Nội lực của đất nước chính là nhân cách của mỗi con người
Tác giả: Kim Anh
Bài đã được xuất bản.: 11/08/2011 06:00 GMT+7
Nhắc đến nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Trần Văn Thủy là người ta nhớ ngay đến hàng loạt tác phẩm để đời của ông như Những người dân quê tôi, Phản bội, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chuyện từ góc công viên, Thầy mù xem voi… và đặc biệt là hai tác phẩm đã “làm mưa làm gió” trong đời sống điện ảnh của người dân Việt Nam cũng như cho chính cuộc đời ông một thời: Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế. Vì Hà Nội trong mắt ai mà ông gặp nhiều chuyện rắc rối, nhưng cuộc đời cũng lắm sự lạ lùng… sau năm năm bất lực, tuyệt vọng vì đứa con tinh thần của mình không được phép lên tiếng, thì ngay khi xuất hiện trở lại nó đã đưa ông lên đài vinh quang.
Chưa bao giờ phim tài liệu lại được chiếu riêng một buổi như các phim truyện khác. Chưa bao giờ người ta lại bỏ tiền túi ra, xếp hàng lũ lượt để mua vé vào xem. Cũng chưa bao giờ các rạp chiếu phim lớn của cả nước lại làm việc hết công suất như thời điểm công chiếu hai phim nói trên. Không biết đến bao giờ điện ảnh Việt Nam mới lặp lại hiện tượng ấy. Hà Nội trong mắt ai nhận liền bốn giải lớn của Liên hoan phim Việt Nam năm 1988 (giải Bông sen vàng đặc biệt, giải Biên kịch, giải Đạo diễn, giải Quay phim xuất sắc nhất).
Nhìn lại cả quá trình cống hiến của ông cho ngành điện ảnh, người xem dễ dàng nhận thấy ông luôn lấy con người làm trung tâm của mọi nghĩ suy, dằn vặt, nỗi đau và cả niềm hy vọng mà ông muốn đặt vào tác phẩm của mình. "Khi chưa có độc lập thì thân phận, cảnh đời của người dân lam lũ, khốn cùng luôn xuất hiện trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhưng khi có độc lập rồi thì không thấy bóng dáng họ đâu" là nỗi trăn trở của ông gửi vào Chuyện tử tế.
Nguyên tắc tối thượng trong công việc của ông là phải làm ra được những tác phẩm thực sự có ích cho con người. Không phải đơn giản mà tại Hội thảo điện ảnh tài liệu Quốc tế The Robert Flaherty ở New York (tháng 5-2003), với hơn 200 nhà làm phim độc lập, đạo diễn Trần Văn Thủy và đạo diễn Toshimoto của Nhật Bản đã được vinh danh "Chứng nhân của thế giới". Năm 2010, Nhật Bản cũng đưa tên đạo diễn Trần Văn Thủy vào "Từ điển danh nhân" của họ.
Câu chuyện ông chia sẻ với chúng tôi trong một buổi chiều ở Hà Nội cũng lan man, chất chứa biết bao tâm sự về con người. Ông nói:
Bạn bè tôi, ngồi với nhau nói chuyện gì thì nói: Kinh tế, gia đình, sức khỏe, thậm chí cả những chuyện bậy bạ của đám đàn ông... nhưng rồi cuối cùng vẫn quay lại chuyện... chính trị. Mà điều này không chỉ với người Việt ở trong nước mà người Việt ở nước ngoài cũng thế.
Nói chữ "chính trị" thì hơi xơ cứng và dễ bị hiểu lầm, mà phải nói đó là khát vọng, tấm lòng và lòng yêu nước của người Việt. Cái đó lớn lắm. Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp trẻ rằng đừng hiểu chữ "tài liệu" một cách xơ cứng. Phim phải truyền tải được một thông điệp gì đó về lẽ sống, về cách ứng xử, về bổn phận... Một bộ phim, một vở diễn, một cuốn sách không có tư tưởng theo hướng đó thì không thể nào là một tác phẩm được. Đã gọi là tác phẩm thì phải chuyển tải được điều gì đó vào nhận thức của mỗi người và ta tạm gọi đó là tư tưởng.
Theo thiển ý của tôi, điều cực kỳ quan trọng của mọi loại hình văn học nghệ thuật hay khoa học xã hội là phải lấy mục tiêu con người, xoay quanh con người. Ở trên đời này không có một nghề nghiệp nào, một chức vụ gì, một công việc gì gọi là tử tế nếu như không bắt đầu từ những ý nghĩa liên quan đến con người, đi từ nỗi đau của con người.
Tâm huyết với cuộc đời là vậy, nhưng có lần ông đã thừa nhận mình là người tiêu cực?
Đúng thế! Tôi cảm thấy mình là người tiêu cực với nghĩa là rất mong làm được nhiều điều có ích nhưng lại bất lực. Tôi đi nhiều, gặp gỡ nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau, biết nhiều cảnh ngộ... và đôi khi cảm thấy mình có lỗi trước các cảnh ngộ đó, mặc dù có lẽ tôi không có nghĩa vụ trực tiếp gì với họ. Phải chăng vì họ quý tôi quá, tin tôi quá nên tôi cảm thấy gánh nặng phải chia sẻ. Tôi có dịp đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Nhiều lần qua Mỹ và ở rất lâu, nghiên cứu về đời sống cộng đồng người Việt ở hải ngoại, tôi đi đến tận cùng của xã hội, sống với họ... có biết bao nhiêu là chuyện ám ảnh tôi đến tận bây giờ.
Có phải những chuyện đó được ông viết trong Nếu đi hết biển - cuốn sách từng khiến ông gặp những điều khá phiền phức bởi bị một số người Việt ở Mỹ công kích?
Có phải những chuyện đó được ông viết trong Nếu đi hết biển - cuốn sách từng khiến ông gặp những điều khá phiền phức bởi bị một số người Việt ở Mỹ công kích?
Chỗ này phải nói dông dài một chút. Giữa năm 2002, William Joiner Center (WJC) thuộc Trường Đại học Massachusetts ngỏ ý mời tôi sang Mỹ để tham gia chương trình "Nghiên cứu về cộng đồng người Việt" do quỹ Rockefeller tài trợ. Tôi cảm ơn và từ chối vì đơn giản là tôi không biết "nghiên cứu" và tôi không thích "nghiên cứu". Làm một cái việc rất mất thì giờ, mất nhiều công sức, kết quả là một xấp giấy được bỏ vào ngăn kéo, may ra một năm được vài ba người đọc, theo tôi, đó là chuyện vu vơ.
Nhưng tháng 8 năm đó, WJC nhắc lại lời mời. Thấy họ chân tình tha thiết quá, tôi nhận qua Mỹ. Nhưng, tựa như một ma lực, một định mệnh, tôi gặp nhiều hoàn cảnh, nhiều câu chuyện trong bà con người Việt mà tôi có thể tiếp xúc. Vui thì tôi chóng quên, buồn thì tôi bị ám ảnh, ám ảnh nhiều lắm, nhất là chuyện vượt biên, vượt biển, cải tạo, tù tội... Từ đó tôi không đi chơi nữa, tôi quyết định toàn tâm toàn ý vào một công việc rất mơ hồ và không rõ cái đích ở đâu, chỉ đinh ninh là nó sẽ có ích. Tôi đặt bút viết những trang đầu, rồi cố gắng "rặn" ra được quãng bốn năm mươi trang, suôn sẻ.
Tôi có thói quen luôn nghĩ đến người đọc, người đọc trong nước và đặc biệt là người đọc ở Mỹ. Tôi bị khựng lại hoàn toàn. Hoàn cảnh xui khiến, nghề nghiệp mách bảo, tôi "đè" mấy ông bạn văn chương, trí thức ra trao đổi, trò chuyện cởi mở về chính cuộc sống và suy nghĩ của người Việt ở đây. Chỉ việc ghi chép trung thực và cam đoan với nhau là nếu công bố thì phải "y như bản chính". Thật là thượng sách.
Như thế, dù không muốn ông vẫn có "công trình nghiên cứu" cho WJC, hơn nữa nó không bị xếp vào ngăn kéo, trái lại, nó được in thành sách và còn được tái bản - một chuyện khá hiếm đối với một cuốn sách tiếng Việt ở Mỹ?
Mất khá nhiều công sức để bàn thảo với các anh chị ấy (những người tác giả gặp gỡ, chuyện trò - PV), cuối cùng thì bản thảo được chỉnh lý, chốt lại còn trên 200 trang đánh máy, tôi định nộp cho WJC hai tuần trước khi về nước. Bỗng dưng "trời xui đất khiến" thế nào, nhà văn Nguyên Ngọc đến Boston, ở cùng nhà, đi dạo, chuyện trò, thăm hỏi linh tinh: "Thủy, cậu sang đây làm gì?"... "Thế à, viết xong chưa?"... "Đưa tớ đọc chơi được không?".
Đọc liền ba đêm, sáng hôm sau trở dậy, chưa kịp ngồi vào bàn ăn ông đặt tay lên tập bản thảo và nhìn vào mắt tôi: "Thủy! Cái này rất cần và có ích". Tôi không tin ở tai mình, hỏi lại và nóng ran cả người khi nghe ông nhắc lại: "Cái này rất cần và có ích". "Bố" này đã nói là tôi tin, tôi rành rọt nói với ông: "Nếu anh bảo cái này nó cần và có ích thì chắc chắn tôi in ngay và tôi cũng sẽ về nước ngay". Nếu đi hết biển ra đời lòng vòng là vậy. Chẳng có âm mưu gì đáng ngại, chẳng có tài cán gì đáng nể...
Nếu nhà văn Nguyên Ngọc đã nói thế và ông tin nhà văn thì tại sao Nếu đi hết biển đến giờ vẫn chưa được phổ biến ở Việt Nam, thưa ông?
Tôi nghĩ có lẽ cũng giống như Hà Nội trong mắt ai ở đầu những năm 1980. Ngày ấy, người thích thú, tán thành thì khá đông nhưng không có quyền, không có diễn đàn; người phản đối, lên án thì rất ít, nhưng có quyền, có diễn đàn, thậm chí có cả một guồng máy. Cũng có nhà xuất bản có nhã ý muốn in, tôi cảm ơn và có điều kiện: Phải in nguyên xi 100%, đúng từng dấu chấm, dấu phẩy. Chẳng phải tôi kiêu ngạo gì về những con chữ của mình, chỉ là tôi muốn tôn trọng tuyệt đối những người đã giúp tôi làm cuốn sách này.
Với những gì ông đã và đang làm, ông có cho mình là người có tấm lòng yêu nước hơn người?
Yêu nước không phải là đặc quyền của bất cứ ai. Đặc biệt không được ban phát cho người này yêu nước và người kia không được yêu nước. Khi tôi cùng gia tộc cụ Nguyễn Văn Vĩnh làm bộ phim Mạn đàm về người Man di hiện đại (bốn tập với 240 phút), ở cuối phim tôi nói rằng: Khi bộ phim đi vào giai đoạn cuối, vào một đêm mưa gió bão bùng, cụ Vĩnh đã về báo mộng cho người đạo diễn phim này: "Xin đa tạ những tấm lòng của hậu thế đã nói về tôi với những lời ấm áp, xin đa tạ! Nhưng chớ vì tôi mà làm mất thì giờ. Đất nước ta có không biết cơ man những người có tấm lòng ái quốc, hãy vì hậu thế mà đối xử tử tế với họ, cho dù họ có ái quốc theo cái cách của họ...".
Trong một buổi tọa đàm trên truyền hình, ông đã từng nói: "Nội lực không phải là mấy đồng xu lẻ ở trong túi dân chúng. Nội lực là trí tuệ, công sức, tình cảm, tâm huyết của toàn thể dân tộc, không kể trong hay ngoài nước, cũ hay mới". Vây, theo ông, cách nào để phát huy nội lực của đất nước?
Đối với tôi, trong mọi mối quan hệ, bao giờ cũng chỉ coi trọng yếu tố con người. Ở trong Chuyện tử tế có đoạn nói về trẻ em Việt Nam và trẻ em Nhật Bản. Trong khi trẻ em Việt Nam được học: "Các em là những đứa trẻ hạnh phúc bởi các em là con Hồng cháu Lạc, giang sơn của các em như gấm vóc, tài nguyên giàu có với rừng vàng, biển bạc...". Nhưng trẻ em Nhật Bản được dạy bảo: "Các em là những đứa trẻ bất hạnh bởi vì được sinh ra trên đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, từng thua trận trong chiến tranh. Gương mặt của đất nước này và tương lai của đất nước này trông chờ ở các em". Thế cho nên thái độ của trẻ em Nhật Bản đối với đất nước của chúng khác hẳn con em chúng ta, có trách nhiệm hơn, bao dung hơn.
Một ví dụ khác nữa là vua Trần Nhân Tông. Trong khi đánh thắng quân Nguyên Mông, các quan cận thần dâng lên cái tráp trong đó có danh sách của những kẻ nội phản, làm tay sai cho giặc. Nhà vua ưu tư và phán rằng: "Các ngươi, hãy vì tấm lòng của muôn dân, sự hiếu thảo của muôn dân, sự đoàn kết của muôn dân để xây dựng đất nước này, giang sơn này và mang đến cho bá tánh đời sống yên vui, ai ai cũng có thể nhìn nhau bằng tấm lòng tin cậy. Ta truyền lệnh đốt cái tráp này đi". Nếu nói nội lực của đất nước không phải là mấy đồng xu lẻ gửi ở ngân hàng thì có nghĩa nội lực là tất cả những vấn đề về nhân cách của một dân tộc, bản lĩnh của một dân tộc. Suy cho đến cùng vấn đề của xã hội Việt Nam bây giờ chính là vấn đề nhân cách. Tất nhiên suy nghĩ của tôi có thể là phiến diện, là chưa chuẩn.
Nói cách khác là nội lực đất nước liên quan đến vấn đề giáo dục, thưa ông?
Liên quan đến rất rất nhiều. Phải chăng nền giáo dục của ta hiện nay sản sinh ra những con người không dám nói sự thật, không có chính kiến, hắt nước theo mưa, nước chảy bèo trôi... Người ta không dám nói điều khác với ý kiến của cấp trên. Nếu như toàn dân được nói những điều mình nghĩ, mình cho là phải thì chúng ta càng có nhiều lựa chọn. Tôi chỉ có ước mơ duy nhất là đất nước mình trở thành một đất nước mà trong đó gồm những con người nghĩ gì nói nấy. Tất nhiên, ở những cương vị khác nhau thì những điều nghĩ và nói ấy nó sẽ có những giá trị nhất định. Nhưng tuyệt đối, đừng coi thường dân chúng.
Thế có nghĩa, cách tốt nhất để phát huy nội lực chỉ đơn giản là làm thế nào để mọi người được nói những điều mình nghĩ?
Đúng vậy, làm sao mà một người hay một nhóm người nào đấy lại có thể khôn hơn, giỏi giang hơn, sáng suốt hơn gần 90 triệu dân? Việc biết lắng nghe người khác nói sẽ chỉ làm cho xã hội tốt lên chứ không thể xấu hơn được.
Theo ông, như thế nào là một người tử tế?
Đây là một câu hỏi cũ như trái đất. Sống lương thiện. Biết đau những nỗi đau của đồng loại, biết nhục những nỗi nhục của đồng bào. Karl Marx tôn kính đã từng nói: "Tất nhiên, chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi đau khổ của con người, mà chăm lo riêng cho bộ da của mình".
Mở đầu phim Chuyện tử tế, năm 1985 tôi viết thế này: "Ngày xưa cha bác có dạy rằng, tử tế có trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó trên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ thành những người có quyền hành giỏi giang hoặc siêu phàm".
Sau gần 30 năm, Chuyện tử tế vẫn còn nguyên giá trị. Nếu bây giờ có cơ hội, ông có làm tiếp không?
Chẳng bao giờ làm lại được đâu.
Vì...
Ngày đó, và cả bây giờ xem lại Chuyện tử tế và Hà Nội trong mắt ai ai cũng sẽ tự hỏi: Chỉ có như vậy thôi mà sao lại bị cấm đoán và ồn ĩ lên thế? Có lẽ phim gây chấn động và sự quan tâm chính bởi những điều nó đặt ra vào cái thời điểm ấy. Kể ra, đến nay nó vẫn hợp thời về mặt nội dung. Nhưng nó không phải là kiệt tác hay đỉnh cao gì. Về mặt nghề nghiệp mà nói, phim rất thường bởi vì phần lớn là quay toàn cảnh, dùng lời bình dẫn dắt. Cách làm phim hiện đại bây giờ người ta không tiêu hóa nổi đâu. Và nói thật rằng khi chiếu lại những bộ phim này tôi thấy xấu hổ về mặt nghề nghiệp.
Thực ra, phim tài liệu khó có thể nói là của anh, của tôi hay là của một người nào cụ thể. Đó là phim của cuộc đời. Tất cả những người trong phim, nhờ có sự hiện diện của họ, nhờ sự đóng góp tham gia của họ, nhờ sự từng trải, nhờ những thân phận của họ mà làm nên câu chuyện. Họ không phải là diễn viên. Không phải hư cấu, không phải đạo diễn gì cả. Cái xứ này có quá nhiều chuyện hay, không phải đóng diễn, bịa đặt.
Tôi vẫn thường nói với các học trò của tôi rằng, cái dở nhất của người làm phim tài liệu chúng ta là cuộc đời vốn thật thì ta làm thành giả. Bình thường cuộc đời rất hồn nhiên, ta mang phương tiện, máy móc... đến, hô bật đèn lên, bấm máy đi... thế là tất cả mọi thứ "chết cứng" hết cả lại, nó không thật nữa. Đối với tôi cuộc đời là bàn thờ. Và như vậy, liệu tôi có làm được một Chuyện tử tế nữa không?
Được biết, ông vẫn tiếp tục làm phim, vậy tiếp sau Mạn đàm về người Man di hiện đại sẽ là gì, thưa ông?
Hội ái mộ Yersin ở tỉnh Khánh Hòa và Thụy Sĩ có gợi ý mời tôi làm phim về nhân vật này. Alexandre Yersin là người vô cùng có công với Việt Nam. Ông là người đi vào lịch sử y học thế giới bằng việc tìm ra vi trùng dịch hạch, ông là người tìm ra Đà Lạt, mang cây hồ tiêu và cây cao su vào trồng ở Việt Nam. Một con người vô cùng gắn bó, yêu thương với những người dân chài nghèo khó ở xóm Cồn, Nha Trang. Người gần như sống hết đời và làm khoa học ở Việt Nam.
Trong di chúc, ông muốn rằng: Xin hãy đừng mang tôi đi đâu cả, hãy để tôi ở Suối Dầu, bên cạnh những cây cao su và cây hồ tiêu và những người Thượng... Một người tử tế như thế, đáng kính như thế, nhân hậu như thế, vì con người như thế tôi mong muốn làm một cái gì đó thật xứng đáng để hậu thế chúng ta không bao giờ quên ông.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Cảm ơn Lâm Khang !
Trả lờiXóaThật xúc động. Nếu đất nước có thêm những con người như thế và ít đi những kẻ tài hèn mà tham giải thưởng, thì...
Trả lờiXóaNội lực của đất nước chính là nhân cách của mỗi con người. Phải chăng ở đó cái tài và cái đức của cá thể được nhận diện, phản ánh một cách trung thực và được đặt ở ngôi vị xứng đáng ?! Cơ quan ngôn luận, tuyên truyền, báo giới, văn nghệ... liệu có bao giò tìm ra những con người như vậy, trong khi ngay bản thân nó không có giá trị thực ? Chính vì vậy, HN trong mắt ai, và Chuyện tử tế cuả TV Thủy đã làm nên giá trị một thời bởi nó nói lên cái đúng, cái tâm của thời đại đó.
Trả lờiXóaBản thân chữ Tử Tế theo Hán Việt từ điển nghĩa là: Kĩ lưỡng, cẩn thận từ việc nhỏ nhặt. Ta hiểu là tốt bụng, đối xử tốt lành. Ta đối xử với người từ việc nhỏ nhặt nhất cũng làm được kĩ lưỡng suy ra những việc lớn hơn mới có cơ may làm được.
Lấy dân làn gốc được nói như cửa miệng mỗi người từ quan đến dân. Nhưng thưc ra Khổng Tử nói: Quân dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên, nghĩa là: Vua lấy dân làm gốc, còn dân lấy cái ăn làm đầu. Dân không có ăn, có mặc thì chính trị phỏng có ích chi ? Bần cùng sinh đạo tặc, chẳng có luật pháp nào cưỡng chế nổi.
Vua Thang đã viết lên cái chậu tắm của mình:
Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân, nghĩa là: Hôm nay mới, ngày ngày mới, ngày mai lại mới hơn. Mới ở đây là làm sáng cái Đức sáng của mình...
Nhà chính trị lấy Tu thân làm trọng, nếu không hằng ngày tự sửa trị mình cũng như công việc tắm gội vậy, làm sao cái đức nó Sáng ra ?! Không tự có cái đức sáng làm sao có thể Tôn thần, dùng người hiền đúng việc được.
Giáo dục đã thiếu những nguyên lí có bản, con người bản thân không tự nắm vững các qui tắc nhân bản làm sao ứng sử với mình và với người chuẩm mực, nói chi đến trị quốc, bình thiên hạ...
Trên Blog này đã từng có những Bài thơ rất hay nói về nhận thức, xin phép tác giả được nhắc lại thay cho Lời kết:
Khấp cố Quỳnh Hoa
Ngô khấp nhân gian tuyệt nhân phi
Hựu khấp nhân phi một hữu trì...
Hồi cố kiệt:
Chủng hoa bất diệt chung khuyệt dạ
Tỷ khấp hoài:
Linh hồn phi bất diệt
Nhi bất tri:
Bất diệt tận hà thì ?
Dịch nghĩa:
Khóc hộ Hoa Quỳnh
Tôi khóc chân trời không có người bay
Lại khóc người bay không có chân trời...(*)
Hãy quay lại, mà khóc nốt:
Loài hoa sống thác không đầy đêm bất diệt
Hơn khóc mãi:
Linh hồn không bất diệt
Nhưng không biết
Bất diệt đến tận bao giờ...
..........
Dương Quân
(*) Trần Dần
bây giờ mà NSND đạo Diễn Trần Văn Thủy làm phim " Việt nam trong mắt ai " thì hay quá nhỉ !
Trả lờiXóaTrần Văn Thủy là một trong ít ỏi NGHỆ SĨ NHÂN DÂN đích thực, một nhân cách đáng trọng, luôn đau đáu số phận NHÂN DÂN.
Trả lờiXóaNăm 2009, nhân dịp Khataco mời anh vào Khánh Hòa làm phim 25 năm truyền thống, tôi nói với anh, phim đó sẽ không thể để đời cùng công chúng. Biết anh là đạo diễn tài năng, tâm huyết và nhân văn, tôi gợi ý anh làm phim về Yersin (trước đó, Trần Xuân Hòa, cháu ruột anh Thủy, Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung và Tây Nguyên - báo Thanh niên ở Nha Trang tặng tôi 1 VCD "Chuyện tử tế"). Xem phim, tôi nghĩ anh Thủy là người tử tế.
Trở lại câu chuyện Yersin,là cán bộ hướng dẫn phiên dịch Công ty du lịch tỉnh Phú Khánh giai đoạn đầu 1980-đầu 1984, tôi phải trang bị kiến thức về đất nước, con người địa phương. Các tài liệu trước 1975 đều ca ngợi Yersin như một tài năng xuất chúng, một nhân cách lớn lao. Có lần tôi bị Bác sĩ Phong - Trạm trưởng Trạm sốt rét Phú Khánh "bắt cóc", nhờ đưa khách ngành y đi thăm mộ Yersin ở Suối Dầu (nói bắt cóc là vì khi đó, mộ Yersin ngoài danh sách thắng cảnh du lịch, tôi chưa có tư liệu phong phú vể riêng đề tài Yersin ). Tôi phải học thuộc lòng thêm về thân thế, sự nghiệp Yersin để giới thiệu với du khách ngành y ngay tại mộ Yersin. Tôi xin thêm tư liệu về Yersin qua Tiến sĩ Đoàn Xuân Mựu, Viện trưởng Viện vacin quốc gia ở Nha Trang. Dấm dúi đưa tôi tài liệu dặn, TS Mựu dặn "bí mật". Tôi ngạc nhiên. Ông nói: lãnh đạo Tỉnh ủy (Phú Khánh) vẫn coi Yersin là "tên thực dân"! Để lộ tài liệu này (nội dung Yersin có công lớn với VN và thế giới), "rắc rối lắm"!...
Trở lại chuyện làm phim, qua Bác sĩ Kiều Xuân Cư (Hội Ái mộ Yersin), tôi đề nghị Hội tiếp cận anh Thủy để đặt vấn đề. Hội mừng như bắt được vàng, tiếp cận ngay. Anh nhận lời, rất hào hứng, vì đã được đi thực tế một số điểm ở Khánh Hòa từng ghi dấu Yersin để tìm hiểu, vô cùng tâm đắc.
Rất tiếc, Hội Ái mộ Yersin vận động tài trợ làm phim quá yếu, chưa thể bấm máy. Anh Thủy khi ấy nói chỉ cần khoảng 300 triệu đồng là đủ, vì không phải dàn dựng gì nhiều. Nhưng kinh phí vận động được quá ít.
Nếu đủ kinh phí, chắc sẽ có phim về Yersin tuyệt hay. Mong phim sớm có đủ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm.
Anh Thủy "bật mí", sẽ làm phụ đề tiếng Anh, để có thể phát hành cả trong và ngoài nước.
Kính thưa NSND Trần Văn Thủy, nếu ông có làm phim về Yersin thì xin nhắc ông còn một công lao to lớn nữa của BS Yersin mà không thấy ông nhắc tới đó là ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Đông Dương (Đại học Y Hà Nội ngày nay) năm 1902.
Trả lờiXóahttp://www.hmu.edu.vn/news/trangtinh.asp?targetID=1209