Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

GS NGUYỄN ĐÔNG YÊN: "CỨ NGỠ NGÀNG NHƯ NẮNG MỚI VÀO XUÂN"


Trân trọng giới thiệu bài thơ của Nữ thi sĩ  Olga Bergoltz 
và lời bình của GS.TSKH Toán học Nguyễn Đông Yên:

Olga Berggolx
Mùa hè rớt
Có một mùa trong sáng diệu kỳ
Cái nắng êm ru, màu trời không chói
Mùa hè rớt – cho những người yếu đuối
Cứ ngỡ ngàng như nắng mới vào xuân

Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng
Khe khẽ như không, dịu dàng, phơ phất
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu

Những trận mưa rào đã tắt từ lâu
Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm
Hạnh phúc – ít hơn, khóc nhìn say đắm
Ghen tuông – dù chua chát cũng thưa hơn

Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương
Ta cảm nhận vì người sâu sắc quá!
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta cứ nhớ
Tình yêu đâu?… Rừng lặng bóng sao mờ

Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm
Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt
Nhưng chỉ mãi bây giờ ta mới biết
Yêu đương, giận hờn, tha thứ, chia tay…

Bằng Việt dịch

Sơ lược tiểu sử tác giả:
Olga Berggolx (1910-1975)
Nữ thi sĩ Nga – Xô Viết, được giải thưởng quốc gia Liên Xô năm 1951; tác giả các trường ca Trường ca Leningrad, Cuốn nhật ký tháng hai (1942), Pervoroxxixc (1950), và tự truyện Những ngôi sao ban ngày (1959).

(Bài thơ của Olga Berggolx và những dòng tiểu sử tác giả ở trên được chép từ cuốn “Tuyết rơi, tuyết trắng rơi. Tuyển thơ Nga thế kỷ 20, nhiều tác giả, Thuý Toàn tuyển chọn, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 2005. Có một thay đổi nhỏ: Cái nóng ở câu thơ thứ hai được thay bằng Cái nắng - như trong một bản dịch của Bằng Việt được lưu truyền đã lâu.)

Bình thơ:
Bài thơ của Olga Berggolx theo bản dịch của Bằng Việt (có thể gọi là bài “Mùa hè rớt” của Olga Berggolx - Bằng Việt) có 5 khổ, mỗi khổ có 4 câu. Như vậy, bài thơ có tất cả 20 câu thơ. Riêng câu thơ đầu có 7 chữ, các câu sau đều có 8 chữ. Tại sao lại như vậy? Có thể cho rằng câu thơ ngắn “Có một mùa trong sáng diệu kỳ” làm cho người đọc nhập vào bài thơ nhanh hơn, tạo ra sự chú ý lớn hơn. Với những câu 8 chữ tiếp sau, thi nhân dễ đạt được sự cân đối trong câu thơ, giữ được nhịp thơ chậm, tiện lợi cho việc giãi bày tâm sự.

Hai khổ thơ đầu tả cảnh sắc ban ngày – cảnh sắc của Mùa hè rớt – cho những người yếu đuối. Có ánh sáng, nhưng không phải là ánh sáng gắt gao chói chang, đặc trưng của những ngày hè. Có nắng, nhưng là Cái
nắng êm ru. Dấu hiệu của mùa hè – mùa tình yêu hạnh phúc tột đỉnh – chỉ còn ở mức yếu ớt. Tuy vậy, với niềm lạc quan, thi nhân – người tự xếp mình vào số những người yếu đuối – lại có cảm giác như đang ở những ngày đầu xuân, những ngày nắng mới:
Có một mùa trong sáng diệu kỳ
Cái nắng êm ru, màu trời không chói
Mùa hè rớt cho những người yếu đuối
Cứ ngỡ ngàng như nắng mới vào xuân.

Khác với khổ thơ đầu, khổ thơ thứ hai ít tả thực hơn. Bằng cách vẽ ra vài hình ảnh mơ hồ, nó tạo ra một không gian phiếm định (chữ của Lê Quốc Hán trong một bài viết về thơ Trần Thị Huyền Trang), một tâm trạng tiếc nuối, lo âu không rõ nguyên nhân. Tơ nhện bay giăng mơ hồ đến mức như có, như không. Dẫu thế, với tấm lòng tràn ngập yêu thương, thi nhân vẫn thấy đó là thứ tơ nhện dịu dàng, phơ phất, đẹp và không gây ra bất cứ một sự khó chịu nào cả. Tiếng Lanh lảnh bầy chim cũng không ở gần ta, mà từ xa xa vọng dội lại, báo cho ta về sự tồn tại của một bầy chim vẫn đang say mê sống cuộc đời của chúng. Trong ánh sáng yếu ớt của cái mùa hè rớt này, một chút sặc sỡ của màu hoa cuối mùa cũng đã làm ta cảm thấy lo âu. Có được chánh niệm về không thời gian, về tâm trạng của mình, ta thấy yêu thương cuộc sống này hơn:
Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng
Khe khẽ như không, dịu dàng, phơ phất
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu.

Sang đến khổ thơ thứ ba, ta cùng thi nhân rời bỏ luôn cả không gian phiếm định, mơ hồ nói trên để đi vào không gian của các kỷ niệm, không gian tâm thức. Những trận mưa rào đã từng có thực, nhưng đã tắt từ lâu. Nước của chúng vẫn còn đấy, nhưng đã thấm trong cánh đồng lặng sẫm. Ta hãy chú ý hai từ cuối: lặng (không còn sự chuyển động, hoặc chỉ có sự chuyển động nội tại yếu ớt) và sẫm (màu tối; có sự chuyển hoá đáng kể của ánh sáng ban ngày đã gặp trong hai đoạn thơ trên). Những trận mưa rào và cánh đồng đó là gì vậy, nếu không phải là những sự kiện tình cảm lớn mà ta đã trải qua và tâm hồn ta? Chìm đắm trong không gian của các kỷ niệm, ta cùng thi nhân bình tĩnh điểm lại những niềm hạnh phúc và những nỗi bất hạnh của đời mình:
Những trận mưa rào đã tắt từ lâu
Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm
Hạnh phúc ít hơn, khóc nhìn say đắm
Ghen tuông – dù chua chát cũng thưa hơn.
Khung cảnh trời đêm với Rừng lặng bóng sao mờsao sắp rụng vào đêm là rất thích hợp để thi nhân nói trực tiếp với cái mùa đại lượng (= rất độ lượng, rất từ bi) rất thân thương và với trời sao. Ta cùng thi nhân quán chiếu tính vô thường và tính tàn hoại của vạn pháp, cùng chia sẻ một tâm trạng tiếc nuối sâu sắc: 
Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương
Ta cảm nhận vì người sâu sắc quá!
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta cứ nhớ
Tình yêu đâu?… Rừng lặng bóng sao mờ
Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm
Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt
Nhưng chỉ mãi bây giờ ta mới biết
Yêu đương, giận hờn, tha thứ, chia tay…
Tôi được đọc bài thơ này lần đầu trong năm nay, và thấy rất thích. Tôi đem chia sẻ cảm nghĩ của mình với một người bạn gái. Nàng nói rằng đã được ai đó chép tặng bài thơ này từ thời còn là sinh viên đại học. Vì nàng thấy thích nhạc điệu và lời thơ, nên vẫn giữ mãi ấn tượng tốt đẹp về bài “Mùa hè rớt” này. Như vậy, chắc hẳn rằng bài thơ của Olga Berggolx – Bằng Việt đã ra đời trên 25 năm trước.
Chúng ta đã cùng chia sẻ với nhau một cách giải mã bài thơ “Mùa hè rớt” theo bản dịch tiếng Việt. Sẽ thật hay, nếu một ngày nào đó bạn hoặc tôi có điều kiện đối chiếu bản dịch của Bằng Việt với nguyên tác để thấy được cái chung/cái riêng của hai thi phẩm, và nhờ vậy mà biết thêm được cái hay của một bài thơ Nga – giả định rằng có những cái hay chưa được chuyển sang bản dịch.
(Nguyễn Đông Yên – viết ở Kaohsiung, Đài Loan, Chủ nhật 12/10/2008; sửa lại ngày 14/10/2008 và 30/07/2011)
.
GS. TSKH Nguyễn Đông Yên (tóc bạc) tham gia biểu tình sáng 12.6.2011
Thư gửi Nguyễn Xuân Diện: 
TS Nguyễn Xuân Diện thân quý, 

Tôi đã được đọc nhiều bài tường thuật, bình luận rất cảm động về 8 cuộc biểu tình yêu nước trên NXD blog và Bauxite blog. Cám ơn anh và các bác, các anh, các chị đã chụp ảnh, quay phim, viết bài để bày tỏ tấm lòng yêu nước mộc mạc của tất cả chúng ta. Cuộc biểu tình 24/07 đã tạo nên một hình ảnh đẹp đến ngỡ ngàng về đất nước này!

Cả dân tộc VN, đồng bào trong nước cũng như đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài, đã và đang là một khối thống nhất, có chung một lịch sử và một nền văn hóa. Tim chúng ta chùng xuống, mềm đi, và khắc khoải, mỗi khi giọng hát của Khánh Ly, Trần Tiến, Mỹ Linh, Quang Dũng, Trần Thu Hà, Cao Minh, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Thanh Thúy, Uyên Linh…, được cất lên. Chúng ta đã và đang học cách thương yêu nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước ta.

Ngày mai, vợ chồng tôi sẽ đến dự buổi uống cà phê ở Cafe 36b ĐBP để được gặp lại các bác, các anh, các chị nay đã trở nên thân quý như họ hàng ruột thịt.

Nhân ngày nghỉ cuối tuần, tôi gửi anh đọc một bài bình thơ để thư giãn.

Nếu anh có thể đưa bài bình thơ (hơi dài dòng) này lên blog của anh thì tôi xin đa tạ, và xin được coi đây là một chút chia sẻ tâm tình của tôi với bạn đọc blog NXD và với các chiến sĩ công an, an ninh, bộ đội đang ngày đêm bảo vệ lãnh thổ VN và bảo vệ cuộc sống hạnh phúc của đồng bào VN.

Chúc anh và tất cả bà con VN xa gần luôn mạnh khỏe, an lạc.
Nguyễn Đông Yên

GS Nguyễn Đông Yên và phu nhân bên những người anh em:

Từ phải sang: GS Nguyễn Đông Yên, Nhà văn Nguyên Bình (con gái cụ Vĩnh) và N.Văn Phương

Biểu tình sau khi ra khỏi đồn công an Mỹ Đình

GS Nguyễn Đông Yên nói với Phương: 
"Bác rất ngưỡng mộ cháu! Bác muốn chụp ảnh kỷ niệm với cháu"
(trong đồn công an Mỹ Đình)

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đông Yên và phu nhân






Giáo sư Nguyễn Đông Yên và Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Gốc Sậy)

15 nhận xét :

  1. 36B chứ không phải 32b đâu bác nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Chiều thứ bảy đọc thơ, tối thứ bảy tự ngâm, ôi một thứ bảy tuỵet vơi, Ngày Mai Chủ Nhật Cà-fê càng tuyệt vời tháng 7. Tháng 8 cách mạng mùa thu.
    Cám on NXD và các bậc nhân sĩ, tri thức đã cho tôimột hiên trà đằm thắm.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Đông Yên cho vài vần thơ phú cho đỡ mệt mỏi trong ngày nghỉ cuối tuần. Tiên sư thằng giặc Tàu ( tôi chửi giặc không phải chửi nhân dân Trung Quốc )làm bà con mình khổ. Ngư dân thì chết chóc, điêu đứng, bà con ta thì xuống đường hô hét khản cả cổ, các chú cảnh sát , an ninh thì mệt phờ râu trê để lo, lo và lo... Rồi thì nào là đạp, là đấm, là bắtlên xe bus, là giật cờ , xé cờ...Cãi nhau loạn xạ từ ngoài phố tới cơ quan, về nhà, lên gường ngủ chưa đủ, lại cãi nhau trên mạng... Và vẫn tiếp tục cãi nhau. Tất cả là do giặc Tàu. Dân ta khổ với nó 2 ngàn năm rồi mà vẫn tiếp tục khổ. Làm cách nào đây cho hết khổ bà con ơi??

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn Bác Yên về lời bình thắm thiết về một tâm hồn Nga qua bản dịch Bằng Việt. Theo yêu cầu của Bác, tôi xin giới thiệu bản tiếng Nga Бабье лето, tiếng Anh Indian summer và bản nhạc phổ theo thơ qua giọng ca tuyệt vời của Мария Пахоменко.
    Xin kính mời khách trà nhâm nhi thưởng thức.
    HL

    Trả lờiXóa
  5. tại đây
    http://gocsan.blogspot.com/2011/07/mua-he-rot-olga-berggolx.html

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn bác Hoàng Lan! Giọng ca thật tuyệt vời!
    Làm cả chiều nay...bâng khuâng ...bâng khuâng

    Trả lờiXóa
  7. Бабье лето dùng để chỉ những ngày mùa thu nhưng trời đột nhiên nắng đẹp trở lại, khiến cho tâm hồn con người bỗng nhiên thấy ấm áp, rạo rực và hân hoan, phải không các Bác.
    Rất tiếc HL ở xa nên không thể đến cà-phê cùng các bác. Nhớ để cho HL một chút hương vị cà-phê Hè rớt nhé.
    Cám ơn nhiều.

    TB:
    rồi mới có không khí thư giãn như hôm nay. Ước gì Tổ Quốc mãi mãi thanh bình để ĐTQ không phải làm những bài thơ nộ khí mà quay về với trời xanh biển xanh, tà áo xanh, nốt nhạc xanh. Ôi ước gì!

    Trả lờiXóa
  8. Vào đọc thơ nghe nhạc hay hay. Lang thang thấy bài này cũng hay hay.
    http://gocsan.blogspot.com/2011/07/patriotism-is-matter-of-date-ai-quoc-la.html

    Trả lờiXóa
  9. Nếu được nghe bác nào bình bài NHÌN TỪ XA TỔ QUỐC của nhà thơ Nguyễn Duy không nhỉ . Bài này đã hơn 20 năm mà vẫn đầy tính thời sự
    mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
    ma cụt đầu phục kích cửa nhà quan

    Trả lờiXóa
  10. Anh Đông Yên ơi ! Em còn mê một bài Thơ của Onga Becgon mà không thấy Anh nhắc ở đây ! Bài CHỈ CÓ MỘT LẦN THÔI
    Chỉ có một lần thôi
    Anh hỏi em im lặng
    Thế mà em hờn giận
    Để chúng mình xa nhau
    Biết đi đâu về đâu ?
    Con thuyền không Bến đợi
    Ơi cây xanh tình đời
    Có nghe lời tôi gọi ?
    Chỉ một lần chót dại
    Mà hoá thành chia phôi
    Chỉ có một lần thôi !
    Anh hỏi em im lặng ?
    Ngày Mai tôi cũng muốn đến Cà phê để gặp những người vô cùng thân quen mà tôi mới được gặp trên NXD blog !
    ....................

    Trả lờiXóa
  11. Ta nghen tỵ với thằng cu Phương này quá...nhìn vậy mà nó oai , sướng ghê toàn được mấy người tên tuổi quý mến grummmmmm

    Trả lờiXóa
  12. Cám ơn vị giáo sư toán học lại có tâm hồn như vậy.
    Bài mùa hè rớt của Olga Berggolx công nhận là hay. Cám ơn giáo sư đem đến cho mọi người niềm bâng khuâng rạo rực,

    Trả lờiXóa
  13. Rất phục GS.TS. Đông Yên bên Tự nhiên mà lai láng tâm hồn thơ. Đây là bài thơ nổi tiếng của nữ thi sĩ Nga được dịch cũng bởi một nhà thơ nổi tiếng của VN. Chúng tôi, những người yêu văn chương thời sinh viên đều khá thuộc bài thơ này.

    Tuy nhiên,theo tôi, có một số câu thơ chưa chính xác:

    Sắc nắng êm ru, màu trời không chói
    ....
    Cứ ngỡ ngàng như độ mới vào xuân.

    Hạnh phúc ít hơn, khóe nhìn say đắm

    ....
    Ôi cái mùa độ lượng rất thân thương
    Ta tiếp nhận vì người sâu sắc quá!
    Nhưng ta nhớ ... Trời ơi, ta vẫn nhớ
    Tình yêu đầu...Rừng lặng...Bóng sao im

    Sao ơi sao, sao sắp lặn vào đêm
    Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt
    Nhưng chỉ mãi bây giờ ta mới biết
    Yêu thương, giận hờn, tha thứ, chia tay…

    Kẻ hậu sinh xin chép lại hầu tiên sinh.

    Kính.

    Trả lờiXóa
  14. tôi là người Hà Nội. xin đề nghị lập quỹ để giúp đỡ gia đình các liệt sĩ Hoàng Sa Trường Sa hiện gặp khó khăn (bác Quang A, bác Diện điều hành hoặc tìm người điều hành, công bố thu chi trên web), hoặc các bác sưu tầm giúp địa chỉ của thân nhân gần nhất của các liệt sĩ đó, để qua Quỹ, hoặc gửi trực tiếp qua bưu điện, chúng ta có thể hỗ trợ vật chất tinh thần cho họ. Trước hết có thể cho biết địa chỉ của bà quả phụ Ngụy Văn Thà,rồi nhờ bà/con gái bà hoặc các nguồn khác tìm địa chỉ các liệt sĩ khác. Do hoàn cảnh lịch sử, nên gần 40 năm họ không được vinh danh, hỗ trợ. Không rõ 3 con gái của liệt sĩ Thà sống thế nào. Bây giờ lòng dân đã vinh danh, các vị trong Nhà nước trong thâm tâm hẳn cũng trân trọng. các liệt si Trường Sa cũng đã gần 1/4 thế kỷ phải chịu cảnh lặng lẽ. Chính phủ tế nhị chưa hỗ trợ được cho họ, thì ta là người dân, ta sẽ dùng chút tiền mọn biếu họ thể hiện lòng tôn kính với liệt sĩ Hoàng Sa, Trường Sa.

    Trả lờiXóa
  15. Ngọc Dũng (Sài Gòn)lúc 11:38 31 tháng 7, 2011

    Bài thơ bị chép sai nhiều chỗ TS.Diện ạ. Xin phép anh được đính chính chút :

    - ‘Mùa hè rớt cho lòng người yếu đuối’ chứ không phải là ‘mùa hè rớt cho những người yếu đuối’.

    ‘Hạnh phúc – ít hơn, khóc nhìn say đắm
    Ghen tuông – dù chua chát cũng thưa hơn’
    Hai câu thơ trên vô nghĩa và ngô nghê bởi cái dấu phảy, gạch ngang và chữ ‘khóc’. Bản mà Bằng Việt dịch là :

    'Hạnh phúc ít hơn khóe nhìn say đắm
    Ghen tuông dù chua chát cũng thưa hơn'

    Tiếp theo, đoạn sau cũng bị chép sai :
    'Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương
    Ta cảm nhận vì người sâu sắc quá!
    Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta cứ nhớ
    Tình yêu đâu?… Rừng lặng bóng sao mờ'

    'mùa độ lượng’ chứ không phải là ‘mùa đại lượng’.
    ‘ta vẫn nhớ’ chứ không phải ‘ta cứ nhớ’
    ‘Rừng lặng bóng sao im’ chứ không phải ‘rừng lặng bóng sao mờ’

    Đoạn thơ trên, theo Bằng Việt là :
    'Ôi cái mùa độ lượng rất thân thương
    Ta cảm nhận vì người sâu sắc quá!
    Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta vẫn nhớ
    Tình yêu đâu?… Rừng lặng bóng sao im'

    Đính chính để trả bài thơ về nguyên bản (dịch)và làm bạn đọc yêu bài thơ hơn. Có gì không phải xin được lượng thứ.

    Trả lờiXóa