Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

CHƯA NÊN UNESCO LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM!

Lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới với làng cổ Đường Lâm: Nên hay không?

Đường Lâm là ngôi làng đầu tiên được công nhận là di sản văn hoá cấp quốc gia năm 2005. Ngần ấy thời gian chưa đủ cho loại hình du lịch cộng đồng phát triển nhằm đem lại lợi ích cho người dân ở đây thì mâu thuẫn nội tại đã tăng trước cơn bão đô thị hoá. Thế nhưng, thay vì giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển, UBND thị xã Sơn Tây lại có dự kiến làm hồ sơ di sản trình UNESCO.


Danh hiệu chưa đi cùng lợi ích

Đường Lâm hiện còn lưu giữ hơn 100 ngôi nhà cổ loại 1 (niên đại trên 100 năm), có 10 nhà xếp hạng di tích cấp thành phố. Bên cạnh đó còn nhiều công trình tôn giáo, cổng làng, nhà thờ họ… giá trị về nghệ thuật kiến trúc, một số đã được xếp hạng như cổng làng Mông Phụ, chùa Mía, đình thôn Mông Phụ, đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp, đền Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền…

Với những giá trị văn hoá và cảnh quan kiến trúc nghệ thuật như vậy, nhẽ ra Đường Lâm phải "hút khách". Thế nhưng, từ khi trở thành di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đến nay, đa phần các cư dân sống tại làng không được hưởng lợi gì nhiều từ du lịch.

Bà Phan Hải Linh (Đại học Quốc gia Hà Nội), tác giả của đề tài nghiên cứu "Giá trị phi vật thể ở làng cổ xã Đường Lâm", khi tiến hành khảo sát, cho biết: Mức sống của người dân nơi đây rất thấp, trung bình từ 14-15 triệu/người/năm. Điều này cho thấy du lịch vẫn chưa thực sự đến được với Đường Lâm. Ngoài ra, sự chênh lệch trong việc hưởng lợi từ du lịch khiến mâu thuẫn giữa người dân đang gia tăng, nguy cơ phá vỡ khối đoàn kết làng xã - điều làm nên hồn cốt làng cổ - rất lớn.

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm, cho biết: "Có một bộ phận nhỏ người dân trong làng tỏ ra bất mãn và đề nghị trả lại danh hiệu làng cổ. Đó là do những mâu thuẫn từ sự chênh lệch trong việc hưởng lợi từ du lịch đem lại".
Mong muốn bảo tồn làng cổ, giữ một lối sống ngày xưa trong bối cảnh cuộc sống đang tiếp diễn là một bài toán hết sức phức tạp. Hiện chính quyền địa phương nghiêm cấm mua bán, chuyển nhượng (nhà cổ), cấm cơi nới, sửa chữa. Nếu xây mới thì không được xây nhà quá 1 tầng. Trong khi đó, áp lực dân cư ngày càng nặng nề. Các thế hệ cứ tiếp tục sinh sôi, nhưng quỹ đất… vẫn thế. Nhà cửa tiếp tục xuống cấp, hư hỏng, bảo tồn chậm (mới có 8 công trình cổ được tu bổ), còn quy hoạch đến giờ vẫn chưa hoàn thiện.

Hiện, thị xã Sơn Tây đã có dự án quy hoạch một khu tái định cư để giãn dân trong khu vực làng cổ. Tuy nhiên, nếu dự án được phê duyệt, làng cổ Đường Lâm lại đứng trước nguy cơ không còn là "bảo tàng sống".

Nên hay không?

Trong số 10 tiêu chí UNESCO đưa ra để công nhận một di sản thế giới, các chuyên gia nhận định hồ sơ làng cổ ở Đường Lâm có thể đáp ứng tiêu chí số năm (là một ví dụ nổi bật của một khu định cư của con người truyền thống). Chính vì vậy, đại diện phía UNESCO, bà Dương Bích Hạnh cho rằng, Sơn Tây cần cân nhắc kỹ lưỡng việc có nên hay không làm hồ sơ di tích, bởi "nếu cứ dựa vào tiêu chí đây là làng cổ thuần Việt thì chưa thoả đáng".

Bà Hạnh cũng cho biết: Sắp tới, UNESCO sẽ siết chặt việc công nhận di sản. Theo đó, một số tiêu chí và điều khoản sẽ thay đổi, đồng nghĩa với việc các hồ sơ sẽ được thẩm định gắt gao và khó khăn hơn. Trong khi đó, từ lúc làm một bộ hồ sơ đến lúc được công nhận là cả một quá trình gian nan, cần sự đồng thuận của toàn bộ người dân, chính quyền và xã hội.
UNESCO đánh giá giá trị di tích dựa vào giá trị nổi bật mức độ toàn cầu chứ không phải chỉ nổi bật của riêng Việt Nam. Bởi thế, quá trình nghiên cứu, khảo sát và đánh giá sẽ là một quá trình lâu dài. Chưa kể, quy mô 1.500 hộ dân với hơn 6.000 người đang sống tại đây, bảo tồn di tích nguyên trạng đã là một điều khó khăn.

Cho đến thời điểm này, khi vấn đề trình hồ sơ được đưa ra thảo luận, những người tham gia thực hiện đều chưa thể đưa ra một mốc thời gian cụ thể nào. Và như thế, việc nên hay không nên làm hồ sơ di sản cho làng cổ Đường Lâm, vẫn còn là câu hỏi lớn chưa lời giải đáp.

 Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng: Thay vì làm hồ sơ, các nhà quản lý nên dành công sức và tiền của đó vào việc giải bài toán làm sao để làng cổ Đường Lâm phát triển một cách bền vững. Hồ sơ di sản có thể đợi, danh hiệu không quá quan trọng. Quan trọng là trước mắt phải gìn giữ cho được những gì cha ông đã để lại.

4 nhận xét :

  1. Theo cá nhân, tôi không những không thích mà còn thấy xấu hổ với những danh hiệu "di sản..... cần được bảo vệ khẩn cấp" hay những cái nhất cái nhì gì mà nước ta đang đua nhau chưng ra cho thiên hạ. Tất cả chỉ nói nên một điều là chúng ta quá kém cỏi, của mình còn không tự mình giữ gìn, phát huy lại ngồi chờ người khác

    Trả lờiXóa
  2. Duoc UNESCO cong nhan la di san van hoa The gioi thi tha ho ma trung tu cho moi , cho dep .

    Trả lờiXóa
  3. ND : ...và sẽ trở thành cái "lò gạch một tuổi" như ở Tuyên Quang?

    Trả lờiXóa
  4. Thử nhìn lại mà xem, tất cả các di tích văn hóa cổ, đình chùa miếu mạo đều được trùng tu mới "to, đẹp, hoành tráng" nhìn như công viên hết cả. May phúc cho công trình nào đó còn chưa được nhà nước quan tâm trùng tu đến. Nếu ngày xưa bom đạn phá một thì ngày nay chúng ta đã phá gần như toàn diện các công trình van hóa. Phá có quy mô, tổ chức, phá có tiền.... Thật đau lòng, Thật có tội với cha ông.

    Trả lờiXóa