Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

BBC ĐƯA TIN VỀ VIỆC YÊU CẦU BỘ NGOẠI GIAO BẠCH HÓA THÔNG TIN

Yêu cầu thêm thông tin về quan hệ với TQ

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội
Một nhóm nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam vừa gửi kiến nghị lên Bộ Ngoại giao yêu cầu 'cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ với Trung Quốc'.

Cũng những người này một tuần trước đó đã ký tên vào bản Tuyên cáo về 'các hành động gây hấn của Trung Quốc' ở Biển Đông.

Bản tuyên cáo khởi xướng ngày 25/06 hiện đã có hàng nghìn người hưởng ứng, nhưng chưa nhận được phản hồi từ các cấp chính quyền.

Kiến nghị sau đó ký ngày 02/07 và được chuyển tới Bộ Ngoại giao hôm 04/07 nói về cuộc gặp giữa lãnh đạo bộ này với phía Trung Quốc.

Hôm 25/06, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn - đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam - đã có cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc về tình hình Biển Đông.

Trước đó ông Sơn cũng có hội đàm về chủ đề Biển Đông với người đồng nhiệm Trung Quốc Trương Chí Quân. Hai bên thống nhất đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc".

Kiến nghị của các trí thức viết "theo các thông tin báo chí, chúng tôi được biết" về các cuộc gặp trên, cũng như tường thuật của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) về hai cuộc gặp.

"Những thông tin trên chúng tôi không thấy đăng trên báo chí của Việt Nam."

Công khai trước dư luận

Các nhân sỹ trí thức yêu cầu Bộ Ngoại giao xác nhận tính chính xác của thông tin mà Tân Hoa Xã đưa ra, nếu không đúng "yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi".

Họ cũng kiến nghị bộ này giải thích quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi người đồng nhiệm Trung Quốc năm 1958 về chủ quyền ở Biển Đông.

Bản kiến nghị còn yêu cầu cung cấp "thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc" hôm 25/06.

Chủ đề Biển Đông đang được người dân Việt Nam quan tâm một cách đặc biệt. Đã có 5 cuộc biểu tình phản đối chính sách của Trung Quốc ở Hà Nội, và hai lần biểu tình tại TP Hồ Chí Minh.

Báo chí Việt Nam cũng không nói gì về các cuộc biểu tình này.

Đề cập tới các cuộc gặp của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn tại Bắc Kinh, Thông tấn xã Việt Nam không nói có bất cứ văn bản thỏa thuận nào đã được thống nhất.

Tuy nhiên, bản tường thuật sơ sài đã khiến không ít người ở Việt Nam lo lắng về khả năng có thể hai bên, nhất là các lãnh đạo Đảng, đã đạt một "thỏa thuận ngầm" nào đó.


1 nhận xét :

  1. Hèn quá.Chúng ta đang ở thế chính nghĩa và được thế giới ủng hộ mà! Việc gì phải hấp tấp, sợ sệt như gà phải cáo vậy? Có gì mờ ám chăng?

    Trả lờiXóa