Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Thăm những làng Việt cổ: PHƯƠNG KHÊ - TỔ QUÁN CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN HIẾN LÊ

Làng Phương Khê - quê hương học giả Nguyễn Hiến Lê
Phùng Hoàng Anh
- Hội viên Hội Văn nghệ dân gian VN

Tôi muốn mượn những vần thơ trong bài thơ Sông lấp của nhà thơ – tú tài Trần Tế Xương để bàn về sự đổi thay của làng quê Việt Nam nói chung và làng Phương Khê, quê tôi nói riêng: 

“Sông kia rày đã nên đồng 
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” 

Sự đổi thay của làng quê theo thời gian là quy luật tất yếu của vận động tự nhiên.Từ thiên nhiên đến sự vật, con người luôn luôn vận động theo vòng quay của thời gian một đi không trở lại. Bởi vậy mà khi người ta có tuổi, họ chợt giật mình mà nhớ về những quá khứ của tuổi thơ. Nơi ta sinh ra góc phố, đầu làng. Từ cậu bé thưở nào mới oe oe cất tiếng khóc chào đời nay đã trở thành những cử nhân, bác sỹ, kỹ sư…làm chức nọ, chức kia. Bỏ cái tổ ấm thưở nào ta được sinh ra, rồi trưởng thành, đủ lông đủ cánh mà bay đi khắp mọi phương trời nước Việt, trong Nam ngoài Bắc và cả năm châu, bốn biển.
 
Và rồi, họ lại nhớ về quê hương bản quán, nơi ấy cha ông họ, tổ tiên họ sinh cơ lập nghiệp, sinh ra ở đất ấy và ra đi cũng từ đất ấy. Bởi thế mà những năm gần đây, việc họp họ, xây dựng từ đường, nhà thờ họ, đình, chùa, cổng làng lại được con em của quê hương làm ăn ở xứ người quan tâm góp công, góp của để xây mới nâng cấp những công trình mang tính chất cộng đồng làng xã, họ tộc ấy. Vì vậy mà bộ mặt nông thôn, làng quê ở những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI được đổi thay rõ rệt.

Làng tôi – thôn Phương Khê, một làng ven đồng bằng sông Hồng của nước Việt đã được học giả Nguyễn Hiến Lê kể lại rất tỉ mỉ trong cuốn Hồi kí của mình về những ấn tượng, những kỉ niệm tuổi thơ của ông đã sống ở thế kỉ XX đã qua. Nào là ngôi đình cổ có tấm hoành phi của cụ Đỗ Uẩn làm quan Phó sứ công đức vào đình làng hiện còn treo ở gian giữa ngôi đình, vì cụ là rể của làng. Cụ Đỗ Uẩn là anh rể ông nội của học giả Nguyễn Hiến Lê. Rồi chuyện về ông đồ Đặng Trần Thường lúc còn hàn vi, ông đã ngao du sơn thủy tới làng Phương Khê được cụ tổ đời thứ 5 của học giả họ Nguyễn làm tiệc rượu mời cụ Đặng, rồi xin cụ cắm hướng nhà cho. Cụ Đặng nhận lời và cắm hướng cho ngôi nhà thờ sau này. Theo như lời truyền thì: “Đống mối bên hông nhà thờ mà thầy phong thủy gọi là Kim tinh, phát về văn học”. Điều đó đúng hay sai không ai dám khẳng định, chỉ biết rằng cụ Nguyễn Hiến Lê, nhờ sự dạy dỗ của người cha, và bác Hai của mình về Hán học, để rồi từ một công chức ngành Thủy lợi, ông chuyển sang dạy học và viết văn. Ông đã sống và làm việc từ năm 1935 cho đến ngày cuối đời 1984, tại miền Nam nước Việt, nhưng tấm lòng không nguôi nhớ về đất Bắc. Trong hồi kí của ông có nhiều đoạn tả về quê hương, những địa danh như Ngã Ba Hạc ở Cổ Đô, bến đò Vân Sa, thăm Đền Hùng, những lần đi chơi chợ Dốc, chợ Mơ…Nơi ông đã từng đặt chân tới từ những ngày còn thơ ấu. Văn chỉ của làng thờ đức thánh Khổng Tử, nơi ông đã từng nằm đọc sách hóng mát những trưa hè tuổi thơ. Tất cả, tất cả đã mất dần theo thời gian, do tạo hóa và con người vô tình đã phá hủy. Để đến hôm nay, tôi về làng mê mải đi tìm những dấu tích thưở xưa còn sót lại ít nhiều. Cụ Lê đã mất từ lâu, phần mộ của cụ nằm ở chùa Phước Ân, miền Nam đất Việt, còn người cha của cụ nằm yên nghỉ tại nghĩa trang của làng Phương Khê từ những năm 1920 của thế kỉ trước, hai cha con mỗi người mỗi ngả, cha ở miền Bắc, con ở miền Nam, xa cách nghìn trùng. Bởi thế, mà cô cháu gái gọi cụ Lê là bác đã vượt qua hàng nghìn cây số từ Cần Thơ để về Bắc tìm lại quê hương, bản quán lúc tuổi đã xế chiều. Bà Nguyễn Thị Hạnh sinh năm 1946, con gái duy nhất của ông Nguyễn Hữu Hùng – em trai học giả Nguyễn Hiến Lê, còn ở Việt Nam. Vì con trai duy nhất của học giả Nguyễn Hiến Lê là ông Nguyễn Nhật Đức sống ở bên Pháp từ lâu chưa về. Thế mới biết quê hương là chùm khế ngọt…để cho những người xa xứ thổn thức không nguôi nhớ về đất Mẹ.

Làng tôi… không nổi tiếng như làng Cổ Đô, bởi Cổ Đô có tới hai ông Thượng Thư: Nguyễn Sư Mạnh và Nguyễn Bá Lân hay làng Mai Trai xã Vạn Thắng liền vách với làng tôi có Tham Tụng Lê Anh Tuấn làm quan dưới triều chúa Trịnh Cương, làng Phong Châu xã Phú Châu có hai ông Tiến sỹ Trần Thế Vinh và Phan Nhuệ. Tất cả các vị ấy đều có tên ở bia tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám. Còn làng Phương Khê trải suốt các kỳ thi Hương, Hội, Đình của nhà nước phong kiến chỉ có hai cụ đỗ trung khoa, đó là cụ Phùng Đức Long đỗ Hương cống đời Lê, được kiệu võng vua ban kèm sắc phong (bổ nhiệm) làm quan Tri huyện huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ ngày nay, và ông nội của học giả Nguyễn Hiến Lê đỗ Tú tài, không thi tiếp mà ở nhà dạy học trong tổng Phú Xuyên phủ Quảng Oai tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội).

Các công trình văn hóa cổ như đình, chùa, miếu mạo của làng tôi cũng không đồ sộ như các làng khác bởi làng tôi ít dân (nay khoảng 2500 nhân khẩu), các nhà thờ họ cũng khiêm tốn bởi các dòng họ không có ai làm quan to. Hầu hết là huy động tiền của và công sức của người dân trong làng và con em xa quê đóng góp. Mấy năm vừa rồi, làng tôi đã dựng chùa mới,vì chùa cũ đã phá hủy từ lâu. Duy chỉ còn ngôi đình cổ và mấy nhà thờ họ là còn cho tới ngày nay. Các họ tộc đã đóng góp sửa sang, nâng cấp nhà thờ tổ, to đẹp hơn. Đường làng ngõ xóm xưa kia chỉ là đường đất thì nay nhân dân đóng góp đã được đổ bê tông sạch sẽ. Nhà cao tầng đua nhau mọc lên như nấm sau mưa,bộ mặt quê tôi thay đổi nhiều.

Làng tôi… có hai chiếc sân kho thời hợp tác xã rộng như sân Mỹ Đình – Hà Nội ngày nay, ở đó người ta thu lượm lúa má của cả xã về đó mà tuốt thành hạt,rồi hong phơi ,rồi cho vào kho dự trữ. Sau khoán 10, sân kho là nơi tụ họp các sinh hoạt cộng đồng làng xã. Những đêm xem hát chèo, cải lương của các đoàn nghệ thuật về biểu diễn, tôi rất mê giọng hát của các nghệ sỹ, diễn viên mỗi khi vào vai các nhân vật của vở diễn như: Thầy đồ và tên tướng cướp – một vở kịch đến giờ tôi vẫn còn nhớ…Tôi còn nhớ những ngày Quốc khánh của dân tộc, họ lại cho thịt những con trâu già thải loại không còn sức kéo phục vụ sản xuất. Cảnh đánh bắt cá ở ao cá Bác Hồ về xẻ thịt chia phần, những con cá nặng vài chục cân, chia cho nhiều hộ gia đình. Mỗi gia đình đều được chia phần mang về liên hoan. Ấn tượng nhất tuổi thơ tôi là được theo ông nội vào vườn cây các cụ, hái những quả vải chín to bằng cái chén hoa hồng thủa trước, cùi dày và mọng nước, ngon ngọt như vải tiến vua thủa xưa. Những đêm rằm Trung thu, cả xã có hơn chục chiếc kiệu hoa được các nghệ nhân nghiệp dư của làng kết bằng đèn hoa kỳ (loại đèn thắp bằng dầu hỏa, ngày nay vẫn còn một số gia đình sử dụng), được các anh chị đoàn viên lớp trên khiêng đi dạo vài vòng trên con đê sông Hồng mùa nước, soi bóng xuống mặt nước, ánh trăng hòa với ánh đèn hiện lên lung linh huyền ảo. Đám trẻ chúng tôi theo sau kiệu thành hai hàng mà hát vang bài hát: Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh…Rước đèn ông sao…Cho đến lúc trăng soi trên đỉnh đầu, lúc bấy giờ ban tổ chức chấm và công bố kết quả Kiệu nào đạt giải Nhất, Nhì, Ba…Chúng tôi cũng hồi hộp lắm, chờ xem kiệu của mình được chấm giải gì không, sau đó là cảnh rước kiệu tập kết về sân kho phá cỗ Trung Thu cùng chú Cuội và chị Hằng…

Làng tôi… còn có cả trại chăn nuôi lợn, trâu bò, lò gạch, lò ngói, lò lung vôi, lò thuốc lá từ những năm 1965 của thế kỷ XX, bởi xã tôi là một trong số những xã điển hình của miền Bắc lúc bấy giờ. Bà chủ tịch, sau này là Bí thư Đảng ủy xã, là cháu gái của họ chúng tôi nhiều lần được về thủ đô dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Năm 2005 người dân xã tôi cũng vui mừng phấn khởi được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lựng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Làng tôi …ngày nay đã đổi thay rất nhiều,những địa danh tôi vừa kể trên nay đã thay hình đổi dạng. Ao của trường học ngày xưa nay là chợ xã mọc lên với quán xá sầm uất, tấp nập kẻ mua người bán tứ xứ đổ về. Bến xe chạy về Hà Nội, Hà Đông ngày dăm ba chuyến…Tiếng còi xe rú báo khách làm huyên náo cả một làng quê vốn yên tĩnh bao năm. Trường Trung học cơ sở nay được xây dựng trên nền sân kho hợp tác xã thủa nào, nó đã xóa đi dấu vết một thời đã qua, giờ đây chỉ có những người thuộc lứa chúng tôi mới hình dung nổi. Trẻ em hôm nay không còn hình dung được trước đây nó sân phơi thóc lúa của cả xã.Giờ kể lại,nghe nó xa xôi như nghe chuyện cổ tích.

Tôi xa quê nhiều năm,mỗi khi nhớ quê kí ức tuổi thơ lại ùa về trong nỗi nhớ làng, nơi ấy tuổi thơ tôi gắn bó một phần đời.
.
Một số hình ảnh làng Phương Khê
.
Đình làng Phương Khê

Bức hoành phi do cụ Đỗ Uẩn cung tiến.
Bốn chữ: Nghiễn Thiên chi muội (Sánh với người em gái của Trời)

Cánh đồng làng Phương Khê

Cây đa làng

Trường THCS xã Phú Phương được xây dựng trên sân kho hợp tác xưa

Nhà thờ họ Nguyễn của học giả Nguyễn Hiến Lê. 

*Bài và ảnh do tác giả Phùng Hoàng Anh gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả.


Bài đọc thêm về học giả Nguyễn Hiến Lê:
Nhân cách nhà văn
Đắc Trung

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984), quê gốc làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), nhưng sống ở Sài Gòn. Ông là nhà văn hóa nổi tiếng, tác giả của hơn 100 bộ sách về lịch sử, khảo cứu, sáng tác văn học, ngôn ngữ, triết học, tôn giáo, đạo đức, giáo dục… Trong đó có những cuốn: Lịch sử thế giới, Đông kinh nghĩa thục, Văn minh A Rập, Sử Trung Quốc, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nguồn gốc văn minh, Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Gương danh nhân, Đắc nhân tâm, Kinh dịch… Các công trình của ông đều được đánh giá cao về giá trị khoa học và thực tiễn.
 
Năm 1967 ông được xét trao giải Văn chương quốc gia phần thưởng trị giá sáu chục cây vàng. Ông từ chối không nhận với lý do mục đích ông sáng tác không phải để giành giải, nhận thưởng. Ông khuyên đem số vàng đó  trợ giúp những người nghèo và nạn nhân chiến tranh.

Chỉ những nhân cách lớn mới làm được thế. Còn những kẻ tầm thường ( kể cả các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, điện ảnh, sân khấu, khoa học…) thì chạy chọt hết cửa này, cửa khác để giành giải. Viết được vài ba cuốn sách đã háo danh thích nổi tiếng, bỏ tiền thuê bồi bút viết bài lăng-xê lên báo, giới thiệu trên truyền hình, tổ chức triển lãm bản thảo viết tay, tự coi mình như vĩ nhân.

Những việc như thế rất không nên. Bởi thùng rỗng kêu to chỉ có thể lừa được những người nông cạn nhẹ dạ mà thôi.

24 nhận xét :

  1. Những ngôi làng cổ, làng nghề, chùa đình cổ gìn giữ hồn dân tộc, chẳng những là bảo vật quốc gia, mà còn có thể đem lại mối lợi rất lớn cho kỹ nghệ du lịch. Loạt bài làng cổ rất hay, cám ơn tác giả Phùng Hoàng Anh và anh Diện đã cho đăng để mở mang kiến thức cho độc giả.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu không nhầm thì ở xứ Thanh cũng có một làng mang tên Phương Khê.Mới đọc tiêu đề tôi cứ nghĩ là tác giả viết về làng này.
    Làng Phương Khê ở xứ Thanh cũng là một ngôi làng cổ,gồm các dòng họ Nguyễn,họ Hà,họ Phạm di cư từ vùng quê khác đến khai phá,lập nghiệp cách đây hơn 500 năm.Đây là vùng núi nhưng không quá cao,có nhiều rừng nguyên sinh,trước đây có Bà Triệu rồi sau nữa là có những vị tướng cũng chọn nơi đây để tụ nghĩa.Làng này một mặt là biển xanh sóng vỗ,một mặt là núi non trùng điệp,đúng là mảnh đất linh kiệt, thuận cho việc khởi binh dựng nghiệp.
    Trong làng thời đó cũng có người đỗ tiến sỹ và được khắc tên trên bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám-Đó là cụ Nguyễn Hiệu,rồi con cụ là Nguyễn Hoàn,cả hai đều làm quan đến chức Thượng thư đời vua Lê.
    Xưa kia ở làng cũng có rất nhiều di tích văn hoá cổ,đặc biệt là ngôi đình làng.Đình làng được dòng họ của cụ Nguyễn Hiệu mua từ làng khác mang về.Cột đình thời đó rất to,phải đến hai người ôm mới xuể,khó khăn nhất là khi vận chuyển,thời đó các cụ phải vận chuyển theo đường sông rồi dùng con lăn đưa về làng.Ngôi đình được dựng cách bờ sông chỉ vài trăm mét.
    Những sà gồ,vách ngăn,mái đình được trạm trổ rất công phu với đủ loại chủ đề mang nhiều nét văn hoá.Đình làng có nhiều ý nghĩa về nét văn hoá cổ,đồng thời cũng là chứng nhân lịch sử của làng,tất cả những việc như khao quan,bán chức,rồi việc phạt vạ cho đến chuyện lớn nhỏ ở làng đều có sự chứng kiến của ngôi đình.Đó là chuyện của ngày xưa,còn những năm cải cách ruộng đất,đó cũng là nơi để đấu tố địa chủ.
    Phải nói rằng,ngôi đình của làng Phương Khê xưa rất lớn và rất đẹp.Đây cũng là nơi chứng kiến những buổi tiên đưa những người con ra trận.Thời chống Pháp có anh hùng Tô Vĩnh Diện,thời chống Mĩ có Lê Xuân Sinh và rất nhiều người con khác đã ra đi từ mái đình này.Nhiều người đã ra đi mãi mãi không trở về.Riêng trong bảng vàng của Phương Khê có ghi danh của hơn một trăm liệt sỹ.
    Một nỗi buồn và tiếc nuối nữa mà đến nay mọi người vẫn bùi ngùi luyến tiếc.Đó là việc ngôi đình cổ của làng không còn nữa.Nó đã bị phá bỏ trong phong trào chống mê tín dị đoan.Chỉ vì với cách suy nghĩ lúc đó là tất cả đình chùa,miếu mạo là nơi ươm mầm mê tín dị đoan,là mang màu sắc văn hoá phong kiến cần dẹp bỏ.Chính vì vậy mà tất cả đình,chùa,miếu,phủ đều bị dỡ bỏ.Dân làng rất tiếc nuối nhưng lúc đó là lệnh,nên đành phải ngậm ngùi phá dỡ.Tất cả những cây cột to của đình làng Phương Khê cũ đều được xẻ ra để đóng bàn ghế phục vụ cho nhà trường.Tất cả Nghè,Phủ có những bức tượng lớn và đẹp của thời xa xưa cũng bị đập vỡ để nung vôi.Miền Trung ngày đó là nơi đi đầu trong phong trào bài trừ mê tín dị đoan,nên những công trình cổ có kiến trúc đẹp đã bị dẹp bỏ tương đối nhiều,trong đó phải kể đến đình làng Phương Khê.
    Bây giờ đình làng Phương Khê chỉ còn trong trí nhớ của các bậc cao niên trong làng.
    Thật tiếc cho một công trình mang đậm sắc văn hoá và cũng là một chứng nhân lịch sử đã bị xoá bỏ.

    Trả lờiXóa
  3. Chào anh Diện , những bài viết hiện nay đang được đăng trong thời điểm gần dây đúng là rất hay , nó cũng đang mang lại rất nhiều giá trị thiết thực . Nhưng có một điều là chúng ta chưa thoát ra được tư tưởng của nền văn hoá Trung Hoa . Khi nào có dịp em mời bác đến quê em và thăm nhà thờ Gia Tộc em . Từ Đại Tự < Câu Đối đều được ghi bằng chữ quốc ngữ mặc dù trong gia tộc cũng có nhiều gia đình kết thông gia với nước bạn Trung Hoa , họ rất tôn trọng và nhìn nhận sự độc lập về văn hoá và tư tưởng , họ không ngưỡng mộ những gì mà mình học họ đâu Anh ạ . Họ đến Việt nam không phải vì họ muốn xem chúng ta đã copi của họ những gì , mà họ muốn xem chúng ta có gì .

    Trả lờiXóa
  4. Chúng ta hãy chắt lọc những tinh hoa văn hoá trên thế giới và lấy căn bản văn hoá Lạc Việt làm nền tảng , để tạo nên nền văn hoá Việt Nam .

    Trả lờiXóa
  5. Hiên ngang sống giữa Đất Trời
    Vì ta chỉ sống một đời này thôi

    Trả lờiXóa
  6. Hiện nay chúng ta quá chú tâm vào xây dựng hình thức mà qên đi mất nội dung , nhưng chính nội dung chính là cốt lõi của sự bền vững . Chúng ta nên tìm hiểu và nghiên cứu những nước trên thế giới để tìm ra hướng đi bền vững cho dân tộc mình , như nhưng quốc gia tiến bộ Châu Âu . Họ đã vượt bậc trong mọi lĩnh vực , nhưng về văn hoá và lối sống thì lại rất đơn điệu nhàm chán . Vì chỉ chú trọnh đến sự tiến bộ khoa học mà không đồng lúc song song phát triển và nuôi dưỡng cho văn hoá được phong phú giàu nét nhân văn căn bản của loài người . Ta đi sau tuy có thiệt thòi nhưng nó cũng là lợi thế , để cho chúng ta có những bài học klinh nghiệm thiết thực , bằng nhgưng mô hình thực tế . Tuy tôi không được tiếp cận nhiều về kiến thưcvs như các vị , nhưng tôi thâys một điều cốt lõi là van hóc của chúng ta đang có vấn đề , mà vấn đề này là do chúng ta không tự sáng tạo mà chỉ biết copi .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ bác Trịnh Tùng chưa có dịp thưởng thức kho tàng văn hóa của phương Tây. Nếu bác có dịp tới Paris , Rome, London, bác sẽ thấy người phương Tây bảo tồn văn hóa của họ như thế nào. Chính người phương Tây như Pháp, Ba Lan, giúp chúng ta bảo tồn những di sản văn hóa như Huế, Mỹ Sơn ... , chứ người phương tây chỉ chú trọng đến sự phát triển khoa học. Ngay cả người Mỹ cũng thế, họ trân trọng, nâng niu những di sản văn hóa. Bác ghé thử những bảo tàng của họ, bác sẽ có cái nhìn mới về Âu- Mỹ .
      Bác nói " chúng ta không tự sáng tạo mà chỉ biết copi ". Tôi có thể nói chẳng có dân tộc nào mà không copi . Đó là những tương tác, những giao lưu , học hỏi lẫn nhau . Ngày nay các nước lại càng copi nhau nhiều hơn nữa. Nếu ta không biết bảo tồn, họ còn đánh cắp của ta nữa là khác . Dân tộc nào không biết copi là dân tộc bị thiệt thòi !

      Xóa
  7. Ta đã có chữ viết riêng đó là chữ phổ thông hiện nay , tuy nó là do các giáo sỹ phương Tây sáng tạo ra . Những về căn bản và quá trình phát trình để phát triển chữ quốc ngữ , thì chính người Việt ta mới tạo ra chúng . Đây chính là cơ sở và tiến bộ trong sáng tạo của Dân Tộc ta . Chúng ta nên bắt đầu ngay từ bây giờ mình phải biết nhìn thẳng vào sự thật để phát triển Văn Hoá Cũng như khoa học kỹ thuật , chúng ta còn rất nmghèo nàn lạc hậu , dân trí , trí thức trí còn rất thấp vì chúng ta đã bị ảnh hưởng rất nhiều vào văn hoá nghi thức Trung Hoa . Chúng ta luôn bị cái tư tưởng sỹ diện hão làm mông muội đi trí tụê con nguời . Giản dị mà sâu sắc, bình dị mà kiêu hùng , đây mới chính là kim chỉ nam cho việc phát triển nền văn hoá Việt Nam .

    Trả lờiXóa
  8. Từ hôm qua đến giờ tôi miệt mài đọc chùm bài "Thăm những làng Việt cổ" và comments của mọi người.
    Tuy chưa được "thực mục sở thị" những làng cổ (tôi mới đến được phố cổ Hội An) nhưng đọc chùm bài trên và comments của mọi người cũng đã giúp cho tôi thêm có nhiều hiểu biết.
    Còn điều này thưa bác "chậm hiểu" : Không biết tôi phải tăng tốc như thế nào mới có thể theo được cái "chậm" của bác đây?!

    Cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện cùng tất cả mọi người đã cho ý kiến bình luận.

    Trả lờiXóa
  9. VN có bốn làng cổ thôi hà anh Diện?

    Trả lờiXóa
  10. Trang BA SÀM : Tường thuật … không biểu tình từ Hà Nội
    ...

    11h15′ – Tin nóng! Các “biểu tình viên” tuần này đã có một quyết định rất có ý nghĩa – về thăm Làng cổ Đường Lâm, Đền Phùng Hưng, đền và lăng mộ Ngô Quyền, nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh, Trưởng đoàn ngoại giao VN bị giết hại tại Yên Kinh, TQ năm 1638, thăm Giếng Sữa và các di tích ở Làng cổ Đường Lâm… Có khoảng 50 người, cả lực lượng an ninh hộ tống. Tuyệt!
    ...

    Trả lờiXóa
  11. @ Hiền Giang 10:22.
    Bạn nên tăng tốc bằng cách những ngày nghỉ cuối tuần hãy dời nơi đô thị phồn hoa,nên về những làng quê và nhất là vùng làng cổ nổi tiếng.Về nơi ấy ta cảm thấy được những sự gần gũi, những nét đẹp riêng của văn hoá cổ của cha ông ta,và nó cũng làm ta giảm bớt được nỗi ưu phiền trong cuộc sống sô bồ của sự mưu sinh.
    Nếu có điều kiện gặp được các vị cao niên trong làng,thì còn được nghe nhiều truyện hay hơn cả hướng dẫn viên du lịch.
    Chúc bạn những ngày cuối tuần có những chuyến tham quan,tìm hiểu về những ngôi làng cổ một cách bổ ích và vui vẻ.

    Trả lờiXóa
  12. Đọc bài này xong nhớ lại thời thơ ấu ghê, bây giờ có muốn quay lại cũng không thể!!

    Trả lờiXóa
  13. Sao anh Diện bảo không còn nhận comment nữa ?
    Vẫn vui vì còn đọc những bình luận từ độc giả, dù biết rằng như vậy thì anh sẽ vất vả nhiều.
    Chúc anh luôn sức khỏe.

    Trả lờiXóa
  14. chào anh Diện
    Tôi muấn liên hệ với anh để muấn đư thôngtin về một làng việt cổ:

    Trả lờiXóa
  15. Cảm ơn Bác Chậm hiểu! Người trước có dạy : Cung kính không bằng tuân lệnh. HG tôi xin được lĩnh giáo.

    Trả lờiXóa
  16. Ngọc Dũng (Sài Gòn)lúc 11:06 24 tháng 12, 2011

    Thưa TS Diện !
    Theo tôi, hình như bài thơ này chép chưa chính xác câu : "Vẳng nghe tiếng ếch bên tai ". Nếu như tôi không nhầm thì câu thơ trên phải là "Nằm nghe tiếng ếch bên tai". Theo ngu ý của tôi thì là nhà thơ nghe tiếng ếch kêu vào ban đêm lúc đang nửa mê nửa tỉnh và liên tưởng tới tiếng gọi đò trong vô thức.
    Tôi không có điều kiện kiểm tra lại bản gốc của bài thơ này. Nếu không phải, xin được lượng thứ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu thơ của Tú Xương chúng tôi học những năm 1960 trong miền Nam là:

      Đêm nghe tiếng ếch bên tai

      Xóa
    2. Vâng, em học năm 71-72 thì cũng là "Đêm nghe...".
      Nhớ các thầy cô dạy Văn thời đó, thường vị nào cũng có cả tủ sách chuyên ngành văn học trong nhà để thường xuyên tham khảo và cập nhật kiến thức, chứ không bị lệ thuộc vào một bộ sách giáo khoa thống nhất. Một chữ còn nghi vấn trong bài thơ hay văn, thì em thấy các sách thường cẩn thận ghi chú: "có bản chép khác là...", hay "có dị bản là...", thầy cũng cho học trò biết về các dị bản đó, nhưng bảo không quan trọng, không buộc phải học.

      Xóa
    3. Tôi cũng nghĩ là " đêm nghe " có lý hơn. Hơn nữa cụ Tú Xương cũng khá chọn lọc về câu chữ. Ban ngày mấy ai để ý tiếng ếch kêu . Đêm đang ngủ nghe tiếng ếch kêu mới giật mình !

      Xóa
  17. Đúng vậy, trong sách giáo khoa tôi thấy viết : "Nằm nghe tiếng ếch bên tai".
    Đề nghị bác Diện xem lại chú thích ảnh thứ 4 (cây đa làng). Nhìn thì không phải cây đa rồi, lá đa to bác Diện ạ. Phải chăng có sự nhầm lẫn ?

    Trả lờiXóa
  18. Ảnh 4 không phải là cây đa đâu bác Diện ạ. Cây đa lá to và có rễ phủ. Đó là cây to chứ không phải cây đa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tác giả Phùng Hoàng Anh cho biết, cây này rất đặc biệt: Tầng dưới sát gốc là cây duối cổ thụ, Tầng giữa là cây si, tầng tán lá trên cùng là cây bồ đề. Ba cây này quấn lại thành một gốc, chu vi khoảng 4 người ôm mới hết một vòng.

      Bác tinh ý thật đấy! Xin cảm ơn bác!

      TỄU

      Xóa
  19. Trước 1975, người miền Nam đã qua Tú Tài không ai không biết Nguyễn Hiến Lê.

    Trả lờiXóa