Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

NGÀY MAI, CƯỠNG CHẾ TẠI KHU ĐẤT VÀNG 22-24 HÀNG BẢI, HÀ NỘI

 
Dự án khu đất “vàng” 22 – 24 Hàng Bài:
Kết luận thanh tra đã thực sự khách quan?

Trần Hải Sơn

Dư luận đang rất quan tâm đến cách giải quyết các khiếu nại liên quan đến quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi khu đất “vàng” 22 – 24 Hàng Bài của các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội. Vụ việc này thu hút sự chú ý của mọi người bởi nó chính là phép thử xem liệu pháp luật có thực sự đi vào cuộc sống và được chính các cơ quan Nhà nước tôn trọng hay không?
Một câu hỏi khác đang chờ được giải đáp đó là cách ứng xử của chính quyền đối với gia đình chính sách? Khi tổ quốc lâm nguy, người dân cả nước nói chung và con em các hộ dân trong số nhà 22 Hàng Bài nói riêng đã không tiếc máu xương chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng đất nước, có người con ra đi từ số nhà này đã mãi mãi không trở về, cũng có bà mẹ già trong gia đình này vò võ chờ con, hằng đêm khóc thầm và chỉ biết tưởng nhớ tới con qua tấm bằng Tổ Quốc ghi công. Có gì cao cả hơn những đóng góp đó? Có gì thiêng liêng hơn sự hy sinh đó? Khi đã trải qua những mất mát lớn lao như vậy thì vấn đề vật chất đâu có nhiều ý nghĩa, cái mà người dân mong chờ là sự công bằng. Tuy nhiên, điều này dường như là một sự đòi hỏi xa xỉ trong cái nhộn nhạo, ồn ào của nền Kinh tế thị trường. Người ta đôi khi chỉ nhìn vào các giá trị vật chất và để cho các giá trị này dẫn dắt mình, họ đâu biết các giá trị tinh thần và tâm linh của Ngôi nhà đôi khi còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều bởi đó chính là một phần máu thịt trong tâm hồn mỗi con người và chính các giá trị này đã từng một thời tạo nên cốt cách của người Hà Nội, điều mà nhiều nhà văn hóa đang tìm kiếm, gìn giữ.    
Ánh sáng của công lý tưởng như le lói trong lòng những người dân đang sinh sống tại đây khi Văn phòng Chính phủ có công văn số 1348/VPCP-KNTC đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra lại vụ việc và UBND thành phố Hà Nội ra văn bản số 1853/UBND-TNMT với nội dung giao các cơ quan hữu quan của thành phố kiểm tra, rà soát quá trình giải quyết khiếu nại quyết định thu hồi đất. Trong thời gian kiểm tra, UBND quận Hoàn Kiếm tạm dừng việc thực hiện các quyết định 424 và 425 về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, cái tia hy vọng nhỏ nhoi đó như vụt tắt khi Thanh tra thành phố ra Báo cáo thanh tra và UBND thành phố ra văn bản không chấp nhận khiếu nại của các hộ gia đình nơi đây. Mặc dù vậy, kết quả này hoàn toàn có thể đoán trước được khi Chủ đầu tư đã nhiều lần “cởi mở” về năng lực của họ trong việc tác động đến quá trình ra Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Vậy khả năng thực sự của họ có như họ thể hiện không? Sự thật và công lý liệu có giành được chiến thắng?
Những câu hỏi trên sẽ được lần lượt làm sáng tỏ qua các phân tích sau:
 1. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất của UBND quận Hoàn Kiếm có đúng luật?
Các chuyên gia, luật sư đã đưa ra những đánh giá cụ thể và rõ ràng về vụ việc này trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn cử như quan điểm của GS. TS Đặng Hùng Võ: “Dự án Trung tâm thương mại - Văn phòng và nhà ở tái định cư tại 22-24 Hàng Bài không thuộc dự án loại A nên chủ đầu tư phải thoả thuận giá đền bù với người dân. Việc phải thoả thuận giá đền bù đồng nghĩa với việc không được phép cưỡng chế”.  Ông Võ nhấn mạnh:Theo tôi, không nên so sánh giá đất mà các hộ dân ở đây đưa ra cao hay thấp mà điều quan trọng là thoả thuận có đạt kết quả không? Có đúng các quy định trong Bộ luật Dân sự không?"[1].
Đây là một nhận xét đúng đắn và khách quan. Nghiên cứu các quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh vấn đề này, cụ thể là các quy định từ Điều 38 đến Điều 45 thuộc  Mục 4 – Thu hồi đất, Chương 2 của Luật Đất đai 2003, chúng ta thấy rằng:
 “Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”- Khoản 2 Điều 40.
Ngoài ra, Nhà nước chỉ thực hiện việc thu hồi đất trong các trường hợp thuộc Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai:
“1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ”.
Khoản 2 Điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 đã đưa ra định nghĩa rõ ràng về việc thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế. Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 35/2002/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) cũng thể hiện rất chi tiết thế nào là dự án nhóm A. 
Hơn nữa, theo Điều 28 Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chúng ta thấy những trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Khoản 1 Điều 40 nêu trên, Nhà nước không áp dụng thủ tục thu hồi đất mà chủ đầu tư và người sử dụng đất thỏa thuận theo hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…
“Điều 28: Áp dụng thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với dự án đầu tư
1. Trình tự, thủ tục thực hiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế:
2. Đối với dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì không phải làm thủ tục thu hồi đất; sau khi được giới thiệu địa điểm, chủ đầu tư và người sử dụng đất thỏa thuận theo hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đất”.

Bên cạnh đó Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 năm 2005 cũng quy định:
“Điều 5. Bảo hộ quyền sở hữu nhà ở
1. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu.
2. Nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hoá. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước quyết định trưng mua hoặc trưng dụng nhà ở thì Nhà nước bồi thường cho chủ sở hữu nhà ở theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán và tạo điều kiện để họ tạo lập nhà ở khác”.
Do vậy, có thể khẳng định chắc chắn  rằng, dự án này chịu sự điều chỉnh của Khoản 2 Điều 28 Nghị định 69 năm 2009 và khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai 2003, Điều 5 Luật Nhà ở 2005 nên không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế được. Chủ đầu tư phải thỏa thuận với các hộ dân theo hình thức chuyển nhượng, góp vốn, cho thuê… bởi dự án này không thuộc Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai 2003 như trích dẫn ở trên.

2. Báo cáo kết quả thanh tra số 1169/BC-TTTP-P2 ngày 10 tháng 06 năm 2011 có khách quan?

- Việc Thanh tra thành phố cố gắng bảo vệ quyết định số 7774/QĐ-UB ngày 17/11/2004 của UBND thành phố thu hồi đất tại 22- 24 Hàng Bài dựa trên cơ sở Luật Đất đai 1993Nghị định 04/2000/NĐ-CP, Nghị định 66/2001/NĐ-CP  …  để cho rằng, các văn bản pháp lý này quy định không phải thỏa thuận với người đang sử dụng đất khi thu hồi đất, là điều có thể đoán trước được. Tuy nhiên hẳn Thanh tra thành phố không thể vì vậy mà cố tình “bóp méo” luật pháp bởi vào thời điểm ra quyết định, ngày 17/11/2004, thì Luật Đất đai 2003 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2004) và văn bản hướng dẫn quan trọng của Luật như Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai đã có hiệu lực và thay thế hai Nghị định nêu trên (Nghị định 181 có hiệu lực từ ngày 16/11/2004 và Khoản 2 Điều 186 quy định Nghị định này thay thế hai Nghị định trên).
Việc viện dẫn công văn số 2162/BTNMT-ĐĐ ngày 02/07/2004 về việc thi hành Luật Đất đai 2003 trong thời gian chưa có các Nghị định hướng dẫn để giải thích cho tính hợp lý của Quyết định 7774/QĐ-UB là ngụy biện bởi nếu áp dụng Luật đất đai cũ cùng các văn bản hướng dẫn của nó thì căn cứ vào Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2000 thì toàn bộ trình tự tiến hành thủ tục để UBND Thành phố ra Quyết định giao đất chỉ mất 30 ngày. Như vậy, không thể có chuyện công ty kinh doanh xây dựng nhà (Thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội) nộp hồ sơ trước ngày 01/07/2004 bởi đến ngày 17/11/2004 UBND thành phố mới ra Quyết định.
Việc dẫn chiếu Thông tư 01/2005/TT-BTNMT ngày 13/04/2005 để bảo vệ và hợp lý hóa một Quyết định ra trước đó gần 5 tháng là không thuyết phục và mâu thuẫn với chính các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, không thể dựa vào Luật và Nghị định đã hết hiệu lực để ra quyết định khi mà Luật và Nghị định thay thế đã có hiệu lực pháp lý, điều này cũng đồng nghĩa với việc Quyết định 7774/QĐ-UB không có giá trị pháp lý.
- Thanh tra Thành phố cho rằng việc UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định số 424/QĐ-UBND, Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 02/03/2011 áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi nhà đất tại số nhà 22 phố Hàng Bài là thực hiện theo Khoản 1 Điều 40 - thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế cũng là ngụy biện bởi Khoản 1 Điều 40 và Khoản 2 Điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004,  Điều 28 Nghị định 69/2009/NĐ-CP năm 2009 của Chính phủ quy định rất rõ về trường hợp này như đã phân tích ở đầu bài viết.
Hơn nữa, dù muốn gò ép đến đâu thì dự án xây dựng Trung tâm thương mại của công ty Cổ phần thời đại mới T&T cũng không thể nào thuộc sự điều chỉnh của Điều khoản luật trên. Nghị định số 12/2009/NĐ-CP năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cũng đưa ra định nghĩa rất rõ về các dự án thuộc nhóm A trong phần Phụ lục. Vì vậy, việc tìm cách đánh tráo khái niệm ở đây càng trở nên nực cười.
Chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên mọi cá nhân và tổ chức cần hành động trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Dư luận không thể tán thành với kết luận trên của Thanh tra thành phố Hà Nội khi cố tình vận dụng sai Luật theo hướng có lợi cho Chủ đầu tư. Trong buổi Đối thoại với các thành phần có liên quan và gia đình ông Hoàng Đình Trung  ngày 22 tháng 06 năm 2011 tại Trụ sở Thanh tra thành phố Hà Nội, ông Lưu Đức Bảo, Trưởng phòng Thanh tra 2 và cũng là người chủ trì buổi Đối thoại đã rất “sốt sắng” đưa ra định nghĩa hoàn toàn “mới” về “thu hồi đất sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế” nhằm chứng minh dự án của công ty cổ phần T&T tại khu đất “vàng” nêu trên thuộc sự điều chỉnh của Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai 2003 nêu trên khi ông Bảo lập luận: “Đây là trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế  … vì dự án này có đóng thuế”. Hẳn người đọc sẽ vô cùng ngạc nhiên với quan điểm này bởi có doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, thậm chí hộ kinh doanh cá thể nào (thuộc mọi thành phần kinh tế) không phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước?  Với định nghĩa này, ông Bảo đã thể hiện sự “dũng cảm” khi giành quyền giải thích pháp luật, một đặc quyền mà Khoản 3 Điều 91 Hiến pháp 1992 chỉ giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Khi được hỏi rằng trường hợp này cần phải áp dụng Luật Đất đai nào, ông Lưu Đức Bảo khẳng định là áp dụng Luật Đất đai 2003. Câu trả lời này là chính xác và cũng phù hợp với mạch ý mà ông và kết luận trong Báo cáo Thanh tra muốn khẳng định khi chứng minh cho dự án của Công ty CP T&T thuộc sự điều chỉnh của Khoản 1 Điều 40 Luật Đất Đai (mặc dù sự chứng minh này không có căn cứ pháp lý vì thực ra dự án này thuộc sự điều chỉnh của Khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai 2003 như đã dẫn chứng ở trên). Với sự khẳng định này, ông Bảo đã vô tình loại bỏ tính pháp lý của Quyết định 7774/QĐ-UB ngày 17/11/2004 của UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất tại 22 – 24 Hàng Bài vì Quyết định này được ban hành căn cứ theo Luật Đất đai 1993 và Nghị định 04/2000/NĐ-CP, các văn bản này đều đã hết hiệu lực tại thời điểm đó. Đã biết việc áp dụng Luật Đất đai 2003 là đúng, vậy tại sao ông, với vốn kiến thức “uyên thâm” của mình, lại cứ ra sức bảo vệ cho tính “pháp lý” của Quyết định 7774/QĐ-UB ngày 17/11/2004 và thể hiện sự bảo vệ đó một cách mạnh mẽ trong kết luận của Báo cáo Thanh tra số 1169/BC-TTTP-P2 ngày 10 tháng 06 năm 2011?  Đây là câu hỏi mà dư luận đang muốn tìm lời giải đáp.   

3. Có “khuất tất” gì trong việc ban hành Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất?
Thực tế, chủ đầu tư đã chứng minh được “năng lực” đặc biệt của mình trong việc thâu tóm khu đất “vàng” 22 – 24 Hàng Bài thông qua quá trình cổ phần hóa Công ty kinh doanh và xây dựng nhà (Thuộc tổng Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội – Handico). Độc giả có thể tham khảo bài báo Vụ 1 tỷ đồng/m2: Cưỡng chế lại hoãn, tại sao? trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF số ra ngày thứ bảy 23/04/2011 để thấy rõ việc phù phép biến đất Nhà nước thành đất của các ông chủ tư nhân qua phân tích của tác giả bài báo.  
Vì tự tin vào các “mối quan hệ” của mình nên trong quá trình làm việc, thương lượng với các hộ dân trong số nhà 22 Hàng Bài, đại diện Công ty CP T&T luôn thể hiện thái độ thách thức, thiếu thiện chí. Không ngừng phát huy và thể hiện “năng lực” đặc biệt đó, cũng trong buổi Đối thoại nói trên, Đại diện chủ đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP T&T Trần Hồng Sơn đã bày tỏ quan điểm rất “cởi mở”. Những thông tin mà ông Sơn đưa ra tại cuộc họp khiến người nghe phải giật mình bởi thông qua những lời nói mang tính “hù dọa”, người nghe cảm thấy ông có mối quan hệ rất thân thiết với các quan chức cấp cao khi ông trích dẫn lời nói và quan điểm của các vị này. Mặc dù cũng chỉ là một bên được Thanh tra thành phố mời tham gia buổi Đối thoại nhưng ông đã mạnh miệng chê Hà Nội khi nói: “Chính phủ cho rằng thành phố quá nhu nhược”. Đáng chú ý hơn, ông Sơn còn có lời lẽ xúc phạm những hộ dân nơi đây khi nói: “Anh Khôi[2] cho rằng đòi hỏi của các hộ gia đình là quá lố. Ô hay! Những thông tin này, nếu có, phải được truyền đạt bởi đại diện các cơ quan chính quyền, hà cớ gì mà ông Sơn lại chủ động chiếm lĩnh vị trí phát ngôn viên của các cơ quan đó. Dư luận cũng thấy thật lạ bởi dân có thiện chí thì họ mới tham gia đàm phán khi nhận được đề nghị của chủ đầu tư, đã đàm phán thì mỗi bên phải đưa ra quan điểm của mình để cùng thương lượng, vậy mà lại bị coi là “lố”?
Không biết những gì ông Sơn nói có đáng tin không, hy vọng đó là những điều không có thật bởi những vị quan chức cấp cao, những người được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách thì không thể có những nhận xét hồ đồ như vậy. Tuy nhiên, nếu đó là sự thật thì sự ngạo mạn mà ông thể hiện là điều có thể hiểu được và như vậy, việc người dân mang đơn đi khiếu nại để tìm công lý chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.    
4. Trông đợi vào ánh sáng công lý.
Qua những phân tích trên, tính “khách quan” của Báo cáo Thanh tra số 1169/BC-TTTP-P2 ngày 10/06/2011 đã được phơi bày, với Báo cáo này thì văn bản số 4749/UBND-TNMT ngày 14/06/2011 của UBND thành phố Hà Nội cũng khó có thể đảm bảo được công bằng cho người khiếu nại.
Muộn còn hơn không, thành phố nên thu hồi ngay văn bản này, đồng thời đình chỉ 2 Quyết định số 424/QĐ-UBND và Quyết định số 425/QĐ-UBND của UBND quận Hoàn Kiếm ngày 02/03/2011 vì các văn bản này không phù với chính Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.  Điều 3 Quyết định 18 nêu rõ:
Những trường hợp sau đây không áp dụng bản quy định này (Thực hiện khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai 2003; khoản 3 Điều 1 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP; khoản 2 Điều 41 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP và khoản 2 phần I Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính)
1.      Dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, nhà đầu tư được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất
Hơn nữa, văn bản 4749/UBND-TNMT của thành phố và hai Quyết định trên của UBND quận Hoàn Kiếm cũng không phù hợp với Quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư… (Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2008/QĐ-UBND ngày 22/10/2008 của UBND thành phố Hà Nội). Điều 6 Quy định này nêu rõ:

“Các trường hợp Nhà nước không ban hành quyết định thu hồi đất
1. Nhà nước không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế đối với các dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 2 Điều 3 và Điều 4, Điều 5 Quy định này; hoặc trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện dự án có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3, Điều 4, Điều 5 Quy định này nhưng chủ đầu tư tự nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất”.

Có thể khẳng định dự án này thuộc sự điều chỉnh của Điều 6 Quyết định nêu trên bởi các lập luận như đã phân tích. Ngoài ra, dự án này cũng không hề tồn tại trong Quyết định số 96/2000/QĐ-UB của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tỷ lệ 1/2000.

Thiết nghĩ, một Quyết định hợp lòng dân và dựa trên các quy định của pháp luật thì dù có phức tạp và khó đến đâu thì người dân vẫn chấp hành. Trong chiến tranh lẫn thời bình, rất nhiều gia đình sẵn sàng hiến nhà, hiến đất để Nhà nước thực hiện các mục tiêu công ích, có lợi cho xã hội như làm đường, xây trường học, bệnh viện…. Tuy nhiên, nếu khiên cưỡng mà áp dụng cưỡng chế sai Luật, lòng tin của nhân dân vào nhà nước sẽ bị tổn hại nghiệm trọng. Cái mất không chỉ bó hẹp trong phạm vi một khu phố, một dự án mà nó sẽ lan tỏa nhanh trong xã hội. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ nghĩ sao khi các cơ quan công quyền áp dụng sai luật gây mất công bằng?  Họ có còn mạnh dạn đầu tư vào một môi trường thiếu minh bạch như vậy không?  Đây cũng chính là những băn khoăn mà rất nhiều nhà đầu tư muốn bày tỏ. Lòng tin của người dân, vì vậy, là báu vật mà chính quyền cần gìn giữ.

  Đảng ta luôn quan tâm tới việc xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, nên phương châm lấy dân làm gốc phải được các “đầy tớ của dân” coi là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Để chủ trương này không chỉ là khẩu hiệu, chính quyền phải luôn khách quan và quan tâm đến nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người dân. Muốn vậy, mọi công chức phải thấm nhuần tư tưởng thượng tôn pháp luật, các cơ quan Nhà nước chỉ được “làm những gì Luật pháp cho phép”, còn người dân “được làm những gì Luật không cấm”, đó chính là cốt lõi của một Nhà nước pháp quyền và một Xã hội Dân  sự lành mạnh.
 

[1] Ngân Hà, báo Tiền Phong ngày 08/02/2011.
[2] Ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

*Bài viết do tác giả gửi đến NXD-Blog, thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

38 nhận xét :

  1. Nén bạc đâm toạc tờ giấy.

    Trả lờiXóa
  2. Ở những nước dân chủ, văn minh, luật pháp tiến bộ, công bằng, chính quyền chỉ thu hồi đất để thực hiện những công trình quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng thật sự to lớn.
    Họ rất thận trọng và hãnh hữu mới thu hồi đất. Quan điểm xuyên suốt của họ là: có thực sự công trình ấy là cực kỳ quan trọng, tối cần thiết, mang lại lợi ích công cộng vô cùng to lớn? Nếu quả tình lợi ích nó mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho cả cộng đồng thì cộng đồng (đại diện là Nhà nước) có nghĩa vụ (và đủ khả năng đền bù , vì khoản ứng trước để đền bù sẽ phải nhỏ hơn lợi ích vô cùng to lớn sẽ thu được) đền bù xứng đáng cho người bị thu hồi đất.
    Vì thế, ở những xứ sở ấy, chuyện khiếu kiện, biểu tình đòi đất là xa lạ, không "như cơm bữa" như ở VN, TQ, Camphuchia, Lào.
    Việc Nhà nước có khẩn trương sửa đổi quy định bất hợp lý trong thu hồi đất hay không, có kiên quyết bác bỏ những văn bản trái luật hay không, thể hiện Nhà nước có vì dân thật sự hay không!
    Có vậy mới giảm thiểu hiện tượng tham nhũng phổ biến nhất hiện nay: quan chức đi đêm với chủ dự án, cướp đất của dân. Chuyện đất đai đang gây bất ổn nghiêm trọng xã hội. Người dân bị dồn nén, căm uất do bị tước đoạt vô lý, mất sinh kế lâu nay, khiếu kiện dai dẳng đến kiệt quệ nhưng chỉ lâm ngõ cụt...sẽ làm gì khi biến động xã hội?

    Trả lờiXóa
  3. Một người dân cùng hoàn cảnh!lúc 09:50 11 tháng 7, 2011

    Trường hợp này giống hệt dự án khu căn hộ cao cấp 1Bis_1Kép Nguyễn Đình Chiểu Q1 TPHCM do Công Ty TNHH MTV Phát Triển Nhà Bến Thành liên doanh với Tập Đoàn Indochina Land làm chủ đầu tư vì mục đích kinh doanh. Ngày 20/04/2011,UBND Quận 1 đã ra quyết định thu hồi đất sai luật(luật đất đai 2003 và luật nhà ở 2005). Hiện gần 100 hộ dân sở hữu các căn hộ tại chung cư 1Bis_1Kép Nguyễn Đình Chiễu đã và đang khiếu kiện yêu cầu UBND Q1 thu hồi quyết định sai luật này.
    Kính mong Bác Diện cho đăng comment này để tiếp lửa cho các hộ dân ở 22-24 Hàng Bài Hà Nội, vì chúng tôi là những người cùng hội cùng thuyền!
    "Mọi công chức phải thấm nhuần tư tưởng thượng tôn pháp luật, các cơ quan Nhà nước chỉ được “làm những gì Luật pháp cho phép”, còn người dân “được làm những gì Luật không cấm”, đó chính là cốt lõi của một Nhà nước pháp quyền và một Xã hội Dân sự lành mạnh".Rất tâm đắt với câu này!

    Trả lờiXóa
  4. hay quá, thế là luật pháp bị xoá đi , chỉ còn có "chân lý" của quý quận.một gia đình có công với CM và là gia đình liệt sĩ làm đúng luật,lại bị cưỡng chế đúng vào tháng thương binh liệt sĩ? hay thật chính quyền cuỉa dân ,do dân vì dân đấy à?

    Trả lờiXóa
  5. Đề nghị UBND TP HN trả lời công khai trước nhân dân: Về ý kiến của các chuyên gia các nhà trí thức theo nghị quyết TW vừa qua.

    Trả lờiXóa
  6. Có khuất tất gì trong vụ này????

    Trả lờiXóa
  7. Đất này không thuộc diện phải thu hồi cưỡng chế ( không thuộc an ninh quốc phòng- theo luật đất đai, không nằm trong dự án kinh tế lớn- theo nghị định của chính phủ). Quận không có quyền cưỡng chế, nếu cố tình cưỡng chế, là vi phạm pháp luật, đập nhà cướp đất của dân. Trường hợp này, giống các hộ dân tại 48 Đoàn Trần Nghiệp,khi không có dự án, quận Hai Bà Trưng vẫn quyết định giải phóng mặt bằng, tổ chức tiến hành cưỡng chế, , sau đó lại xuất hiện Tổng công ty thiết bị điện làm chủ dự án. Đây là hành động ăn cướp, hộ 48 Đoàn Trần Nghiệp, đã gửi đơn lên thành phố, công an, viện kiểm sát, toà án, đề nghị khởi tố hình sự, hành động đập nhà cướp đất của chủ tịch UBND quận HBT Phan Tiến Bình, phó CT quận HBT Lâm Anh Tuấn, cùng Hoàng Thanh Thuỷ CT phường Lê Đại Hành, các cơ quan pháp luật đang xem xét

    Trả lờiXóa
  8. Bản chất của sự việc là thế này. Tôi thỏa thuận mua nhà của anh, một thỏa thuận theo đúng nghĩa hợp đồng dân sự, tôi đã ra giá, anh ra giá cao hơn, tôi chê đắt và tôi vẫn muốn mua nên tôi đề nghị Chính quyền ra lệnh cưỡng chế! Anh phải giao nhà của anh cho tôi với giá tôi đưa ra!

    Trả lờiXóa
  9. Bà con ơi, có ai muốn mua nhà đẹp ở quận Hoàn Kiếm không? Tranh thủ đi nhé. Cứ tìm thấy cái nhà nào đẹp, gần Hồ Gươm, gặp chủ nhà đòi mua, trả giá rẻ. Chủ nhà không đồng ý thì ta nhờ chính quyền quận Hoàn Kiếm tổ chức cưỡng chế! Nào, đi thôi, cứ nhà đẹp nhé!

    Trả lờiXóa
  10. Th­ực ra việc ông phó chủ tịch HĐQT T&T vô tư phát biểu "xúc phạm" người đòi đền bù thì ta mới biết thêm chuyện hậu trường của các nhà đầu tư vơí phía chính quyền! Chính quyền đã có quan điểm dân là "lố" rồi thì đàm phán chả có nghĩa gì nữa.

    Trả lờiXóa
  11. Cho tôi di mua nhà ở quận Hoàn Kiếm với. Tôi đang thích nhà đẹp ở Trung Tâm Hà Nội. Được chính quyền quận Hoàn Kiếm giúp thế còn gì bằng. Cám ơn nhiều!

    Trả lờiXóa
  12. Từ vụ việc này có thể suy ra những nhà đẹp phố lớn sẽ bị thâu tóm dần. Tư bản sẽ mua nhà mặt phố giá rẻ thông qua việc cưỡng chế của chính quyền.

    Trả lờiXóa
  13. Đối diện với (Chạy dự án) là các hộ dân trong dự án phải khổ cực và lầm than. Có gì béo bở để người ta phải (Chạy dự án). Và đã có dự án lại chỉnh sai dự án, VD: Có chuyện nắn cong đường vành đai 2.5 Đầm hồng Giáp bát, Lĩnh nam, các hộ dân Tân mai Hoàng mai Hà nội đã nhiều năm khiếu kiện kéo dài từ 2005 đến nay vẫn chưa tới hồi kết. Đã đẩy bà con sống trong cảnh tạm bợ không được kiến thiết xây dựng. Tâm trạng lúc nào cũng như (cá nằm trên thớt). Gây nên sự bất ổn rất lớn cuộc sống của người dân trong nhiều năm.
    Những người dân mỏi mắt trông chờ sự công khai minh bạch công bằng trong chính sách thu hồi đất của nhà nước.
    Đến bao giờ mọi công dân sống và làm theo hiến pháp và pháp luật.

    Trả lờiXóa
  14. Dân bị luật đèlúc 19:47 11 tháng 7, 2011

    Trắng trợn ,coi luật pháp là công cụ để trục lợi .Không cho luật pháp bảo vệ công lý

    Trả lờiXóa
  15. Vụ này chứng minh luật pháp Việt nam nằm dưới luật chính quyền Việt nam.

    Trả lờiXóa
  16. Hãy dừng lại !Đừng sa đà mờ mắt vì lòng tham .Dân đang oán ghét vì cảnh cướp bóc như thế này trên cả nước.

    Trả lờiXóa
  17. Chính quyền cưỡng chế sai luật gia đình chính sách, bố mẹ liệt sỹ để chào mừng ngày 27/7?

    Trả lờiXóa
  18. Dân ta đã có hai câu thơ nói về thanh tra như sau:
    Thanh tra, thanh trả, thanh trà
    Có rượu thịt gà,thì sẽ thanh chi
    Thanh cha thanh mẹ thanh dì
    Nếu có PHONG BÌ thì cũng thanh kiu (thanhk you)
    Tôi đã quá quen với mấy vị thanh tra TP Hà Nội rồi . Từ thời ông Dực, ông Tuấn cơ. Họ cũng chẳng hơn gì bọn lưu manh đâu.

    Trả lờiXóa
  19. Gia đình tôi có 3 người anh hy sinh(1 chông PHÁP,2 chống MỸ)năm tháng trôi đi,tình thương yêu với các anh vẫn không bao giờ nguôi...
    Hòa bình trên 30 năm rồi,thời kỳ đầu gia đfinh LS còn được quan tâm,thăm hỏi,những gì liên quan đến LS thường được miễn giảm.Chính sách ấy kiến THÂN NHÂN LS đỡ tủi...Nhưng ngày nay thì khác rồi,nếu đến phường làm giấy xác nhận đi tìm HÀI CỐT LS phường cũng thu 5.000đ và sẵn sàng cưỡng chế kể cả đang thờ LS ...buồn lắm các anh LS ơi!

    Trả lờiXóa
  20. Ở giữa thủ đô Hà nội của nước CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ( Mặt tiền không phải hẻm sâu)Mà họ còn làm diều nghịch với hiến pháp vậy thì những diều bi thảm đang diễn ra trên khắp đất nước Việt nam ta là điều đã trở thành dễ hiểu.

    Trả lờiXóa
  21. Cưỡng chế nhà của bố mẹ liệt sỹ sai luật khác nào họ công khai phản bội lại xương máu đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng dân tộc của Bác Hồ

    Trả lờiXóa
  22. Đề nghị anh Diện có mặt tại hiện trường lúc cưỡng chế để kịp thời đưa tin giúp bà con nhé.

    Trả lờiXóa
  23. Dân giờ sống ở xã hội, giữa Thủ đô vẫn nơm mớp lo sợ bị đuổi khỏi nhà mình lúc nào ko hay vì mấy cái dự án phát triển kinh tế. Chính quyền các cấp của thành phố khi được nhà đầu tư quan tâm thì rất nhiệt tình, vận dụng mọi luật lệ văn bản lỗi thời, có cái đã hết hạn để cưỡng bức người dân ra khỏi nhà đất của mình rồi giao nộp cho các ông chủ đầu tư. Thế thì vì cái gì, có phải vì dân không?

    Trả lờiXóa
  24. Thử hỏi dự án này người dân được lợi gì? Buồn quá!

    Trả lờiXóa
  25. hiện nay những vụ khiếu kiện đất đai liên quan đến thu hồi trái luật và đã triển khai rồi có hàng ngàn vụ. nếu như có tờ báo nào dám làm cuộc khảo sát tại những nơi mà dự án bị thu hồi có nhà dân bị thu hối thì Nhà Nước sẽ biết được con số chính xác. chỉ riêng nhưng công trình để làm nhà ở thôi không tín đến nhưng dự án khác, sẽ là trên 30% có những văn bản trái luật. vì chính những người đặt bút ký thu hồi đất hoặc cưỡng chế chẳng hạn họ không hiểu LUẬT.

    Trả lờiXóa
  26. Bây giờ đã là 11 giờ 40 rồi mà không thấy bác Diện cho biết việc cưỡng chế thu hồi đất tại 22-24 Hàng bài Hà nội - lại phải chờ thêm nữa.

    Trả lờiXóa
  27. Báo đưa tin rồi đó. Đúng là nén bạc đâm toạc tờ giấy thật, mà nén bạc này to quá, 47 tỉ đồng đấy.
    500 triệu đồng/ m2 mà vẫn còn chưa chịu? Chỉ có 2 trong số 5 hộ là có sổ đỏ.

    Trả lờiXóa
  28. Vấn đề ở đây không phải là con số đền bù bao nhiêu, bởi nhiều hay ít là quan niệm của mỗi người, ngoài giá trị vật chất thì ngôi nhà còn mang các giá trị tinh thần. Quan trọng là, dựa trên các căn cứ pháp luật hiện hành, tác giả muốn chứng minh khu đất này không thuộc trường hợp được cưỡng chế nhưng chính quyền lại xung phong đi làm công việc đó nhằm "Đảm bảo quyền lợi" cho Chủ đầu tư.

    Trả lờiXóa
  29. Đất mặt tiền ở phố lớn đền bù với giá đó (500tr/m2 bên ngoài và 300tr/m2 bên trong) đâu có gì là nhiều. Có thể thấy rõ giá này chỉ tương đương 60% giá thị trường thực tế, chưa tính nó sẽ làm tăng giá trị cho gần 4000m2 đất của xí nghiệp nhựa Hà Nội cũ ở phía sau lên nhiều lần. Chủ đầu tư họ không dại đâu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tính pháp lý của quyết định cưỡng chế, chẳng nhẽ cứ muốn mua đất gần khu vực Bờ Hồ với giá đó là có thể áp dụng cưỡng chế hay sao?

    Trả lờiXóa
  30. Chiêu bài kinh tế mới.

    Trả lờiXóa
  31. Xin "chúc mừng" chủ đầu tư và Quận HK đã giành chiến thắng tuyệt đối mặc dù thua tuyệt đối về căn cứ pháp lý cho việc cưỡng chế.

    Trả lờiXóa
  32. 47 tỷ hay 470 tỷ mặc kệ người ta .Ta không phải ganh ghét như lũ tiểu nhân dơ bẩn , mà là tính pháp lý .Dự án này có được phép cưỡng ép hay không ?.Chính quyền quyết liệt ra tay đàn áp để tư nhân đầu nậu hưởng lợi.Vấn đề ở đây là ngày mai đến lượt ta và con cháu ta sẽ ra sao!

    Trả lờiXóa
  33. Chính quyền nói là không phải cưỡng chế mà tối qua các hộ dân đã đồng ý chuyển đi và nhận tiền. Nói như thế là không được. Nếu không dọa cưỡng chế thì có ai đồng ý đâu? Không phải cưỡng chế nhưng thực tế đã thực hiện cưỡng chế. Anh giơ dao dọa tôi, buộc tôi phải đồng ý, anh bảo tôi đẫ tự nguyện?

    Trả lờiXóa
  34. cưỡng chế hay đàn áp một gia đình có con liệt sĩ cống hiến xương máu cho đất nước có nên hay chăng?

    Trả lờiXóa
  35. Xin chia sẻ với ý kiến trên, đây không phải là cưỡng chế, mà là "cưỡng bức" gia đình liệt sỹ phải nhận mức đền bù do chủ đầu tư đưa ra. Dân có sự lựa chọn nào khác không?

    Trả lờiXóa
  36. Lòng tin của nhân dân vào chính quyền cần được coi như "báu vật" nhưng chính quyền cũng không cần gìn giữ điều này nữa rồi.

    Trả lờiXóa
  37. Giá bồi thường có thể hơn 900 tr/m2 mặt đường có vì còn cái khoản hỗ trợ 9,2tỷ. Chủ đầu tư có xuống nước trước sự cứng rắn của hộ mặt đuờng 22 HB?

    Trả lờiXóa