Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

ÔNG SÁU DÂN DẠY TÔI NGHỀ VIẾT BÁO!

Tô Văn Trường 

Thấm thoát đã 3 năm, kể từ ngày Ông Sáu Dân đi xa. Cũng trong thời gian ấy, nghe theo lời dạy của Ông, tôi mạnh dạn tiếp tục viết  khoảng gần trăm  bài báo được anh em, bạn bè, bạn đọc chú ý và ủng hộ. Chắc chắn tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp (nhà báo có cái nghiệp phải mang), mà chỉ là người làm công tác khoa học  thích viết báo, nhưng cũng đã đủ say sưa, tỉnh táo và can đảm  để nói lên những điều tâm huyết của mình và của  người dân. Nhân ngày giỗ Ông Sáu, thắp nén hương thành kính, tưởng nhớ đến Ông là con người đến từ dân, song luôn ở trong dân, dẫu đã đi về cõi vình hằng. Viết đến đây, tôi lại nhớ lời Ông dạy ngày nào:“Đừng bao giờ nản chí, nghề viết không dễ, để viết cho đúng, cho trúng không chỉ có tâm hồn nghệ sĩ mà trước hết  phải có tinh thần chiến sĩ”.

Trước kia, tôi đã từng nghe người ta nói: “Làm báo là làm nghệ thuật và nhà báo phải là nghệ sĩ”. Từ khi còn rất trẻ, là học sinh phổ thông, là sinh viên, tôi đã thích viết báo tường ở lớp, ở khoa.  Khi đã trưởng thành làm cái nghề khoa học kỹ thuật khô khan, tôi càng ham “ viết lách” không phải để trở thành nghệ sĩ mà chỉ muốn trải lòng mình với mọi người vì thấy có quá nhiều điều muốn nói. Nhưng chỉ đến khi được gặp và gần gũi  Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tên gọi thân mật là Sáu Dân), tôi mới ngộ ra rằng viết báo không phải dễ, muốn làm được như một nhà báo chân chính, thực sự  là một công việc “đội đá, vá trời”! Nhưng cũng chính Ông Sáu Dân đã  quan tâm, động viên cho tôi viết chỉ có điều Ông luôn căn dặn :”Viết báo không chỉ cần có tâm hồn nghệ sĩ, mà trước hết phải có gan của người chiến sĩ cầm súng ra chiến trường nghĩa là phải luôn chiến đấu cho sự thật và tôn trọng, phản ánh sự thật”.   

Có thể nói Ông Sáu chính là người thầy, người chỉ dẫn cho tôi, thổi ngọn lửa nhiệt huyết và trách nhiệm của người cầm bút.  “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” dậy nửa chữ cũng là thầy. Tuy  Ông không dạy tôi con chữ nhưng cao hơn  tất cả, Ông dạy tôi làm người.

Tôi  nhớ có lần nhà báo Lục Tùng thường trú ở đồng bằng sông Cửu Long , cùng với một đồng nghiệp từ Cần Thơ về Vĩnh Long phỏng vấn Ông Sáu để làm bài  kết luận cho Diễn đàn liên quan đến chủ đề “Bờ bao và cây lúa” đăng trên báo Lao Động.  Mặc dù bản thảo bài phỏng vấn khá công phu nhưng khi về thành phố Hồ Chí Minh, Ông Sáu vẫn tiếp tục suy nghĩ, tự tay viết bổ sung đầy 2 trang (bằng bút  bis chữ màu đỏ) chuyển lại cho tôi để tổng hợp thành một bài viết hoàn chỉnh theo ý của Ông.  Nhờ có bộ óc thông tuệ, am hiểu thực tiễn, có nhãn quan chính trị, tầm nhìn xa, nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn của Ông Sáu đối với báo chí ở trong và ngoài nước  rất tâm huyết, thực sự thổi “lửa” vào cuộc sống.

Trung tuần  tháng 11 năm 2007, nhân sắp đến sinh nhật lần thứ 85 của Ông Sáu (23/11/1922 - 23/11/2007)  nhà báo Lê Phú Khải đến chỗ tôi làm việc “rủ rê” cùng đến thăm Ông Sáu. Lúc ấy, tôi đang  bận thu xếp  công việc ở cơ quan để ngày hôm sau cùng GS Võ Tòng Xuân và Kỹ sư Đặng Minh Sơn Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư và xây dựng quốc tế (ICIC)  đi Sierra Leone để  thảo luận với các quan chức của chính phủ về chương trình an ninh lương thực và  giúp nước bạn trồng lúa, làm thủy lợi thí điểm ở vùng  Mange Brureh cho nên chỉ kịp trao đổi tóm tắt với Anh Khải một số ý kiến hiểu biết của mình về Ông Sáu. Khi từ  Tây Phi trở về, được đọc bài  báo “Phong độ, bản lĩnh và sáng tạo” của nhà báo Lê Phú Khải viết vê Ông Sáu Dân, đăng trên báo Sài gòn giải phóng ngày 23/11/2007, tôi nhớ nhất câu đối mừng thọ đồng chí Võ Văn Kiệt:

“Áo vải cờ đào, thuở thanh xuân là anh hùng đi cứu nước
Giấy trắng mực đen, tuổi tám lăm thành hào Kiệt của Dân”

Theo một số anh em có điều kiện nhiều năm làm việc với Ông Sáu Dân, tóm tắt trong Ông có mười con người, lần lượt xuất hiện, con người sau không loại bỏ con người trước, đến tuổi trung niên của Ông Sáu Dân thì hội tụ đủ cả  mười con người, hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau và tôn nhau lên. Mười con người ấy là: (1) Con người dân nghèo, làm việc lam lũ và thất học từ nhỏ; (2) Con người Nam bộ đất Vĩnh Long; (3) Con người yêu nước đến với cách mạng như đến một cuộc hẹn gặp; (4) Con người tự làm ra mình; (5) Con người trong dân, của dân, do dân, vì dân, từ cấp cơ sở lên cấp quốc gia và quốc tế, qua các nấc thang, từ miền Nam đến khắp nơi trong cả nước, từ chiến tranh đến hòa bình, trải qua các cương vị, các dạng hoạt động, các vùng miền, các thời kỳ lịch sử; (6)  Con người trí thức; (7) Con người chính khách; (8) Con người nghệ sĩ, yêu cái đẹp, thưởng thức cái đẹp, làm ra cái đẹp theo cách của mình; (9) Con người chiến sĩ, thách đấu không ngừng nghỉ, mạnh dạn sáng tạo như hít thở để sống, đồng thời tuân thủ và đòi hỏi kỷ luật nghiêm minh; (10) Con người thật người, rất người, yêu sống say mê, mãnh liệt, với những ưu điểm người và khiếm khuyết người.
Một số đồng nghiệp, bạn bè của tôi khi thảo luận về 10 con người trong Ông Sáu Dân, họ nhìn nhận, đánh giá tùy theo góc đứng, cách nhìn của mỗi người nhưng đều có điểm chung là kính trọng, ngưỡng mộ vị Thủ tướng của nhân dân. Nếu trong 10 con người Sáu Dân trên đây, cần chọn 1, cho ngắn gọn, tuy không đầy đủ, thì tôi chọn con người thứ 5.  
Theo chúng tôi hiểu,  Ông  Sáu Dân là con người của lý trí sáng suốt, đồng thời là con người của tình nghĩa đồng bào, đồng chí giữa những người Việt Nam, tình nghĩa con người giữa những con người với nhau. Tình nghĩa chân thực, vững bền, đậm đà, thắm thiết. Tình nghĩa với từng cộng đồng người, và tình nghĩa với từng người, kể cả với những người chỉ cùng gặp gỡ, cùng làm việc, cùng chung sống một thời gian ngắn.  Trong tình nghĩa con người với nhau, Ông Sáu  là người biết dâng đi, mà cũng biết nhận về.  Ông ghi nhớ, trân trọng, cảm kích từng tình nghĩa mà mình nhận được.

Trong công việc, khi ở cấp địa phương cũng như khi ở cấp quốc gia, Ông  Sáu rất coi trọng xác định quan điểm và phương hướng hoạt động trong từng lĩnh vực, từng loại việc, song không quá thiên về quan điểm và phương hướng, mà luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những phương pháp, những cách thức hoạt động thiết thực, cụ thể. Nhiều anh em đã gọi Ông Sáu Dân là  “con người của phương pháp", phương pháp ấy nẩy sinh chủ yếu từ trong dân, trong việc Ông Sáu Dân sống trong dân, cùng dân, học tập và phát huy dân.

Ông Sáu là người có tầm nhìn, tư duy sâu sắc, mạnh mẽ  để lại nhiều dấu ấn trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước. Kể cả khi được quyền nghỉ ngơi, Ông vẫn không ngừng tư duy, trăn trở làm sao để đất nước phát triển giầu mạnh, người dân được thực sự tự do, sung sướng. Ông không có bằng cấp học vị nhưng rất thông tuệ nhờ chịu khó tự học, ham đọc sách, học ở trường đời, và biết trọng dụng người tài. Ông học từ thực tế qua công việc từ nguyên thủ quốc gia của các nước đến những buổi trò chuyện, đối thoại với các nhà khoa học, người dân, lắng nghe, suy nghĩ, kiểm nghiệm, sáng tạo để tạo thành trí thức của riêng mình. Từ những việc tưởng chừng rất nhỏ, Ông nhìn ra những việc trọng đại lớn lao của đất nước, của dân tộc. Năm tháng trôi qua, lịch sử ngày càng chứng minh các đề xuất, kiến nghị của Ông luôn đi trước thời đại và được thực tế  minh chứng.

Nhớ tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhớ tới nhân cách của ông. Có thể nói Ông là người lãnh đạo tiên phong suy nghĩ nói và viết về nỗi đau chiến tranh, về sự cần thiết phải hàn gắn nỗi đau đó cho người dân ở cả 2 chiến tuyến. Chính vì tấm lòng nhân văn đó mà người dân càng yêu mến, kính trọng Ông.  Phải là người có tầm nhìn, một nhân cách lớn như Ông  mới hiểu được thấu đáo hai chữ Hiếu Dân và ý nghĩa của hòa giải dân tộc. 

Phẩm chất của người lãnh đạo ở Ông còn thể hiện từ việc chỉ đạo thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông luôn quan tâm đi thực tế kiểm tra để  cập nhật, đối chiếu với nhu cầu đòi hỏi của thực tế và sẵn sàng điều chỉnh, bổ sung  các quyết định vì quyền lợi của người dân. Tầm vóc, nhân cách, sự sáng suốt, quyết đoán., dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Ông đã được nhiều người nhắc đến trong các cuốn sách và bài báo viết về Ông.

Mặc dù là người vào sinh, ra tử, hào quang của quá khứ rất đỗi tự hào, có vị thế được nể trọng trong xã hội nhưng Võ Văn Kiệt, luôn sống và hành động vì tương lai của đất nước, của dân tộc. Nhiều băn khoăn, trăn trở, tâm huyết cuối đời của Ông là suy nghĩ để góp ý với đại hội Đảng lần thứ XI, vai trò trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ đủ mạnh để lãnh đạo đất nước phát triển bền vững. Ông quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các thành phần kinh tế. Một trong những nghiên cứu ấp ủ của Ông  là phát triển tổng hợp Vịnh Cam Ranh thành khu kinh tế hùng mạnh, hỗ trợ cho chiến lược tiến ra biển, không phải chỉ đứng trước biển. Ông chia sẻ, day dứt về cuộc sống của người dân vẫn còn nghèo khó lại luôn phải hứng chịu trước các hiểm họa, của thiên tai nhất là bão lũ, hạn hán. 

Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, Ông  là tấm gương về một nhà lãnh đạo dân chủ,  luôn chân thành học hỏi từ nhân dân, từ giới trí thức tất cả để phục vụ Dân, phục vụ Nước với hàng loạt những quyết sách hệ trọng còn để lại vai trò và dấu ấn sâu đậm cho đến ngày nay. Liên hệ đến thực tế, chúng tôi hiểu để đất nước ổn định và phát triển thì người lãnh đạo thời nào cũng phải biết tin yêu, lắng nghe, kính trọng dân, phục vụ lợi ích của dân, tôn trọng các quyền của dân và phát huy các nguồn lực của dân.

Nhân kỷ niệm 49 ngày Ông Sáu đi xa, tôi viết bài “Lỡ chuyến đi xa” đăng trên báo Sài gòn giải phóng.  Kỷ niệm ngày giỗ đầu tiên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi trải lòng mình qua bài “Nhịp đập của một trái tim lớn” đăng trên VNN và Tuần VN.

Xin mượn mấy câu thơ của Anh Bẩy Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang  viết về Ông Sáu Dân để kết luận cho bài viết này: 
"Vẫn là Thủ Tướng của nhân dân
Là Anh Sáu của mọi gia đình
Lồng lộng bóng soi miền sông nước
Đời nặng ân tình đất nặng chân" 
Mời đọc thêm:
LỠ MỘT CHUYẾN ĐI XA
Tô Văn Trường 

Trong thời gian tang lễ, các bài viết về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân)  tràn  ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng cả trong và ngoài nước. Nhiều bài viết sâu sắc, chân tình làm người đọc rất xúc động. Chúng tôi rất quan tâm đến bài báo tựa đề “Buổi làm việc cuối cùng” của nhà báo Huy Đức với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đăng trên báo Sài gòn giải phóng ngày 15/6, trong đó có đoạn: ”Từ hơn 2 năm trước, mẩu tin ngắn “Dải băng lớn nhất ở Bắc cực đang tan ra” đã làm ông chú ý. Chính ông cho cắt mẩu tin ấy, chuyển cho TS Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam. Ông cũng đọc rất kỹ những cảnh báo của Liên hiệp quốc về khả năng nước biển dâng cao mà Việt Nam là một trong những quốc gia có thể chịu nhiều ảnh hưởng. Ông dự định sẽ đi Hà Lan, như một thường dân cùng với một nhóm chuyên gia thân cận. Chuyến đi vừa để nghiên cứu kinh nghiệm làm đê biển của Hà Lan, quốc gia sống trong điều kiện đất đai thấp hơn mực nước biển, vừa muốn nhắc nhở Việt Nam không thể chậm trễ hơn, nghiên cứu ảnh hưởng của hiện tượng này và có giải pháp chuẩn bị sớm. Chuyến đi Hà Lan ông đã chuẩn bị khá lâu và tới lúc đó thì ông và các thành viên trong đoàn đã đặt vé…để rồi không bao giờ thực hiện được chuyến đi mà ông từng ấp ủ ấy”. 

Đọc bài báo nói trên, tôi chợt nhớ, tìm lại trong quyển sổ thấy mẩu tin nhỏ xíu chỉ bằng 3 ngón tay, do ông Sáu đích thân đưa cho tôi vào cuối tháng 9 năm 2003. Trong bộ óc thông tuệ của ông chứa đựng biết bao những thông tin, tư liệu của cuộc sống nhưng vẫn không quên cả những việc tưởng chừng như rất nhỏ, đã lâu. Chính từ những việc nho nhỏ đó, ông đã suy tư và nhìn ra những việc trọng đại, lớn lao của đất nước, của dân tộc.

Kể từ khi về nước nhận nhiệm vụ, thấm thoát đã 12 năm, tôi may mắn được thường xuyên làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của ông Sáu. Ngoài tầm vóc của một trong những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, tôi nhận được ở  ông tình cảm của người cha, người chú, người thầy, người bạn lớn. Những ngày đầu, ở văn phòng cũng như khi đi khảo sát thực địa, ông thường quan tâm thảo luận các đề tài liên quan đến thuỷ lợi, nông nghiệp, thuỷ điện, giao thông, giáo dục. Tôi vẫn nhớ sau chuyến đi dự lễ khánh thành nhà máy xi măng Sao Mai trở về thành phố vào mùa mưa năm 1998, ngồi trên máy bay trực thăng, ông trao đổi, giảng giải chân tình và hướng dẫn tôi suy nghĩ sang nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội của đất nước. Chính nhờ ông, tôi được đọc nhiều, đi nhiều, viết nhiều…hiểu được phần nào những trăn trở, suy tư của ông về đất nước, con người. 

Ông Sáu mất đi, nhiều người hụt hẫng, trống vắng, riêng tôi còn day dứt, ân hận vì  chính mình đã làm lỡ ước vọng cuối cùng chuyến đi thăm Hà Lan của ông. Ông thường đề cập đất nước Hà Lan tuy nhỏ bé, ngay từ thế kỷ 17 đã phồn vinh nhờ lòng dũng cảm, kiên cường đầy mưu mẹo trong chiến đấu chống ngoại xâm (Tây Ban Nha rồi đến Anh-Pháp) cũng như xây dựng đất nước. Nhiều lần, ông bàn cùng đi Hà Lan, để khảo sát tình hình của đất nước có diện tích, dân số, điều kiện tự nhiên tương tự như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)  nhưng vì sao GDP của họ gấp hơn ta đến 40 lần !?. Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Nam bộ, ông hiểu sâu sắc về tiềm năng và các trở ngại trên con đường phát triển kinh tế xã hội ở ĐBSCL. Chỉ cần cơn bão vừa, hay một trận lũ lớn như năm 2000 cũng đã gây nên biết bao thảm cảnh, thiệt hại về kinh tế và tổn thất lớn về nhân mạng. Trực tiếp xem phim về quá trình hình thành hệ thống đê biển, cống, âu thuyền của Hà Lan, nghiên cứu tài liệu, thấy rõ sự tác hại ngày càng khốc liệt, không thể lường trước của bão lụt, mực nước biển dâng, ông càng nung nấu ý định đi Hà Lan để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phòng chống thiên tai. Trước đại hội Đảng lần thứ X, ông bị cơn bạo bệnh phải nằm viện suốt 2 tuần lễ. Chỉ vì lo lắng về sức khoẻ của người tuổi đã cao, khi bay xa hàng vạn km, dù có bác sĩ đi theo nhưng mọi việc khó lường nên mỗi lần ông nhắc đến chuyến đi, tôi đều bàn lùi với đủ các lý do khác nhau. 
.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang thảo luận chiến lược phát triển tài nguyên nước với Ủy viên Bộ Chính trị Trương Tấn Sang (ngồi giữa) và tác giả (bên phải)

Những năm gần đây, linh cảm quỹ thời gian còn lại không nhiều nên ông hối hả làm việc, hết vào Nam, lại ra Bắc (riêng những ngày lễ tết, sinh nhật, để tránh ồn ào, ông thường lặng lẽ về quê). Năm 2007, đi khảo sát tình hình bão lũ, cứu trợ ở miền trung, miệt mài đến nỗi sau này ông cứ áy náy mãi vì lỡ mất cả cuộc hẹn với cựu Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun.  Gần đây, thấy bão lụt diễn ra trên thế giới ngày càng khốc liệt, lo cho dân, cho nước, ông lại nhớ về Hà Lan, để rồi cuối cùng chuyến đi được ấn định sẽ xuất phát vào 23 giờ 5 phút đêm 2/6/2008 của Việt Nam Airline từ Tân Sơn Nhất. Theo chương trình, bay đến Paris mất 12 tiếng, rồi trung chuyển qua Hà Lan. Tôi được biết nhiều vị lãnh đạo cấp cao rất quan tâm và lo lắng về sức khoẻ của ông  nhưng ông nhất quyết đi với thành phần thật gọn nhẹ, sao cho ít tốn kém và hiệu quả. Trong kế hoạch, khoảng 12 giờ 30 trưa 3/6 đoàn đến khách sạn ở  thủ đô Hà Lan, thì ngay 3 giờ chiều cùng ngày đã đi thực địa…Đau đớn thay, ước vọng cuối đời của một con người luôn vì dân, vì nước, không biết nghĩ đến bản thân mình lại dở dang không bao giờ thực hiện được.

Những ngày tang lễ, tôi không còn tâm trí và can đảm để viết về ông Sáu vì chỉ mới được vài hàng chữ thì mắt đã ướt nhoè và cổ họng như nghẹn lại. Hôm nay, tương đối tĩnh tâm, tôi muốn ghi lại những kỷ niệm, nhất là về chuyến đi dở dang cuối cùng của ông.  

Ngày 1/6/2008, thư ký của ông gọi điện nói với tôi: ”Chú bị ho, các bác sỹ điều trị ở bệnh viện Thống Nhất chẩn đoán bị viêm phổi, nên phải  điều trị ít ngày cho khoẻ hẳn. Chú nhắn anh, tối mai  cứ bay trước đi Hà Lan…” Không an tâm, khoảng 10 phút sau, tôi gọi lại, dự định hoãn vé để chờ ông cùng đi, thì được thư ký báo lại “ Chú vẫn khoẻ, anh an tâm, mùng 7/6 chú sẽ sang Pháp kiểm tra sức khoẻ sẽ báo để anh biết kế hoạch cùng làm việc ở Hà Lan. Trong trường hợp không sang kịp, chú nhắn anh cứ tiến hành công việc như đã bàn rồi khi về nước hai thầy trò sẽ thảo luận kỹ hơn…” 

Ngày 4/6, ở nhà điện sang Hà Lan báo cho tôi biết ông Sáu đã sang Singapore, rồi sẽ đi Pháp, Hà Lan. Mùng 7/6 từ Hà Lan, tôi gửi email cho ông, nào đâu có biết lúc đó ông đang hôn mê vì lá phổi bên phải bị tổn thương khá nặng, tim, thận đều bị ảnh hưởng phải thở máy và dùng máy lọc thận ở nơi đất khách, quê người. Sáng ngày 11/6 đang công tác ở Born (Đức), vợ tôi từ Việt Nam hốt hoảng, nghẹn ngào, báo tin: “Chú Sáu vừa mới mất ở Singapore, đến trưa hôm nay sẽ đưa di hài chú về TP. Hồ Chí Minh…”  Cả hai đầu dây đều nức nở, rồi chết lặng vì không tin được dù đó là sự thật. Tôi vội vàng kết thúc các chương trình làm việc ở Đức để về viếng chú. Sáng ngày 13/6, vừa về tới sân bay, tôi đến ngay Bệnh viện Thống Nhất, lúc đó rất đông người. Nhờ có người cận vệ của ông Sáu đã chờ sẵn, dẫn tôi đi lối riêng vào viếng trước khi làm lễ nhập quan. Nhìn thi hài nằm bất động như khi đang ngủ, tôi chỉ còn biết nắm chặt bàn tay của ông, khóc như vỡ tung bao nỗi tức tưởi, ấm ức trong lòng và lần đầu tiên trong đời tôi gọi chú xưng con:”Chú Sáu ơi! Con đã về đây, con đợi và mong chú hoài, sao chú lại ra đi đột ngột thế này! Còn biết bao dự định, biết bao tâm sự …chú ơi!”  Thật xót xa, được biết những ngày nằm viện Thống Nhất, ông vẫn đọc và nghiên cứu các tài liệu. Đến ngày 30/5 ông còn bảo mọi người chuẩn bị thu xếp hành lý đến trưa 1/6 về nhà, để tối 2/6 đi Hà Lan. Trưa ngày 13/6 tại Dinh Thống Nhất, gặp anh Ba (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) và Hiếu Dân lại nhắc về chuyến đi Hà Lan của ông Sáu, lòng tôi càng tê tái và thầm xin ông tha thứ cho tôi. 

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, có rất nhiều bài viết tiếc thương, đánh giá công lao to lớn của ông Sáu đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Các chuyện kể, kỷ niệm về ông từ trong kháng chiến vào sinh, ra tử, bị tù đầy, vợ con ruột thịt, người thân hy sinh trong chiến tranh đến thời kỳ đầy khó khăn, trở ngại khi xây dựng đất nước lại càng kính phục, tiếc thương biết bao về bản lãnh và tư duy vượt thời đại của một con Người suốt đời sống vì dân và thực sự được lòng dân. Không phải ngẫu nhiên, Võ Văn Kiệt lấy bí danh là Sáu Dân, đặt tên con gái yêu quý là Hiếu Dân  mà ngay cả một số bài báo cũng lấy tên là Trọng Dân. Tên tuổi và sự nghiệp của Võ Văn Kiệt đã đi vào lịch sử cận đại. Có những điều ông nói, ông viết phải đến nhiều năm sau mới thấu hiểu được lẽ đời ấy. Có một sự thật ít người nói ra, không phải chỉ khi nghỉ hưu ông mới mạnh dạn góp ý với Đảng và Nhà nước. Lịch sử không  bao giờ có 2 từ “giá như” nhưng tôi vẫn ước ao, đến ngày nào đó, được phép tập hợp công bố tất cả các bài viết, những bức thư công tác của ông Sáu gửi Bộ chính trị, Ban bí thư, thường trực chính phủ và số vị lãnh đạo kể từ sau khi đất nước thống nhất (1975) đến 5/2008 để người dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ một cách có hệ thống về tầm vóc của một bộ óc vĩ đại, nhà tư tưởng chiến lược nhìn xa, trông rộng, ý chí tiến công, quyết đoán, luôn thể hiện bản lãnh của một người cộng sản chân chính suốt đời sống và làm việc vì dân, lo cho dân, cho nước.

Trong phạm vi bài viết này, xin kể lại vài mẩu chuyện về tính cách đặc trưng cho phẩm chất Võ Văn Kiệt. Khi còn công tác bí thư thành ủy TP.HCM đến khi làm Thủ tướng, cố vấn hay lúc đã nghỉ hưu ông luôn biết lắng nghe, phân tích các ý kiến trái chiều, biết chấp nhận cả những ý kiến phê bình. Ông thường bảo những vấn đề hệ trọng của đất nước cần phải phát huy trí tuệ của tập thể, thận trọng cân nhắc, không được áp đặt và luôn biết đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên tất cả. Cuộc sống là “bài toán động” nên nhiều khi phải biết nhìn lại mình cho rõ hơn. Khi thảo luận, có những ý kiến khác nhau đó là lẽ tự nhiên của quy luật phát triển, là hồng phúc của đất nước biết tôn trọng dân chủ. Phải thực sự cầu thị, tôn trọng công tác phản biện mới đi đến sự đồng thuận cao và khi đã quyết rồi thì không bàn ngang phải sắn tay làm quyết liệt.

Câu chuyện về đường dây 500 KV cả nước ai cũng biết rất thành công và ca ngợi đó là công lao, dấu ấn của Võ Văn Kiệt nhưng ông bảo đó là công lao của cả tập thể, của Tổng bí thư Đỗ Mười luôn ủng hộ, thúc dục, thì mới có được như ngày nay. Sau khi khánh thành đường dây 500 KV, ông không quên người vừa có công vừa có lỗi nên đã mang huy hiệu và chai rượu vào nhà giam thăm Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải. Tôi được biết, khi ông  Ung Văn Khiêm bị kỷ luật, thời xa xưa ấy, nhiều người sợ vạ lây, xa lánh. Mặc dù một số người thân cận lo lắng, can ngăn nhưng ông vẫn công khai đến thăm vì ông cho rằng người làm cách mạng quan điểm phát triển đất nước có thể  khác nhau nhưng tình người, tình đồng chí không thể bỏ rơi đồng đội khi hoạn nạn. Đấy chính là tính cách rất sòng phẳng và nhân ái của Võ Văn Kiệt.

Bình thường hoá quan hệ với các nước, nghe tưởng như rất đơn giản, thực ra rất phức tạp, có những cơ hội do nhiều nguyên nhân chúng ta đã bỏ lỡ... Ngay chuyện Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, lúc đó ở cấp cao vẫn còn ý kiến khác nhau. Có người vẫn bảo lưu ý kiến “không nhập”. Với tư duy, tầm nhìn biện chứng, ông hiểu rõ bất cứ lĩnh vực nào cũng có hai mặt của nó. Đây là bài toán đánh đổi “được-mất”, miễn sao cái được là lớn nhất và cái mất là ít nhất. Nếu để lỡ mất thời cơ, cái giá phải trả sau này sẽ đắt hơn, nên trên cương vị Thủ tướng, ông rất quyết đoán, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân và cử thứ trưởng Vũ Khoan bay sang Bangkok để  truyền đạt với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm quyết tâm ký kết gia nhập ASEAN. Mãi đến sau này khi được thừa nhận sự đúng đắn và kịp thời của việc gia nhập ASEAN, ông không quên, nói rõ đấy là nhờ có công lao tư vấn của anh em bên Bộ ngoại giao. 

Ông góp ý với lãnh đạo không phải chỉ toàn là những việc quốc gia, đại sự. Ngày 9/11/2006 khi đọc báo Tiền Phong có bài tựa đề “Chuẩn bị tiệc chiêu đãi phu nhân các lãnh đạo APEC”, từ kinh nghiệm của mình, ông đã viết thư ngay cho một vị lãnh đạo tâm sự, góp ý rất chân tình từ món ăn đặc trưng cho 3 miền, đến tặng phẩm và lễ tiếp, bởi vì  ông nghĩ  qua đây, thể hiện bản sắc văn hoá Việt Nam. Vừa nghĩ đến một phần quốc thể, vừa là mối quan hệ anh em, đồng chí thân tình nên ông mới quan tâm, từng chi tiết nhỏ chu đáo đến thế!

Ông Sáu rất coi trọng người dân và đánh giá cao giới tri thức trong công cuộc xây dựng chấn hưng đất nước. Ông nhìn nhận về tri thức không phải chỉ ở bằng cấp, học hàm, học vị mà là trí tuệ và sản phẩm của họ làm ra cho xã hội. Ông thích thú và cổ vũ các anh “Hai Lúa” dù văn hoá mới chỉ là tiểu học nhưng lại làm ra cầu treo, “thần đèn” di chuyển công trình xây dựng, sáng chế các máy công cụ nông nghiệp làm các nhà khoa học phải thán phục. Có lần ngồi trên thuyền vượt qua một bờ kênh bằng đường ray và cái tời do sáng kiến của người dân ở Cà Mau, ông nheo mắt, hóm hỉnh bình luận mấy anh nông dân này liệu có xứng đáng gọi là “nông dân kiêm kỹ sư”.  Ông không phải chỉ có đi nhiều để tìm hiểu thực tế mà rất chịu khó đọc, nghiên cứu, rồi thảo luận. Nhiều vấn đề phức tạp, trừu tượng cần tìm hiểu, làm rõ, trước khi thảo luận, ông thường gạch chân từng đoạn, ghi chú bằng mực đỏ. Biết lắng nghe, tôn trọng những người đối thoại, với tấm lòng bao dung, nhân từ nên ông dễ dàng bắt được hơi thở của cuộc sống. Gần đây, khi làm việc với đoàn chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) các chủ đề về kinh tế, quy hoạch, kế hoạch, chính sách Đổi mới của đất nước, mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi thấy trí nhớ  và tầm nhìn của ông vẫn sáng suốt đến lạ thường!   

Đối với đồng bằng sông Cửu Long không phải ngẫu nhiên mà có được các thành quả kinh tế xã hội như ngày nay. Trưa ngày 14/6 nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ gọi điện cho tôi, trong cơn húng hắng ho nhẹ, anh Ngọ vẫn xúc động hệ thống lại cả quá trình hình thành tư duy và chỉ đạo quyết liệt của ông Sáu từ ngọt hoá Gò Công, đến bán đảo Cà Mau, chung sống với lũ,  thoát lũ ra biển Tây,  xây dựng cụm tuyến dân cư, và nhìn xa hơn là hệ thống công trình và phi công trình cho phòng chống thiên tai… Anh Ngọ bảo người dân Việt Nam chịu ơn ông Sáu nhiều lắm, những người có trách nhiệm cần nghiên cứu tổng kết về con người rất đặc biệt này. Tôi được chứng kiến, được đọc nhiều bức thư của người dân, của các nhà khoa học trong và ngoài nước gửi ông Sáu, trong đó có cả những người nổi tiếng là khinh bạc. Vì sao họ lại tin và trọng ông đến thế, ngay cả khi đã nghỉ hưu, không còn quyền lực! Phải chăng ngoài văn hoá ứng xử rất NGƯỜI, ở ông, người ta thấy đó là điểm tựa hay nói một cách nôm na đó là sự tin cậy, kính yêu của người dân dành riêng cho ông. 

Cuộc sống là bất phương trình chứ không phải phương trình. Trong công việc cũng như đời thường cũng có lúc ông Sáu cảm thấy bất lực, nhưng không bao giờ nản chí vì ông luôn tin vào tương lai, vận mệnh của đất nước.

Ông Sáu ơi! Thế là ông đã đi xa thật rồi. Ông có thể thanh thản vì đã làm tròn trách nhiệm của một công dân - công dân Võ Văn Kiệt. Giờ đây, ông đã về cõi thiên thu nhưng nhân dân luôn nhớ và kính trọng ông , Người có bộ óc thông tuệ không ngừng nghỉ, mang đầy đủ dấu ấn của cả 3 thì: quá khứ, hiện tại và tương lai. Không hiểu sao lúc này, tôi lại khát khao, ước ao được nghe giọng nói ấm vang, thân tình qua điện thoại: ”Mày đang ở đâu đấy!” để được tiếp tục nghe ông chỉ bảo.

Một chuyến đi xa Người  lỡ hẹn
Trăm năm lòng  mãi nghĩ về Dân

  *Các bài viết đều do TS Tô Văn Trường gửi trực tiếp cho NXD-Blog. 
Xin chân thành cảm ơn tác giả!

4 nhận xét :

  1. ôi ! Một nụ cười gần gũi, đôn hậu, chân tình, thắm thiết hiếm thấy ở một vị lãnh đạo cao cấp... Bác Kiệt ơi ! Bác vẫn sống mãi trong lòng dân Việt. Bác mãi vẫn là Thủ tướng của nhân dân ... Nhớ Bác...

    Trả lờiXóa
  2. ”Viết báo không chỉ cần có tâm hồn nghệ sĩ, mà trước hết phải có gan của người chiến sĩ cầm súng ra chiến trường nghĩa là phải luôn chiến đấu cho sự thật và tôn trọng, phản ánh sự thật”.
    Than ôi, cái gan của người chiến sỹ chính quy nay đâu rồi, sao chỉ thấy toàn dân bên lề đăng tải.
    Nhân ngày giỗ nhớ ông Sáu Dân, Thủ Tướng nhân dân.

    Trả lờiXóa
  3. Một nụ cười đôn hậu , thoãi mái , gần gủi ... hiếm thấy ở các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

    Trả lờiXóa
  4. Đề nghị gia đình Cố thủ tướng tập hợp những bài báo, góp ý của cố thủ tướng, không chỉnh sữa, biên tập lại...Nó sẽ là tư liệu rất quý, rất có ích, cho công cuộc dựng xây hôm nay... chắc chắn nó sẽ có giá trị hơn những nhà lý luận kinh điển, giáo điều đỉnh cao: qua thực tiễn, nghiên cứu, sau 10 năm chúng ta đặt 2 chữ dân chủ lên trước công bằng.Nhọc nhằn và tốn kém làm sao.

    Trả lờiXóa