Hoàng Lâm & Hoàng Nguyên
An ninh/thịnh vượng của Việt Nam, của các nước trong khu vực là một và không thể chia cắt! Độc lập dân tộc chỉ có thể bền vững trên căn bản tự cường quốc gia và tự cường khu vực.
Châu Á đang kết thúc năm cũ với nhiều sự kiện sẽ còn tác động lâu dài và theo hướng tích cực đối với cục diện chung. Tổng thống Obama thực hiện chuyến công du 9 ngày trong khu vực. Lần đầu tiên các nguyên thủ Mỹ/Nga có mặt tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và cũng lần đầu tiên, một ngoại trưởng Mỹ thăm Myanmar trong vòng 50 năm. Liên hiệp quốc xử các lãnh tụ Khơ me Đỏ về tội diệt chủng ở CPC. Ba nước Đông dương khẳng định thúc đẩy "Tam giác phát triển". Tất cả diễn ra khi "khí hậu trên Biển Đông" và nhiều vùng biển khác trong vùng nóng lên trông thấy; đồng thời Mỹ và Trung Quốc tiếp tục canh bạc ngày càng phức tạp hơn, xoay quanh quyền chủ đạo các công việc ở CÁ-TBD và toàn cầu.
Việt Nam đóng góp vào "Bản hòa tấu châu Á"
Những tháng cuối năm nay, ngoại giao nguyên thủ Việt Nam đã tạo dấu ấn nổi bật. Chúng ta chứng kiến các chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, một số nước ASEAN, trong đó có Philippines và đặc biệt là Myanmar. Việt Nam cũng tiếp đón một số các lãnh đạo quốc gia khác đến Hà Nội. Những giao tiếp cấp cao như thế này thường mở ra thời kỳ mới trong các mối quan hệ giữa các nước, các khu vực. Trong giao tranh quân sự, khi lâm trận tướng cầm quân thường ở tuyến sau. Trên mặt trận đối ngoại, thủ lĩnh luôn luôn xuất hiện ở tuyến đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch.
Ngoại giao nguyên thủ, ngoại giao cấp cao như tấm gương. Soi vào đấy, thấy sáng rõ sự đóng góp của các diễn đàn đa phương/song phương cho kiến trúc an ninh mới trong khu vực. Buổi thảo luận về "an ninh hàng hải", từ nay được hiểu là vấn đề Biển Đông tại Hội nghị EAS là một điển hình. 16/18 nước đã đề cập đến vấn đề nhạy cảm này trong đời sống chính trị khu vực. Mặc dầu trước/ngay trong cuộc Hội nghị Cấp cao đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định là Trung Quốc không muốn bàn vấn đề Biển Đông tại diễn đàn đa phương này. Nhưng các nước cứ chủ động nêu ra, cho dù không hề có sự vận động hành lang nào cả. Những tín hiệu tích cực này có cơ làm cho quan hệ giữa nước lớn và các nước nhỏ trong khu vực trở nên cân bằng hơn, đỡ căng thẳng hơn chăng? Một COC với nhiều ràng buộc về pháp lý giữa TQ và ASEAN sẽ sớm thay thế DOC như nguyện vọng của nhiều thành viên liên quan tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông?
Sau diễn đàn EAS là cuộc gặp giữa 9 thành viên tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên TBD (TPP). Các nguyên thủ của 9 nước mở đường cho một không gian tự do thương mại lớn nhất hành tinh này ý thức được tính cấp bách của sự ra đời thế hệ thứ ba của thỏa thuận thương mại tự do toàn cầu. Đây là hình thức hội nhập "theo chiều sâu", trong đó các cam kết sẽ mạnh mẽ hơn, ở nhiều lĩnh vực hơn và do đó, mức độ tác động tới hiện tại và tương lai của các nền kinh tế cũng như của mỗi ngành cũng lớn hơn và phức tạp hơn. Dĩ nhiên, thuyền to thì sóng sẽ to. Càng hội nhập sâu, sự chuẩn bị càng phải kỹ lưỡng. Nay mai, Nghị quyết mới về hội nhập toàn diện có thể phải ra đời để thay thế cho chủ trương trước đây của Bộ Chính trị, chỉ nhấn mạnh hội nhập kinh tế đơn thuần.
Hướng tới một chiến lược phát triển tích hợp
Tham gia TPP, từ năm 2012, Việt Nam có cơ hội là đối tác đàm phán bình đẳng với 12 thành viên khác để cùng nhau đưa ra những cam kết chung. Khác với con đường "ba chìm bảy nổi" để đến được với Hiệp định WTO trước đây mấy năm, trong quá trình đàm phán TPP lần này, Việt Nam có một số thuận lợi. Với Nghị quyết Đại hội XI bật đèn xanh cho "hội nhập toàn diện", giờ đây các nhà đàm phán VN có nhiều điều kiện để cân nhắc các lợi ích và dự báo trước các thách thức. Phải xuất phát từ lợi ích và thách thức của mình cũng như của các thành viên liên quan để có thể chủ động hướng tới những thỏa thuận cùng có lợi. Tất nhiên, mọi cuộc đàm phán đều đòi hỏi các bên phải biết thỏa hiệp. Việt Nam cố gắng bảo vệ những lợi ích cốt lõi của mình. Những lợi ích này phải được đặt trong yêu cầu phát triển với chuẩn mực ngày càng cao của đất nước. Ra biển lớn kỳ này, Việt Nam càng cảm nhận rõ hơn "cuộc khủng hoảng kép" của thế giới.
Lần đầu tiên, Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất trí với đa số áp đảo, từ bỏ quan niệm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nhà nước chiếm hữu tư liệu sản xuất chủ yếu. Chủ trương lớn này tương thích với các yêu cầu của Hiệp ước TPP đối với hệ thống các doanh nghiệp nhà nước. Điều này cho thấy, từ nay, chính sách đối ngoại không còn đơn giản chỉ là sự kéo dài của chính sách đối nội. Đường lối đối nội và đối ngoại sẽ được nhìn nhận trong một chiến lược tổng thể và tích hợp. Thiếu một chiến lược nhất quán và dài hơi, các hoạt động đối ngoại chỉ là sản phẩm của những thỏa hiệp. Chính trong tinh thần khẩn trương này, hệ thống các "quan hệ đối tác chiến lược" giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước khác trong P5 sẽ được hình thành và củng cố vững chắc.
Lần đầu tiên, cùng trong một ngày, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước trực chỉ thăm cấp nhà nước tới hai cường quốc là Trung Quốc và Ấn Độ. Tại CHND Trung Hoa, TBT Nguyễn Phú Trọng được 9 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc hội đàm và tiếp kiến, trong số đấy có cả người tương nhiệm và người sẽ kế vị. Với Ấn Độ, Tập đoàn ONGC và PetroVietnam vẫn hướng đến sự phát triển hợp tác lâu dài trong lĩnh vực dầu khí. Trước toàn thể quốc dân và thế giới, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nhấn mạnh giải pháp cho chuỗi vấn đề tranh chấp này phải dựa vào DOC/COC và luật pháp quốc tế.
Cũng là dịp hiếm hoi, Hội nghị Ngoại giao 27 lần lượt được đón Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Kết thúc hội nghị, các đại sứ và trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài còn được Chủ tịch nước tiếp tại Phủ Chủ tịch. Chủ tịch nước căn dặn các cán bộ ngoại giao phải chủ động, sáng tạo, tránh căn bệnh máy móc, giáo điều, đề xuất và tham mưu kịp thời với Đảng/Nhà nước những sách lược phù hợp. Gợi ý thảo luận tại hội nghị, Tổng Bí thư nhấn mạnh các bài học phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, độc lập tự chủ phải đi đôi với hội nhập quốc tế và ngoại giao phải "dĩ bất biến ứng vạn biến" như là những kinh nghiệm hàng đầu. Những thay đổi mang tính lịch sử của thập niên đầu thế kỷ 21 đã định hình. Giới phân tích cho rằng, thập kỷ tới các xu thế này vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng của mười năm qua, nhưng sẽ chuyển động với vận tốc nhanh hơn. VN do đó sẽ phải tiếp tục cuộc việt dã với các cơ hội mới, vì "thời gian và thủy triều chẳng chờ đợi ai!"
Nguồn: Tuần Việt Nam.
Lâm Khang bình: Quả là bài tổng kết ngoại giao năm 2011 khá hoành tráng. Độc giả chịu khó "đọc giữa hai dòng chữ" để thấy hết thành tựu trong một năm. Nhưng sao không thấy tác giả nói đến thất bại nhỉ? Ở đời cái gì chả có hai mặt. Ừ nhưng cũng phải, nếu viết thất bại thì chắc không phải là viết cho "lề phải" rồi!
Trong các nước lớn, nổi lên một Trung Quốc chỉ trình làng được cái lòng tham lam, cái sức cậy khỏe.
Trả lờiXóaTrung Quốc chẳng giới thiệu được cho thế giới cái giá trị nhân bản nào, cũng chẳng đưa ra được chủ thuyết nào để các nước ca ngợi ngòai sự nghi ngờ!
Đi đến đâu thì Trung Quốc cũng chỉ đưa ra được lời hứa...bằng mồm.
Thế thì mãi mãi Trung Quốc chỉ đứng ngoài cuộc chơi lớn của các cường quốc, và có thể trong tương lai, Trung Quốc chỉ chơi với chính mình mà thôi!
Tương lai Trung Quốc là cả một con đường gian nan trước mắt!
Cứ xem những sự kiện xảy ra gần đây thì đủ rõ đường lối ngọai giao của Trung Quốc kể từ thời Lưu Bang nhà Hán đến nay không đổi. Thế kỷ thứ 21 rồi mà vẫn còn duy trì một chính sách ngoại giao lạc hậu như thế thì bó tay!
Trả lờiXóaTrung Quốc không có cái đầu thông tuệ trên trường quốc tế: người Mông Cổ thì bài Trung quốc, Tây Tạng thì đòi độc lập, Miến Điện thì muốn quay lưng, Đài Loan bé tí teo thì nuốt không nổi, Philippines thì răn đe, chính phủ mới ở Lybia thì còn nhớ mối thù ủng hộ Gaddafi, châu Âu thì không muốn Trung Quốc giải cứu khủng hỏang vì họ nghi ngờ thiện chí của mấy ông Tàu, và người Việt Nam thì ghét Tàu ra mặt, dân châu Phi thì xô xát với dân Tàu qua đó làm ăn....một tỉ vấn đề.
Trả lờiXóaTrung Quốc sẽ chỉ chơi một mình thôi!
UY tín của Trung Quốc trên trường quốc tế rất kém:
Trả lờiXóa_ Nga không muốn bán vũ khí cho Trung Quốc vì nạn sao chép và sau đó xuất khẩu vũ khí giống hệt Nga với giá rẻ hơn.
_ Trung Quốc tranh chấp vùng đất Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh với Ấn Độ và chiến tranh đẫm máu với nước này năm 1962, hiện nay căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn còn âm ỉ.
_ Chẳng ai mời Trung Quốc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership) năm 2011 mới đây vì lo ngại tính không nhất quán của nước này.
Tóm lại, Trung Quốc là một gã xấu tính: người giàu, người khỏe thi ghét và người nghèo người yếu thì óan!
Đấy là gương mặt của Trung Quốc trong thế kỷ 21!
Trò mị dân :
Trả lờiXóaTriều Tiên tiết lộ những điều kỳ bí khi ông Kim qua đời
Triều Tiên cho biết, một trận bão tuyết dữ dội đã xảy ra và bầu trời đã chuyển sang màu đỏ phía trên ngọn núi thiêng Paektu chỉ vài phút trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời.
...
http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/53926/trieu-tien-tiet-lo-nhung-dieu-ky-bi-khi-ong-kim-qua-doi.html