Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

GIỮ GÌN TÀI LIỆU VÀ KỶ VẬT CỦA CỐ GS. TÔN THẤT TÙNG

GS Tôn Thất Tùng và vợ (bà Vi Thị Nguyệt Hồ) trong chuyến thăm CHDC Đức.
Bảo quản hơn 3.000 tài liệu, hiện vật 
của cố GS.Tôn Thất Tùng

Trịnh Hữu Long 

Hơn 50 cuốn nhật ký và hồi ký, 200 bức ảnh gốc, hàng trăm cuốn sổ ghi chép chuyên môn và nhiều hiện vật khác của cố Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982) đã được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp nhận từ người thân của ông. 

Trung tâm cho biết, họ bắt đầu nghiên cứu về GS. Tôn Thất Tùng từ đầu năm 2010 và nhận được sự ủng hộ của bà Vi Thị Nguyệt Hồ - vợ của ông, và TS. Tôn Nữ Ngọc Trân – con gái cả của ông. 

Trong lần tiếp nhận đầu tiên vào năm 2010, gia đình GS. Tôn Thất Tùng trao cho Trung tâm  200 bức ảnh tư liệu gốc về hoạt động giảng dạy, chữa bệnh, nghiên cứu của ông từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến khi ông qua đời. Phần lớn số ảnh đã bắt đầu bị hư hại và được đưa vào quy trình bảo quản đặc biệt. Các cuốn nhật ký, ghi chép của ông khi đi Triều Tiên, Trung Quốc năm 1951, dự Hội nghị quốc tế về chất diệt cỏ tại Pháp năm 1970 cũng được bà Vi Thị Nguyệt Hồ trao cho Trung tâm.

Đặc biệt, trong lần tiếp nhận tháng 5/2012, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 3.000 đầu mục tài liệu, hiện vật về ông, trong đó có 50 cuốn nhật ký, hồi ký ghi chép về các công việc đã làm, những chuyến đi công tác tại Trung Quốc, Liên Xô, Đức, Pháp, Mỹ,…; hàng trăm cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ về mổ tim, cắt gan, ung thư gan và các nghiên cứu bước đầu của ông về ảnh hưởng của chất diệt cỏ đối với người Việt Nam. Ngoài ra, còn có gần 500 bức thư ông trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng khác nhau cùng các đồ dùng sinh hoạt của ông lúc sinh thời.

GS. Tôn Thất Tùng là một trong những đối tượng nghiên cứu đầu tiên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam kể từ khi Trung tâm được sáng lập vào năm 2008. Ông sinh năm 1912, mất năm 1982, nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Tên ông được đặt cho một phương pháp mổ gan khô do ông nghiên cứu thành công năm 1960, hay còn gọi là phương pháp “cắt gan có kế hoạch”. Ông từng là Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Đại học Y Dược Hà Nội từ năm 1954.

Con trai ông, Phó Giáo sư, Viện sĩ, bác sĩ Tôn Thất Bách (1946-2004), cũng là một bác sĩ nổi tiếng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, nguyên Giám Đốc Bệnh viện Việt Đức, nguyên Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội. 

Nguồn: Tia Sáng.

2 nhận xét :

  1. Đại gia đình bác sỹ Tôn Thất Tùng, với nhiều nhà khoa học, trí thức lớn, đã đóng góp rất nhiều cho người dân, đất nước VN mà không hề vụ lợi, toan tính cá nhân. Việc sưu tập, gìn giữ và bảo quản những di vật của bác sỹ thể hiện lòng biết ơn, yêu kính của đất nước đối với những người thực sự "vì nhân dân phục vụ".

    Trả lờiXóa
  2. Một công việc có giá trị, nhưng vấn đề tiếp theo là làm sao để những kỷ vật, tư liệu của những người như GS. Tôn Thất Tùng được công chúng biết tới nhiều hơn.

    Trả lờiXóa