Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

TRIẾT LÝ CỦA BÁNH CHƯNG TẾT VIỆT

Triết lý Bánh Chưng Tết Việt 

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
.

Dân tộc nào cũng có thức ăn truyền thống. Song chưa thấy dân tộc nào có một thức ăn vừa độc đáo, vừa ngon lành, vừa bổ, vừa gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời, lại vừa có nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh dầy của Việt Nam.

Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt
Nam nói riêng.

Bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh dầy dương giành cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân.Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: ”Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.

Các con trai đua nhau kiếm của con vật lạ, hy vọng được làm vua. Người con trai thứ mười tám của Hùng Vương thứ 6 là Lang Lèo (tên chữ gọi là Tiết Liêu), tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho, nên rất lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: ”Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.

Lang Lèo (sau có người gọi Lang Liêu) tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi.

Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Lèo chỉ có bánh Dầy bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Lèo, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.

Từ đó, cứ đến Têt nguyên đán hay các đám cưới, đám tang, dân gian bắt chước làm theo, sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất.

Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn ở những vật liệu và cách gói, cách nấu. Lúa gạo thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm, được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau, mang tính đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hay Đông Nam Á. Người Trung Hoa ưa chế biến từ bột mì hơn; người Ấn Độ thì ưa chế biến từ kê…

Thịt lợn hay heo được coi là lành nhất, nên các bệnh viện ngày nay thường chỉ sử dụng lọai thịt heo chứ không dùng thịt bò hay thịt gà là thức ăn chính cho bệnh nhân. Người Việt thích thịt luộc hay nấu. Đậu xanh vừa ngon lành vừa bổ dưỡng. Bánh chưng như thế rất nhiều chất, đặc trưng của các món ăn Việt Nam.

Độc đáo hơn nữa, khi nấu trong một thời gian khá dài thường trên 10 tiếng, phải để lửa râm râm, bánh mới ngon. Nấu bằng lò gas, tuy nhanh, nóng quá cũng sẽ không ngon. Vì được gói bằng lá dong, bánh chưng vừa xanh vừa đẹp, thơm hơn lá chuối. Phải gói thật kín, không cho nước vào trong, bánh mới ngon. Lạt phải buộc thật chật, chắc; gói lỏng tay, ăn không ngon. Song nếu chắc quá, bánh cũng không ngon.

Tuy gọi là luộc (người Việt Nam thích luộc, người Trung Quốc thích quay), song vì nước không tiếp xúc với vật liệu được luộc, nên lại là hình thức hấp hay chưng (chưng cách thủy), khiến giữ nguyên được chất ngọt của gạo, thịt, đậu!

Có lẽ vì cách chế biến bằng chưng, nên mới gọi là bánh chưng. Vì thời gian chưng lâu nên các hạt gạo mềm nhừ quyện lấy nhau, khác hẳn với xôi khi người ta “đồ”, khi hạt gạo nhừ quyện vào nhau như thế, người ta gọi bánh chưng “rền”. Vì nấu lâu như thế, các vật liệu như thịt (phải là thịt vừa nạc vừa mỡ mới ngon; chỉ thịt nạc, nhân bánh sẽ khô), gạo, đậu đều nhừ. Cũng vì thời gian chưng lâu, khiến các chất như thịt, gạo đậu nhừ, có đủ thời gian chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, cũng mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.

Cách chế biến như thế rất độc đáo, công phu. Bánh chưng nhất là bánh dầy có thể để lâu được. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với các lọai mật hay với nước mắm thật ngon, giàu chất đạm; cũng có thể ăn thêm với củ hành muối, củ cải dầm hay dưa món… Dân Bắc Ninh xưa thích nấu bánh chưng, nhân vừa thịt vừa đường!

Bánh chưng, bánh dầy quả thật là một món ăn độc đáo có một không hai của dân tộc. Bánh chưng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều tiềm năng khiến Việt Nam trở thành một cường quốc về văn hóa ẩm thực!
H.N.N.N

Bài đọc thêm:
.
Ngày Tết, bánh chưng xanh –câu đối đỏ, hai thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Cái Tết sẽ kém thi vị, ý nghĩa khi mất đi, hoặc vắng một trong hai. Bánh chưng xanh –sản phẩm lâu đời của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Nó bình dị thân thiết màu xanh tươi tắn như mạ non thì con gái chứa đựng nhiều lý thú.

Nếp ba tháng trắng phau, vo sạch để ráo nước. Từng hạt chắc mẩm, ánh lên bóng bẩy. Thịt heo đầy đủ phức hợp nạc –mỡ –da, cùng với đỗ (đậu) vàng bỏ vỏ làm nhân. Tất cả được đùm bọc lại bên ngoài bằng lá dong (hoặc lá chuối) có dây lạt mềm đen tuyền buộc chặt. Sản phẩm hoàn toàn từ nông nghiệp: trồng trọt và chăn nuôi.


Đơn giản như thế nhưng nó thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa. Cắt chiếc bánh chưng, một tổng thể năm sắc màu hiện lên: vàng ngà hạt đỗ bùi bùi thoảng hương, đỏ thịt lợn chín, trắng ngần màu nếp, xanh lá dong và đen tuyền sợt lạt buộc bên ngoài. Từ trong ra ngoài, thể hiện triết lý: Âm dương, Tam tài và Ngũ hành.

Năm màu tượng trưng cho Ngũ hành trong triết lý phương Đông: Thủy (đen), Hỏa (đỏ), Mộc (xanh), Kim (trắng), Thổ (vàng). Ngũ hành tương sinh –tương khắc hài hòa, bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức. Màu vàng ứng với hành Thổ trong thế đất vuông nằm ở trung ương, tượng trưng cho con người rất quan trọng. Trong chiếc bánh chưng, hạt đỗ vàng được bao bọc chính giữa bánh, bên cạnh thịt lợn –thể hiện sự quan trọng này.

Bên cạnh hạt đỗ vàng là thịt lợn đỏ. Hai cặp phạm trù Âm dương hòa quyện lấy nhau (hạt đỗ –thịt lợn; động vật –thực vật; tĩnh –động), chúng bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển. (Trong đời sống thực vật và động vật đã có sự nương dựa vào nhau. Thực vật là nguồn sống của động vật, ngược lại, chất thải của động vật tạo năng lượng cho thực vật hấp thụ phát triển). Cùng bao bọc hạt đỗ –thịt lợn (âm –dương) là màu trắng của nếp. Nếp –hạt đỗ –thịt lợn (âm –dương –âm; thực vật –động vật –thực vật) tạo thành một Tam tài.

Tam tài với ba cặp phạm trù âm dương (nếp –thịt lợn, âm –dương), (hạt đỗ –thịt lợn, âm dương), (nếp –hạt đỗ, âm –dương, nếp được trồng dưới nước –đỗ trồng trên cạn, nước –đất, ướt –khô) đã hòa quyện và bổ trợ cho nhau trong tổng thể phức hợp. Và từ Âm dương, Tam tài đã phát triển lên Ngũ hành. Đó là lạm bàn bản chất của bánh chưng. Ngay cả quá trình luộc chín bánh cũng thể hiện triết lý Ngũ hành: Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ.

Người ta dùng nước để luộc bánh, lửa được đốt từ củi và tất nhiên dùng nồi lớn (kim) đặt lên ba ông đầu rau (thổ). Cả năm thứ: nước, lửa, củi, nồi, ông đầu rau bổ trợ cho nhau, hài hòa bên nhau.

Xưa, nền kinh tế chính của ông cha ta không gì ngoài làm nông. Quanh năm làm bạn với nước, đất, giống và vô hình thiên nhiên, thời tiết đã đóng vai trò rất quan trọng. Hội làng mở ra cũng chỉ nhằm mục đích cầu trời phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt. Triết lý Âm dương, Tam tài, Ngũ hành ra đời cũng không ngoài ý niệm trên.

Chỉ gói gọn trong chiếc bánh chưng xinh xắn kia là cả tư duy độc đáo, đáng khâm phục của ông cha. Nó đã thoát khỏi đơn thuần là vật chất, móm ăn bình thường trở thành đại diện chuyển tải tư tưởng triết lý sâu sắc đậm nét nông nghiệp lúa nước. Từ đây, cần nên gìn giữ phát huy cho xứng đáng với vị thế chiếc bánh chưng trong ngày tết.


Nguyễn Xuân Diện - sưu tầm. 

Gói bánh chưng Chiều 27 Tết, chuẩn bđón năm mới Quý tỵ - 2013



 Những chiếc bánh đầu tiên đã gói xong

 Món chè kho làm xong trong ngày 28 Tết

12 nhận xét :

  1. Bánh chưng và bánh dầy là triết Việt: trời tròn đất vuông, giáo sư Kim Định đã có giải thích về ý nghĩa bánh chưng, bánh dầy rất hay, đó là vũ trụ quan của người Việt.
    Người Việt ta sống minh triết, ăn nói là minh triết, đi đứng là minh triết, sống là minh triết hài hòa trong vũ trụ uyên nguyên.
    Theo giáo sư Kim Định, sống là một bài thơ.

    Trả lờiXóa
  2. Các bạn ạ .
    Tôi cũng chán ông vua Hùng chọn người kế vị như chọn anh đầu bếp thế thì minh triết cái gì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin mạo muội thưa chuyện với bác: Ơ, tôi nghĩ minh triết chính ở cái chỗ chọn vua như chọn anh đầu bếp đó bác ợ.

      - Thứ nhất là "dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh": Dân là năm bờ oan, kể cả đất đai bờ cõi thiêng liêng là thế cũng phải đặt sau dân. Còn vua thì không phải lên ngai ngồi vắt vẻo đó cho dân hầu. Vua, (hay nói theo tiếng hiện đại là chính phủ hay lãnh đạo ý), là công bộc, là đầy tớ của dân mà thôi. Đầy tớ mà không biết "nấu ăn" thì hỏng, phải không bác ạ!

      - Thứ hai, "dân dĩ thực vi thiên": cái ăn của dân cực kỳ quan trọng. Dân ăn chưa đủ no thì đừng nói chuyện lớn lao gì khác. Minh triết chính ở chỗ cái triết lý chính trị của dân Á Đông mình rất thực tế, không bắt con người hy sinh cái nhu cầu căn bản cho bất cứ... chủ thuyết chủ nghĩa nào sất! Nhu cầu sơ đẳng ấy được chu toàn rồi thì mở rộng thêm lên thành những cái gọi là "an sinh xã hội" (mà bọn tư bản Mẽo mãi đến thế kỷ 19, 20 mới nghĩ ra).

      Thế nên vua Hùng chọn "đầu bếp" là rất tuyệt. Tất cả các hoàng tử đều phải học nghề nấu bếp. Nhưng cái anh Lang Lèo trúng giải bởi anh là đầu bếp số dách: anh ý biết tiết kiệm, không phung phí, chọn món ăn vừa ngon vừa bổ vừa rẻ. Mà tuyệt vời hơn nữa là lông trong món ăn vật chất nuôi thân xác, anh còn biết gởi gắm vào đó cả những hương vị tinh thần để nuôi tâm hồn. Thực tìm khắp thế giới, chưa thấy ông vua/đầy tớ nào tuyệt cú mèo như cái anh Lang Lèo nhà mình! Minh triết quá đi chứ lị!

      Xóa
  3. Hì hì, đúng là bác tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đây rồi! Tra google thì mới hay bác ý còn từng là trưởng một nhóm nghiên cứu văn hóa ẩm thực Việt Nam nữa cơ.

    Tôi là người miền Trung, và cứ thắc mắc hoài không biết bánh Tét xuất phát từ đâu, tại sao mà hình dạng của nó lại khác với bánh Chưng truyền thống? Hồi nhỏ tôi cứ đinh ninh rằng bánh Tét... "nghèo" hơn bánh Chưng vì nhân (thịt và đậu) ít hơn, và nhất là vì để dành ăn từ từ tiện hơn (ăn tới đâu cắt lát tới đó, còn bao nhiêu có thể túm đầu gói kỹ lại, có thể đê dành được cả tháng).

    Rồi tôi đoán rằng bánh Tét là bánh Chưng biến thể, hình dạng của nó chính là để thích nghi với hoàn cảnh dong duổi hành trình mở mang bờ cõi về phía Nam(?). Hoặc cũng có thể hình dạng bánh Tét là do "lai" với phong tục Chiêm Thành chăng (?) Một điểm khác nữa là bánh Tét chỉ có ăn với "dưa món" mới đúng điệu. Dưa món thì rất mặn, cũng là thứ để dành được lâu, đúng là món ăn nhà nghèo, thích hợp cho đoàn di dân đi khai khẩn (?).

    Không bao giờ tôi quên được hình ảnh mẹ tôi vào những ngày Tết: tay trái cầm đòn bánh Tét, răng cắn một đầu dây lạt, tay phải cầm đầu dây kia thoăn thoắt quấn sợi dây quanh chiếc bánh rồi kéo căng để cắt nó ra từng lát!

    Trả lờiXóa
  4. Tôi nghĩ rằng vì VN là nền văn hóa nông nghiệp, lúa nước nên người xưa mới có chuyện vua Hùng chọn người kế vị như vậy

    Trả lờiXóa
  5. Bánh chưng, bánh dầy, thịt mỡ dưa hành, câu dối đỏ. Bánh chưng VN xuất hiện từ thời vua Hùng . Một thực tế không thể chối cãi, dân tộc Việt đã hình thành một quốc gia rất sớm . Một nước có vua có đạo lí, có nền văn minh lúa nước phát triển, có nền chăn nuôi gia sức ( con lợn , heo ) cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng đi đôi với hạt gạo, hạt nếp, hạt đậu xanh và nhất là có văn hóa phụ hệ rất rõ ràng, gia đình có tôn ti trật tự, con cái rất hiếu thảo với cha mẹ , xã hội thái bình ..
    Biết trồng cây lúa nước là biết làm thủy lợi, biết khai chua khử phèn làm cho đất tốt hơn, và triệt để khai khẩn những vùng đất hoang , đem lại hoa màu khác đi kèm với cây lúa như như đậu xanh, dưa hấu .
    Biết chăn nuôi, nhất là nuôi lợn là không bỏ phí cơm thừa canh cặn, nuôi con vật cho thịt ngon, thơm , lành. Con heo không bỏ đi cái gì cả, kể cả phân heo cũng rất hữu ích cho nông nghiệp .
    Những nét độc đáo văn hóa của văn minh Lạc Việt có lẽ vào hàng sớm nhất ở ĐNÁ . sau này người Trung Hoa đô hộ muốn diệt văn minh Lạc Việt thực ra họ cũng học từ văn minh này như cách trồng lúa nước .

    Trả lờiXóa
  6. Thầy tớ ngày xưa dạy như sau: Tiếng Việt BÁNH là do BÍNH (âm đọc Hán Việt) mà thành. "Bánh chưng" là "Chưng bính" với nghĩa là bánh bột hấp. Có điều là phương nam không xay thành bột mà để cả hạt gói lá nấu kĩ. "Bánh dầy", miền Trung còn gọi là "Bánh dì", tức là "Di bính" với nghĩa là giã thóc mầm thật kĩ nặn ra hình tròn, ăn ngòn ngọt và được gọi là kẹo mạch nha. Có điều phương Nam giã xôi làm loại bánh này. Chữ Di khác sang Việt cũng thành Dì (trong Dì dượng)."Bánh tét" là do "Tiết bính" mà ra. "Tiết" là từng đoạn, từng lóng, từng khúc như tiết tre, lóng mía. Gói thành từng đòn tròn, buộc ra thành đốt thì gọi là "Tiết bính", sang ta nó thành "Bánh tét". Có nơi gọi là "Bánh tày/tầy" là do chữ "Tề" (nghĩa là chia theo khúc bằng nhau, "Tề bính"). Như vậy, cổ xưa đã dùng chữ Hán để gọi tên các thứ bánh trên. Có mấy vấn đề đặt ra:
    -Kĩ thuật làm bánh cũng như tên gọi là từ phương Bắc được lưu truyền và ngày càng phương Nam hóa đi, kèm theo những biến thái. Từ thư Trung hoa ghi những loại "Bính" này trước từ thư Việt Nam 1500 năm (có thể vì họ có chữ viết sớm. Việt Nam xưa nhất cũng chỉ là Việt sử lược, Lĩnh Nam chích quái (XIV-XV) mà thôi.
    - Là sản phẩm phương Nam nhưng người phương Bắc ghi lại bằng chữ và âm của họ khi họ xuôi phương Nam bắt gặp. Sau đó người Kinh lại gọi theo phương Bắc cho sang trọng.
    Tôi không theo cụ Kim Định, tôi theo giả thuyết 1. Chúng ta yêu nước thương nòi nhưng không theo sô vanh hẹp hòi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ô, thưa bác. Thông tin của bác (từ vị thầy của bác) rất hay. Tôi thì tôi theo giả thiết của cụ Kim Định, với điều kiện hiểu đúng khái niệm "phương Nam" và "phương Bắc" của cụ Kim Định. Phương Nam đó, không có nghĩa chỉ là vùng đất quanh lưu vực sông Hồng ở Bắc Việt hiện nay. Phương Bắc đó, không có nghĩa là toàn bộ vùng đất rộng lớn mà ngay nay ta gọi là Trung quốc. Phải lùi thời điểm lại rất xa, xa hơn cả những niên biểu lịch sử mà nay ta còn ghi lại được chính xác, và cũng phải định vị lại những địa vực văn hóa văn minh tương ứng với thời điểm đó...

      Bác bảo "người Trung Hoa" có chữ viết sớm hơn "người Việt", điều đó liệu có chắc không? Tần Thủy Hoàng khi lên ngôi Hoàng Đế, bắt buộc tất cả các bộ tộc khác phải bỏ chữ viết của mình, thống nhất theo kiểu chữ mà triều đại nhà Tần của ông ta đề ra. Ông ta "đốt sách, tàn sát Nho sĩ..." Trước một bạo quyền ghê gớm như vậy thì chữ nào mà còn nữa thưa bác? Nhưng chữ có thể mất, cái hồn thiêng văn hóa vẫn còn!

      Hi hi, nhưng mà thôi. Trong vụ này thú thiệt với bác tôi làm gan góp ý vậy thôi, chứ ý thức rằng hãy cứ để tồn nghi, đợi ngày nào đó xuất hiện một thế hệ học giả lỗi lạc, đa ngành (không chỉ của Việt Nam mà của toàn vùng Đông Á, Đông Nam Á) làm sáng tỏ. Mong tới ngày đó lắm thay!

      Xóa
  7. Kính gửi Bác Hale. Câu chuyện Tần Thủy Hoàng "đốt sách chôn nho" là câu chuyện của giới Nho sĩ phản ứng lại một động thái cứng rắn của vị hoàng đế này với giới trí thức nói chung. Nhiều khi được hiểu cực đoan hóa lên, kiểu như dân gian nghĩ đến Tào Tháo là nghĩ đến tính đa nghi mà thôi. Còn câu chuyện chữ viết của "người Việt" thì cháu chỉ tin vào tài liệu khảo cổ học thôi. Tập trung "tất cả" các hiện vật khảo cổ học tiền sử đã đào được từ đầu thế kỉ XX đến nay từ phía nam sông Dương Tử đến hết In đô nê xi a (không gian tạm coi là "Việt cổ")thì ta nhận được một bức tranh về cái gọi là chữ viết Việt cổ như sau:
    - Có dấu hiệu của kí tự ra đời (khoảng 50 dấu hiệu trừu tượng (không là hình vẽ miêu tả) chứa một ý nghĩa nào đó và có một giá trị thông tin nào đó).
    - Chưa có dấu hiệu về một hình thức "văn bản" để phản ánh một "hệ thống chữ viết". Dấu hiệu kí tự và hệ thống chữ viết liên quan đến nhau nhưng là hai vấn đề khác nhau. (Một ông người Mèo buôn ma túy, không biết chữ nhưng nghĩ ra được một số dấu hiệu kiểu kí tự để ghi nhớ sự việc hàng 10 năm. Đó chưa phải là hệ thống chữ viết).
    - Có dấu hiệu rõ ràng về "chữ Hán" cổ (dưới dạng "văn bản")với quy cách cấu tạo rất khác, trùm lên các dấu hiệu kí tự Việt cổ trong hệ thống những hiện vật đào được.
    - Hiện vật khảo cổ học cho phép nêu giả thuyết: Cư dân gọi là Việt cổ, bắt đầu sáng tạo ra những dấu hiệu có tính kí tự và chưa tiến tới một hệ thống chữ viết thì đã bị một hệ thống chữ viết khác tràn xuống, đè lên. Việc này xảy ra cả ở thời Tần và cả trước đó nữa.
    Với khảo cổ học, cháu chỉ dám "đọc" vấn đề tới đó thôi. Bác Hale có thể tham khảo thêm tài liệu trưng bày hiện vật này trong bộ sách "Predwstoria i ixtoria narodob Viet: arkheologia nirnego iaszw i iugo- votosnovo kitai nerioda ot rannego neolita do rannego releznogo veka" (tiếng Nga)- Lapteb- 2007- Moxcova.
    Ngày xưa cháu cũng đã từng theo mãi cái "Việt nho" của cụ Kim Định (sau 1975), cái "Chữ viết thời Hùng vương" của cụ Hà Văn Tấn (sau 1980), rồi cái "Việt Phật" của cụ Lê Mạnh Thát (sau 1990), cái nào cũng dễ thỏa mãn tính hiếu kì lắm, nhưng rồi thấy cụ nào cũng nhiều bất ổn cả, đành lẳng lặng đi theo ngõ nhỏ của mình thôi. Thế sự du du nại lão hà. Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn ẩn danh quý mến (xin được xưng hô như vậy, bạn nhé). Cám ơn sự chia sẻ của bạn cùng những thông tin bạn đã cho biết. Trên tất cả, tôi rất vui mừng khi biết bạn ham học hỏi, ham tìm hiểu như vậy về đề tài rất gai góc liên quan đến nguồn cội dân tộc mình. Bạn nói rất đúng, phải đọc và học rất nhiều, nhưng với tinh thần hoài nghi khoa học cần thiết và dám "lẳng lặng đi theo ngõ nhỏ của mình thôi", dù có phải đi một mình. Chân thành chúc bạn gặt hái được những khám phá mới, góp phần đắc lực vào sự phát triển của nền học thuật nước nhà.

      Đọc bài của bạn mà vui lắm. Tôi cảm thấy phấn chấn yêu đời lên hẳn dù mới trước đây nửa tiếng tôi rầu rĩ quá vì cảm thấy sức khỏe và tuổi đời của mình cứ như đang tuột khỏi tầm tay... Cũng xin mạo muội tâm tình lại với bạn và quý bác thân quen ở hiên trà này chút về giáo sư Kim Định. Tôi không được học trực tiếp GS Định, chỉ qua những cuốn sách GS để lại (mà thú thực tôi không dám nghĩ là mình đã lĩnh hội được hết). Điều tôi vô cùng biết ơn GS Định chính là những suy ngẫm và trình bày của ông về triết lý Nho giáo. Những điều này đã giúp ích cho đời tôi rất nhiều, nhất là về mặt tâm linh, suốt từ những năm mới bước vào tuổi thanh niên tới tận nay. Riêng những giả thiết của GS Định về cội nguồn dân tộc thì tôi cũng hiểu đó chỉ là giả thiết, "giả thiết tạm đặt ra để làm việc tiếp" - như lời chính ông vẫn nói. Tôi thì chắc không còn "duyên" để được 'làm việc tiếp' trong ngành học này nữa rồi.

      Thế nhưng vẫn vui, vẫn vui mà cùng gõ nhịp ngâm cùng bạn ẩn danh: "Thế sự du du nại lão hà. Vô cùng thiên địa nhập hàm ca"! Hoan hô bạn!

      Xóa
  8. Lần đầu tiên trong đời tôi được thấy món đặc sản "Chè Kho" của Đường Lâm, mà lại do gia đình của người bạn quý mến tự tay làm - bác Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện. Hi hi, dù chỉ 'thưởng thức online' thôi, cũng vui ơi là vui, quý ơi là quý! Thực khác hẳn những gì tôi ráng tưởng tượng về món này. Có bác trên mạng nói rằng đó là món "Chè Đậu Xanh Đánh" ở miền Nam, nhưng không phải, hoàn toàn không phải món 'đậu xanh đánh' mà chị tôi ngày xưa hay làm.

    Bên này phu nhân nhà tôi đã mua cặp bánh chưng, cặp bánh tét cúng Giao thừa, rồi lại thêm vài cặp nữa do bạn bè, người nhà tặng. Hic, nhà chỉ có bốn người, ăn không biết đến bao giờ mới hết, phải bỏ bớt vào ngăn đông đá của tủ lạnh. Cái bánh chưng đầu tiên mở ra, úi trời ơi, nó hư mất một nửa ở dưới vì có mùi lạ. Con bé út (sinh bên Mỹ) nhăn mũi, trố mắt dòm. Vậy là tiêu rồi, năm nay lại một lần nữa không tập cho cháu ăn được bánh chưng! Tôi đoán có lẽ vì bên này người ta phải nấu bằng lò điện, nấu quá ít giờ, không trở bánh hoặc thay nước và nhất là chỉ có thể gói bằng lá chuối (không kín) nên mới ra nông nỗi. Con tôi hỏi "lá dong là lá gì?". Thế là mở computer ra chỉ cho cháu xem hình bác Diện đang gói bánh.

    Cám ơn Số Tết của trang bác Tễu. Đọc bài và xem hình trong này thì cũng như được ăn cái Tết đầy ắp hương vị và bầu khí quê hương rồi!

    Trả lờiXóa
  9. Nhà tôi năm nào cũng có món chẻo. Thường là riềng xắt miếng phơi khô dã nhỏ, sau đó trộn với mỡ chài vằm nhỏ trộn với men rượu nếp, toàn bộ cho vào chảo, chiên, để ăn hàng tháng. Thịt ba chỉ luộc cặp chẻo và bánh tét, rất tốt cho bộ máy tiêu hóa...
    Người phương Tây có triêt lý xây cuốn ̀mặt trong nhà thờ. Tượng trưng cho 5 ̀ giác quan, nếu gặp nhau thì đó là đỉnh điểm hạnh phúc hay gọi là khoái. Trong bánh tét cũng đủ chất bổ cho ngũ tạng, vì thế khi ăn vào ta cảm thấy khóai. Chẻo làm tăng sức cho 5 vị trên cho nên càng ăn càng thêm ngon và bổ. Đông Tây gặp nhau chỗ này...

    Trả lờiXóa