Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

NĂM 1836: NHÀ NGUYỄN CỨU 90 NGƯỜI ANH BỊ CHÌM TÀU Ở HOÀNG SA

Nhà Nguyễn cứu 90 người Anh bị chìm tàu ngoài Hoàng Sa

16/06/2011 13:39:40
 
Bee.net.vn - Trong thời kỳ làm hoàng đế, vua Minh Mạng và vương triều Nguyễn đã có những việc làm thiết thực để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ" cho biết: Vào tháng 12/1836 thuyền buôn Anh Cát Lợi (tức nước Anh ngày nay) đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm; hơn 90 người được nhà Nguyễn cứu sống đưa vào bờ biển Bình Định.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 104, năm Minh Mạng thứ 14 (1833) chép: “Vua bảo bộ Công rằng: “Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 154, năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chép: “Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có cái giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ “Vạn lí ba bình” (tức là muôn dặm sóng êm).

Cồn Bạch Sa có chu vi 1070 trượng, tên cũ  là núi Phật Tự, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc, giáp với cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát gọi là Bàn Than thạch. Năm ngoái (tức năm 1834) vua toan dựng miếu lập bia chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được.

Đến đây, mới sai Cai đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong rồi về”.
.
Bản dập Mộc bản triều Nguyễn phản ánh vua Minh mạng cho giúp đỡ tàu phương Tây bị mặc cạn ở Hoàng Sa
Bản dập Mộc bản triều Nguyễn phản ánh vua Minh Mạng cho giúp đỡ tàu phương Tây bị mặc cạn ở Hoàng Sa

Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ", quyển 176, trang 1, năm Minh Mạng thứ 17 (1836) chép: “Mùa đông, tháng 12, thuyền buôn Anh Cát Lợi (tức nước Anh ngày nay) đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm; hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định.

Vua được tin, dụ tỉnh thần lựa nơi cho họ trú ngụ, hậu cấp cho tiền và  gạo. Lại phái thị vệ  thông ngôn đến dịch lời thăm hỏi, tuyên Chỉ  ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt. Phái viên về tâu, vua nói: "Họ, tính vốn kiệt hiệt, kiêu ngạo, nay được đội ơn chẩn tuất, bỗng cảm hoá, đổi được tục man di. Thật rất đáng khen." Sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục, mỗi người 1 áo đoạn vũ hàng màu, 1 quần vải tây và 1 chăn vải; các người tuỳ tùng mỗi người 1 bộ áo quần bằng vải màu. Sắc sai phái viên sang Tây là Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giải đưa họ sang bến tàu Hạ Châu, cho về nước”.

Từ những việc làm như trồng cây, lập miếu thờ ở  Hoàng Sa hay cho cứu vớt tàu phương Tây bị mắc cạn ở Hoàng Sa đã cho thấy vương triều Nguyễn có chủ quyền riêng ở quần đảo này. Bên cạnh đó, Mộc bản triều Nguyễn và các sách lịch sử khác chưa hề phản ánh việc các nước khác tranh chấp với triều Nguyễn trên quần đảo Hoàng Sa.

Khắc Niên – Khắc Lịch 
Nguồn: Bee.net.

4 nhận xét :

  1. Chứng cứ thì nhiều nhưng chắc vì "tế nhị" nên hình như ta chẳng dám công bố mạnh dạn với thế giới. Ngay tại VN, tôi tìm mãi cuốn sách Trắng về Hoàng Sa, Trường Sa do Bộ Ngoại giao ta công bố năm 1979 mà chịu đấy. Năm kia có bài báo kể một người vào thăm bảo tàng HS, TS mà cửa đóng im ỉm. Năm ngoái cụ Nguyễn Đình Đầu đã chuẩn bị công phu một triển lãm các bản đồ cổ về HS,TS, vậy mà sắp đến ngày khai mạc thì có lệnh hoãn. Cũng thời gian ấy, Ths. Hoàng Việt được Mỹ mời dự hội thảo về biển Đông thì bị Trường Đại học Luật TP. HCM ngăn cản không cho đi, với lý do ông HV chưa phải đảng viên! Ôi, chẳng lẽ chỉ có Đảng được bàn việc nước? Chắc là sợ người không đảng viên ngấm ngầm bán nước? Rốt cuộc, mỗi khi Trung cộng thể hiện quyền làm chủ của mình trên HS, TS, chỉ có mỗi bà Nga lặp lại điệp ngữ "VN có chủ quyền không thể tranh cãi với qđ Hoàng Sa và Trường Sa". Thành ra Trung Quốc dùng toàn tài liệu bịa đặt mà thế giới chẳng mấy ai bác bỏ. (Người Việt Nam không quan tâm thì ai quan tâm?) Việc Hội Địa lý Hoa Kỳ ghi Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc mà năm ngoái ta làm um xùm thực ra đâu có phải lỗi của họ.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi nghĩ có một việc "cực kỳ cấp bách" là thành lập một bộ phận "sưu tầm và xác minh" về Hoàng Sa,Trường Sa và các vùng Biển đảo của ta. Không những sưu tầm mà còn phải xác minh" "thẩm định"
    không phải chỉ ở cấp độ "Quốc gia" mà cả ở cấp độ "Quốc tế".Có thế ta mới "bịt được mồm" những tay bành trướng TQ,"mồm loa,mép dãi".TQ họ đã chuẩn bị từ lâu và rất khẩn trương (kể cả đầu tư lớn),nếu ta không làm thì chậm quá rồi,tai hại không phải là ít.
    Đừng có cái gì cũng bảo "để nhà nước lo".Cần phải động viên sức mạnh và trí tuệ của toàn dân (trong nước và ngoài nước) kể cả bạn bè quốc tế

    Trả lờiXóa
  3. To^i nghi~ ngu+o+`i Vie^.t trong va` ngoa`i nu+o+'c se~ u+ng ho^ trie^.t -de^+ ... "cực kỳ cấp bách" là thành lập một bộ phận "sưu tầm và xác minh" về Hoàng Sa,Trường Sa và các vùng Biển đảo của ta...Đừng có cái gì cũng bảo "để nhà nước lo"...

    Y' kien hay.

    Trả lờiXóa
  4. Cái tư liệu này hay quá, cần chuyển ngay cho CP Anh để quảng bá cho dân Anh biết, may ra cóa hậu duệ những người được cứu lên tiếng để CP Anh xác nhận chủ quyền thực sự này, thì TQ hết "bằng chứng không thể chối cãi"!

    Trả lờiXóa