Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

PHÁT BIỂU CỦA ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ KHÔNG CHUẨN, CẦN PHẢI CHỈNH

KHÔNG CHUẨN, CẦN PHẢI CHỈNH! 
Tô Văn Trường

Cán bộ ta vẫn có cái bệnh thích khoa trương, thể hiện mình là đa năng, đa tài, lại bao sân, lấn chỗ, ôm đồm và sa đà. Họ thường không chăm đắp cho chức danh, chức trách, "buông những cái cần phải nắm, nhưng lại đi nắm quá chặt những cái cần phải buông". Cái đó cũng thể hiện trình độ, kiến thức, kinh nghiêm và nhất là tinh thần trách nhiệm.

Sáng ngày 5 tháng 4, hàng chục cơ quan báo chí đã được bộ Tài chính “trân trọng mời đến tham dự và đưa tin” về hội nghị học tập, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 của bộ Tài chính. Các nhà báo đã được bộ trưởng bộ Tài chính Vương Đình Huệ dành cho một bất ngờ đến ngỡ ngàng khi ông bày tỏ sự không hài lòng về việc các báo hiện nay thường đề cập đến các nội dung không phải “của mình”. “Tôn chỉ mục đích có rồi sao không theo? Báo của tổ chức này sao lại nói về lĩnh vực của tổ chức khác? Vì sao báo về tiếp thị lại đi viết về chính trị?” vv... 

Nhận xét trên của bộ trưởng Vương Đình Huệ là người có chính kiến nhưng rõ ràng trong trường hợp này không chuẩn cần phải chỉnh. Bởi vì theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc chỉ cấm báo chí có 2 điểm: Thứ nhất là không được tuyên truyền về bạo lực chiến tranh. Thứ hai là không được tuyên truyền về văn hóa đồi trụy. Tùy theo mỗi quốc gia có thêm quy định không được làm lộ bí mật quốc gia.

Tôn chỉ mục đích của tờ báo là quy định cho các tòa soạn còn sứ mệnh chung của nhà báo là phụng sự xã hội chỉ có mục đích là tuyên truyền đúng sự thật và chỉ đúng sự thật mà thôi. Mỗi tờ báo có thế mạnh chuyên sâu nhưng không ai có quyền lại vạch ra gianh giới của từng tờ báo. Các nước không ai làm như thế, Việt Nam đã hòa nhập với thế giới cũng phải làm như thế!  

Ý kiến của ông Bộ trưởng Tài chính là sự nhầm lẫn đáng tiếc, cho thấy tầm nhìn còn hạn chế, thể hiện sự ngại tiếp thu các ý kiến trái chiều với suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn này cũng có thể bắt nguồn từ yếu tố quan trọng. Đó là sự phát triển quá nhiều về số lượng nhưng còn tản mạn của báo chí Việt Nam.  Không có nước nào trên thế giới mà ngành ngành làm báo, nhà nhà làm báo như ở nước ta. Có một điểm ở đây là các báo vô tư copy các bài của nhau, không tuân luật bản quyền, dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng của các báo.

Gặp nhà báo giữa lúc đang bế tắc và rối  lên về tài chính, lạm phát, giá cả, toàn là những vấn đề nóng, có cái rất nóng. Người ta có thể suy luận vì bộ trưởng ngại bị truy vấn, lại không đủ sức để lý giải, thế nên ông cũng khôn là tìm cách nói lảng cho hết thời gian để các nhà báo không không có cơ hội xoáy, xoay về tình hình tài chính, giá xăng, giá điện, tăng lương...đang nhiều bất cập hiện nay.

Phải chăng tân Bộ trưởng Tài chính cảm thấy áp lực của dư luận đang chuẩn bị quét tới lĩnh vực của ông? Phải chăng ông Vương Đình Huệ không thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu trước những cơn bão đã tới và sắp tới, không đáp ứng được các yêu cầu mà Chính phủ đang đặt ra. Rất nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính đã không làm tròn chức trách của mình trước Thủ tướng và Chính phủ. Việc sử dụng các khoản vốn khổng lồ vượt thẩm quyền của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, không thể nói Bộ Tài chính vô can.

Bộ Tài chính có thể không haì lòng về báo chí, thậm chí có thể kiện báo chí nếu đăng tin sai sự thật làm tổn thất uy tín của người bị đăng tin nhưng không nên hỏi tại sao, trước khi hỏi mình. Thật vớ vẩn khi hỏi tại sao tờ báo về kinh tế lại đăng tin về chính trị? Trong khi không hỏi lại mình là một Bộ mang tên Tài chính lại tổ chức họp báo phổ biến tình hình thực hiện Nghị quyết 4.

Cần phải bình tĩnh, tất cả chúng ta ít nhiều đều có lỗi trước tình hình tồi tệ hiện nay. Thật đáng thất vọng khi chúng ta có thể hoàn toàn cởi mở với nhau khi cùng nhìn chung về một hướng. Thực tại này cho dù báo chí có dùng nghìn từ hoa mỹ cũng không thể vì thế mà nhân dân cảm thấy tốt đẹp hơn. Những thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng dù toàn bộ báo chí cùng cất bản đồng ca "Tiền ơi hãy về lại với ta." Cũng chỉ là vô vọng.

Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính không chuẩn, cần phải chỉnh! Cách tốt nhất là công khai, minh bạch, tôn trọng sự thật. Đó là cách làm hữu hiệu nhất vào lúc này nhất là vai trò và sứ mệnh của báo chí.

Vậy xin có mấy vần thơ tặng ông Bộ trưởng Bộ Tài chính:

“Đang khi Tài chính lùm xùm
Ông đi phát biểu tùm lum báo, đài
Giá xăng thì vẫn tăng hoài
Thị trường vọt giá mệt nhoài đồng lương
Đồng tiền quản lý ẩm ương
Nên ông lảng tránh tìm đường tháo lui
Báo đài biết tỏng ông rồi
Làm ăn kiểu đó, sao ngồi ghế cao?

T.V.T

Trên đây là bản gốc của tác giả.
Bản đăng trên báo Thanh Niên, số ra hôm nay, tại đây.
11h20: Bài trên Thanh Niên đã bị gỡ bỏ.

Bản trên Thanh Niên:
Chào buổi sáng
KHÔNG CHUẨN, CẦN PHẢI CHỈNH!        
TS Tô Văn Trường

Sáng ngày 5 tháng 4, hàng chục cơ quan báo chí đã được Bộ Tài chính trân trọng mời đến tham dự và đưa tin về hội nghị học tập, triển khai Nghị quyết TƯ 4 của Bộ. Các nhà báo đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ dành cho một bất ngờ đến ngỡ ngàng khi ông bày tỏ sự không hài lòng về việc các báo hiện nay thường đề cập đến các nội dung không phải “của mình”. “Tôn chỉ mục đích có rồi sao không theo? Báo của tổ chức này sao lại nói về lĩnh vực của tổ chức khác? Vì sao báo về tiếp thị lại đi viết về chính trị?” ...

Nhận xét trên của Bộ trưởng Vương Đình Huệ có thể bắt nguồn từ thực tế là sự phát triển quá nhiều về số lượng nhưng còn tản mạn của báo chí VN, tuy nhiên trong trường hợp này không chuẩn, cần phải chỉnh. Bởi vì, mỗi tờ báo có thế mạnh chuyên sâu hoặc nhà nước giao nhiệm vụ phải tuyên truyền chuyên sâu nhưng không ai có quyền vạch ra ranh giới của từng tờ báo. Các nước không ai làm như thế, VN đã hòa nhập với thế giới cũng làm như thế! Ý kiến của ông Bộ trưởng Tài chính là sự nhầm lẫn đáng tiếc, cho thấy tầm nhìn còn hạn chế. Báo “tiếp thị” tại sao không có quyền viết về “chính trị”? Xin đừng cho rằng báo “tiếp thị” thì chỉ được nói đến marketting, giá cả hàng hóa hoặc lợi nhuận. Chiến lược và công việc tiếp thị chịu ảnh hưởng to lớn từ chính trị như sự ổn định hay bất ổn định chính trị, từ các chính sách xã hội, từ môi trường đầu tư và cả những biến động nhân sự của bộ máy nhà nước.  Nói một cách tóm gọn nhất, chính trị là những công việc nhà nước hay xã hội, còn kinh tế là tổng thể nền kinh tế quốc dân của một quốc gia. Theo chủ nghĩa Mác-Lênin thì kinh tế quyết định chính trị nhưng chính trị  lại có tính độc lập tương đối và có sự tác động trở lại kinh tế rất mạnh mẽ. Báo chí VN (bất kể tờ báo nào được Nhà nước cho phép hoạt động) đều phải biết và viết về chính trị.

Phát biểu của Bộ trưởng trong bối cảnh nước ta đang gặp nhiều vấn đề nóng, có cái rất nóng như tài chính, lạm phát, giá cả, sẽ làm người nghe dễ suy luận vì bộ trưởng ngại báo chí nói về những vấn đề liên quan? Đúng ra Bộ trưởng không thể đưa ra câu hỏi tại sao tờ báo về kinh tế lại đăng tin về chính trị ngay trong khi Bộ Tài chính – một cơ quan có “tôn chỉ” rất rõ về kinh tế - đang mời cả báo chí về dự một sinh hoạt chính trị như buổi phổ biến tình hình thực hiện Nghị quyết TƯ 4 nói trên.

Ảnh chụp bản trên Thanh Niên điện tử:


Ảnh chụp trên Thanh Niên (bản in giấy):

 
 

14 nhận xét :

  1. Báo của ngành nào chỉ có quyền viết về lĩnh vực của ngành đó. Thật là một ý kiến hay hợp tư tưởng độc quyền. Bố thằng nào giám phản biện cơ quan chủ quản, làm sao xã hội phát triển được hả bác Huệ?

    Trả lờiXóa
  2. V.Tính (Sài Gòn)lúc 08:27 9 tháng 4, 2012

    Phải công nhận khi ông Vương Đình Huệ làm Bộ trưởng thì giá cả bất cứ thứ gì cũng Tăng , chỉ có lương là tang không nổi . Bái phục ngàu .

    Trả lờiXóa
  3. Không thể hiểu nổi,Bộ trưởng ơi !

    Trả lờiXóa
  4. Tục ngũ VN có câu "Bứt dây động rừng"
    Nhìn vẻ mặt đầy lo âu của ông Vương Đình Huệ đã không giấu nổi bức xúc của mình khi cánh Báo Chí đang rình rập đổ bộ vào lĩnh vực của ông quản lý để hòng "bới lông tìm vết " nên ông đã chẳng ngại ngần tung chưởng
    Đấy quả là một chiêu lợi hại của ông chăng hỡi ông Vương Đình Huệ

    Trả lờiXóa
  5. V.Tính (Sài Gòn)ơi. Còn thiếu." Phải công nhận khi ông Vương Đình Huệ làm Bộ trưởng thì giá cả bất cứ thứ gì cũng Tăng , các muc phải nộp nhiều lên , những lại tặc như " lâm tặc ", " đinh tặc " phát triển cũng lắm , chỉ có lương là tăng không nổi . Bái phục ngàu .

    Trả lờiXóa
  6. Bạn đọc Đà Nẵnglúc 10:59 9 tháng 4, 2012

    Bài này trên báo Thanh Niên đã bị gỡ xuống. Thật đáng buồn thay!

    Trả lờiXóa
  7. Bài báo đã bị báo TN rut xuống rồi. Chắc là bị BTTC yêu cầu rút xuống đây!

    Trả lờiXóa
  8. Giản đơn, phiến diện, một chiều - căn bệnh chung của chính khách nước nhà. Ông Vương Đình Huệ tưởng xuất sắc nhưng cũng chẳng có triết lý lãnh đạo quái gì. Cũng vinh thân phì gia thôi.

    Trả lờiXóa
  9. Dựa theo những phát biểu của ông Huệ trước kia, thì tôi vẫn tin tưởng ông Huệ sẽ giải quyết công việc tốt hơn, có điều là phải từ từ. ông này còn hơn chán vạn anh" Nhạc".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hy vọng quá lại thất vọng nhiều. Ông Huệ cũng như chán vạn các ông khác.

      Xóa
  10. TS Tô Văn Trường sửa lưng như thế thấy cũng đủ. cần thời gian để ông tiếp thu đã chứ ?
    Tôi vẫn chờ cái tâm, cái tài của ông bộ trưởng này(có thể nhận xét là trẻ ?) phát lộ. Chỉ mong sớm cho đất nước nhờ.
    Bằng không làm được thì ông cũng sớm rút lui đỡ mất thời gian

    TH

    Trả lờiXóa
  11. Báo Nhân Dân và Báo Điện Tử ĐCSVN bị ông Vương Đình Huệ sửa lưng?!
    Các vị hãy vào trang nhà của báo Nhân Dân thì thấy ngay:
    http://www.nhandan.com.vn/
    Cơ quan ngôn luận của Đảng chuyên viết về chính trị, thế mà đọc trên thực đơn thì thấy báo này ôm đồm đủ thứ:
    Chính trị, Kinh Tế, Đời sống...đủ cả.
    Thôi thì cứ cho là Báo của Nhân Dân nên có nhiều mùi vị thế nhưng báo này viết cho "Nhân Dân" tại sao lại làm "quảng cáo". (Báo Tiếp thị sao lại đi viết về chính trị). Quý bạn sẽ thấy bên phải màn hình của báo Nhân Dân liên tục nhấp nháy nào là :"cuộc sống đích thực" đến "tích lũy niềm tin"

    Còn Báo Đảng của chúng ta cũng vi phạm không kém. Lăng xăng đi làm Thể Thao:
    http://dangcongsan.vn/cpv/
    "Tiến Minh giành ngôi á quân Australia mở rộng"

    và văn hóa (không thấy tính Đảng và Cách mạng gì cả)
    "Khai mạc Triển lãm tranh “Phụ nữ và Hoa”

    Và cũng có quảng cáo.

    Vậy thưa các vị Bô Trưởng đáng kính, các ông nên phân công cụ thể Báo nào được đăng gì làm gì. Thứ hai định nghĩa rõ thế nào là đề tài liên quan đến chính trị thế nào là đề tài liên quan đến tiếp thị...

    Trả lờiXóa
  12. Thế là dân cày chúng tôi từ nay chỉ cần lo cày cấy nuôi nhau,không nên bầu cử với biết,bàn và kiểm tra chi nữa phải không anh Huệ?

    Trả lờiXóa
  13. Khi mới nhập vai Bộ trưởng ông Huệ có 1 số phát biểu làm nhiều người và tôi hoan nghênh tán đồng đánh giá cao về cách suy nghĩ và hành động của ông. Vậy mà không hiểu sao các tuyên bố của ông nhân dịp họp triển khai học tập NQ 4 lại có các nhận xét rất phản cảm chắc không mấy ai tán thành. Tuy vậy tôi vẫn tin rằng ông Huệ sẽ bình tỉnh suy nghĩ về các tuyên bố của mình trong thời cuộc hiện nay để có thể làm được nhiều việc ích quốc lợi dân hơn...

    Trả lờiXóa