Đất nước ta phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đang trải qua thời điểm nhiều cam go, thử thách. Lạm phát kéo dài, CPI tăng cao mặc dù đã có những biện pháp quyết liệt của Nhà nước nhưng sản xuất trong nước và đời sống của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Do những hành động gây hấn của Trung Quốc nền an ninh biển Đông của chúng ta bị đe dọa nghiêm trọng. Đây chính là lúc thử thách bản lĩnh của của mỗi người Việt Nam, nhất là những người lãnh đạo đứng mũi chịu sào, chèo lái con thuyền đất nước. Và cũng chính những ngày này, chúng ta càng thêm nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có bí danh thân mật là Sáu Dân vừa tròn kỷ niệm 3 năm ngày Ông Sáu đã đi xa.
Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, ở những thời điểm khó khăn, Ông Sáu Dân luôn thể hiện đầy đủ bản lãnh của mình ở tuổi thanh xuân và trung niên với tư cách một người chiến sỹ cầm súng ra mặt trận bảo vệ tổ quốc và lúc già dặn là với tư cách của một người đứng đầu Chính phủ lãnh đạo xây dựng đất nước trong giai đoạn hội nhập và đổi mới. Lăn lộn, vào sinh, ra tử cùng đồng chí, đồng bào trong chiến đấu, Ông Sáu Dân cũng đã từng chịu những nỗi đau mất mát to lớn, vợ và 3 người con thân yêu bị kẻ thù giết hại. Ông phải nén nỗi đau đó để đi đến trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đã có rất nhiều quyết sách mà Ông Sáu Dân đưa ra và trực tiếp tổ chức thực hiện, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc sảo, bộ óc thông tuệ của người lãnh đạo. Ông đã góp phần quan trọng vào việc hòa giải, hòa hợp dân tộc vì sự phát triển bền vững của đất nước. Dân của Ông Sáu Dân là toàn dân tộc Việt Nam, mọi người Việt Nam trên tinh thần hòa giải và yêu thương. Trong dân tộc, ở từng chặng đường chiến tranh hay hòa bình, tấm lòng và hoạt động của Ông Sáu hướng về gần gụi nhất với những người ở đầu sóng ngọn gió, gánh vác và hy sinh nhiều nhất, những người nghèo thiếu và thiệt thòi hơn cả, tập trung vào mấy tầng lớp động lực là trí thức, tuổi trẻ, người lính và sĩ quan thời chiến, nhà doanh nhân trong xây dựng và phát triển đất nước. Ông Sáu Dân là con người của sự hài hòa tình cảm và lý trí (tình và lý, chứ không phải lý và tình), con người mà tình nghĩa đầy lẽ phải và lẽ phải thấm đẫm tình nghĩa của con người với con người. Trong hoạt động xã hội, Ông Sáu Dân là con người của sự hài hòa giữa tư duy xa rộng, quan điểm cơ bản và cách làm thiết thực, cụ thể đến chi tiết. Trong cuộc sống, chung cũng như riêng, Ông Sáu Dân là con người của sự hài hòa giữa biết dâng đi và biết nhận về, biết cống hiến hết mình và biết thưởng thức đích đáng. Ông Sáu là con người của sự hài hòa giữa cõi người và sư sống (sự sống trong tự nhiên, mà con người cũng là một thành tố của tự nhiên, sự sống rộng lớn hơn và bao quát cõi người). Ông Sáu sống với những con người và cũng sống với những vùng đất, cảm nhận ý nghĩa và vẻ đẹp của cỏ cây, hoa lá, chim muông, sự dịu dàng và dữ dội của biển cả, sự hùng vĩ và uy nghiêm của núi cao, sự phì nhiêu và rộng lượng của đồng bằng, ánh nắng lộng lẫy của mặt trời, tia sáng lung linh của vầng trăng. Người chiến sĩ ấy rất nghệ sĩ, và người nghệ sĩ ấy rất chiến sĩ.

.
Về quản lý kinh tế, nhớ lại thập niên 80 Nhà nước vẫn còn cấm sở hữu vàng. Tôi được nghe người có tránh nhiệm kể lại cuối thập niên 80, đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Lúc đó, đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ông Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định (chưa đầy 2 trang) cho phép kinh doanh vàng, chỉ trong 2 tháng có hơn 100 cửa hàng mua bán, mang sức sống mới cho nền kinh tế. Suy rộng ra ngày nay, việc cấm kinh doanh vàng bạc trái phép, đô la hóa chợ đen là các giải pháp tình thế có tác dụng nhất thời nhưng cái chính là không được để đô la, vàng cất trữ, nằm chết trong dân. Để cho người dân tin vào đồng tiền của Việt Nam, Nhà nước phải đầu tư công cho có hiệu quả, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển, biến nguồn vốn đô la và vàng cất trữ trong dân thành vốn kinh doanh.
Có lẽ, ông Sáu Dân còn được xem là một trong những người tiên phong trong việc đưa Việt Nam mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới. Cho tới cuối thập niên 80 thì nền kinh tế Việt Nam vẫn là kinh tế chỉ huy, trì trệ, lạc hậu. Một quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều sông ngòi kênh rạch, hai đồng bằng rộng lớn tươi mát là tiềm năng vựa lúa cho cả thế giới nhưng phải chịu cảnh thiếu đói triền miên chỉ do sự ấu trĩ lạc hậu trong quản lý kinh tế. Một anh Việt Kiều quay lại Sàigon Việt Nam vào những năm cuối thập kỷ 80 bỗng thấy ngạc nhiên vì các ngôi nhà đều bị ám khói vì đun nấu bằng củi, than đá và rơm trong khi trước 1975, Sài gòn đã dùng bếp ga. Sài gòn đói với bột mì, lúa mì bo bo, và các loại ngũ cốc được phân bổ theo tem phiếu tới các hộ gia đình, theo một sự tính toán chủ quan của một người nào đó tính thay cho nhu cầu của cả thành phố. Các hộ gia đình đều phải tận dụng các khoảnh sân nhà để trồng rau, nuôi heo gà mới mong có thêm cái gọi là “tăng gia sản xuất” nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
.

Trong dịp kỷ niệm 3 năm, ngày Ông Sáu Dân đi xa, và trong những ngày nước sôi, lửa bỏng này, thật xúc động và vững lòng khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dõng dạc, mạnh mẽ tuyên bố trong bài phát biểu tại buổi lễ hưởng ứng ngày đại dương thế giới và tuần lễ biển & hải đảo Việt Nam 2011 vào tối 8/6 tại Nha Trang :”Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn bảo vệ các vùng biển và hải đảo của Việt Nam. Chúng ta kiên trì, chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế nhất là công ước luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của chúng ta”.
Theo Việt Nam sử lược khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sắp mất (năm 1300) đã nói với vua Trần Ánh Tông : ”Dùng binh phải dồn lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả”. Hồ Chủ Tịch cũng từng nhắc về câu nói của người xưa :”Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cũng chính tư tưởng “lấy dân làm gốc” ấy đã tạo nên phong cách, bản lãnh Võ Văn Kiệt. Và hôm nay, tư tưởng ấy, cũng vẫn là nền tảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các quyết sách, hành động của những đồng chí, những người kế nhiệm Ông. Trí tuệ và bản lãnh Võ Văn Kiệt- Sáu Dân đang được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết. Học tập, rèn luyện trí tuệ bản lãnh ấy, sẽ tạo nên sức mạnh để chúng ta “vươn ra biển lớn” và cho ra đời những quyết sách đúng đắn hợp lòng dân và quy luật phát triển bền vững.
*Bài viết do TS Tô Văn Trường gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cám ơn tác giả!
Bây giờ có nhân vật chính trị VN nào mang tầm cỡ " thấu tình đạt lý " ngang với cố TT Kiệt không bác Tô ?
Trả lờiXóaDOC LAP, TU DO, DAN CHU, HOA BINH VA PHAT TRIEN VI SU TIEN BO
Trả lờiXóa