Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

TRẦN VŨ LONG: ĐỂ NHỚ MẸ VÀ MỘT THỜI KHỐN KHÓ


Chuyện kể từ chiếc bánh cắt
(Để nhớ mẹ và một thời khốn khó)
Trần vũ Long

Có lẽ tôi nên bắt đầu bài viết này từ câu chuyện về chiếc bánh cắt của một họa sĩ nổi tiếng, được nhiều người yêu quý. Hôm đó là một ngày làm báo của mấy anh em chúng tôi, ông mở cửa bước vào, đặt bịch một gói lên bàn: “Mời các ông lại ăn bánh cắt của nhà hàng Bô Đê Ga, để nhớ lại một thời bao cấp. Ăn đi, ít nữa không có mà ăn đâu. Bô Đê Ga sắp đem bán cho tây rồi”. Vẫn là những cử chỉ, cách nói hóm hỉnh, họa sĩ Thành Chương mở gói bánh được bọc bằng giấy giang màu trắng đục, cái thứ giấy mà nhà hàng Bô Đê Ga vẫn dùng để gói các loại bánh suốt mấy chục năm nay, vẫn kiểu gói như xưa. Trước mặt chúng tôi là một chiếc bánh nướng dài, được cắt chéo thành từng miếng. Vậy là với chiếc bánh cắt cộng với ấm trà Thái Nguyên ướp hương sen, hàng loạt câu chuyện về thời bao cấp giống như những thước phim đang được tái hiện. Đó là những thước phim không ai muốn xem lại, nhưng cũng chẳng ai quên được. Là thế hệ sinh sau đẻ muộn, với tôi ký ức về thời bao cấp rất ít. Những năm tháng cuối cùng của thời kỳ bao cấp, lúc đó tôi mới chỉ là một đứa trẻ học lớp 5 lớp 6 gì đó. Hiểu biết của tôi về thời khốn khó đó chủ yếu qua phim ảnh, sách báo, qua những câu chuyện kể của bố mẹ, của những người thuộc thế hệ trước sống quanh tôi. Họ nói về thời bao cấp với những cung bậc tình cảm thật khó diễn tả: có một chút gần gụi thân quen, bởi những năm tháng đó gắn liền với phần lớn quãng đời của họ; nhưng ẩn sâu bên trong là nỗi khiếp sợ. Sao mà khổ sở thế! Sao mà cùng cực thế! Sao mà cay nghiệt thế! Sao mà…khốn nạn thế! Bao cấp là thời mà phẩm giá của con người bị miếng ăn hành hạ.

Bao cấp! Bao cấp! Ngay lúc này đây, khi đang ngồi gõ tay lên bàn phím máy vi tính, hai từ đó cứ vang lên trong đầu tôi. Sau hàng loạt câu chuyện được xem, được đọc, được nghe kể, cộng với một chút ký ức của tôi, và đặc biệt sau khi được xem triển lãm về thời bao cấp, tại Bảo tàng Dân tộc học, dường như nó đang làm tôi khiếp sợ. Các cụ đã dậy, trăm nghe không bằng một thấy, vâng, cái triển lãm về thời bao cấp đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi đã được xem, được sờ vào những hiện vật hết sức bình dị nhưng lại khiến người ta phải rùng mình mỗi khi nhớ đến nó. Ở đó có hình ảnh của bố mẹ tôi, của những người thân cứ hiện dần lên qua các đồ vật, và đôi chút hình ảnh của một cậu bé của hơn 20 năm về trước. Mỗi hình ảnh được trưng bày ở đây là một câu chuyện, là một số phận đầy gian truân, thậm chí bi hài. Tôi thầm thán phục những con người đã phải lao động, học tập, bươn trải kiếm từng miếng ăn thời đó. Tôi được gặp đôi chút kỉ niệm tuổi thơ của mình thông qua cảnh tái hiện một cửa hàng lương thực.

 

Hồi đó, tôi thực sự vui sướng mỗi khi được theo mẹ xếp hàng mua gạo. Trong lúc mẹ đang vất vả chen chúc giữa một đám người khó tính, cáu bẳn, thì tôi lại đang vui vẻ nô đùa cùng lũ trẻ trên những bao tải gạo bằng sợi gai được xếp cao ngất. Những tải gạo đã trở thành chỗ nấp chơi trò đánh trận giả cho bọn trẻ. Thỉnh thoảng các cô mậu dịch viên lại ra quát mắng, tôi chạy re tìm về nép bên mẹ trong hàng người dài dằng dặc. Lúc đó mẹ lại xoa đầu tôi và bảo ra ngoài chơi cho thoáng. Ngước nhìn mẹ, những giọt mồ hôi ướt đầm trên trán, khuôn mặt vốn xanh xao hao gầy đang đỏ bừng vì nóng bức và mệt mỏi. Lúc đó tôi biết mẹ đang rất mệt, vì có khi từ sáng sớm đến giờ mẹ cũng chưa kịp ăn gì. Nhưng lúc đó một đứa trẻ đang tuổi chơi như tôi đã nào biết nghĩ thương mẹ. Hồi đó, mỗi lần mua gạo là mẹ tôi lại xin nghỉ một buổi làm để xếp hàng, cũng có khi phải dậy từ tờ mờ sáng. Đôi khi, tôi cũng xếp hàng thay mẹ trong chốc lát. Những lúc đó tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi. Thằng bé con đứng lọt thỏm giữa đám người mồ hôi, mồ kê nhễ nhại. Họ không ngừng than vãn, cãi cọ. Các cô mậu dịch viên luôn mồm quát tháo. Tôi sợ những bộ mặt cáu kỉnh, hằm hè ở trên đầu mình, sợ bị đè bẹp trong hàng người chen chúc đó, chỉ mong sao mẹ mau trở lại. Tôi vẫn còn nhớ câu khẩu hiệu được treo trên mỗi quầy bán gạo: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” nhưng than ôi, quan hệ của các cô mậu dịch viên với khách hàng lúc đó còn hơn cả thủ trưởng với nhân viên. Còn các cán bộ chuyên viên cao cấp hồi đó đâu có phải xếp hàng khổ cực như vậy vì đã có cửa hàng ở phố Tông Đản để phục vụ. Vâng, chỉ có những người dân lao động vất vả thì thời nào cũng chịu thiệt thòi. Dẫu sao thì thời bao cấp, cái nổi khổ là nỗi khổ chung cho cả dân tộc. Cả một dân tộc hồn nhiên đặt cược đời mình, phẩm giá của của mình, lý tưởng của mình cho một niềm tin và đến một ngày đã phần nào nhận ra rằng niềm tin đó không thể là phao cứu sinh cho cuộc mình cho dân tộc mình. Nói như vậy không có nghĩa là rất nhiều người bây giờ không còn niềm tin để sống. Dẫu sao thì khi chúng ta tồn tại trên cõi đời này vẫn nên thắp cho mình một niềm tin. Có thể niềm tin trong mỗi người có một sắc thái khác nhau nhưng vẫn cùng mẫu số chung đó là mong muốn một tương lai tươi sáng hơn. Chúng ta tin cuộc đời này rồi sẽ không còn chỗ đứng và leo cao cho sự xảo trá, cho những thói vênh vang đạo đức giả. Chúng ta tin ngày mai bước chân ra phố sẽ nhận được những ánh mắt và nụ cười thân thiện chứ không phải sự lạnh lùng và vô cảm đến đớn hèn mà con người đang ngầm dạy bảo nhau. Chúng ta tin chuyện miếng cơm manh áo sẽ không là nỗi ám ảnh thường trực trong mỗi người dân cần lao. Chúng ta tin lòng tốt và những giá trị chân thực sẽ tìm lại được mảnh đất tươi tốt của mình để sinh trưởng và đơm hoa kết trái. Chúng ta tin… và chúng ta cần phải đặt niềm tin nhiều lắm. Vì niềm tin đó giúp ta kiêu hãnh đứng thẳng. Niềm tin giúp ta đấu tranh, giúp ta cống hiến và giúp ta tồn tại.

Giờ đây, cái của hàng lương thực năm xưa đã biến thành dãy biệt thự sang trọng. Mỗi lần ngang qua đó, tôi lại nhớ đến một phần tuổi thơ của mình, nhớ đến những bao tải gạo đã bốc mùi hôi xì mà bọn trẻ con vẫn trèo lên, và…tôi lại nhớ đến mẹ.

Thời đó bấy giờ, gia đình nào cũng phải kiếm thêm việc làm để có thêm thu nhập. Gia đình tôi cũng nhận việc chuốt sợi tơ tằm cho nhà máy. Bất kể lúc nào bố mẹ rảnh rỗi là trong nhà tôi lại vang lên tiếng kêu lọc cọc của chiếc guồng quay sợi bằng gỗ. Cứ mỗi một bó sợi vàng óng được chuốt xong là bố mẹ tôi lại có thêm được mấy đồng bạc. Để có được một bó sợi như thế phải mất cả tiếng đồng hồ, một tay thì quay liên tục, còn một tay thì bóc kén còn dính trên sợi, đôi khi tứa máu vì bị cứa vào tay.

Còn nhớ lúc nhỏ, tôi có thằng bạn hàng xóm, nhà nó có vô tuyến đen trắng đặt trên tủ li, có đài quay đĩa phát ra những bài hát Liên Xô, có tủ lạnh caratov, đôi khi còn có cả những miếng bơ vàng óng ở bên trong. Tôi cảm thấy hãnh diện vì có một thằng bạn như thế. Sang nhà nó, tôi được nghe đài, xem vô tuyến, thậm chí đuợc ăn cả bánh mì bơ. Sở dĩ nhà nó có đầy đủ tiện nghi, vì bố nó là cán bộ của thành phố, đã từng đi Liên Xô, mẹ nó là cán bộ ở cửa hàng miễn thuế. Đối với tôi, ngôi nhà đó giống như một thiên đường. Mỗi lần sang chơi, tôi còn được chạy nhảy trên cái nền gạch đá hoa có hai màu trắng và đỏ, rồi thích thú thú áp má xuống những viên gạch mát rượi. Không ít lần, tôi đã ngủ quên trên cái nền gạch mịn màng và mát rượi đó.

Thời bao cấp người ta có câu nói cửa miệng “ai đi Liên Xô, chưa mang được cái ti vi tủ lạnh về coi như chưa đi”. Gia đình tôi có người quen làm việc ở cơ quan trung ương, cũng từng được đi Liên Xô, nhưng ông không mua sắm gì nhiều cho gia đình mà chỉ dành dụm tiền để chi tiêu hàng ngày, mỗi tháng một vài lần làm thịt gà cải thiện. Hàng xóm dòm ngó. Chính quyền địa phương biết chuyện. Rồi đến tai cơ quan. Vậy là ông bị ghi vào lý lịch với tội danh hay ăn thịt gà. Vậy là chết rồi, cả nước đang khốn khó, ai bảo nhà ông hay ăn thịt gà làm gì. Suốt mấy chục năm tích cực cống hiến, ông vẫn không lên nổi chức trưởng phòng. Cho đến tận bây giờ trong suy nghĩ của các thủ trưởng, hình như ông đã từng có vết đen gì đó trong lý lịch.

Chuyện thời bao cấp, đối với nhiều bạn trẻ giống như những câu chuyện giả tưởng. bản thân tôi cùng từng được nghe những câu chuyện như thế và cảm thấy thật khó tin. Có lần họa sĩ Thành Chương đã kể cho tôi nghe câu chuyện:

Trong quán phở, một người đàn ông ăn mặc lịch sự, quần âu, áo sơ mi trắng, sơ vin ngăn nắp. Sau khi gọi một bát phở, ông ta lấy trong túi áo ra một lọ pê-li-xi-lin, rồi dùng que tăm hẩy từng hạt màu trắng ở bên trong cái lọ cho rơi vào bát phở. Trời ơi, những hạt màu trắng đó là mì chính. Một thứ gia vị xa hoa trong thời buổi đói kém. Hàng chục con mắt đổ dồn về phía người đàn ông. Trong đó có ánh mắt thèm thuồng, có cả ánh mắt dè bỉu, khinh bỉ. Thời buổi này mà ông ta có hẳn một lọ mì chính to bằng ngón tay cái thế kia chỉ có thể là kẻ bất chính.

Chỉ sau khi nhìn lọ pê-li-xi-lin đựng mì chính bày trong tủ kính của bảo tàng, tôi mới tin đó là câu chuyện có thật.

Nếu như thời bao cấp, các cô gái vẫn thường giương cao câu khẩu hiệu để tìm người yêu: “Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn dần/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa”. Đây chỉ là bài thơ vui nhưng cũng đã phản ánh phần nào nhu cầu cuộc sống lúc bấy giờ. Nếu như các cô gái thời đó biết được các cô gái chân dài bây giờ đặt tiêu chuẩn kiếm chồng như thế nào thì chắc hẳn sẽ không thể đứng vững được.

Thời bao cấp, những ước muốn của con người ta thật đơn giản, nó phản ánh rõ nét cuộc sống nghèo đói, thiếu thốn. Khi đó người ta chỉ ao ước được ăn một bát cơm ngon, được đi chiếc xe đạp Phượng hoàng, được sở hữu một chiếc quạt điện nhỏ, được tắm bằng xà phòng thơm. Còn bây giờ các bạn trẻ có thể mơ ước một chiếc ôtô hạng sang, được ở trong những ngôi biệt thự sang trọng, được đi du lich khắp nơi trên thế giới. Một trong những điểm khiến cho cái triển lãm về thời bao cấp mà tôi đã từng được xem, là tiếng nói của những người dân bình thường đã từng trải qua giai đoạn cùng cực đó, nhằm nói với thế hệ internet rằng những gì xảy ra trong qua khứ giống như nuôi một con lợn trong phòng tắm. 

Bao cấp đó là thời bi tráng, cũng là bài học đắt giá về quy luật phát triển của xã hội, cũng như quản lý nhà nước. Bao cấp, đó là hai từ mà chúng ta cần phải quên đi, để bước tiép trên con đường dài nhưng cũng là bài học truyền kiếp cho các vị đang nắm giữ vị trí quan trọng của đất nước. Hơn hai mươi năm đã qua đất nước có nhiều thay đổi, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nhóm nước nghèo, chậm phát triển.  Tất cả những gì đi ngược lại với quy luật rồi sẽ bị đào thải.

T.V.L

5 nhận xét :

  1. Thời bao cấp có lẽ bắt đầu từ 1954-GPTĐ đến 1986-đánh dấu bằng giá -lương -tiền gắn liền với công cuộc XD CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam (!954- 1975). Có thể hình dung thời kì đó là những CB hưởng lương được cấp sổ gạo và phát tem phiếu các loại nhu yếu phẩm: thịt, cá, trứng đậu, nước mắm, dầu, vải, đường... nhưng luôn luôn trong tình trạng thiếu, dẫn đến cảnh chen chúc, chờ đợi, phát sinh những kẻ đầu cơ tem phiếu, xếp chỗ...Chỉ có CB trung và cao cấp có CH mua riêng tại Vân Hồ hoặc Tôn Đản, và được tiêu chuẩn nhà phân ở các khu TT Vĩnh Hồ, Kim Liên, Trung Tự... mà dân chúng nhìn vào đó như giấc mơ đường sữa, bánh ngọt.
    Có những lúc thiếu thốn trầm trọng, các nguồn lực viện trợ giảm mạnh, dân phải ăn bo bo và sữa giành cho chăn nuôi, không có lương, phải phát thay bằng hàng ế không bán được. Cảnh tượng cuối tuần cantin mang hàng về phân phối, mọi người bốc thăm để chia từ cái áo may ô, quần đùi, cắt lát xà phòng hay đo từng m chỉ khâu. Nhưng cũng có nhà treo vài cái lốp xe đạp trong khi hầu hết xe đạp ngoài phố đều quấn ...băng...
    Năm 2006, HN có ý định tổ chức Triển lãn Thời kỳ bao cấp, vừa có ý nghĩa ngầm nói lên thành tựu của sự đổi mới vừa để nhắc nhở chúng ta về một thời ...để Nhớ, nhân dịp này mình đã viết thành Thơ, nhưng chưa phổ biến, xin nhờ Blog này và TS coi, nếu có thể...OK, Thanks.

    Bao cấp ca
    -Chào mừng Triển lãm Thời Bao cấp

    Ngạo nghễ thay: Thủa gạo 4 hào
    Tờ mờ xếp gạch. Sắn chào bo bo
    Thịt rau vải muối than rầu củi...
    Tem phiếu nhân dân, cán bộ bìa.

    Tiến thẳng mậu dịch nốc vại bia,
    Kèm nộm, lạc rang hoặc bát mỳ
    Người lái hoặc không. Hành bất tử
    225 gram/ suất trưa, chiều (1)

    Anh vào đại học ngủ gường tầng
    Cầm giấy càn khôn lĩnh chăn màn
    Giục dịch ra trường Đơn tình nguyện:
    Đi đâu, làm gì...Bất cứ cần.

    Đồng hồ poljot, đài đeo hông
    TV đen trắng ngồi cạnh trông
    Xe cộ phượng hoàng và thống nhất
    Non sông giọt lệ, chót kim vàng (2)

    Mode quần loe, chân đi guốc gộc
    Thuốc lá Sông Cầu, Sông Lam tha hồ hút
    Tối ngồi chơi đội mũ cối xùm xụp
    Phe ta thắng lợi rất ngoạn mục

    Lương không tiền, phát thay bằng hàng:
    Nghề nào ăn nấy: trấu, xà phòng...
    Cuối tuần chia chác vui ra phết
    Bốc thăm: may ô, lốp, kim chỉ

    Chàng đi quân đội lon thiếu úy
    Trông khung xe đạp phân hợp lý
    Tiêu chuẩn công bằng: Trên trước Dưới
    Cũ- Mói, Đầu - Đuối...rồi từ Giữa.

    Tính tập thể đề cao trên hết
    Cá nhân- tàn dư Tư bản: Vứt
    Yêu và hôn vẫn là phi vật chất
    Lơ mơ tống vào kho Hợp tác.

    Anh yêu em trọn thời bao cấp
    Tim nóng rát mà mặt giá băng
    Người ơi, dám lấy chàng thi sỹ
    Không nhà. Thơ gánh...Nợ bồng tênh

    Cuộc đời quả như một Giấc tiên
    Hạnh phúc mong manh mấy mới năm
    Thời thế, thế thời, thời phải thế...(3)
    Trái tim hành khất-Cấp thêm Tem
    ......
    08/03/2006
    Huy Lê

    (1)Mì có thịt / người lái, không thịt/ không người lái
    CB đi công tác mang theo 225 gram tem gạo và mấy hào để nộp bữa ăn trưa hoặc chiều tại đơn vị.
    (2) Xe máy honda 81 đời chót: kim vàng, giọt lệ
    (3) Ngô Thì Nhậm.

    Trả lờiXóa
  2. gần cuối thời bao cấp trong sinh viên có bài thơ (nghe nói của Giáo Sư Văn Như Cương)
    Đã lâu chưa ăn miếng Thịt nào,
    Hôm nay ra Chợ thử xem sao.
    Lục ví tìm tiền đâu chẳng thấy
    Bỗng nghe Rau muống - Giá lên cao.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc Bao cấp ca- Huy Lê thú vị quá.
    Mình nhớ rất nhiều ông CB đi xe đạp buộc mấy cánh hồng ở dây phanh trước, vai đeo xà cột, một bên là cái đài orionton kéo cần angten ngược lên thật oách, nhiều ông có cái túi cao su sau xe để lúc về lấy nước, cơm thừa nuôi lợn. Ngày ấy, khách đến nhà, thể nào cũng kéo bằng được vào nhà tắm để khoe con lợn, (còn bây giờ là khoe WC). Xin nói rõ thêm, tiêu chuẩn CB loại E: gạo 16- 18kg, thịt: 0,45 kg, đường 0,5 kg, vải: 4 m.../ tháng. Bác tôi làm ở CH thực phẩm rất khoái cháu dâu (vợ tôi) nhờ mua hộ thịt, vì bác được biếu lại phiếu mua ...nước mắm.
    Thân thể người lúc ấy không mấy ai vượt 45 kg, nếu không tin xin mọi người xem lại các ảnh minh và gia đình thử coi. Đi khắp một làng không tìm nổi lấy một người để có cảm giác ông ta béo. Nhưng lạ thay, nói đến đi bộ đội, đánh Mỹ thì hăng lắm, nhiều người bỏ thêm đá vào túi quần để cho đủ cân...Chẳng thế mà dân tộc ta đã làm nên những chiến công hiển hách, mặc dù, dân tộc ấy đang ở thời kì đói khát, rách dưới.
    .........
    Bình Tâm

    Trả lờiXóa
  4. Bay gio van con co thu bao cap day:Do la Y thuc,Quyen,Nghia vu cua CD

    Trả lờiXóa
  5. Gui 14:27 XIn dinh chinh :vai _4m/nam

    Trả lờiXóa