Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Bùi Công Tự: CÂU CHUYỆN BÊN BÀN TRÀ

Câu chuyện bên bàn trà
Bùi Công Tự

Mấy ông già hưu trí ngồi quanh bàn trà vốn đều là cán bộ cỡ “cao cấp”. Tuy thời đương chức quyền không “sai phạm”, “khuyết điểm” gì nhưng nhờ có chút bổng lộc nên bây giờ dù tình hình kinh tế nước nhà có lạm phát như Zimbabwe thì các cụ đây vẫn cứ rủng rỉnh, còn lâu mới xiêu dẹo như mấy anh chị công nhân ngoài đường kia.

Tuy nhiên nhiệt tình cách mạng và lòng yêu nước thuở đương trai vẫn còn sôi nổi lắm, nó băng qua những cơn huyết áp, gút, tiểu đường, nó bừng bừng trong những câu chuyện thời sự bên bàn trà.

Một cụ khơi mào:

-    E hèm, các ông bảo về quản lí kinh tế thì ta giỏi hay thằng Mỹ giỏi?

Cụ A:
-    Nền kinh tế quan trọng nhất là tài chính ngân hàng. Các cụ xem mấy năm qua hàng trăm ngân hàng của Mỹ bị phá sản, trong đó có những ngân hàng lâu đời và uy tín vào bậc nhất nước Mỹ. Thế mà trái lại các ngân hàng của Việt Nam ta thì khỏe re, mỗi năm lời lãi từ vài trăm tỉ đến cả chục ngàn tỉ. Ai hơn ai là ở chỗ ấy !

Cụ B tiếp lời:
-    Ông chỉ nghe tivi mà không đọc “nghiên cứu”. Các nhà nghiên cứu họ bảo rằng không doanh nghiệp nào chịu đựng được với lãi suất 20-25% cho nên hàng vạn doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất, dừng nộp thuế, cho công nhân nghỉ xả láng.

Cụ D:
-    Thưa các cụ, nền kinh tế là một chuỗi liên quan móc xích với nhau. Nhà sản xuất vay tiền chịu lãi cao thì giá thành sản phẩm phải cao. Người tiêu dùng phải chấp nhận mua hàng giá cao. Đến lúc giá cao quá, túi tiền lại có hạn, dân buộc phải giảm chi tiêu, mua ít hoặc không mua hàng nữa, không xây dựng nữa. Thế là hàng hóa tồn kho. Doanh nghiệp không bán được hàng, không thu được tiền về, trong khi vẫn phải trả lãi khủng cho ngân hàng Hệ quả là hàng chục vạn doanh nghiệp chết lâm sàng vì thế.

Cụ C:
-    Ôi trời, những điều ông nói trên chúng tôi học cách đây cả nửa thế kỷ rồi. Hãy trở về thực tế đi tình hình kinh tế hiện nay đã thực sự chết đến đít chưa?

Trong số gần chục cụ ngồi quanh bàn trà cũng có hai cụ suốt đời chỉ làm dân. Một trong hai “cụ dân” e hèm rồi lên tiếng:

-    Theo tôi các ông chủ ngân hàng và những người có cổ phần tại các ngân hàng đều là những siêu đại gia. Người có tiền tỉ gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao cũng là những người giàu. Cho nên lãi suất cao là mang lại lợi ích cho người giàu. Còn người nghèo và nhân dân ta nói chung thì khốn khổ vì giá cả leo thang, đã nghèo lại càng nghèo thêm. Vậy thì xin hỏi: Nền kinh tế của chúng ta phát triển vì người giàu hay vì nhân dân ? Con số thất nghiệp hiện giờ lớn lắm, có cả mấy đứa con cháu nhà tôi.

Đến đây câu chuyện bên bàn trà bỗng nhạt thếch cùng ấm trà móc câu có lẽ đã chuyên đến nước thứ mười.

TP HCM, 19/04/2012.

4 nhận xét :

  1. Các Cụ còn thiếu một cái quan trọng là tất cả những siêu đại gia toàn là con cháu của lãnh đạo cao cấp và bày ve theo cùng.

    Trả lờiXóa
  2. Chẳng cứ gì dân nghèo,doanh nghiệp vừa và nhỏ như công ty tôi một thời vang danh khắp tỉnh nghèo Q.trị nay cũng đang ngáp dài đây ,thưa các cụ !

    Trả lờiXóa
  3. Công dân miệt vườnlúc 19:35 19 tháng 4, 2012

    Nền kinh tế VN hiên là phục vụ cho người giàu. Người nghèo đi thu mua ve chai, phế liệu, chạy xe ôm, ép dẻo, mua TV, tủ lạnh cũ , keo dính chuột .

    Trả lờiXóa
  4. Sự phân cách giàu nghèo ngày càng cách biệt quá xa.
    Đó chính là nguyên nhân của mọi cuộc nổi dậy như một lẽ tự nhiên mà lịch sử đã nhiều lần minh chứng.
    Không phải người có trách nhiệm không thấy.
    Nhưng giải quyết nó như thế nào là bài toán không dễ chút nào.
    Cần và rất cần những nhân vật có tâm, có tầm...

    TH

    Trả lờiXóa