Trên bàn thờ ông công của nhà ông Nguyễn Văn Cửu, tổ dân phố Vam Dộc, có một bức bảng khen cách đây gần 80 năm (1937) có 4 chữ “Tiết Hạnh Khả Phong”. Bức bảng khen làm bằng gỗ mít lõi được sơn son thếp vàng, đóng khung kẻ, kích cỡ khoảng 60cm x110cm. Các chữ Hán được viết ngay ngắn, chân phương .chạm lòng giếc vẫn còn rõ nét .
Ông Cửu chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về sự có mặt của và số phận của bức bảng khen trong căn nhà ông. Ông cho biết đây là tấm biển vua ban cho bà cụ ngoại của ông, tức thân mẫu của ông ngoại ông.
Bà tên húy là Nguyễn Thị Niên , người làng Tiên Canh vốn nổi danh là người đẹp cả người lẫn nết. Năm 18 tuổi, được sự cho phép của gia đình bà kết duyên cùng ông Nguyễn Văn Lễ, người ngõ Chuôi vốn là một thư sinh đang theo nghiệp bút nghiên. Đôi trai tài gái sắc lại môn đăng hộ đối về phía hai họ nội ngoại, người trong xóm ngoài làng ai nấy đều tấm ngợi khen.
Niềm vui lại đến khi mấy tháng sau, cô dâu đỏ ngày nào đã có tin mừng, mọi người cùng mong đợi đứa cháu đầu lòng sẽ là một đứa con trai cho dòng họ Nguyễn. Còn anh khóa Lễ vẫn miệt mài sách nghiên, chờ ngày lên đường về trường Nam dự thí với tâm huyết thực hiện câu đất sỏi có trạch vàng ở làng Cánh.
Nhưng trời đâu có chiều lòng người, vào một ngày đầu tháng hai năm Giáp Thân (1884). Quân Cờ Đen khi kéo quân qua làng Hương Canh đóng quân tại quán Hạnh ở Đồng Bói. Sau khi đụng độ với mấy người canh gác cổng Cầu Treo, Cờ Đen ồ ạt tiến đánh làng Cánh, quân kéo kín cả bốn cổng làng Cổng Cầu Treo, Cổng Gợ,Cổng Ná, Cổng Hính.
Vốn theo nghiệp sách nghiên nhưng lại có sức khỏe, anh khóa Lễ cũng là người trong đội canh điếm, nhận được tiếng mõ báo động từ trưởng cơ. Ông vội vác giáo ra điếm Chuôi, rồi cùng cả đám dân đinh ra chốt chặn cổng Hính.
Quân Cờ Đen cho súng bắn sạt cổng Hính, sau một giờ đồng hồ giữ lũy lũy. Cánh Cổng Hính đổ xuống cũng là những toán quân Cờ Đen tràn ồ ạt vào làng. Ông Lễ cũng những người khán thủ ra sức đánh chặn nhưng trước quân giặc hung hãn đông gấp bội, những người trai làng Tiên đánh chặn đều bị Cờ Đen giết hại.
Quân Cờ đen xộc thẳng Ngõ Chuôi rồi thẳng lên Ngõ Nội, Ngõ Rộc, Ngõ Mướp, hễ cứ gặp người dân làng Cánh, bất kể già trẻ trai gái là chém hết không trừ một ai. Bà Niên bụng mang dạ chửa chạy thoát được cùng những người trong xóm, chạy qua cổng Trong, cổng Cầu mà ở tận đồng làng Ngọc Bảo rồi ở đó cả đêm.
Ngày hôm sau khi Cờ Đen rút đi, người làng Cánh về nhà tìm lại người thân, hầu như nhà nào cũng có người chết, nhiều gia đình đã bị giết hại cả nhà không còn ai sống sót. Người ta tìm thấy ông xác Lễ ở gần đình Tiên, cách nhà ông bà chỉ mấy chục bước chân. Người ta ghi chép lại tên những tử sĩ rồi đưa lên ban thờ quan trung trên đình Tiên Canh. Ông Lễ là người được liệt đầu tiên trong nhóm học trò, hai tấm tấm trở đậu nay (2012 ) vẫn còn ở đình Tiên Canh. Trong bảng Tây Phối của hai tấm ”HIỆT TIẾT TRUNG HỒN THẦN HÚY” phần danh sách học trò có mấy chữ: Sĩ nhân NGUYỄN VĂN LỄ, Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Văn Nhì….
Sau khi lo cho mồ yên mả đẹp cho chồng, bà một mực thủ tiết thờ chồng. Ngày ngày tảo tần việc đồng áng, chăm sóc bố mẹ chồng và các em. Mấy tháng sau bà sinh hạ ra một con trai, đặt tên cho là Nguyễn Khắc Minh. Tháng ngày mòn mỏi thờ chồng, nuôi con lại hết mực chăm sóc cha mẹ chồng. Cả làng nức tiếng ngợi khen tiếng thơm của người con dâu hiền thảo, cũng có người khuyên nhủ bà đi bước nữa khi mãn tang chồng, nhưng bà nhất quyết ở vậy nuôi con.
Người con trai của bà sinh năm Giáp Thân ấy khi ra đời đã không biết mặt cha, lớn lên dưới dưới sự dạy dỗ của người mẹ hiền. Vốn thừa hưởng tư chất của người cha cậu bé ấy càng học càng giỏi, lớn lên cậu đã trở thành một người hay chữ nhất trong làng Cánh những năm đầu thế kỷ XX. Năm 20 tuổi, ông chuẩn bị khăn gói về Nam Định dự thi, mọi người trong làng cùng khấp khởi chờ đợi kết quả khi mà từ lâu làng Cánh chưa có ai đỗ đại khoa. Thật không may, ngày ông gần lên đường dự thí, một người chú trong họ bạo bệnh mà qua đời đột ngột. Theo quy định của khoa cử xưa kia thì người có tang không thể tham dự . Ông ở lại quê nhà làm một hương sư (thầy giáo làng).
Vốn là người uyên thâm Nho học lại giỏi phép toán lý, tiếng lành đồn xa, học trò theo học ông rất đông. Không chỉ trong làng mà cả 8 làng trong tổng Hương Canh thời đó đều cho con cái theo học. Quan huấn đạo Bình Xuyên ban cho ông chức danh tổng sư là người thầy giáo hàng tổng.
Ít lâu sau, vị tổng sư ấy lấy vợ là một người trong làng họ nhận một người con gái nhỏ làm con nuôi tên là Hiên. Theo phong tục ở Hương Canh, người ta thường gọi tên con cả thay thế cho tên bố mẹ, vì thế cái tên ông giáo Hiên rồi sau này là cụ giáo Hiên bắt nguồn từ đó.Vợ chồng ông giáo Hiên cùng ở với bà Niên rồi lần lượt sinh hạ được 3 người con hai gái một trai. Người con trai út sinh năm Kỷ Mùi 1919 nên ông giáo đặt tên là Mùi.
Các con trai gái dưới sự dạy bảo của cha hay chữ và sự chăm sóc của người bà mẫu mực, ai cũng giỏi giang ngoan hiền . Mấy người con gái cũng được học chữ Hán và là một số ít những phụ nữ thời ấy người trong làng biết chữ Nho. Người con trai út trai theo chương trình học của chính quyền bảo hộ. Ông có bằng thành chung rồi tú tài loại ưu. Khi ấy cả tổng Hương Canh chỉ có hai người có bằng tú tài Pháp. Bên cạnh đó ông cũng rất thạo chữ Nho vốn được học từ cha những ngày còn nhỏ. Sau này ông được đề cử là phó chủ tịch huyện Bình Xuyên của chính phủ Việt Nam Dân Chủ 1946.
Với tấm gương mẫu mực của người bà trong gia đình sự hiếu học trưởng thành của các cháu mà tiếng thơm về gia đình họ Nguyễn làng Tiên vang thật xa khắp tỉnh. Đầu năm năm 1937 bộ Lễ triều đình Huế đã lên danh sách những những phụ nữ có đức hạnh và có lòng chung thủy với chồng đã chết và nuôi dạy các con nên người để làm gương tốt cho dân chúng noi theo. Bà Nguyễn Thị Niên được đề cử duy nhất trong tỉnh Vĩnh Yên năm ấy.
Ngày18 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 11 Bộ Lễ ban tặng bức hoành có 4 chữ ” TIẾT HẠNH KHẢ PHONG” có nghĩa là phong thưởng tặng là người có tiết hạnh cho bà Nguyễn Thị Niên và phẩm thưởng cho dòng họ. Đầu xuân Đinh Sửu 1937, dòng họ Nguyễn ở làng Tiên thật vui khi đón nhận bảng khen của nhà vua được rước về, dân làng ai cũng đến chúc mừng nhà cụ giáo và muốn tận mắt chứng kiến tấm biển vua ban.
Nội dung chi tiết của tấm biến ấy như sau:
.
.
Tấm biển ấy được treo ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà gỗ đại khoa bên cạnh những câu đối sơn son của học trò thập phương kính biếu cụ giáo Hiên. Hàng năm cứ đến mùng 2 tháng 2 là ngày giỗ trận làng Cánh cũng là ngày giỗ ông Lễ các con cháu họ Nguyễn lại quây quần về, trông tấm biển ấy như thấy công ơn của bà.
Thời gian thấm thoát trôi qua, bà Niên đã đi về thế giới bên kia vào những năm 40 của thế kỷ trước . Ông giáo Hiên vẫn hàng ngày dạy chữ Nho và toán miễn phí cho những gia đình muốn con biết chữ Nho khi Hán học đã lụi tàn.
Năm 1949 thực dân Pháp mở rộng chiến trường lên Vĩnh Yên , người Hương Canh theo lệnh tản cư của chính phủ di tản vào những xã vùng núi nay thuộc huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Toàn bộ nhà cửa của nả người Hương Canh để lại, chỉ gánh theo vài gánh thóc. Cụ giáo Hiên cùng các con cũng tản cư trên vùng núi Thanh Lanh, Do tuổi cao lại phát bệnh vì không hợp thổ nhưỡng. Cụ ra đi vào một ngày mùa đông năm 1949 nơi đất khách khi đặt chân tới không lâu, hưởng thọ 66 tuổi.
Sau hòa bình lập lại ông Tú Mùi không ở lại Hương Canh mà di tản vào Nam. Căn nhà xưa không còn ai trông giữ đã được chia cho những hộ dân khác. Những di vật trong nhà như hoành phi, câu đối, di cảo của cụ giáo con trai bà cũng thất tán hết. Tấm bảng khen “Tiết Hạnh Khả Phong” được một người cháu gái ngoại xin về vì ….gỗ còn tốt. Vì thế có lúc tấm bảng khen ấy lại được lật ngược lại để tận dụng làm một bàn gia dụng.
*
* *
Ông Nguyễn Văn Cửu là cháu trai ngoại cụ giáo Hiên, mẹ ông là con gái thứ hai của cụ giáo .Từ nhỏ ông đã ý thức truyền của dòng họ bên ngoại, nghe bà cụ thân sinh kể về lai lịch của cụ ngoại và tấm bảng khen năm xưa. Ông đã tìm đến người chị họ, xin lại người chị tấm bảng khen đang được làm thành bàn ấy. Thật may mắn là tấm biển vẫn còn tốt. Ông lau chùi, cẩn thận rồi trang trọng đưa lên bàn thờ ông Công trong gia đình.
Từ đó mỗi khi khách đến chơi nhà hỏi về sự tích tấm bảng treo ấy, ông Cửu lại kể câu chuyện đã hơn 100 năm về các thế hệ trước kia của gia đình một cách rõ ràng và đầy tự hào như ông đã từng được nghe. Bao nhiêu câu chuyện xa xưa về giặc Cờ Đen đánh làng Cánh, chuyện thời tạm chiếm ở Hương Canh được ông kể thật chi tiết và mạch lạc như mới ngày hôm qua.
Những năm đất nước thống nhất, có người Việt Kiều là cháu nội của cụ giáo Hiên, có ý xin lại tấm biển mang sang Mỹ giữ làm kỉ niệm, nhưng ông Cửu chưa đồng ý. Ông muốn rằng tấm biển ấy sẽ lưu lại nơi đây, nơi làng Cánh năm xưa đã sản sinh ra người cụ của ông, người phụ nữ đã làm rạng danh phụ nữ làng Cánh với phẩm chất tam tòng tứ đức, thủ tiết thờ chồng.
Đến nay đã gần 80 năm tấm biển được ban tặng, cho dù màu vàng son trong những nét chữ có bị phôi pha theo thời gian, nhưng giá trị nhân văn và truyền thống của một gia đình ở làng Cánh vẫn còn mãi trong văn hóa Hương Canh từ xưa đến tận hôm nay.
Hương Canh 03.2012
Trần Ngọc Đông
Bình luận:
Một số tạp chí được in trong tỉnh Vĩnh Phúc có nói đến bức bảng khen “Tiết Hạnh Khả Phong” như:
1.”Chuyện một người phụ nữ được khen tặng “ Tiết hạnh khả phong””. Đăng trong “ Bản tin tuyên truyền của huyện Bình Xuyên” số tháng 3-2005. Tác giả bài báo dựa trên chuyện có thật để hư cấu thành một câu chuyện mang tính tuyên truyền không chính xác về lịch sử và giá trị thưc tiễn của tấm bảng khen trên.
Nguồn: Hương Canh - blog.
May mà còn giữ được!
Trả lờiXóaMột bảo vật của dòng họ không có gì thay thế được. Một vật chứng lịch sử về sự quan tâm, trân trọng, ân cần của vua quan với từng cái hay cái đẹp đời thường của thần dân. Rất cần được giữ gìn cẩn trọng. Đẹp thay!
Cám ơn anh Diện, giờ em mới biết Quân Cờ đen cũng chẳng qua là một lũ cướp của giết người. Em được giáo dục là Quân Cờ đen sang để giúp mình đánh nhau với Thực dân Pháp.
Trả lờiXóaGia dinh toi ho Le tai lang Trieu Thuy ,Phu Vang ,Thua Thien Hue van con giu buc"TIET HANH KHA PHONG" hon 100 nam nay
Trả lờiXóaCâu chuyện đem đến nhiều cảm xúc quá. Dưới những mái tranh nghèo, đời nào và ở đâu cũng ẩn giấu những con người nghĩa liệt. Nước mình tự hào có những người như cụ Lễ, cu Niên, cụ Hiên, ông Cửu, những con người đáng kính. Và còn biết thêm về cuộc cướp phá của quân cờ đen trên đất nước mình suốt vùng Sơm Tây Vĩnh Phúc
Trả lờiXóaĐây cũng là một nạn nhân theo cách khác của quân Cờ đen trở thành tiết phụ:
Trả lờiXóaBà Nguyễn Thị Kỳ người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Người Đông ngạc quen gọi bà là Bà Hai. Gia đình bà thuộc dòng thi lễ, bà được dạy bảo cẩn thận nên đã có nhan sắc lại rất nết na.
Chồng bà là ông Nguyễn Văn Nghĩa, hai vợ chồng làm nghề buôn chuyến, thường ngược thuyền từ bến Đông Ngạc lên tận Tuyên Quang, Thái Nguyên rồi lại xuôi về.
Vào niên hiệu Tự Đức, quân Cờ Đen nổi lên hoành hành dữ dội, hai bên bờ sông dân chúng không làm ăn nổi, vợ chồng bà Hai bị kẹt lại ở miền ngược không về quê được. Năm Tự Đức 24 (1871), nghe nói tình hình tạm yên, ông bà đem theo đứa con nhỏ mới ba tuổi xuôi bè trở về. Không ngờ trên đường về, ông bà bị một toán quân Cờ Đen chặn lại. Thấy bà có nhan sắc, tên trùm sai lính lôi kéo bắt bà phải sang thuyền của chúng để cưỡng ép, vợ chồng bà cố sức van xin nhưng không được. Để chồng con có thể thoát đi, bà xin với chúng để bà trao con cho chồng và dặn dò chồng vài câu rồi sẽ xin theo. Được chúng thả tay, bà ôm con vừa khóc vừa nói với chồng: “Em tuy không phải bậc danh giá trong đám nữ lưu nhưng cũng biết thế nào là liêm sỉ. Cùng chàng kết tóc đã 6 năm trời, sinh được mụn con, dù nghèo khổ nhưng vẫn mong được sống trọn đời bên nhau. Nay gặp cảnh éo le, em thà làm ma dưới sông còn hơn làm người đàn bà nhơ nhớp trên cõi trần. Chàng hãy thay em nuôi con nên người”. Nói xong bà quay sang phỉ báng lũ phỉ rồi lao mình xuống sông Hồng tự tận.
Niên hiệu Tự Đức năm thứ 31(1878), quan sở tại đem việc của bà tấu trình lên, bà được triều đình truy tặng là bậc tiết phụ, làng Đông Ngạc được cấp tiền xây miếu thờ bà. Hiện nay ở làng Đông Ngạc, vẫn còn ngôi miếu nhỏ thờ bà Nguyễn Thị Kỳ với tấm biển Tiết hạnh khả phong. Ở cửa miếu có đôi câu đối ca ngợi bà:
Biệt lang lệ tận hòa lưu thủy
Mạ tặc thanh do phí nộ đào
[Biệt chồng lệ nhỏ theo dòng nước
Mắng giặc lời vang tựa sóng gầm]
Cám ơn bác!
XóaTôi cũng đã viếng đền Bà Nguyễn Thị Kỳ vài lần. Chỉ tiếc là đã không còn giữ được tấm ảnh nào!
Nhất định tôi sẽ trở lại ĐÔng Ngạc!
Bác Diện ơi, nhà em cũng có 1 tấm bảng "TIẾT HẠNH KHẢ PHONG" em nghe Bố em kể cố nội của em được nhà Vua tặng từ thế kỷ XIX. Bố em còn giữ lại được. em rất tự hào về tấm bằng này.
Trả lờiXóaTrong xã hội Nho Giáo không thiếu những tấm gương tiết liệt, tiết hạnh. Truyền thống tốt đẹp nơi người phụ nữ VN như thiếu phụ Nam Xương cho tới thời nay. Chẳng qua thời nay không còn vinh danh những tấm gương như thế để duy trì những nét rất đẹp, rất đáng kính trọng nơi người phụ nữ cho con cháu noi theo .
Trả lờiXóaĐúng như vậy bác ạ. Qua biết bao nhiêu giông tố kinh hoàng của lịch sử, truyền thống tốt đẹp ấy vẫn âm thầm sống trong lòng dân tộc mình, có khi qua những phụ nữ vô danh không ai biết đến, thoạt nhìn chẳng có gì là nổi bật hoặc khác người. Nữ giới Việt Nam thật tuyệt vời! Càng đau khổ, bất hạnh, càng thấy họ trở nên cao cả. Ngày nào tôi còn được thấy những tấm gương như thế ở phái nữ, lòng tôi vẫn tràn ngập niềm hy vọng vào tương lai.
XóaCám ơn NXD, cám ơn quý vị. Chữ nghĩa quý vị thật có hồn, gợi nên bao điều muốn nói mà không nói được.
Trả lờiXóa