Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

NGOẠI TRƯỞNG MỸ: VIỆT NAM NGÀY CÀNG QUAN TRỌNG Ở ĐÔNG NAM Á

Clinton: 'Việt Nam ngày càng quan trọng ở Đông Nam Á'

 

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, trong chuyến thăm lần thứ ba trong ba năm, đánh giá cao vai trò của Việt Nam như một đối tác về hợp tác kinh tế và an ninh hàng hải.

Bà Clinton đang có chuyến thăm hai ngày tới Việt Nam, gặp các quan chức cấp cao của chủ nhà để bàn về hợp tác kinh tế, giáo dục cũng như các vấn đề cùng quan tâm, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Mỹ. Tháp tùng bà Clinton là đoàn quan chức và doanh nghiệp Mỹ.

Chuyến thăm diễn ra trước khi bà tham dự loạt hội nghị quan trọng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Diễn đàn an ninh khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp bà Clinton tại Hà Nội chiều nay. 

"Chúng tôi đã trao đổi hữu nghị, cởi mở, xây dựng, thẳng thắn về các vấn đề trong quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực. Hai bên cũng rất hài lòng về những thành tựu trong quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua", Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói trước báo giới. "Chúng tôi tin rằng quan hệ Việt - Mỹ còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo...".

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho rằng việc bà Clinton được tháp tùng bởi một phái đoàn hơn 20 doanh nghiệp Mỹ sẽ giúp mở ra những cơ hội kinh doanh và đầu tư. "Kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ tiếp tục là trọng tâm và động lực trong quan hệ song phương", Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói.

Về vấn đề Biển Đông, người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam cho hay: "Chúng tôi cũng trao đổi về việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, an toàn, an ninh hàng hải ở Biển Đông. Hai bên cùng nhất trí rằng tranh chấp chủ quyền cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời tuân thủ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc".

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong buổi họp báo sau hội đàm. Ảnh: Phan Lê

Trong bài phát biểu tại cuộc họp báo, bà Clinton nói: "Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi tới Việt Nam vào năm 2000 khi tôi cùng đi với chồng tôi, khi đó ông ấy vẫn còn là tổng thống Mỹ. Giờ thì đây đã là chuyến thăm thứ ba của tôi trong cương vị ngoại trưởng Mỹ. Rất nhiều sự thay đổi đã diễn ra".

Theo ngoại trưởng Mỹ, hai nước đang cùng nhau hợp tác về an ninh hàng hải, cùng hợp tác để thúc đẩy thương mại, kinh tế. "Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng và đóng góp nhiều hơn tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam và Mỹ chia sẻ những chiến lược quan trọng. Tôi và bộ trưởng ngoại giao Việt Nam sẽ còn gặp nhau tại Campuchia để có cơ hội trao đổi nhiều hơn về nhiều vấn đề quan trọng, ví dụ như vấn đề Biển Đông", bà Clinton nói.

Ngoại trưởng Mỹ cho hay Mỹ đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam trong việc nỗ lực có được giải pháp ngoại giao để làm giảm căng thẳng tại Biển Đông.

Sau cuộc họp báo, bà Clinton dự lễ kỷ niệm 20 năm chương trình học bổng Fulbright tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. Tại đây, ngoại trưởng Mỹ gặp hơn 600 cựu sinh viên của chương trình này. Fulbright là chương trình do Thượng nghị sĩ Mỹ William Fulbright sáng lập từ năm 1946, với mục tiêu tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Mỹ và các quốc gia khác thông qua trao đổi văn hóa và giáo dục.

Buổi chiều cùng ngày, ngoại trưởng Mỹ sẽ tham dự sự kiện của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN. Thúc đẩy hợp tác kinh doanh và xuất khẩu của Mỹ sang châu Á là một trong những chủ đề quan trọng trong chuyến công du của bà Clinton.

"Tôi nghĩ một trong những vấn đề chủ chốt ở đây là, nếu nhìn vào ASEAN, ta sẽ thấy nơi đây có tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất thế giới", AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ trong đoàn của bà Clinton nói. 

"Và khi ta nghĩ xem điều gì sẽ là quan trọng đối với việc hồi sinh nền kinh tế Mỹ, thì rõ ràng đó là vai trò trung tâm của xuất khẩu, đặc biệt là thị trường châu Á", nhà ngoại giao không nêu tên nói. 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Ảnh: AFP

Đây là lần thứ ba ngoại trưởng Mỹ tới Việt Nam trong vòng ba năm qua. Năm 2010, bà Clinton tới Việt Nam hai lần. Trước khi tới Việt Nam lần này, bà Clinton đã thăm Pháp, Nhật Bản, Mông Cổ. Sau khi rời Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ còn tới thăm Lào, Campuchia, Ai Cập và Israel. Tại Campuchia, bà Clinton sẽ tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á, Hội nghị bộ trưởng Mỹ - ASEAN…

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta vừa đến thăm Việt Nam, trong đó có ghé thăm một tàu Mỹ đang đậu trong cảng Cam Ranh. Panetta phát biểu rằng Mỹ trông đợi được tiếp cận nhiều hơn nữa đến các cơ sở như vậy. 

Cũng hôm nay, hơn 1,200 thành viên quân sự và dân sự của nhiều quốc gia đang có mặt trên tàu bệnh viện USNS Mercy thuộc Hải quân Mỹ sẽ cập cảng Cửa Lò, Nghệ An, theo chương trình đối tác Thái Bình Dương 2012. Tàu Mercy sẽ cung cấp hỗ trợ dân sự và nhân đạo tại tỉnh Nghệ An trong 15 ngày, thực hiện các dự án về y tế, thú y, xây dựng. 

Phan Lê
Nguồn: VNE.

3 nhận xét :

  1. Ba năm, ba lần dành thời gian thăm VN, điều đó nói lên bà Clinton quan tâm (và cả yêu mến nữa) tới VN như thế nào. Xin cám ơn bà.
    Trong tình hình TQ ngày càng làm phức tạp ở Biển Đông như hiện nay, thì sự có mặt của bà Clinton tại Hà Nôi là nguồn động viên lớn đối với chúng ta, làm chúng ta tự tin hơn trong cách xử lý trước các hành động ngang ngược của TQ.
    Ai thường xuyên theo dõi sự xuất hiện của bà Clinton trên các diễn đàn hoặc trong các chuyến thăm các nước thì thấy, mỗi lần đến thăm VN thì nét mặt của bà tươi tắn hẳn lên, rạng rỡ hẳn lên, nụ cười luôn thường trực trên môi, chứ không căng thẳng như thăm Tầu và một số nước khác. Điều đó nói lên, bà rất yêu mến và tôn trọng VN và cảm thấy thoải mái mỗi khi đến thăm, mặc dù bao gánh nặng ngoại giao đang đè lên vai bà.
    Trong tình hình hiện nay, chỉ có thể dựa vào sự ủng hộ của Hoa Kỳ thì mới có thể ngăn chặn được những hành động ăn cướp của Tầu và do đó tình hình Biển Đông mới có thể lắng dịu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu chúng ta thành bãi thử vũ khí của các nước lớn thì sao?

      Xóa
  2. Tự do truy cập internet là một quyền cơ bản của con người
    Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã chính thức thông qua nghị quyết coi tự do truy cập internet và tự do thể hiện suy nghĩ của mình trên internet là một quyền cơ bản của con người. Tuy vậy toàn văn cụ thể của nghị quyết vẫn chưa được công bố.

    Tôi hoan nghênh nghị quyết này của Liên Hợp Quốc. Song vấn đề cơ bản vẫn là làm sao để quyền cơ bản đó của con người được bảo đảm trong cuộc sống. Hiện nay ở Việt Nam việc truy cập vào đọc blog ở hệ thống blogspot và wordpress vẫn bị ngăn chặn. Về vấn đề này tôi từng đề cập nhiều lần (Vượt trùng vây, Phản đối chặn blog , Khi blog của các giáo sư bị ngăn chặn, Vệ tinh và tường lửa). Tôi từng đặt câu hỏi ngăn chặn truy cập internet có phải là một tội ác chống nhân loại, đi ngược lại trào lưu tiến bộ của thế giới và nhận thức chung của nhân loại, và giờ đây với nghị quyết của Liên Hợp Quốc về quyền cơ bản của con người câu trả lời trở nên rõ ràng hơn. Những ngăn chặn của ngày hôm nay cần phải được lưu ký lại để có một phán xét công bằng trong tương lai và trách nhiệm của những kẻ ngăn chặn hôm nay trong ngày mai.

    Trả lờiXóa