện sẽ rất lớn.”
Gần đây nhất, chưa đầy một tháng trước, một người bị điện giật ngất. Họ phải giải quyết như thế nào chứ? Có điện để mà ngất, có điện để mà chết, không được!TS Nguyễn Văn Khải
Sau khi người dân Đại Từ ủy quyền cho văn phòng luật sư Trần Vũ Hải trợ lý pháp lý cho việc khiếu kiện, tập đoàn EVN lên tiếng khẳng định đã tuân thủ quy định của pháp luật về các thông số về khoảng cách an toàn, giá trị đo đạc về điện từ trường đối với hành lang lưới điện. Thế nhưng, TS Nguyễn Văn Khải cho rằng ngay cả quy định của điện lực Việt Nam mà thủ tướng Phan Văn Khải đã ký vào năm 2006 với chỉ một điều kiện là thông số cường độ điện trường là chưa đầy đủ, giống như kiểu “đau bụng uống nhân sâm… thì tắc tử”, bởi vì có thể với cùng một cường độ điện trường nhưng với độ từ thẩm của môi trường vùng đất, với độ tích điện của từ trường đó thì sẽ xảy ra nhiễu khác nhau.
“Là một nhà khoa học, tôi thấy khi xét đến ảnh hưởng của từ trường và các thông số của điện từ trường ấy thì phải xét cường độ của điện trường, độ lớn cảm ứng từ và cường độ của dòng điện cảm ứng. Nhưng trong quy chuẩn của điện lực Việt Nam chỉ đưa một thông số là cường độ điện trường. Không thể có một cái kiềng nào một chân! Cái kiềng này phải ba chân.”
Chính vì những khúc mắc xung quanh việc xây dựng và thực tế vận hành dự án đường dây điện 220 KV Tuyên Quang – Thái Nguyên mà phía luật sư và các nhà khoa học đề nghị EVN và các cơ quan quản lý liên quan cùng đối thoại với người dân để tìm cách giải quyết. Thế nhưng EVN đã nhiều lần lỗi hẹn trong việc đối thoại với người dân.
TS Nguyễn Văn Khải nói:
“Điện là cần thiết. Điện cần cho tất cả các gia đình. Ủng hộ việc lắp đặt các lưới truyền tải điện nhưng phải đảm bảo an toàn điện bởi vì người ta có điện để sống chứ không phải có điện để mà chết.
Nếu thực sự họ muốn đem lại hạnh phúc cho nhân dân, họ muốn đời sống của người dân trở nên tốt hơn thì họ phải giải quyết vấn đề an toàn điện, phải giải quyết những vụ cháy các thiết bị điện, các vụ bỏng điện. Gần đây nhất, chưa đầy một tháng trước, một người bị điện giật ngất. Họ phải giải quyết như thế nào chứ? Có điện để mà ngất, có điện để mà chết, không được!”
Theo TS Nguyễn Văn Khải, chỉ có hai cách để giải quyết vấn đề là thay đổi đường dây hoặc di dời các hộ dân bên dưới đường dây truyền tải điện. Tuy nhiên, việc thay đổi đường dây sẽ rất tốn kém và gây thiệt thòi cho người dân khu vực nên giải pháp tốt nhất vẫn là hỗ trợ cho người dân di dời.
Nguồn: RFA Việt ngữ.
Dân ta thật khổ! Chiến tranh thì hy sinh tính mạng, tài sản. Khi hoà bình thì bị “đầy tớ” hành hạ không thương tiếc.
Trả lờiXóaLãnh đạo EVN đã tỏ ra không có thiện chí trong việc giải quyết hậu quả an toàn lưới điện 220 KV do họ gây ra đối với người dân Đại Từ- Thái Nguyên. Hậu quả gây ra là cực kỳ nghiêm trọng liên quan đến tính mạng và tài sản của hàng trăm CON NGƯỜI của 33 HỘ DÂN đã an cư hàng chục năm nay trước khi EVN xây dựng đường dây tải điện cao thế 220KV tuyến Tuyên Quang- Thái Nguyên. Trước sự vô trách nhiệm, cố tình né tránh của Lãnh đạo EVN đối với nạn nhân của họ; Đề nghi Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải với tư cách trợ lý pháp lý của các nạn nhân: hãy nhanh chóng lập hồ sơ khởi kiện Lãnh đạo EVN ra trước tòa án. Buộc EVN phải giải quyết hậu quả nguy hiểm do họ gây ra cho những người dân Đại Từ- Thái Nguyên.
Trả lờiXóaLãnh đạo gì mà lếu láo thế???Nói thì phải giữ lời chứ!
Trả lờiXóaCần kiện tập đoàn/nhóm lợi ích EVN ra trước Tòa, đã đành tôi không còn tin vào hai chữ "Công lý" ở Việt Nam nữa nhưng ít nhất phải lột cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa của chúng ra, kiện để cả nước nhìn thấy EVN ác với dân, coi sinh mạng dân như rác, kiện cho cả nước thấy EVN chỉ biết có tiền vào túi mình là được còn thì ỷ mạnh bất chấp đạo lý.
Trả lờiXóaCàng thương dân càng căm giận bọn hy sinh dân để làm giàu cho riêng chúng.