Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

TẢN MẠN VỀ DI SẢN VIỆT NAM

Ngày Di sản Việt Nam 2011


(VOV) - Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ VII với chủ đề "Tuần Văn hóa Du lịch Di sản Bắc Trung bộ” sẽ được tổ chức từ ngày 21-23/11 tại Hà Nội.
 
Chương trình sẽ có sự tham gia của các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và thành phố Hà Nội với các hoạt động chính như: Triển lãm với chủ đề "Ấn tượng Di sản Văn hóa Bắc trung Bộ Việt Nam"; Trình diễn nghệ thuật Ca múa nhạc dân tộc, trò chơi dân gian, nghệ thuật viết thư pháp, thao diễn nghề thủ công Truyền thống Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động Giao lưu văn hóa ẩm thực: "Món ngon hương vị Huế- ẩm thực Xứ Thanh đặc sản Bắc Trung Bộ"; Tọa đàm "Tổng kết, đánh giá và phát huy hiệu quả hoạt động Ngày Di sản văn hóa - Ngày về nguồn trong thời gian tới"; Chương trình hoạt động: "Ngày về nguồn" và "Tuổi trẻ với Di sản Văn hóa dân tộc Việt Nam"; Hội chợ sản phẩm Văn hóa Du lịch Bắc Trung Bộ; Giao lưu, công diễn các tiết mục nghệ thuật của các tỉnh Bắc Trung Bộ tại một số quận huyện thuộc Hà Nội. 

Ngày Di sản Việt Nam là hoạt động văn hóa có ý nghĩa hướng tới sự kiện "Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012", hoạt động mở đầu trong công tác tuyên truyền, quảng bá chuỗi hoạt động được tổ chức xuyên suốt trong cả năm 2012 nhằm giới thiệu với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế về những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của khu vực Bắc Trung Bộ, tạo cơ hội để các tỉnh tăng cường liên kết phát triển du lịch trong vùng, khai thác một cách có hệ thống các tiềm năng du lịch trong khu vực./.

Mai Lan - Nguồn: VOV


Nguyễn Xuân Diện:

Nước ta có nhiều di sản quý. Nhiều di sản đã được quốc tế công nhận, vinh danh và góp sức bảo tồn. Di sản Việt Nam đa dạng, phong phú: vật thể, phi vật thể, thiên nhiên, kiến trúc....

Nước ta lại có rất nhiều cơ quan chuyên môn chăm lo cho Di sản, nhiều cố gắng để bảo tồn di sản, có thể kể như:
- Cục Di sản
- Hội đồng Di sản quốc gia
- Tạp chí Di sản
- Hội Di sản
- Ngày Di sản...

Nhưng nhắc đến Di sản, chỉ riêng các di sản được quốc tế công nhận rồi, cũng đã thấy rất đau lòng. Kìa Phong Nha Kẻ Bàng núi lở sông trôi. Kìa đồi Vọng Cảnh và quần thể di tích cố đô Huế (lầu Tứ Phương vô sự thành quán Cà phê, Võ Miếu tan hoang, lăng mộ các chúa Nguyễn cỏ ngút dày không kẻ đoái hoài...), Cồng Chiêng Tây Nguyên mất dần không gian văn hóa, Ca trù - Quan họ "hậu di sản" càng buồn hơn. 

Các di tích lịch sử văn hóa, đụng đâu hỏng đó, sửa đâu mất đó. Kìa Thành cổ Tuyên Quang đã thành lò gạch; Nọ Thành cổ Sơn Tây đã mất vẻ xưa! 

Di sản Dân ca (chèo, quan họ, xẩm, ca trù, ...) sau 50 năm "Giật mình một cái rồi thôi"(Bùi Trọng Hiền). 

Thôi thì lại lẩy một câu Kiều:
"Của tin có một chút này
Chẳng cầm cho vững, lại dày cho tan!"

 

4 nhận xét :

  1. Thê thảm quá, thế mà ông nào vẫn ngồi nguyên y chỗ ông đó, có ông lại còn ngồi cao hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Lâm Khang Tiên sinh ơi !
    Chùa Một Cột sắp được chi 31 000 000 000 đồng để trùng tu, không biết trùng tu xong có còn là Chùa Một Cột không ?
    Tôi lo quá ! Không biết các cơ quan "Di sản" trên có chức năng "triệt sản" không ?
    Lạy trời !

    Trả lờiXóa
  3. Đọc những giòng chia sẽ của Bác Xuân Diện làm tôi cũng buồn không ít. Thôi thì hãy đổi tất cả tên là ... Di Tản đi cho đở bớt phần nào chua xót.

    Trả lờiXóa
  4. Đầu tư công và tiêu tiền ngân sách vào việc công ở ta báo chí cả lề phải lề trái đã phân tích đánh giá nhiều. Là kém hiệu quả do vấn nạn tham nhũng, lãng phí, thất thoát. Nhưng vẫn là "biết rồi khổ lắm nói mãi". Rồi đâu lại vào đấy. Sự chia sẻ của tiến sĩ Diện như dẫn "Kiều" phần nào khác gì cách nói trên đều là hai tiếng "xót xa". Chức năng cơ quan "Di sản" cẩn thận khéo hóa thành "Triệt sản" quả không ngoa ngoắt lắm đâu.

    Trả lờiXóa