Chân dung Đặng Huy Trứ
Đặng Huy Trứ, tự Hoàng Trung, hiệu Võng Tân, Tỉnh Trai, tục gọi là Bố Trứ - Bố Đặng (do ông từng làm Bố chính), pháp danh Đức Hải (thủa thiếu thời ông từng được đem quy y tại chùa Từ Hiếu), quê làng Bát Vọng, sau sang ngụ ở làng Thanh Lương - nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông mất năm Giáp Tuất (1874) tại xã Cao Lăng, Chợ Bến, Đồn Vàng, thuộc tổng Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Sau này ông được đưa về an táng tại Hiền Sĩ, nay ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Đặng Huy Trứ là một trong những người có công đầu đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, bằng việc mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường (ngày 14 tháng 3 năm 1869) ở phố Thanh Hà, Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, đĩnh ngộ. Khoa thi năm 1847, ông đã lọt qua các vòng thi Hương và thi Hội (đã chắc chắn đỗ tiến sĩ), đến khi thi Đình do bài thi phạm húy nên bị cách tuột và cấm thi trọn đời. Biết tài học của ông, một vị quan lớn đương triều đã mời ông về dạy học cho con em trong nhà và cho tới 8 năm sau, nhờ vị quan nọ tâu xin với vua nên ông được thi lại và đỗ tiến sĩ năm 1855.
- Từ năm 1856 đến năm 1864, ông lần lượt trải các chức: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa; Tri huyện Quảng Xương; Tri phủ Thiên Trường tỉnh Nam Định; Hàn lâm viện trước tác; Ngự sử.
- Năm 1864, ông được bổ nhiệm chức Bố chính Quảng Nam.
- Năm 1865, ông đi Hương Cảng nhằm xem xét tình hình phương Tây và đã đem về về một cuốn sách kỹ thuật của người Tây Dương viết về máy hơi nước do chính ông biên dịch sang tiếng Hán.
- Năm 1867, trong chuyến đi Trung Quốc đầy bất trắc (ông mắc bệnh và phải nằm nhà thương 9 tháng ròng không tiền bạc, không người thân bạn bè) nhưng đã mua được cho triều đình 239 khẩu "quá sơn pháo”. Cũng trong thời gian ngã bệnh, ông viết cuốn Từ thụ yếu quy dài 900 trang gồm 4 tập nhằm chống thói hối lộ - tham nhũng chốn quan trường.
- Năm 1871, ông giữ chức Bang biện quân vụ Lạng – Bằng - Ninh – Thái.
- Cuối năm 1873 ông lui quân về căn cứ Đồn Vàng – Hưng Hóa dưới quyền Thống thống quân vụ Hoàng Kế Viêm, mưu tính kháng chiến lâu dài nhưng việc trù tính còn dở dang thì vua Tự Đức đã ký Hòa ước Giáp Tuất (1874).
- Năm
1886(?), ông làm Biện lý Bộ Hộ, trực tiếp phụ trách Ty Bình chuẩn tại Hà Nội để chuyên lo việc kinh tế, tài chính cho triều đình.
Sinh thời, Đặng Huy Trứ làm quan đời vua Tự Đức, ông nổi tiếng thanh liêm, từng đi xứ các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm La (Thái Lan). Suốt 18 năm làm quan, Đặng Huy Trứ trải qua nhiều chức vụ, có mối quan hệ rộng rãi với các tầng lớp nhân dân cũng như sĩ phu trong và ngoài nước. Ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều và có tầm tư duy quảng bác. Sự nghiệp quan trường của ông đều nhằm mục đích canh tân đất nước nhưng quan lại đương thời thường nghĩ đến Đặng Huy Trứ như một vị quan to ham đi buôn.
Năm 1858 khi làm tri huyện Quảng Xương, ông đã lập ra các nghĩa trang để có chốn chôn cất, cúng tế cho nắm xương tàn của những cô hồn. Từ đó mới có lệ lập ra nghĩa trang ở các vùng.
Ông là nhà cải cách, gieo mầm canh tân và khai hóa thời Nguyễn giữa thế kỷ 19 với tư tưởng phát triển kinh tế (khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp và thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải); phát triển khoa học quân sự (đưa ra tư tưởng chiến tranh nhân dân cho mọi chiến lược và chiến thuật, cử người đi học hỏi những kỹ nghệ phương Tây như đóng thuyền, chế tác vũ khí); cải cách xã hội (chống tư tưởng trọng văn khinh võ, chống hối lộ - tham nhũng, nhấn mạnh đức tính cần kiệm liêm chính – chí công vô tư của quan lại). Ông lập ra các thương điếm như Lạc Sinh Điếm, Lạc Thanh Điếm và Ty Bình Chuẩn để giao thương với phương Tây, tạo dựng nền tảng tài chính và quân sự cho triều đình nhà Nguyễn trong những 1850-1870.
Con đường canh tân đất nước của Đặng Huy Trứ bị bỏ dở sau khi ông mất. Những nỗ lực canh tân của ông không có đất phát triển do đầy rẫy những biến động về chính trị, giặc ngoại xâm của đất nước cuối thế kỷ 19. Không giống những nhà canh tân cùng thời, Đặng Huy Trứ là nhà canh tân dám dấn thân, canh tân dựa vào dân và làm lợi cho dân (công tư lưỡng lợi), dấn thân đến tột cùng trái ngược hẳn với bản tính ốm yếu về thể chất của ông.
Nhận định
- “Đặng Huy Trứ khảng khái, có chí lớn, đương trù tính nhiều việc”[1]
- "Một trong những người trồng mầm khai hoá đầu tiên của Việt Nam", Phan Bội Châu[2]
- "Trên con đường đổi mới, trong số những người đi đầu tiêu biểu vào thời gian này (cuối thế kỷ 19) không thể bỏ qua một nhân vật lỗi lạc có đầu óc đổi mới, đó là Đặng Huy Trứ”, Vũ Khiêu[2]
Quan niệm
- "Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường"
- "Dân không chăm sóc chớ làm quan"
- "Mình thiệt, dân lợi, dân gắn bó. Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn. Hờn căm, gắn bó tùy ta cả..."
- "Cấy cày và canh củi là gốc của cơm áo. Nhưng nếu không hiểu việc binh để giữ lấy thì dù có thừa thóc trong kho, thừa vải trên khung cửi cũng bị kẻ địch lấy đi"[3]
- "Quân đội là nanh vuốt có quan hệ đến sự thắng bại, nhưng nhân dân mới là huyết mạch quyết định sự an nguy của đất nước"[4]
- "Dân là gốc của nước, là chủ của thần"[5]
- "Từ xưa, nhân hòa là điều quan trọng bậc nhất, thiên thời, địa lợi cũng từ đó mà sinh ra"[6]
- "Trên dưới đồng lòng mong cùng nhau cứu nước, thì dám nói rằng một chân, một tay cũng đủ giúp rập cho công việc"[7]
- "Cần là một đạo lý và kiệm cũng là một đạo lý"
Tác phẩm
- Đặng Dịch Trai ngôn hành lục
- Khang Hy canh chức đồ
- Hoàng Trung thi văn
- Nhị vị tập
- Nữ giới diễn ca
- Tứ thập bát hiệu ký Sự tân biên
- Từ thụ yếu quy
- Tùng chinh di quy
- Việt sử thánh huấn diễn nghĩa
THƯ VIỆN VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM HIỆN CÓ LƯU TRỮ TÁC PHẨM TỪ THỤ YẾU QUY 2 bản in (4Q), 908 tr., 27 x 17, 1 tựa, 1 mục lục, 1 phàm lệ. A.491/1-3. VHv.252/1-4. Tóm tắt: Sự khác nhau giữa việc ăn hối lộ và việc nhân quà biếu chính đáng của người làm quan. Phân tích 109 trường hợp đút lót, trong đó chỉ có 5 trường hợp là có thể chấp nhận được mà không ảnh hưởng tới đức thanh liêm của người làm quan. Nhận (thụ) hay không nhận (từ) đút lót, đều cần có sự phân tích cụ thể. Dưới đây là bài trên trang Blog Ngô Minh (Huế): Quá bức xúc trước họa tham nhũng, hối lộ , về cuối đời, khi đang bệnh nặng ở Trung Quốc, ông đã dốc hết trí tuệ và sinh lực để soạn cuốn sách dày 650 trang bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan, gọi là Từ thụ yếu quy , rồi tự bỏ tiền túi ra in năm 1868, mong để lại cho đời sau làm bài học . Đây là cuốn sách có một không hai trong lịch sử nước ta, một tác phẩm đặc sắc và độc đáo. Sách “ Từ thụ yếu quy” ( Không thể nhận và có thể nhận ) nêu lên làm quan phải luôn luôn tâm niệm có 104 thứ hối lộ không thể nhận! Từ thụ yếu quy đúc kết 104 kiểu hối lộ, tham nhũng điển hình phổ biến trong xã hội. Sau mỗi điều viết về tệ hối lộ, Đặng Huy Trứ kêu lên : Không thể nhận ! Sau đây là một số trong 104 thứ hối lộ không thể nhận. Phần trình bày, ví dụ điển tích Trung Hoa để nêu gương sáng rất kỹ, rất phong phú, xin được tóm tắt : Sĩ tử đi thi hối lộ cầu được đỗ . Phép thi quý là chọn được thực tài.Thế mà có kẻ hèn kém, ngày thường chẳng chịu học hành, đến kỳ thi liền đem tiền bạc đến hối lộ quan chấm thi, để cầu được đỗ. Những kẻ ấy …nếu được đỗ thì cả đời họ chỉ tiến thân bằng con đường mờ ám, di hại cho dân chúng không nhỏ. Thứ hối lộ ấy không thể nhận ! Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử . Người làm quan phần đông nóng lòng mưu cầu giàu sang, hoặc muốn bổ vào chỗ dễ kiếm chác, hoặc mong thăng chức, .v.v..Lúc đầu thì biếu ta sơn hào, hải vị, trà ngon, the tốt, tiếp đến là tùy trên thích gì lớn nhỏ đều sẵn sàng dâng vàng bạc từ một lạng đến ba bốn trăm lạng…Đến khi mua được chức quan thì lãi mẹ để lãi con. Họ dùng quyền để mà lấy lại, dùng ngày giỗ cha mẹ để mà lấy lại, dùng việc cưới xin con cái để mà lấy lại…Thứ hối lộ ấy không thể nhận ! Quản cơ, suất đội hối lộ để được ra coi cửa quan, cửa biển ( tức Hải Quan).Ở cửa biển, thuyền buôn trong nước thì đòi biếu tiềìn ,gạo, thổ sản…Thuyền buôn của Tàu ra vào thì đòi biếu hàng Tàu, đôi dăm ba lạng bạc. Như thế hàng năm họ thu đượüc rất nhiều. Nghe tin cửa biển nào thiếu người thì họ chạy chọt, vay tiền bạc để hối lộ ta. Được chức rồi thì họ sách nhiễu con buôn. Không có vật gì dù nhỏ mọn mà họ không lấy … Thứ hối lộ ấy không thể nhận ! Địa phương hối lộ các quan thanh tra . Quan thanh tra đi đâu đều được ban cấp tiền bạc…Dầu thế, địa phương vẫn chuẩn bị tiền nong, vàng bạc , chờ xem thế nào sẽ biện lễ. Quà cáp nhiều, nói năng khéo, rồi bao nhiêu khiếm khuyết che đậy cho họ, rồi trên tờ trình đầy rẫy những lời tán dương, khen ngợi. Vâng lệnh vua, cầm tờ tiết đi kinh lược việc lớn, mà cứ thế thì triều đình còn trông cậy vào đâu ?. Thứ hối lộ ấy không thể nhận ! Thương nhân …hối lộ để xin giấu bớt thuế . Khi thuyền chở hàng ra cảng, theo hai hạng quý và thường, rồi căn cứ vào số cân mà đánh thuế. Song phép công cố định mà lòng người ham muốn không cùng. Con buôn thì lần đo khám nào cũng đem tiền bạc hối hộ cho quan để ẩn lậu cho đi. Nếu thấy họ lễ hậu mà giảm cho, để túi riêng ta căng đầy, còn thuế khóa của triều đình thì bị thất thoát…. Thứ hối lộ ấy không thể nhận ! Con buôn nước ngoài hối lộ để cầu thân. Con buôn mang lễ vật biếu quan nào trà Ô Long, quạt lông trắng, lộc nhung, quế chi, the lụa Tô Châu, đồ sứ Giang Tây…Nhờ thế họ buôn bán hàng cấm, tung tiền ra để mua chuộc, xin thầu việc này việc khác…mà trở nên giàu có. Họ mưu dùng ta làm bức tường chắn cho họ làm giàu…Thứ hối lộ ấy không thể nhận ! Còn có nhiều thứ hối lộ không thể nhận nữa như Hối lộ để chia nhau những thứ dôi ra trong kho, hối hộ để cầu xin làm việc thu thuế, nhà giàu keo kiệt hối lộ để được miễn góp việc công, hối lộ để xin khai thác khoáng sản.v.v…Do nhiều năm làm quan lo kinh tế cho Triều đình, bằng kinh nghiệm của mình, Đặng Huy Trứ đã tổng kết gần như đủ mưu ma hối lộ tham nhũng. Ông viết cuốn sách cách đây 131 năm , bây giờ đọc lên vẫn giật mình !. Tôi ước ao sách Từ thụ yếu quy được tái bản , phát không mỗi cán bộ có chức có quyền một cuốn, gối đầu giường để đọc mà tu thân ! (Trích Blog Ngô Minh) Dưới đây là 5 trường hợp có thể nhận quà biếu: Còn 5 trường hợp quà biếu có thể nhận (thụ) là những gì? Xét cho cùng thì đây cũng là sự cho - nhận trong mối quan hệ xã hội nhưng hàm chứa ân tình, ân nghĩa trong sáng, tốt đẹp hoàn toàn không mang mục đích mưa cầu tư lợi theo kiểu hối lộ. Đó là: 1 . Lễ tết hàng năm (cấp dưới tết cấp trên, học trò tết thầy, binh lính tết chỉ huy... bằng sản vật thổ ngơi - chứ không phải bằng tiền bạc). 2. Xong việc đến tạ ơn. Trong trường hợp này, Đặng Huy Trứ lý giải rõ: "Quan làm việc công đó là phận sự trong bụng không nên trông chờ sự báo đáp. Còn người có việc cũng không nên nói đến việc tạ ơn. Song lẽ ở đời "kết cỏ ngậm vành”, ai mà chăng có tình nghĩa ấy. Nếu như họ có công việc (nhờ ta), ta để hết tâm lực, cân nhắc cả ba mặt. tình, pháp và lý, xử thế thỏa đáng, khiến họ cũng được chút lợi họ ghi lòng tạc dạ ơn ấy, đem lễ vật đến tạ. Kẻ biếu xuất phát từ lòng thành, không có ý khác, người nhận không hề có yêu sách. Có thể nhận . 3. Người được tiến cử đến tạ ơn. Trường hợp này tác giả viết: “Tìm người hiền tiến cử nhà vua, đó là chức phận của bầy tôi. Nay ta biết có người hiền mà tiến cử, xuất phát từ lòng mong muốn triều đình có được người hiền đâu có mong báo đáp. Song đã gặp người tri kỷ, họ không quên. Đó là nhân tình vậy. Nhưng có những trường hợp công cử ở triều đình mà tạ riêng ở tư thất, như Vương Mật nửa đêm mang vàng bạc đến biếu Dương Chấn, Ngô Phụng ở giữa vườn hoa đưa vàng đút cho Trương Tải, người được tiến cử rồi thay đổi tiết tháo, phẩm hạnh như Trương Trật Phù công Lã Chính, như thế nếu họ có lễ tạ thì phải khước từ tức khắc Còn những người không phụ lòng ta tiến cử, đến khi tới hạn thăng chức, lên lương, được ân mệnh chuyển chức vụ khác nếu có mang sản vật thổ ngơi đến tạ lòng tri kỷ, người cho không xấu hổ, kẻ nhận không thẹn thùng. Có thể nhận”. Ngoài ba trường hợp nêu trên, thì còn hai trường hợp thuộc diện "Có thể nhận". Đó là "Thuyền buôn Nam - Bắc nhờ thuận buồm xuôi gió đem quà đến biếu" và "Nhân việc vui buồn mà có quà mừng riêng . Cả hai trường hợp này cũng được tác giả đưa ra lời bàn hết sức cặn kẽ nhăm giúp kẻ nhận cũng như người cho nhận chân ra cái thực, cái giả nhiều khi lẫn lộn, rất dễ bị ngộ nhận. |
MỘT SỐ HÌNH ẢNH NHÀ THỜ ĐẶNG HUY TRỨ TẠI LÀNG THANH HƯƠNG,
XÃ HƯƠNG XUÂN, HUYỆN HƯƠNG TRÀ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Nguyễn Xuân Diện thăm nhà thờ Đặng Huy Trứ (năm 2009)
Ảnh trong bài: Nguyễn Xuân Diện
Anh Diện ơi, ông Đặng Huy Trứ mất năm 1874 sao năm 1888 còn làm Biện Lý Bộ Hộ được anh?
Trả lờiXóaTS Diện đã đặt dấu hỏi rồi mà bạn, năm 1886 chứ không phải 1888 bạn ạ. (TS Diện tôn trọng bản gốc thôi).
XóaNhà mình ở gần đó, biết Diện đi qua sẽ mời vào chơi...
Trả lờiXóaKiểu hối lộ và nhân hối lộ ngày nay có muôn mầu muôn vẻ. Quan thanh liêm thì quà biếu cách nào cũng từ chối, nhưng quan bà ở nhà lại lén nhận thì sao ? Có được quan thanh liêm thật khó. nếu có được thì phải cố mà bảo quản, tiến cử lên từ từđến khi chín chắn thì đừng ngại giao cho việc lớn.
Trả lờiXóaCứ như Nguyễn công Trứ làm lính cũng không nhục, làm quan cũng chẳng sướng, cứ phép công mà làm .
Vì sao qua thi Hội mà đã coi là chắc chắn đỗ tiến sỹ hả bác? Nếu vậy thi Đình là để lấy danh hiệu nào?
Trả lờiXóa