Thưa chư vị,
Hôm nay, ngày Chủ nhật, mùng 7 Tết Nhâm Thìn, gia đình chúng tôi cùng họp mặt để mừng Thọ Cụ chúng tôi tròn Một Trăm Tuổi. Cụ là Hoàng Thị Tú Tâm, nữ sinh Trường Đồng Khánh, Huế - bà quả phụ Cụ Trần Đình Bảo (nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Bộ Nội Vụ) và là Mẹ của: - Bác cả chúng tôi là Trần Đình Sử (giáo sư tiến sĩ văn học), - Mẹ chúng tôi Trần Hoàng Thảo (một trong những người vận động ra tờ báo Pháp Luật của Bộ Tư Pháp), - Cậu Trần Đình Khảng (kỹ sư), - Dì Trần Thị Nghĩa (nguyên Chánh án Tòa Dân sự, Tòa án Hà Nội). Cụ Hoàng Thị Tú Tâm là một trong những thư ký/ trợ lý nhiều năm của cố Giáo sư Tôn Thất Tùng.
Trong ngày vui này, Bác Trần Đình Sử đã phát biểu trước các anh chị em, con cháu, dâu rể trong nhà về cuộc đời giản dị, nghị lực phi thường và công lao trời biển mà Cụ bà Hoàng Thị Tú Tâm dành cho con cháu và gia đình. Dì Trần Thị Nghĩa đọc một bài thơ mới viết tặng Mẹ, trong xúc động nghẹn ngào....
Trang Thanh Hiền & Nguyễn Xuân Diện
Được phép của Bác Trần Đình Sử, chúng tôi xin trân trọng
giới thiệu và chia sẻ bài nói của Bác Trần Đình Sử:
Mừng cụ Hoàng Thị Tú Tâm một trăm tuổi
Thưa Má,
Thưa bác Khánh, bác Nguyệt,
Cùng các em, các cháu, chắt thân quý,
Năm nay, 2012 má, bà và cụ Hoàng Thị Tú Tâm của chúng ta vừa tròn 100 tuổi.
Tuy tuổi cao trí nhớ giảm sút nhưng má vẫn còn sống với các con, cháu, đó là một niềm vui, hạnh phúc lớn của cả gia đình. Đó cũng là lí do để chúng ta họp mặt hôm nay trong không khí ấm cúng thân mật của tình ruột thịt.
Nhân dịp này con xin nói về má để các em, các cháu, chắt được biết về má để thêm yêu quý má hơn.
Má Hoàng Thị Tú Tâm, theo gia phả họ Hoàng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ghi, sinh ngày 28 – 9 năm Quý Sửu, tức ngày 17 tháng 10 năm 1913 tại Quảng Trị. Lí lịch cán bộ ở bệnh viện Việt Đức Hà Nội thì ghi, sinh ngày 15 tháng 4 năm 1915. Theo gia phả năm nay Má vừa tròn 100 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm mà người đời con cháu vẫn ao ước cho cha mẹ mình. Trong họ hàng nhà ta cũng có nhiều người sống đến trăm tuổi, má của chúng ta cũng không thua kém gì. Má sống được thế, ngoài nhờ phúc ấm của Tổ tiên, ngoài sức sống tự nhiên của má, còn có công sức chăm sóc của các con cháu, mà trực tiếp bên mình ngày đêm là công lao của con gái Trần Thị Thảo, một đứa con cũng bé nhỏ, yếu đuối mà dẻo dai không kém má mà lại rất hiếu thảo.
Thuở nhỏ má có tên là Hàm, thời đi học và công tác lấy tên là Tú Tâm.
Má là cháu nội của ngài Hoàng Hữu Xứng, Hiệp biện đại học sĩ triều Nguyễn, người đã từng vẽ bản đồ đầy đủ của nước Đại Nam. Má là con gái thứ tư trong sáu chị em của cụ Hoàng Hữu Kiệt, cử nhân Hán học năm Duy Tân thứ 9, tức năm 1915, năm cụ 30 tuổi. Cụ Hoàng Hữu Kiệt từng được bổ nhiệm làm tri huyện tại Sông Cầu tỉnh Phú Yêu, tri huyện Hướng Hoá, Quảng Trị, chuyển vào tri huyện Hoà Vang, Quảng Nam, nhưng do làm quan thanh liêm, bênh vực dân chúng, việc quan bị coi là “bất hợp thức”, buộc phải về hưu non khi mới bốn mươi sáu tuổi. Cụ mua đất hoang ở Khe Bội xã Triệu An, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, lập ấp, thuê người làm ruộng, lấy tên là thôn Phúc Khê để duy trì cuộc sống và mong có người hương khói sau này. Hiện nay toàn bộ làng Phúc Khê của ông ngoại đã chìm trong hồ nước mới xây của tỉnh bên sông Thạch Hãn. Do nhà nghèo, trong sáu chị em chỉ có hai bà được đi học, đó là bà Diệu Phương và bà má nhà ta. Má nhà ta vóc người nhỏ bé, xương cốt mảnh khảnh, yếu đuối nên được ông bà ưu tiên cho đi học nhiều hơn. Thời ấy người ta đi học muộn. Má học trường nữ học Đồng Khánh Huế, một trường nổi tiếng. Má thông minh, học giỏi, nhưng năm 18 tuổi vừa có bằng Tiểu học Pháp Việt (Primaire) thì năm ấy (năm 1931) ông ngoại Hoàng Hữu Kiệt bị mất chức, phải về vườn, má không có điều kiện học lên nửa, mà phải xin đi làm việc để giúp gia đình. Lúc đầu má làm nhân viên bán sách cho hiệu sách cụ Bùi Huy Tín ở thành nội, sau chuyển sang đi dạy tiểu học ở trường Sa-l Marie An Cựu. Ít lâu sau, năm 1936 má có dịp vay 50 đồng, mua lại trường tiểu học Thanh Dương, nhờ anh rể Nguyễn Đăng Khoa, thân phụ của bác Nguyễn Đăng Khánh đứng tên làm hiệu trưởng, tự mình làm chủ. Trường hoạt động được mấy năm, do thiếu kinh nghiệm quản lí, đến năm 1939 đóng cửa. Cuối năm 1939 má thành hôn với Ba Trần Đình Bảo, từ đó mới có tất cả anh em cháu chắt chúng ta như hôm nay.
Từ năm 1939 đến 1945 cuộc mưu sinh tạm thong dong nhưng vất vả làm mẹ. Đó là năm má sinh ra các con Trần Đình Sử (1940), Trần Thị Thảo (1941), Trần Đình Bổng (1943) và chuẩn bị sinh Trần Đình Khảng (1946). Sáu năm trời nuôi bốn con nhỏ thật là vất vả. Từ sau ngày mặt trận Huế vỡ, cả gia đình rời bỏ thành phố Huế để chuyển ra Quảng Trị bằng thuyền. Trên đường đi qua huyện Hải Lăng, bất ngờ bị dân quan trên bờ nghi oan là Việt gian, tràn xuống bao vây, bắt Ba và cả nhà giam vào ngục huyện Hải Lăng. Áp giải lên Thị xã Quảng Trị gặp toàn bà con: ông Nguyễn Đăng Khoa, ông Trần Hữu Dực, bà Hoàng Thị Ái (sau này là Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - NXD chú)...nên được thả ngay. Nhưng toàn bộ tài sản trên thuyền đều bị tịch thu hết, ra tới Quảng Trị gia đình hoàn toàn tay trắng.
Từ năm 1946 đến năm 1954, ba đi công tác ở Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, bắt đầu làm văn phòng uỷ ban, rồi chánh văn phòng uỷ ban tỉnh, sau làm chủ tịch huyện Vĩnh Linh năm 1947, rồi phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, ủy viên uỷ ban khu 4, luôn luôn xa nhà. Ở nhà chỉ có một mình má với năm đứa con nhỏ. Từ năm 1951 có thêm em Trần Thị Nghĩa. Lúc đầu nhà làm tạm ở Khe Bội, ăn uống luôn đói kém, thường chỉ có khoai sắn, rau lang. Khổ nhất là khi Tây đi càn. Mỗi lần nghe mõ báo động, má phải chờ đủ mấy anh em về mới dắt díu nhau chạy trốn. Sau khi nhà bị Tây lùng đốt đi cả nhà chuyển lên chiến khu Ba Lòng ở thôn Lương Hạ, má phải tự mình, có chị Trần Thị Lễ giúp sức, tự mình trồng lúa, trồng sắn, trồng khoai, trồng bí, bầu, nuôi gà, heo để tự túc. Mấy năm đầu chưa biết làm ruộng má phải kết hợp cắt may áo thuê, nấu cơm tháng cho một số cán bộ để có thêm tiền nuôi các con. Ba đi làm hoàn toàn không có lương. Thỉnh thoảng về, mua cho các con mấy thước vải nâu may áo, thỉnh thoảng tự anh, cậu bé mười tuổi, lặn lội một mình sang cơ quan uỷ ban ở bên kia sông Thạch Hãn ở sâu trong rừng xin mấy cân gạo. Từ nhà ra sông Thạch Hãn lấy nước khoảng trên 500 mét, nhưng đường rất dốc. Có lần má đi gánh nước trượt chân, ngã gẫy xương quai xanh phải điều trị lâu ngày. Có lần Tây lùng (càn) chiến khu, cả nhà dắt díu nhau chạy vào rừng, đi men theo dòng suối. Bất ngờ má đạp phải lưỡi dao của ai bỏ quên dưới nước, đứt gan bàn chân, màu chảy lênh láng. Cả nhà lại phải tạm lánh bên suối. Năm 1950 - 51 bà có mang em Nghĩa, biết không có sức đi gánh nước, má chuẩn bị cho mình mấy cái bầu bằng quả bầu để mang nước. Vì thương má anh giành đi mang nước, nhưng sức yếu bị ngã, làm vỡ mấy cái bầu, làm má khóc thảm thiết, vì lo một thân một mình khi sinh nở.
Những năm ở chiến khu má cũng tham gia chấp hành phụ nữ xã, chi hội phụ nữ Hoàng Ngân; dạy trường tiểu học xã Triệu Nguyên. Sau năm 1954 tập kết ra Nghệ An. Ở Nghệ An má có hai nỗi đau lớn. Một là em Trần Đình Bổng, 12 tuổi, bị thương hàn, điều trị sai đã mất, thứ hai là má có thai em bé, nhưng do sức yếu không nuôi được. Sau hai cái đau đó má suy sụp hẳn, phải nằm viện dài ngày tại bệnh viện dã chiến Cửa Hội. Ra viện má đi học ý tá rồi nhiều lần chuyển cơ quan, cuối cùng về làm ở Bệnh viện Việt Đức, phòng y vụ tại Hà Nội. Ở phòng Y vụ má từng làm thư kí cho giáo sư Tôn Thất Tùng, giữ tủ sách, tủ thuốc của giáo sư. Lúc này các con lần lượt được đi học các trường học sinh Miền Nam nên má cũng bớt vất vả.
Tổng kết những năm tháng công tác má cũng được nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhất, huân chương kháng chiến chống Mĩ hạng hai.
Từ ngày về hưu bà lo việc chăm sóc sức khoẻ cho ông. Nhờ có bà mà ông được sống đến 90 tuổi. Bà về hưu đem tình thương yêu chăm sóc các cháu. Các cháu Trang Thanh Thuỷ, Trang Thanh Hiền, Nguyễn Hải Long, Nguyễn Hải Ngọc, Trần Trung Thành, Trần Thị Lan, Trần Đình Khải, Trần Đình Kiên ít nhiều đều được hưởng sự quan tâm chăm bẵm của bà.
Từ ngày về hưu má còn hăng hái tham gia sinh hoạt với các cụ hưu trí, cũng tham gia diễn kịch, làm thơ, viết bài, được tặng giải “Sợi tóc xanh” của Hội người cao tuổi Việt Nam. Bà vẫn đi lại vui chơi với các bạn học trường Đồng Khánh Huế năm xưa. Nhưng rồi các bạn bè của má cũng lần lượt qua đời, thưa vắng hết, má ít giao lưu, mắt mờ, trí nhớ sa sút, nhưng vẫn còn nhận biết con cháu.
Má là người phụ nữ nhỏ bé, yếu đuối mà đã dẻo dai chịu đựng không biết bao nhiều khó khăn, cực khổ, sinh hạ và nuối nấng chúng con nên người. Má kế thừa gia phong thật thà, liêm khiết của ông ngoại, giáo dục chúng con nên người. Nhà tuy nghèo nhưng sống trong sạch, lương tâm thanh thản. Chúng con biết ơn má, thương yêu má, phụng dưỡng má để má được như hôm nay chúng con cũng được an lòng. Mừng thọ má trăm tuổi, chúng con mong má còn ở với chúng con lâu hơn, để chúng con, cháu, chắt còn có dịp báo hiếu với má. Đó cũng là tâm nguyện của chúng con. Kính chúc Má sức khoẻ, an hưởng tuổi già.
Hà Nội, ngày 7 tháng giêng năm Nhâm Thìn (2012)
Thay mặt các con, cháu, chắt: Trưởng nam Trần Đình Sử
Cám ơn bác Diện đã chia sẻ niềm vui của gia đình. (Hi hi, hóa ra bác Diện là... rể của dân Quảng Trị tui rùi!).
Trả lờiXóaXin mừng cách riêng chị Trang Thanh Hiền. Kính chúc cụ bà sống lâu cùng con cháu. Nghe kể về cuộc đời cụ mà lại một lần nữa, kinh ngạc và kính phục sức chịu đựng bền bỉ của người phụ nữ Việt Nam! Hi hi, chắc chị Hiền cũng... chịu đựng bác Diện nhà ta dữ lắm, vì bác ý tối ngày cứ toàn lo đi vác ngà voi! :)
Bác Ha Le lại "vu" cho tôi vận chuyển, mang vác hàng quốc cấm roài! he he...Ngà voi là hàng quốc cấm. Tôi chỉ vác vỏ ốc thôi!
XóaXin lôĩ tiến sĩ vì làm phiền anh .Tiến sĩ ơi xin anh hãy đọc : 7 đứa con đẩy bố mẹ già ra đươǹg ăn tết vơí chiếc quan tài ,ỏ Dân làm baó .Xin tiến sĩ hãy kêu goị sự giúp đỡ cuả mọi người để giúp đỡ cho hai cụ Nhân đọc baì viết naỳ cuả tiến sĩ mà nghĩ đến hoàn canh̉ hai cụ già bị con chaú bất hiếu kia bỏ rơi thì thương qúa .
Trả lờiXóaCám ơn TS Diện đã cởi lòng. Tôi luôn hiểu: truyền thống gia đình là một yếu tố rất quan trọng cho việc phát triển cá nhân. Chúc Cụ Hoàng Thị Tú Tâm sống vui khỏe tiếp cùng con cháu. Chúc đại gia đình anh Diện mạnh khỏe, đầm ấm, hạnh phúc và mọi điều tốt lành.
Trả lờiXóaXin được phép chia vui với gia đình TS
Trả lờiXóaTH
Dòng Hoàng Hữu làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là một dòng tộc khoa bảng lớn của VN thời phong kiến, ngang tầm với nước đất kinh thành Huế - Thừa Thiên, họ Hà làng La Chữ và Họ Thân, mà ở Huế có câu " HỌ THÂN KHÔNG NHÀ - HỌ HÀ KHÔNG DÂN" nghĩa là họ Thân toàn ở nhà của Nhà Nước cấp cho, không cần phải làm nhà, còn họ Hà thì toàn là người ra làm quan không có người làm dân, riêng họ Hoàng làng Bích Khê có đến bốn vị đậu Hoàng Giáp, 2 vị đậu Cử Nhân, làm quan Triều Nguyễn ở những cương vị thật cao, quyền uy không kém, nhưng sống rất thanh liêm, quan niệm làm quan ngày xưa người ta thường áp dụng nhân nghĩa là chính, nên làm lòng câu "Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền" luôn được tôn trọng, dòng tộc ấy rất nhiều người tham gia cách mạng Việt Minh, trong đó có bà Hoàng Thị Ái, ông Hoàng Hữu Kiên (tuổi Mậu Ngọ 1918) hiện vẫn sống khỏe ở Cầu Hai Thừa Thiên, Thi sĩ nổi tiếng như cụ Bích Hồ, nhạc sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhà văn nổi thiếng như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, những cây bút tài ba như Hoàng Thiếu Phủ, và đa phần là người tu hành theo đạo Phật.
Trả lờiXóaGửi bạn đọc báo- Mình nghĩ bạn nên liên hệ với báo dân trí để họ giúp đở trường hợp này. Báo Dân trí có hẳn 1 chuyên mục về vấn đề này. Có rất nhiều trường hợp cần giúp hiện nay, nếu trường hợp nào khó khăn cũng nhờ đến TS Xuân Diện thì e rằng hiền trà sẽ không có thì giờ để làm bất cứ chuyện gì khác.Không nên làm khó TS Diện bởi những yêu cầu như vậy.
Trả lờiXóaXin chúc mừng gia đình GS Trần Đình Sử và các TS Trang Thanh Hiền, Nguyễn Xuân Diện Xuân Mới có niềm vui rất lớn.
Trả lờiXóaKính chúc Cụ Bà luôn mạnh khoẻ, trường thọ.
Chúc đại gia đình ta Năm Mới tiếp tục đón nhiều niềm vui mới.
Xin kính chúc cụ Tú Tâm mạnh khỏe, hạnh phúc cùng đại gia đình anh Diện. Tôi rất xúc động và cảm ơn anh Diện đã chia sẻ để tôi được biết câu chuyện về cụ.
Trả lờiXóaHoa Hòe là đồng Hương Quảng TRị với Má đây.
Trả lờiXóaĐọc cái tiểu sử tóm tắt của MẠ, suy rộng ra là thấy toàn cảnh khổ của dân Quảng Trụi miềng. Quê hương của Bom đạn, Sắn khoai và Cát trắng.
Một thời Máu lửa đã qua. Những ngày gian nan đã lùi. Chúc MẠ sống vui bên con cháu.
Chúc toàn gia quyến an khang, Hạnh phúc.
Hóa ra Chị Thanh Hiền là dân quê miềng. Bác Diện mà lấy vợ QT là cực lắm đó. Người ta nói dân miềng hay CẠI và hay NÓI TRẠNG, nên bị kêu là dân QUỈ TRẠNG. Dân trạng hào hoa tới mức dám mua cả một CÁY quạt máy khỦng lồ BỎ bên Lào. MỘI năm VÔ mùa hè là quạt MÁT cho cả 3 tỉnh BỌ-TRỊ-TRỜI.
Tui có thấy CHỘ một chuyện trạng của QT ở LỘ NI. Mời Bác Diện vô ĐoọC chơi cho BUI.
http://gocsan.blogspot.com/search/label/truy%E1%BB%87n%20tr%E1%BA%A1ng
Câu đố dành cho RẸNG (rể) Quảng TRị;
HAI CẤY DÔÔNG HUUNG CHẮC CÔI CHỜNG - HAI CẤY DÔÔNG ĐẬP CHẮC TRỰA CƯƠI
O HIỀN LỘ MÔ NỎ CHỘ, CHỘ MỘI BÁC DIỆN cÔI BLOG NI THÔI HÈ.
Mời bác dịch mấy câu phương ngữ QT ra tiếng Xứ Đoài Quê Bác, coi ra răng hi.
Chắc Khôông Hay zư tiếng QT mô hè.
HH
Bác Hoa Hòe ơi, tui thử đọc đi đọc lại cái còm men của bác mà đã sưng cả họng rùi nè! Bác mà bảo tôi dịch ra tiếng Xứ Đoài nữa là tui chết liền đó bác! Đành botay.com thui!
XóaLâm Khang
Rứa thì bác tra tự điển sau nghe:
XóaNgữ âm phổ thông /nh/ = ngữ âm QT /d/. Ví dụ nhưng = dưng, nhà cửa = dà cựa, ông = ôông ...
Từ vựng:
- Vợ chồng = cấy dôông/zôông
- hôn = huung
- nhau = chắc, ví dụ yêu nhau = ưng chắc
- trên = côi
- dưới = đưới
- giường = chờng
- đánh = đập
- sân = cươi
- chỗ nào =lộ mô
- này = ni
- cãi = cại
- nói khoác = nói trạng
- để, dặt = bỏ, vd để trên thềm = bỏ trên thềm
- thấy = chộ
- giữa = trửa
- sân = cươi
- mình = miềng/ mền
- mỗi = mội
- vui vẻ = bui bẻ
- rễ cây = rẹẹng
- đâu = mô
- nhỉ - hè, vd đẹp nhỉ = đẹp hè
- lúa = ló
- nước = nác
- gần = ngân
- xa = ngái
- nữa = mẻn, vd Ăn nữa không? = Ăn mẻn?, chút nữa = chút mẽn (tùng này hiếm dùng)
- nằm mơ = nằm chộ
- đầu gối = trốốc cúi
- gáy = ót
- chân = chưng
- cái = cấy, vd cái bàn = cấy bàn, con giá = con cấy
- mẹ = mạ
Còn nhiều nữa. Bác luyện ít chữ để khỏi bị Cu Vinh và Bọ Lập chơi trội về Tu từ Phương ngữ.
Khi nào có đề tài thích hợp tôi sẽ viết theo kiểu khẩu ngữ QT, không biết bác có cho đăng không. Đăng txong tha hồ bà con muốn hiểu thế nào cũng được HÈ?
HH
Ui chau ui, tui dân Quàng Trị mà răng đoọc bài bác Hoa Hòe tui cũng bổ ngữa (ngã ngữa) rứa hè!?
XóaChuyện Xóm Chuyện Làng
Xóa(Giọng Quảng Trị)
Rú Cấm Hà Trung xeng ngát ngát
Đôộng cát Nhĩ Thượng trắng phau phau
Cơm keng một dịa mắm tràu
Đố ai cưới được o Giàu ôông Sang
Bán mua mấy rổ khoai lang
Chạy thừ chợ Bạn - chạy sang chợ Cầu
Mạ ơi ! Quan Phó đòi hầu
Mau may áo mới, xức dzầu* cho thơm
Đứa thì cấy dzũi, cấy nơm
Đứa thì trèng sáo vô đơm Chợ Nò
Trèo lên côi núi U Bò
Ngó về Cẩm Phổ mấy o kén chồng
O Chút, O Thí đã xong
Lại thêm O Éc mà long nao nao
Lội lên lội xuống Xóm Rào
O nào cũng chảu, ả nào cũng hay
Cấy mồm cho chí cấy tay
Đi cuốc đi cày nỏ sợ chi ai
Đêm đêm mấy chú choai choai
Chuyện chi rình rập ngồi hoài sau nương
Có chú lộn cổ xuống mương
Có chú nằm rường thiên hạ tới coi
Kể từ ngày sáo chẹp (dẹp) mẹng oi
Đi chưa đến nơi chợ đã sèm méng ngon
Béng ướt cho chí béng đòn
Lại hàng béng đúc ăn ngon ả hè
Ăn rồi ngồi thở è è
Chộ hàng mít chín cũng đè mua thêm
Tưởng mà dư rứa là êm
Về dà eng hắn cũng đêm đêm tính lần
Mạ mi đừng nói lần hân
Chơ cua rạm mấy một giần ba mươi
Mạ mi nói thiệt, nói cười
Cua rạm rẻ thể nớ, e thôi mần nghề
Cua miềng cua trớng cua dzèm
Mỗi con hai rượi ai sèm nấy mua
Năm ni sắn mắt gạo thua
Người ta lo lấy bựa, chơ ai lo chi cua với càng
Cua rạm mỗi trự mỗi tràng
Chơ eng mi tưởng dư ở dà cục vàng lưu ly
tác giả Nguyễn Đình Kiện 1897 - 1989,quê Lan Đình, Gio Linh
----------------------------------------------------------
(Linh Đàn sưu tầm)
_______________________
chú thích * 1) dz đọc như chữ " the" trong tiếng Anh
ví dụ : dĩa dầu đọc là dzịa dzầu
2) mỗi trự (đồng tiền) mỗi tràng (cái sàng gạo)
Tạm diễn Nôm thay Bác Diện
XóaChuyện Xóm Chuyện Làng
(Giọng Xứ Đoài)
Rừng cấm Hà Trung xanh ngát ngát
Cồn cát Nhĩ Thượng trắng phau phau
Cơm canh một đĩa cá tràu (cá quả, cá lóc)
Đố ai cưới được cô Giàu ông Sang
Bán mua mấy rổ khoai lang
Chạy từ chợ Bạn - chạy sang chợ Cầu
Mẹ ơi ! Quan Phó đòi hầu
Mau may áo mới, xức dầu cho thơm
Đứa thì cái dũi, cái nơm
Đứa thì tràng sáo vô đơm Chợ Nò
Trèo lên trên núi U Bò
Ngó về Cẩm Phổ mấy cô kén chồng
Cô Chút, cô Thí đã xong
Lại thêm cô Éc mà lòng nao nao
Lội lên lội xuống Xóm Rào
Cô nào cũng đẹp, chị nào cũng hay
Cái miệng cho tới cái tay
Đi cuốc đi cày chẳng kém chi ai
Đêm đêm mấy chú choai choai
Chuyện chi rình rập ngồi hoài sau nương (vườn)
Có chú lộn cổ xuống mương
Có chú nằm chường thiên hạ tới coi
Từ ngày sáo dẹp miệng oi
Đi chưa đến chợ đã thèm miếng ngon
Bánh ướt cho chí bánh đòn (bánh tét)
Lại hàng bánh đúc ăn ngon, em à
Ăn rồi ngồi thở khà khà
Thấy hàng mít chín cũng sà mua thêm
Tưởng rằng như thế là êm
Về nhà anh nó đêm đêm tính lần
U mày chớ có nói điêu
Mấy tiền cua cáy một sàng ba mươi
U mày nói thật, nói đùa
Cua cáy rẻ thế, e thôi làm nghề
Cua mình cua trứng cua diềm
Mỗi con hai rượi ai thèm nấy mua
Năm nay sắn đắt gạo thua
Người ta lo đủ bữa, chớ ai lo chi cua với càng
Cua cáy mỗi đồng mỗi tràng
Anh ơi chớ tưởng bở như cục vàng lưu ly
HH
Kính chúc cụ Hoàng Thị Tú Tâm luôn mạnh khoẻ,sống vui cùng các con cháu.
Trả lờiXóaGửi bạn dân đọc báo. Bạn nên liên hệ với báo dân trí vốn có hẳn 1 chuyên mục về việc này. Hiện nay xã hội có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. Nếu việc nào cũng nhờ đến TS Diện thì TS Diện sẽ không có thời gian làm gì nửa.
Trả lờiXóaGiáo sư Trần Đình Sử là một nhà giáo - nhà khoa học uyên bác và cương trực. Là học trò của thầy và nhiều năm nay vẫn thường xuyên trò chuyện, trao đổi, hỏi ý kiến thầy về các vấn đề khoa học cũng như thời thế, nhưng hôm nay tôi mới biết về gia thế của thầy. Mới biết thầy được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức và cách mạng đáng trọng như thế. Và hôm nay cũng thật bất ngờ biết thầy là bác ruột của Trang Thanh Hiền - Nguyễn Xuân Diện.
Trả lờiXóaThầy ngoài bảy mươi tuổi mà vẫn còn mẹ, và cụ bà hôm nay vừa 100 tuổi, thật là niềm vui lớn. Kính chúc cụ Hoàng Thị Tú Tâm mạnh khỏe và sống lâu. Chúc gia đình thầy Trần Đình Sử, gia đình Nguyễn Xuân Diện và đại gia đình cụ Hoàng Thị Tú Tâm an khang, hạnh phúc.
Đào Tiến Thi
Doc trang bac lau lam roi,hom ni doc bai ni moi biet ba la goc QTri he.em Hai Lang...ngay xua Trieu Hai bay gio Tieu Phong-Hai Lang.Kinh chuc Cu truong tho!
Trả lờiXóaMừng cụ bách niên ,kính chúc cụ THỌ - KHANG - MINH !
Trả lờiXóaKính già,già để tuổi cho !
Kính mừng thọ cụ Tú Tâm và xin chúc mừng đại gia đình tiến sĩ Diện.
Trả lờiXóaChỉ xin thắc mắc chút xíu về tên chính thức của cụ Tú Tâm. Cụ là Hoàng Tú Tâm hay Hoàng Thị Tú Tâm vậy? Tiến sĩ là người rất nghiêm khắc trong việc ghi chép tên riêng, trong đoạn văn mở đầu entry, tiến sĩ có 2 cách ghi khác nhau về tên cụ thì hẳn là có lý do.
Thưa cụ,
XóaĐó là do sơ ý của Lâm Khang, chứ không phải vì lý do gì đâu ạ. Cháu cũng đã tiếp thu lời góp ý của cụ và sửa vào trong bài rồi ạ.
Lâm Khang
Trang mang dòng họ HH BK tại đây
Trả lờiXóahttp://www.hoangtocbichkhe.com/
ảnh tại đây
http://www.hoangtocbichkhe.com/giao-luu-ho-hoang/199-album-gia-dinh.html
Té ra ở đây nhiều dân Quỉ TRạng ra phết.
XóaBác Diện là người Việt của cả ba miền trong nước và cả khúc ruột ngàn dặm nữa. Nhất Bác hè!
Có thắc mắc ni: Bài thơ mới của dì Trần Thị Nghĩa mô rồi, răng mà Bác Diện không đăng lên đây cùng bài của Bác Sử dư đã giới thiệu ở côi. Rứa là trọng nam khinh nữ hung quá hè!!!
Trả lờiXóaDạ, Trang phu nhân nhà cháu ngỏ lời xin rồi, nhưng mà Dì bảo thơ Dì dở nên nhất quyết không chịu đưa để đăng ạ.
XóaChúc mừng bà ngoại TS Nguyễn Xuân Diện 100 tuổi.
Trả lờiXóa