Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

LÝ DO THU HỒI ĐẤT CỦA ÔNG VƯƠN KHÔNG MINH BẠCH

Lí do thu hồi đất của ông Vươn không minh bạch 

Quốc Đô - Anh Thế 

 

clip_image001
Ông Đan Đức Hiệp trao đổi với báo giới chiều 2/2
(Dân trí) – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, mục đích thu hồi đất phải rõ ien, chẳng hạn để phục vụ cho thủy điện, khu công nghiệp… còn theo lý do huyện Tiên Lãng đưa ra để thu hồi đầm ở xã Vinh Quang là không minh bạch.

Tính đến thời điểm này, việc UBND huyện Tiên Lãng thực hiện cưỡng chế thu hồi diện tích 19,3 ha đất hết hạn giao cho ông Đoàn Văn Vươn đã lộ rõ những khuất tất. 

Lí lẽ của Phó Chủ tịch TP Hải Phòng chưa thuyết phục?

Chiều 2/2, ông Đan Đức Hiệp – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng – cho biết, UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn chỉ là đất giao nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, từ năm 2006 khu vực này đã được Bộ Thủy sản, UBND TP Hải Phòng phê duyệt quy hoạch làm đất nuôi trồng thủy sản nên không được giao mà chỉ được thuê.

Trả lời báo chí việc UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất mà không có đền bù hỗ trợ tài sản trên đất, ông Hiệp cho hay: “Việc thu hồi 40,3 ha đất đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn là không trái luật, việc ông Vươn không được bồi thường là vì đã hết thời hạn giao đất với địa phương.

Còn việc ông Vươn từng được đền bù trong một lần ra quyết định thu hồi hơn 3,2 ha đầm nuôi trồng thủy sản trên cùng một thửa đất do gia đình ông Đoàn Văn Vươn quản lý là vì còn thời hạn sử dụng đất (?).

Trước đó, vào năm 2005, ông Vươn đã được nhà nước bồi thường tổng số tiền hơn 270 triệu đồng khi bị thu hồi hơn 3,2 ha đất trong tổng số 40,3 ha đầm nuôi trồng thủy sản tại khu Cống Rộc. Diện tích 3,2 ha đầm bị thu hồi khi đó được các ngành chức năng Hải Phòng gồm Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Tiên Lãng xác định là đất nông nghiệp hạng 5, loại đất nuôi trồng thủy sản.

Ngay tại buổi làm việc với UBND TP Hải Phòng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng, đã phản bác lại một số quan điểm của ông Đan Đức Hiệp. Ông Lượng khẳng định: “Đất nuôi trồng thủy sản tại đầm Đoàn Văn Vươn là đất canh tác nông nghiệp. Phải xem xét và sửa đổi về luật vì đây là một thiếu sót. Theo Luật, cho thuê đất nông nghiệp thì thời hạn phải kéo dài 20 năm, còn huyện thu lại khi mới chỉ 14 năm”. 

Cũng theo ông Lượng, mục đích thu hồi đất phải rõ ien, chẳng hạn để phục vụ cho thủy điện, khu công nghiệp… chứ theo lý do huyện Tiên Lãng đưa ra là để thu hồi đầm ở xã Vinh Quang thì không minh bạch.

Vẫn chưa rõ chiếc xe ủi phá nhà ông Quý (?!)

Thông tin từ người dân xã Vinh Quang cung cấp cho phóng viên: có 1 xe ủi của một người làm ăn ở địa phương đi đến hiện trường hôm xảy ra vụ cưỡng chế. Tại hiện trường đến nay vẫn còn nguyên dấu bánh xích của chiếc xe ủi. Song không ai biết xe ủi do ai điều đến để thực hiện công việc gì. 

Vấn đề này được ông Ngô Ngọc Khánh – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng – lý giải: “Lực lượng cưỡng chế không phá nhà cửa tài sản của ông Vươn và ông Quý thì chỉ có người dân. Còn người dân là ai thì phải điều tra mới làm rõ được. Chiếc máy ủi được đưa vào hiện trường không phải của UBND huyện điều vào, huyện cũng chưa biết chiếc xe này của ai. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ sự việc”.

clip_image003

Vết 2 bánh xe ủi tại hiện trường khu đầm Đoàn Văn Vươn 
sau ngày cưỡng chế vẫn còn nguyên. (Ảnh chụp ngày 2/2)

clip_image005
Ngôi nhà và một số tài sản của gia đình Đoàn Văn Quý bị phá hủy 

Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng về báo cáo vụ việc ien quan đến Đoàn Văn Vươn, TP Hải Phòng đã chỉ đạo các ngành chức năng phải hoàn thiện các báo cáo trước ngày 15/2 để Hải Phòng báo cáo vụ việc lên Chính Phủ.

Cho biết về tình hình bảo vệ hiện trường sau vụ cưỡng chế, ông Vũ Đức Bốn – Trưởng Công an xã Vinh Quang – khẳng định: “Xã được huyện giao quản lý khu vực đã cưỡng chế ở khu đầm ông Vươn, công an xã được Chủ tịch Liêm giao bảo vệ an toàn khu vực bằng phân công nhiệm vụ. Đến ngày 18/1, do lực lượng công an xã mỏng nên chúng tôi đã xin rút không làm nhiệm vụ bảo vệ. Từ 19/1, UBND xã đã thuê ông Hội (một người dân địa phương) đứng ra điều hành việc trông nom khu vực cưỡng chế”. 

Khi được hỏi có việc công an xã tham gia vào việc đập phá nhà cửa của ông Vươn và ông Quý? Ông Bốn ấp úng không trả lời: “Anh lên huyện mà hỏi” (!).

Giải mã những nghi vấn hình sự trong vụ việc nhà cửa tài sản ông Vươn và ông Quý bị đập phá, Đại tá Đỗ Hữu Ca cho biết, Văn phòng cơ quan CSĐT vẫn đang trong thời hạn điều tra xác minh sự việc. Lãnh đạo công an TP cũng đã cử cán bộ điều tra xuống nắm tình hình cụ thể, nếu có dấu hiệu hình sự thì cơ quan CSĐT sẽ khởi tố điều tra vụ việc theo quy định. Liên quan đến nghi vấn có các đối tượng lạ được cho là có quan hệ thân tín với lãnh đạo địa phương trước và sau vụ cưỡng chế, ông Ca cũng khẳng định: “Không có chuyện giang hồ chi phối vụ việc này”. 

Cùng sự việc, chiều ngày 2/2, đoàn công tác của Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng Cục VI, Bộ Công an) đã tiến hành làm việc với Công an TP Hải Phòng để làm rõ một số vấn đề xung quanh ien quan đến vụ việc Đoàn Văn Vươn. Trước đó, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục VI cho hay, lãnh đạo Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp nghiên cứu vụ cưỡng chế này. Trung tướng Vĩnh nhận định, đây là vấn đề phức tạp, cần được nghiên cứu sâu sắc. Trung tướng cũng nhấn mạnh trong vụ việc này, trách nhiệm trước hết là ở UBND huyện Tiên Lãng, sau đó là UBND TP Hải Phòng. 


Ông nói gà, bà nói vịt

- Ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng trả lời công khai tại cuộc họp báo ngày 12/1: “Lực lượng cưỡng chế đã phá hủy ngôi nhà của Đoàn Văn Quý không nằm trong diện tích bị cưỡng chế là do phát hiện có lực lượng chống đối ẩn nấp”. 

clip_image006
Ông Lê Văn Hiền (đứng) trả lời tại họp báo là do lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện có đối tượng chống đối ẩn nấp bên trong nhà Đoàn Văn Quý nên mới phá dỡ

- Ngày 17/1, trả lời báo chí tại Hà Nội, ông Đỗ Trung Thoại nói: “Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Lãng, có một số người dân bất bình nên vào phá nhà chứ không phải do lực lượng cưỡng chế hay công an phá”.

- Đại tá Đỗ Hữu Ca khẳng định với PV Dân trí: “Lực lượng công an TP không phá nhà trong đầm Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý”. 

- Ông Ngô Ngọc Khánh – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng: “Huyện không ra lệnh cũng như không có lực lượng của huyện tham gia đập phá tài sản cũng như nhà dân hôm xảy ra vụ cưỡng chế ngày 5/1”. 

- Ông Lê Thanh Liêm – Chủ tịch UBND xã Quang Vinh: “Xã chỉ có trách nhiệm tiếp nhận diện tích cưỡng chế, còn việc tiến hành cưỡng chế như thế nào là do huyện chứ chúng tôi không ien quan”. 

Q.Đ. – A.T.
Nguồn: dantri.com.vn

3 nhận xét :

  1. Vụ Đoàn Văn Vươn đến giờ này thực sự lộ rõ là cuộc chiến giữa Trung ương và địa phương – ai hơn ai. Theo dự đoán của tôi thì chính quyền địa phương có xu hướng thắng thế vì cả hệ thống chính trị ở địa phương được huy động để chống trả, cộng với nạn tham nhũng hoành hành ở trung ương, sự yếu đuối vô trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành trung ương, kể cả người có quyền hành cao nhất.

    Trả lờiXóa
  2. Lãnh đạo Tiên Lãng - Hải Phòng như một đàn VỊT mạnh con nào con đó kêu...
    Càng luồn lách, càng biện...càng bất minh...
    Công lý cho người Nông dân thấp cổ bé miệng là đòi hỏi chính đáng bùng nổ bởi cái ngày 5 tháng Giêng định mệnh.
    Cãi chầy cãi cối, đổ vấy cho dân, cho dư luận xã hội là thái độ hèn nhát không xứng đáng là người đại diện Nhà nước ở địa phương.

    TH

    Trả lờiXóa
  3. Mấy bữa nay đọc tin lề nọ nọ kia, bức xúc quá cơ.

    Tôi xin phép chỉ “bình loạn” phát biểu của Đại Ca Ca:

    a) “…Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này….”

    Chức năng của C.A là bảo vệ trật tự trị an chứ không phải đánh trận với “dân”…,ông mà đặt vấn đề như thế là ông chết chắc, dân đông hơn quân của ông nhiều, trong đó có cả gia tộc họ hàng nhà ông nữa đấy !

    b) “…anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách…”

    Với vài ba người trong cài “lều coi đồng”(chữ dùng của các ông đó nha) thì việc kéo gần trăm quân cà C.A&Q.Đ rồi …dùng thuyền nan …áp sát mục tiêu …đánh mũi trực diện nghi binh …có “oai phong” cho cái gọi là “trận hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay” của ông không nhỉ ?
    Ông lại còn đòi viết thành sách…cho con cháu nó đọc xong nó bò lăn ra đất mà cười chết thôi.
    Chúng nó bảo với nhau :”Ngày xưa ông (cụ,kỵ…) tao chỉ huy một trận đánh vào cái “lều coi đồng” có một không hai trong lịch sử cận đại (2012), phối hợp gần trăm quân hiệp đồng tác chiến với kết quả sau cùng là :

    c)”Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng…”

    Vì sợ hỏa lực của ông quá nên đối tượng chạy mất dép. Có lẽ ông nên thêm vào cuối bài học ‘hiệp đồng” của ông câu tổng kết thế này:
    ** Kết quả
    –” Địch : chạy mất dép, bỏ lại hiện trường 2 cái bình ga móp, rải rác quanh lều là rơm rạ có lẫn mùi xăng (pha nước), khẩu súng bắn đạn hoa cà hoa cải, một số chén bát ăn xong chưa rửa…”
    –” Ta : (thôi tôi xin phép để mọi người tự hiểu) nói ra thêm đau lòng các anh em nhỡ “tuân lệnh” Đại Ca Ca đi đánh trận lịch sử vang vọng mãi nghìn sau…”
    Chúc tên ông mãi nằm trong quân sử Việt Nam ta

    TH

    Trả lờiXóa