Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

GS HÀ VĂN TẤN VIẾT VỀ THẦY ĐÀO DUY ANH

Các học trò quây quần bên Ông Bà Đào Duy Anh - Trần Thị Như Mân. Trong hình có các Giáo sư: Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Lê Văn Lan.

Trước mắt chúng tôi, những người học trò của ông, ông giống như một lâu đài đồ sộ mà mỗi chúng tôi chỉ nhìn thấy một phần trang trí nội thất qua một cánh cửa sổ. Cánh cửa đó, đối với tôi, là sử học.

Không! Ông không chỉ là nhà sử học. Chúng ta đã mất đi một nhà bách khoa, một nhà văn hóa lớn. Đóng góp của ông cho văn hóa dân tộc thật là lớn lao.

Những quyển Hán - Việt từ điển, Pháp - Việt từ điển của ông đã được thế hệ trước chúng tôi coi là những công cụ văn hóa thiết yếu đến kịp thời và được các nhà ngôn ngữ học hiện nay đánh giá là những đóng góp lớn vào việc xây dựng tiếng Việt hiện đại.

Và còn biết bao công trình khác về văn hóa và văn học từ những quyển sách trong Quan Hải tùng thư những năm 20 cho đến Việt Nam văn hóa sử cương, Khổng giáo phê bình tiểu luận, Khảo luận về Kim Vân Kiều… và gần đây hơn Sở từ, Khóa hư lục, Ức Trai thi tập, Từ điển Truyện Kiều… Trước mắt chúng tôi, những người học trò của ông, ông giống như một lâu đài đồ sộ mà mỗi chúng tôi chỉ nhìn thấy một phần trang trí nội thất qua một cánh cửa sổ. Cánh cửa đó, đối với tôi, là sử học.

Tôi đến với thầy Đào và sử học rất muộn. Mãi đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, hòa bình lập lại, năm 1955, tôi mới được làm sinh viên của ông, mới được nghe những bài giảng của ông ở giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại làm tập sự trợ lý của ông, cùng với một số anh em khác. Được làm học trò của ông là một điểm may mắn trong đời chúng tôi. Những tác phẩm sử học của ông viết trước Cách mạng tháng Tám sau này chúng tôi mới có dịp đọc. Nhưng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những quyển sử của ông in trên giấy đen, như Việt Nam lịch sử giáo trình (Phòng chính trị Liên khu IV xuất bản), đã đến tay chúng tôi. Có thể nói, ông đã gieo cho chúng tôi niềm say mê sử học từ ngày đó.

Trong các sách ông viết trong thời kháng chiến chống Pháp, có một cuốn mỏng, có tên là Muốn hiểu sử học, in ở Thái Bình năm 1950. Quyển sách có ba phần: 1 - Đối tượng và công dụng của sử học; 2 - Quan niệm lịch sử và 3 - Phương pháp của sử học. Chỉ vẻn vẹn có 38 trang, thế mà trong đó ông đã trình bày khá đầy đủ học thuyết Mác về lịch sử.

Ông đã viết: “Thuyết duy vật sử quan là thuyết duy vật biện chứng của Các Mác áp dụng vào địa hạt lịch sử… Khác với quan niệm duy tâm cho rằng lịch sử là sự nghiệp các bậc vĩ nhân anh hùng hoạt động theo ý chí riêng của mình, quan niệm duy vật cho lịch sử là sự nghiệp của con người trong tập đoàn, do điều kiện sinh hoạt trong tập đoàn hạn định.

Các Mác nói: “Chính con người làm nên lịch sử của mình nhưng không phải làm một cách độc đoán mà phải tùy thuộc những điều kiện đã định và thừa hưởng ở quá khứ…”

Quyển sách còn dành nhiều trang cho phương pháp sử học, mà ông chia ra các bước như sưu tầm sử liệu, giám định sử liệu, trần thuật và thuyết minh sử tự. Ở đây, ông đã tiếp thu có phê phán phương pháp của các nhà sử học Lăng - gloa và Xen - nhô - bốt mà ông cho rằng “phải bổ khuyết bằng phương pháp lịch sử duy vật”. Ông rất chú ý đến lịch sử kinh tế và đặc biệt là lịch sử văn hóa. Quyển Việt Nam văn hóa sử cương viết năm 1938 là bộ sử toàn diện đầu tiên về văn hóa Việt Nam. Đáng tiếc là cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một quyển lịch sử văn hóa Việt Nam khác: do vậy, công trình của ông vẫn là độc nhất. Ông không chỉ là người có công tham gia mở đầu cho nền sử học mới mà còn là người vun đắp, xây dựng không biết mệt mỏi cho nó. Sau ngày hòa bình lập lại, ông đã viết Lịch sử Việt Nam (từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX), hai tập Cổ sử Việt Nam, Lịch sử cổ đại Việt Nam (bốn tập).

Sách của ông đã được dịch ở Liên Xô và Trung Quốc. Đồng thời ông chú tâm đến việc công bố các sử liệu Việt Nam quan trọng. Ông đã để công hiệu đính bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Phủ biên tạp lục… Mặt khác, ông đã góp phần to lớn vào việc đào tạo đội ngũ các nhà nghiên cứu sử học hiện nay. Ông dạy chúng tôi bằng tấm gương lao động nghiêm túc của ông. Vì ông là một bác học, ông muốn chúng tôi cũng hiểu biết thật nhiều.

Và do đó, ông buộc chúng tôi phải học rất nhiều. Ông là người đã khuyên chúng tôi học tiếng Nga và các cổ ngữ Phương Đông. Ông đã nói: “Không thể hiểu văn hóa Trung Quốc, văn hóa Ấn Độ, anh không thể nào hiểu đầy đủ văn hóa Việt Nam!”.

Ông thường đặt yêu cầu rất cao đối với các học trò của mình. Khi bắt đầu làm trợ lý cho ông, tôi mới 20 tuổi, ông đã giao cho công việc chú thích Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Tôi đã hoàn thành công trình này nhờ sự chỉ bảo ân cần của ông.

Tri thức về địa lý lịch sử của ông thật uyên bác. Chúng ta đều biết đến các tác phẩm Đất nước Việt Nam qua các đời của ông. Trong công tác sử học, ông đặc biệt chú trọng việc giám định sử liệu. Cũng nhờ ông mà tôi hiểu biết chút ít về sử liệu học, văn bản học.

Trong khi nghiên cứu lịch sử cổ trung đại Việt Nam, ông đã kết hợp chặt chẽ nguồn sử liệu chữ viết với nguồn sử liệu khảo cổ. Ông đã viết về văn hóa Đông Sơn, đã nghiên cứu trống đồng. Ông là người mở đường cho chúng tôi đến với khảo cổ học. Tất nhiên là ông không dừng lại ở các sử liệu và các sự kiện.

Ngay trong Muốn hiểu sử học, ông đã viết: “Sử học không phải chỉ là hồi phục những sự trạng đã qua để cho người ta thấy được các trạng thái sinh hoạt của người xưa, mà còn phải xét rõ ngọn gốc bày rõ lai lịch và tìm hiểu đường lối tiến triển của các sự trạng, để cuối cùng tìm ra những quy luật đã chi phối sự biến thiên của các sự trạng, tức sự diễn tiến của các quá trình lịch sử”.

Ông luôn luôn nhắc nhở chúng tôi tìm mối liên hệ giữa các sự kiện trong nghiên cứu khoa học. Đó là bài học quý báu mà chúng tôi nhận được từ ông. Mấy hôm nay, tôi đang viết một tài liệu về Phật giáo thời Lý Trần. Trước mặt tôi luôn luôn có tập Khóa hư lục mà ông đã dịch. Tôi đã đọc đi đọc lại câu thơ của Tuệ Trung luận về sự sống chết của con người, mà ông dịch là: Người ngu đảo ngược sợ sống chết, Người trí nhìn thấu xem thoải mái, Ấy thế mà vẫn vô cùng đau đớn khi nghe tin thầy Đào ra đi, dẫu biết rằng, sự nghiệp văn hóa của thầy là bất tử.

GS. Hà Văn Tấn 

Nguồn: Bee.

5 nhận xét :

  1. “Thuyết duy vật sử quan là thuyết duy vật biện chứng của Các Mác áp dụng vào địa hạt lịch sử… Khác với quan niệm duy tâm cho rằng lịch sử là sự nghiệp các bậc vĩ nhân anh hùng hoạt động theo ý chí riêng của mình, quan niệm duy vật cho lịch sử là sự nghiệp của con người trong tập đoàn, do điều kiện sinh hoạt trong tập đoàn hạn định."

    "Các Mác nói: “Chính con người làm nên lịch sử của mình nhưng không phải làm một cách độc đoán mà phải tùy thuộc những điều kiện đã định và thừa hưởng ở quá khứ…"

    Giáo sư Hà Văn Tấn nói vậy thì biết vậy, chúng tôi cũng có xem về cụ Đào Duy Anh và ngày trước còn đi học chúng tôi cũng nghe thầy cô nói về cụ, cũng như có sử dụng tự điển của cụ Đào Duy Anh nữa.
    Tuy vậy, cũng chưa được đọc tài liệu nào của cụ nói về việc phải bổ sung "thuyết duy vật sử quan" của Karl Marx vào nghiên cứu lịch sử cả?
    Kể từ sử gia đầu tiên của Việt Nam ta là cụ Lê Văn Hưu thời nhà Trần thì nguyên tắc viết sử là phải tôn trọng sự thật và ghi chép đầy đủ các sự kiện để hậu thế biết được hành trình của dân tộc. Và khi ấy làm gì có thuyết duy vật của Karl Marx? Có sợ rằng khi nhìn lịch sử ở một triết thuyết nào đó thì lịch sử bị méo mó chăng?

    Ngòai ra,gần đây nhất, văn hào Nhất Linh, người khởi xướng Tự Lực Văn Đòan, trong tác phẩm Đọan Tuyệt của ông, nhân vật Dũng trong một buổi chiều cuối năm cũng đã nói, đại ý rằng lịch sử được làm nên bởi những người dân không tên không tuổi... và văn hào Nhất Linh cũng chẳng nhắc gì đến thuyết đuy vật lịch sử của Karl Marx cả!

    Trả lờiXóa
  2. Nhớ ơn thầy cô là truyền thống quý báu của dân tộc VN, muôn đời vẫn thế...

    Trả lờiXóa
  3. Tôi nghĩ để hiểu rõ hơn về cụ Đào Duy Anh và nhiều điều về xã hội, thời thế giai đoạn cụ sống, giới học giả đương đại nên tìm đọc bản thảo cuốn hồi kí "Sớm nghĩ chiều hôm" của cụ. Tôi có nghe nói, bản thảo cuốn hồi kí rất quý giá này được Cụ Đào trao tay cho ông Tạ Trọng Hiệp, một học giả uyên thâm, chuyên gia hán nôm học, đem qua Pháp vào thời gian cuối đời của cụ Đào, khoảng nửa cuối những năm 80 thế kỉ XX. Nếu quý vị nào có thông tin cụ thể hơn xin vui lòng cho biết thêm.

    Trả lờiXóa
  4. Vào hồi 21h55 ngày 19 tháng 12 năm 2011, tôi có đăng nhận xét nói về cuốn hồi kí "Sớm nghĩ chiều hôm" của cụ Đào Duy Anh. Nay xin đính chính lại là cuốn "Nhớ nghĩ chiều hôm". Sau khi nhờ Google, tôi có biết là cuốn này đã được xuất bản tại một số nhà sách ở Sài Gòn. Tuy vậy bản thảo gốc, tôi vẫn tin là còn nằm đâu đó ở Paris, chắc chắn cuốn mà Sài Gòn ấn hành được đã bị kiểm duyệt hoặc tự kiểm duyệt để lọt lưới xuất bản, khó lòng mà giữ nguyên được bản gốc hầu độc giả. Và vì vậy, những phần còn lưu lạc bên ngoài cuốn hồi kí mới hấp dẫn và đáng truy tìm. Nay thì tôi biết ông Tạ Trọng Hiệp cũng đã về thế giới bên kia với cụ Đào, người thầy của ông rồi. Nhưng tôi tin những gì cụ để lại với hậu thế qua cuốn hồi kí "Nhớ nghĩ chiều hôm" sẽ là vô giá với giới học giả tinh hoa, chân chính của nước nhà.

    Trả lờiXóa
  5. Nhân dịch một vài bài viết về họ Hà (từ chữ Hán cổ và chữ Hán quan thoại), định bụng đến hỏi Cụ về mối quan hệ nghĩa của các chữ dưới đây:

    瑊 đá ngọc
    珵 ngọc bội
    玳 đồi mồi
    琎 viên ngọc bích nhỏ
    瑾 một thứ ngọc tốt
    瑞 viên ngọc

    Thế là chẳng bao giờ còn cơ hội
    Đau buồn thay

    Hà Hữu Nga

    Trả lờiXóa