Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

PHƯƠNG BÍCH: BƯỚC CHÂN VÀO CHỐN NGỤC TÙ (5)

Ảnh: GS.TSKH Hoàng Xuân Phú
Bước chân vào chốn ngục tù
Ghi chép của Phương Bích
Trong Hỏa Lò
Tôi không hề cảm thấy hổ thẹn với lương tâm, chỉ choáng váng phút ban đầu khi nhìn cái còng số 8 bập vào tay mình. Một người phụ nữ hơn 50 tuổi như tôi, xấu hổ ngay cả khi nói to khiến người khác phải nhìn vào, chưa bao giờ ỷ thế vào bất cứ mối quan hệ nào để trục lợi cho bản thân mình, chưa bao giờ làm điều gì xấu xa, tổn hại đến bất cứ một cá nhân nào chứ nói gì đến đất nước. Vậy thì tại sao tôi lại phải hổ thẹn vì cái còng số 8 trên tay tôi lúc này đây. Dẫu cho họ có gán cho tôi cái tội danh gì đi chăng nữa, thì tôi chắc bạn bè và gia đình, những người biết tôi dù chỉ là trong thời gian ngắn ngủi nhất cũng sẽ không bao giờ nghĩ tôi là một kẻ có tội.
Lại được ở bên nhau trong lúc chờ đợi, Minh Hằng ngồi xuống bên cạnh, xiết chặt lấy bàn tay tôi nghẹn ngào:
- Tôi với bà từ nay không thể xa nhau được nữa rồi
Tôi rưng rưng nước mắt. Bây giờ tôi mới cảm nhận được, mỗi giây phút được ở bên đồng đội trong những ngày này quý giá đến thế nào. Họ phát cho chúng tôi mỗi người một mẩu giấy có ghi số, bảo đấy là số cơm của chúng tôi, số gọi đi cung, số gọi đi nhận quà tiếp tế.
Trước khi đi theo người dẫn chúng tôi vào trại, tôi đến bên hai người bạn tù áp giải chúng tôi trên xe, nắm lấy những bàn tay đang bị còng chào tạm biệt họ:
- Mình đi nhé, giữ gìn sức khỏe nhé.
Trong đôi mắt cô gái mở to ngước lên nhìn tôi lúc ấy, tôi cảm nhận có chút gì ấm áp trong đó, hoàn toàn không còn vẻ dữ dằn, phớt đời như lúc ban đầu. Chỉ một khoảng khắc ngắn ngủi ấy thôi, tôi vừa mừng vừa thấy xót xa về số phận của những con người này.
Đã đến đây rồi, tôi bình tĩnh chấp nhận tình thế, không còn bất ngờ trước mọi diễn biến nữa. Nỗi lo nhất của tôi là về bố, bây giờ thì chắc gia đình tôi cũng thu xếp ổn thỏa. Thương mẹ lại vất vả thêm, thương các anh chị có thể bị nhiễu nhương, phiền hà vì tôi.
Thái độ của những người tại khu giam giữ lịch sự và thân thiện, khác hẳn so với khu vực tiếp nhận tù vào trại. Có lẽ do tiếp xúc trưc tiếp với tù nhân, ít nhiều họ cũng cảm nhận được sự đau khổ vì mất tự do của những người tù nên họ nhẹ nhàng hơn chăng. Chỉ có một điều tôi nhận thấy ngay là không bao giờ họ cho tù nhân ngồi cao ngang hàng với họ. Ghế dành cho cán bộ là ghế tựa thông thường, còn ghế cho tù nhân khi làm việc với họ là những chiếc ghế thấp, để làm sao người tù luôn phải ngồi ở dưới chân họ.
Tuy nhiên ở đây đâu phải là chỗ để cho tôi có ý kiến. Tôi nghĩ sau này, tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn về luật pháp Việt Nam. Nếu có thể, sẽ kiến nghị lên các ông nghị bà nghị, đề nghị cải thiện chế độ nhà tù, để những người tù được đối xử tử tế hơn, nhân đạo hơn.
Mỗi một khâu là một cuộc thẩm vấn, ở đâu họ cũng hỏi chúng tôi làm sao lại bị bắt, hỏi lai lịch,  quê quán, chỗ ở, việc làm. Sau khi nghe chúng tôi nói, ông phụ trách gật gù:
- Các chị đã vào đây thì cứ chấp hành nội quy cho tốt. Còn có tội hay không có tội thì là với đảng và nhà nước, chứ không phải có tội với chúng tôi. Các chị cứ yên tâm, không có tội thì sẽ thả thôi.
Có lẽ lý do vào tù như chúng tôi ở đây là chưa bao giờ có, nên trong khi tôi ngồi dưới chân họ, nói về chuyện bộ đội ta bị bắn giết ở Gạc Ma, về ngư dân ta vái lạy lính Trung Quốc để được sống sau khi bị cướp hết tài sản, về gần 3 tháng qua chúng tôi- trong đó có rất nhiều nhân sĩ trí thức- chủ nhật tuần nào cũng đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược... những người đại diện pháp luật cai quản đám tù ở đây cứ nhìn chúng tôi chăm chú, ánh mắt họ tôi không tả chính xác được, chỉ biết khi đưa tôi vào phòng giam rồi, đích thân ông phụ trách đứng ngoài hành lang nói vọng vào với đám bạn tù mới của tôi:
- Chị ấy là trí thức, nhớ đối xử tử tế đấy.
Ước mơ hòa bình. Ảnh: Phạm Văn Mùi
Ôi chao, một nhân viên quèn như tôi, đi biểu tình chống Trung Quốc về bỗng trở thành trí thức! Nếu họ được tiếp xúc với các trí thức thật sự thì không biết họ sẽ “choáng” như thế nào. Tôi cũng không “cãi” lại ông phụ trách khi ông ấy nói, nếu có tội thì là có tội với đảng và nhà nước. Trong lòng tôi khi ấy thầm bật lại ngay tức thì: tôi chỉ tự hỏi, mình có làm gì đắc tội với Tổ quốc, với nhân dân hay không thôi. Tổ quốc và nhân dân đơn giản là mảnh đất tổ tiên cha ông tạo dựng nên, ở đó có cha có mẹ, có các anh chị em, bạn bè thân hữu, hàng xóm láng giềng.. ..tất cả những cái đó không dễ nói ra, nhưng nó là trường tồn và bất biến.
Lời dặn dò của ông phụ trách trại giam thực ra chỉ để tỏ thiện chí và sự tôn trọng của ông ấy, chứ đám bạn tù tốt ngoài sức tưởng tượng. Cả căn phòng rộng chỉ có 6 người, cộng với tôi là 7. Không khác gì khi ở buồng giam công an quận Hoàn Kiếm, tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhìn những gương mặt đang tò mò quan sát tôi, không có vẻ mặt nào là hung dữ, bặm trợn.
Chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh, hóa ra tất cả đều ít tuổi hơn tôi, vậy mà trông họ già quá. Tất cả họ đều bị tạm giam vì tội cờ bạc, hay mại dâm. Tuy là tạm giam nhưng người ở đây lâu nhất cũng đã gần 4 năm, sớm là hơn 2 năm. Họ chăm chú lắng nghe tôi nói chuyện, hết sức ngạc nhiên khi biết lý do tôi bị bắt. Cũng như nhiều người ở ngoài đời, họ chẳng biết gì về chuyện biên giới và hải đảo. Họ gật gù - có, có! Em có nhớ về thác Bản Giốc – như thể nó chỉ còn ở đâu đó trong một miền ký ức xa lắc, trong cái guồng quay nhọc nhằn của cuộc sống cơm áo, gạo tiền. Tôi lại là người hay chuyện, nói không bao giờ biết chán về cuộc sống. Hai cô bạn từ “giường” bên kia nhảy sang hóng chuyện. Các cán bộ quản giáo đi qua, ngó thấy cả bọn túm tụm vào một chỗ nghe tôi kể chuyện, không biết họ có cho rằng tôi “đầu độc, tuyên truyền” gì không.
Đã qua giờ cơm chiều từ lâu, nhưng các cán bộ quản giáo vẫn hỏi tôi có ăn cơm không để đi lấy. Tôi cảm ơn, nhưng chỉ xin được uống nước. Họ đưa cho tôi một chai nước còn nguyên “tem”, một cái khăn mặt mới và một bàn chải đánh răng. Một cô bạn tù trẻ nhất ép tôi uống bằng được một hộp sữa vinamilk, họ còn đưa cả bánh cho tôi ăn, đưa quần áo cho tôi thay. Thật khó lòng mà từ chối sự quan tâm của họ. Tôi hỏi thăm qua đám tù tự giác cũng như cán bộ quản giáo, họ bảo Minh Hằng vẫn khỏe, ăn uống bình thường. Tôi thực thà tin ngay, thế là trong ngày thứ ba và thứ tư, tôi đã đồng ý ăn cơm. Cơm của trại chỉ có cơm không và rau muống hấp. Rau ở đây còn nguyên xi gốc lẫn lá vàng, để trong một cái xô nhựa. Mọi người xúm lại nhặt bỏ hết lá, chỉ lấy một đoạn thân phía ngọn, rửa lại nhiều lần bằng nước uống trại cấp, đem ngâm nước muối rồi mới dám ăn. Cả một xô rau mà chỉ nhặt được một bát tô nhựa nhỏ. Thức ăn thì gia đình hàng tuần tiếp tế bằng cách mua tại căng tin của trại, chứ không được tự đem từ nhà vào. Thế là trại lại có lý do rất hợp pháp để kinh doanh. Tôi hỏi thì các bạn tù nói, gia đình tiếp tế cái gì đều nhận được đủ cả, không bị bớt xén tý gì.

23/8 -  Sang ngày thứ hai tôi vào Hỏa Lò, tức là ngày thứ ba tôi bị tạm giữ, không một ai đến “hỏi cung” tôi. Nếu tính theo giờ thì có nghĩa là đến 8 giờ 30 ngày mai – 24/8 là hết 3 ngày tạm giữ tôi. Mặc dù đã chấp nhận hoàn cảnh, nghĩa là tôi có giận dữ, đau buồn hay uất ức thì để sau này ra ngoài, còn bây giờ tôi chỉ còn biết chờ đợi. Vậy mà tôi vẫn tính từng giờ trôi qua, tự hỏi họ sẽ tìm ra cái cớ gì để tiếp tục giam giữ tôi. Thậm chí ngay cả khi không có chứng cớ gì, họ vẫn sẽ tận dụng hết 9 ngày để giam tôi cho bõ tức, cho tôi nhụt cái ý chí đòi quyền biểu tình của tôi đi, để răn đe những người khác trông đó mà coi chừng. Rồi tôi nghĩ ở bên ngoài, mọi người đang làm gì, có bị gây khó dễ không.
Ngày trở nên dài vô tận. Đám bạn tù giải khuây bằng cách ngêu ngao hát những bài nhạc chế. Đối với họ thì quá quen, nhưng với tôi nó vô cùng thú vị. Nó chứng tỏ mỗi một con người dẫu rất bình thường nhưng đều có cái tài lẻ nào đó. Họ hát hay, lời chế rất linh hoạt, đượm buồn. Trong khi họ thản nhiên hát, tôi lúc cười, lúc lại che mặt giấu đi những giọt nước mắt. Thương nhất là bài hát về tử tù: “ xin cha mẹ tha thứ cho con, phận làm con chữ hiếu chưa tròn...” kể về nước mắt người mẹ, về sự hối hận của đứa con, về mong muốn khi đã về bên kia thế giới, vẫn cố tìm đường trở về nhà qua làn khói, để rồi thấy bên bàn thờ bóng mẹ gầy và đàn em nhỏ thơ ngây...

24/8 – Lại một ngày dài nữa trôi qua, tôi càng tin rằng họ sẽ giữ tôi đến hết 9 ngày mà không cần thông báo. Khi mọi người đã chuẩn bị đi nằm thì tôi được gọi ra. Lúc đó đã gần 10 giờ đêm, họ cần gì tôi vào giờ này được?
Xuống đến tầng 1, tôi thấy lố nhố sáu bẩy cảnh sát đứng đó. Họ bảo tôi ký vào quyết định gia hạn tạm giữ thêm 3 ngày. Như một cái máy, tôi ký vào, thậm chí khi họ bảo tôi điền vào là 8 giờ 30 tôi cũng không để ý. Tất cả lúc này là tôi muốn quay trở về phòng ngay tức khắc, tôi không muốn bọn họ nhìn thấy vẻ mặt tôi lúc này.
Khi nằm xuống rồi, cơn phẫn nộ của tôi lúc đó mới trào lên. Tôi tự xỉ vả mình vì đã ký vào cái quyết định đó mà không kịp suy nghĩ gì, rằng vì sao tôi không yêu cầu được gặp điều tra viên để hỏi xem, ba ngày qua, họ điều tra được những chứng cớ gì để tiếp tục giam giữ tôi. Tôi phẫn uất quá nên gần như cả đêm ấy tôi không ngủ được, hễ cô quản giáo đi qua lần nào là đều thấy tôi mở mắt nhìn thao láo ra bên ngoài chờ trời sáng.

25/8 – Từ sáng sớm, tôi thấp thỏm chờ cô quản giáo đi qua để yêu cầu được gặp điều tra viên. Cô ấy nghe tôi nói rồi hứa sẽ chuyển lời.
Mặc dù tôi không tin là họ sẽ cho tôi gặp, nhưng quãng hơn 9 giờ, tức là gần đến giờ ăn trưa thì tôi được gọi ra ngoài. Tôi gặp Minh Hằng ở ngoài hành lang. Hai chúng tôi lại nắm chặt lấy tay nhau, lúc ấy tôi mới biết tất cả họ nói dối tôi, rằng từ hôm vào Minh Hằng không hề ăn gì. Nghe vậy tôi giận mình quá, nhưng Minh Hằng bảo tôi phải lượng sức mình.
Họ bắt chúng tôi mặc quần áo tù ra ngoài, hai chúng tôi nắm tay nhau đi ra ngoài khu vưc thẩm vấn phía ngoài cổng. Ở đó họ để chúng tôi chờ hết buổi sáng mà không có ai hỏi han gì. Lại quay trở về phòng giam. Mọi người đang ngủ trưa. Tôi uống nước cho dịu bớt cơn phẫn nộ và cái dạ dày đang sôi réo.
Buổi chiều, mọi người ngủ dậy, bắt tôi ăn cơm. Nhưng từ tối hôm qua tôi đã quyết định sẽ tuyệt thực để phản đối. Ước chùng quãng 1 rưỡi chiều, họ lại gọi chúng tôi ra. Chúng tôi có ba người nhưng lại chỉ có hai điều tra viên. Vậy là trong khi họ hỏi Minh Hằng và Dũng, tôi phải ngồi chờ ở bên ngoài. Suốt một buổi chiều, tôi cứ ngồi trong phòng chờ, chứng kiến bao nhiêu con người ra vào như mắc cửi. Mỗi người một số phận: ma túy, lừa đảo, và kể cả giết người. Một phụ nữ to béo trông rất ngầu, bị bắt vì bán lẻ ma túy, khi biết lý do tôi bị bắt bèn buột miệng chửi tục:
-       Ơ! Đ.mẹ, biểu tình chống Trung Quốc mà cũng bị bắt. [...] Sao mà ngu thế.
Tôi đang bực bội vì phải chờ đợi, nghe chị ta chửi dẻo quẹo cũng cảm thấy buồn cười.
Thế là lại sắp hết ngày, không biết bao giờ tôi mới được đối mặt với những kẻ buộc tội tôi đây. Vẫn chưa thấy Minh Hằng và Dũng quay trở ra, còn tôi lại bị đưa trở về phòng giam. Trước khi vào phòng, tôi ký vào biên bản về việc tôi sẽ không ăn cơm để phản đối việc bắt giữ tôi vô cớ, các cán bộ quản giáo bảo tôi làm thế chỉ thiệt thân thôi, nhưng tôi rất kiên quyết:
-    Nếu tôi có tội thì có tuyệt thực đến chết cũng không thoát tội. Còn thiệt thòi về thân xác cũng không thể quý giá bằng sự tự do của tôi được.
Lập xong biên bản, tôi quay trở về phòng, thay bộ quần áo của bạn tù cho mượn rồi bình tĩnh ngồi xuống. Tôi đã sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho cuộc đấu tranh sắp tới, bất chấp nó sẽ đưa tôi đến đâu. Nếu họ có thể kết án một người như tôi, thì thực là không còn tin được vào thứ công lý nào trong cuộc đời này nữa.
Chưa kịp chuyện trò, tôi thấy đám bạn tù nhốn nháo:
-    Chị được về rồi kìa
Tôi nghĩ họ trêu tôi, nhưng họ cứ cuống quýt lên:
-    Thật mà, cô bảo kia kìa, chị được về rồi.
Tôi ngó ra cửa, thấy cô quản giáo cầm chìa khóa đến mở cửa, đám bạn tù thì rối rít giục tôi thay quần áo. Tôi không hề ý thức được mình đang làm gì, thay quần áo như một cái máy rồi đi ra cửa. Một bạn tù đứng ở cửa sổ rên rỉ:
-   Ôi chị ơi, thế là là chị được về rồi.
Tôi nắm lấy cả hai bàn tay cô ấy đang thò ra ngoài chấn song cửa:
-   Chị đi nhé
Không kịp nhìn lại ai, tôi đi như người mất hồn theo cô quản giáo. Sau này tôi hết sức ân hận là đã không ôm lấy từng người trong bọn họ để tạm biệt, chỉ bởi lẽ đến lúc ấy tôi vẫn chưa thực sự tin là người ta chịu thả tôi. Dù chỉ ở với họ chưa đầy 3 ngày, nhưng tôi thực sự rất nhớ và thương họ vô cùng. Tôi thầm hứa một ngày gần đây, sẽ trở lại trại để gửi quà cho họ. Giá mà gửi được lời thăm hỏi đến họ thì tốt biết chừng nào.
Còn nữa...

28 nhận xét :

  1. Hào kiệt nước ta đời nào cũng có.
    Cảm ơn chị Phương Bích!

    Trả lờiXóa
  2. Chúc chị sức khỏe dồi dào và niềm tin mãnh liệt vào chân lý.

    Trả lờiXóa
  3. Xúc động với bài viết của Phương Bích quá! Ôi thương quá Việt Nam. Trong khi thế giới tiến đến chân trời nào rồi thì Nhân dân chúng ta vẫn không có tự do bầy tỏ lòng yêu nước. Chờ mong phần tiếp theo lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Nếu bắt mình mà không có tội, mình có quyền khởi kiện họ. Ở các nước thật sự dân chủ,có quyền tự do của con người thì việc bắt giữ người có phải dễ dàng như nước Việt Nam tự nhận là tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền?

    Trả lờiXóa
  5. Đúng chị là một người yêu nước dù ở bất cứ đâu chị cũng yêu nước, ngay trong tù chị đã làm công tác tuyên truyền yêu nước quá tốt, tôi sợ rằng sau này "họ" sẽ ko dám giam chung những người yêu nước này với ai nữa vì sợ bị làm công tác tuyên truyền yêu nước, cách mạng bắt đầu từ những việc này đây.

    Trả lờiXóa
  6. Tình cảm trong lúc hoạn nạn mới thật sự là những tình cảm chân thành. Thế mới biết những kẻ luôn tự cho mình là đứng đắn, lên mặt dạy bảo người khác cách yêu nước. Thật ra còn thua cả những tù nhân bị mất tự do, nhưng không mất hết lương tri. Hy vọng nếu có dịp Chị Phương Bích nên quay lại để mua quà tặng những người bạn trong tù của Chị.

    Người Việt

    Trả lờiXóa
  7. Phương Bích có văn tài! chỉ 3 ngày mà bao nhiêu chuyện đặc sắc. Cảm ơn chị đã cho chúng tôi đọc những tư liệu sống động!

    Trả lờiXóa
  8. Xin được ủng hộ cô và bất cứ ai sẽ đấu tranh cho việc làm gì cải thiện chế độ nhà tù hiện tại ở VN, để những phạm nhân được đối xử tử tế hơn, nhân đạo hơn như cô nói. Cháu tin rằng "Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai" - Họ phạm tội rồi vào tù là để "cải tạo". Nhà tù là nơi giúp họ được học tập - giúp họ hoàn lương, để trở nên con người tốt và tương lai (nếu có) họ sẽ trở thành công dân tốt, có ích cho XH... Nhưng với điều kiện sống trong tù như cô kể, thiết tưởng nơi ấy chỉ có chức năng là đầy đọa , giam hãm...những người trót lầm đường lạc lối mà không hề mang tính giúp đỡ, nhân đạo và điều kiện sống tồi tệ, khắc nghiệt...Một đất nước dân chủ - văn minh trong tương lai chắc chắn sẽ phải thay đổi những điều này phải không cô?
    Đọc cả 4 phần trong loạt bài của Cô Phương Bích, cháu cực kỳ xúc động, chảy nước mắt.Tại sao những người yêu nước ở VN này lại khốn khổ đến vậy? Bao giờ thì những điều tồi tệ, vô lý này mới chấm dứt?... Có rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu cháu cô ạ.Cầu mong cho quê hương Việt Nam sẽ là chốn thanh bình, thịnh vượng.- Cầu chúc cô và gia đình vạn sự an lành.

    Trả lờiXóa
  9. Kỳ họp tới nên có ý kiến gửi QH về đối xử với phạm nhân dù sao họ cũng là con người

    Trả lờiXóa
  10. Thấy chị Phương Bích kể lại nhớ tới Phim Nguyễn Văn Trỗi Sống Mãi của đạo diễn Lý Thái Bảo và Bùi Đình Hạc làm từ thập niên 60. Bây giờ Lý Thái Bảo đã khuất còn Bùi Đìng Hạc đã lên tột đỉnh vinh quang nhờ những phim như thế... Liệu NSND - Giải thưởng HCM - Bùi Đình Hạc nói riêng và các nhà biên kịch và đạo diễn của ĐAVN nói chung có dám viết kịch bản về câu chuyện cảm động về các nữ tù nhân đang hát (nhưng không phải bài "Bài Ca Hy Vọng") như chị Bích Hằng tả không???

    Trả lờiXóa
  11. Người quan sátlúc 12:03 7 tháng 9, 2011

    Phương Bích qua sự kiện này đã chứng tỏ chính là một phụ nữ yêu nước đích thực, một chiến sỹ chống bành trướng chân chính, một nữ nhi hào kiệt và sáng suốt, xứng đáng là con cháu Bà Trưng Bà Triệu. Đọc Phương Bích tôi tự nhủ nước ta chưa mất và còn lâu Tàu mới lấy được nước ta.
    Còn việc bắt bớ, răng đe, hạ nhục người yêu nước chỉ có kết quả ngược mà thôi... Người dân ý thực được sự thật của chính nghĩa này sẽ càng đông đảo... Lịch sữ sẽ có phản hồi thích đáng...

    Trả lờiXóa
  12. Cô Bích ơi, cháu tiếc vì đã ko theo kịp chân cô hôm đó, cháu ân hận vì ko lên được chuyến xe buýt hôm đó! Có phải cháu đã bỏ rơi cô và mọi người không cô? Những ngày mọi người bị giam giữ là những ngày cháu cảm thấy mệt mỏi, buồn chán và trông ngóng tin từng giờ, chẳng có tâm trạng làm gì cả! Cháu nghĩ nếu cháu cũng bị bắt, cũng bị giam thì giống như cô nhớ và lo cho bố, chắc cháu sẽ nhớ và lo cho cu Tôm nhà cháu nhiều lắm! Chồng cháu bảo ko nên chạy lại để cố gắng trụ lại biểu tình và có cơ hội làm tiếp việc sau, nhg thực sự cháu rất muốn lên xe hôm đó,. Cháu đi cùng binh nhì nhg cậu ta và anh Thạch bị bắt theo chỉ đạo còn vợ chồng cháu họ bỏ qua, chắc ko biết bọn cháu là ai! Thực sự cháu đã rất ân hận, và nếu được quay lại, dù ko bị bắt, nhg cháu sẽ tình nguyện vào đồn cùng mọi người, chứ ko chịu đứng ngoài đồn công an mỹ đình để đợi nữa, thực sự cháu ko kìm nén nổi nước mắt khi gặp lại cô và cô Hằng cũng như bây giờ ko nén nổi nước mắt khi đọc bài của cô! Cháu thực sự rất tiếc, giá như..... Cô phải luôn mạnh khỏe và kiên cường nhé!!! Luôn yêu cô và tất cả mọi người!

    Trả lờiXóa
  13. Không việc gì phải ân hận. Cô rất xúc động khi vợ chồng cháu tìm mọi cách để đi theo xe, chờ đợi mọi người ở bên ngoài đồn công an ở Mỹ Đình. Ở bên ngoài hay bên trong nhà tù, nhưng mọi người đều nghĩ về nhau, quan tâm lo lắng cho nhau thế là quý lắm rồi. Cô thì lại rất cảm phục 2 vợ chồng cháu đấy.

    Trả lờiXóa
  14. Thật cảm phục những người con Việt bất khuất như chị quá!

    Trả lờiXóa
  15. cầu mong cho các chị khỏe mãi, chúng tôi theo bước các chị trong từng công việc của mình.Chị thật kiên cường ,chúng tôi ngưỡng mộ chị Chúc ch

    o bố mẹ chị khỏe mạnh để chị được vững lòng

    Trả lờiXóa
  16. Chị Phương Bích cám ơn chị rất nhiều vì những bài viết hết sức xúc động và thấm đậm tình người . Đúng là họ bắt bỏ tù những người như chị thì thật "không còn tin vào thứ công lý nào trong cuộc đời này" . Hãy giữ vững niềm tin ... còn biết bao công dân Việt Nam yêu nước sẵn sàng tiếp bước chị ... Tôi tin như vậy.

    Trả lờiXóa
  17. "3.000 thu"! Chẳng kịp đọc, chỉ xem có "còn nữa" hay ko; tối về đọc!

    Trả lờiXóa
  18. Anh Diện ơi, "còn nữa" ko? Bà con hỏi đấy

    Trả lờiXóa
  19. Phung Bich oi Chi lam toi mat nhieu nuoc mat qua.Cam on chi nhieu lam ,chi da cho toi biet duoc thuc trang cua xa hoi Vn .Hong Van

    Trả lờiXóa
  20. Đọc mà cay cả khóe mắt... Chúc chị sức khỏe, bình an và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  21. Rất cám ơn chị Phương Bích về loạt bài "Bước chân vào chốn ngục tù".

    Những gì đã xảy ra Phương Bích thì đều có thể xảy ra đối với chúng tôi. Vì vậy, những thông tin chị viết ra rất bổ ích, là kiến thức dự phòng cho những người yêu nước dấn thân.

    Một trong những điều đáng chú ý nhất là: Về một số phương diện (cách cư xử của "cán bộ" với dân, cư xử giữa người với người) thì trong nhà tù (mà Phương Bích đã ở) còn văn minh hơn ở ngoài nhà tù... Thế mới biết xã hội ta văn minh thế nào.

    Phương Bích có vẻ không nhất trí, nhưng tôi lại rất thích câu của ông phụ trách trong nhà tù: "Còn có tội hay không có tội thì là với đảng và nhà nước, chứ không phải có tội với chúng tôi."
    Thứ nhất là lâu lắm rồi mới thấy một ông cán bộ phân biệt bản thân với đảng và nhà nước.
    Thứ hai là "nếu có tội thì là có tội với đảng và nhà nước" (cái này thì khó chối lắm, vì đảng và nhà nước không muốn người dân lên án giặc mà mọi người vẫn làm, thì có tội với đảng và nhà nước là rõ rồi), nhưng theo ông phụ trách thì điều đó không có nghĩa là "có tội với chúng tôi". Ông ấy là một người Việt Nam, nên chữ "chúng tôi" khiêm tốn ấy nói lên nhiều lắm.
    Phương Bích hãy thử thay chữ "chúng tôi" bằng "Tổ quốc và nhân dân" xem có còn ấm ức nữa không?

    Nhắn anh Xuân Diện: Bức ảnh chị Phương Bích đăng ở đầu bài này và bài http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/phuong-bich-buoc-chan-vao-chon-nguc-tu_06.html đã được nhiều nơi đăng lại, trong đó có VOA. Bức ảnh này được lấy từ http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/07/lang-nghe-ong-bao-toi-noi-1.html (8h51: Không được xâm phạm vùng biển Việt Nam!) Để tôn trọng bản quyền, anh Diện nên ghi chú nguồn gốc của bức ảnh.

    Trả lờiXóa
  22. Xin cảm ơn bác T.H.N góp ý về việc ghi chú thích ảnh.

    Trả lờiXóa
  23. Cảm ơn bác T.H.N - bác nói tôi mới nhận ra vấn đề. Đúng quá. Thảo nào họ khác hẳn những người đồng nghiệp khác của họ - rất tử tế. Chỉ ngoại trừ cái quy định bắt phạm nhân phải ngồi dưới chân họ là khiến tôi hơi bất nhẫn

    Trả lờiXóa
  24. Đọc xong câu chuyện của Chị tôi thấy không thua gì Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận ngày xưa. Sự căm hờn thì còn hơn thế nữa!Một chuyến đi thực tế đắt giá đấy Chị PB ạ.Cầu chúc Chị khỏe mãi.

    Trả lờiXóa
  25. Em là ai cô gái hay nàng tiên
    Năm mốt tuổi hay không có tuổi
    Nước mắt em là sông hay là suối
    Ánh mắt em nhìn hay "Quốc hận" Hoàng Sa

    Trả lờiXóa
  26. that bai phuc cac su mau ""bai phuc bai phuc viet nam van con nhieu phuc lam khi co cac su mau tieu de rat kinh phuc kinh phuc . bao trong ""

    Trả lờiXóa