Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

QUỐC NẠN: SỰ VÔ TRÁCH NHIỆM VÀ LÃNG PHÍ MANG TÍNH HỆ THỐNG

Quốc nạn: Sự vô trách nhiệm và lãng phí mang tính hệ thống 

Nguyễn Hoàng
(Bài viết nhân vụ Vinashin thất thoát trên 80 nghìn tỷ)

Sự vô trách nhiệm mang tính hệ thống tất yếu gây ra những lãng phí mang tính hệ thống. Đó là sự lãng phí về cơ hội, các nguồn lực con người và xã hội, tiền của, thời gian, tài nguyên đất nước và phải được coi như một tội ác ghê gớm. Quy mô và sức phá hoại nó rât nặng nề có thể lên đến nhiều tỷ dollar/năm. So sánh về sức tàn phá, tham nhũng chỉ như mấy chú muỗi mắt đặt bên cạnh những con khủng long lãng phí và phá hoại mà thôi. Hiện tại chưa có bất cứ một chế tài nào để chế ngự được loại quốc gia đại nạn này.

Công luận xã hội VN vừa qua đã tập trung bàn nhiều về nạn tham nhũng, hối lộ gọi chúng là quốc nạn.

Nhưng còn có một loại có thể gọi là quốc gia đại nạn. Một cơ chế phá hoại làm thất thoát kinh khủng các nguồn lực quốc gia ngay từ đầu đã nằm cơ hữu trong lòng kinh tế xã hội VN.
Đó chính là sự vô trách nhiệm, lãng phí mang tính hệ thống.

Sự vô trách nhiệm và lãng phí mang tính hệ thống này thường có sức phá hoại giá trị hàng trăm triệu đến nhiều tỷ dollar. So về quy mô tàn phá, tham nhũng chỉ như mấy chú muỗi mắt đặt bên cạnh những con khủng long lãng phí và phá hoại mà thôi.

Kết quả từ loại quốc nạn này thường là sự tàn phá nền kinh tế mang tầm cỡ quốc gia mà đến nay còn ít được bàn thảo. Chỉ riêng một Vinashin đã có tới trên 4 tỷ dollar nợ nần. Nó góp phần gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế nghèo VN vốn không ổn định. Nợ quốc gia đã tới gần 50%, điểm phải dừng vì bên kia sẽ là vực thẳm.

Mặc dù đã bắt điều tra 5 vị lãnh đạo trực tiếp của Vinashin, sẽ xác định được các tội cố ý làm trái hay hối lộ, tham nhũng nhưng chắc chắn số tiền tham nhũng chỉ đến hàng chục, ghê gớm lắm mới đến hàng trăm triệu dollar. Vậy hàng tỷ dollar kia vì sao thất thoát, nguyên nhân nào dẫn đến sự lãng phí phá hoại rất kinh khủng này? 

1. Sự vô trách nhiệm mang tính hệ thống:

Ở ta có một nền kinh tế xã hội luôn được vận hành theo cách thức đặc biệt: một nơi ra quyết định, nghị quyết, một nơi thứ hai thực hiện nghị quyết, một nơi khác thứ ba vận hành và nơi cuối cùng là con cháu chưa ra đời sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả của nó về sau này.

Hiện thời chẳng ai phải chịu trách nhiệm về các hậu quả của hành động của họ trong một hệ thống ra quyết định liên hoàn như vậy!

Cả một hệ thống đồ sộ tốn kém với hàng triệu quan chức lớn nhỏ nhưng lại tỏ ra trì trệ và vô cảm.

Một bộ máy lập pháp hướng tới thỏa mãn các quyết sách chính trị nhất thời và nhu cầu tự thân của ngành hành pháp hơn là xây dựng một nền pháp trị lâu bền trên nền tảng do dân, vì dân.

Một bộ máy hành pháp, tư pháp đều mang tính tự thân đề cao lợi ích, sự an toàn dựa vao sự vô can của bộ phận mình lên trên toàn cục hơn là can dự một cách khách quan nhằm thực thi và bảo vệ pháp luật; lại còn cơ chế vùa đá bóng, vừa thổi còi nên không sao phân định được trách nhiệm của cầu thủ với trọng tài.

Hệ thống ấy cho phép không có nơi nào phải chịu trách nhiệm về những sai hạm tày trời xảy ra ở Vinashin. Mặc dù tất cả đều có quy trình luật định, có nhiều vòng giám sát nhưng con voi vẫn đi qua được mọi lỗ kim. Họ vẫn mua được những con tàu, nhà máy điện ở dạng những đống sắt vụn với giá cắt cổ nền kinh tế mà không ai trong hệ thống trên bị liên đới trách nhiệm.

Cũng từ sự vô trách nhiệm mang tính hệ thống này mà các quyết định thành lập các cơ cấu xài tiền như Vinashin, các dự án tổn hại tiền dân như chương trinh mía đường v.v... đều đã và có thể thông qua mà không một ai phải tự vấn lương tâm mình!

Điều khôi hài đau xót nhất ở đây lại là tất cả chúng ta đều vô can trong mọi sự đổ vỡ của nền kinh tế, trong sự đổ vỡ nồi cơm của chính nhà mình! 

2. Sự lãng phí mang tính hệ thống hay cơ chế “ Muốn ăn thì phải phá”:

Một nhóm nguyên nhân sâu xa khác gây nên hiện tượng lãng phí mang tính hệ thống là sự không hài hòa, không nhất thể hóa các quyền và lợi giữa các bộ phận trong một xã hội. Khi một nhóm thủ lợi, không bị các cơ chế và luật pháp minh bạch của một xã hội công dân điều tiết, họ sẵn sàng hy sinh đại cục, lợi ích của xã hội vì lợi ích riêng.

Không phải ngẫu nhiên trong ngôn từ xã hội có từ “buôn cơ chế” thuộc loại siêu của siêu lợi nhuận. Những lãng phí, thất thoát và tham nhũng trong đầu tư cơ bản trỏ thành câu chuyện quen thuộc đến mức người dân nơi quán xá đều thông thạo khi nói về chúng.

Chạy dự án” đã làm giàu thêm cho ngôn ngữ Việt để chỉ về một hoạt động có sức hút rất lớn về lợi ích. Khi vài chục phần trăm đến non một nửa giá trị dự án rơi vào túi tư nhân thì đây cũng chính động lực không cưỡng lại được cho sự ra đời các loại dự án và siêu dự án mà kết quả chung sẽ là tăng quy mô và tầm cỡ của sự lãng phí có tính hệ thống và gánh nặng nợ nần trong xã hội hiện nay.

Ở các nước khác, cơ chế win-win cho phép mọi thành phần xã hội nỗ lực làm ăn, tạo ra của cải làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Ở ta, cơ chế làm ra để chia nhau không biết vì lẽ gì đã không được thực thi.

Từ các phân tích ở phần trên, ta sẽ thấy như một lẽ tự nhiên của luật nhân quả, trong thực tiễn đã hình thành một cơ chế đáng sợ “Phá để ăn” hay “Muốn ăn thì phải phá” và phá càng nhiều thì kiếm chác cũng càng nhiều.

Những điều này có thể tìm thấy ở hầu hết các dự án của Vinashin mà gần đây Phạm Viết Đào đã tổng kết trên trang Blog đầy tính chiến đấu của ông, từ vụ ký HĐ đóng 15 con tàu 53 nghìn tấn đến các vụ đầu tư cho những đống sắt phế thải, gây ô nhiễm môi trường như các vụ mua tàu, nhà máy điện sắp hoặc hết niên hạn sử dụng, Vinashin gây thất thoát cho chính mình hàng trăm triệu dollar mà hậu quả nhìn thấy trước là cả một chặng đường thua lỗ. Phá hoại cả một ngành đóng tàu khi trứng nước bằng phương cách “muốn ăn một hãy phá mười, một trăm hoặc nhiều hơn thế". Không biết những người ký các HĐ này kiếm chác được bao nhiêu từ khoản hoa hồng nhỏ nhoi trong công cuộc phá hoại của họ???

Gần đây có một dự án mang tính thời sự tốn hàng trăm tỷ của VTV đang được đắp chiếu nằm đó.

Tin rằng bạn đọc có thể tiếp tục nêu ra rất nhiều ví dụ đau xót về hiện tượng phá để mà ăn, mà chia nhau này! 

3. Sự thiệt hại ở quy mô quốc gia

Trên nền tảng của sự vô trách nhiệm và lãng phí mang tính hệ thống, quy mô của sự thiệt hại, quy mô phá hoại của nó đã vượt ra khỏi sức tưởng tượng của nhiều người, lên đến nhiều tỷ dollar năm.

Có thể nêu ra vài ví dụ:

Thời kỳ HTX nền nông nghiệp VN chỉ sản xuất được 12-14 triệu tấn lương thực quy thóc mỗi năm. Khi thực hiện chỉ thị 100 và nghị quyết khoán 10 đi đúng quy luật khách quan, sức sản xuất trong nông nghiệp được giải thoát, Việt Nam từ nước nhập khẩu trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Riêng sản lượng lương thực mỗi năm đã đạt 38 triêu tấn thóc, gấp khoảng ba lần tổng sản lượng lương thực thời kỳ HTX. Theo thời giá, nếu tạm tính bình quân 400 USD/tấn gạo như hiện nay thì riêng ngành sản xuất lúa gạo của nông nghiệp Việt Nam thu về thêm so với thời kỳ HTX khoảng trên 6 ,4tỷ ÚSD mỗi năm.

Nói cách khác, hệ thống sản xuất cũ tạo ra một sự lãng phí mang tính hệ thống trị giá 6,4 tỷ USD/năm chỉ riêng trong một ngành sản xuất lúa gạo.

Có thể nêu lên một ví dụ khác là phong trào đầu tư của các địa phương cho chương trình một triệu tấn đường, đã tiêu của ngân sach và các nguộn vốn khác trên 10.050 tỷ (trên nửa tỷ dollar), nay càng sản xuất càng bị lỗ, không nhìn thây khả năng hoàn vốn.

Năm 2010, tình trạng tài chính của các nhà máy đường trên toàn quốc là hết sức thê thảm với số nợ khoảng trên 5.000 tỷ đồng (khoảng 263 triệu dollar) và đa số mất khả năng chi trả.

Sự vô trách nhiệm và lãng phí mang tính hệ thống còn gây ra rất nhiều thiệt hại trên các lĩnh vực khác như làm suy yếu các nguồn lực kinh tế xã hội. Phá hoại năng lực cạnh tranh của nền kinh tê, không nâng cao được chất lượng tăng trưởng, Gần đây VN liên tục bị đánh tụt hạng ở chỉ số tin cậy quốc gia, chỉ số tín dung các ngân hàng. 

4. Thay cho lời kết

Sự vô trách nhiệm mang tính hệ thống tất yếu gây ra những lãng phí mang tính hệ thống. Đó là sự lãng phí về cơ hội, các nguồn lực con người và xã hội, tiền của, thời gian, tài nguyên đất nước và phải được coi như một tội ác ghê gớm. Quy mô và sức phá hoại nó rât nặng nề và hiện chưa có bất cứ một chế tài nào để chế ngự nó.

Thế hệ con cháu sẽ biết lấy gì trả nợ khi chỉ số ICOR đã lên đến 7, 8 cảnh báo về một nền kinh tế kém hiệu quả, có chất lượng tăng trưởng rất thấp, tính cạnh tranh và độ tin cậy quốc gia và một số ngân hàng VN hàng đầu về tín dụng thuộc tốp dưới của các bảng xếp hạng quốc tế!

Nhân vụ thất thoát trên 80 nghìn tỷ của Vinashin,xin được bàn thêm về một dạng quốc gia đại nạn trong bài viết ngắn này với đôi suy tư thiển cận và hạn hẹp, với tấm lòng thành mạnh dạn tỏ bày.

Mong các sỹ phu, chư vị chỉ giáo nhằm sáng tỏ sự đúng sai nhiều chiều của một vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp đến sự giàu nghèo của đất nước, đến bát cơm manh áo của mỗi người dân!
N.H
4.9.2010

* Bài viết do tác giả TS. Nguyễn Hoàng gửi riêng Nguyễn Xuân Diện-Blog. 
Xin chân thành cám ơn tác giả!

5 nhận xét :

  1. Rất hay, rất đúng!.

    Trả lờiXóa
  2. Không biết rồi xã hội chúng ta sẽ đi về đâu khi tồn tại quá nhiều điều vô cùng bất hợp lý như phá hoại, tham nhũng, xin - cho, thiết kế 10 đồng mà thực hiện 2 đồng còn 8 đồng chia chác, v.v.

    Trả lờiXóa
  3. "Muốn ăn thì phải phá"! Quá đúng. Nói chính xác hơn là phá cái chung của nền kinh tế xã hội để cá nhân và nhóm lợi ích được ăn. Không biết Đảng và Nhà nước có thấy không chứ dân thường thì đã thấy điều này từ lâu rồi. Một ví dụ nhỏ: Có người thắc mắc, tại sao khi xây dựng đường phố lại không đồng bộ, ông làm đường vừa xong thì ông làm cống lại đào lên...Ấy là vì do lợi ích của mỗi "ông" đều riêng biệt, không ông nào dính với ông nào. Cái kiểu "sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi" bây giờ là phổ biến.

    Trả lờiXóa
  4. Để không còn những chuyện như trên xẩy ra thì người quản lý (kể cả lãnh đạo) phải là những người vừa có tài lại có đức, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn loại bỏ cấp dưới yếu kém. Một trong các vị Bộ trưởng tôi thấy tin cậy được là Bộ trưởng Đinh La Thăng. Hi vọng là Ông ta ngoài mạnh dạn cách chức cấp dưới thì khi bản thân có sai sót như làm thiệt hại tiền của mà mình trực tiếp lãnh đạo thì cũng ngoài tự kiểm điểm nghiêm khắc, thì phải có những chế định về trách nhiệm bản thân xem mức độ vi phạm đến đâu; phải được mổ xẻ trước công luận để nhân dân biết rõ và phải sẵn sàng từ chức ... - chứ chỉ cấp dưới đi tù, bản thân mình thì vô sự (kiểm điểm bị mức độ phê bình) thì những quốc nạn trên sẽ không bao giờ hết, mà chỉ từ chuyện này nhảy sang chuyện khác!

    MT

    Trả lờiXóa
  5. Đọc bài này,tôi chợt nhớ Phùng Quán đã phải thốt lên:"Những con chó sói lãng phí quan liêu
    Nhe răng cắn đứt thịt da cách mạng
    ...
    Những tên quan liêu Đảng đã phê bình trên báo
    Và nhiều tên chưa ai biết ai hay
    Lớn,bé,nhỏ,to,cao,thấp,béo,gầy
    Khắp mặt đất
    Như ruồi nhặng
    Ở đâu cũng có!
    Đảng muốn phê bình tất cả
    Phải một nghìn số báo nhân dân!"
    Tôi nghĩ Phùng Quán vì khiêm tốn,hay vì thấy Đảng còn quá nhẹ tay mà chỉ dùng chữ"phê bình"."Ruồi nhặng" thì chỉ có đập chết,chứ nó biết nghe đâu mà "phê bình".
    Văn hào Nguyễn Du đã có những câu ,mà đến thời nay vẫn đúng.
    "Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh
    Rụng rời khung dệt,tan tành gói may.
    Đồ tế nhuyễn,của riêng tây,
    Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham."
    Với thói vô trách nhiệm,tham ô lãng phí,coi tài sản nhà nước và tiền thuế của nhân dân như chiếc bánh để thi nhau cắn xé.Bọn người này đúng như lũ ruồi,nhặng.Đảng và nhà nước không thể chỉ"phê bình",mà cần phải có"vỉ ruồi sắt" để quét sạch bọn"ruồi nhặng"này.

    Trả lờiXóa