“Ngày xuống núi” đôi điều cảm nhận
Nguyễn Xuân Diện
Báo Hà Tây, số 1493, Thứ bảy 9-9-1995
Lời dẫn: Khoảng 20 năm trước khi những bài nghiên cứu về Đất và Người Hà Tây của Nguyễn Xuân Diện được gửi đến tạp chí Tản Viên Sơn, Dương Kiều Minh (lúc ấy ở BBT) khen lắm và bảo rằng "cụ này ở đâu mà bây giờ mới xuất hiện nhỉ", ý chừng Nguyễn Xuân Diện phải là một ông lão; đến khi biết NXD mới ngoài đôi mươi vừa tốt nghiệp Tổng hợp Văn thì lại càng khen hơn. 17 năm trước, Nguyễn Xuân Diện có may mắn được Dương Kiều Minh tặng cho tập thơ "Ngày Xuống Núi" vừa xuất bản. Anh em chơi với nhau, ít gặp nhau mà quý trọng nhau. Nay, Dương Kiều Minh đã "phất áo", cùng "cố nhân theo mây gió đi hoài", bỏ mặc trần gian bạn hữu, Nguyễn Xuân Diện chép lại bài viết về tập thơ "Ngày Xuống Núi" viết cách đây 17 năm để tưởng niệm Ông.
Ngày xuống núi là tập thơ thứ tư của Dương Kiều Minh, một tác giả trẻ vốn đã được bạn đọc mến mộ ngay từ tập thơ đầu tay: Củi lửa (NXB Tác phẩm mới, 1989). Đọc Ngày xuống núi (NXB Văn học 1995), điều tôi cảm nhận được trước tiên là chất uyên bác của thi phẩm này. Tôi nghĩ ngay đến tác giả. Hẳn anh phải là người đã sống và cảm nhận được rất nhiều về sự minh triết của văn hiến Sơn Nam Thượng, mới có thể viết được như vậy. Những am hiểu, những điều suy ngẫm của anh về đất nước, con người, lịch sử và truyền thống với tất cả những gì hào sảng nhất, phóng khoáng nhất, buồn thương nhất đã được hóa thân thành thơ. Thơ ấy “sang trọng” - sự sang trọng của tri thức, vì nó là sự hiểu biết, sự thức nhận, suy ngẫm về niềm đau nhân thế.
Ngày xuống núi nói được niềm u hiển của tâm linh, bằng một điệu thức rất gợi. Những câu thơ như:
hanh heo phơ phất
lảng vảng vật vờ tựa ánh chiều vừa sót
Mây theo rồng
gió vừa theo cọp
ánh sáng dựng cấm thành.
… Người ôm mộng phất áo trên nền cũ
cố nhân theo mây gió đi hoài
(Cuối chiều, gửi đê đất Hà Đông)
là những câu thơ như thế!
Đây là một tập thơ thấm đượm chất hoài cổ - niềm nhớ thương về một trấn xứ thâm trầm, hào sảng và văn hiến, thì chất sử thi mà anh tạo được trong tập này là hoàn toàn đắc địa. Đây, một tứ thơ có chất hào hùng của sử thi:
Muôn năm hội hè đình đám
muôn năm lời sấm truyền chợ Xốm đến chợ Phủ Giầy.
Muôn năm Quán văn và Tàng kinh các
Dòng Ngô Thì mỗi lượt ra kinh ghé nghỉ luận bàn.
(Xuân Đề)
Ngày xuống núi có cái “sang” của học vấn và hơn thế, cái nền học vấn ấy đã được hóa thân vào trong thơ để làm nên cái đẹp của sự hòa quyện. Có được điều này không phải là dễ, làm được đã là thành công!
Ngày xuống núi đằm sâu chất hoài niệm - niềm hoài niệm đã được đẩy lên thành sự thăng hoa và hướng tới sự siêu thoát. Ta bắt gặp ở đây phong vị của “từ” - một thể thơ rất thịnh vào đời Tống (Trung Quốc) cả về giọng điệu lẫn ngôn từ: Phóng khoáng, hoa mỹ, hoành tráng và hướng tới tâm linh. Nhịp thơ khi mở ra dàn trải, khi dồn nén ngưng đọng với lối luyến láy, trùng điệp câu chữ khiến cho tập thơ đạt được hiệu quả trong việc diễn tả tâm trạng xúc cảm. Những câu thơ:
Trăng còn treo thành cổ
thành cổ còn rêu phong.
Thành cổ còn hào nước
hào nước lưu niềm xưa?
niềm xưa hờn nhân thế.
(Gửi Thế Mạc)
là những câu thư thế!
Ngày xuống núi nhiều bài có chất mộng du, phiêu lãng trong cảm xúc, trong ngôn từ, trong sự thể hiện. Những khúc thu là một bài như thế. Khó nắm bắt, khó cảm thụ một cách trọn vẹn. Người đọc mệt mỏi theo đuổi, rượt theo cùng tác giả đến toát cả mồ hôi, để rồi cuối cùng thành ra bị bỏ rơi trong vô vọng! Nhiều chỗ anh nói mạnh, nói to và gồng lên đến căng thẳng. Nhiều chỗ cảm xúc chưa chín, khiến người ta nghĩ đến cái chưa chín khác. Ngày xuống núi hướng vào tâm linh, bằng những phác họa rợn ngợp, điêu linh, uất kết; cái được ở đấy mà cái chưa được cũng ở đấy, vì đôi chỗ chưa đủ độ.
Đọc Ngày xuống núi, ta bắt gặp ở đây một tâm hồn đa cảm, hào mại, đưa ta vào cõi hoài niệm rồi thăng hoa trong không gian văn hóa thâm trầm, đặc sắc của miền Sơn Nam Thượng. Tôi nghĩ đó là một thành công đáng ghi nhận của anh trong tập thơ này.
Tháng 8-1995
Nguyễn Xuân Diện
Chạnh lòng! Xin thắp một nén nhang cho người vừa khuất!
Trả lờiXóaxin chia sẻ
Trả lờiXóaTôi chưa được đọc những ấn phẩm của Dương Kiều Minh, nhưng đọc bài này của TS Diện viết cách đây 17 năm mà thấy hay quá, " mê " quá.
Trả lờiXóaXin gửi nén tâm nhang thương tiếc, tri ân người vừa khuất.