Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

HỌC VIỆN KHỔNG TỬ Ở VN: NHỮNG GÌ CẦN CÂN NHẮC?


Đăng lại bài trên RFA cuối tháng 11 năm 2011

Học viện Khổng Tử ở Việt Nam: những gì cần cân nhắc?

Nhân chuyến công du vừa qua, Phó chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, nhắc Việt Nam mau chóng thành lập “Học viện Khổng Tử” để tăng cường hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Việc này sẽ đem lại những gì cho Việt Nam? 

Hối thúc

Trong cuộc hội đàm ngày 21/12/2011 của ông Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo Việt Nam, vị Phó Chủ tịch nước Trung Quốc cho biết mong muốn “thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện tiến lên 5 phương diện”. Một trong những phương diện ấy là lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Nhấn mạnh điểm này, ông Tập cho biết mong muốn “nhanh chóng xây dựng Học viện Khổng Tử tại Việt Nam”.

Sở dĩ có sự thúc đẩy như thế vì vào tháng 4 năm 2009, văn phòng Chính phủ Việt Nam đã có công văn số 1992/VPCP-QHQT cho phép thành lập một “Học viện Khổng Tử” tại Việt Nam. Công văn ấy cũng được gửi đến các bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Công an và Văn phòng Trung Ương Đảng Cộng Sản nhưng chưa cho biết cụ thể thời điểm cũng như nơi chốn của việc xây dựng.

Học viện Khổng Tử hoạt động dưới sự chỉ đạo của Văn phòng về Hội đồng Ngôn ngữ Quốc tế - một tổ chức phi lợi nhuận phụ thuộc vào Bộ giáo dục Trung Quốc. Chức năng của các học viện Khổng Tử được người ta nói đến như Viện trao đổi văn hóa Pháp (Alliance Française), Học viện Goethe của Đức (Goethe Institute), Hội đồng Anh (British Council) hay Học viện Cervantes (Instituto Cervantes) của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, điểm khác biệt là Học viện Khổng Tử thường được đặt tại các trường học. Chính vì điều này, đã có những quan ngại cho rằng những học viện Khổng Tử có thể ảnh hưởng đến tính tự do trong học thuật. 

Quyền lực "mềm"

Một điểm đặc biệt về Học viện Khổng Tử là đây không phải là nơi để tuyên truyền Nho giáo hay bàn về “hiếu, lễ, nhân, nghĩa” của ngài Khổng Tử – mà chính là nơi để quảng bá văn hoá và ngôn ngữ Trung Quốc. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, người có các nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và Trung Quốc, nói về các hoạt động của các Học viện Khổng Tử, mà theo ông thực chất là các trung tâm văn hóa của Trung Quốc:

"Học viện Khổng Tử ở Việt Nam nếu được thành lập trong tương lai thì cũng giống như những học viện Khổng Tử khác trên thế giới thực chất là trung tâm truyền bá và quảng cáo văn hóa của Trung Quốc. Tôi hình dung ra là trong đó sẽ có những hoạt động như dạy tiếng Hoa, giới thiệu về ẩm thực, về thư pháp về trà đạo...Bên cạnh đó còn có các hoạt động giao lưu giữa các nghệ sĩ Trung Quốc để giới thiệu về các hoạt động văn hóa nước họ. Bên cạnh đó, có thể có những trung tâm tư vấn về du học nữa”

Mộ Khổng Tử ở Khúc Phụ, Sơn Đông, TQ
Trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc, các học viện Khổng Tử được đề cập như một nơi quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, cũng như cải thiện quan hệ ngoại giao của nước này với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đã có nhiều phân tích cũng như quan ngại về một “quyền lực mềm” qua các viện Khổng Tử khi các học viện như thế xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới.

Thêm vào đó là mối quan ngại về việc thông qua các học viện Khổng Tử, Trung Quốc có thể đưa những tin tức có lợi cho mình về các vấn đề Đài Loan hay Tây Tạng. Ví dụ, vào năm 2009, tại học viện Khổng Tử của trường đại học Maryland ở Hoa Kỳ, trong một cuộc triển lãm về hình ảnh Tây Tạng, một chính khách Trung Quốc đã có những phát biểu chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt Ma và cho rằng “Tây Tạng luôn là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại”.

Tính cho đến thời điểm này, đã có ít nhất 400 học viện Khổng Tử tại hơn 90 nước trên thế giới, tập trung nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Triều Tiên. Tại Châu Á có khoảng trên 40 học viện Khổng Tử, ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Burma, Philippines và Singapore. Riêng tại Thái Lan đã có đến 13 học viện Khổng Tử; trong số đó 3 học viện ở Bangkok. Trong quyển sách “Asia Alone: The dangerous post crisis divide from America” (tạm dịch: “Riêng Châu Á: Mối nguy của sự tách biệt khỏi Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu khủng hoảng”) của tác giả Simon S.C. Tay– chủ tịch Học viện Quan hệ Quốc tế Singapore, ông gọi sự phát triển của các viện Khổng Tử là “ấn tượng, vì học viện đầu tiên được xây dựng chỉ vào giữa năm 2004”. Và Trung Quốc có kế hoạch đến năm 2020, sẽ xây dựng khoảng 1000 học viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài xem học viện Khổng Tử như một chương trình thực hiện “quyền lực mềm” nhằm quảng bá kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ và ngoại giao. Thậm chí, đã có những quan ngại cho rằng những học viện này có thể đóng vai trò tình báo như cảnh báo của một số nhân vật đối với học viện Khổng Tử tại Vancouver, Canada hồi năm 2008, 2009.

Bà Elizabeth Economy, một chuyên gia về Trung Quốc, từng cho rằng “Người ta thường định nghĩa quyền lực mềm là sự phát triển đầu tư và kinh tế”, nhưng “quyền lực mềm là văn hóa, giáo dục và ngoại giao”. Theo một bài phân tích đăng vào năm 2006 trên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại–CFR, một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên phân tích các vấn đề đối ngoại, tác giả Esther Pan cho biết từ năm 2005, Trung Quốc bắt đầu thực hiện “quyền lực mềm” nhằm gia tăng ảnh hưởng của nước này. Và các học viện Khổng Tử đóng vai trò quan trọng đầu tiên. Ông Lý Trường Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Trung Quốc đã từng phát biểu trên tờ Economist rằng các học viện Khổng Tử “đóng một vai trò quan trọng trong các tổ chức tuyên truyền Trung Quốc tại nước ngoài”. 

"Màu sắc Trung Quốc" nơi nơi

Nói về việc thành lập các học viện Khổng Tử ở Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Diện thể hiện quan ngại của mình:

“Tuy nhiên, có một điều như thế này. Hiện nay, phải thừa nhận rằng giới lãnh đạo về văn hóa của Việt Nam có một sự hiểu biết rất hạn chế về văn hóa của Trung Quốc. Mà việc tuyên truyền, gây sức ép cũng như ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lên Việt Nam là quá mạnh. Điển hình là vừa rồi có những công trình tu bổ hoặc xây mới mang đậm dấu ấn Trung Quốc. Thêm vào đó, có hàng loạt các ngôi chùa từ Nam chí Bắc trùng tu, trang trí theo kiểu Trung Quốc. Nhiều công trình mới xây cũng có tượng sư tử Trung Quốc. Rồi hàng hóa, đèn lồng Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam”

Một nước có quyền lực mạnh mẽ là một nước biết quảng bá văn hóa của mình để đạt được hai mục đích. Thứ nhất là thúc đẩy kinh tế thông qua giao thương các mặt hàng văn hóa. Thứ hai là xây dựng một nền văn hóa phổ biến để thực hiện ý thức hệ của mình. Đây cũng là chính sách mà từ những năm 1950, Hoa Kỳ đã áp dụng thông qua Trung tâm Thông tin Hoa Kỳ - USIA nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trên thế giới. 

Yếu tố lịch sử, địa lý chính trị

Xét đến yếu tố địa lý, đến lịch sử Việt–Trung, sẽ thấy việc xây dựng viện Khổng Tử tại Việt Nam mang ý nghĩa khác với bất kỳ một học viện Khổng Tử nào trên thế giới vì nó dễ tạo ra một ảnh hưởng văn hóa mạnh hơn bất cứ nước nào.

Về mặt địa lý, Việt Nam chỉ giáp ba nước là Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các phía Đông và phía Nam đều giáp biển. Xét về văn minh, Trung Quốc là nước có nền văn minh lâu đời và tiến bộ hơn cả nên Việt Nam không thể tránh việc lấy nền văn minh Trung Quốc làm thước đo của sự tiến bộ nước nhà.

Về mặt lịch sử, khi Triệu Đà thôn tính Âu Lạc lập ra Nam Việt nào năm 208 trước Công nguyên, thì văn minh Trung Quốc từ đó cũng được mang vào để cai trị. Vả lại, sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc từ thời Vũ đế nhà Hán đến khi Ngô Quyền đại thắng trên sông Bạch Đằng, dân tộc Việt Nam dù giữ được cái ý chí riêng, nhưng cũng bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Trong “Việt Nam Sử Lược”, cụ Trần Trọng Kim cũng đã viết “sự sùng tín, sự học vấn, cách cai trị thì bao giờ mình cũng chịu ảnh hưởng của Tàu”. Chính vì thế, cần phải có một “lập trường và bản lĩnh” để giữ vững những đặc trưng của dân tộc. Đó là ý của TS Nguyễn Xuân Diện:

“Vì vậy, để những học viện Khổng Tử như thế tồn tại ở Việt Nam đòi hỏi những nhà lãnh đạo về tư tưởng và văn hóa phải có sự hiểu biết sâu sắc, một bản lĩnh vững vàng. Nếu không, nó sẽ là cuộc xâm lăng về mặt văn hóa hay còn gọi là “quyền lực mềm” sẽ bị áp đặt tại Việt Nam. Lúc ấy, chúng ta sẽ không thể nào chống lại được. Văn hóa là một nền tảng của đất nước, một khi văn hóa bị thuần hóa thì đó là một điều nguy hiểm”.

Xét đến ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lên văn hóa Việt Nam; xét đến lịch sử bị Trung Quốc đô hộ trong quá khứ, và xét đến những tranh chấp biên giới cũng như biển đảo còn kéo dài và chưa minh bạch đến ngày nay, việc tách văn hóa Việt Nam ra khỏi văn hóa Trung Quốc hoặc ít ra tiếp thu văn hóa thế nào để vẫn giữ đặc trung dân tộc là việc cần thiết.

Không thể phủ nhận văn hóa Việt Nam đã mang nhiều bóng dáng văn hóa Trung Quốc vì đặc thù lịch sử và địa lý. Tuy nhiên, dù là một mái đình, dù là một con sử tử đá, Việt Nam cũng cần được bảo trì bởi một đất nước chỉ được phân biệt và nhận dạng bằng chính ngôn ngữ, con người và những đặc trưng văn hóa như cách ứng xử, phong tục, tập quán, trang phục…của nước ấy. Nền văn hóa ấy không thể bị xâm lược bởi xâm lược văn hóa cũng là xâm lược. 
Nguồn: RFA Việt ngữ.
Đăng lần đầu; 09h49 - 29.12.2011

56 nhận xét :

  1. Thiển ý cho rằng.
    Nho giáo ở VN đã từng có thời hoàng kim và có bản sắc riêng, chỉ có tầng lớp đó mới gánh vác được việc này mà thôi :D.

    Còn tình hình hiện nay nét văn hóa cổ truyền đó đã mất hẳn, những gì còn sót lại đã bị đánh cho tan tác hết. Văn hóa ngày nay chỉ là lớp váng nổi của cuộc sống hiện đại có vẻ ngoài mà không có tinh thần bên trong.

    Với tình hình như vậy nếu ta tích cực "mở mang" văn hóa nữa thì chỉ dấn sâu thêm vào con đường lệ thuộc mà thôi.

    Chi bằng cứ giữ thế hiện tại, chờ đợi đến khi tư tưởng dân tộc có sức sống mạnh mẽ đã.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lời nhận xét nầy rất đúng, nên nhớ rằng ông bà ta ngày xưa học chữ Nho để giữ mình theo đạo lý cổ truyền, và học chữ Nho ông bà mình ngày xưa phát âm theo âm Hán Việt, tuy dùng chữ Hán mà người Việt phát âm người Tàu không hiểu gì hết, muốn giao dịch phải dùng bút đàm mới hiểu, ngày nay học chữ Hoa, phát âm theo tiếng Quan Thoại là theo tiêng Tàu, do đó ngôn ngữ ấy không thích hợp nền luân lý cổ truyền nữa, nên rất ngại cho tương lai Đất Nước chúng ta.

      Xóa
  2. Học viện Khổng Tử nếu chỉ thuần túy là một cơ quan nghiên cứu học thuật về Khổng Tử thì là chuyện đơn giản, nhưng nếu đây là công cụ của Đại Hán tuyên truyền tư tưởng bành trướng dưới thời cs thì phải coi chừng. Nếu vì lợi ích của nhân dân VN thì chắc chắn ông Tập chẳng hơi đâu mà hối thúc.

    Trả lờiXóa
  3. Phản đối việc thiết lập Học viện Khổng Tử vì đây là một chiến dịch xâm lăng văn hóa của Tàu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế, chính tại Trung Quốc trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, Mao Trạch Đông đã đập nát hình tượng Khổng Tử rồi, thì còn thiêng liêng gì nữa, "nhân nghĩa lễ trí tín" của Khổng Mạnh đã bị Mao chôn vùi vào dĩ vãng rồi, Hậu thế và hậu duệ của họ tự họ phả hủy học thuyết tiền nhân của chính họ rồi, thì Việt Nam mình moi dưới bùn lên tôn thờ để làm gì nữa?

      Xóa
  4. Khổng Tử là vị Thánh ngày xưa, tiêu biểu cho nền Nho học và nền luân lý Á Đông. nhưng xét cho cùng thì tùy theo thời đại, nếu mình tôn thờ Khổng Tử nếu như trong những năm 1945 - 1960 mình không đập bỏ tượng Khổng Tử thì nay thờ cũng tốt, Mình đã bài xích rồi, đập bỏ rồi, nay vớt lên lại để sùng bái để tôn thờ, thì vật đó không còn thiêng liêng nữa, ngay trên đất nước Trung Hoa, cách mạng văn hóa Mao Trạch Đông đã cho đập bỏ hết, Khổng Tử chính là người Trung Hoa, mà tự họ coi tàn tệ như thế, nay họ dựng lại với mục đích bành trướng thì mình phải có đầu óc suy nghĩ mới đúng..

    Trả lờiXóa
  5. Khổng Tử không mất với thời gian. nhưng không nên hiện hữu với thời gian.
    Khổng Tử không mất nền học thuyết. nhưng Trung Quốc đã tự xóa bỏ nền học thuyết.
    Thờ Khổng Tử lúc nầy là không đúng lúc

    Trả lờiXóa
  6. Không thể chấp nhận cái văn hóa của Tàu, đó là một nền văn hóa không đề cao giá trị phổ quát của con người.
    Tuy chịu ảnh hưởng của Tàu trong quá khứ nhưng tinh thần VIỆT NHO có từ rất lâu đời trước cả Khổng Tử. ta phải khai thác thật sâu, thật tòan diện nền văn hóa của ta.
    Nên nhớ là tổ tiên của chúng ta chưa bao giờ sao chép văn hóa của ai cả, chỉ tiếp nhận một cách chọn lọc những tinh hoa của các nền văn hóa lớn mà thôi.
    Không thể chấp nhận Viện Khổng Tử do Tàu xây dựng, không bao giờ!

    Trả lờiXóa
  7. Chúng ta đã có VĂN MIẾU rồi! Văn Miếu thể hiện tinh thần VIỆT NHO rồi.
    KHÔNG CẦN PHẢI CÓ HỌC VIỆN KHỔNG TỬ!
    Mong các bác lên tiếng mạnh mẽ giùm.

    Trả lờiXóa
  8. Khổng Tử chỉ có công khái quát hóa, chi tiết hóa, cụ thể hóa tinh thần của Việt Nho mà thôi. Chính Khổng Tử còn phải nói :"Đạo ở phương nam", phương nam là nơi dân tộc ta sinh sống.

    Trả lờiXóa
  9. Trước khi bàn đến chuyện này, nên đọc lại những gì mà Lỗ Tấn - nhà văn được Đảng Cộng sản TQ nhận là của họ - viết về Khổng Tử.
    Sau đó, xem thêm các bài giảng về văn học Trung Quốc mà mấy chục năm qua Bộ Giáo dục VN đem dạy cho học sinh, sinh viên.
    Cảm ơn ông Tập Cận Bình đã hết lòng thương yêu và chăm lo cho nhân dân Việt Nam như cha ông của ổng từ cả hai ngàn năm qua, tính từ Triệu Đà cho tới Đặng Tiểu Bình ngày 17 tháng 2 năm 1979

    Trả lờiXóa
  10. Tôi đồng ý với nhận định này :

    (trích)"“Vì vậy, để những học viện Khổng Tử như thế tồn tại ở Việt Nam đòi hỏi những nhà lãnh đạo về tư tưởng và văn hóa phải có sự hiểu biết sâu sắc, một bản lĩnh vững vàng. Nếu không, nó sẽ là cuộc xâm lăng về mặt văn hóa hay còn gọi là “quyền lực mềm” sẽ bị áp đặt tại Việt Nam. Lúc ấy, chúng ta sẽ không thể nào chống lại được. Văn hóa là một nền tảng của đất nước, một khi văn hóa bị thuần hóa thì đó là một điều nguy hiểm”.

    Thực dân hay nô dịch văn hóa là điều cần phải suy ngẫm, cũng từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy mà 1000 năm đã xảy ra tại VN, nay ai là người có học, hiểu biết đều nhận thấy sự nguy hại của nó.
    Gióng lên tiếng chuông cảnh báo thật không thừa.

    TH

    Trả lờiXóa
  11. Có khi Tập Cận Bình không biết Khổng Tử là ai, nhưng họ sẽ xây dựng một cơ sở hòanh tráng để chiêu dụ. Nhưng hãy nhìn kỹ đi, người dân của ông ta đang bị cướp đất, cướp nhà, còn rên xiết dưới sự hà khắc, họ chỉ chiêu dụ mà thôi, không có sự thật ở đó, hãy đừng tin!

    Trả lờiXóa
  12. neu nhat dinh cu phai xay vien khong tu thi toi de nghi len xa vat cach ba vi xay ben canh khu lang mo uy nghi cua cac gia toc dai gia /

    Trả lờiXóa
  13. Việc mở Học viện Khổng Tử ở VN hay không là phụ thuộc vào lãnh đạo hai nhà nước Việt-Trung.Các bác có nói gì đi nữa,có phân tích sự ảnh hưởng,phụ thuộc văn hoá Tàu đến đâu chăng nữa cũng vậy thôi.
    Cái đạo làm người của Khổng Tử dạy là cái đạo của thời phong kiến.Trong xã hội có giai cấp thì việc đánh giá hành vi của con người,phẩm hạnh của con người với người khác,với nhà nước đều mang tính giai cấp rõ rệt.Những chuẩn mực về đạo đức thay đổi rất nhiều từ dân tộc này đến dân tộc khác,từ thời đại này đến thời đại khác,những quan niệm về đạo đức cũng như những quan niệm khác của Khổng Tử không phải là vĩnh cửu.
    Cái cần có và cần phải học đối với các nhà lãnh đạo đất nước về Khổng Tử cho đến bây giờ vẫn còn giá trị là các chủ trương,đường lối trị nước đều dựa vào đạo đức,có nghĩa là ĐỨC TRỊ.Khổng Tử ví rằng"Trị dân mà dùng đức để cảm hoá dân thì như sao Bắc Đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác đều hướng về"(tức thiên hạ về theo)
    Đức trị là thương yêu con người,lòng tin ở bản tính con người có thể cảm hoá được.
    Khổng Tử quan niệm phép trị dân"Cần gì phải dùng biện pháp giết người?Đức hạnh của ngượi trị dân như gió,mà đức hạnh của dân như cỏ.Gió thổi thì cỏ rạp xuống"Khổng Tử cho rằng muốn trị dân thì mình phải tự trị bản thân mình trước,mình phải là người có đầy đủ nhiều cái như:Nhân,lễ,nghĩa,trí,tín,dũng.Trị dân không phải là hành dân,không nhất thiết phải dùng vũ với dân.Trị dân là dùng đức để trị,có như vậy dân mới tuân phục.
    Trước khi muốn khuyên nước khác mở học viện Khổng Tử,thì các ông lãnh đạo TQ hãy học và khuyên người khác cùng học cách trị dân của Khổng Tử trước đi đã,rồi sau hãy mở cho dân học cũng chưa muộn.

    Trả lờiXóa
  14. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Tư tưởng của Khổng Tử là của dân tộc Hán, không phải của Việt nam. Tư tưởng của Việt nam là tư tưởng của Nguyễn Trãi: Mang đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Đây chính là sự xâm lăng về văn hóa của Trung Quốc. Chúng ta phải hết sức cảnh giác với âm mưu này. Đặng Tiểu Bình từng nói: Cái gì một năm không làm được thì ba năm làm được. Cái gì ba năm không làm được thì một trăm năm làm được. Nếu chúng ta không cảnh giác 100 năm sau VN đã trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Để đi đến quyết định theo tôi nên trưng cầu dân ý.

    Trả lờiXóa
  15. Một gã chính khách của một nền chính trị phản Khổng giáo lại đi hô hào xây dựng viện Khổng Tử: sự xảo trá vụng về ngang tầm quốc tế! Giang hồ vặt còn chưa đến nỗi xảo trá vụng về như thế!

    Trả lờiXóa
  16. Thiết nghĩ, việc này cần hỏi ý kiến Nhân Dân. Bởi 2 lẽ:
    1. Người Tàu làm gì cũng đầy thâm ý. Không phải tự dưng Tập Cận Bình thúc nhắc việc lập học viện Khổng Tử. Không tốt lành gì đâu. Hãy nhớ lại việc nhà cầm quyền nhắc nhở, thúc Nông Đức Mạnh, khi ông này sang Tàu, về việc thúc đẩy nhanh việc khai thác bauxit ở Tây Nguyên đủ biết ý đồ xâm lượt thấm tận xương tủy mà người đằng mình hoặc ngây thơ (!), hoặc bị mua chuộc (?)nên đã để lính Tàu đội lốt công nhân tràn ngập VN nhất là ở Tân Rai và Nhân Cơ.
    2. Khổng Tử có gì mà phải thờ? phải lập viện này viện kia? Bởi vì thực chất Khổng tử là 1 con người không tổ quốc, sẵn lòng phục vụ bất kỳ ai nếu người ấy trọng dụng mình (xin bà con hãy chịu khó đọc lại tiểu sử của ông này) và học thuyết của ông, phương pháp giáo dục của ông khoát chiếc áo (mà nói là đội lốt cũng được) mang chữ NHÂN, nhưng thực ra đó là một hệ thống đào tạo KẺ SĨ để phục vụ bọn thống trị, và điều quan trọng là phải biết sống quì (lúc đi học thì quì trước thầy, khi đi làm thì quì trước các thế lực cầm quyền, quì trước vua...)
    Như vậy, hỏi có xứng đáng, có cần phải lập viện này viện khác mang tên Khổng tử không?
    Rất mong những người Việt có mang dòng máu Lạc Hồng, thực sự con cháu Bà Trưng - Bà Triệu - Trần Hưng Đạo - Quang Trung... hãy suy nghĩ kỹ vấn đề này!
    Hãy tẩy chay mọi ý tưởng điên rồ, bán nước, luồn trôn của những kẻ phản bội dân tộc.
    Toàn dân tộc Việt đừng để mọi chuyện trở thành chuyện đã rồi, đừng để dân tộc này bị Bắc thuộc thêm lần nữa để rồi phải mất nhiều trăm năm mới lấy lại được quyền tự chủ từ trong tay giặc Bắc phương.

    Trả lờiXóa
  17. Một thời gian dài toàn dân tộc ta đã học, nghe theo những lời Khổng Tử đến mức ngu hóa!
    Mà thực ra Khổng Tử cũng chỉ là 1 công cụ được bọn cầm quyền Trung quốc lợi dụng để sử dụng nhằm củng cố quyền lực và thực hiện mưu đồ cai trị thiên hạ mà thôi.
    Giờ đây, nhà cầm quyền Bắc Kinh lại muốn tiếp tục con đường tổ tiên chúng đã đi.
    Rất mong, rất mong, mong lắm thay Nhân dân cả nước hãy ý thức tầm quan trọng sự việc này để hãy cùng lên tiếng phản đối âm mưu thâm độc của kẻ thù dân tộc đang muốn quay lại đè đầu cởi cổ Nhân dân ta lần nữa, đang muốn nhanh chóng Hán hóa dân tộc Việt, đang muốn dẫm đạp lên mãnh đất thiêng liêng của Mẹ Âu Cơ để lại nhằm biến đất nước này thành chiếc cầu nối cho bọn xâm lược phương bắc tràn xuống làm cỏ các quốc gia còn lại ở khu vực Đông nam Á, trước khi tràn sang các nước thuộc các châu lục còn lại (châu Phi đã là thuộc địa, là sân sau của bọn Tàu rồi; châu Mỹ, châu Âu, châu Úc hãy coi chừng!)

    Trả lờiXóa
  18. Chúng ta đã biết đảng cọng sản Tàu từng đạp Nho giáo và Khổng Tử xuống tận bùn đen.
    Chúng ta đã thấy cảnh đầu rơi máu đổ trong phong trào PHẢN ĐẾ PHẢN PHONG.
    Bây giờ chúng ta lại nghe những người cọng sản Tàu hô hào xây dựng học viện Khổng Tử.
    Vậy họ sẽ đem cái gì vào học viện đó?
    CHỈ CÓ BÙN VÀ MÁU MÀ THÔI

    Trả lờiXóa
  19. Đạo Khổng Tử xưa rất hay, dạy con người không cúi luồn bởi quyền lực, danh lợi gác bỏ ngoài tai, do đó Tổ Tiên ta học chữ của đạo Thánh Hiền để ra nhiếp chánh, bây giờ Đạo ấy được Nhà Nước ta gọi là bè lũ "phong kiến" đã bị đạp đổ lâu rồi, Cường thường luân lý của Khổng Mạnh đã rẽ qua lối khác rồi, thời nay văn minh, tài trí hơn, vậy mình không mời Khổng Mạnh về nữa cũng không sao, nếu mình giữ tốt nền luân lý, và chí khí VN thì cái đầu chúng ta khỏi cúi luồn ai cả

    Trả lờiXóa
  20. Xin có một ý kiến, dù rằng đây là ý của con kiến:
    Các vị có toàn quyền, các vị muốn xây bao nhiêu cái học viện Khổng Tử là việc của quý vị.
    Thảo dân tôi chỉ dám xin khấu đầu thỉnh nguyện:

    * Xin quý vị đừng lấy tiền của nhân dân Việt Nam để xây cái học viện đó, vì thực chất học viện đó sẽ là nhà tù dành cho dân tộc ta mà thôi.

    * Xin quý vị đừng đặt cái học viện đó trên mảnh đất hình chữ S này, nơi mà mỗi tấc đất là một tấc máu xương của biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, mà hãy đặt nó ngoài biển Đông ấy, dọc theo đường lưỡi bò cho nó tiện việc điều hành.

    Chỉ xin 2 điều đó thôi, còn xây bao nhiêu cái học viện và đặt nó ở đâu là quyền của quý vị

    Trả lờiXóa
  21. Buồn thay là lời hối thúc này của ông Tập Cận Bình không thấy báo chí hay truyền hình trong nước báo tin gì cả, mà phải chờ đến RFA! Ngành truyền thông trong nước không được phép biết đến nội dung trao đổi này hay sao? Hay biết mà không được nói? Hay chưa ý thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề?

    Để lập một học viện nghiên cứu nghiêm túc về Nho giáo và về Đức Khổng, tôi nghĩ giới học giả Việt Nam trong và ngoài nước dư khả năng làm, và có khi còn làm tốt hơn cả TQ. Chỉ tại chúng ta không chịu làm! Nho giáo là gia tài tinh thần chung cho cả miền Đông Á chứ không chỉ của riêng quốc gia TQ hiện đại.

    Đúng như bác ẩn danh 18:03 nói, chính Đảng Cộng sản TQ từng rắp tâm hủy diệt Nho giáo một cách tàn độc không thua chi Tần Thủy Hoàng khi xưa. Nay họ lại lôi tên Đức Khổng ra làm bình phong cho những mưu đồ bất chính. Thủ đoạn này còn thâm hiểm hơn cả Hán Vũ Đế, người ngoài mặt thì làm bộ để cao Nho giáo nhưng thực tế thì lại trọng dụng phái Pháp gia và đi theo con đường bá đạo.

    Dồng ý với bác Diện, đây chính là một mưu đồ xâm lăng văn hóa. Vấn đề này này cực kỳ hệ trọng!

    Trả lờiXóa
  22. Để thời gian đi đọc và nghiên cứu tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ còn tốt hơn. Lôi những cái có từ hơn hai ngàn năm về nghiên cứu, quá điên.

    Trả lờiXóa
  23. Phản đối thiết lập học viện này trên đất nước Việt, truyền thống, văn hóa của nhân dân Việt Nam là văn hóa lạc hồng, văn hóa " hùng vương " chứ không phải đạo khổng. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc thành lập một loạt học viện này trên toàn thế giới, phải chăng họ có chiến dịch " ngầm " tuyên truyền và có dụ ý khác mà chúng ta chưa thấy hậu quả ? Vì thế tôi phản đối cách tiếp cận này của Trung Quốc

    Trả lờiXóa
  24. Troi oi no dang muon banh truong ra ca the gioi.

    Trả lờiXóa
  25. Việc lập Học Viện Khổng Tử nếu về mặt văn hóa và tôn vinh đạo đức của Ngài thì cũng rất tốt. Tư tưởng Khổng Thánh đã được truyền bá vào các nước châu Á có từ lâu. Nhưng tôi chỉ sợ Trung Quốc lợi dụng Khổng Thánh để bá quyền, để tuyên truyền những điều sai trái mà thôi.

    Trả lờiXóa
  26. Nước nào có học viện ở nước ngoài cũng nhằm quảng bá nền văn hóa dân tộc mình. Riêng mục đích của Trung Quốc thì mục đích truyền bá thì ít, mà mục đích thống lĩnh thiên hạ bằng văn hóa, tư tưởng mới là chủ yếu nên sự thúc giục hay mong muốn có Học viện Khổng Tử cơ bản là điều không lành mạnh. Chúng ta có thể tham khảo thêm bộ mặt thật của những người cầm quyền Trung Quốc qua 1 bài viết trên bbc: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2011/06/110622_confucius_beijing_lephuoc.shtml
    Tóm lại là dân Việt Nam sẽ tham khảo học hỏi văn hóa thế giới, nhưng theo cách Việt Nam. Nước nào ta đồng ý cho các Viện của họ vào như Goethe của Đức do ta không thấy có mưu mô thâm độc. Riêng Tầu thì những gì diễn ra qua hàng nghìn năm lịch sử, và cả mới đây nên hoàn toàn không đáng tin cậy. Không học viện gì hết!!!

    Hoàng Hải

    Trả lờiXóa
  27. Trong Đại cách mạng văn hóa đã có phong trào phê phán Lâm Bưu và Khổng Tử, đề cao tư tưởng Mao Trạch Đông ở TQ. Cho nên nay lại thấy đề cao Khổng Tử và lập các viện Khổng Tử chỉ là nhằm mục đích chính trị bành trướng chủ nghĩa Đại Hán mà thôi chứ chẳng phải tôn trọng gì Khổng Tử cả!

    Trả lờiXóa
  28. Híc Khổng cái gì mà Khổng, đây chẳng qua là hình thức lấy cái màn khổng tử để che đậy mắt nhân dân thế giới mà thôi. Không có khổng tử gì hết. Việc này là việc lớn đề nghị phải lấy ý kiến nhân dân thông qua quốc hội.

    Trả lờiXóa
  29. Đây là một chiêu bài/hình thức bành trướng văn hóa TQ đội lốt Khổng Tử, ông Mao Trạch Đông đã đem Khổng Tử xuống bùn với cuộc cách mạng văn hóa, bây giờ họ lại đem lên, để phục vụ cho mục đích Hán hóa...

    Trả lờiXóa
  30. Khi truyền bá tư tưởng Đức Khổng Phu Tử, nhà cầm quyền trung cọng chỉ mượn cái VỎ ngôn từ của Ngài thôi, còn cái RUỘT thì hoàn toàn là tư tưởng Mao Trạch Đông + Đặng Tiểu Bình, một thứ tư tưởng tham tàn, chỉ muốn hủy diệt và cai trị thiên hạ theo cách tàn độc nhất.
    Mong mọi người Việt Nam hiểu rõ điều này

    Trả lờiXóa
  31. Tôi phản đối cái Học viện Khổng Tử này. Vì chắc chắn nó chỉ là công cụ bánh trướng của Chủ nghĩa bá quyền TQ.

    Trả lờiXóa
  32. Ông Khổng Tử ở đầu lưỡi nhà chính trị
    ...
    ... Các nước Á châu ta nếu muốn sanh tồn ở thế giới ngày nay, và muốn cho mau mau bước lên thế giới đại đồng sau này, tất phải thâu lượm văn hóa của phương Tây. Văn hóa của phương Tây có hai điều lớn, một là khoa học, một nữa là tinh thần dân trị, tức là démocratie. Muốn thâu lượm hai thứ văn hóa đó mà còn để học thuyết của ông Khổng xen vào khoảng giữa thì cũng như kèn xuôi mà trống ngược vậy.
    ...
    http://vi.wikisource.org/wiki/%C3%94ng_Kh%E1%BB%95ng_T%E1%BB%AD_%E1%BB%9F_%C4%91%E1%BA%A7u_l%C6%B0%E1%BB%A1i_nh%C3%A0_ch%C3%ADnh_tr%E1%BB%8B

    Trả lờiXóa
  33. Trung Quốc bây giờ cần phải chứng minh cụ thể là một quốc gia tử tế, yêu chuộng hòa bình hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, trước mắt là tuân thủ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS (United Nations Convention on Law of the Sea)và thực hiện Tuyên bố Ứng xử Của Các bên Ở Biển Đông DOC (Declaration of the Conduct of Parties in the East Sea) là được rồi!
    Tóm lại là Trung Quốc nên sống tử tế, chẳng cần phải xây Viện Khổng Tử làm gì cho rách việc!

    Trả lờiXóa
  34. Người ta thờ mẹ thờ cha.
    Ai thờ Không Tử thì sang bên Tàu.

    Sự hiện diện của Khổng Tử ở nước ta từ trước đến nay là quá nhiều rồi. Việt Nam không cần một học viện nào nữa!!!!!!

    Trả lờiXóa
  35. Phải đấy, nó xây cái viện Khổng Tử to đùng, xong rồi tối ngày nó biểu diễn hip hop, thời trang để lôi kéo lớp tuổi teen ăn chơi tôn sùng vật chất, nay thì nó mời top model biểu diễn, mai thì nó mở tiệc buffet với giá rẻ mạt, Khổng Tử mà có ngồi trong màn trướng thì cũng muốn nhảy Lambada mà thôi!
    Trò rẻ tiền!

    Trả lờiXóa
  36. Chả riêng Chính Phủ Trung Quốc mà nhiều người dân Trung Quốc cũng đang ước mơ Trung Quốc ngoài phát triển kinh tế, thể thao và các mặt khác thì văn hóa vốn dĩ được đánh giá là có truyền thống lâu đời nhất thế giới nay phải khôi phục lại, và không những thế "con rồng Trung Quốc" ngủ hàng bao trăm năm nay không chỉ muốn chứng tỏ với Châu Á, mà cả thế giới về sự hùng mạnh của nó. Tôi tôn trọng Khổng Tử, nhưng nếu xem các quan điểm trật tự xã hội của Ông ta thời phong kiến thì không thể áp dụng vào Việt Nam được - trật tự này nhiều cái đã quá đát lâu rồi!!! như xem vua là cao nhất thiên hạ, coi trọng "sỹ" (người có học) hơn người lao động chân tay "nông", hay những người bị xếp thấp nhất trong xã hội là ca sỹ - trong khi ở phương tây được trọng vọng; còn trong gia đình ví dụ vợ lẽ, nàng hầu cũng đều bị xếp thấp trong trật tự gia đình... Theo tôi dân chủ Châu Âu ngoài phần lọc ra những cái không phù hợp thì nó nhiều cái còn phù hợp với Việt Nam ta hơn nhiều. Tôi cũng ủng hộ lấy ý kiến nhân dân!

    Hoàng Hải

    Trả lờiXóa
  37. vậy sang TQ làm 1 cái học viện Diên hồng được không, bình đẳng chứ

    Trả lờiXóa
  38. Khổng Tử có dạy người Hoa xâm lược Việt Nam không? Nếu "không" thì chính người Hoa làm trái lời dạy của Khổng Tử, nếu "có" thì vác sang Việt Nam làm gì?
    Bản chất xâm lược của Trung Quốc không bao giờ thay đổi, kể cả xâm lược bằng văn hóa!

    Trả lờiXóa
  39. Nhiều viện quá, phải học tư tưởng này, tư tưởng nọ nhưng không đâu vào đâu.

    Trả lờiXóa
  40. Viện Khổng tử này do ta khởi xướng hay Trung quốc? Mục đích của viện là gì? Hay Trung quốc lại dạy cho ta một bài học về văn hóa tư tưởng? Dạy tư tưởng Mao thất bại, nay lại dạy tư tưởng Khổng, tư tưởng trung quân ái quốc, tư tưởng tam tòng tứ đức... Họ định đưa chúng ta về thời phong kiến chăng? Xét trên tất cả các mặt như lãnh thổ, kinh tế, văn hóa... họ đều có chiến lược gặm nhấm VN đần dần. Không những tài sản quá khứ, hiện tại mà cả của tương lai. Đã ai thông kê tốc đọ tăng khủng khiếp của căn bệnh quái ác ung thư hiện nay chưa? Khắp các khu chung cư ở Hà nội, đâu cũng có người Tàu sang sinh con đẻ cái như nước của họ, chẳng biết nhà chức trách có biết không? Đến một lúc nào đó ta mới ngã ngửa ra: người Tàu đông hơn người Việt thì đã quá muộn rồi.

    Trả lờiXóa
  41. Dân vn sau này ra đường toàn nói tiếng trung quốc vui nhể

    Trả lờiXóa
  42. Chúng ta có nền văn hóa và văn minh của dân tộc Việt. trong quan hệ ngoại giao, đối tác chúng ta không thể thoái thoát được nhưng chúng ta cũng không nên lập ra dưới dạng qui mô là học viện. Chỉ dưới dạng Trung tâm nghiên cứu và truyền bá văn hóa Trung Hoa là được. Chúng ta không cần tư tưởng khổng tử trong nền văn minh hiện đại cũng không lấy tư tưởng khổng tử trong việc phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Tôi nhớ thời kỳ chúng ta xếp Liên-Xô vào chủ nghĩa xét lại, có một vị lãnh đạo cao cấp LX phàn nàn với Bác Phạm Văn Đồng (lúc ấy là chủ tịch HĐBT) rằng: VN chỉ nhập sách, tư liệu, phim ảnh của LX về chứ không truyền bá. Bác Phạm Văn Đồng nói: Đâu có, chúng tôi vẫn bán đầy ở các nhà sách. Lúc nầy vị lãnh đạo LX mới nói với Bác PVĐ: Thế thì chúng ta đi đến các nhà sách xem sao. Bác PVĐ tìm cách thoái thoát. Chúng ta có ý kiến và nêu lên hướng giải quyết và xem cách hành xử của lãnh đạo nếu không chúng ta nghi ngờ và đánh giá thấp tư duy của lãnh đạo chúng ta. NT

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tại sao lại không thể thoái thác những yêu cầu của đố tác nếu yêu cầu ấy có hại cho dân tộc? Nếu họ bảo xây dựng chi nhánh Thiên an môn ở Hà nội, bạn có đồng ý không?

      Xóa
    2. Tôi nghĩ với tình thế của ta như hiện nay thì Tàu muốn gì được nấy.!

      Xóa
  43. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 03:37 17 tháng 10, 2013

    Mao đập bể tượng Khổng Tử, CMVH tẩy sạch ảnh hưởng Nho chẳng khác Tần Thủy Hoàng đốt sách Nho, Càn Long gom sách Nho để chỉnh sửa những điều trái ý Thanh Triều . Nay từ ĐặngTiểu Bình nhìn thấy ảnh hưởng Khổng Tử còn rất mạnh ở Hàn , ở Nhật, ở VN , và trong CĐ người Hoa khắp thế giới, nhất là HK, các nhà lãnh đạo CSTQ muốn dùng hình ảnh Vạn thế sư biểu của KT để cho thế giới nhìn thấy cái đạo nhân , nghĩa, lễ , trí, tín và cái tu, tề, trị bình của thời xưa mà quên đi cái dã tâm bành trướng của BK hiện thời .
    VN bị ảnh hưởng sâu đậm của Nho học hàng ngàn năm, nhất là Tống Nho, nhưng vẫn không bị Hán hóa là cha ông chúng ta rất khôn ngoan, lợi dụng cái hay của Trung Hoa để biến nó thành Việt Nho chứ không đồng hóa mình với họ . Nay thì các nhà LĐ ĐCSVN liệu có đủ bản lãnh như tiền nhân hay biến thành những chú chệt con rinh ô. Khổng vào nhà như kiểu con ngựa thành Troie ?

    Trả lờiXóa
  44. Ông P.A.S, nay đang dạy học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, người có 2 năm dạy học ở Đại học Quảng Tây sau năm 2000, kể câu chuyện này với tôi: "Một lần tí chết bác ạ. Em lên lớp và nói: "Học thuyết Khổng Tử cũng còn để lại nhiều giá trị tích cực cho cuộc sống ngày hôm nay". Ngay lập tức lớp ồn ào, đặc biệt là sinh viên nữ, rồi đột nhiên, họ giơ cao nắm tay lên phía trước và hô to: "Khổng Tử. Phản động! Khổng Tử. Phản động!". Như là đấu tố vậy. Em ổn định lớp rồi yêu cầu sinh viên Trung Quốc từng người phát biểu. Họ tràng giang kể tội Khổng Tử, nào là vi phạm nhân quyền, nào là khinh thường phụ nữ, nào là tư tưởng "bình thiên hạ" làm Quảng Tây không còn lập quốc được như Việt Nam, nào là tư tưởng sùng bái cá nhân, tôn sùng đế chế, nói là ái dân nhưng thực chất là nô dịch nhân dân, nào là kéo lùi Trung Hoa so với thế giới hiện đại... Em hãi quá, từ đó về sau, em không dám khen Khổng Tử nữa".
    Sinh viên Trung Quốc ngày nay vẫn như vậy đó. Tôi nghe vậy thì biết vậy.

    Trả lờiXóa
  45. Vậy, cách tốt nhất là hướng cho con em chúng ta học tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, ...bên cạnh tiếng quốc ngữ, việc này theo tôi thuận lợi hơn vì chữ viết không quá phức tạp như tiếng Tàu vì cùng hệ ngôn ngữ Latin hoặc tương tự, hơn nữa việc này rất có lợi cho các em mở mang tri thức và tiếp cận văn hóa và tư tưởng cởi mở, dân chủ của Âu Mỹ qua sách báo, phim ảnh.

    Trả lờiXóa
  46. Chuẩn bị ... thay đổi học thuyết và xây dựng XÃ HỘI KHỔNG TỬ.

    Trả lờiXóa
  47. Hãy làm tất cả mọi thứ để tương lai con cháu mình có thể ngẫng mặt nhìn thiên hạ. Phải THOÁT Á. Dứt khoát như vậy.

    Trả lờiXóa
  48. Khiếp quá !
    Bọn bành trướng đại hán, chúng làm văn hóa tư tưởng trước, sau đó thì: Thôi rồi "Lượm" ơi !.
    Không chiến tự nhiên thành !.

    Trả lờiXóa
  49. Việc xây học viện Khổng tử tại Việt Nam, đó là chủ trương của Lãnh đạo hai nước thiết nghĩ không nên bàn đến. Tuy nhiên, nội dung hoạt động của học viện đó là gì thì Ban tư tưởng văn hóa, bộ văn hóa thông tin và truyền thông phải giám sát chặt chẽ.
    Đặc trưng tư tưởng của Khổng Tử nếu được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa Việt Nam cũng có những cái lợi rất lớn cho công cuộc phát triển và xây dựng đất nước.
    Tư tưởng Khổng Tử đề cao Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Trong 5 điều trên thì có Nhân, Nghĩa, Lễ, Tín là 4 điều bất kỳ người nào cũng có thể thực hiện được nếu muốn, còn Trí thì còn phụ thuộc nhận thức và khả năng của mỗi người.
    Nhân: Làm cho người khác những điều mình muốn, cùng dắt tay nhau tiến lên.
    Nghĩa: Hành động theo lẽ phải, đạo lý
    Lễ: Tôn trọng trời đất, pháp luật và kỷ luật cá nhân
    Tín: Nói đi đôi với làm mọi lúc, mọi nơi.
    Theo Khổng Tử, làm người đạt được 5 điều trên trong cuộc sống hàng ngày gọi là người quân tử. Nếu có được 5 điều trên con người sẽ không bị bất kỳ điều gì (ví như tiền bạc) chi phối đến nhân cách sống (có tiền không ăn chơi sa đọa mà tìm cách giúp mọi người, nghèo khó nhưng không ti tiện hèn kém, uy vũ không thể khuất phục).
    Theo Khổng Tử, bề tôi phải trung với vua nhưng không được ngu trung. Ở điểm này, Bác Hồ đã phát triển thành trung với nước, hiếu với dân. Bất kỳ vì lý do gì cũng phải trung thành với đất nước không được bán đất nước cho giặc ngoại xâm, điều này thể hiện trong làm ăn kinh tế với đối tác nước ngoài phải làm sao luôn làm lợi cho nước mình, không được nhận hối lộ của nước ngoài để gây thiệt hại cho đất nước
    Tuy nhiên, cần tránh việc đưa vào giáo dục các lý lẽ khiến con người trở nên yếu mềm, nhẫn nhục để những kẻ láu cá, ranh ma đè đầu cưỡi cổ. Có khi cũng cần phải lạnh lùng loại thải không nương tay những kẻ tiểu nhân cơ hội leo cao vào bộ máy lãnh đạo để làm hại người quân tử. Đất nước sẽ cất cánh khi bộ máy lãnh đạo đồng lòng vì đất nước. Nước Mỹ được như ngày nay chẳng phải là do giới lãnh đạo Mỹ khát khao lãnh đạo thế giới đó sao, nước Nhật được như ngày nay chằng phải là 100% dân Nhật đồng lòng quyết tâm khôi phục đất nước sau chiến tranh sao. Chỉ có người quân tử mới làm được như vậy và thời nào cũng vậy, đất nước hưng thịnh khi người quân tử nắm quyền, và ngược lại sẽ suy vong không sớm thì muộn mà thôi.

    Trả lờiXóa
  50. nên nhớ đây là trung tâm truyền bá văn hóa văn hóa (mới)của trung cuốc
    + nó sẽ chẳng có nhắc gì đến nhân với đức gì của khổng tử ở đây sất. nó là một trung tâm tuyên truyền là một tụ điểm tuyệt vời để trao đổi "tin tức" giữa người việt và người hán
    + sẽ có rất nhiều " tài liệu" được phát tán từ đây

    Trả lờiXóa
  51. Ừ để cho TQ nó xây xong cái viện này rồi cho ông Thích Chân Quang vào phán" TQ là anh,VN là em, em mà cãi anh là em hỗn,như thế là trái với đạo Khổng".Trời ơi sao bây giờ nước mình lại lắm chuyện đáng lo vậy,hết ông Quang giờ lại thêm ông Khổng để rồi cuối cùng toàn là ông Tàu,ông Khách

    Trả lờiXóa
  52. Cái Tâm Lõi của Tư Tưởng Khổng Học là "Trung Quân"; vắn tắt đơn giản là Trên bẩu thì dưới Nghe
    Nhưng bây giờ thì Trên miếng TO, Dưới cũng phải miếng VỪA VỪA - Trên Dưới cũng đều phải có Miếng - Chỉ TỘI mỗi DÂN!

    Trả lờiXóa