Lời cảnh báo của Tsuboi
SGTT.VN - Từ góc nhìn của một giáo sư lịch sử, chính trị và xã hội Đông Nam Á, GS Yoshiharu Tsuboi (đại học Waseda, Tokyo – Nhật Bản), tác giả cuốn Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 – 1885 (*) đưa ra cảnh báo: đừng lặp lại lịch sử hậu bán thế kỷ 19.
Đồng cảm với quá khứ
Tính thời sự của cuốn sách thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Ảnh: GS Tsuboi ký tặng tại cuộc toạ đàm |
Chiều 9.9 vừa qua, khán phòng toạ đàm hơn 200 ghế của đại học Hoa Sen quá tải, nhiều sinh viên đến nghe buổi nói chuyện của GS Y. Tsuboi đã phải đứng ngoài hành lang lắng nghe câu chuyện đang “nóng” bên trong. Có lẽ, sức hấp dẫn lớn lao nhất, đó chính là: những câu chuyện trong trang sử luôn mới.
Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 – 1885 trích từ luận án tiến sĩ đệ tam cấp của Y. Tsuboi tại đại học Paris, 1982, năm ông 34 tuổi. Bắt đầu nghiên cứu Việt Nam từ 1973, ông Y. Tsuboi nhận được lời khuyên của người đi trước: “Muốn nghiên cứu Việt Nam, hãy đến Pháp”. Tsuboi đã bỏ ra gần chục năm “lặn” vào các kho lưu trữ, thư viện tại Paris để xử lý hàng trăm tư liệu tham khảo tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật và gặp gỡ đối thoại với các nhà sử học, chỉ để tìm cho ra câu trả lời tại sao Việt Nam thời Tự Đức dễ dàng rơi vào tay thực dân Pháp?
Câu trả lời là: “Tự Đức đã không may mắn. Và có lẽ, bất cứ một nhà vua nào khác, nếu phải đương đầu với những áp đảo hung hãn từ ngoài như vậy, cũng không giữ nổi nền độc lập cho xứ sở” (trang 376).
“Không may mắn” là một cách nói, nhưng công việc của nhà nghiên cứu là phải giải mã cho được những căn nguyên nội tại. Y. Tsuboi đưa ra những nguyên nhân khá rõ ràng: nền quân chủ dưới thời vua Tự Đức thiếu hẳn sự ủng hộ và cảm tình của dân chúng ; nền kinh tế đánh mất sự độc lập – ngoại thương phụ thuộc vào người Hoa, nền tảng tài chính của cả chế độ kinh tế bị suy kiệt, nhà vua chỉ còn cách tăng cường chế độ thuế thân và thuế ruộng đất thì gặp phải sự chống đối của văn thân và nhân dân; vì Tự Đức không dứt khoát trong chọn lựa đường lối chính trị – phải đối diện với di sản mà Gia Long để lại vừa bắt tay với Pháp, một đằng phải hoà hiếu với Trung Hoa để ổn định – Trung Hoa vừa như một kẻ thù luôn có khả năng gây hại vừa là chính thể mẫu mực để tham khảo phát triển. Nho giáo vẫn là giềng mối của hệ thống chính quyền và tổ chức xã hội trong khi thực tế “đối diện với Pháp” đang đòi hỏi một sự linh hoạt trong thể chế.
Một trong những “căn nguyên chính trị” trong thời Tự Đức được Y. Tsuboi phân tích rất kỹ: “Cũng như tất cả các vua Việt Nam khác, Tự Đức đã sống cách biệt dân chúng, ngoại trừ một đôi lần du hành ngắn ngủi trong vùng phụ cận Huế. Hẳn ông cũng biết, một đàng vua phải “yêu thương” dân như con, và đàng khác, triều đình không thể bỏ qua sự ủng hộ của tầng lớp văn thân. Nhưng khi có kẻ ngoại bang tới đánh phá xứ sở, ông lại coi quần chúng như gồm toàn “những kẻ khố rách” sẵn sàng theo phe địch, và ông không bao giờ chịu lắng nghe những đòi hỏi của dân chúng. Đàng khác, Tự Đức đã coi tầng lớp văn thân như một nhóm bất mãn, sai lầm và không hiểu ý tốt của nhà vua.
Tự Đức đã dựa trên thành phần xã hội nào để có thể đàn áp loạn văn thân năm 1874, và tăng 50% suất thuế tư điền năm 1875? Làm thế, ông mất hoàn toàn sự ủng hộ của tầng lớp văn thân, vì tưởng để giảm bớt chi phí của quân đội chính phủ, thì ông lại xúi văn thân tự võ trang… Tự Đức đã thử bù đắp vào sự yếu kém nội bộ đó bằng cách đánh nhiều ván bài trên bình diện ngoại giao. Một mặt, ông đã gởi nhiều phái bộ đi thương lượng tại Pháp và Sài Gòn nhằm lấy lại xứ Nam kỳ; mặt khác, ông vẫn gởi sứ bộ đều đặn đi Bắc Kinh để giữ hoà hiếu với Trung Hoa. Phải chăng khi tạo ra một tình thế quốc tế như vậy, Tự Đức có thể lách qua khỏi cơn nguy khốn và bảo vệ được nền độc lập của xứ sở bằng cái thế quân bình với hai cường quốc? Chắc là thế, song Tự Đức có trong tay những lực lượng cụ thể gì để có thể đi đến đích? Vì thiếu phương tiện từ bên trong, nên hoạt động ngoại giao của ông sẽ tạo ra sự tranh giành giữa hai cường quốc và kết thúc bằng một cuộc chiến mà chiến trường lại ở ngay trên đất nước Việt Nam” (trang 382 – 383).
Cảnh báo cho hiện tại
Cuốn sách cũng giúp người đọc nhìn lại vấn đề rất nhiều những trí thức có tầm nhìn rộng thời Nguyễn đã chết trong oan khuất, hoặc chịu án oan lịch sử như: Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương…
Cái gọi là “tạng chất” của người Việt, được giáo sư Y. Tsuboi mổ xẻ trực tiếp, có thể xem là một cảnh báo của riêng ông: “Trong thời bình, người Việt Nam rất thiếu đoàn kết. Sự phân chia lợi ích nhóm làm tan rã sức mạnh quốc gia. Mặt khác, sức mạnh của trí thức chưa được tận dụng một cách có hiệu quả. Theo tôi, từ nay đến năm 2016 là một thời kỳ đặc biệt quan trọng của Việt Nam (...) Đọc lại lịch sử, tôi hy vọng các bạn sẽ khắc phục được những sai lầm của tiền nhân”.
Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
(*) Nguyễn Đình Đầu dịch, với sự cộng tác của Bùi Trân Phượng, Tăng Văn Hỷ, được xuất bản lần đầu năm 1990 bởi ban Khoa học xã hội Thành uỷ TP.HCM. Sách vừa được Nhã Nam & NXB Tri Thức in lại vào đầu năm nay.
GS Yoshiharu Tsuboi trả lời phóng viên SGTT
Nguồn tài liệu tham khảo trong cuốn Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa khá phong phú, song lại thiếu những tài liệu bản địa, như các châu bản thời Nguyễn. Trong tương lai, nếu các kho tư liệu này mở cửa, ông có tiếp tục trở lại với công trình này không?
Chắc chắn là có. Hiện nay, các châu bản đang được lưu trữ cẩn thận và nghiêm ngặt tại cục Lưu trữ quốc gia Việt Nam. Tôi vẫn thường xuyên theo dõi, liên lạc với họ để chờ cơ hội tiếp cận. Tôi nghĩ, giới nghiên cứu tại Việt Nam sẽ có may mắn đọc chúng sớm hơn tôi. Có thể nếu không trực tiếp được, thì thông qua họ, tôi sẽ tiếp tục công trình với những tư liệu bản địa mà với tôi, rất quan trọng.
Nếu như những dữ liệu từ châu bản làm đảo ngược mọi luận cứ trong cuốn sách thì sao?
Nghiên cứu là tiếp tục phát hiện. Trong trường hợp đó, tôi sẽ bổ sung, viết tiếp, thậm chí viết lại. Tôi nghĩ đó mới là nghiên cứu khoa học thực sự.
Nguồn: SGTT.
Vài suy nghĩ chung quanh quyển sách của Gs Yoshiharu Tsuboi
Trả lờiXóaNguyễn Xuân Xanh
http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/3203-vai-suy-nghi-chung-quanh-quyen-sach-cua-gs-yoshiharu-tsuboi.html
GS.Y.Tsuboi có nhận xét chính xác:"Trong thời bình, người VN rất thiếu đoàn kết. Sự phân chia lợi ích nhóm làm tan rã sức mạnh quốc gia. Măt khác,sức mạnh của trí thức chưa được tận dụng một cách có hiệu quả".
Trả lờiXóaBác Xoay nói đúng đấy .
Trả lờiXóaBác Diện có thể giới thiệu cho mọi người những đầu sách hay phân tích về các thời đại, nhân vật của nước Nam ta được không?
Trả lờiXóaCảm ơn bác nhiều.
Đọc bài này tôi thấy những sai lầm của thời vua Tự Đức vẫn là một bài học đắt giá.
Trả lờiXóaTrong thời Tự Đức cũng đã có một số vấn đề được thay đổi,nhìn nhận.Nhưng tổng kết lại,tất cả đều dụt dè và mang tính thăm dò,không có tính quyết đoán mà chỉ mang tính đối phó với thời cuộc,không có tính kiên trì triệt để,đặc biệt là các đề xuất của các giáo sĩ hay giáo dân đưa ra thì vua Tự Đức và các quan lại thường đem lòng nghi ngờ,lo ngại, sợ họ cấu kết với bè lũ thực dân tay sai.Do vậy triều đình dùng họ một cách nửa vời và sẵn sàng bỏ rơi họ,gọi họ một cách dè bỉu là"đĩu dân".
Trong nhiều trường hợp, Tự Đức đã tìm mọi cớ khó khăn để cự tuyệt các đề nghị đưa lên và thường là bị rơi vào im lặng.
Trong vòng 8 năm,Nguyễn Trường Tộ đã kiên trì gửi lên triều đình tới gần 30 điều trần,đề cập một cách có hệ thống đến hàng loạt vấn đề cấp thiết của đất nước đứng trước nguy cơ còn mất trong ngày một ngày hai sẽ tới.Thế mà tất cả các bản đề nghị đó,các bản đề nghị có thể ví như được viết bằng máu và nước mắt,kể cả bản cuối cùng được Nguyễn Trường Tộ viết ngay trên giường bệnh,khi lưỡi hái tử thần đang kề bên cổ-đều vấp phải sự thờ ơ,lãnh đạm từ vua Tự Đức cho đến các quan lại trong triều ngoài nội.
Trước thái độ kiên trì của Nguyễn Trường Tộ,vua Tự Đức còn nổi nóng đã quở trách với những lời vừa chủ quan vừa mang tính thiếu hiểu biết"Nguyễn Trường Tộ quá tin ở lời y đề nghị...Tại sao lại thúc dục nhiều quá thế,khi mà các phương pháp cũ của Trẫm đã rất đủ đề điều hành đất nước rồi"
Nguyễn Trường Tộ là một người nổi tiếng,có tài nhưng vẫn bị triều đình và Tự Đức xem thường,thì việc cự tuyệt những đề nghị,những lời khuyên thay đổi đường lối của một số giáo dân bình thường cũng là lẽ đương nhiên.
Chính vì vậy Nguyễn Lộ Trạch đã phải đau đớn thốt lên"Đại thế ngày nay không còn như đại thế ngày trước,ngày trước còn có thể làm mà không làm,ngày nay muốn làm mà không còn thời gian và muốn cũng không kịp nữa..."
Trong việc tấu trình và đề nghị đổi mới về đường lối với vua Tự Đức thì còn có Bùi Viện.Nhưng tất cả đều bị vua Tự Đức cho là viển vông và ngông cuồng,nên không được xem xét.
Qua đó ta có thể thấy thái độ bảo thủ,phản động của vua quan triều đình,tuy có lúc cũng đổi mới về chính sách kinh tế,văn hoá...nhưng về cơ bản thì trong tư tưởng,cũng như trong cơ cấu chính trị vẫn trì trệ không thay đổi.Vua quan và triều đình độc đoán,không nghe theo lời tấu trình đổi mới đường lối về chính trị của các giáo sĩ và giáo dân,nên thất bại là lẽ đương nhiên.