Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

HÔM NAY, NGÀY GIỖ CỦA ANH HÙNG TRẦN VĂN PHƯƠNG VÀ 63 LIỆT SĨ

Hôm nay ngày giỗ anh hùng Trần Văn Phương và 63 liệt sĩ Trường Sa

Vợ của liệt sĩ Trần Văn Phương thắp hương giỗ chồng
bên bờ biển Đông, ảnh chụp năm ngoái
Hôm nay 13-3, trời lạnh tê, mình xe máy về làng cát Đơn Sa, Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình. Nơi đó có ngôi mộ của liệt sĩ Trần Văn Phương hy sinh của 63 liệt sĩ khác trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. Mộ anh khói hương nghi ngút, làng cát Đơn Sa thương nhớ ngày hy sinh của một người con anh hùng.

Ngôi nhà của anh nhỏ xin trên cát, từ ngày anh mất, chị một mình nuôi con trên cát, đứa con của anh, cô bé Thủy ngày nào đã lớn, hiện đang là người lính Hải Quân ở Khánh Hòa. Lễ giỗ này Thủy không về, nhưng chắc chắn Thủy không bao giờ quên. Vợ anh Phương, chị Mai Thị Hoa đã vào Sài Gòn làm việc, ở quê, người thân làm giỗ, mấy năm trước, gặp, chị kể, Thủy gọi điện về, nói thắp cho con thêm nén nhang. Nhà chị ở cạnh nghĩa trang liệt sĩ xã, cứ đến ngày giỗ thì buổi sáng, trước lúc đi chợ, chị chạy qua thắp cho anh nén hương. Rồi về lên chợ Đồn mua hương quả, mua thịt cá về làm mâm giỗ chồng bên bờ biển Đông.

Di ảnh anh hùng Trần văn Phương với người vợ của mình ở thôn Đơn Sa.

Đã 24 năm chị làm giỗ chồng, đã 24 năm nuôi con đằng đẵng bên bờ biển Đông và nay con của anh hùng Trần Văn Phương đã lớn để nối nghiệp bố là lính Hải Quân. 24 năm chị khóc chồng, hòn vọng phu bên bờ biển Đông đầy sóng gào gió thét. 24 năm chị đợi chồng giữa nắm đất làng cát Đơn Sa.

Năm ngoái, gặp chị, người đàn bà nhỏ mảnh, tóc bạc hơn tuổi vì nhớ chồng vời vợi, vì trăn trở nỗi niềm 24 năm vò võ. 24 lần giỗ, năm nào chị cũng có đủ đầy chén xôi của ruộng làng. Chị kể, anh Phương mỗi bận về vẫn thường thèm xôi, thời xưa khó khăn, có khi phải đi mượn quanh làng để có lon nếp xới xôi cho chồng. Nay, cuộc sống đỡ hơn, chị vẫn biết cái thích xưa của anh mà đưa lên bàn thờ chén xôi tảo tần.

Hôm nay giỗ anh, cả xóm nhỏ Đơn Sa đến hương khói tâm tình. Vào nhà, xin thắp cho anh nén nhang, những người thân của gia đình vẫn nhận ra mình, thằng cu nhà báo mấy năm trước ra ra, vào vào viết bài viết vở. Ra bên mộ anh, khói hương nghi ngút.

Còn nhớ, năm trước ngồi với chị, nước mắt đỏ hoe, một nỗi nhớ đằng đẵng hơn 20 năm. Ngọn lửa trong bếp tí tách cháy, lửa càng cháy, chị càng khóc, bởi lửa bếp nhà cô đơn vò võ những mấy mươi năm. Anh từng viết thư, rằng sẽ về giữ nhà cho mẹ con em. Nhưng mãi anh không về, khi về thì là khúc nhạc buồn sĩ tử vang lên ở nghĩa trang xã.

Không chỉ ngày này ở Đơn Sa giỗ anh, mà ở Quảng Bình còn có 9 gia đình khác cùng giỗ liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa, rồi cả nước cũng có đám giỗ của cả 64 liệt sĩ Trường Sa.

Ai đó quên, có thể?. Nhưng những đám giỗ thì không thể nào quên. Không thể bào mòn trong tâm trí dân làng Đơn Sa hay dân làng của các liệt sĩ. Ngày này vẫn được ghi mãi, ghi mãi trong hồn cốt các gia đình, bản quán có những người con hy sinh.

Ngày mai các anh hy sinh đúng vào 14-3, hôm nay gia đình các anh thắp hương, làm mâm giỗ. Người ta nói, giỗ người mất phải giỗ ngày sống. Có thể ai đó quên, nhưng gia đình, vợ con, cháu chắt, và những trái tim hông không hề quên, cuốn lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam còn ghi lại trận đánh ở Gạc Ma, sao quên đươc.
Cu Làng Cát 

Người Ba Đồn:

Sao hiu quạnh thế, anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương (!?)

NBD- Chiều nay (13.3.2012), Người Ba Đồn có hẹn mấy người bạn thân đi viếng phần mộ của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, một người con thân yêu của quê hương Quảng Trạch, Quảng Bình đã anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma (Q. đảo Trường Sa) năm 1988. 

Hiu quạnh nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Phúc chiều 13.3.2012
Hai mưoi bốn năm trước, anh Phương hy sinh trong một tư thế hiên ngang, mặc cho quân thù đâm thủng ngực nhưng anh vẫn giơ cao lá cờ Tổ Quốc hô vang những câu nói máu thịt, bất tử khiến cho kẻ thù (bọn bành trướng Bắc Kinh) khiếp vía. "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải Quân".

Buồn, không hiểu vì sao chiều trời lại đổ mưa lạnh, hay trời thương cảm khóc với anh Phương . Dù đã nhắn tin khi sáng hẹn mọi người việc chiều nay nhưng nhiều người bạn có tý chức quyền... đến tận cuối giờ tìm cách từ chối. Tất nhiên lý do họ đưa ra thì mình sao có thể nói họ được, toàn là rất chi chính đáng.

 
Thôi, sự hy sinh của một con người là sự trân trọng, đằng này đây là sự hy sinh của một anh hùng, một anh hùng của chính chế độ hôm nay công nhận. Họ là những người nối tiếp để thực hiện ý nguyện của anh Phương mà sao như thế nhỉ. Thấy xót xa! Buồn!.

Thôi, mình cũng thông cảm chứ biết làm sao, mình điện cho anh Nguyễn Tiến Thành- Bí thư đảng ủy xã Quảng Phúc hỏi rằng, ngày mai là 14.3 kỷ niệm 24 năm ngày mất của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương xã có tổ chức chi không?. Anh Thành là bạn mình gần mười mấy năm rồi, thân hồi anh còn làm bí thư Đoàn xã, anh thật thà trả lời, không làm gì cả, mình vẫn biết là ngày mai ngày giỗ của anh Phương nhưng không có ai chỉ thị gì cả nên không biết tổ chức thế nào (?!). Rứa nhà báo định làm gì, cho ý kiến chỉ đạo đi để anh em biết?. Mình bảo, em không báo chí chi mô, chiều nay em muốn cùng anh ra nghĩa trang thắp hương cho anh Phương nén hương. Đắn đo một hồi, anh Thành đồng ý và nhất trí với mình. Được thôi! anh Thành tỏ ra nhiệt tình với mình.

 
Không hẹn được ai, cuối cùng mình chỉ có ba ông bạn đi cùng. Đó là Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, anh Phạm Thế Hanh- cán bộ Ngân hàng và bạn Nguyễn Quốc Dũng- chủ cửa hàng xăng dầu. Cho dù tin nhắn mình gửi khi sáng có hơn chục người, ai cũng hồ hởi nhận lời.Thấy đau và buồn, ai cũng là người nhưng giữa lời nói và việc làm thật là một khoảng cách xa ngái. Thôi, mình cứ thể hiện mình, ai hiểu được gì thì hiểu. Bác sỹ Tuấn lấy xe riêng  chở chúng mình về nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Phúc trong buổi chiều mưa rát mặt.
 
Chúng tôi có mặt tại nghĩa trang xã Quảng Phúc, trời đã về chiều chạng vạng. Bác sỹ Tuấn là người Quảng Phúc nên mới biết người quản trang nên tìm được ông ấy để lấy chìa khóa mở cổng. Ông Chinh quản trang sau khi BS Tuấn gọi mới đến mở khóa cổng cho chúng  mình vào thắp hương. Ông bảo, các anh đến thắp hương nhân cái gì đó?. Mình nói, ngày mai là ngày giỗ anh Phương nên bọn em vào thắp hương cho anh. Ông Chinh bảo, thế à, chúng tôi có biết mô?. Đã ba năm nay, vợ con anh Phương vô Sài Gòn sinh sống nên cũng ít người đến thắp hương. Cuối năm 2009, chị Hoa cùng đứa con gái nhỏ chị "xin được" sau ngày anh Phương mất vào T.P Hồ Chí Minh sinh sống đến tận bây giờ. Nghe anh Chinh bảo chỉ có những lúc quan trọng chị mới về thôi. Chị Hoa cũng khổ, vì cuộc sống mưu sinh, góa bụa nên chị mới quyết định vào Sài Gòn. Anh Thành bí thư cũng công nhận điều đó khi tôi muốn về nhà anh Phương thắp nén hương trên bàn thờ. Không biết, ở Sài Gòn xa xôi chị Hoa có làm mâm cơm tưởng nhớ đến anh Phương không?. Mình tin là có!.
 
Nghỉ mà buồn, năm 2008 mình về Quảng Phúc viết bài về chị , chiều nào chị cũng sang thăm mộ anh Phương. Mộ anh Phương hình như đưa từ Trường Sa về nghĩa trang năm 2004.

 Năm 2009, Nghĩa trang liệt sỹ được hoàn thiện nhưng tấm bia chỉ đề dòng chữ liệt sỹ Trần Văn Phương. Mình bảo với bí thư Thành, anh Phương là anh hùng sao không đề anh hùng.
Tấm bia trên phần mộ của anh Trần Văn Phương chỉ đề là liệt sỹ, 
thiếu đi rất  nhiều chi tiết trong đó có  hai chữ anh hùng
Anh Thành bảo hình như có sự "chỉ đạo" làm đúng khuôn mẫu. Mình lớn tiếng, bây giờ em muốn làm tấm bia xứng đáng về anh như khắc ảnh, tên như phần mộ bên cạnh của một lão thành cách mạng, người từng nấu cơm cho Bác Hồ có được không?. Anh Thành nói, nếu làm được thì quá tốt. Mong mọi người cho mình ý kiến để làm tấm bia tôn vinh anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương. Chứ nhìn tấm bia của anh mà mình nhói lòng quá (!?)
 
Sau đây là một số hình ảnh dâng hương tại nghĩa trang và phần mộ của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương:
Anh Nguyễn Tiến Thành- Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phúc 
dâng hương trong ngày 13.3.2012
BS Nguyễn Anh Tuấn, cha con người quản trang và anh Phạm Tế Hanh 
(tính từ phải qua trái)  dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Phúc
Phụ trách Blog Người Ba Đồn dâng hương
Anh Thành Bí thư Đảng ủy ( ngoài cùng bên phải) và Phó chủ tịch xã Quảng Phúc 
(bên cạnh) dâng hương trước phần mộ anh Phương


Đại diện Blog Người Ba Đồn dâng hương trước phần mộ anh Phương
Bs Nguyễn Anh Tuấn nghiêng mình trước anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương
Làng quê của anh Phương trong chiều 13.3.2012

9 nhận xét :

  1. Xin thắp một nén nhang Cầu Nguyện Đức Phật A Di Đà thị từ chấn tích quang lâm phóng ngọc hào quang tiếp dẫn chư hương linh vong linh 64 chư vị được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc

    Trả lờiXóa
  2. xin kính cẩn thắp nén hương kính viếng hương hồn các anh.

    Trả lờiXóa
  3. “Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo” (anh hùng Trần Văn Phương)

    Thắp nén hương lòng tưởng nhớ người chiến sĩ, anh hùng Trần Văn Phương và những anh hùng khác đã hy sinh cho sự toàn vẹn lãnh thổ tại Trường Sa & Hoàng Sa

    "Anh hùng tử, khí hùng bất tử".

    Trả lờiXóa
  4. Kính gởi anh Nguyên Xuân Diện .
    Tôi la một nguời dân bình thuờng sốngở Saigòn, nghề nghiệp mưu sinh từ xưa den nay là dap xich lô và cuoí cung là chạy xe Honda ôm.
    Tôi cũng hay vào đây đọc những baì viêt vê hi ện tình đất nuớc , đọc để biết và suy gẫm chứ không biết đọc rồi để làm gì..Vỉ có những lần đem những câu chuyện tôi biết ở trên naỳ ra noí cùng bạn bè thì ai cũng baỏ tôi là đồ điên...
    thậm chí khi noí voí vợ con về chuyện HoangSa - Truờng sa thì bị hoỉ n guợc laị : HS- TS là caí chi ?...
    Vi co thuờng hay vaò đây nên toi có biết chuyen Trung cộng vi pham biển đông và việc biểu tình o SG...
    Ngaỳ 5/6 tôi có tham gia bieu tình cùng các anh chị em cô bác ở truớc Lanh su taù duong Minh Khai, lần đó tôi thấy mình lớn hẵn lên và trẻ laị voí lứa tuổi thanh niên vaò những năm 1970 .
    Lần hai vaò ngày 12/6 / 2011....đúng vaò ngaỳ tôi đuoc sanh ra đởì. Và khi nhìn những anh em thanh niên bị cac anh cong an aò vaò giằng niú kep cổ và lôi đi trong đòan bieu tình...Tôi chỉ biết đứng tưạ vaò gốc cây và cuối đầu nhìn trong buồn tuỉ...trong cái đau mà không biết mình bị đau vì cái gì....hai bàn tay run run bám vaò gốc cây...vì nhìn đông thaí cuả các anh cong an hanh xữ voí các bạn trẻ tham gia bieu tình như đối voí kẻ thù !!!
    Có 2 anh rát to con nhaò đến phí tôi đing chup vaò vai ...Tôi dua hia tay lên và noí nhe nhang : Các anh bắt tôi !...Hai cặp mắt nhìn thắng vaò tôi rất sắc " Ánh mắt cuả soí "...một anh chỉ tay vaò mặt tôi và noí : Thằng naỳ có bieu tình đợt truớc nè...Tiếng hét rất lớn và to va rất mạnh vì tôi còn kip1 thấy đuợc những giot nuớc bắn ra từ miệng !
    Tôi noí rất từ tốn..Các anh đừng lôi kéo vì chân tôi yếu lám ( 1 lần bị đạn ban gaỹ và 1 lần xe cán- trong chan còn nép sat )...tôi sẽ đi đến nơi duóc mà...
    và 2 anh chĩ duóng yoi đên nơi tap trung...
    Khi vaò đén UB quan 1 thì tôi gap 2 anh bạn từng là TNXP hoì những nam 76 ( bây giờ nghe noi lam lớn lám và 1 anh là bạn học cuả Vợ tôi cap bac là trung tá bên CA..phu trach gì đó cũng quan trọng...
    vừa thấy tôi cả 2 liền chỉ vaò mặt : Ông cũng đi biểu tình ?...ông trung tá CA thì noí : Chuyen naỳ có nhà nuớc lo roì...
    Tôi chỉ im lặng vì khg phaỉ là tôi khg có đủ caí lập luận để noí voí họ ...dù là bạn và 1 điều Tôi là Dân Quảng Nam : Quanng nam thi ưa caĩ !...và voí 1 dieu duy nhât toi nhận biết đe khong bao giờ tranh luan voí họ ( dù la bạn ) Đoi voi tôi họ là những đọan băng casette duợc thu và phát laị lúc cần !
    Và voí một điêù caí đau trong toi khi chứng kiến các bạn trẻ bị lôi xềnh xệch ra khoí đoàn biểu tình như con vật ..vẫn còn đè nặng traí tim già cua tôi.
    Hôm nay nhân ngaỳ Giổ cuả các anh Hùng ở Gac Ma !
    tôi không có du trinh do de noí hết tam tư của mình khi nghĩ đến các anh chỉ có 1 thiển ý nho nhỏ xi duoc noí cùng anh Diện và các anh chị..
    Tôi từng có nghề tạc đá : Taị sao không làm một tấm Bia để Tri Ân và tuỡng nhớ và để cho ngàn sau con cháu mình duoc biết là : Vaò ngaỳ 14/3/1988 đã có 64 Anh Hùng đã ngã xuống ở TS Gac Ma để baỏ vệ vùng biển cuả Tồ quốc ! Đề con cháu mình luôn ghi nhớ công ơn cuả các anh !
    Đó là thiẻn yé nhỏ cuả tôi : Một Công Dân
    xin các anh cùng ban bạc
    Kính

    Trả lờiXóa
  5. Hỡi hương hồn các anh đã hy sinh ngày 14 tháng 03 năm 1988 tren đảo Gacma, các anh có biết ai đã chĩa lòng pháo 37 ly vào các anh trên vùng biển quê hương không?

    Trả lờiXóa
  6. Xin thắp một nén nhang. Tưởng nhớ tới các anh đã hy sinh trên đảo tiền tiêu của tổ quốc.

    Trả lờiXóa
  7. Xin dành chút ít thời gian mặc niệm các chiến sỹ đã vì TỔ QUỐC.

    Xin kính cẩn vọng về anh linh của các vị.
    14/3 QDNDVN (Trường Sa)
    19/1 QLVNCH (Hoàng Sa)

    Trả lờiXóa
  8. Tổ quốc VN đời đời ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ cả 2 miền đã bỏ mình vì Trường Sa - Hoàng Sa.

    TH

    Trả lờiXóa
  9. NHỮNG KẺ VÔ ƠN

    Khi kẻ thù giương lê xốc tới
    Đích ngắm là trái tim Anh
    Anh vẫn hiên ngang
    Ôm chặt lá cờ Tổ quốc
    Mắt mở trừng trừng không lùi một bước.

    Chúng ta thương tiếc người anh hùng
    Muốn khắc đậm hai chữ " ANH HÙNG"
    Lên tấm bia mộ chí
    Của người anh hùng liệt sĩ,
    Vậy mà có kẻ nói "Không"
    Tôi nghe tin mà đắng ngắt trong lòng
    Căm giận muốn trào nước mắt
    Lòng chỉ muốn điểm tên chỉ mặt
    Những kẻ vô ơn.

    Trả lờiXóa