Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

NHẾCH NHÁC HÀ NỘI - HÀ NỘI NHẾCH NHÁC

Ảnh: Dothi.net

NHẾCH NHÁC
Tô Văn Trường
Là một người từ tỉnh lẻ lên Hà Nội, tôi đã từng háo hức, khát khao được sống  và làm việc ở Hà Nội để được gọi là “người Hà Nội”.  Thế mà sau hàng chục năm gắn bó với Hà Nội, kể cả khi đã di dời vào TP.HCM có dịp trở lại thăm thủ đô  có ai hỏi cảm giác chung về hình ảnh Hà Nội, tôi không thể dấu tiếng thở dài gói gọn trong hai từ “nhếch nhác”!  Tôi không nỡ dùng từ nặng hơn bởi tình yêu và lòng tự hào của mình đối với Hà Nội.

Nhếch nhác từ vỉa hè bị đào bới bất kể ở đâu, bất kể lúc nào, từ những mớ dây cáp đủ loại bám chằng chịt trên những cây cột xiêu vẹo, từ trăm ngàn tấm biển quảng cáo chen lấn những khoảng không gian chật hẹp của phố phường. Nhếch nhác bởi trăm ngàn đống rác, đống phế  thải đổ trộm, trăm ngàn hố nước và cống rãnh đen ngòm, bẩn thỉu. Nhếch nhác bởi cách đi đứng, giao thông lộn xộn, bát nháo, lúc nào cũng chen lấn, giành giật như sợ mất phần! Nhếch nhác bởi cách ăn mặc, nói năng tục tĩu của nhiều người, ở nhiều lứa tuổi không biết từ đâu kéo về túm tụm, mưu sinh ở đất Hà thành. Nhếch nhác ở tác phong, trang phục, ở cách hành xử khi thi hành công vụ của rất nhiều nhân viên, cán bộ công quyền Hà Nội. Những tưởng sau 10 năm đầu tư, chuẩn bị công phu, tốn kém, rầm rộ cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long thì thủ đô sẽ lột xác. Nhưng kết quả đã không như mong đợi, và sau 2 năm đại lễ, những cái “nhếch nhác” kể trên hầu như vẫn còn nguyên vẹn.
Không ít khách nước ngoài sau khi “chiêm ngưỡng” Hà Nội vài ba ngày, đã có chung một câu khái quát “Chỉ cần nhìn vào trật tự giao thông ở một đô thị, người ta có thể đánh giá đuợc năng lực điều hành quản lý của chính quyền sở tại là như thế nào”!  Ai cũng hiểu ngụ ý của câu nói trên. Khốn nỗi, không chỉ có giao thông, mà ở tất cả các mặt sinh hoạt khác của Hà Nội, người ta đều có thể dễ dàng đưa ra nhận xét như vậy.
Đi tìm nguyên nhân, người ta thường đổ cho trình độ dân trí kém, do kinh tế toàn cầu khó khăn. Nhưng có một nguyên nhân quan trọng, nói ra không sợ mất lòng. Đó là sự vô cảm của những người lãnh đạo, quản lý Hà Nội. Không thể nói rằng trình độ và năng lực của họ kém (toàn những bằng cấp, học vị, trường  nọ, trường kia cả đấy chứ!) Nói thẳng ra là họ đã không cảm thấy xót xa, xấu hổ vì đã để cho Thủ đô, trái tim của cả nước, nơi đuợc ưu ái nhất “nhếch nhác” đến như vậy. Bởi vì, nếu so sánh với Đà Nẵng thì người ta có thể thấy ngay rằng ê kíp của ông Nguyễn Bá Thanh chắc chắn là đã làm được nhiều việc hơn, có ích hơn và biết xót xa, xấu hổ hơn trước những “nhếch nhác” của thành phố mình! Khi người ta có lòng tự trọng, biết thông cảm, yêu thương đồng bào, đồng loại, biết xót xa, xấu hổ trước những “nhếch nhác” bày ra hàng ngày trên đuờng đến công sở hoặc đi hội họp, chắc chắn những người có quyền chức sẽ “lao tâm khổ tứ” để tìm ra các giải pháp tốt nhất, để có những hành động quyết liệt nhất nhằm giảm bớt, tiến đến xóa bỏ những cái nhếch nhác kể trên. Họ hứa nhiều nhưng họ chẳng làm chẳng được là bao! Mặc dù tiền của đổ ra cho Hà Nội là rất lớn. Tư duy và cơ chế “nhiệm kỳ” đã và đang làm nhiều cán bộ công quyền của chúng ta vô cảm và vô liêm sỉ đến thế đấy! Và Hà Nội cũng như nhiều nơi khác trên đất nước ta vẫn còn tiếp tục “nhếch nhác”!
Ngẫm suy sâu xa về Hà Nội, bạn HLT tâm sự  khi từ Tokyo về Hà Nội năm 1981, đây là lần đầu tiên về thăm quê nhà sau 14 năm du học và đặt chân vào Hà Nội trước khi vào Sài gòn với gia đình (vì lúc đó là khách của Bộ Ngoại Giao) được ở Hà Nội đúng 1 tháng và vào Sài gòn ngày 29 tết năm ấy. Đến Hà Nội thấy cái gì cũng vui mắt, lộn xộn dễ thương sau khi hòa bình đã  được lập lại 6 năm nhưng hồi đó HLT nghĩ những cái lộn xộn, lôi thôi và nhếch nhác thời ấy rất dễ thông cảm vì chiến tranh kéo dài quá lâu, sống chết chưa rõ ra sao nên trước hết là "cố" sống và "phải" sống dù thiếu thốn, chật vật đủ điều, từ vật chất đến tinh thần nhưng tất cả là hậu quả của chiến tranh, ai cũng phải chấp nhận để chiến đấu với tinh thần nhường nhịn "nhường cơm sẻ áo". Nhờ vậy, chúng ta đã đi đến ngày toàn thắng (!). Những năm đầu sau khi chiến tranh  kết thúc, toàn xã hội  bung ra, người  miền Bắc (Hà Nội) thì đúng là đi tìm "hàng", bát nháo...trong tình trạng cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn, chụp giật, ngược xuôi búa xua để được sống thoải mái hơn thời bom đạn. Còn miền Nam, đặc biệt là Sài gòn thì  người ta tìm "họ", kiếm đường vượt biên, chẳng thiết đến làm ăn lâu dài, nhà cửa, đồ đạc  bán  tất tần tật để "ra đi"... vì vậy những tình cảnh năm ấy đã trở thành tiền đề của sự bát nháo, nhếch nhác từ đạo đức, văn hóa, giáo dục...đồng tiên có giá trị tuyệt đối, là "tiên, là Phật, là công lý” như chúng ta đã từng được nghe. Vì vậy, cách đối xử giữa người và người đã bị méo mó, lệch chuẩn và tất cả điều này đã làm băng hoại các giá trị truyền thống của người dân thành thị, ngày càng lan tỏa ngược lại về nông thôn , trở thành một cái nếp nhăn tệ hại trên con đường phát triển kinh tế (vật chất) của chủ nghĩa thực dụng !
Chẳng phải vì thành phố lớn hay bé, hiện đại cỡ, cấp nào mà là nền giáo dục từ cấp mầm non đến trung học cơ sở, những người có trọng trách  không quan tâm đến vấn đề dạy "làm người" với các giá trị đạo đức chuẩn mực của xã hội  (phó mặc việc dạy dỗ đạo đức này cho gia đình)...mà lại coi trọng giáo dục tư tưởng, lý thuyết trừu tượng, nhồi  nhét vào đầu óc non nớt những gì mà người lớn (cách mạng)  muốn áp đặt một cách chủ quan. Sự vá víu từ tư tưởng đến thực dụng trong đời sống sinh hoạt thường nhật thiếu thốn do sai lầm, chủ quan  trong điều hành kinh tê-xã hội cấp vĩ mô những năm sau ngày giải phóng đã tác động và phát sinh ra nếp sống bát nháo, nhếch nhác, ích kỷ khó chữa hôm nay chăng?
Nói cho cùng, nếu chỉ xét nét, mà không biết xây dựng (dù anh là người từ xứ sở nào về Hà Nội) thì vẫn phải có trách nhiệm công dân.  Ra Hà Nội, một số bạn ở trong Nam thường thích đi xe ôm hơn taxi và phóng khoáng như đi xe ôm ở Sài gòn không buồn trả giá, thậm chí bo thêm nếu đi giữa trời nắng gắt hay trong mùa giá lạnh. Chỉ có từng con người mới làm nên Hà Nội đẹp, bởi trong bản thân mỗi con người Hà Nội tử tế đều mong muốn thủ đô ngày đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Chuyên gia xã hội học Quỳnh Hương cho rằng điều quan trọng là phải khơi dậy một cuộc thảo luận thực sự nghiêm túc để những người có chuyên môn, những người làm nghề liên quan đến kiến trúc, xây dựng, và quy hoạch (bao gồm các quy hoạch ngành như quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị...) cùng nhau bàn luận để có tiếng nói, và quan trọng là có hành động nhằm giảm bớt sự hỗn loạn trong phát triển như hiện nay. Ai cũng thừa nhận rằng Đà Nẵng đã làm được một việc là đô thị của họ khá hơn những đô thị khác trong cả nước. Điều quan trọng là họ đã dám quyết định, dám hành động có suy nghĩ. Còn nhiều đô thị khác thì dám quyết định, dám hành động thiếu suy nghĩ.
Là một công dân hãy biết góp phần thay đổi hiện tượng. Người Mỹ chỉ phê phán lãnh đạo bất tài, chứ không bao giờ phê phán những người cùng khổ, bần hàn sinh đạo tặc, mà luôn thông cảm với họ, với nhiều nhóm xã hội giúp họ thay đổi lối sống có ích cho xã hội, cho đất nước. Uớc gì, ở đất nước ta,  các đô thị, đặc biệt là thủ đô ngàn năm văn hiến ai cũng thật sự hiểu văn hóa mà người Mỹ xây dựng trên đất nước họ để cho các “nhếch nhác” hiện nay chỉ còn là dĩ vãng. 

T.V.T.

15 nhận xét :

  1. So với các đô thị trong cả nước, có thể nói Hà Nội là nơi nhếch nhác, bẩn thỉu (đen+bóng) và kém văn minh nhất. Một bộ phận người dân thì "ăn to, nói lớn", ra đường thì ăn mặc tạp nham, kể cả mặc đồ lót, đồ ngủ, khạc nhổ, phóng uế bừa bãi (công viên, gốc cây. Qua con đường gốm sứ mà thấy khai mù!). Rác rưởi tràn ngập mọi ngõ ngách.
    HN lắm lực lượng chức năng nhưng chẳng lực lượng nào đứng ra giải quyết các tệ nạn trên.

    Trả lờiXóa
  2. Bạn nào đã từng du lịch Campuchia thăm Angkor chắc cũng nhận thấy từ vùng quê đến Xiem Reap đến thủ đô Phnom Penh, người Campuchia ăn ở sạch sẽ hơn người Việt. Không có cảnh rác rưởi bịch ni lông vương vãi đầy 2 bên đường quốc lộ hay rác rưởi nổi lều phều trên sông. Thủ đô Phnom Penh rất sạch và những biệt thự từ thời Pháp được gìn giữ cẩn thận không bị phá hoại vì tân trang thiếu văn hóa thẩm mỹ. Khoảng cách giàu nghèo cũng ghê lắm nhưng người nghèo Campuchia vẫn hiền lành không dữ tợn không lưu manh. Tôi thích nhất là để quảng cáo, trang trí họ dùng các hình ảnh đặc biệt của dân tộc Campuchia như vũ nữ Apsara, voi, tháp Angkor, không hề thấy các thứ ngoại lai như lồng đèn đỏ, lân tàu ,... nơi các chùa đền. Nói chung trình độ văn hoá và dân tộc tính của người Campuchia cao hơn người Việt rất rất nhiều thật đáng hổ thẹn cho người Việt.
    Chỉ có điều tôi lo cho người Campuchia là họ bắt quá nhiều côn trùng mỗi ngày để làm đồ ăn đem bán cho khách du lịch. Không còn côn trùng tới một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng tai hại đến sinh thái, nông nghiệp.

    Trả lờiXóa
  3. Đề nghị ghi tên Hà Nội vào kỷ lục Guiness mới của Việt Nam năm 2013: Thành Phố Nhếch Nhác NHẤT của Việt Nam! Trời ơi là trời! Bó tay, bó chân luôn!

    Trả lờiXóa
  4. Người Mỹ chỉ phê phán lãnh đạo bất tài, chứ không bao giờ phê phán những người cùng khổ, bần hàn sinh đạo tặc, mà luôn thông cảm với họ, với nhiều nhóm xã hội giúp họ thay đổi lối sống có ích cho xã hội, cho đất nước.

    Trả lờiXóa
  5. Bao giờ các vị lãnh đạo Hà nội cảm thấy Thành phố bẩn như nhà mình bẩn, thấy người dân cư xử thiếu văn hóa như con cháu mình vô giáo dục thì lúc đấy Hà nội mới chuyển biến được

    Trả lờiXóa
  6. HN nằm trong TOP-TEN ....về tệ nạn trộm cắp móc túi và ...nhếch nhác, đặc biệt là khói bụi và nhiều thán khí, khí thải( CO2),
    Tiếng ồn cũng đạt... cực đại

    Trả lờiXóa
  7. Nhếch nhác Hà Nội- Hà Nội nhếch nhác. Vâng! Với "dàn lãnh đạo" Hà Nội được hình thành theo "cơ cấu" qua các nhiêm kỳ. Lãnh đạo Hà Nội- Họ chưa bao giờ là những "NGƯỜI HÀ NỘI" theo đúng nghĩa của cụm từ này. Họ không mang dòng máu thanh lịch của "NGƯỜI TRÀNG AN"; Họ không có trái tim yêu Hà Nội đích thực của "NGƯỜI HÀ NỘI"; Cùng với lối tư duy nhiệm kỳ lãnh đạo "ngắn- thấp" với cái nhìn "địa phương chủ nghĩa" hạn hẹp. Thì Hà nội không nhếch nhác như các bạn đã thấy mới là chuyện lạ. Tất cả mọi người đều thấy, Chỉ có lãnh đạo đảng và chính quyền Hà nội không thấy...nhếch nhác Hà Nội!Ôi, Hà Nôi!!!

    Trả lờiXóa
  8. Tôi làm nghề kinh doanh nhà hàng, giải trí chuyên tiếp khách du lịch. Tôi xin nhận xét như sau, chỉ là nhận xét chung, không phải vơ đũa cả nắm, nhưng mà nói thực tế, ai không tin thì thôi:
    - Người Hà Nội: Vô giáo dục nhất trong các loại "người" mà tôi từng gặp. Phải dành riêng cho người Hà nội từ vô giáo dục vì, nếu nói mất lịch sự thì thời buổi bây giờ người Việt đa số là mất lịch sự khi ra ngoài. Bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào người Hà nội đều có thể chửi bới, chửi theo kiểu bóng gió cũng có, kiểu đ.mẹ mày cũng có.
    Toi thường hướng dẫn nhân viên cách tiếp khách Hà Nội thế này:
    - Nếu khách ăn mặc lịch sự, mang theo túi thì cảnh giác mất đồ.
    - Nếu khách hỏi đò ăn, uống phải báo giá trước, tránh cãi nhau sau khi dùng dịch vụ xong.
    - Nếu nhận phòng ăn và phòng hát thì thứ tự tiếp đón là: Ưu tiên khách Hải phòng trước, Dân đồng bằng kế tiếp, cuối cùng là Hà nội.

    Trong tất cả du khách thì khách Hải Phòng lịch sự nhất, kế đến là Quảng NInh. Quảng ninh thì ăn nói không dễ nghe lắm, được cái phóng khoáng, nhiều tiền.
    Khách nhà quê (tức là Thái Bình, Nam Định, Hải Dương,... những tỉnh quanh Hà Nội, ở quê tôi gọi họ là dân nhà quê) ít tiền, không được văn minh lắm, được cái không dám láo toét, nói chung không có gì đáng nói.

    Xin lỗi các bạn, nếu tôi có dùng một số từ ngữ phản cảm thì thông cảm cho tôi. Tôi chỉ cố gắng dùng từ ngữ để thể hiện đúng cái bản chất của từng vùng miền.
    Ví dụ gọi là dân nhà quê, đó là sự thực. Tôi ở vũng sâu xa nhất Quảng Ninh đây, nhưng quê tôi người ta vẫn gọi người đồng bằng là dân nhà quê, bởi nghèo, kẹt xỉ.
    Dân Hải phòng Quảng Ninh thực ra tệ nạn rất nhiều, nhưng tôi nói thật lòng tôi cảm thấy dễ chịu khi ở gần những con người thô tục mà còn nhiều chất thật thà.
    Chứ người Hà nội gian manh, quỷ quyệt cho vàng tôi cũng đếch thèm làm bạn.
    Các bạn đừng có biện luận là người nhà quê làm hỏng Hà nội nhé, luận điệu này cũ rồi, tôi nghe hơn mười năm rồi.
    Ai chứng minh được người Hà nội là tốt đẹp, chứng minh đi, tôi sẽ trả lời

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. người Hà nội thanh lịch đó là những người Hà nội xưa đó và chỉ có trong 4 quận nội thành xưa,( sinh sống ở Hà nội trước năm 1945) tôi không phải người gốc Hà nội nhưng cũng sinh ra và lớn lên ở Hà nội nên biết nhiều về người Hà nội,cho đến nay phần lớn những gia đình gốc Hà nội vẫn còn giữ được nét thanh lịch gia giáo nhất là những gia đình trí thức. ngày nay dân Hà nội phần lớn là dân từ các tỉnh kéo về họ rất thiếu văn hóa cộng với nền giáo dục yếu kém khiến đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, đừng vơ đũa cả nắm , người hà nôi xưa vẫn luôn khiến tôi ngưỡng mộ , bây giờ ra đi dạo ở các phố cổ gặp các cụ già chống ba tong đội mũ phớt nếu các bạn được trò chuyện cùng họ sẽ hiểu thế nào là người Hà nội thanh lịch.Điều đó không bao giờ sai nhưng chỉ đúng với người Hà nội gốc

      Xóa
    2. "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An", bạn hãy nhớ rằng chỉ có người Tràng An thanh lịch thôi nhé , Hà nội bây giờ mở rộng tới tận Hòa binh , Hà Tây ( chả hiểu để làm cái gì mà hoành tráng thế thành thủ đô to thứ 3 thế giới) Hà nôi bây giờ đâu có phải Tràng An. Thôi đừng chửi họ nữa vì họ chính là mấy bác và cô cậu nhà quê mà thôi.Có lẽ cũng đông hương đồng khói với bạn đấy

      Xóa
  9. Gốc của mọi vấn đề vẫn là dân chủ. Chỉ khi có dân chủ, chúng ta mới có được những lãnh tụ mà chính người dân tìm ra một cách xứng đáng. Tình trạng còn tiếp tục thế này, thì những gì chúng ta kêu than, chịu đựng sẽ còn dài.... Nhưng tôi tin sẽ đến lúc phải thay đổi, nhưng khi nào?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu tôi là thị trưởng HN, việc đầu tiên tôi sẽ huy động mọi khả năng để dọn dẹp HN cho sạch, sau đó quản lý bằng luật.
      Không hiểu tại sao cái công cụ quản lý cực kỳ hữu hiệu là Luật lại không sử dụng được / không được xử dụng ở đất nước này?

      Xóa
  10. Sự nhếch nhác của HN có lý do của nó, có gì khó hiểu đâu. HN là trung tâm, bộ mặt của cả nước. Sự "nhếch nhác" bắt đầu từ... Tôi sinh ra ở HN nhưng đi nhiều nơi, thấy thất vọng về HN nhất. Còn ở lại HN chỉ vì lý do mưu sinh thôi.

    Trả lờiXóa
  11. Về cơ bản dân việt trong cách cư xử vẫn rất thiếu văn hóa , lý do vì đâu ? Bác Hồ có dạy : Vì lợi ích mười năm trồng cây , vì lợi ích trăm năm trồng người , rừng thì càng ngày càng mất đi , đạo đức con người thì càng xuống cấp thử hỏi các vị lãnh đạo trong suốt bao năm qua đã làm được gì cho dân tộc này ,gần một thế kỷ rồi trồng cây cũng chẳng xong mà trồng người cũng chẳng nên .Thất vọng!!!

    Trả lờiXóa
  12. Tôi là người HN,sinh ra và sống ở HN gần 60 năm ,tôi thấy những gia đình HN gốc vẫn là những con người đáng nể.Họ có thể nghèo hơn tầng lớp giàu mới nổi, nhưng nếp sống văn minh thanh lịch thì vẫn như xưa ,con cái vẫn được giáo dục tử tế.Chỉ có điều tôi nhận thấy HN ngày càng trở nên phức tạp ,nhếch nhác,và ...mọi rợ hơn.Buồn thay!
    Nó cũng là điều tất yếu của một xã hôi có luật pháp bị dột từ nóc dột xuống

    Trả lờiXóa