Vầng trăng tháng bảy
Tạp văn của Đàm Lan
Vầng trăng tháng bảy có thể không khác lắm về độ tròn độ sáng với vầng trăng của các tháng khác. Nhưng trăng tháng bảy mang một ý nghĩa khác, một ý nghĩa rất đặc biệt và thiêng liêng.
Vâng trăng tự thuở nào đã được chọn làm biểu tượng của tình mẹ. Tháng bảy là tháng Vu Lan, cũng là tháng mà người ta nhắc nhiều đến tình mẹ. Nhưng đúng nghĩa của Vu Lan là lễ Tứ Ân Phụ Mẫu. Là sự tôn tưởng cả hai đấng sinh thành. Cha và mẹ, xét cho kỹ đều có trọng lượng ngang nhau. Thiếu một trong hai đều là sự bất hạnh. Nhưng cứ nói đến công sinh dưỡng, nói đến tình cảm gia đình là người ta hay nói về người mẹ. Bởi gần như mẫu số chung của những người mẹ là yêu thương, chăm sóc, tận tuỵ hy sinh, cần mẫn chịu khó chịu khổ. Bởi ngoài công cuộc vượt cạn đau đớn và đầy sinh tử, người mẹ luôn là người phải lo toan hàng nghìn thứ việc vặt vãnh, những thứ việc gắn liền với sinh hoạt của con cái gia đình hàng ngày, chính vì vậy mà cái tiếng gọi “má ơi, mẹ ơi” nhiều hơn ba ơi, và cũng chính vì vậy mà những đứa con cảm giác sự hiện diện của người mẹ trong đời nhiều hơn, gắn bó hơn người cha. Và cũng lại bởi mẫu số chung là cách hành xử của người mẹ hiền hoà thân thiết gần gũi mềm mại hơn người cha. Nhưng mẫu số chung không là tất cả. Vẫn có những khác biệt, vẫn có những người cha hiền hoà thương thiết dịu dàng và chăm sóc con cái cực kỳ tốt, cũng có những người mẹ nóng nảy hấp tấp vị kỷ mà gay gắt hay bỏ bê con cái. Cặp từ kép “Tính cách” có nghĩa tính thế nào thì cách thế ấy. Phụ nữ ngày nay cũng đa chiều xã hội, nên bớt dần sự ẩn nhẫn lặng lẽ và chỉ biết chu toàn một bề trong gia đình, điều này cũng chi phối khá nhiều trong hành xử. Cách thương và chăm lo cho con cái gia đình cũng có khác. Rất ít người biết đến sự chừng mực và đúng cách. Khi luôn để mắt theo những cao trào xã hội, thì lề lối giáo dục con cái cũng biến chuyển theo lăng kính thời đại. Có lẽ ai đó đang nói mình lạc đề. Bởi mục đích của sự tôn tưởng Vu Lan thường dành cho những bậc cao niên hay đã khuất. Không phải đâu. Bởi sự liên kết rất chặt chẽ giữa hôm nay và ngày mai. Những đúa con cho dù thời đại nào cũng phải lớn lên trong sự chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ. Và tình cảm có được xem trọng và bền bỉ cũng phải nhờ vào sự gắn bó mật thiết này. Có nhiều than phiền rằng lớp trẻ hôm nay không để tâm đến tình cảm gia đình. Cái chính là bắt nguồn từ cách mà cha mẹ chúng đối xử với chúng. Xã hội ngày càng phức tạp, càng nảy sinh những yếu tố quan ngại với sự non nớt của lớp trẻ, thì lại càng cần lắm cách hành xử của những người làm cha mẹ để tạo bến bờ, bệ phóng vững vàng cho con, và cũng là xây đắp nền móng tình cảm gia đình tốt đẹp. Có một thực trạng đáng ngại đã nảy ra từ rất lâu, đó là sự tranh thủ lôi kéo tình cảm con cái về phe người nắm cán cân kinh tế trong gia đình, dù là cha hay mẹ, nhất là đối với những người mẹ hãnh tiến, có phần nào vị thế trong xã hội, muốn được chứng tỏ mình là người quan trọng, mà không biết rằng sự tác động phản cảm này sẽ làm thui chột tình cảm tự nhiên của con cái, đồng thời phá hỏng cả những hành vi tư tưởng đạo đức căn bản của một con người. Sự chung tay của cả cha và mẹ luôn luôn là sự cần thiết, sự điều phối giao hoà tình cảm giữa cha mẹ và con cái luôn luôn là sự cần thiết. Cần thiết hơn là phải tạo được cho con cái niềm tin và sự tôn trọng yêu kính cả cha lẫn mẹ. Con trẻ ngày nay được hấp thụ nhiều phong cách sống đa dạng, phi truyền thống, nên sự củng cố tâm lý, giữ gìn căn cốt nhân cách rất cần sự nhận thức đúng đắn của cha mẹ. Sự giáo dục tâm lý rất quan trọng, rất quan trọng so với hành động va đập thể xác. Và cũng chính những buổi chuyện trò thân mật cởi mở và đồng cảm lại là những lúc cha mẹ và con cái thân thiết hơn bao giờ hết. Tình cảm cũng được nhân lên rất nhiều, góp phần không nhỏ cho con trẻ có thêm sức đề kháng với cuộc sống đa phức hôm nay.
Vầng trăng tháng bảy sẽ còn luôn sáng trong suốt nghìn nghìn năm sau nữa, những ý nghĩa của nó có còn thiêng liêng trân trọng lâu bền hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào sự gìn giữ bồi đắp từ các thế hệ hôm nay cho ngày mai. Và có lẽ cũng không thừa nếu thêm một lần khuyến nghị, rằng: Những người làm con hôm nay hãy đủ suy nghĩ để hiểu rằng mẹ cha không cần sự hiếu thảo của các con khi đã trở thành một ảo ảnh khói hương, mà ngay trong lúc này đây, cần lắm sự yêu kính tôn trọng, chăm lo và ần cần kề cận. Con người ta ở đời lãi lớn nhất là niềm vui, và niềm vui lớn nhất với các bậc cha mẹ là được nhận sự hiếu kính của các con mà mình đã dốc cả một cuộc đời vun đắp.
Hãy để Vầng Trăng Tháng Bảy không chỉ sáng mãi trên bầu trời mà sáng mãi trong lòng mỗi con người hôm nay.
ĐÀM LAN
(Đàm thị Tuyết Lan 74 Y Jut TPBMT
Email : damlanbanme@yahoo.com.vn
ĐT : 0985183225)
_________________
Nguyễn Xuân Diện - Blog kính mời chư vị đọc chùm bài về Vu lan tại đây.
_________________
Nguyễn Xuân Diện - Blog kính mời chư vị đọc chùm bài về Vu lan tại đây.
Hôm nay anh Diện không trực hỉ ?
Trả lờiXóaTôi rất đồng ý với tác giả về nhận thức giáo dục trẻ con là do trách nhiệm của cha mẹ đầu tiên. Tuy nhiên theo tôi thì sự giáo dục trẻ con thành một người có đạo đức và tốt cho xã hội thì ngoài sự giáo huấn của cha mẹ nó còn đòi hỏi cả một hệ thống giáo dục tại nhà trường và môi trường xã hội nữa. Nói cách khác là 3 sự giáo dục: Giáo dục tại gia, giáo dục tại trường và giáo dục xã hội không thể tách rời nhau được. Bằng ngược lại thì chỉ là công dã tràn xe cát biển đông mà thôi.
Trả lờiXóaMong rằng sự góp ý chân thật nầy sẽ không làm buồn lòng tác giả.
Khi cha mẹ đưa con đến trường học thì phần nầy rất quan trọng : Chương trình giáo khoa của trường lại dạy rất ít về chữ Hiếu , Thảo lại dạy về đánh Pháp, đánh Mỹ,...... mấy mươi năm qua không có môn Đức dục, Giáo dục công dân..... ở nhà : cha mẹ có chi đụng chạm đến chánh quyền thì con có thể đến công an tố cáo, vì lúc ấy đứa trẻ là đội viên, đoàn viên rồi .... tai hại nhất là ở nơi đây . Có cả các cán bộ cao cấp như Thượng tá công an đuổi mẹ ra đường kia mà ....
Trả lờiXóa