Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

TRONG "TỨ BẤT TỬ" CÓ HAI NGƯỜI LÀ RỂ CỦA VUA HÙNG


TỨ BẤT TỬ TRONG TÂM THỨC VIỆT NAM

Nguyễn Xuân Diện
Lời dẫn của tác giả: Nhân ngày giỗ Tổ năm Mậu Tuất (2018), xin giới thiệu lại bài viết về Tứ Bất tử của Nguyễn Xuân Diện viết năm 1996. Trong các vị "Tứ Bất Tử" có 3 vị hiển thánh từ thời Hùng Vương, và đặc biệt, 2 trong 3 vị là con rể của Vua Hùng.
Trong tín ngưỡng thờ bách thần của người Việt, “hoặc có vị là tinh túy của núi sông, hoặc có vị là nhân vật linh thiêng, khí thế lừng lẫy về trước, anh linh còn mãi về sau” (Lời tựa sách Việt điện u linh), nhưng có 4 vị thần được dân gian tôn vinh là Tứ bất tử. Đó là bốn vị linh thiêng trường sinh bất tử trong thần điện Việt Nam. Mọi người vẫn cho rằng đó là Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Tháng Gióng và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Thực ra, trong lịch sử đã đã diễn ra không phải hoàn toàn như vậy, và trong chúng ta không phải ai cũng biết Tứ bất tử là những ai và có từ bao giờ.   

Những ghi chép trong thư tịch cổ

Tài liệu xưa nhất về thuật ngữ Tứ bất tử mà chúng tôi được biết là bản Dư địa chí, in trong bộ Ức Trai di tập, (VHv.1772/3 q.6) do Nhà in Phúc Khê, in năm Mậu Thìn (1868) niên hiệu Tự Đức.

Bản Dư địa chí mà chúng ta hiện có là một công trình nghiên cứu tập thể. Ngoài lời tập chú của Nguyễn Thiên Túng, lời cẩn án của Nguyễn Thiên Tích và lời thông luận của Lý Tử Tấn, Dư địa chí còn có những phần do người các thời sau (cụ thể là người các thế kỷ 16, 17, 18) đã thêm vào và sửa chữa nhiều lần. Trong số họ, có Thư Hiên Nguyễn Tông Quai (1693-1767). 

Thư Hiên Nguyễn Tông Quai ở thế kỷ XVII là người đầu tiên giải thích thuật ngữ Tứ bất tử, khi ông chú giải điều 32 trong sách Dư địa chí (VHv.1772/3 tờ 13a) của Nguyễn Trãi. 

Lời chú ấy như sau: “... Người đời Thanh nói: Tản Viên Đại Vương đi từ biển lên núi, Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa bay lên không trung, Đồng tử nhà họ Chử gậy nón lên trời; Ninh Sơn (nay là Sài Sơn) Từ Đạo Hạnh in dấu vào đá để đầu thai. Ấy là An Nam Tứ bất tử vậy” (Nguyễn Thư Hiên viết: ... Thanh nhân xưng Tản Viên Đại Vương chi tự hải vãng sơn; Phù Đổng Thiên Vương chi kỵ mã đằng không; Chử gia Đồng tử chi trượng lạp thăng thiên; Ninh sơn (kim Sài Sơn) Từ Đạo Hạnh chi ấn thạch đầu thai. Vị An NamTứ bất tử vân).

Giá Sơn Kiều Oánh Mậu (1854-1911) người làng Đường Lâm  là nhà học giả nổi tiếng của cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong lời Án sách Tiên phả dịch lục (AB.289, tờ 4a), in năm Canh Tuất 1910 có viết: 

“Tên các vị Tứ bất tử của nước ta, người đời Minh cho là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đúng là như vậy. (Vì) bấy giờ Tiên chúa (Liễu Hạnh) chưa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào. (Án: Ngã Tứ bất tử chi danh, Minh nhân dĩ Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đương chi nhiên; thử thời Tiên chúa vị giáng, cố vị cập thế nhân sở truyền, văn hiến khả trung. Kim tục chi).

Trên đây là những thông tin về Tứ bất tử trong thư tịch Hán Nôm, hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Các tài liệu tiếng Việt hiện đại về Tứ bất tử thì phong phú hơn nhiều. Dưới đây, chúng tôi xin điểm qua những tài liệu đó: 

Nguyễn Tuân (1910-1987), trong thiên truyện Trên đỉnh non Tản in trong tập Vang bóng một thời, có viết: “... Bốn vị Tứ bất tử nơi thế giới u linh: thánh Tản Viên, chúa Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử, và Phù Đổng thiên vương”. 

Hà Kỉnh (1922-1995) trong cuốn Truyền thuyết Sơn Tinh viết: “Ở Việt Nam ta có bốn vị thần bất tử là: Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Bà chúa Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thần”. 

Vũ Ngọc Khánh và Ngô Đức Thịnh, trong chuyên khảo Tứ bất tử chỉ thấy trình bày về bốn vị thánh bất tử gồm: Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đạo Tổ, Đức Thánh Gióng và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.  

Bảng thống kê dưới đây sẽ cho thấy sự xuất hiện của các vị Tứ bất tử trong các tư liệu kể trên (số thứ tự như số thứ tự các đơn vị tư liệu đã trình ở trên):

STT
Tản Viên
Sơn Thánh
Chử
Đạo Tổ
Thánh Gióng
Từ Đạo Hạnh
Nguyễn
Minh Không
Liễu Hạnh
1
+
+
+
+


2
+
+
+

+

3
+
+
+


+
4
+
+
+


+
5
+
+
+


+

Như vậy các vị Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đạo Tổ và Thánh Gióng luôn luôn cố định và nhất quán trong các tài liệu, các thời đại. Khi Liễu Hạnh chưa giáng sinh thì Từ Đạo Hạnh hoặc Nguyễn Minh Không được xếp vào hàng Tứ bất tử. Thư tịch cổ cũng cho biết rằng, việc người Việt thờ phụng Tứ Bất Tử được người Trung Hoa biết đến và ghi nhận. Điều đó chứng tỏ việc phụng thờ Tứ Bất tử là một nét tâm linh rất độc đáo và riêng khác của người Việt. 

Lý giải về Tứ bất tử

Trước hết, nói về con số bốn (tứ). Trong tư duy của người Việt, con số này mang tính ước lệ và có ý nghĩa lớn. Tứ (bốn) là một hằng số được dùng để khái quát về một phạm trù nào đó. Ví dụ: Tứ trấn, An Nam tứ đại tài, Tràng An tứ hổ, Sơn Tây tứ quý, Mỗ-La-Canh-Cót tứ danh hương v.v..

Và việc chọn lấy 4, trong toàn thể của một tập hợp là chọn lấy những gì tiêu biểu nhất, độc đáo nhất và có tính thời đại.
 
Từ bất tử cũng là một tập hợp như vậy. Cũng chính vì thế mà có đến 6 vị thánh được coi là bất tử trong tín ngưỡng dân tộc Việt. đó là các vị: Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đạo Tổ, Thánh Gióng, Liễu Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không. 

Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh:

Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh là tên gọi của vị Thần núi Tản, vị thần tối cổ trong tâm linh dân tộc Việt. Tản Viên Sơn tức là núi Ba Vì, “núi tổ của nước ta” (Nguyễn Trãi - Dư địa chí). Núi có ba ngọn cao chót vót. Ba anh em Thánh Tản (còn gọi là Tam vị Đại Vương Quốc chúa Thượng đẳng thần) chia nhau cai quản, mỗi người một ngọn núi.
.

Xuất phát từ nhận định cốt lõi tín ngưỡng Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh là TÍN NGƯỠNG THẦN NÚI (Sơn Tinh, Sơn thần) nằm trong hệ thống tín ngưỡng các hiện tượng tự nhiên, chúng tôi khẳng định rằng, nói Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh là nói tới cả ba anh em thần núi. Như vậy, đương nhiên cả ba vị thần đó đều thuộc Tứ bất tử

Cũng từ cốt lõi của tín ngưỡng thần núi của người Việt, cho nên có hiện tượng công chúa Ngọc Hoa, vợ của Thánh Tản (người anh cả) không được đề cao ngang hàng với Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, dù rằng ở một só làng nơi giáp ranh giữa Sơn Tây, Ba Vì, Phú Thọ vẫn có những lễ hội đề cao Ngọc Hoa. 

Văn tế, sự sắp xếp các ngai thờ, nghi lễ, tự khí... mà chúng tôi khảo sát tại những ngôi đền thờ Thánh Tản ở vùng xung quanh núi Ba Vì càng góp phần làm sáng tỏ cho những nhận định trên đây. 

Chử Đạo Tổ: 

Nếu như ở huyền thoại Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh, người ta có thể tìm thấy những lớp ý nghĩa cổ xưa nhất của tín ngưỡng chất phác, nguyên thủy bằng cách bóc tách những lớp trầm tích tiềm ẩn trong văn bản thần tích thì với huyền thoại Chử Đồng Tử, công việc trở nên rất khó khăn. Huyền thoại Chử Đồng Tử (Chử Đạo Tổ) là câu chuyện của Đạo Giáo, Đạo Thần Tiên, một tín ngưỡng vốn du nhập từ bên ngoài vào nước ta từ rất sớm. Cốt lõi huyền thoại cũng như tín ngưỡng Chử Đạo Tổ là tín ngưỡng Đạo giáo mang màu sắc tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Chử Đồng Tử chính là người đi tiên phong trong cuộc thụ phép thần tiên để tế độ và truyền dạy cho người khác. Dân gian tôn vinh Chử Đồng Tử là Chử Đạo Tổ là vì thế.

Khảo sát hệ thống thờ tự ở đền chính thờ Chử Đồng Tử ở Đa Hòa, chúng tôi thấy, từ rất xa xưa, ở đó đã có ba pho tượng đồng và ba pho tượng đất mà cứ vị ngồi ở giữa là Chử Đạo Tổ, hai vị ở hai bên là Tiên Dung và Nội Trạch Tây Cung. Ở đình Tự Nhiên (huyện Thường Tín, Hà Tây), đối diện với Đa Hòa qua sông Hồng, khi mở hội cũng rước ba cỗ long kiệu ba vị kể trên. 

Mặc dù vậy, nếu xuất phát từ cốt lõi tín ngưỡng Chử Đạo Tổ thì trong số ba vị này, chỉ có Chử Đồng Tử, là thuộc về Tứ bất tử, của tâm thức dân gian Việt Nam. 

Thánh Gióng
là vị “anh hùng độc lập” trong Tứ bất tử. 

Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Liễu Hạnh và quá trình hội nhập vào Tứ bất tử:

Trước kia, khi Liễu Hạnh chưa xuất hiện (giáng thế) thì Từ Đạo Hạnh hoặc Nguyễn Minh Không là một trong Tứ bất tử có lẽ là từ những “tiêu chí” sau đây:

- Cả hai vị đều “giáng sinh” trong một triều đại sớm của lịch sử Việt Nam.

- Từ hai vị này đều làm nảy nở những câu chuyện đậm màu sắc Đạo giáo - một tín ngưỡng sớm đến với Việt Nam và có nhiều khả năng hội nhập với tín ngưỡng bản địa. 

- Hai vị này đều hóa thân sau khi mất, và đầu thai thành nhiều kiếp.

Khi Liễu Hạnh “giáng sinh” vào khoảng thế kỷ XVI cũng chính là lúc ý thức hệ Nho giáo ở nước ta đang đi vào con đường suy thoái. Thực trạng xã hội loạn lạc, chiến tranh giết tróc, làm cho nhân dân vô cùng cực khổ, khao khát cháy bỏng về một cõi tâm linh an lạc, siêu thoát. Phật giáo và Đạo giáo có cơ phát triển trong dân gian. Về Phật giáo, quan niệm Tịnh Độ tông với lối sống từ bi hỷ xả, với phương thức thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người, với tính chất dung hòa và phổ cập đã trở nên thắng thế và phổ biến trong suốt các thế kỷ XVI và XVII. Còn Đạo giáo, với những bùa chú, phép thuật, với những lối hành đạo phức tạp bởi những biểu tượng đã nhiều lúc trở thành cứu cánh để người ta tìm về làm chỗ dựa và nuôi dưỡng niềm tin về sự giải thoát. Nội Đạo tràng ra đời vào lúc này và sớm trở nên thịnh hành, được vua Lê thừa nhận. Tín ngưỡng tam phủ, mà trung tâm là thờ Mẫu hình thành và phát triển khá nhanh.
Liễu Hạnh “giáng thế” đáp ứng nhu cầu thỏa mãn tâm linh của mọi giai tầng trong xã hội, phù hợp với tâm thức dân gian Việt Nam. Nếu so với Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không thì sự phụng thờ Liễu Hạnh bắt nguồn sâu xa từ trong tín ngưỡng thuần Việt của tâm thức dân gian, rồi lại xâm thực và hòa đồng vào tín ngưỡng Tứ phủ, nên tín ngưỡng này mang nhiều hơi hướng thời đại, cập nhật và phù hợp với thực tại. Ra đời trong thời kỳ đó, và với vai trò như vậy, việc tín ngưỡng Liễu Hạnh trở thành trung tâm của tín ngưỡng Tứ phủ và hội nhập với Tứ bất tử, trở thành biểu tượng của sự trường tồn là một điều dễ hiểu. 

Từ đó đến nay, tín ngưỡng Tam phủ rồi Tứ phủ luôn luôn là một trong những trung tâm tín ngưỡng của tâm thức dân gian. Ảnh hưởng của tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh mang tính bao trùm, có phạm vi rộng lớn hơn so với ảnh hưởng của Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không là điều đã khẳng định trong dân gian. 

Tóm lại, trong tâm thức dân gian Việt Nam từng có Tứ bất tử. Các vị từng được coi là có chân trong Tứ bất tử gồm:

- Tản Viên Sơn thánh (3 anh em)
- Chử Đạo Tổ
- Thánh Gióng
- Thánh Láng Từ Đạo Hạnh
- Nguyễn Minh Không
- Thánh Mẫu Liễu Hạnh
 
Qua thời gian, cùng với sự xuất hiện những yếu tố mới, mang tính thời đại về tư tưởng, triết lý, quan niệm thì niềm tin, tín ngưỡng, quan niệm về Tứ bất tử có sự thay đổi, dẫn đến việc Thánh Mẫu Liễu Hạnh thay thế Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, đứng vào hàng Tứ bất tử như là một tất yếu.

Tuy nhiên, những cắt nghĩa trên đây chỉ là những nét phổ quát nhất, trên mặt bằng tín ngưỡng của dân gian trong phạm vi rộng lớn, mang đặc điểm chung nhất. Ở một số nơi, một số vùng, quan niệm tín ngưỡng vẫn có những nét riêng, và tất nhiên, không phổ biến và chỉ có ảnh hưởng ở phạm vi nhỏ, hẹp. 

Việc phụng thờ Tứ Bất tử là một tín ngưỡng thuần túy Việt Nam, kết tinh từ những truyền thuyết đẹp đẽ và là một bộ phận không thể tách rời trong di sản tôn giáo và tinh thần của đất nước. Và chính người Trung Quốc, từ bao đời nay cũng đã biết đến và ghi nhận tín ngưỡng Tứ Bất tử của Việt Nam.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1996


12 nhận xét :

  1. với những lối hành đạo phức tạp bởi những biểu tượng đã nhiều lúc trở thành CỨU CÁNH để người ta tìm về làm chỗ dựa và nuôi dưỡng niềm tin về sự giải thoát.

    Không biết bác Diện dùng CỨU CÁNH ở đây với nghĩa gì, nếu là MỤC ĐÍCH thì nghe câu không ổn lắm neuus là PHƯƠNG TIỆN thì không phải là nghĩa gốc của từ này. Xin Bác loi lại. Ta đã có 2 chữ mục đích và phương tiện rồi mà bác. Từ cứu cánh = mục đích thì hơ cổ rồi. Nhiều người đem ra dùng với nghĩa phương tiện, e không đặng, Bcas nghĩ sao?
    HH

    Trả lờiXóa
  2. Được nghe kể rằng,
    người đưa Liễu Hạnh vào bộ "tứ bất tử" này là hoàng đế Bảo Đại.
    Chuyện là hoàng đế thành thân với Nam Phương hoàng hậu đã lâu mà chưa hạ sinh hoàng tử.
    Cầu tự hết đền nọ miếu kia mà vẫn không toại nguyện.
    Cho đến sau khi kêu Thánh mẫu ở Phủ Giầy,
    thì mẫu cho hạ sinh hoàng tử Bảo Long.
    Để đền ơn mẫu Liễu Hạnh,
    hoàng đế Bảo Đại phong cho mẫu là một thành viên trong "bộ tứ" nọ.
    Và hàng năm, mỗi lần mở hội Phủ Giầy,
    thì Tổng đốc Nam Định phải đích thân chủ tế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông hoàng Bảo Đại này đã theo giặc cầu vinh lại còn đưa ma Tàu vào tứ bất tử, Kết quả là bị đày nơi ngoại bang để chết hồn không còn đường về quê cha đất tổ.
      Những kẻ theo giặc có số phận thế đây !!!

      Xóa
  3. Bằng lối viết gần gũi , dễ hiểu , không sa đà vào lối viết kinh viện , dài dòng . Các bài viết chuyên sâu về phong tục người Việt của TS Nguyễn Xuân Diện luôn làm bạn đọc quan tâm và hứng thú . Mong được đọc nhiều bài viết như vậy để hiểu thêm và đúng về đất nước , phong tục Việt Nam .

    Chúc TS và gia đình luôn Mạnh Khỏe , Bình an .

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  4. Tứ bất tử chỉ có: Thánh Gióng, Thánh Tản Viên, Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Đó là Hồn Việt.
    Những thứ còn lại là ma ngoại hết !!!

    Trả lờiXóa
  5. Xin cho hỏi, hình như có một quan điểm cho rằng Đức Thánh Trần cũng là một trong số Tứ bất tử, tài liệu đó của ai, viết bao giờ? Rất cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  6. Tứ bất tử là 4 vị Thánh Gióng, Thánh Tản Viên, Chử Đồng Tử và Tiên Dung được suy tôn trong khoảng thời gian 18 đời Hùng Vương. Từ đó về sau không suy tôn thêm ai nữa.

    Trả lờiXóa
  7. Tứ Bất Tử

    Gồm: Tản Viên Sơn Thần, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Nàng Tiên Dung, Liễu Hạnh Chúa Thượng Ngàn.

    Tuy nhiên, vấn đề chỉ minh bạch khi người Việt có một chủ trương. Nếu không, TBT rất dễ bị Hán hóa. Tôi nói thí dụ:

    Truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung chỉ hay và có ý nghĩa ở chủ ý "tình yêu và hôn nhân tự do". Cái này rất đặc biệt của VN vào thời kỳ đó. Và giá trị của chủ ý này trường tồn đến tận hôm nay. Gọi là bất tử.

    Trả lờiXóa
  8. Rằm tháng giêng năm nay đã đến trước cổng chùa lại phải quay xe về. Chùa bây giờ không còn là nơi thanh tịnh nữa. Quá nhiều bát nháo. Sư chẳng ra sư! Vẫn ngôi chùa đó, vẫn những người mặc áo cà sa nhưng cái yên bình đâu còn! Mái chùa xưa đã mất!

    Trả lờiXóa
  9. Bài viết qua chuẩn, Tuy về thánh Mẫu Liễu Hạnh thì thế này bà hiển linh vào thời Lê và liên quan đến Lê Lợi. Khi chống quân Minh nhiều lần tưởng như bị bắt trong gang tấc cùng nhiều chuyện huyền bí cứu Lê Lợi trong chống giặc Minh mà ông không thể lý giải được. Khi đất nước thanh bình Lê Lợ ...

    Trả lờiXóa
  10. Khi đất nước thanh bình Lê Lợ lên ngôi nghĩ lại những chuyện kỳ bí qua kỳ trận mạc và khẳng định rằng có một vị thần nào đó ngầm cứu giúp, ông cho lập đàn cầu đảo và thánh mấu Liễu Hạnh về nói chính ta..vua nói đất nước đã thanh bình Mẫu cần báo đáp những gì, xây đền đài..ta không cần gì duy có điều ta 3 lần sinh 3 lần giáng chết trẻ cần múa hát cho ta vui và lên đồng cũng ra đời từ đó. tài liệu này hiện còn lưu tại Viện hán nôm nghiên cứu sinh người mỹ khi nghiên cứu về âm nhạc VN do tiến sỹ văn học Đoàn Hương giới thiệu tìm thấy, anh này còn khảng định âm nhạc Vn giá trị nhất vẫn là hát văn...

    Trả lờiXóa
  11. Tứ Bất Tử

    - Thần Núi Tản Viên
    - Chử Đồng Tử và Công Chúa Tiên Dung
    - Phù Đổng Thiên Vương
    - Liễu Hạnh Thánh Mẫu

    Bốn nhưng là năm vì cặp Tiên Dung Đồng Tử không thể tách rời theo truyền thống Ông Bà của người Việt. Tản Viên Sơn Thần cai quản vùng rừng núi. Phù Đổng Thiên Vương vùng đồng bằng, còn có tên gọi là Sóc Thiên Vương (朔天王) liên quan đến nông lịch và mùa màng lúa gạo, ăn cơm no có sức khỏe đánh giặc; Sóc là ngày mồng 1, Vọng là ngày Rằm. Và Công Chúa Liễu Hạnh là Thánh Mẫu, Đạo Mẫu của VN.

    Ngoài ra, các vị Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không rõ ràng thuộc Phật Giáo. Căn Bản của Phật Giáo là tứ đại giai không, không diệt cũng không sinh thì làm gì có linh hồn trường tồn bất tử. Tuy nhiên có lẽ đây cũng là một nét đặc biệt hòa đồng theo quan niệm Tam Giáo Đồng Nguyên của người Việt.

    Trả lờiXóa