Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

PGS.TS TRẦN NGỌC VƯƠNG: MỘT CÁI NHÌN KHOA HỌC VỀ QUAN HỆ VIỆT - TRUNG

Đường lưỡi bò của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ảnh: Internet
Một cái nhìn khoa học về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Tình hình “ biển Đông dậy sóng” thời gian qua không nằm ngoài bối cảnh tham vọng lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc cũng như mối quan hệ lịch sử phức tạp giữa hai nước Việt - Trung. Phóng viên Đất Việt online đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Ngọc Vương, ĐH Quốc gia Hà Nội, người đã nhiều năm nghiên cứu Trung Quốc, về điều này.

PV: Ông đánh giá thế  nào về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, không chỉ là mối quan hệ ngoại giao hiện tại, mà là dưới góc độ lịch sử, văn hóa?

PGS.TS. Trần Ngọc Vương: Thực tế thì từ trước đến nay, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là một quan hệ rất phức tạp. Dù công khai hay không công khai thừa nhận thì đó là một thực tế không ai có thể che giấu được.

Mối quan hệ phức tạp đó được thể hiện trên nhiều phương diện: chính trị, văn hóa, chủ nghĩa dân tộc, chân chính hay không chân chính, lành mạnh hay không lành mạnh, trong đó có cả tâm lý đám đông.

Trước hết, cần phải khẳng định quan hệ Việt – Trung từ quá khứ lịch sử đến tận ngày nay là một quan hệ nhiều chiều phong phú, đa dạng, phức tạp và đầy nghịch lý, mâu thuẫn. 

Năm 1998, tại Đại học Bắc Kinh, tại cuộc gặp mặt và trao đổi trực tiếp giữa học giả 2 nước Việt Nam, Trung Quốc, các học giả Trung Quốc đã hỏi tôi: Ông nghĩ như thế nào về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Tôi muốn nhắc lại một ý mà tôi đã trả lời lúc đó, như là một nhận thức đã trở thành công thức cố định: Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ít nhất phải nhìn trong 3 góc độ, 3 tư cách của Trung Quốc.

Trong lịch sử, Việt Nam tiếp thu nhiều từ Trung Quốc, cho nên tư cách đầu tiên của Trung Quốc đối với Việt Nam là tư cách ông thầy. Đây là điều không chối cãi được do Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc cả một thiên niên kỷ. Trong suốt thời gian dài đó, người Việt đã học tập rất nhiều điều từ người Trung Quốc. Chúng ta không thể nào không kính trọng một dân tộc có nền văn minh, văn hóa thuộc loại hàng đầu thế giới. 

Tư cách 2: Trung Quốc với Việt Nam là bạn: Bạn ở đây được hiểu theo nhiều nghĩa và được quy định bởi nhiều điều kiện. 

Thứ nhất, là 2 nước láng giềng có chung đường biên giới rất dài cả trên đất liền và trên biển. Do có chung đường biên giới quá dài nên để có thể sống với nhau ổn định, cần có sự hữu nghị cả về phương diện cộng đồng, xã hội lẫn phương diện quốc gia.

Thứ hai, chữ “Bạn” ở đây được hiểu vừa là đối tác, vừa là đối thủ. Ngay trong một cộng đồng nhỏ cũng tồn tại những đối thủ, huống hồ là giữa 2 đất nước. Nếu bỏ qua tư cách đối thủ, tự anh sẽ làm hại anh do sẽ dẫn đến mất cảnh giác. Điều này được thể hiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. Nhưng không vì vậy mà yếu tố đối thủ làm triệt tiêu yếu tố đối tác, bằng hữu. 

Nhưng theo tôi, nếu xét trên tư cách bằng hữu, sự hợp tác giữa 2 nước chưa cao. Bởi muốn hợp tác có hiệu quả thì 2 nước phải có những mục tiêu và lợi ích chung. Phải có định hướng về tầm nhìn là cùng nhìn về 1 hướng thì sự hợp tác mới lâu bền và toàn diện. Nếu quay lưng lại với nhau hay người này tìm cách tranh thắng hơn so với người kia thì không thể hợp tác được. Trong hợp tác, nguyên tắc “Cả 2 cùng thắng” mới là nguyên tắc quan trọng nhất, chứ không phải kẻ thắng người thua. 

Tư cách bằng hữu này về lâu về dài vẫn cần phải duy trì để cùng tồn tại. 

Tư cách 3:Việt Nam thường xuyên là nạn nhân của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự bành trướng đế chế của Trung Quốc: Trong thực tế, do nhiều lý do lịch sử, Việt Nam không phải là nước lớn để đặt đồng đẳng trên bàn cân so với Trung Quốc. Cho nên, tồn tại bên cạnh một đế chế khổng lổ có dân số chiếm 1/5 nhân loại không phải là điều đơn giản. Rõ ràng, so về tiềm lực, quốc lực, Việt Nam không phải là đối thủ cạnh tranh bình đẳng của Trung Quốc. Không nhận thức được điều này thì sẽ mất nước.Tôi cũng muốn sử dụng khái niệm “sự bành trướng đế chế” như là một thuật ngữ của khoa học lịch sử.

Chính vì điều này, ngay từ quá khứ lịch sử đã luôn đặt ra 1 tình huống, đó là: mất cân bằng.

Đối với nước nhỏ bé hơn, đây bao giờ cũng là hiểm họa. Điều này không có gì lạ, khắp nơi trên thế giới đều như vậy. Nói một cách lạnh lùng hơn, đây là một quy luật, có thể gọi là “chủ nghĩa Darwin xã hội”, đó là quy luật sinh tồn cạnh tranh về mặt xã hội.

Quy luật này chính các nhà kinh điển Mác – Lênin đã nhận thức và coi là quy luật bất di bất dịch: Quốc gia nào mạnh sẽ đi xâm lược, quốc gia nào yếu sẽ bị xâm lược. Không có một quốc gia đạo đức thuần túy nào từng xuất hiện trên trái đất. Chủ nghĩa bành trướng như là một lẽ đương nhiên của các nước lớn. Trung Quốc từ xưa đến nay, trừ những giai đoạn tự mâu thuẫn, tự đấu tranh nội bộ, khi họ đạt được sự thống nhất nhất định thì họ đều có tư thế nước lớn. Và khi có tư thế nước lớn, họ tự có thuộc tính bành trướng.

Khi bàn về đế chế Sa Hoàng, Lênin đã phải thừa nhận một thực tế khách quan, tất yếu: Khi nó đã là đế chế, là một quốc gia có quy mô lớn như đế chế Nga thì nó hút theo nó rất nhiều sự phụ thuộc, ép các cộng đồng dân tộc xung quanh nó trở thành vệ tinh. 

Tôi xin nhắc lại, đế chế nào, quốc gia lớn nào cũng vậy. Sức ảnh hưởng, bành trướng của các đế chế này là sức hút nam châm, có xu hướng hút và cuốn các nước xung quanh vào bên trong nó. Nếu chống lại được lực hút đó thì được độc lập, còn nếu không li tâm được thì tất yếu sẽ bị phụ thuộc. 

Tôi cho rằng, xu thế chung của nhân loại và nói riêng các quan hệ khu vực  trong khoảng một thiên niên kỷ trở lại đây là những quốc gia như Việt Nam ngày càng thể hiện tư thế độc lập hơn, tự quyết, tự chủ hơn so với các đế chế kiểu như Trung Quốc. Mặc dù có những thời điểm trong lịch sử, xu thế đó không phải là dạng đồ thị tiến thẳng, có những lúc người cầm quyền Việt Nam tỏ ra bạc nhược, yếu hèn, nhưng nhìn tổng thể thì Việt Nam ngày càng độc lập hơn.

Việt Nam hoàn toàn đủ nội lực để tự mình trở thành một quốc gia độc lập hơn nữa, bình đẳng hơn nữa với các thế lực bên ngoài. Điều kiện của quốc tế hiện đại cho phép thực hiện được, hiện thực hóa được xu hướng đó. 

PV: Tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề cần giải quyết trong quan hệ giữa hai nước.  Một bước tiến  có thể nói khá quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp này  là  các bên đồng thuận không sử  dụng vũ lực.  Vậy vì sao gần đây tình hình lại đột ngột “nóng” lên, cùng  với đó là sự đe dọa  sử dụng vũ lực  từ phía Trung Quốc? 

PGS Trần Ngọc Vương: Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, chúng ta có cái nhìn toàn cảnh và rõ ràng hơn về cái gọi là việc sắp xếp lại trật tự thế giới,  cấu trúc lại những vùng ảnh hưởng trên thế giới. Nhìn theo nhiều lĩnh vực, có thể xuất hiện những cường quốc khác nhau, thậm chí có thể gọi là những siêu cường khu vực. Nhìn một cách tổng thể, rõ ràng Trung Quốc đang có khát vọng trở thành một siêu cường, ít nhất là siêu cường khu vực. 

Từ năm 1978, khi khởi xướng lên việc định hướng lại và cải cách kinh tế để tạo vị thế của Trung Quốc, cho đến gần đây, Trung Quốc nêu lên một số mệnh đề mà tôi cho rằng đặc biệt cần chú ý.

Thứ nhất là mệnh đề: “Một hữu đới đầu” - Nhất quyết không đi đầu. Họ chấp nhận không làm người dẫn đầu, không gánh vác trách nhiệm trước thế giới. Điều này có thể dễ dàng hiểu được, cũng là do họ chưa đủ điều kiện để làm vậy dù họ muốn. Tôi cho rằng, về tầm nhìn, đó là một tầm nhìn dài hạn và khôn ngoan của họ. 

Mệnh đề thứ hai là “thao quang dưỡng hối”, tức là che bớt ánh sáng, nuôi dưỡng cái tù mù. Trung Quốc muốn giữ cho riêng mình một vùng bí mật rộng lớn trong các quốc sách cũng như trong việc đo đếm, tính toán quốc lực của họ. Đây là một cách giữ gìn bí mật quốc gia để quốc tế không thể biết được tiềm lực thực sự của Trung Quốc. Dù bên ngoài có nói xấu hay nói tốt, nói hay hay nói dở, Trung Quốc cũng không phản đối hay khẳng định quyết liệt.

Mệnh đề thứ ba là “nhất quốc lưỡng chế”, tức là một nước hai chế độ. Chính mệnh đề này đã gây ra tranh luận giữa tôi với các học giả Trung Quốc năm 1998, thời điểm khi họ đang tiếp nhận Hồng Kông. 

Khẩu hiệu “Nhất quốc lưỡng chế” mà Đặng Tiểu Bình đưa ra là một tôn chỉ mà họ đang thực hiện và sẽ còn lâu mới thực hiện xong. Đây chính là câu khẩu hiệu gây nhiều suy nghĩ cho tôi. 

Tôi đã hỏi các giáo sư, học giả Trung Quốc ở Đại học Bắc Kinh rằng: Một nước 2 chế độ, nghĩa là một bên anh duy trì XHCN, một bên anh duy trì TBCN? Vậy thì CNXH có phải mục đích tối hậu của Trung Quốc không? Đó của phải là hệ tư tưởng của Trung Quốc không? 

Họ nói theo họ là như vậy. Tôi nói: Vậy thì theo logic, anh phải tồn tại 2 chế độ, dù cho tầm nhìn xa đến đâu, khoảng thời gian dài đến đâu, nhưng nếu đến “một lúc nào đó”, tình trạng đó sẽ được / bị xóa bỏ, thì đó vẫn cứ là một công thức mang tính chiến thuật, dù nó không ngắn hạn về mặt thời gian. Cuối cùng anh phải giải quyết vấn đề 2 chế độ ra sao chứ? Phải nhất thể hóa thành một chế độ chứ? Nếu khẳng định như thế, tôi không tin là trên bốn chục triệu người ở mấy vùng lãnh thổ kia để yên cho anh “sáp nhập” dễ dàng.

Trong trường hợp ngược lại, nếu anh nói rằng đó là một tôn chỉ lâu dài, không xác định về mặt thời gian thì tức là anh từ bỏ về mặt nguyên tắc đối với chủ nghĩa cộng sản. Vì trong một nhà nước phải có, và chỉ có một hệ tư tưởng. Giả sử các vùng lãnh thổ như Đài Loan sáp nhập với Trung Quốc thì hệ tư tưởng lúc đó chắc chắn phải khác hệ tư tưởng bây giờ. Vậy hệ tư tưởng đó là gì? Các học giả Trung Quốc không trả lời được. Họ hỏi ý kiến của tôi thế nào. Tôi nói: đó chính là chủ nghĩa tư bản, hoặc một dạng khác, xác thực hơn nữa: chủ nghĩa dân tộc. Họ im lặng nhưng sa xẩm mặt mày. 

“Thao quang dưỡng hối” và “không đi đầu” thì hiện nay Trung Quốc đang dần dần từ bỏ. Tức là họ công khai bộc lộ và thị uy sức mạnh, đồng thời một bộ phận kích động chủ nghĩa dân tộc.

Nguy cơ về sự bùng lên và khó lòng kiểm soát của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là điều có thật. Cái tâm lý này nằm cả ở những người ở cấp cao, tuy tôi chưa dám nói những nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc thì ở mức độ như thế nào. 

Vì thế, tôi cho rằng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bùng nên và khó kiểm soát đang thực sự là một nguy cơ đối với chúng ta. Tôi theo dõi báo chí và các trang mạng Trung Quốc, qua các thống kê của chính các trang đó, tôi thấy các con số về tỷ lệ người Trung Quốc đòi “dạy cho Việt Nam một bài học” là rất cao. Điều này phản ánh một tỉ lệ trung bình cộng mà chúng ta cần phải hết sức cảnh giác. Đương nhiên là các nhà chính trị không dễ dàng đưa ra các quyết định dựa trên những thống kê trên mạng như vậy, nhưng cũng chắc chắn họ sẽ bị chi phối bởi điều này.

Để hiểu tận căn nguyên, tôi không chỉ theo dõi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà tôi còn phải theo dõi cả thực thể Trung Hoa, tôi cho rằng hiện nay, những vấn đề mâu thuẫn nội tại của xã hội Trung Quốc là căng thẳng nhất thế giới. Có người đã nói ví von là: Giữa những tỷ phú giàu nhất thế giới đã có người Trung Quốc, nhưng những cộng đồng nghèo đói nhất thế giới cũng có người Trung Quốc. Điều đó dẫn đến những bất an về mặt xã hội.

Những bất an xã hội đó khiến tôi rất lo lắng.Không phải chỉ lo và thương cho người Trung Quốc. Tôi không dám nói đó là tất yếu, nhưng theo những lối mòn của lịch sử, để trấn an nội bộ, trong mấy nghìn năm qua, Trung Quốc luôn dùng phương pháp chuyển mâu thuẫn ra ngoài. Tức là cứ mỗi lần nội bộ Trung Quốc có vấn đề lớn, các nhà cầm quyền Trung Quốc lại tiến hành xâm lược một vùng nào đó. Họ dùng “võ công” để răn đe và giải quyết mâu thuẫn bên trong. Tức là họ không đánh trực tiếp đối thủ trong nước mà dùng chiến công bên ngoài để làm giảm áp lực và xả bớt lực căng xã hội. Xin nói thật, đây là điều tôi sợ nhất vì Việt Nam có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, các tỷ lệ thống kê cao trên mạng phản ánh đúng điều này. 

Tôi nghĩ là người Trung Quốc đâu thù Việt Nam đến thế. Những người làm chính trị, quan sát chính trị đều nhận thấy trong thời gian qua Việt Nam đã nhẫn nhịn rất nhiều. Thế giới không ngây thơ để tin vào những tuyên truyền xuyên tạc của Trung Quốc là Việt Nam luôn gây hấn và kích động. Rõ ràng là người Việt Nam luôn có tâm lý hòa hiếu, muốn yên ổn. Lịch sử đã chứng minh điều đó.Võ công thiên tài và chiến công hiển hách như Quang Trung mà trước khi đánh trận Đống Đa còn yêu cầu Ngô Thì Nhậm viết sẵn biểu tạ tội, rồi biểu Cầu phong. 

Vì vậy, vấn đề ở đây là chúng ta phải tránh để bị Trung Quốc biến thành vật hi sinh. Nhưng đồng thời, ta không chỉ giữ thể diện với dân mà về lâu dài cần phải nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của nhân dân ta. Như cụ Hồ đã nói một câu thể hiện tất cả: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Chúng ta vừa phải mềm mỏng, nhẫn nhịn nhưng cũng luôn phải tự cường, rắn rỏi. 

Thực trạng bất bình đẳng diễn ra trong cả việc tuyên truyền. Báo chí và các trang mạng Trung Quốc, kể cả các tờ được coi là chính thống và quan trọng hàng đầu, kể cả Đài Truyền hình Trung ương, hiện nay đang liên tục xuyên tạc về Việt Nam, tôi xin gọi là nói rất láo về Việt Nam. 

PV: Hòa bình, đó là khát vọng ngàn đời của nhân dân Việt Nam. Song,  cũng như ý chí nhân dân, các vị lãnh đạo của Việt Nam luôn khẳng định “chủ quyền là số một”. Từ cái nhìn lịch sử, theo Giáo sư,  làm thế nào để giữ được cả hai điều này?

PGS Trần Ngọc Vương: Mặc dù có những cái đầu ở Trung Quốc đang rất nóng, và cả nhiều cái đầu ở các nước láng giềng của Trung Quốc, đương nhiên cả ở ta, cũng đang nóng, nhưng theo tôi chúng ta nên coi đó là chuyện bình thường. Có những phản ứng cực đoan thái quá là bình thường. Cả ở đây nữa, “trái tim có những lý lẽ riêng mà cái đầu không thể hiểu”. Nhưng đó không phải là tất cả. Vấn đề là các nhà cầm quyền phải biết giữ tỉ lệ cực đoan đó ở mức có thể kiểm soát được và không gây ra tác hại. Các nhà lãnh đạo cần có cách hành xử và giải quyết vấn đề phù hợp. 

Tôi cho rằng với diễn biến của tình hình vừa rồi, sự bộc lộ thái độ và hành động của cộng đồng và người dân Việt Nam là hợp lý. Giữ mức độ như thế là hợp lý. 

Với tư cách là người cũng đã nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tôi cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay đối với chúng ta là làm thế nào để cân bằng được niềm tự hào dân tộc, khí phách dân tộc với hoạt động thực tiễn chính trị tỉnh táo để đạt được mục tiêu quan trọng hàng đầu là giữ gìn độc lập dân tộc. Đồng thời tránh cho dân tộc khỏi những tổn thất, va chạm không cân sức và không cần thiết. 

- Xin cảm ơn Giáo sư.

*Bài do PGS. TS Trần Ngọc Vương gửi trực tiếp cho NXD- Blog. 
Một phần của bài viết đã đăng tải trên báo điện tử Đất Việt.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!


13 nhận xét :

  1. Quá nhảm nhí,hãy nhìn lại nước mỹ thì biết,họ đâu có cần bành trướng lãnh thổ.Họ chỉ cố bảo vệ tự do thương mại để phát triển

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đồng ý với ý kiến của ông Vương: cuộc xâm lược Việt Nam có thể xảy ra nhằm giảm bớt mầm mống bạo loạn trong lòng đất nước Trung Quốc. Hiện nay bạo loạn ở Tân Cương đang tỏ ra không thể kiểm soát.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi không đồng ý với PGS.TS Vương ở 2 điều sau
    1. Về lý thuyết: Mối quan hệ này được PGS.TS Vương xem xét trên cơ sở 3 "tư cách" (Thầy, bạn, nạn nhân). Theo tôi, đây là cách nhìn phiến diện, một chiều. Bởi lẽ, trong cả 3 cái "tư cách" đó chúng ta (Người Việt) không có lấy 1/2 "tư cách" sao?
    Bài báo cho thấy tác giả của nó chưa nhìn/xem xét mối quan hệ này từ 2 phía. Áy là chưa nói đến việc cái "phía" kia được đặt lên "bậc thầy" khi xem xét.
    Từ suy nghĩ đó, có thể nói: Chưa xem xét nội dung, ngay từ đầu tác giả đã phạm ít nhất 2 lỗi cơ bản về lý thuyết: thứ nhất, xem xét 1 chiều về một vấn đề đòi hỏi phải "2 chiều". "Quan hệ" tự thân nó đã đòi hỏi ít nhất là 2 đối tượng (Lý thuyết QHQT gọi là "chủ thể"); thứ hai (một phần là hệ quả của cái "thứ nhất"), thái độ nghiên cứu không khách quan/công bằng. Việt Nam bị đặt vào "thế yếu" (xem như học trò, luôn bị bắt nạt... của mối quan hệ. Điều này phạm vào sai lầm cơ bản về lý thyết QHQT. Các chủ thể quan hệ quốc tế (quốc gia/dân tộc - Nations) là bình đẳng trong các mối quan hệ (Hiến chương LHQ qui định).
    Có lẽ PGS.TS Vương chỉ mắc sai lầm lý thuyết (Tôi hi vọng thế) nên mới viết bài như thế này.
    2. Về thực tế, tôi không đồng ý với PGS.TS Vương khi ông cho rằng:
    - PGS.TS Vương cho rằng: "Có những phản ứng cực đoan thái quá là bình thường. Cả ở đây nữa, “trái tim có những lý lẽ riêng mà cái đầu không thể hiểu”. Theo tôi, những phản ứng vừa qua của cộng đồng người Việt tuyệt đối không "cực đoan"; không chỉ xuất phát từ "trái tim", và hành động của Trung Quốc tuyệt đối không "bình thường";
    - PGS.TS Vương: "Tôi cho rằng với diễn biến của tình hình vừa rồi, sự bộc lộ thái độ và hành động của cộng đồng và người dân Việt Nam là hợp lý. Giữ mức độ như thế là hợp lý.". Tôi nghĩ khác, phản ứng của cộng đồng người Việt là chưa đủ mà cần phảikiên quyết hơn nữa, khôn khéo hơn nữa, đoàn kết hơn nữa; triển khai trên nhiều bình diện hơn nữa (trong đó có cả lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục thế hệ trẻ của PGS.TS Vương)...
    Ôi!!! (tôi chẳng biết mình than vì cái gì khi đọc bài viết này!)

    Trả lờiXóa
  4. Do đánh máy post trực tiếp nên nhờ Lâm Khang chữa hộ 2 lỗi sau:
    - " Có lẽ PGS.TS Vương chỉ mắc sai lầm lý thuyết (Tôi hi vọng thế) nên mới viết bài như thế này." thành: Có lẽ PGS.TS Vương chỉ mắc sai lầm lý thuyết (Tôi hi vọng thế) nên mới có quan điểm như thế này.
    - "Ôi!!! (tôi chẳng biết mình than vì cái gì khi đọc bài viết này!)" thành: Ôi!!! (tôi chẳng biết mình than vì cái gì khi đọc bài phỏng vấn này!)
    Mong Lâm Khang lượng thứ cho sự cẩu thả này.

    Trả lờiXóa
  5. Chú Thân rất hoan nghênh bài viết của Vương mà chú đã được đọc qua thư điện tử Vương gửi từ trước. Trước vấn đề "Quốc gia đại sự" đang nóng bỏng thế này ý kiến khác nhau là tất yếu nhưng ý kiến cá nhân chú nghĩ mục tiêu ngàn đời không bao giờ thay đổi đó là giữ vửng bảo vệ biên cương tổ quốc cả trên đất liền ,hải đảo(nay cả bầu trời)đã được xương máu bao thế hệ hi sinh chiến đấu để hiện nay chúng ta đang thừa hưởng. Chú nghĩ có thể nhớ lại câu nói bác Hồ:"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" cũng thể hiện ở đoạn cuối bài phỏng vấn. Ở đây còn lại là chử "ứng" giửa nhân dân và lảnh đạo đã hoàn toàn nhất trí chưa. Điều này là người dân chú rất mong lảnh đạo công bố minh bạch.

    Trả lờiXóa
  6. Việt Nam đã làm gì xúc phạm đến Trung Quốc để dân Trung quốc hằn thù Việt nam. Chỉ có chính quyền Trung quốc với muu đồ bành trướng mới dẫn dắt nhân dân TQ có cái nhìn tồi tệ với Việt nam nhơ bây giờ.

    Trả lờiXóa
  7. Ôi, nói đên VUA QUANG TRUNG. Thời nay nếu chiến tranh sảy ra, không biết có ai tài giỏi như VUA QUANG TRUNG xuât hiện nữa không biết ???

    Nói đến VUA QUANG TRUNG, NGUYỄN HUỆ, NGÔ QUYỀN...Thật tự hào về những THIÊN TỬ tài ba lỗi lạc của Việt Nam.

    Chúng ta phải luôn luôn noi gương, đoàn kết, và yêu nước Việt Nam vì những tự hào về lịch sử Việt Nam đã sinh ra những THIên tử CHA ÔNG ta để lại.

    YÊU NƯỚC + ĐOÀN KẾT, sẽ là VŨ KHÍ tối tân để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược .

    Trả lờiXóa
  8. Chính xác, tác giả bài viết này thiệt nhảm nhí! Khẩu khí thiệt ko hổ mang danh "PGS TS đương đại". Đọc được vài dòng, đành bỏ,cố đọc nhưng ko thể nào đọc tiếp được nữa, mong được thông cảm, thưa PGS TS TNV!
    Đành phải (lạc đề/xin phép Lâm Khang) vui vui chút:

    1- Nếu ta tiếp tục gọi là "Trung Hoa, Trung quốc, Hoa Hạ..." thì đồng nghĩa ta chấp nhận ta là man di mọi rợ - đích thị nó là THẦY ta ?

    2- Gọi là “China” cũng ko ổn vì tổ tiên người Tầu ở lưu vực Hoàng Hà; còn từ nam Hoàng Hà qua sông Dương tử, qua sông Cái, sông Mạ, sông Cả.. đến tận Hồ Tôn là lãnh thổ của Bách Việt nói chung (mà nay chỉ còn co cụm, độc lập ở mỗi Việt Nam). Người Dương Việt (1 trong hàng trăm bộ tộc của Bách Việt) định cư ở lưu vực Sông Dương Tử có nghề làm gốm sứ nổi tiếng như gốn sứ Giang Tây còn lưu mãi đến bây giờ. Đó là gốm sứ của người Bách Việt nói chung và người Dương Việt nói riêng (‘China’ - chiến lợi phẩm của người Tầu). Chính Tầu cũng ko vui lắm khi họ được/bị phương tây gọi là “China” vốn thứ mà họ xâm chiếm được.
    Có lần chúng tôi du lịch bên Tầu, được nghe cô Lã Băng Băng (duyên dáng và thông minh - cán bộ Du Lịch người Quảng Tây) hát bài “Hoàng Hà- sông mẹ ơi”. Tôi hỏi lại tại sao ko phải là Trường Giang – sông dài nhất, êm đềm nhất là‘sông mẹ’ của TQ mà lại là Hoàng Hà con sông vừa ngắn hơn vừa hung dữ?
    Cô Lã trả lời: đơn giản chỉ vì vùng Trường Giang (TQ đã xóa tên “Sông Dương Tử” có liên quan đến tộc người Dương Việt) là vùng đất mở rộng thêm của TQ. Sông mẹ của TQ phải là Hoàng Hà!
    Chúng tôi cũng dị ứng nếu họ dùng “China” nhận vơ nghề gốm sứ vốn thuộc văn hóa Lúa Nước Bách Việt (nên nhớ ‘Thần Nông’ cũng của người Bách Việt- nếu của người Tầu thì nó phải là ‘Nông Thần’), rồi thì Kinh Dịch, Kinh Thi... thực ra là của ai? Do vậy ko muốn nghe PGS TS nói VN mình là ‘trò’ còn họ là ‘thầy’, hèn và kém lắm!
    3- Gọi là “Khựa” thì dung tục quá,ko nên. Thực ra, thi thoảng ta vẫn gọi là “Khách”- khách chứ ko phải là ‘Bạn’ như PGS TS nói. ‘Khách hàng xóm’ để lưu ý con cháu đừng nhầm lẫn với ‘Bạn láng giềng’ là thông điệp ngàn đời của ông cha ta! Về sau rồi chuyển thành “chú Khách\ Chiệc và Khách Khứa = > rút ngắn Khứa thành ‘Khựa’\Tầu Khựa’ thì ...bựa quá!”
    Nên gọi trung tính như ông cha ta đã gọi là “Tầu”, như Bác Hồ những 2 lần gọi “Tàu” chỉ trong có 4 câu thơ khắc trên bia hiện ở Đền thờ Vua Quang Trung tại núi Dũng Quyết NA, nên chăng, thưa bà con?
    Mấy ngày nay buồn quá, Xin phép Lâm Khang cho vui chút. Cảm ơn TS NXD và bà con, TS.Vinh

    Trả lờiXóa
  9. "Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ít nhất phải nhìn trong 3 góc độ, 3 tư cách của Trung Quốc."...Tư cách thứ nhất là tư cách ông Thầy...
    Nếu coi Trung Quốc là Thầy thì Việt nam sẽ đi theo vết xe đổ của Trung Quốc, và vào vòng lệ thuộc của Trung Quốc... Tôi nghĩ chúng ta không nên theo một ông Thầy như thế. Tôi nghĩ PGS. TS Vương và rất nhiều người Việt khác hiện nay đã chấp nhận một ông Thầy như thế nên nước Việt ta vẫn mãi tụt hậu và rơi vào vòng lệ thuộc Trung Quốc như bây giờ.
    Chúng ta phải dứt khoát chọn Thầy mà học, chọn bạn mà kết thân như Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm nên điều kỳ diệu cho nước họ và Trung Quốc phải bái phục họ, có khi coi họ là Thầy là khác. Do vậy, tâm lý vẫn coi Trung Quốc là Thầy như PGS. TS. Vương phải rũ sạch... Lúc đó nước ta mới thật sự độc lập, tự cường, và ngẩng cao đầu, chứ không hèn cúi, sợ Trung Quốc như bây giờ, luôn mang tâm lý 'trọng thầy', 'sợ thầy'...

    Trả lờiXóa
  10. Tại sao mình lại không phổ biến rộng rãi lòng tự hào DT và lên án kẻ gây hấn , mà để TQ phổ biến tuyên truyền rộng rãi lòng căm thù VN đến từng ng dân của họ ( mặc dù rất phi lý ).Về điểm này mình nên HT bọn Tàu

    Trả lờiXóa
  11. Đọc bài này cảm thấy tủi nhục cho Dân Tộc đã bị nhiễm độc văn hóa nô dịch phương bắc .

    Trả lờiXóa
  12. "Trong lịch sử, Việt Nam tiếp thu nhiều từ Trung Quốc, cho nên tư cách đầu tiên của Trung Quốc đối với Việt Nam là tư cách ông thầy. Đây là điều không chối cãi được"
    Tôi xin lỗi tác giả dù trong khoa học xã hội tôi chỉ là abc đối với tác giả nhưng tôi không thể chấp nhận điều này được. Đối với từng con người ai giỏi hơn chúng ta (về khia cạnh nhân văn) ta có thể học hỏi người đó và với khía cạnh đó có thể xem người đó là thày (chỉ có thể thôi,vì để là người thầy không phải chỉ có thế).Tuy nhiên nếu mở rộng cho quan hệ giữa các dân tộc điều đó dù bất kỳ khía cạnh nào cũng không chấp nhận được.Ta coi trọng nền văn hóa của TQ (nhưng không phải tất tất),ta coi trọng các đóng góp của nhân dân TQ,nhưng điều đó không thể nói rằng VN coi TQ là một ông thày.Mỗi dân tộc có đóng góp riêng vào sự phát triển của cộng đồng mà không phải bất cứ dân tộc nào khác nào cũng có thể làm được. Nói VN coi TQ là "người thày" hiểu theo nghĩa "thày trò " mà chúng ta hiểu,tôi cho đó là một tư tưởng "nô lệ",nếu tôi không muốn nói nặng hơn

    Trả lờiXóa
  13. Tôi đồng ý với quan điểm của PGS.TS. Trần Ngọc Vương khi ông cho rằng: "Trong lịch sử, Việt Nam tiếp thu nhiều từ Trung Quốc, cho nên tư cách đầu tiên của Trung Quốc đối với Việt Nam là tư cách ông thầy. Đây là điều không chối cãi được do Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc cả một thiên niên kỷ".
    Những người phản đối điều này, tôi e là quá nông nổi mà không bình tĩnh suy xét chăng?
    Dù không mong muốn, những rõ ràng là chúng ta đã học (thụ động hoặc chủ động) rất nhiều thứ từ Trung Quốc trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Người Việt ta có câu "nhất tự vi sư bán tự vi sư". Cho nên không thể vì ghét TQ mà chúng ta phủ nhận đi thực tế lịch sử. Nếu phủ nhận thì chẳng khác gì chối bỏ bản thân mình cả. Cho đến ngày nay rất nhiều thứ đồng hành với dân tộc là đã học được từ TQ. Những người dị ứng với điều này và có lời lẽ khiếm nhã với GS. Vương tỏ ra là đã thiếu hiểu biết lịch sử - văn hoá VN.
    Là con dân nước Việt, yêu nước, tự hào dân tộc là lẽ tự nhiên. Nhưng để yêu nước và có hành động đúng đắn thì không chỉ có thế mà cần phải hiểu biết sâu sắc lịch sử dân tộc. Tôi cho rằng giáo sư Vương có cả hai điều ấy.

    Trả lờiXóa