Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

KTS LÊ HOÀNG: TÔI ĐẶC BIỆT PHẢN ĐỐI CÁI GỌI LÀ "LUẬT THỦ ĐÔ"


Kính thưa các bác,

Nhân đọc bài “Chủ tịch thành phố Hà Nội muốn nghe dân phản biện” trên Blog của TS Nguyễn Xuân Diện, tôi xin có mấy ý kiến đóng góp.

Có thể ý kiến của tôi hơi gay gắt, nhưng nhìn từ góc độ một Kiến trúc sư tôi đặc biệt phản đối cái gọi là “Luật Thủ đô”.

Ông Nguyễn Thế Thảo, người xuất thân vốn là một Kiến trúc sư (tôi có quen nhiều người biết rõ quá trình học tập của ông), sau đó ông rẽ ngang sang con đường hoạt động chính trị. Thú thực là từ khi nghe tin ông Thảo từ Bắc Ninh được điều về làm chủ tịch Thành phố Hà Nội thì chúng tôi nửa hy vọng lẫn nửa nghi ngờ.

Hy vọng vì dù sao ông cũng xuất thân là một KTS, biết đâu vì “máu nghề nghiệp” nổi lên mà ông có những chiến lược xây dựng Thủ đô sao cho đàng hoàng, to đẹp hơn. Đặc bịêt giới KTS chúng tôi rất hy vọng ông xoá bỏ được tình trạng quy hoạch treo và một sự rất tệ hại trong quản lý quy hoạch đó là việc “điều chỉnh quy hoạch cục bộ”.

Có thể diễn tả một cách nôm na cho những người ngoài ngành hiểu là, một khu đất đã có quy hoạch chung là trường học chẳng hạn, với tất cả những lý lẽ về “sự cần thiết của nó”. Sau đó có một doanh nghiệp nào đó muốn được giao khu đất đó để xây dựng văn phòng hay khách sạn…v.v họ sẽ chạy dự án và xin “điều chỉnh quy hoạch cục bộ” khu đất đó và chuyển đổi mục đích sử dụng từ xây trường học sang dự án mà họ định triển khai. Chả phải nói thì ai cũng hiểu việc chuyển đổi đó cũng rất “thuyết phục” và đầy đủ lý lẽ về sự cần thiết của nó mà chả cần đếm xỉa gì đến cái “sự cần thiết” phải xây trường học trước kia. Tất nhiên là với điều kiện…………

Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu quốc hội Nguyễn Đình Quyền đã phát biểu minh chứng cho sự thất bại của quy hoạch trong 10 năm qua. Các bác có thể tham khảo thêm trên các báo “chính thống”.

Còn nghi ngờ? Là vì như trên đã nói, có nhiều người biết rõ quá trình học tập và hành nghề của ông Nguyễn Thế Thảo cho đến khi làm lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Do vậy sự tin tưởng đối với năng lực nghề nghiệp của ông là không cao. Chưa kể tới ông là một nhà quản lý, chính trị gia ở VN nên sẽ bị rất nhiều nhóm lợi ích chi phối. Việc “nhóm lợi ích” chi phối ông thế nào rất nhiều người biết nhưng vì không có bằng chứng vật chất nên không dám trình bày ở đây.

“Ở Việt Nam có một rừng luật …” là phát biểu của cố Luật sư, Đại biểu Quốc hội Ngô Bá Thành - một luật sư nổi tiếng trong và ngoài nước. Có thể khẳng định VN chúng ta không thiếu luật, và việc “Luật Thủ đô” bị khoá họp Quốc hội trước bác bỏ là hoàn toàn đúng đắn vì tính mơ hồ của nó.

Một trong những “xương sống” của Luật thủ đô mà thành phố Hà Nội trình lên Quốc hội phê duyệt, đó là lấy lý do Hà Nội là một thành phố “đặc thù” do đó cũng cần phải có một cơ chế “đặc thù” để quản lý nó.

Vậy, có thủ đô nào trên thế giới mà lại không có sự “đặc thù” riêng của nó?

Khoan hẵng bàn chuyện liệu các Thủ đô trên thế giới có bộ luật riêng hay không, việc đó sẽ có một bài riêng phân tích. Vả lại tham khảo học tập là cần thiết nhưng chúng ta không cần cái tư duy là, thế giới có cái gì thì mình cũng có cái đó.

Trở lại vấn đề đặc thù đã nói ở trên, chính vì sự mơ hồ trong “đặc thù” mà bộ luật đã bị Quốc hội bác bỏ trong kỳ họp trước. Hà Nội đã không chỉ ra được nó có đặc thù ở điểm nào? Nó khác gì các đô thị khác? Tiêu chí vì Hà Nội xanh, sạch, đẹp, vì hoà bình….v.v thì bất kỳ thành phố nào trên thế giới đều mong muốn đâu phải riêng Hà Nội?

Hà Nội luôn đòi hỏi cơ chế riêng để quản lý điều hành, nhưng như trên đã nói Việt Nam chúng ta không thiếu Luật. Vấn đề là có vận dụng đúng, đầy đủ các bộ Luật đã ban hành hay không và vận dụng thế nào mới là quan trọng.

Hãy thử nghĩ xa hơn điều gì sẽ xảy ra nếu các thành phố ở Việt Nam đều đòi có bộ luật riêng để quản lý điều hành. Ví dụ thành phố Điện Biên cần bộ luật riêng vì lý do có nhiều di tích lịch sử quan trọng, là thành phố thuộc tỉnh biên giới quan trọng về an ninh quốc phòng. Tương tự như vậy thành phố Cao Bằng, Hà Giang v.v... cùng lý do trên và thêm lý do có nhiều dân tộc anh em sinh sống, là miền núi đặc biệt khó khăn….vv và vv. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có lý do là trung tâm kinh tế thương mại, là thành phố đông dân nhất cả nước…vv.

Tất cả những  lý do trên đều chính đáng. Nhưng Hà Nội không chỉ ra được nó đặc thù ở chỗ nào? Nó cần bộ luật gì mà phải có nó Hà Nội mới phát triển xứng tầm (trên cơ sở giả dụ các lãnh đạo đều xứng tầm mà thiếu công cụ luật pháp). Hay vì tôi là Thủ đô nên tôi phải đặc thù?

Hãy nhớ, khi quyết định nhập tỉnh Hà Tây về Hà Nội. Trong tờ trình đọc ở kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố có những kiến giải lý do hết sức ngô nghê để sát nhập là “Hà Tây là vành đai cung cấp rau xanh cho nội thành Thành phố Hà Nội….”. Lý do ngô nghê này sau đó đã phải sửa đổi.

Tôi yêu Hà Nội, hơn nữa tôi là người gốc Hà Nội nhưng tôi đặc biệt phản đối cái gọi là “Luật thủ đô”. Nó chỉ tạo nên tình trạng cát cứ và phân biệt đối xử, tệ hơn là tình trạng “con gà tức nhau tiếng gáy” trong cả nước. Đặc biệt là với trình độ quản lý điều hành ở Việt Nam chúng ta hiện nay.
Trân trọng
KTS. Lê Hoàng

29 nhận xét :

  1. Chuẩn không cần chỉnh! Tôi ủng hộ ý kiến của KTS Lê Hoàng

    Người Việt

    Trả lờiXóa
  2. Có luật thủ đô rồi chúng ta từ từ làm luật của Quận, rồi luật của Phường, tiếp đó luật của khu phố, rồi luật của Tồ Dân phố...vv...Vui nhể...hihihihi

    Trả lờiXóa
  3. Cách chỉnh trang HN nhân kỷ niệm 1000 năm TL làm tôi nghi ngờ trình độ thẩm mỹ cũng như trình độ quản lý của lãnh đạo HN nói chung và cá nhân ông chủ tịch thành phố.
    Một HN lòe loẹt, phô trương y như một cô gái nhà quê bị tô son trát phấn, cố cho phải thật bắt mắt. Ngay cả đến bây giờ, khi lễ hội đã qua,mỗi lần đi qua Hồ Gưom vào buổi tối, tôi không khỏi thở dài vì những chùm đèn xanh đỏ, lòe loẹt, đèn lắp chìm dưới vỉa hè quanh hồ, biến Hồ gươm giống như sàn catwark. Chúng ta còn thiếu điện lắm,có nhất thiết phải thắp nhiều đèn thế không khi không phải lễ hội? Xin ông chủ tịch Thảo cùng các lãnh đạo thành phố hãy trả lại vẻ đẹp trầm tư, mộc mạc cho Hồ gươm và HN. Vỉa hè có lát lại thì cũng cần tính toán các công trình ngầm phía dưới, tránh đào lên, lấp xuống nhiều, tốn kém lắm mà khổ dân phải chịu cảnh bụi bặm, tắc đường...
    Cái nhỏ còn chưa làm được, nói gì đến cái lớn hả ông Thảo?
    Hà nội không phải là của một nhóm người nào và không phải là chỗ tìm kiếm lợi ích riêng, thưa lãnh đạo thành phố.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Người Đà nẵnglúc 13:42 2 tháng 11, 2011

    Bác Diện ạ! Có lẽ ta phải phản đối cái này, vì về bản chất là không chuẩn, nó sẽ có thể vừa tạo sự độc lập mang mầu sắc ly khai, mà vùă có thể là tiền lệ để các địa phương cũng xin có luật gì đấy hoặc qui định na ná.
    Trên thế giới, mà cụ thể là Mỹ, luật bang tồn tại và được tuân thủ và nó mang tính hơi riêng biệt 1 tí, nhưng Công dân Mỹ đều sống trong sự hài hoà của toàn thể Đất nước và hình như những cái khác biệt đó không "xung khắc cơ bản với những cái chung".
    Không thể xây dựng Luật thủ đô được và không bao giờ nên, đấy là một cảnh báo.

    Trả lờiXóa
  6. Ngọc Dũng (Sài Gòn)lúc 13:43 2 tháng 11, 2011

    "Tương tự như vậy thành phố Cao Bằng, Hà Gian v.v... " - Chả biết có phải viết sai chính tả hay cố ý nói người Hà là... gian ?

    Trả lờiXóa
  7. Tôi đồng ý với KTS Lê Hoàng.
    Chúng ta làm luật rất nhanh, cả một rừng luật nhưng thực thi thì theo luật rừng (lúc này trong đầu tôi lại nghĩ đến anh cảnh sát giao thông oai hùng núp ở quãng đường vắng vẻ...)

    TH

    Trả lờiXóa
  8. buồn làm gì . Ốm ra đáy ai thương . Bệnh vêện đang đòi tăng viện phí đấy

    Trả lờiXóa
  9. Quê tôi ở Đông Hà Quảng Trị, một địa phương đặc thù của miền trung, một địa danh nổi tiếng trong chiến tranh, miền đất nơi ngã ba Đông dương nối với cửa khẩu lao bảo lớn nhất trên biên giới Việt Lào...Xin quý vị tư vấn cho tôi thủ tục trình Quốc hội xin ban hành luật riêng cho Đông Hà...Híc...!

    Trả lờiXóa
  10. Nhà cháu nghĩ rằng những người có ý muốn luật được thông chỉ là " Lý do to hơn mục đích" toàn đưa ra những lời to tát, khẩu hiệu, và hình thức.
    Chẳng có TP thủ đô ngàn năm tuổi nào trên thế giới mà quanh năm suốt tháng treo đầy những khẩu hiệu với nội dung cổ động cũ rích, sáo rỗng. Còn với cương vị là người đứng đầu thành phố, muốn làm thì chẳng cần luật thủ đô ông Thảo cũng có khối việc dưới đây để làm cho dân được nhờ:
    1. Chúng ta sống trong một đất nước thì hiến pháp, pháp luật phải bình đẳng cho mọi người dân bất kể vùng miền, giai cấp, tôn giáo. Chúng ta không cần phân loại công dân kiểu này.
    2. HN đang kẹt xe tắc đường triền miên ông xem xét giải quyết thế nào, nhân viên xe bus làm nhục hành khách, trộm cắp móc túi khắp nơi.
    3. Muốn thành phố hòa bình mà công an hành xử với người yêu nước không khác gì côn đồ, vi phạm hiến pháp. Hễ va chạm giao thông là rút súng, dao kiếm xử nhau, săn bắn bày bán chim chóc động vật hoang dã công khai, chặt trộm cây, lấp ao hồ.
    3. Công chức vô cảm, nhũng nhiễu, tham nhũng ở mọi ngành nghề, chỉ số cạnh tranh thấp.
    4. VTV vừa đưa tin hết 2012 HN không còn chỗ chôn rác, đường phố bụi bẩn, mất vệ sinh,ô nhiễm mội trường, có rất ít nhà WC công cộng cho người dân và khách du lịch, vỉa hè vừa lát xong đã xuống cấp, hư hỏng.
    5. Khu công nghiệp gây ô nhiễm, độc hại cho người dân (KCN Quang minh).
    6. Quy hoạch lộn xộn chẳng đâu ra đâu, nước nghèo mà xây những con đường đắt nhất thế giới.
    7. Văn hóa y tế,giáo dục ngày càng xuống cấp, bằng cấp không được thế giới công nhận, học nhồi nhét, thiếu trường học người dân phải xếp hàng từ đêm hôm trước xin học cho con. Di tích lịch sử trùng tu rất nhiếu nhưng hầu hết đánh mất giá trị xưa cũ, lễ hội cổ truyền bị sân khấu hóa, tệ nạn, nhếch nhác. Bệnh viện quá tải khiến người dân vô cùng khổ sở, bác sỹ nhận phong bì, vô cảm, thiếu y đức. Thực phẩm độc hại không an toàn.
    8. Người làm công ăn lương, sinh viên, công nhân ngoại tỉnh khó khăn về đời sống, thiếu thốn nhà nhà ở nghiêm trọng và cũng không đủ tiền mua hay thuê. Nông dân bị lấy đất nông nghiệp thiếu việc làm, tệ nạn nảy sinh ngày càng nhiều đời sống khó khăn.

    Là dân thường nhà cháu chỉ nghĩ được đến vậy, nếu ông Thảo muốn làm thì chắc không thiếu việc cho ông, chứ ông không cần nhất quyết phải thông cho bằng được cái luật đó. Nếu cứ thông qua luật mà người ta chấp hành ngay thì có lẽ nước ta giàu mạnh từ lâu rồi không riêng gì thủ đô.

    LOA PHƯỜNG

    Trả lờiXóa
  11. Phép Vua thua lệ Làng - các Cụ chả nói từ xưa còn gì ?
    Quốc pháp gia phong là đúng nhưng chả ai nói Quốc phong gia pháp cả, phép làng lệ Vua cũng vậy, nói sao được.
    Luật là luật, mà luật thì chỉ ở cấp nào mới có luật, làm luật chứ, anh nào cũng cho mình là số 1, mình phải biết mình là ai, là mõ thì cứ thế rao, rao gì đã có thằng viết sẵn, rao sái đánh bỏ mẹ, cho thôi việc.
    Anh Thảo là ai mà làm luật ? anh lại gắp nhầm mâm rồi, anh bên Ủy ban thì chỉ biết làm cái gì HĐ ND đưa ra thôi chứ, sao lại gắp sang mâm khác thế có ngày các Cụ bẻ đũa thì làng cười chết nhục.
    KTS Lê Hoàng chỉ nói sâu về chuyên môn mà chưa nói đụng đến vẫn đề pháp lý, ai là ai cái đã, làm cái gì, như thế nào tính sau.
    Tất cả đảo lôn hết cả, chả biết thế lào mà nần.

    Trả lờiXóa
  12. "Vậy, có thủ đô nào trên thế giới mà lại không có sự “đặc thù” riêng của nó?"
    Kiến trúc sư Lê Hoàng đặt vấn đề phản biện rất căn cơ.Cảm ơn ông.

    Trả lờiXóa
  13. Nói như Người Hà Nội nói thì nhà cháu cũng lại cũng nói...
    Quê tôi ở Thanh Hoá
    Cũng là vùng đất nổi tiếng trong chiến tranh với địa danh Hàm Rồng. Ngoài ra, quê nhà cháu còn là quê hương của vị anh hùng Triệu Thị Trinh, Lê Lợi.... Nỗi khiếp sợ của giặc Tàu. Đặc biệt quê cháu là nơi cung cấp mắm tôm để người thủ đô thanh lịch ăn thịt chó và món nem nổi tiếng... Với đặc thù đó, đề nghị Quốc hội ban hành Luật Thanh Hoá... !

    Trả lờiXóa
  14. NXD ,NEN KHOA PHAN HOI HOAC GIU PHAN HOI CO CHON LUA.NHIEU PHAN HOI NON KEM LAM GIAM GIA TRI NHUNG BAI VIET SAU SAC,Y NGHIA .

    Trả lờiXóa
  15. Cám ơn bác đã góp ý về việc hiển thị comments. Tuy nhiên, đôi khi những comments có một chữ "buồn", hay một cái đề nghị ra Luật Thanh Hóa, Luật Đông Hà...cũng rất ý vị đấy chứ, thưa bác!

    Trả lờiXóa
  16. Sao Luật Thủ đô thì ông Thảo hăng hái thế. Còn luật biểu tình thì chẳng thấy ông ấy có ý kiến gì? Điều đó là điển hình của tư duy manh mún và tư tưởng "ao làng" của người Việt, đặc biệt là của lãnh đạo Hà Nội. Ai chẳng biết Luật Thủ đô đem lại cho các ông những đặc quyền. Mà đặc quyền thì hay đi đôi với đặc lợi lắm. Xin tặng ông Thảo câu đối, mong ông cùng các quan hãy đọc và suy nghĩ xem ông cha ta đã sống thế nào?

    Một câu đối truy điệu Thám hoa Giang Văn Minh có viết:
    Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, kỳ sinh như vinh.
    Thục bất hữu tử, tử như công giả, kỳ tử do sinh.

    Tạm dịch:
    Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống
    Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống.

    Trả lờiXóa
  17. ồ thế này sắp tới chắc sẽ có Luật Bình Tĩnh (áp dụng cho Hà Tĩnh và Quảng bình).

    Trả lờiXóa
  18. KST Lê Hoàng đã mạnh dạn cất lên tiếng nói phản biện của mình, chứng tỏ LH đã không còn "sợ" nữa...

    Trả lờiXóa
  19. Thích Hán Nôm soạn bài giảng cho các "Công bộc, đầy tớ của dân" của (Hà Nội Đặc Thù Riêng) nghe sao uyên bác thế, bác học thế. Tôi ít chữ nhưng thật lòng chia sẻ.
    Quan có tâm có tầm dân sẽ kính yêu.
    Quan không hiền không tài dân sẽ kinh ghét.

    Trả lờiXóa
  20. Hoàn toàn đồng ý với KTS Lê Hoàng và tôi cũng vậy...
    "Tôi yêu Hà Nội, hơn nữa tôi là người gốc Hà Nội nhưng tôi đặc biệt phản đối cái gọi là “Luật thủ đô”. Nó chỉ tạo nên tình trạng cát cứ và phân biệt đối xử, tệ hơn là tình trạng “con gà tức nhau tiếng gáy” trong cả nước. Đặc biệt là với trình độ quản lý điều hành ở Việt Nam chúng ta hiện nay."
    Xin cảm ơn KTS Lê Hoàng đã nói thay người dân Hà Nội.
    (Muathuhanoi)

    Trả lờiXóa
  21. Có đất mặt đường nào thì bán hết, không máng thoát nước ,đường biến thành mương .Có ao hồ nào thì san lấp bán hết,phá hoại sinh thái.Trình độ cao nhưng tham lam vô độ chỉ là kẻ hại dân

    Trả lờiXóa
  22. Nói gì thì nói,cũng phải công nhận một điều là từ ngày ông Thâo về làm phủ doãn kinh đô,đã làm cho Hà nội giống Bắc ninh bằng cách gia tăng phá những di sản kiến trúc cũ của thực dân ,phong kiến để xây nhiều nhà bê tông-kính.

    Trả lờiXóa
  23. Nếu ai đã được xem qua bản dự thảo luật này thì thấy nhiều điểm vô lý,mất quyền của dân.Tôi cứ ngỡ các ông này muốn thành lập một vương quốc riêng để tăng thêm quyền lực cho họ thì đúng hơn.
    Trong dự luật có phần nói về việc tạm trú, cũng như việc làm của người ngoại tỉnh ở Hà Nội,nói chung là có phần phạm vào luật cư trú và quyền tự do của người dân.Điều này trong luật có ý không muốn cho người ở tỉnh khác về ở và làm việc tại đây,vì theo dự luật thì những người ở tỉnh khác muốn về ở HN cũng như làm việc,kể cả lao động đơn thuần cũng phải xin một cái thẻ lao động,do phòng Lao động của thành phố cấp.Thật độc đoán khi coi Hà Nội là mảnh đất riêng của một nhóm người.Hơn nữa,đẻ ra luật này chỉ gây thêm phiền hà và rườm rà thêm về thủ tục hành chính mà thôi.

    Trả lờiXóa
  24. Anh Thao oi dan chung toi kho vi nhieu luat le roi,anh dung nghi ra luat nua cho chung toi nho.

    Trả lờiXóa
  25. là công dân Hà nội gốc, tôi thấy không cần có luật Thủ Đô. Đừng tự cho mình cái quyền đứng trên các địa phương trong cả nước.
    Luật pháp là thống nhất cho cả nước. Không thể có một cái luật riêng cho Hà Nội.
    Lễ kỉ niệm ngàn năm Thăng long đã trôi qua hơn 1 năm rồi. không biết ông Thế Thảo đi làm có dùng xe Bus không? Ông có đi bộ, đi xe đạp, xe máy như mọi người không? Ngồi trong ô tô kín thì thấy được cái gì? Ông nên đi bộ một vòng hồ và ra lệnh bỏ đi những biển cám vô nghĩa, sai lung tung, những thứ tượng làm vội, xấu xa quanh hồ và trăm thứ lẩm cẩm khác làm hỏng cả cái lẵng hoa của cả nước đi.
    Là một kiến trúc sư mà ông chấp nhận để hai cái bảng điện to đùng che mất toàn cảnh Trấn Ba Đình trên đền Ngọc Sơn nom không khác gì cái dải băng trắng chỉ dùng trong tang lễ để cả năm mà không dỡ đi cho. Bảng điện chạy khẩu hiệu xanh xanh đỏ đỏ mà cắt chữ động làm 2 mảng tất sẽ có những câu khẩu hiệu nực cười vô nghĩa khi chữ bị cắt làm đôi và ta có thể chụp lại dược bằng máy ảnh.
    Ông thử ngắm lại cái tòa nhà UBND bộ mặt của Thủ Đô xem nó kệch cỡm ra sao? Ai lại bê đá qúy đặt chềnh ềnh và trồng bao nhiêu cây lộc vừng, non bộ vào nơi công sở như thế bao giờ. Chỉ có nhà lí trưởng mới có cái gu ấy. Cứ xem cái công sở mà ông là người đứng đầu cũng đủ hiểu cái trình độ kiến trúc của ông và cái gu thẩm mĩ của ông ra sao rồi.
    khi lên kế hoạch lát đá quanh hồ, bị nhân dân phản đối, dữ, Bí thư Thành Ủy đã đè nghị chỉ lát thí diểm một khúc xem nếu không được thì không lát. Sau hơn 1 năm thử, khúc lát đá này vô cùng bẩn thỉu và trơn trượt. Đề nghĩ thay trở lại gạch như cũ để cho thấm nước, sạch và an toàn
    Ông hãy chú ý đến từ những việc nhỏ nhật cho thủ đô nó ra thủ đô.
    Hãy nhớ lại xem Bác Hồ khi xưa sống ở Thủ Đô ra sao? Ông có dám vi hành ra phố ra chợ để nghe dân như Bác hồ không? Ông có làm được như cố chủ tịch Trần Duy Hưng, Cụ Hồ Đắc Điềm...vào tận ngõ phố xem vệ sinh của nhân dân,thăm từng trường học của trẻ em để hiểu đời sống của nhân dân, việc học hành của trẻ nhỏ không?
    Ông hãy thử làm đi
    Nói nhiều mà không làm thì có luật cũng như không có luật mà thôi. Đừng vẽ vời cho rắc rối.
    Gốc Đề

    Trả lờiXóa
  26. Nghe một số người Hanoi than phiền: cứ mỗi sáng Chủ Nhật, cửa ngõ bị "kẻ lạ" cột dây cáp không cho ra.
    1) Xin hỏi "kẻ lạ" là ai? Nếu có hoả tai, người trong nhà chết hết vì không chạy ra được, "kẻ lạ" có được khen thưởng, thăng quan, tiến chức hay không?
    2) Hành động khoá ngõ, chận đường nêu trên, theo luật gì mà man rợ vậy: luật Hanoi, luật biểu tình hay luật rừng?

    Trả lờiXóa
  27. Cần xem là đã cần có Luật về Thủ đô chưa, Luật này có hợp hiến không và daẹc biệt là có ích lợi gì cho cả nước (vì Thủ đô là của cả nước).
    Có những Luật đáng ra phải có từ rất lâu rồi mà đến nay vẫn chưa thấy nhắc đến, như Luật về Biển và Hải đảo Việt Nam (Qua đó ta có thể nội luật hóa các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 mà Việt Nam đã phê chuẩn).
    Hoăc Luật về các biểu tượng của Việt Nam: Quốc huy, Quốc kì, Quốc ca. Các biểu tượng này được quy định trong Hiến pháp 1946 mà đến nay chưa có Luật về chúng. Vì vậy, rất nhiều người dân, nhiều tổ chức, cơ quan Nhà nước...vẫn chưa biết cách sử dụng, sử dụng mà không biết đúng hay sai...Tôi đã thấy có địa phương, dịp Đại hội Đảng bộ phường năm vừa rồi đã ra thông báo cho các hộ gia đình treo Quốc kì đề chào mừng. Nhiều người hỏi có đúng không, không ai trả lời được!

    Trả lờiXóa
  28. Quốc Hội đang bàn về việc sửa đổi Hiến pháp và cả luật về việc "Trưng cầu dân ý", luật Thủ Đô ra đời lúc này có hợp lý hay không?
    Thủ đô là tình cảm và ý chí, nguyện vọng của toàn dân, do đó nếu muốn ra "Luật Thủ đô" thì phải hỏi ý toàn dân trên toàn cõi đất nước Việt Nam mới là hợp lý.

    Trả lờiXóa
  29. Hãy dọn dẹp Thủ Đô cho sạch sẽ,phong quang mọi mặt rồi hãy ban hành Luật TĐ cung chưa muộn.Còn bây giờ hãy tập trung thảo luận và ban hành luật Biển còn dây dưa mãi làm chi nữa

    Trả lờiXóa