Chính phủ Trung Quốc thuê các Tweeter viết bài trên mạng
Tác giả: B. Raman
Trúc An dịch
11-12-2011
Ngày 9 tháng 12 năm 2011, Đài Á châu Tự do được Bộ Ngoại giao Mỹ bảo trợ, đã phổ biến một bản tin của hãng tin AFP về cách Trung Quốc cố gắng chống trả những chỉ trích nhắm vào chính phủ và Đảng Cộng sản nước này như thế nào, và việc loan “những tin đồn” phiền phức qua Internet của các blogger và các công dân mạng.
Đây là nguyên văn bản tin của hãng AFP được Đài Á châu Tự do phổ biến:
Các tuyên truyền viên trên mạng của Trung Quốc lộ tẩy
Một cặp biên lai bị rò rỉ từ một trường đại học ở tây bắc Trung Quốc, cho thấy rõ ràng về khoản tiền được trả cho các nhà bình luận trên Internet, do chính phủ bảo trợ, được biết đến là “đội quân 50 xu”, đang được lưu truyền trong các cư dân mạng tuần này.
Được đóng dấu chính thức từ “Ủy ban Tuyên truyền Đảng ủy Trường Đại học Bách khoa Tây Bắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc“, cặp biên lai này xác nhận tiền được trả cho “các bình luận viên Internet”.
Một nhân viên trả lời điện thoại tại trường đại học có trụ sở ở Tây An xác nhận rằng, có công việc như vậy tồn tại trong trường.
“Bạn muốn nói tới một chuyên gia tuyên truyền“, anh này nói khi được hỏi liệu có một công việc như “bình luận viên Internet” tại trường hay không. Tuy nhiên, nhân viên này không biết nhiều về công việc đó, và cung cấp một số điện thoại khác giúp hỏi thêm thông tin.
Người trả lời điện thoại thứ 2 này cũng xác nhận có công việc như vậy. Anh ta nói: “Tất nhiên là chúng tôi có. Công việc là viết tin tức… chẳng hạn, họ có thể dùng kiến thức của mình cho các bài viết mang tính học thuật“.
“Với tài liệu biên tập từ nhóm, họ có thể viết ra các bài có giá trị lớn”, người này cho biết. Tuy nhiên, ông cúp máy khi bị gặng hỏi thêm chi tiết.
Trung Quốc đang đẩy mạnh [công tác] huấn luyện truyền thông cho các quan chức nước này cùng một đội ngũ bình luận viên tự do được trả lương để định hướng tranh luận với công chúng trên mạng, được biết đến là “đội quân 50 xu”, theo tin tứ báo chí chính thức trong những tháng gần đây.
Một bản tin từ đài truyền hình địa phương, đài Hubei Xishui, cho biết, các quan chức thuộc ban tuyên truyền quận Xishui nói, họ đã tổ chức các bài tập huấn cho các phát ngôn viên chính thức và “các bình luận viên Internet”.
Các khóa huấn luyện truyền thông dành cho các bình luận viên và các quan chức chính phủ, gồm các thủ thuật về cách chi phối tin tức của các tổ chức báo chí lớn nhất nước, cũng như một số biện pháp sử dụng trên Internet và truyền thông xã hội để loan truyền thông điệp của chính phủ.
Tin tức cho biết, các bình luận viên Internet phải đưa tin “sự thật” càng nhanh càng tốt, bổ sung thông tin bằng cách giảng giải về các sự kiện, và chi phối các cuộc thảo luận trên mạng theo định hướng “đúng”.
Các cựu blogger và các nhà hoạt động trực tuyến nói rằng, một ngày làm việc điển hình của một người trong ‘đội quân 50 xu’ gồm việc theo dõi các bài đăng trên các diễn đàn, các bài đăng trên các microblog và chat-room, về những chủ đề liên quan tới một từ khóa cụ thể nào đó mà các nhà quản lý đưa cho họ.
Họ được trả bao nhiêu tùy thuộc vào số lượng các bình luận, các tweet và các bài đăng mà họ đưa ra để lái cuộc thảo luận theo hướng mà chính phủ mong muốn.
Theo các biên lai được lưu truyền gần đây, có các chi tiết cá nhân của người tham gia ‘đội quân 50 xu’ đã bị làm mờ, hai bình luận viên đã được trường đại học trả tiền, một người được trả 20 nhân dân tệ, và người kia 30 nhân dân tệ.
Thế giới của các bình luận viên làm việc trên mạng cho chính phủ thì không rõ ràng, các cư dân mạng bình thường phải tự phỏng đoán cách thức hoạt động, từ việc hành xử của họ trên mạng hay từ một tài liệu bị rò rỉ đặc biệt nào đó.
Hồi đầu năm nay, trang tin tức Canyu đã rò rỉ một tài liệu có tựa đề “Sổ tay công việc nội bộ” (Internal Work Handbook), tài liệu này được cho là dành cho các bình luận viên 50 xu. Cuốn sổ đó hướng dẫn các bình luận viên đã được thuê mướn, cách truy tìm nguồn gốc của bất kỳ “lời đồn” nào trên mạng, và sau đó ra lệnh cho trang web đầu tiên đã đăng bản tin đó, phải xóa bỏ bài viết vi phạm.
Một sinh viên Trung Quốc từ chối cho biết tên, tiết lộ rằng, anh ta đã từng viết các bài viết cho trên mạng cho chính phủ, để kiếm thêm chút tiền.
Anh nói: “Tôi cũng thấy các bạn cùng lớp làm như vậy, và tôi hề không nghĩ gì về điều này. Tôi không biết chúng tôi là những người của cái gọi là ‘đội quân 50 xu’. Tôi thực sự không hiểu điều mình đang làm, và tôi hơi thiếu đạo đức. Giờ đây, tôi thực sự hối tiếc vì đã chiến đấu cho họ với những bình luận như vậy“.
Sinh viên này còn nói rằng anh đã kiếm được khoảng 100-120 nhân dân tệ mỗi tháng từ việc viết các bài đó.
Theo Li Li, chuyên gia Intenet Trung Quốc, trong khi đội quân 50 xu này có vẻ gia tăng về số lượng, tính hiệu quả của họ lại rất hạn chế.
Li nói: “Nếu bạn làm nhiều điều tồi tệ, bạn sẽ mất uy tín… và cuối cùng thì chẳng ai tin vào những điều bạn nói. Sau đó sẽ có một phản ứng dữ dội; mọi người sẽ biết đội quân 50 xu này là ai, và uy tín của chính phủ có thể sẽ ở mức thấp nhất“.
Blogger Wen Yunchao, có nickname trên mạng là Beifeng, cho biết, hầu hết các công dân mạng đều làm lơ những người thuộc đội quân 50 xu.
Anh nói: “Chúng tôi giả vờ như không hề nghe thấy họ. Chúng tôi xem như thể họ không có ở đó, và không bao giờ đưa ra bất kỳ một phản ứng nào. Điều này làm giảm ảnh hưởng của họ rất nhiều“.
Tác giả: Ông B. Raman là Bộ trưởng đã về hưu, thuộc Ban Thư ký Nội các của chính phủ Ấn Độ, New Delhi, và hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu các đề tài thời sự ở Trung tâm Chennai, ông cũng hợp tác với Trung tâm Chennai về nghiên cứu Trung Quốc. Email của ông seventyone2@gmail.com
Nguồn: South Asia Analysis Group
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Nguồn: Ba Sàm.
Hữu xạ tự nhiên hương. Một cường Quốc đàng hòang sẽ được thế giới kính trọng. Còn mới nổi mà TQ đã đầy rẫy mâu thuẫn và đầy tham vọng bá quyền từ biển Đông, lan sang cả Châu Phi, hiện tại còn muốn gây ảnh hưởng tới Châu Âu (nhưng Châu Âu rất ngại chơi với Ông bạn này). Dù có bỏ tiền đến đâu thì trọc phú vẫn hòan trọc phú, nếu Trung Quốc không phát huy được những đặc tính tốt của dân tộc và cả những tư tưởng tiến bộ thì có bôi nước hoa lên thì xú uế vẫn hòan xú uế!
Trả lờiXóaĐây là bài viết của ban tiếng Hoa đài Châu Á Tự do RFA chứ không phải của AFP.
Trả lờiXóaSouth Asia Analysis Group nhìn vào ảnh minh họa lấy từ nguồn AFP nên suy luận mà không đọc đến cuối bài thì sẽ thấy dòng chữ dưới đây:
Reported by Xin Yu for RFA's Mandarin service. Translated and written in English by Luisetta Mudie.