Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

GS. NGUYỄN VĂN HUY: NGƯỜI CÓ THỂ LÀ VẬT Ư?

Người có thể là vật ư?
Nguyễn Văn Huy.

Nhân sáng nay đọc bài "dựng chân dung” báu vật” " với hình ảnh nghệ sĩ Hà Thị Cầu đang ngồi trên chiếu chơi đàn nhị trên Nhân Dân cuối tuần điện tử ngày 18.9 mà tôi thấy chạnh lòng. Sao một nghệ sĩ nhân dân nắm giữ di sản Ca Trù hay được tôn vinh là "nghệ sĩ hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ20" như bà Hà Thị Cầu lại bị /được coi là "vật", dù là báu vật hay báu vật nhân văn sống như vẫn quen gọi. Thực ra từ lâu tôi đã băn khoăn về khái niệm này và cảm thấy nó không ổn chút nào.  Nhưng khi xem bức ảnh và tiêu đề bài báo trên tôi thực sự bị thôi thúc cần phải lên tiếng, nêu ra chuyện tưởng là nhỏ này để thảo luận. Theo tôi, cách gọi người là "vật" như vậy không đúng với tiếng Việt và làm mất đi sự trong sáng của tiếng nói của chúng ta. 

"Báu vật nhân văn sống" là một khái niệm của UNESCO được dịch từ tiếng Anh là Living Human Treasure hoặc Living National Treasure khi thập niên cuối của thế kỷ 20 văn hoá phi vật thể bắt đầu được chú trọng, những người nắm giữ di sản này được tôn vinh. "Treasure" là danh từ, nghĩa là báu vật, vật quý, kho báu. "Human" là tính từ, chỉ "người", "con người". Vì "treasure" là danh từ nên khi dịch ra, nếu bám quá sát văn bản, sẽ nghiêng về tính vật thể của "báu vật". Theo tôi, cách dịch quá sát này có phần cổ võ cho xu hướng vật thể hóa di sản nhân văn, tức là biến những gì mang tính người, của con người, nhất là những cá nhân cụ thể riêng biệt, không thể thay thế được, thành vật chất, vật thể, nhấn mạnh đến khía cạnh vật thể của di sản thực ra vốn dĩ gắn chặt với con người bằng xương bằng thịt và những sáng tạo trí tuệ tâm hồn hết sức riêng của họ.  Cách hiểu tổng thể cụm từ này, theo tôi, là để chỉ con người đang sống chứ không phải nhấn mạnh "vật". Vì vậy tôi đề xuất sử dụng khái niệm "Người đang giữ kho báu di sản" thay cho Báu vật nhân văn sống, nó dân giã hơn, gần với tiếng Việt hơn và nhất là nó tôn trọng con người hơn. Còn người Nhật, trong bối cảnh văn hóa của họ thì người ta gọi là “nhân tài quốc bảo”.

N.V.H

11 nhận xét :

  1. Vâng, xin cám ơn Giáo sư Nguyễn Văn Huy đã nêu vấn đề này. Cụm từ "báu vật" nghe không ổn tí nào! Lại còn "báu vật nhân văn sống" thì chẳng còn ra làm sao!

    Có một ví dụ tương tự mà báo chí từng có thời phản ánh, đó là các cơ quan chức năng dùng từ "thu gom" khi nói đến các chiến dich... "tập trung" những người ăn xin, những người già lang thang không nơi cư trú, các trẻ em đường phố, những người nghiện ngập, những đối tượng "tệ nạn xã hội"...

    Chuyện dùng từ này tưởng nhỏ mà không nhỏ. Ta gọi tên sự việc thế nào thì ta lại có khuynh hướng hành xử theo cách gọi đó. Những cách dùng từ như trên rõ ràng là thiếu tôn trọng con người!

    Trả lờiXóa
  2. Không rõ các vị ấy học tiếng Việt ở đâu ? Có lẽ người nước ngoài khi học tiếng Việt cũng không dám dùng cụm từ này .

    Trả lờiXóa
  3. Người ta cậy tài cho là mình có quyền bịa ra chữ. Câu cú tùy tiện, chữ nghĩa lung tung. Tiếng Việt ngày càng hỏng.

    Trả lờiXóa
  4. tôi chưa đồng tình lắm. Vì: các cụ nhà ta đã từng gọi thế rồi (nhân tài là NGUYÊN KHÍ quốc gia) mà nguyên khi cũng là VẬT (chất) thôi.. Thứ 2 khi gọi thê tôi thấy không hề thiếu tôn trọng, chẳng phải ta vẫn gọi: từ điển sống, pho sử sống, ... Tôi cũng thường gặp cụm từ này khi dịch văn bản (tôi làm nghề có chút liên quan tới UNESCO) và tôi thường dịch là "kho tàng sống của nhân loại" hoặc "kho tàng nhân loại sống". Vài lời thô thiển góp cùng các vị.

    Trả lờiXóa
  5. Đi xa hơn một chút nữa, mấy năm trước có dịp đi Hải Phòng làm việc,tôi thấy có cụm từ "Con người là tài sản lớn nhất của chúng tôi" do một công ty ghi trên banner của họ. Tôi cứ thắc mắc hoài, con người là con người, còn tài sản là tài sản. Mà tài sản mang ý nghĩa "Vật" rất nhiều. Nên chăng chúng ta xem lại cách dùng từ như vậy?
    xin tham khảo: http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A0i_s%E1%BA%A3n
    để thấy định nghĩa của "tài sản".

    Nên chăng sử dụng cụm từ "Con người là vốn quý nhất của xã hội" nghe thấy ít "đồ vật" hơn chăng?

    Tôi vốn kém chữ nghĩa, xin các bậc học giả cho thêm ý kiến.

    Trả lờiXóa
  6. Trên đời này không có một cái gì có thể có giá và quý hơn con người được.
    Báu vật cũng do con người nhìn nhận và đặt tên cho mà có,giả sử trên trái đất này không có con người thì báu vật lúc đó là cái gì?báu vật cũng chỉ là một món đồ để con người đánh giá và trao đổi,mua bán mà thôi.Con người không thể ví là báu vật,báu vật không thể ngang tầm với con người được.Nếu ví con người như báu vật,thì tự ta hạ thấp con người xuống một bậc,không phải là con người nữa.
    Đọc bài này,tôi chợt nhớ đến được đọc trên báo rất nhiều thông tin tuyển dụng đại loại như:Hình thể phải cao bao nhiêu,gương mặt phải đẹp,tuổi tác ra sao,không có dị tật.v.v.Điều này trong một xã hội văn minh thì không được phép đăng như vậy,trừ trường hợp đặc biệt,khắt khe của công việc.Nghĩ cho cùng công ty cần người có trình độ để làm việc,chứ không phải để ngắm.Có thể công ty không muốn nhận những người có thể hình quá thấp,hoặc dị tật,nhưng nếu công ty đăng công khai như vậy thì không khác nào sỉ nhục đến nhân phẩm người khác một cách công khai trên báo chí.
    Trong bài viết trên của báo nhân dân cuối tuần cũng vậy thôi,có thể là vô tình,nhưng nếu ví như vậy thì không khác nào coi nghệ sĩ Hà Thị Cầu như một món đồ mà thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Kính bác ẩn danh 21:10. Cám ơn bác đã đặt vấn đề rất hay. Bác nói: "tôi chưa đồng tình lắm. Vì: các cụ nhà ta đã từng gọi thế rồi (nhân tài là NGUYÊN KHÍ quốc gia) mà nguyên khi cũng là VẬT (chất) thôi.."

    Theo tôi thì chữ "KHÍ" đối với truyền tống Lão, Khổng của người Á Đông (mà có thể nói đối với truyền thống văn hóa nhiều sắc dân châu Á khác nữa), mang ý nghĩa linh thiêng lắm chứ không như "chất khí" theo quan niệm khoa học ngày nay. Gọi một nhân tài là "nguyên khí quốc gia" là hết sức đề cao người đó. Bên Thiên Chúa giáo còn gọi Chúa Thánh Thành là Thần Khí cơ mà!

    Bác lại nói: "Thứ 2 khi gọi thê tôi thấy không hề thiếu tôn trọng, chẳng phải ta vẫn gọi: từ điển sống, pho sử sống, ... Tôi cũng thường gặp cụm từ này khi dịch văn bản (tôi làm nghề có chút liên quan tới UNESCO) và tôi thường dịch là "kho tàng sống của nhân loại" hoặc "kho tàng nhân loại sống". Vài lời thô thiển góp cùng các vị."

    Theo tôi, văn phạm tiếng Việt nó hơi khác tiếng Hán. Khi nói "báu vật", từ gốc Hán, thì "báu" là tính từ cho "vật", tựu trung cái đang nói đến chỉ là vật chất, dù là vật quí báu. Nhưng khi người Vệt nói "từ điển sống" thì cái mà cụm từ chỉ tới lại lại là chữ "sống", sống động, một con người sống động. Một người mà sự uyên bác thông thái không thua gì pho từ điển hay pho sử - là công trình của nhiều người, nhiều thế hệ, gọi như thế tức là rất đề cao vị đó.

    Khi bác dịch là "một kho tàng sống của nhân loại" hay "một kho tàng nhân loại sống", là bác rất trân trọng "nhân vật" được bác nói đến đó chứ.

    Tôi mạo muội góp ý, có gì không phải xin các bác lượng thứ.

    Trả lờiXóa
  8. Thay vì ghi "Con người là tài sản lớn nhất của chúng tôi" , thì nên là" Trí tuệ con người là tài sản lớn nhất của chúng tôi" . Ngày nay câu chữ cẩu thả quá , đó là hậu quả của lối tư duy "mì ăn liền" hay còn gọi là "đầu tiên?" .

    Trả lờiXóa
  9. '"Báu vật nhân văn sống" là một khái niệm của UNESCO được dịch từ tiếng Anh là Living Human Treasure hoặc Living National Treasure .... "Treasure" là danh từ, nghĩa là báu vật, vật quý, kho báu. "Human" là tính từ, chỉ "người", "con người". Vì "treasure" là danh từ nên khi dịch ra, nếu bám quá sát văn bản, sẽ nghiêng về tính vật thể của "báu vật".'

    Các bác ơi, "treasure" (danh từ) không chỉ có nghĩa là "báu vật, vật quý, kho báu" đâu. Các bác xem định nghĩa số 2 trong tự điển Meriam-Webster (nhà em làm đậm):

    Definition of TREASURE
    1
    a (1) : wealth (as money, jewels, or precious metals) stored up or hoarded (2) : wealth of any kind or in any form : riches b : a store of money in reserve
    2
    : something of great worth or value; also : a person esteemed as rare or precious
    3
    : a collection of precious things

    Như vậy "treasure" còn có nghĩa là "một người được tôn là hiếm hay quý." Cái lỗi ở đây không phải là "bám quá sát văn bản," mà là không hiểu hết nghĩa của từ tiếng Anh.

    Trả lờiXóa
  10. Đổi một chút cụm từ của giáo sư Nguyễn Văn Huy ("Người đang giữ kho báu di sản") thành Người gìn giữ kho báu di sản có được ko nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  11. Tôi thấy "Người đang giữ kho báu di sản" thì hơi dài. Mà dân ta dân trí chưa cao, cộng với tính ưa ngắn gọn, vậy nên chọn từ nào cho ngắn hơn thì tốt. Bởi vì đưa ra từ này chắc không chỉ để cho những nhà nghiên cứu dùng. Người Nhật dùng "Nhân tài quốc bảo" thì ngắn và hay đấy, nhưng nó có vẻ Hán quá. Đôi lời góp ý, xin lượng thứ.

    Trả lờiXóa