Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

KHÔNG TRẨY HỘI ĐỀN HÙNG THÌ CÙNG ĐỌC NHỮNG ĐÔI CÂU ĐỐI XƯA


CÂU ĐỐI ĐỀN HÙNG VÀ TÂM THỨC VIỆT NAM

Nguyễn Khắc Xương


Câu đối Đền Hùng là cảm nghĩ của nhân dân gửi Đền Hùng mộ Tổ, tấm lòng nhân dân khi được về mảnh đất cội nguồn, được thành kính thắp những nén hương thơm dâng lên tổ tiên xưa: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”.

Xét về văn tự, câu đối Đền Hùng có 3 loại, đó là các câu đối soạn bằng Hán tự, câu đối Nôm và câu đối chữ Quốc ngữ ra đời muộn hơn, vào hồi đầu thế kỷ.

Đề ở Đền Hùng phần nhiều là câu đôi Hán tự, còn đối Nôm và đối chữ Quốc ngữ là viết trên giấy lưu lại hay in trên báo chí hoặc cũng có khi là truyền khẩu mà nhớ.

Đến cổng đền Hùng, ngước nhìn lên thấy trang nghiêm như tỏa sáng hào quang 4 chữ “Cao sơn cảnh hành”. Đây là câu rút ra từ Kinh Thi: Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ, có nghĩa là: “Núi cao ta ngẩng trông, đường rộng lớn ta đi tới”. “Núi cao ta ngẩng trông” là hướng về cội nguồn như núi cao sừng sững bền vững muôn đời. Còn “đường lớn ta đi tới” là chỉ về tương lai rộng lớn của cả dân tộc. Khổng Tử khi biên tập các câu hát và thơ dân gian để làm thành bộ Kinh Thi có khen câu thơ trên: “Người làm thơ yêu thích cái đạo nhân hậu đến như thế”. Khen “nhân” là vì đã nghĩ đến cái gốc, khen “hậu” vì đã nghĩ đến những thế hệ mai sau.

Hai bên cổng đền là đôi câu đối:

Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn hà qui bản tịch.
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn.
 
(Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông qui một mối;
Lên cao nhìn khắp, chập chùng đồi núi cháu con đông).

Đôi câu đối vừa chỉnh vừa mang ý nghĩa sâu sắc, đề ở cổng nơi thờ Tổ chung cả nước thật thích hợp mà lại chiếu được vào 4 chữ đại tự nói trên.

Đền Hùng còn có nhiều hoành phi đều nói lên Hùng Vương là tổ nước, nêu cao công đức tổ tiên và tấm lòng uống nước nhớ nguồn như:

- Triệu cơ vương tích (Dấu tích vua trên nền móng đầu tiên).

- Nam Việt triệu tổ (Vị Tổ đầu tiên của nước Việt Nam).

- Hùng Vương linh tích (Dấu thiêng của các vua Hùng).

- Ẩm hà tư nguyên (Uống nước nhớ nguồn)

- Tử tôn bảo chi (Con cháu hãy giữ gìn lấy).

- Nam quốc sơn hà (Non sông nước Nam)

- Sơn thủy kim ngọc (Non sông vàng ngọc).

Các hoành phi trên nói lên tư tưởng và tấm lòng của nhân dân, câu đối Đền Hùng cũng mang những nội dung trên nhưng có đi sâu có phát triển, vì hoành phi là súc tích, chỉ nêu trong 4 chữ cả một vấn đề lớn có tính khái quát cao.

Về với Đền Hùng mộ Tổ trên ngọn núi Hùng hay Nghĩa Lĩnh, tại xã Hy Cương, huyện Phong Châu, Vĩnh Phú, mỗi khách hàng hành hương không thể không bồi hồi xúc động trước cảnh núi sông hùng vĩ và tươi đẹp. Trước mắt là thành phố Việt Trì, Kinh đô nước Văn Lang, Thủ đô của nước Việt Nam ta với ba con sông lớn nhất miền Bắc là Lô, Thao (tức sông Hồng) và Đà như 3 con rồng uốn khúc quện lấy nhau chầu về núi Hùng. Khu vực Nghĩa Lĩnh này là hậu cung và cũng là nơi lập đàn tế Trời Đất và thực hành những nghi lễ cầu mưa của các vua Hùng.

Câu đối nói lên tâm tưởng mỗi người trước cảnh tượng hùng tráng “non sông muôn thuở vững âu vàng”:

Vương đối tác bang, tối hảo trung gian sơn thủy;
Dân kim thụ tứ, cái tự thượng cổ thánh thần.
(Vua dựng nước đây, sông núi chốn này tươi đẹp quá;
Dân nay ơn chịu, thánh thần trao lại tự ngàn xưa).

Khải mã Nam giao, Hồng Lạc thiên thu tôn đế quốc;
Hiền vu Tây thổ, Tản Lô nhất đái thọ tân từ
(Cõi mở Nam Giao, Hồng Lạc nghìn thu tôn nước tổ.
Đất tây rộng mở, Tản Lô một dải vững đền Vua).

Quá cố quốc, miến Lô, Thao, y nhiên bích lãng hồng đào, khâm đái song lưu hồi Bạch Hạc.
Đăng tư đình, bái lăng tẩm, do thị thần kinh xích huyện, sơn hà tự cổ khống Chu Diên.
(Qua nước cũ ngắm Lô Thao, vẫn hồng đào bích lãng như xưa, sông hai dải bao quanh chầu Bạch Hạc;
Lên đền này vái lăng tẩm, kìa xích huyện thần kinh còn đó, núi bốn bề quay lại giữ Chu Diên).

Các câu đối bắt nguồn từ cảm hứng núi sông đều mang ý Tổ quốc trường tồn, giang sơn vững mạnh, từ đó lại đưa tới nội dung ca tụng, khẳng định công đức các vua Hùng dựng nước.

 Lịch Tam hoàng chí Tam vương, thần truyền thánh kế.
Đĩnh bách nam khai Bách Việt, tổ thiện tôn bồi.
(Trải qua ba đời đến ba đời vương, thánh thần truyền dõi.
Sinh trăm trai nở trăm giống Việt, tổ tiên xây đắp, con cháu vui bồi).

Thánh thần sự nghiệp Thiên Nam thủy;
Hoàng đế cơ đồ Cổ Tích sơn.
(Sự nghiệp bậc thánh thần khởi đầu ở cõi trời Nam;
Cơ đồ đấng hoàng đế gây dựng từ núi Cổ Tích).

Hồng Lạc cố cung tồn, diệp chướng tầng loan quần thủy hợp.
Đế vương linh khí tại, hào phong nộ vũ nhất phong cao.
(Cung cũ Hồng Lạc còn đây, trùng điệp núi đồng nhiều sông họp lại;
Khí thiêng đế vương vẫn đó, thét gào mưa gió một ngọn núi đứng cao).

Duật duật hoàng hoàng phối thiên kỳ trạch đế nhi tổ;
Thông thông uất uất, đắc địa chi linh sơn diệc hùng.
(Đẹp đẹp tươi tươi, sánh ơn lớn của trời, vua còn là tổ;
Xanh xanh tốt tốt, được khí thiêng của đất, núi cũng rất hùng).

Duy tổ quốc tinh thần, nhất thập bát truyền căn bản địa;
Khảo cổ dư đồ danh thắng, kỷ thiên cổ tải đế vương lăng.
(Vì tinh thần Tổ quốc, qua mười tám đời truyền, đất này là căn bản;
Khảo danh thắng nước nhà sau mấy nghìn năm lẻ, nơi đây còn lăng vua).

Các câu đối đã nói lên sự trường tồn thế nước, truyền mãi và vững mạnh muôn đời:

Thập bát thế truyền trường quốc tộ;
Ức niên hương hỏa điện kim âu
(Mười tám đời truyền dài thế nước;
Ngàn năm hương hỏa vững âu vàng).

Kiến quốc lịch thiên niên, phụ đạo tương thừa công đức hậu;<
Hùng đồ thập bát thế, sơn hà tăng mị thái bình dân.
(Dựng nước trải ngàn năm, trị nước hưởng thừa công đức hậu;
Dòng Hùng mười tám đời, non sông thêm tươi đẹp, dân hưởng thái bình).

Tư tưởng non sông “riêng một cõi trời”, đứng vững một cõi trời Nam, tư tưởng “Nam quốc sơn hà” và “các đế nhất phương” là một tư tưởng hạt nhân của tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, giúp cho nhân dân ta giữ vững chủ quyền dân tộc, bảo vệ giang sơn bờ cõi chống lại bất kỳ mưu đồ thôn tính nào. Tư tưởng “Nam quốc sơn hà” và “Các đế nhất phương” cũng là nội dung của nhiều câu đối Đền Hùng:

Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ;
Ngô vương ngô thổ Bắc thần tôn.
(Đất này núi này là của nước Nam;
Vua ta đất ta làm phương Bắc cũng nể vì).

Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ;
Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành túy miếu, tam giang khâm đái thượng triều tôn.
(Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô, Bách Việt non sông theo tổ trước;
Núi sáng khí thiêng, cố cung thành đền miếu, ba sông quanh quất hướng chầu vua).

Tây hanh vu sơn, Tản Đảo Lô Thao, hội tác nhất thiên vũ trụ;
Nam tố kỳ địa, Đinh, Lý, Trần, Lê trường lưu ức triệu dư đồ.
(Phía tây thông núi ấy, Tản Đảo, Lô, Thao hợp thành bầu vũ trụ;
Phương Nam mở đất này, Đinh, Lý, Trần, Lê ngàn thuở vững dư đồ).

Tư tưởng “uống nước nhớ nguồn”, về với cội nguồn là tư tưởng quán xuyến trong các câu đối, dù nói về công đức Vua Hùng dựng nước hay nói lên tư tưởng “các đế nhất phương”. Tư tưởng “uống nước nhớ nguồn” cũng là một truyền thống trở thành sức mạnh, một nội lực của tâm thức Việt Nam:

Thái hòa tại vũ sổ thiên tải;
Công liệt ư dân thập bát truyền.
(Mấy nghìn năm trước xây nền vững;
Mười tám đời truyền dân đội ơn sâu).

Thông thông uất, trung hữu lăng yên tẩm yên, long phụ tiên mẫu chi tính linh, hựu ngã hậu nhân võng khuyết;
Cổ cổ kim kim, thử sơn dã thủy dã, thánh tổ thần tông chi sáng tạo, y hi tiền vương [bất vong]*.
(Trong cây cỏ tốt xanh vẫn có miếu lăng, hồn thiêng cha mẹ rồng tiên phù hộ đời sau không thiếu sót;
Suốt cổ kim dài dặc, thấy kìa sông kìa núi, công đức tổ tiên thần thánh, nhớ ơn vua trước chẳng hề quên).

Thần thánh khải viêm bang chí kim, địa bất cải tịch, dân bất cải tụ.
Huân lao phụng thánh miếu thị vi, mộc chi hữu bản, thủy chi hữu nguyên.
(Thần thánh mở cơ đồ đến nay, đất vẫn thế, dân vẫn thế;
Công huân thờ thánh miếu từ, cây có gốc nước có nguồn).

Cảm xuc câu đối Đền Hùng là cảm xúc trang nghiêm hướng về những điều thiêng liêng với mỗi người dân Việt; ý thức về cội nguồn, về sự trường tồn vững mạnh của đất nước và tư tưởng uống nước nhớ nguồn. Phải chăng câu đối Đền Hùng là biểu hiện của tâm thức Việt Nam ánh lên trên từng nét chữ?

Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương năm Bính Tí (1996)
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 2 – 1996.
___

* Hai chữ trong ngoặc vuông [bất vong] trên bản in giấy không có, chúng tôi dựa vào lời dịch của tác giả để bổ sung. 

18 nhận xét :

  1. "Triệu cơ vương tích (Dấu tích vua trên nền móng đầu tiên).

    Nam Việt triệu tổ (Vị Tổ đầu tiên của nước Việt Nam)".

    Phai chang nuoc Nam Viet Vu De (Trieu Da) la ong vua dau tien xay dung nen doc lap cho Viet Nam? Neu vay lanh tho Viet Nam (tuc Nam Viet xua) phai bao gom ca Quang Dong Quang Tay Ha Nam ngay nay.

    Nuoc Nam Viet xua cua chung ta, cuong tho tay toi Ba Thuc, Bac den Ho Dong Dinh va Nam toi Hoang Son.

    Kinh mong qui vi chi giao.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bạn nên viết bằng tiếng Việt có dấu

      Xóa
    2. Không phải đâu bạn ạ! đừng nhận giặc làm cha thế. Triệu Đà là đầu mối đưa nước Nam ta đời đời phụ thuộc đại Hán, đến nay vẫn chưa thoát khỏi vòng kiềm tỏa đó.

      Xóa
    3. Đúng là dân Bách Việt xưa lãnh thổ kéo dài đến Quảng Đông, Quảng Tây, Hà Nam của Trung Quốc. Nhưng đó không phải là lãnh thổ của Việt Nam bây giờ. Người Việt Nam ta chỉ là một phần của dân Bách Việt, bị giặc phương Bắc tấn công dồn đuổi chạy xuống phía Nam, chiếm đất đai của các dân tộc khác (Chăm pa, Chân Lạp) và trở thành Việt Nam ngày nay. CÒn bộ phận lớn dân Bách Việt bị Hán hóa bây giờ thành người Trung Quốc. Xét về mặt sinh học thì người Việt Nam xưa và người Bách Việt có quan hệ chủng tộc nhưng bây giờ thì loãng rồi.
      Các bạn nên nhớ Việt Nam ta có hai bà Trưng, Thánh Gióng nhưng dân ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây cũng có truyền thuyết như vậy. Chứng tỏ rằng ngày xưa khi giặc Hán xâm lược thì dân Việt Nam xưa và dân các tỉnh đó xưa chung một lãnh thổ, một truyền thống. Sông Hát nơi hai bà trẫm mình ở Việt Nam không có mà chỉ nói là con sông huyền thoại nhưng nó có thật ở bên Tàu đó bạn.
      Rất đau lòng nhưng phải chấp nhận rằng: Việt Nam ta ngày nay có chung nguồn gốc với mấy thằng Tàu ở QUảng Đông và Quảng Tây (Xét trên sinh học. Tuy nhiên VN ta bây giờ cũng không thuần chủng như thời Bách Việt nữa mà cũng bị lại tạp với các dân tộc chiếm đóng.

      Xóa
    4. Chữ "TRIỆU" ở đây nghĩa là KHỞI ĐẦU không phải chữ triệu là họ Triệu (Tiếng Hán chỉ có 4 thanh, nên nhiều từ đồng âm hơn tiếng Việt, nhưng tiếng Hán được ghi bằng "văn tự ghi nghĩa" nên các nghĩa khác nhau
      ghi bằng các ký tự khác nhau nên chú ý kẻo dễ hiểu lầm bạn ạ . Còn nếu bạn muốn tìm hiểu cội nguồn của người Việt, bạn nên tìm đọc các sách của GS Lương Kim Định - người đầu tiên nêu ra và giải thích khá thuyết phục là tổ tiên của các tộc Bách Việt bắt nguồn từ vùng lưu vực sông TRường Giang , Việt Nam ta tách ra từ các tộc Bách Việt đó...)

      Xóa
    5. Câu đối thứ 2 (từ dưới lên), vế thứ hai, phần phiên âm chữ Hán thiếu nhiều từ làm câu đối không chỉnh . TS Diện nên đính chính để giúp người đọc cần tư liệu chính xác thì tốt quá . Cảm ơn TS.

      Xóa
    6. Gửi Lê Đình Thạch
      1. Về nguồn gốc dân tộc Việt, tuy còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ý kiến có sức thuyết phục nhất là người Việt là người bản địa, đã xuất hiện cách đây 40 - 50 vạn năm. Khoảng 2700 năm trước (tức khoảng năm 700 Tr.CN) xuất hiện hình thái nhà nước đầu tiên, tức nhà nước của các vua Hùng.
      (Thậm chí có tác giả cho rằng, "Bách Việt" ở vùng nam Trường Giang là do người Việt có thời kỳ thiên di lên phía bắc, về sau trước nạn Hán hoá, một bộ phận lại thiên di về nam - có nghĩa là người Việt trở lại đất cũ).
      2. Chuyện lấn đất Chăm-pa (Chiêm Thành), Chân Lạp là chuyện mãi về sau này, khởi đầu từ Lý Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm năm 1059, chiếm đất Địa Linh, Ma Linh, Bố Chính (Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay). Quá trình Nam tiến kéo dài cho đến giữa thế kỷ XVIII thì hoàn tất, Việt nam có lãnh thổ gần như ngày nay.
      3. Bạn tự mâu thuẫn: đã coi Bách Việt vốn không phải người Trung Quốc lại còn "Rất đau lòng nhưng phải chấp nhận rằng Việt Nam ta ngày nay có chung nguồn gốc với mấy thằng Tàu ở Quảng Đông và Quảng Tây". Bộ phận các tộc người thuộc nhóm Bách Việt ở Lưỡng Quảng bị Hán hoá, trở thành người Trung Quốc cũng là bình thường như nhiều dân tộc đã bị đồng hoá. Còn người Việt ta không bị Hán hoá, không bị nhập vào TQ, đó là điều đáng tự hào, nó nói lên sức sống ngoan cường của dân tộc ta. Chính điều này là một trong những nguyên nhân làm cho bọn Tàu Cộng ngày nay cay cú nên quyết tâm thôn tính nước ta.

      Xóa
  2. Công dân miệt vườnlúc 14:29 31 tháng 3, 2012

    Ngày xưa sao có những câu đối, câu chữ trên hoành hpi hay thế. Ngày nay ít thấy

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn tác giả bài viết, hãy xem hộ lại câu đối này với:
    Lịch Tam hoàng chí Tam vương, thần truyền thánh kế.
    Đĩnh bách nam khai Bách Việt, tổ thiện tôn bồi.
    (Trải qua ba đời đến ba đời vương, thánh thần truyền dõi.
    Sinh trăm trai nở trăm giống Việt, tổ tiên xây đắp, con cháu vui bồi).
    Hình như là:
    曆三皇至三王神傳聖繼
    挺百男開百粵祖肇孫培
    Lịch Tam hoàng chí Tam vương, thần truyền thánh kế.
    Đĩnh bách nam khai Bách Việt, tổ triệu tôn bồi.
    Chữ "triệu" tức là khởi tạo nên, không phải chữ "thiện"
    Chiến Bình

    Trả lờiXóa
  4. Rất tiếc là tác giả không nói rõ câu đối, đại tự đời nào. Liệu trong số này có câu nào đời đời Lê không nhỉ. Có câu nào trước thế kỉ XIX thì quý quá.

    Trả lờiXóa
  5. Chào anh Diện,
    4 chữ ở cổng Đền Hùng là "Cao Sơn Cảnh Hành" hay "Cao Sơn Cảnh Hạnh" ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ này còn đọc là Hàng trong ngân hàng
      & là Hạng chỉ con đường hẽm nhỏ

      Xóa
  6. Chữ "行" có 2 nghĩa: Hành và hạnh, tùy theo ý nghĩa của câu mà nên.Ở đây tôi cho rằng tác giả đã dịch đúng: "cao sơn cảnh hành". Còn câu:
    "Duy tổ quốc tinh thần, nhất thập bát truyền căn bản địa;
    Khảo cổ dư đồ danh thắng, kỷ thiên cổ tải đế vương lăng".
    Tác giả có khả năng chép thừa chữ "cổ":
    "Duy tổ quốc tinh thần, nhất thập bát truyền căn bản địa;
    Khảo dư đồ danh thắng, kỷ thiên cổ tải đế vương lăng".
    Câu: 曆三皇至三王神傳聖繼挺百男開百粵祖肇孫培 Chữ lịch 歷(trải) không phải 曆, xin lỗi các vị.

    Trả lờiXóa
  7. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 10:31 15 tháng 4, 2013

    Sao không xếp những câu đối bằng chữ Hán vào Viện Bảo Tàng . Thay thế bằng câu đối chữ Việt cho dân ta dễ đọc, dễ thấy ?

    Trả lờiXóa
  8. Thờ cúng tổ tiên rất được coi trọng ở An Nam ta suốt trong trường kỳ lịch sử, Alexandre de Rhodes đã ghi chép thực tế như sau ở thế kỷ XVII “Việc sùng bái vong linh tiên tổ của người An Nam vượt hết những gì có thể nghĩ được ở châu Âu. Họ vất vả rất nhiều để tìm đất đặt mồ mả. Họ cho rằng, hạnh phúc toàn gia tộc đều phụ thuộc vào sự để mả này. Họ không tiếc tiền của, công lao để bày cỗ bàn tiệc tùng mấy ngày liền sau đám tang, rồi mỗi năm, vào ngày kỵ, không bao giờ họ bỏ không làm giỗ tổ tiên tới tám đời hoặc có khi tới mười đời”.
    Trong thực tế lịch sử xét về góc độ tín ngưỡng của người Kinh, không thấy có sự hiện diện của ban thờ vua Hùng hay ngày giỗ vua Hùng trong mỗi gia đình Việt Nam, hoặc trong các từ đường của dòng họ hay chi họ từ xưa đến nay. Ngày Giỗ Tổ mới được chính thức hóa thành ngày Quốc Lễ như vài năm gần đây , lịch sử có ghi chép về Đền Hùng từ thời Lê sơ nhưng hết sức sơ sài, đến khi vua Khải Định chính thức lấy ngày 10/3 âm lịch là ngày giỗ tổ vào nửa đầu thế kỷ 20 thì câu thơ “Dù ai đi ngược về xuôi….nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba” mới thấy xuất hiện. Khi người ta chưa tìm thấy cách lý giải thuyết phục đi từ tín ngưỡng ở phạm vi vài làng xã trong một vài khu vực ngày nay thuộc tỉnh Phú Thọ lên tầm quốc gia mà không thể đưa ra truyền thống kết nối tín ngưỡng này từ gia đình - dòng họ - làng xã - quốc gia thì tính học thuật về lịch sử văn hóa dân gian bị xem nhẹ. Tâm thức ở đâu vậy?
    Một đất nước với hơn 54 dân tộc và cách giải thích nguồn gốc dân tộc theo kiểu huyết thống tập thể trích từ Đại Việt Sử ký toàn thư…liệu những người trẻ đọc nhiều, hiểu nhiều liệu có tin?

    Trả lờiXóa
  9. Đọc những câu đối hoành phi mà tiến sỹ ghi lại rồi diễn giải ra tiếng nôm tôi rất xúc động.
    Có cái gì linh thiên, hoành tráng, sâu sắc đến ngỡ ngàng!
    Ở đây tôi thấy hiện ra cả một hệ thống tuyên ngôn về ý thức dân tộc, về truyền thống hào hùng, khẳn định ý chí độc lập tự chủ, khẳng định bờ cõi,cương vực, khẳn định lòng tin ở tương lai, ở ngày mai xán lạn của con cháu các dân tộc Việt.
    Tôi tự hỏi Viện Hán Nôm, Viện khoa học xã hội văn hóa, Viện khoa học chính trị đã có những dự án nghiên cứu về những di sản văn hóa này không? Đã có những đề tài nghiên cứu khoa học về các vua Hùng, về cương vực của người Việt, về diễn tiến và hình thành của các dân tộc Việt, về sự tương quan văn hóa lịch sử giữa các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Hoa và Việt Nam ngày nay chưa?

    Tại sao có quá nhiều những đề tài luận án văn hóa chính trị vớ vẫn, tào lao, có khi quá đỗi ngớ ngẫn mà ít thấy những đề tài nghiên cứu nghiêm túc về cỗ sử Việt Nam, về sự giao thoa giữa các dân tộc Việt, đặc biệt yếu tố Việt ở các tỉnh phía Nam Trung Hoa? NĐH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có rồi bác Nguyễn Đăng Hưng ạ. Rất nhiều nữa là khác. Nhưng nhìn về quá khứ mịt mờ cũng như tương lai vô định là vô cùng khó khăn. Bởi thế bất cứ thế hệ khoa học nào cũng đang tiếp bước. Có điều, làm gì đi nữa thì cái tâm với giống nòi, với Tổ quốc, với nhân dân vẫn là trên hết.
      Tôi cũng đọc từng chữ và run lên những cảm xúc như bác.

      Xóa
  10. Sau này còn có cả những câu đối bằng chữ Nôm (quốc ngữ) cũng rất ý nghĩa. Kính mời thưởng thức:
    Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà: non nước vẫn quay về Đất Tổ.
    Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc: giống nòi còn biết nhớ Mồ ông.

    Con cháu còn, tôn tổ vẫn còn: Nòi giống nhà ta sinh sản mãi.
    - Nắng mưa thế, miếu lăng vẫn thế: Non sông đất nước vững bền lâu.

    Con cháu ba kỳ thăm mộ Tổ
    Non sông muôn thuở rạng nòi Tiên

    Trả lờiXóa