Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

VĂN HÓA - THAY ĐỔI BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG CÁ NHÂN

Văn hóa - thay đổi bắt đầu từ những cá nhân

TTCT - Văn hóa bị bỏ quên, bị xuống cấp nghiêm trọng trong thời buổi kim tiền? Vì sao sự dửng dưng, vô cảm nhiều thế trong đời sống thường nhật và cái ác hiện diện ở ngay những nơi ít ngờ nhất? 

TTCT gặp nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) và PGS.TS Trần Hữu Quang (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) để ghi lại góc nhìn của họ về câu chuyện văn hóa của năm qua.

Mỗi cá nhân có ý thức văn hóa và hành xử có văn hóa sẽ tự ngăn chặn sự tha hóa và góp phần cải biến xã hội - Ảnh: Thuận Thắng

Cần xây dựng lại một nền đạo đức tự trị

* Khi nhìn vào câu chuyện văn hóa hiện nay, ông/bà thấy điều gì đáng lo, điều gì cần được ghi nhận? 

- PGS.TS Trần Hữu Quang: Trong năm qua, báo chí trong nước đã đăng tải khá nhiều sự kiện bất bình thường như: vợ tẩm xăng đốt chồng, con nhốt cha trong cũi, đánh chết người trộm chó, bắt cóc và tra tấn để đòi nợ, giảng viên luật bị truy tố vì chạy án... Có thể nói, đấy là những dấu hiệu tuy ít về số lượng nhưng đã bộc lộ một tình trạng rạn nứt đáng báo động trong sự vận hành của những tế bào cơ bản của xã hội. 

Người ta không thể không tự hỏi rằng tại sao những mối quan hệ giữa vợ với chồng, mẹ với con... lại có thể đi đến chỗ quái lạ và kỳ dị như vậy, tại sao người ta không giải quyết xung đột bằng cách viện nhờ đến những định chế chính thức như công an hay tòa án, tại sao nhiều ứng xử của người dân lại bất chấp cả chuẩn mực đạo lý lẫn chuẩn mực pháp lý đến thế... Đấy hẳn nhiên không phải chỉ là câu chuyện của một năm qua, mà là hệ quả sự vận hành của xã hội suốt vài thập niên qua. 

- TS Nguyễn Thị Hậu: Tôi thấy một đời sống văn hóa không thiếu các hoạt động, sôi nổi như thể không có (và chẳng phản ánh) tình trạng lạm phát cao và đời sống ngày càng khó khăn. Tiếc là ngay trong quản lý hoạt động văn hóa lại để xảy ra nhiều sự cố “kém văn hóa”, từ vụ mất vài chục tỉ đồng của Cục Điện ảnh, kiện cáo trong việc xét chọn giải thưởng cao, tai tiếng trong các cuộc thi người đẹp, cử đại sứ du lịch..., báo chí - nhất là báo mạng - tràn ngập “thảm họa” trong sinh hoạt nghệ thuật... 

Tất cả sự việc ấy đều cho thấy cách thức quản lý chưa thay đổi đủ để phù hợp với thực trạng mới của đời sống văn hóa trong một môi trường xã hội phức tạp mà chủ thể của những hoạt động văn hóa cũng ngày càng đa dạng. Và như nhiều năm trước, sự trông đợi một thành tựu “văn hóa đỉnh cao” trong các lĩnh vực trên vẫn còn xa vời... 

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng - Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

- Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Bất cứ ai sống ở Việt Nam đều có chút lo ngại về một đời sống văn hóa đang có chiều hướng đi xuống. Hệ quả của nó là ứng xử nhân luân trong xã hội có nhiều vấn đề như tai nạn giao thông, nạn tắc đường, nạn tham nhũng và những tệ nạn dã man chưa từng có trong đời sống của người Việt. Dường như tất cả cái đó có quan hệ lẫn nhau trong sự thiếu hiểu biết về mặt trái của nền kinh tế thị trường, của đời sống dân chủ chưa được nâng cao.

Xét riêng trong văn nghệ, có thể nói các ngành nghệ thuật đều tích cực tìm đường đi để vừa có sáng tạo vừa có thị trường, dù hai mặt đó không phải lúc nào cũng trùng hợp. Chúng ta vẫn thừa các tượng đài tốn kém, các bộ phim bạc tỉ, sau đó lại “đắp chiếu”. Điện ảnh Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc vẫn chiếm thời lượng lớn với một thứ văn hóa xa lạ và những chuyện tình vớ vẩn nhằm quảng cáo hàng hóa. Giữa những nghệ sĩ trẻ và già có những khoảng cách khó thông cảm. Bảo tàng nghệ thuật hiện đại vẫn chưa có và nghệ thuật vẫn luôn phân rẽ bởi các hoạt động bao cấp kém chất lượng, những hoạt động ngoài luồng lôi kéo rất nhiều nghệ sĩ trẻ. 

Về cái ác và một cuộc nhìn lại bản thể

“Cần thẳng thắn nhìn lại coi có phải nền đạo đức xã hội ở Việt Nam đang có nguy cơ (hay đã) băng hoại, vì đã quá chú trọng những mục tiêu ngoại trị mà bỏ quên yêu cầu xây dựng một nền đạo đức tự trị hay không. Và để có thể làm điều này thì không phải chỉ cần xem xét lại triết lý giáo dục trong nhà trường và gia đình, mà còn phải cải tổ cả ở quy mô rộng lớn hơn đối với triết lý xã hội, hay nói chính xác hơn là triết lý quản lý xã hội. Theo thiển ý của tôi, có làm như vậy may ra mới có thể kiến tạo được nội lực thật sự của quốc gia. “Nội lực” hiểu theo nghĩa nguyên thủy và sâu xa của từ này là một cộng đồng những chủ thể luân lý trưởng thành và tự giác”.
PGS.TS TRẦN HỮU QUANG
* Nếu chỉ nhìn vào tin tức đăng tải trên truyền thông thì dễ thấy cái ác và sự đổ lỗi cho những cá nhân ác. Nhưng sự tha hóa của con người liệu có thể bắt đầu từ việc vượt đèn đỏ, ngồi vào chỗ của người khuyết tật trên xe buýt hay bạt tai một đứa trẻ? 

- PGS.TS Trần Hữu Quang: Khi người ta không còn dám trung thực thì theo tôi, đó chính là dấu hiệu ban đầu của sự tha hóa hay sự vong thân - một thuật ngữ được dùng để diễn đạt khái niệm alienation trong triết học. Một cách đơn giản, có thể hiểu sự tha hóa hay vong thân là tình trạng đánh mất mình, biến thành cái gì khác, không còn là mình nữa. Ở đây, chữ “mình” không được hiểu theo nghĩa là tư cách cá nhân, mà là tư cách của một con người với đầy đủ tự do và ý chí.

Tôi nghĩ sự tha hóa không bắt đầu từ việc vượt đèn đỏ hay ngồi vào chỗ của người khuyết tật trên xe buýt, nhưng sự rạn nứt của luật pháp và sự suy thoái đạo đức đúng là có thể khởi sự từ những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy. Lâu nay, một số người hay lên tiếng cổ xúy cho những mục tiêu lớn lao của thời đại, những câu chuyện đại sự của quốc gia và dân tộc. Đấy quả là những điều cần kíp và thích đáng. Nhưng tôi nghĩ rằng điều cấp thiết không kém là cần bắt đầu thúc đẩy sự thay đổi từ những chuyện nhỏ, từ cá nhân và nhất là bắt đầu từ nội tâm mỗi con người. 

Từ những chuyện như không đi ngược chiều hay vượt đèn đỏ (như các cháu mẫu giáo vẫn đang phải học!), lượm một mẩu rác dưới chân, khóa một vòi nước đang chảy phí phạm, biết chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi vào những lúc cần thiết... Tuy ai cũng biết nhưng dường như người ta dễ quên rằng hễ không làm được chuyện nhỏ thì khó lòng làm nên chuyện lớn. Coi chừng có khi chính những khẩu hiệu đại ngôn dễ khiến người ta xem thường và bỏ qua những phẩm chất đạo lý nền tảng của bất cứ cuộc sống xã hội nào. Do vậy có khi đấy cũng là một trong những căn nguyên của tình trạng tha hóa hay vong thân.

TS Nguyễn Thị Hậu - Ảnh: Gia Tiến
Mỗi cá nhân có “ý thức văn hóa” và thể hiện ý thức thành hành xử (có) văn hóa là tự ngăn chặn sự tha hóa và “cải biến” chính mình

- TS Nguyễn Thị Hậu: Cái ác bắt đầu rất đơn giản, có khi chỉ từ một lời nói nhục mạ, từ sự dửng dưng trước tai nạn của người khác, trước bất công... chứ không đợi đến một hành vi phạm pháp hay vô đạo đức. 

Mỗi ngày chỉ cần lướt qua vài trang báo là có thể thấy vô số tin “tức” về bạo lực mà nguyên nhân nào có gì to tát. Không thể không tự hỏi: vì sao trong xã hội bây giờ người ta nhục mạ nhau, đánh nhau, giết nhau... dễ dàng đến thế? Vì hầu như ai cũng ngại, không muốn can thiệp vào những việc trái tai gai mắt, “chủ nghĩa mackeno” làm mọi giá trị đảo lộn, tốt xấu không còn phân biệt, con người trở nên dửng dưng với cái xấu, dửng dưng cả với lẽ phải, với sự thật! Ý thức cộng đồng đang băng hoại từ sự dửng dưng như thế! 

Trong đời sống xã hội hiện nay, tình trạng khủng hoảng niềm tin vào điều thiện như những con sóng ngầm mà những hành xử vô văn hóa chỉ là bề nổi. Mất lòng tin vì một đời sống mà những ứng xử lệch chuẩn dần trở thành bình thường. Không phải vì giá trị của những hành vi này thay đổi, mà vì chúng không được xã hội điều chỉnh đúng theo giá trị văn hóa chuẩn mực.

Nhận thức được cái xấu, cái ác như thế thì việc bắt đầu là không làm điều xấu, điều ác dù là nhỏ nhất. Mỗi hành xử tốt là loại bỏ được một nguy cơ cái ác xuất hiện. Đồng thời đứng trước cái ác, cái xấu chỉ có một chọn lựa là đoàn kết chống lại nó. Một người chống lại cái xấu cần nhiều người ủng hộ và làm theo. 

Mặt khác, xã hội phải tạo điều kiện (như luật pháp, các quy định chế tài...) để ngăn chặn cái xấu, lên án những hành vi vô văn hóa, để ý thức văn hóa phát triển và hành xử (có) văn hóa trở nên phổ biến trong xã hội. 

- Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Trong chiến tranh, người chết, máu chảy đầu rơi hằng ngày, nhưng có thể nói con người Việt Nam luôn hướng thiện, luôn mong bình yên và hòa hợp. Sau hòa bình, một cuộc chiến khác nảy sinh và lần này hình như sự khoan nhượng biến mất. Đó là cuộc chiến việc làm, đất đai, nguồn vốn, lợi nhuận..., sự tranh giành thấy hằng ngày, cụ thể là chiếm đường đi bằng được trong giao thông bất kể đèn tín hiệu. 

Cuộc chiến vì lợi nhuận này chính là biểu hiện sâu sắc của cái ác đang bị đơn giản hóa, đang được coi là bình thường. Ví dụ như nông dân phun thuốc trừ sâu đậm đặc vào rau, hằng ngày cho gia súc ăn thức ăn tăng trọng, dùng chất bảo quản độc hại đưa vào thực phẩm... là những việc nhỏ, hằng ngày và thật sự giết dần giết mòn sức sống của dân tộc. Lớn hơn là người ta biến hàng ngàn thước đất bờ xôi ruộng mật thành nhà máy, sân golf mà thật sự chẳng vì phát triển kinh tế. Từ đứa trẻ đi mẫu giáo đến người lớn đi làm, ai nấy cũng phải tham gia ít nhiều vào cơ chế phong bì... 

Tất cả cái đó nếu gọi là cái ác thì hơi quá nhưng làm bất ổn xã hội lâu dài, làm rối loạn nền kinh tế và đạo đức không biết bao giờ mới chữa lại được. Chúng ta phải suy nghĩ điều này: tệ nạn, thiện ác thì bất cứ xã hội nào cũng có, nhưng những xã hội lành mạnh, phát triển thì cái ác và tệ nạn được kiểm soát. 

Nếu tệ nạn là hậu quả mặt trái của nền kinh tế thị trường thì không thể chỉ khuyến thiện bằng giáo dục hay tôn giáo mà được. Cái đó chỉ có thể giải quyết bằng sự điều chỉnh vĩ mô của nhà nước đối với nền kinh tế, sao cho nó đi trong sự cạnh tranh lành mạnh, theo luật pháp. Nếu những chủ thể kinh tế và địa phương cứ hành động tự do theo quyền lợi cục bộ của mình, sự tha hóa có khả năng kiếm lời không ai từ bỏ. Đương nhiên, chẳng hạn như Phật giáo với sự giáo hóa về nhân quả có thể hạn chế những hành vi quá khích. 

Nụ cười của anh thợ hồ Nguyễn Vũ Trường Giang, người đã lao ra dòng sông Sài Gòn cứu sống cô gái nhảy cầu Thủ Thiêm tự tử. Một cộng đồng lành mạnh và khỏe khoắn bắt đầu từ những cá nhân tử tế và nhân bản - Ảnh: Minh Đức

* Nhiều người cho rằng điều quan trọng trong giáo dục hiện nay là trang bị cho mỗi người bản lĩnh, nhận thức về cái ác, cách đối phó đúng với cái ác, để gặp ác mà không thành ác. Để có được bản lĩnh này, chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Chúng ta có cần một cuộc nghiêm khắc và trung thực xét lại văn hóa dân tộc để bảo tồn và xây dựng lại những giá trị phù hợp, thải loại những thứ đã hỏng hóc để có một nền văn hóa Việt Nam thực thụ và độc đáo - nền tảng để nước Việt mạnh hơn, người Việt được nể trọng hơn? Và nếu cần thì chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

- PGS.TS Trần Hữu Quang: Nhà triết học Đức Immanuel Kant (1724-1804) từng cho rằng cần thiết lập một nền đạo đức thực thụ trên nền tảng của nguyên tắc tự trị (Autonomie), chứ không thể dựa trên sự ngoại trị (Heteronomie) (1). Kant phê phán lý thuyết đạo đức học công lợi (utilitarianism) và nhiều lý thuyết đạo đức học khác, vì ông cho rằng chúng đã ngoại tại hóa nền tảng của đạo đức bằng cách quan niệm rằng đạo đức phải nhắm tới lợi ích hay hạnh phúc của cộng đồng và xã hội. 

Theo Kant, “luân lý là tổng thể những quy luật ra mệnh lệnh vô điều kiện để ta phải hành động theo chúng”. Đạo đức học tự trị là “một đạo đức học của lý tính”, nghĩa là các mệnh lệnh đạo đức phải bắt nguồn từ lý tính (tự mỗi chủ thể phải “ban bố” quy luật đạo đức cho chính mình), chứ không phải là những quy luật bắt nguồn từ kinh nghiệm, vì kinh nghiệm thì không thể mang tính phổ quát và tất yếu, do đó không thể lấy kết quả hay sự thành công làm tiêu chuẩn hay thước đo của đạo đức. 

Mệnh lệnh nhất quyết (kategorischer Imperativ), theo Kant, là cái mà ta phải làm do lý tính buộc chúng ta phải làm (vì thấy điều phải làm là đúng, là thiện), chứ không phải vì bất cứ lý do hay động cơ, hoặc mục tiêu lợi ích nào đó nằm ở bên ngoài lý tính. Cần lưu ý thêm rằng Kant không phủ nhận yếu tố kết quả của hành động, nhưng ông không coi đấy là nền tảng của hành vi đạo đức.

Tôi nghĩ rằng tư tưởng của Kant về nền tảng của một nền đạo đức thực thụ, đặc biệt sự phân biệt giữa nguyên tắc ngoại trị và nguyên tắc tự trị, là hết sức quan trọng và cần được chúng ta đọc lại như một cái khung lý thuyết để phân tích những vấn nạn nóng bỏng của xã hội bây giờ như bệnh thành tích, thói chuộng hư danh, tệ giả dối, óc thực dụng, tệ cẩu thả (thiếu lương tâm chức nghiệp), sự nghèo nàn và trống rỗng trong đời sống tinh thần... nhằm từ đó đi tìm gốc rễ của những câu chuyện “đáng lo ngại” đang xâm thực xã hội chúng ta. 

- TS Nguyễn Thị Hậu: Nhiều người trong chúng ta bây giờ không còn tự hào “mình nghèo mà giỏi”, ngược lại luôn tự hỏi “sao mình giỏi mà nghèo?”. Cũng như không chỉ ca ngợi những truyền thống tốt đẹp mà còn biết trăn trở “vì sao truyền thống của mình tốt đẹp mà bây giờ lại tha hóa như vậy?”. 

Tôi cho rằng có lẽ cần phải nhìn nhận thấu đáo hơn về những đặc điểm tạo thành “tính cách văn hóa” của con người và truyền thống dân tộc mình. Cần biết mình rõ hơn, thật hơn, vì không biết mình đầu tiên là làm khổ chính mình, sau đó sẽ cản trở làm mình “không biết người”, dẫn đến luôn thua kém người. Nên chăng bắt đầu từ việc vạch ra những gì làm chúng ta chưa thật sự tốt đẹp?

- Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Nói đến sự hùng cường là mơ hồ quá khi chúng ta vay nợ nhiều, lạm phát, thiếu việc làm trầm trọng. Để phát triển đất nước không chỉ là tăng trưởng kinh tế bằng mọi cách, mà phải đi song hành giữa kinh tế và văn hóa. Bản thân văn hóa trong một xã hội phát triển cũng có khả năng tạo ra kinh tế, là một phần của hoạt động kinh tế. Thị trường văn hóa càng lớn tức là xã hội càng phát triển, thay thế những ngành công nghiệp ô nhiễm bằng công nghiệp phim ảnh, thể thao, nghệ thuật.

Tôi nghĩ cơ chế kiểm duyệt hoạt động văn hóa nghệ thuật phải xem xét lại, làm sao thúc đẩy hoạt động văn hóa tiến nhanh vào cơ chế thị trường. Giai đoạn đầu phải ưu tiên cho nó phát triển, phải khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào văn hóa.

* Theo ông, vì sao chúng ta ngày càng thấy nhiều hơn những biểu hiện khác nhau cho một tâm trạng xã hội có phần tránh né, chấp nhận giả dối, thiếu vắng những cuộc nói thẳng nói thật có tính cải biến xã hội?
PGS.TS Trần Hữu Quang - Ảnh: Cẩm Phan

- PGS.TS Trần Hữu Quang: Khi mà người ta chứng kiến ngày càng nhiều chuyện bất bình thường trở thành bình thường (như tệ phong bì, đút lót, mãi lộ...), khi mà cái xấu, cái tiêu cực và cái ác ngày càng lan tràn, điều khó tránh khỏi là người ta cảm thấy băn khoăn và hoang mang (ít ra vào lúc đầu), để rồi sau đó khi buộc lòng phải “sống chung” với nó (vì muốn cưỡng lại cũng không được) và riết rồi người ta đâm ra quen với nó. 

Nguy cơ cần suy ngẫm ở đây là nguy cơ bình thường hóa cái bất thường, không chỉ về mặt cấu trúc xã hội mà cả về mặt chủ quan nơi tâm thức cá nhân người dân và kể cả (hay nhất là) nơi cá nhân công chức. Sống trong tình trạng này, nhiều người có thể căm ghét nó, rồi do quá mệt mỏi với nó nên đâm ra bàng quan với nó, nhưng cũng có những kẻ tận dụng sự tranh tối tranh sáng ấy để thủ lợi, kẻ thì chủ động, kẻ thì thôi đành nhắm mắt đưa chân... Điều nghịch lý là chính kẻ vi phạm lại thu được nhiều lợi hơn, còn người ngay thường thua thiệt...

Tại sao người ta lại có thái độ tránh né, chấp nhận sự giả dối, không dám nói thẳng nói thật? Nhìn bề ngoài, dễ lý giải đó là do cái tiêu cực, cái bất bình thường và cái xấu đã trở nên phổ biến. Nhưng nhìn sâu vào nội tâm mỗi người, đó là do tình trạng suy thoái đạo đức và xói mòn luật pháp dẫn tới hệ quả hoài nghi cả các giá trị đạo đức xã hội lẫn các chuẩn mực pháp lý. 

Khi người ta không còn tin thì nói thật để làm gì? Cái nguy ở đây là sự giả dối nói riêng và những nghịch lý nói chung được mọi người coi là bình thường, “chuyện nhỏ như con thỏ”! Hậu quả nghiêm trọng của tâm trạng hoài nghi xã hội, xét về mặt xã hội học, đó là xói mòn cả lòng tin đối với người khác, lòng tin vào xã hội và nhất là lòng tin vào chính mình.

PHAN XUÂN LOAN - CẨM PHAN thực hiện
__________
(1) Xem Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành (Đạo đức học) (1788), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2007.
__________
Cần một cuộc tự vấn

Cái được nhất về văn hóa và xã hội trong năm qua của chúng ta đã đến vào gần cuối năm: ba học sinh lớp 11, tức khoảng 15 hay 16 tuổi, ở Quảng Ngãi hi sinh thân mình cứu bạn bị lũ cuốn trôi. Cũng ở Quảng Ngãi, một học sinh lớp 7 vì xả thân cứu người trong lũ nay bị chấn thương nặng, chỉ còn sống cuộc đời thực vật.

Gần đây, trong vụ chìm phà bi thảm ở huyện Núi Thành, Quảng Nam, liều chết cứu người là hai em nhỏ, một em học lớp 10, em thứ hai sinh năm 1989... Không quá lời đâu khi nói các em không chỉ cứu những người bị dòng nước hung dữ nhấn chìm mà còn cứu chúng ta, vực chúng ta dậy khi chúng ta đã, đang có rất nhiều bi quan về xã hội và con người.

Nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: Thuận Thắng

Chuyện hai chiếc xe thản nhiên cán qua người một em bé, rồi hơn chục người lớn thuộc đủ thành phần xã hội dửng dưng đi qua dù xảy ra ở bên Trung Quốc nhưng thôi thì nên nói thật đi, ở ta, trong những mức độ khác nhau, không thiếu những chuyện tương tự... May thay, cái “lì” đó còn chưa kịp lan đến phần nhiều trẻ em (không biết có ai để ý điều này không: các em vừa kể trên hầu hết đều ở những vùng có thể gọi là vùng sâu vùng xa về cái gọi là văn hóa).

Vậy có một câu hỏi tiếp: Cái “lì” kia là thế nào và vì sao? Đấy là một trạng thái chán chường sâu sắc và mênh mông về đạo đức xâm chiếm mọi con người. Bởi càng ngày người ta càng thấy vây kín quanh mình, ở bất cứ đâu, trong bất cứ chuyện gì, va vào đâu cũng gặp một thứ, theo mọi kiểu, trắng trợn hay tinh vi: giả dối. 

Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít? 

Trẻ em, một bộ phận trẻ em, may thay còn chưa biết đặt ra những câu hỏi như vậy. Đạo đức trước hết là một trạng thái vô tư. Mà người lớn thì không còn có thể vô tư được. 

Vậy lúc này ở cấp độ cá nhân, dù một cách cô đơn, cũng phải dám tự mình cưỡng lại cái “lì” kia, với một niềm tin rằng giả dối không phải là trạng thái tự nhiên của xã hội và con người. Còn ở cấp độ vĩ mô cần một sự phản tư toàn diện và thẳng thắn, cố gắng triệt để. Cách đây mười mấy năm, tôi có lần nói về yêu cầu tự vấn, của xã hội và của dân tộc. Hôm nay TTCT nói đến yêu cầu “nghiêm túc xét lại văn hóa dân tộc”, tức một cuộc tự vấn về xa tận đâu đó trong đường dài lịch sử dân tộc, “bản thể” của nó.

Tôi cũng đồng ý cần có một cuộc trở về nghiêm túc, đến nơi đến chốn như vậy. Dân tộc bên cạnh những điều mãi mãi đáng tự hào quả cũng có những nhược điểm, hình thành lâu dài trong lịch sử, cần được nhìn thẳng. Song tôi cũng không quá bi quan về dân tộc.
NGUYÊN NGỌC
Nguồn: Tuổi Trẻ.

16 nhận xét :

  1. Có một nhà chính trị đòi giáo dục nhân dân khi không biết rằng trong các tầng lớp nhân dân đó còn có rất nhiều các cụ bách niên giai lão.
    Ở chế độ phong kiến xa xưa, vua quan còn phải kính trọng người già, văn hóa Việt Nam đã là như thế từ ngàn đời nay rồi. Việc giáo dục là thiên chức của các nhà giáo dục, các nhà mô phạm, các bậc chí sĩ có uy tín trong xã hội.
    Khi một chính khách ấn định cái chuẩn mực đạo đức thì thiết nghĩ không còn gì để nói.

    Trả lờiXóa
  2. "...Không ai có thể bôi nhọ được chúng ta ngoại trừ chúng ta tự bôi nhọ;không ai có thể thay đổi,xoá bỏ được chế độ chính trị ở nước ta ngoại trừ chúng ta tự thay đổi bằng chính sự coi nhẹ,xem thường cái gốc,cái nền.Không vun sới, đắp bồi cho cái nền,cái gốc vững chắc,mà cứ để tình trạng thiếu trách nhiệm,cơ hội,suy thoái đạo đức,lối sống diễn ra phổ biến,không được ngăn chặn,đẩy lùi thì hậu quả về sự ổn định và phát triển của đất nước là khó lường."
    (PGS.TS Bùi Đình Phong)

    Trả lờiXóa
  3. Thật đúng là VĂN HÓA của ta(văn hóa ứng xử,văn hóa đạo đức....) nay đã xuống cấp.Nhưng tôi luôn tự hỏi VN VH xuống cấp tự bao giờ?-Phải chăng thời PHONG KIẾN(trước năm 1954):đâu có chuyện Vợ đốt xác chồng;tình nghĩa con người (tuy nghèo)nhưng rất mực thương nhau.Thời chống PHÁP,chống MỸ(từ năm 1954-1975)tình nghĩa đồng chi,anh em...củ Sắn chia nhau,người nào vi phạm chuyện dối trá (tham ô,hủ hóa...)là có thể bi DƯ LUẬN LÊN ÁN không DÁM THÒ MẶT ra đường...Vậy ngày nay con người vô cảm nhiều thế,tha hóa nhiều rthế...đặc biệt người có CHỨC SẮC từ phường xã đến TW bị tha hóa nhiều,biến chất nhiều,không còn là ĐIỂM TỰA(gương mẫu,giữ gìn sự trung thực...)cho XH.Nhà trường (GD-ĐT) coi nhẹ phần giáo dục làm người...tất cả những sai lầm kéo dài đó LAN TỎA làm XH ngày nay xuống cấp(chắc chắn sẽ càng xuống cấp)nếu ĐẢNG KHÔNG CHỈNH ĐỐN HIỆU QỦA.Tôi nghĩ rằng hãy xem lại,có phải là do LỖI HỆ THỐNG hay không?!

    Trả lờiXóa
  4. Tôi tâm đắc phát biểu này của Bác Nguyên Ngọc:

    "Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít?"

    Tìm được căn nguyên gây nên bệnh này mà chữa, đạo đức của xã hội VN chóng hồi sinh thôi.

    TH

    Trả lờiXóa
  5. "Tìm được căn nguyên gây nên bệnh này mà chữa, đạo đức của xã hội VN chóng hồi sinh thôi."


    Không khó đâu! Hãy cứ trở về những giá trị cao quý cổ truyền đi! Cha ông chúng ta cả ngàn năm nay đã xây dựng một thang giá trị vĩnh cửu rồi! Việc còn lại là sự dày công nghiên cứu sao cho thích hợp với thời đại ngày nay của các nhà giáo dục. Trời sinh ra có những người cao quý suốt cuộc đời chuyên tâm về giáo dục, chỉ cần chúng ta nhìn nhận công tác giáo dục là một sự nghiệp thiêng liêng (thiên chức, thiên chức viết hoa).
    Hãy trân trọng trao cái thiên chức dạy dỗ con người cho các nhà giáo dục.
    Mong lắm! Cả dân tộc mong chờ sự cống hiến của các nhà giáo dục!

    Trả lờiXóa
  6. Giáo dục là thiêng liêng! Vua Minh Mạng là một bậc anh tài, nhưng vua Minh mạng không dạy được con vua Minh Mạng, chỉ có Bà Huyện Thanh Quan thì dạy được con vua Minh Mạng!
    Bởi thế, giáo dục mãi mãi là thiêng liêng!

    Trả lờiXóa
  7. Chính trị hóa giáo dục ; chính trị hóa văn hóa ; chính trị hóa thể thao ; chính trị hóa khoa học ...tất tần tật hỏng bét...

    Trả lờiXóa
  8. Hãy đừng nhìn đâu xa, hãy đừng vẽ vời một xã hội hiện đại trên mây trên khói, hãy nhìn người Nhật người Hàn, họ xây dựng một xã hội hiện đại, một nền kinh tế lớn của thế giới trên nền tảng của những giá trị cổ truyền đấy!

    Trả lờiXóa
  9. GS. Trần Quốc Vượng có định nghĩa ngắn gọn về văn hóa: "Phàm những gì không phải tự nhiên thì đó là văn hóa". Tôi thấy hay nhưng cũng không thỏa mãn về cách định nghĩa đó. Ví dụ nếu như coi việc bắt giữ chị Bùi Minh Hằng đi "giáo dục cải tạo" (nói thẳng là đi tù 24 tháng không tuyên án) mà gọi đó là Văn hóa Việt Nam bây giờ (không phải tự nhiên) thì quả thật đó là sự xúc phạm đến tất cả chúng ta. Ngày xưa Bộ Lễ là cơ quan chủ quản về Văn hóa (bao gồm cả Văn hóa, Giáo dục, Ngoại giao, Tổ chức...). Bàn về Lễ thì quả thật là quá rộng cũng giống như bàn về Văn hóa vậy. Nhưng có cách hiểu gắn gọn về Lễ: Những gì phù hợp với quy luật của tự nhiên và xã hội thì đó là Lễ. Nhân đây xin gửi tới nhà lãnh đạo lời bàn của Khổng Tử (chắc họ chẳng đọc đâu, coi như gửi gió cho mây ngàn bay thôi...)

    子 曰: 為 政 以 德,譬 如 北 辰, 居 其 所 而 眾 星 共 之
    Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi

    Khổng tử nói: Cầm quyền phải có ĐỨC, giống như sao Bắc Thần cứ ở tại nơi ấy mà các ngôi sao khác vây quanh chầu về.

    Trả lờiXóa
  10. Theo mình nghĩ thì không đơn giản chỉ có cải thiện giáo dục là đủ. Vì dẫu có giáo dục cho con người hướng thiện, có trách nhiệm. Những môi trường không cho phép hay không tạo điều kiện cho con người hướng thiện, có trách nhiệm, thì sẽ lượm nhặt được bao nhiêu con người tử tế cho xã hội? Không chừng cái hướng đi này còn sản sinh ra thêm nhiều cái giả dối khác tinh vi hơn cho xã hội.
    Muốn chống cái giặc "suy đồi đạo đức xã hôi"; phải gọi đó là giặc cho nó đúng với tình hình. Thì phải có một đường hướng phát triển xã hội tổng quát, phải có sự phát triển liên kết đồng hành giữa cải thiện phát triển kinh tế, cải thiện phát triển giáo dục, và đổi mới cả một hệ thống điều hành quốc gia, nhà nước.
    Cái môi trường nó đang khuyến khích và tạo điều kiện cho sự suy đồi đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay.
    Thứ nhất là sự phát triển bất cập, không bền vững, thiếu sự công bằng của một nền kinh tế. Nên tạo ra muôn vàn nỗi bất an cho những con người trong xã hội, từ đó đưa con người ta đến chổ: Bỏ đạo lý, gạt đạo đức qua một bên để tìm miếng ăn chăm lo cho sự sống của riêng mình, cho gia đình mình.
    Không phải Ông bà ta có một câu rất chí lý hay sao? "Có thực mới giật được đạo". Khi con người ta có được ấm no rồi mới tính đến chuyện lễ nghĩa, hạnh phúc.
    Thứ hai là môi trường giáo dục không tạo điều kiện cho con người ta đào sâu tư duy. Đã không khích lệ cho con người ta đào sâu tư duy, mà lại còn khuyến khích cho cái sự ganh đua, tạo điều kiện cho sự gian dối, đố kỵ, ganh ghét trong môi trường học đường qua cái mà ngày nay người ta gọi là "Thi đua thành tích". Một cái môi trường giáo dục như vậy thì làm sao đào tạo ra cho xã hội những con người tử tế, hướng thiện được! hay có thì được bao nhiêu người? Và không chừng những người này còn bị cái cộng đồng tha hóa của xã hội cho họ là những con người biệt di nữa không chừng.
    Thứ ba là cái hệ thống điều hành đất nước. Cái hệ thống này nó chi phối trực tiếp đến cái môi trường phát triển kinh tế và môi trường giáo dục bởi chính cái ý thức hệ tư tưởng. Cái bất cập của hệ thống hành chánh, cái bất cập của hệ thống pháp luật đã tạo điều kiện cho cái môi trường gian dối, lừa đảo, bất chấp luân thường đạo lý và pháp luật lên ngôi. Ở Việt Nam hiện nay không phải người ta đã nghiệm ra cái câu "Có tiền mua tiên cũng được" là đúng hay sao! nhưng cái cơ hội bình đẳng để kiếm ra tiền của những thành phần xã hội nó có công bằng hay không? Muốn có cái cơ hội công bằng đó thì "Đầu Tiên" người ta phải làm sao?
    Một cái xã hội mà môi trường không tạo điều kiện để cho con người ta sống thật, sông có trách nhiệm, sông có đạo đức và đạo lý. Thì làm sao đạo tạo ra những con người tử tế, con người có văn hóa, và để xây dựng một xã hội dân chủ vững mạnh cho được! mà nếu như có thì được bao nhiêu người? Cho nên cái ác, cái vô văn hóa, cái suy đồi đạo đức lên ngôi là phù hợp với đường hướng phát triển của nó.
    Văn hóa sản sinh ra từ con người. Cho nên muốn xây dựng một nền văn hóa lành mạnh thì phải xây dựng một môi trường lành mạnh để đào tạo ra những con người thiện tốt cho xã hội. Cũng giống như cái làng "Làng Văn Hóa Xóm Đụ", nghe nó không có văn hóa lắm. Nhưng ai biết được trong đó lại toàn là những con người thiên tâm, tử tế và tốt, thì có lẽ chính những người tự cho là mình có văn hóa lại cần phải học hỏi văn hóa từ những người trong cái "Làng Văn Hóa Xóm Đụ" này!

    Trả lờiXóa
  11. Nói đến giáo dục thì chỉ có thể giáo dục thanh thiếu niên. Còn nhà chính trị nào chăng nữa mà nói sai (không ai lại giáo dục nhân dân cả) khi thấy có ý kiến góp ý thì phải sửa. Còn biết sai mà vẫn cố tình không thèm sửa thì ta có thể nói thẳng là văn hóa của ông ta có vấn đề - không cần nói nữa. Chỉ đáng buồn ở Việt Nam ta chỉ cỡ như mấy ông Nghị vừa rồi sai sót thì còn bị phê phán, chứ mấy cấp cao nhất thì đặc biệt ít tờ báo lề phải nào dám động tới (sợ voi!). Năm mới nói chuyện văn hóa là một khái niệm rộng lớn. Tôi ủng hộ tiêu đề nêu trên. Và tất nhiên còn rất nhiều điều mỗi người có thể đề xuất. Theo tôi rất nhiều tính tốt của người Việt Nam có thể phát huy: chăm chỉ, hiếu học, lịch thiệp (thanh lịch tràng An), sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau, vui vẻ ... tuy vậy nhiều tính xấu hay không hay cũng cần biết để đấu tranh với người, với bản thân mình như: không trung thực, làm ăn tủn mủn, quá coi trọng bằng cấp, bon chen, tỵ nạnh, bè phái, hiếu thắng, thiếu kiên nhẫn, thiếu chính xác, coi thường người da mầu (đen), trọng da trắng (Tây), văn mình vợ người ... Tóm lại hãy phát huy mọi thế mạnh của từng người, từng gia đình, địa phương và cầu thị học hỏi những cái hay của các địa phương khác. Ngày nay tầm nhìn của chúng ta phần vì thế giới giao lưu nhiều qua việc càng ngày càng nhiều người Việt ra nước ngoài, người nước ngoài đến nước ta, rồi qua giao lưu mạng nên việc học hỏi thế giới trên cơ sở so sánh, tìm hiểu kỹ càng không còn khó như ngày xưa. Tôi nói cụ thể như văn hóa giao thông, văn hóa tư pháp, giáo dục phổ thông, đại học, hàn lâm, cư xử, môi trường ... đều có thể ngồi tại Việt Nam biết toàn thế giới. Tóm lại thời đại ngày nay dễ làm điều mà nhà Vật lý Newton đã lý giải thành công của các phát minh của mình: "đứng trên vai người khổng lồ nào đó". Điều quan trọng là ta sẵn sàng hay chưa?! Vì đứng trên vai người khổng lồ mà không đủ bản lĩnh, trình độ mà đổ nhào xuống thì cũng rất đau và thậm chí nguy hiểm đấy! - Năm mới xin mạnh dạn có vài dòng dông dài, lộn xộn quấy quá trang của Lâm Khang - mà với tôi đăng hay không đăng không quan trọng (khách nặc danh được TS Diện dùng văn hóa lịch sự gọi là những người ẩn danh). Nếu bài viết thể hiện văn hóa còn thấp thì đừng cho đăng!

    MT

    Trả lờiXóa
  12. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

    Trả lờiXóa
  13. Trích: "Đồng thời đứng trước cái ác, cái xấu chỉ có một chọn lựa là đoàn kết chống lại nó. Một người chống lại cái xấu cần nhiều người ủng hộ và làm theo."

    Nhưng nếu cái ác được quyền lực bao che thì lấy gì để tin là cái thiện sẽ thắng? Số đông? Bạo lực cách mạng?

    Quá tốn kém xương máu. Hãy thử nghĩ đơn giản hơn thế này: muốn chống lại cái ác, cần có chỗ để xác định nó là ác, chẳng hạn như tòa án. Nếu tòa án là nơi phán truyền tối thượng về lẽ phải, thì cuộc chiến giữa thiện và ác sẽ được giải quyết ở đó.

    Lấy gì để bảo đảm rằng tòa án không bị quyền lực của cái ác thao túng? Thì người dân phải biết dùng đến mạng sống mình. Đó là giá chót phải trả. Nhưng nếu có hệ thống tòa án độc lập, thì ta không phải đi đến bước phải trả giá chót ấy.

    Tòa án độc lập là cái cần phải có, và nền tảng của nó phải là ý thức của mọi người dân về công lý, ở đây là một thứ công lý hợp với lương tri chứ không nhất thiết hợp với chủ trương nhất thời của Đảng và nhà nước.

    Trả lờiXóa
  14. Kính gửi chú Nguyên Ngọc: Cháu chưa gặp chú lần nào, nhưng từ bé đã mê những áng văn tuyệt vời của chú. Cháu rất đồng ý với ý kiến của chú : sự giả rối đang hành hoành XH ta. Nhưng cháu tự hỏi: vậy cái gì làm sự giả rối phát triển ngày càng sâu rộng như vậy? Có phải là luật pháp lỏng lẻo không? Hay là do giáo dục? Hay toàn XH đã mục ruỗng hết vì động lực của XH đã và đang bị hủy diệt?...Rất mong chú có lời chỉ giảng. Chúc chú luôn mạnh khỏe-hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  15. Nói đến văn hoá văn - ta hình dung so sánh:
    - Văn hoá văn minh: Dàn nhạc giao hưởng (hay dàn đồng ca) mỗi nhạc công làm tốt chức năng của mình để hoà quyện, làm nên sức mạnh tập thể.
    - Văn hoá Việt Nam: là độc tấu (sáo, nhị, đàn bầu....) hay đơn ca - chủ nghĩa cá nhân đơn lẻ, tẻ nhạt, yếu ớt.

    Trả lờiXóa
  16. Nguyên nhân do đâu có nhiều người biết, thế giới cũng có những tấm gương vĩ đại để ta soi vào rồi, các nhà văn hóa lớn của ta sinh trưởng từ thời Pháp thuộc cũng đã cảnh báo rồi chứ chẳng phải đợi đến ngày hôm nay. Chẳng có gì phải bàn về cái nguyên nhân ấy cả, nó rõ như ban ngày, chỉ do những người không chấp nhận nó mà thôi. Khi anh không công nhận 1+1 = 2 mà cứ đi tìm đáp số cho nó thì tìm đến bao giờ. Chẳng phải cái công việc tìm kiếm đó cũng là một trò giả tạo thôi ư.

    Trả lờiXóa