Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

VĨNH BIỆT ĐƠN DƯƠNG TRONG KHÚC HÁT TỐNG BIỆT BI THƯƠNG

Diễn viên Đơn Dương qua đời ở tuổi 54.

Sáng 7/12 (giờ Hà Nội), diễn viên Đơn Dương qua đời tại bang California (Mỹ) sau ca phẫu thuật tai biến. Trước khi mất đột ngột, anh đã lên kế hoạch về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình, sau gần 9 năm xa quê.

 

Đạo diễn Lê Cung Bắc, anh rể của Đơn Dương cho biết, em trai và con trai của nam diễn viên từ TP HCM sẽ bay sang California, Mỹ để lo việc hậu sự cho anh. 

Một ngày trước (6/12), diễn viên Đơn Dương bị tai biến nhẹ, nhưng anh vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ thấy nhức đầu, tê tay, sau đó vào bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết, anh bị tắc tĩnh mạch đưa máu lên não và nếu phẫu thuật sẽ khỏe lại. Chính vì thế, Đơn Dương đồng ý. Chiều cùng ngày, sau phẫu thuật, anh trò chuyện được chút ít rồi rơi vào tình trạng hôn mê sâu và phải gắn ống thở oxy. Đến sáng nay, nam diễn viên trút hơi thở cuối cùng. 

Trước khi ngã bệnh và qua đời đột ngột, Đơn Dương đã lên kế hoạch về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Năm ngoái, anh đã được cấp visa về nước trong thời hạn 5 năm và theo lời kể của gia đình, anh rất vui mừng khi nhận được visa. 

"Đáng lẽ Đơn Dương đã về từ tháng 10 năm nay, nhưng định đến Tết để ở được lâu hơn. Trò chuyện với tôi, Dương cũng nói là muốn gặp lại bạn bè cũ như Nguyễn Chánh Tín, Đào Bá Sơn... để chơi cho vui vì lâu ngày quá không gặp", đạo diễn Lê Cung Bắc kể. 

Gia đình Đơn Dương cho biết, sau khi hỏa táng, tro cốt của nam diễn viên này sẽ được mang về Việt Nam, bởi ước mơ cuối đời của anh là quay về quê hương. Từ khi sang Mỹ định cư vào năm 2003, Đơn Dương chưa một lần quay lại Việt Nam. Theo lời kể của đạo diễn Lê Cung Bắc, tại Mỹ, Đơn Dương cũng nhận được vài lời đề nghị đóng phim mà nếu nhận vai anh sẽ có nhiều tiền. Nhưng nam diễn viên cho rằng, những vai này dễ gây hiểu lầm vì tính cách phản diện, vì thế anh không nhận. Để có thu nhập sống ở Mỹ, anh cùng vài người bạn làm công việc kinh doanh địa ốc.

Đơn Dương (phải) trong phim "Mê Thảo thời vang bóng".
Đơn Dương (phải) trong phim "Mê Thảo thời vang bóng".

"Vợ tôi (Bùi Thị Giang, chị ruột của Đơn Dương) đã khóc rất nhiều khi biết tin. Đây là mất mát quá lớn và sâu sắc với gia đình", đạo diễn Lê Cung Bắc nói.

Diễn viên Đơn Dương (tên thật Bùi Đơn Dương) sinh ngày 27/8/1957 tại Đà Lạt. Năm 1982, bắt đầu bằng một vai nhỏ trong phim Pho tượng của đạo diễn Lê Dân, Đơn Dương được nhiều đạo diễn chú ý và sau đó anh xuất hiện khá nhiều trong các bộ phim khác.

Đến năm 1999, bộ phim Ba mùa mà anh tham gia nhận giải thưởng LHP Sundance. Từ đây, diễn viên này được một vài đạo diễn Hollywood để ý đến. Năm 2001, anh được mời vào vai thiếu tá An trong phim Chúng ta là những người lính cùng ngôi sao Hollywood Mel Gibson và một vai khác trong Rồng xanh. Hai bộ phim này có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam.

Đơn Dương từng để lại dấu ấn trong nền điện ảnh Việt Nam với các bộ phim: Mê Thảo thời vang bóng (đạo diễn Việt Linh), Đời cát (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), Canh bạc, Ngõ đàn bà, Dấu ấn của quỷ, Lời thề...

Đơn Dương và Hồng Ánh trong "Đời Cát".
Đơn Dương và Hồng Ánh trong "Đời cát".

Từ năm 2003, Đơn Dương định cư tại Mỹ. Năm 2009, theo tờ Calitoday, diễn viên Đơn Dương bị một tòa án ở Fairfax (Virginia) kết án có tội trong vụ cô Trần Thị Phương Liên kiện anh "lén chụp hình ảnh khỏa thân và thu băng audio sex để tống tiền". Tòa Fairfax yêu cầu nam diễn viên bồi thường cho người bị hại 200.000 USD. Tuy nhiên, nam diễn viên này đã phản tố người tố cáo là cô Liên Trần về hành động vu khống, lăng mạ. Sau đó, cô Trần Thị Phương Liên tự ý bãi nại, hủy kiện.

Theo đạo diễn Lê Cung Bắc, cô này đã xin lỗi Đơn Dương. Gia đình nam diễn viên khẳng định, những lời buộc tội của cô Phương Liên đối với anh đều sai sự thật.

Thoại Hà.
Nguồn: VNE.
Đọc thêm:
Nguyễn Quang Lập:
Đơn Dương ơi, kiếp sau nhớ về Đất Việt nhé, đừng quên!

Chiều nay Hồng Ánh gọi điện cho mình, nói anh Đơn Dương mất rồi. Mình lặng đi mấy giây rồi hỏi mất làm sao, vì sao mất. Ánh nói anh Dương bị tai biến, ảnh kêu đau đầu rồi lịm đi. Đưa bệnh viện cấp cứu, bệnh viện mổ xong, ảnh đã tỉnh. Nhưng chỉ vài giờ sau thì hôn mê, bệnh viện bó tay. 
Thế là xong một kiếp người.

Mình quen Đơn Dương từ năm 1998, khi anh đóng phim Đời Cát. Theo mình Đơn Dương là diễn viên nam xuất sắc nhất của nước ta hiện thời. Với các phim Mê thảo thời vang bóng. Ba Mùa, Đời cát, Chung cư, cỏ lau có thể nói chắc cho đến bây giờ chưa ai thay thế được anh.

Đơn Dương bỏ nước đi Mỹ cũng vì phẫn chí. Sau các phim Rồng xanh, chúng tôi là người lính Đơn Dương bị chửi bới, nhiếc móc, thóa mạ cùng với những qui kết chính trị rất nặng nề đã khiến anh cảm thấy không còn có đất sống, anh đi Mỹ chỉ vì thế và cũng chỉ vì thế mà thôi. Khi Đơn Dương lâm nạn mình bị tai nạn nằm bẹp một chỗ, không cách nào lên tiếng bảo vệ anh như là bảo vệ một tài năng hiếm hoi của Đất nước. Dù biết một nghìn tiếng nói của mình cũng chẳng ăn thua, nhưng thà cất lên một tiếng nói còn hơn ngồi nhìn bạn mình bị làm nhục.

Bây giờ nghĩ lại cứ muốn khóc òa.

Nhớ Đơn Dương những đêm mưa phùn Hà Nội bá vai nhau vừa đi vừa hát nghêu ngao. Nhớ những lần rượu say thách nhau vật tay cười nghiêng ngả, những buổi karaoke hát váng trời. Nhớ lắm.

Giao thừa tết năm ngoái đột nhiên nhận được điện thoại Đơn Dương. Mình hỏi có về nước không. Đơn Dương nói có chứ, nhất định em sẽ về. Cứ nghĩ tết này Đơn Dương sẽ về, đang mừng là mình đã ở Sài Gòn, thế nào cũng được vui tết cùng anh. Ai ngờ anh đã đi, đi cực nhanh, nhanh đến nỗi không cho ai kịp gửi một lời chào.

Chào nhé Đơn Dương! Thôi kiếp này không sống được ở nơi đây thì hẹn nhau kiếp sau vậy.

Đơn Dương ơi, kiếp sau nhớ về Đất Việt nhé, đừng quên! Kiếp sau Đất việt mình không khốn khổ như thế này đâu, chắc chắn là như vậy.
Nguồn: Quê Choa
______________________

Xin vĩnh biệt Nghệ sĩ Đơn Dương trong khúc hát Tống biệt đau thương!



(Trích trong phim Mê Thảo - Thời vang bóng.
Tiếng hát: Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoài.
Đàn: Đơn Dương)

Hoa đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Ngõ hạnh suối đào xa cách mãi
Ngàn năm thơ thẩn bóng giăng soi
Trần ai tri kỷ
Luống ngậm ngùi
Đôi lứa sắp phân ly
Cõi nhân tâm dan díu nghiệp tơ tằm
Say cũng luỵ, không say thời cũng lụy

Ơ à ơ
Nhị Hà ơi nước tự lưng trời tuôn ra biển rộng
Không vời được đâu
Ấy con thuyền ai kia bến nước sâu thăm thẳm
Giữa chập chùng bao con sóng ngoài xa
Ngẩn ngơ một bóng thông già chơ vơ sườn núi mơ xa mây ngàn

Đàn ai gẩy như mưa rơi gió cuốn
Nợ nhân tình càng vướng càng đau
Yêu nhau yêu mấy yêu càng tan nát
Chờ ai biển rộng sông dài tang tính tình tang
Ai ơi có biết đêm tàn
Ai ơi có biết đêm tàn

Ai ơi có biết đêm tàn lòng yêu càng nặng trái ngang càng nhiều
Dù tan nát cũng liều thân cỏ
Xin nhận về sóng gió muôn nơi
Lênh đênh góc bể cuối trời

Lênh đênh góc bể cuối trời
Tình như ngọn lửa ngoài khơi bão bùng
Ngày tận cùng so giùm khúc hát
Điệu càng đau như hạt mưa bay
Thì giòng sông trôi lấp lửng chân mây
(ới a ới a)

Thôi xin, xin chàng về nơi núi mờ xa
Nhận em một lạy cho qua một đời
Đường khúc khuỷu khung trời rạn vỡ
Mùi yêu thương nặng nợ ấm êm
Thôi anh về đi chân cứng đá mềm

Xin đừng nhìn chi đau thắt lòng nhau
Xin đừng lưu luyến nát tan lòng nhau
Tình hãy hẹn trùng hoan trong gió
Xin hẹn tình trùng vút trong mây
(í a ới a ới a)

15 nhận xét :

  1. Hanh phúc nhât la đuơc sống tren manh VN thân yeu,du cay đăng biết bao nhiêu !

    Trả lờiXóa
  2. Nhà văn Nguyễn Quang Lập kể lại những kỷ niệm thân thiết với Đơn Dương.
    Diễn viên Nguyễn Chánh Tín là người chơi với Đơn Dương thân thiết như anh em cũng vừa lên tiếng lấy làm tiếc về những sai lầm, tai tiếng của Đơn Dương trong cuộc đời.
    Rồi một dạo báo chí ầm lên về việc một số nữ diễn viên phản ứng với việc Đơn Dương tung hê những “ chiến tích “ trên tình trường với họ lên mặt báo. Sau khi ông sang mỹ định cư thì việc đó mới lắng lại, thực hư chả biết thế nào.

    Dù sao cũng phải công nhận Đơn Dương là diễn viên tài năng. Công nhận là thế.

    Trả lờiXóa
  3. "Hoa đào rơi rắc lối thiên thai
    Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
    Ngõ hạnh suối đào xa cách mãi
    Ngàn năm thơ thẩn bóng giăng soi
    Trần ai tri kỷ
    Luống ngậm ngùi"

    Đoạn này hơi giống bài Tống Biệt của thi hào Tản Đà:

    TỐNG BIỆT
    cụ Tản Đà
    Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
    Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!
    Nửa năm tiên cảnh,
    Một bước trần ai,
    Ước cũ duyên thừa có thế thôi!
    Đá mòn, rêu nhạt,
    Nước chảy, huê trôi,
    Cái hạc bay lên vút tận trời!
    Trời đất từ đây xa cách mãi.
    Cửa động,
    Đầu non,
    Đường lối cũ,
    Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

    Ngày còn đi học, sách Việt Văn bình câu : "cái hạc bay lên vút tận trời", trong đó chữ "vút" được sánh là CHỮ THẦN, lúc đó thầy tôi cũng công nhận là đúng như thế thật.

    Ngoài ra, lời bài hát của phim Mê Thảo hay lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Hình như cuộc đời của các nghệ sĩ đều gian truân cả, chẳng mấy ai được thong dong, thư thả:

    "Một ngàn năm, một vạn năm,
    Con tằm vẫn kiếp con tằm vương tơ."
    (thi sĩ Nguyễn Bính)

    Trả lờiXóa
  5. "Đơn Dương ơi, kiếp sau nhớ về Đất Việt nhé, đừng quên! Kiếp sau Đất việt mình không khốn khổ như thế này đâu, chắc chắn là như vậy"
    (bác Nguyễn Quang Lập)

    Rất xúc động!

    Trả lờiXóa
  6. Vô cùng xót xa, thương tiếc một đời người nghệ sỹ tài hoa.

    "Thôi kiếp này không sống được ở nơi đây thì hẹn nhau kiếp sau vậy.
    Đơn Dương ơi, kiếp sau nhớ về Đất Việt nhé, đừng quên! Kiếp sau Đất việt mình không khốn khổ như thế này đâu, chắc chắn là như vậy".
    Anh Nguyễn Quang Lập ơi! Đó cũng là nỗi niềm tâm sự chung của những người yêu mến anh Bùi Đơn Dương.
    Cầu mong linh hồn anh được thanh thản ở cõi vĩnh hằng.

    Trả lờiXóa
  7. Xin chia buồn cùng gia đình ĐD. Lê Cung Bắc.
    Nhớ lại một thời "ăn nhậu"...bia hơi...

    TH & Hùng (sói)

    Trả lờiXóa
  8. Xin vĩnh biệt Nghệ sĩ Đơn Dương!
    "Tiếc thương anh cuộc đời sao ngắn ngủi
    Lệ tuôn trào trong giờ phút chia ly
    Cầu xin ơn Chúa Mẹ đấng từ bi
    Dìu dắt dẫn linh hồn anh siêu thoát
    Về với Chúa cõi thiên đàng bát ngát
    Rũ nợ trần lắm bể khổ đau thương."
    Vĩnh biệt anh!

    Trả lờiXóa
  9. Nhiều lần xem đọan ấy ... lần nào cũng muốn khóc!

    Trả lờiXóa
  10. Chả nói đâu xa, mới đây Chế Linh còn bị o bế vì "chưa phù hợp với tình hình thành phố."
    Tình hình thành phố là tình hình gì hả các bác? Em chả hỉu.

    Trả lờiXóa
  11. Nhân tài ở nước ta không thiếu, trong mọi lãnh vực. Thực đáng buồn là nước vẫn nghèo, dân vẫn khổ... vì những chuyện không đâu!

    Trả lờiXóa
  12. Hoàng Quang: Bác sỹ có nhầm không, tĩnh mạch làm sao đưa máu lên não. Đưa máu đi các cơ quan và lên não phải là động mạch chứ. Tĩnh mạch chỉ mang máu bẩn về tim để làm sạch mà thôi. Xin gửi lời chia buồn với gia quyến Đơn Dương.

    Trả lờiXóa
  13. Cảm ơn bọ Lập đã nói hộ cho nỗi lòng của nhiều người đang sống ở kiếp này

    Trả lờiXóa
  14. Tôi không quen biết Đơn Dương.
    Tôi chỉ may mắn được biết anh qua các vai diễn.
    Nhưng, tôi luôn có cảm tình đặc biệt với người diễn viên này. Tôi cũng đồng tình với quan điểm của nhà văn Nguyễn Quang Lập:
    "Đơn Dương là diễn viên nam xuất sắc nhất của nước ta hiện thời. Với các phim Mê thảo thời vang bóng. Ba Mùa, Đời cát, Chung cư, cỏ lau có thể nói chắc cho đến bây giờ chưa ai thay thế được anh."
    Có lẽ anh phải là người thông minh, nhạy cảm, hiểu biết và làm việc rất có trách nhiệm thì mới có thể đảm nhận vai diễn tốt đến như thế. Chỉ tiếc, vì " Tai bay vạ gió" mà thời gian qua, anh đã không thể đóng góp nhiều hơn cho điện ảnh Việt Nam.
    Sao cuộc đới bất công vậy, những người tài và tốt lại cứ phải gia đi sớm và đột ngột thế.
    Tôi có người anh cũng vừa ra đi đột ngột. Vừa qua, qua việc đưa tin anh tôi qua đời của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện trên trang xuandienhannom.blogspot.com, tôi đã nhận được chia sẻ của nhiều bạn còm. Nhưng vì nỗi đau quá lớn, nên tôi chưa thể tĩnh tâm để gửi lời cảm ơn tới các bạn được. Xin trang chủ Blog Nguyễn Xuân Diện và các bạn còm cho tôi nợ một lời cảm ơn.
    Vô cung thương tiếc diễn viên Đơn Dương, tôi xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và những người bạn của anh, xin được chia buồn với nhà văn Nguyễn Quang Lập (Người mà tôi hâm mộ).
    Cảm ơn Bloge Nguyễn Xuân Diện rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  15. Đơn Dương là một số phận nghiệt ngã của những mưu toan chính trị và vùi dập. Không hiểu các vị chức sắc ngành văn hóa, điện ảnh thời ấy , có ai còn ám ảnh những hối hận muộn màng không?

    Trả lờiXóa