Tiến sĩ Khuất Thu Hồng:
THỈNH NGUYỆN THƯ GỬI CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ VIỆC HOÃN THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH
ĐỐI VỚI NGUYỄN VĂN CHƯỞNG.
ĐỐI VỚI NGUYỄN VĂN CHƯỞNG.
Hôm qua, ngày 11/8/2023 tôi đã gửi thỉnh nguyện thư đến ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc hoãn thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng.
Như đã viết trong thỉnh nguyện thư, tôi không mưu cầu bất kỳ một lợi ích cá nhân nào trong việc này mà chỉ làm theo sự thúc giục của lương tâm.
Tôi viết vì nghĩ đến những ngày đêm đằng đẵng trong chốn lao tù của người đàn ông đang trong độ tuổi khoẻ mạnh nhất của đời người. Tôi viết vì nghĩ đến cha mẹ của Chưởng, những người cạn khô nước mắt vì đau đớn, vì lao khổ trên chặng đường vô vọng để cứu con. Tôi viết vì người vợ của Chưởng, vì tương lai của đứa con gái bé bỏng của anh ấy.
Nếu bạn nào có chung tâm nguyện với tôi thì đơn giản hãy chỉ like hoặc viết "Tôi đồng ý" và hãy chia sẻ để Chủ tịch nước biểt đến tâm nguyện của người dân và có hành động thích hợp.
Tôi đề nghị không bình luận tiêu cực, kích động. Nếu không động lòng trước mạng sống của đồng loaị, chí ít cũng đừng thể hiện mình không bằng cầm thú.
Dưới đây là nguyên văn thỉnh nguyện thư của tôi.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
--------
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
--------
THỈNH NGUYỆN THƯ
Kính gửi Ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tôi là Khuất Thu Hồng, 63 tuổi, tiến sĩ xã hội học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, một tổ chức khoa học công nghệ hoạt động dưới Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Tôi đồng thời là Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên tục từ năm 2004 cho đến nay.
Nhưng hôm nay tôi viết thỉnh nguyện thư này không phải với những chức danh nói trên mà với tư cách là một công dân. Tôi tha thiết thỉnh cầu Ông Chủ tịch xem xét hoãn thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng, người bị kết án tử hình vì được cho là đã giết hại một cán bộ công an tại Hải Phòng vào ngày 14 tháng 7 năm 2007. Tuy nhiên, theo báo chí và dư luận xã hội, vụ án này còn nhiều tình tiết cần phải làm sáng tỏ thêm. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã từng có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm vì vụ án có một số vấn đề cần phải làm rõ và đề nghị xem xét về phần hình phạt theo hướng giảm nhẹ cho Nguyễn Văn Chưởng từ tử hình xuống chung thân. Tuy nhiên Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, giữ nguyên án phúc thẩm. Ngày 4/8/2023 cha mẹ của Nguyễn Văn Chưởng đã nhận được thông báo rằng con trai họ sắp bị thi hành án.
Theo tin từ báo chí, trong suốt 16 năm bị giam cầm Nguyễn Văn Chưởng đã trải qua vô số các cuộc điều tra và liên tục kháng cáo, kêu oan.
Anh đã tết những con hươu với chữ OAN trước ngực. Anh còn dùng tăm với những sợi vải rút từ tấm chăn để thêu lên áo tù những lời thơ ai oán: “Án oan ôm hận, nhờ Chính phủ giải oan hận này cho dân đen – Tấm lòng trong sạch thiên địa biết – Trả lại công bằng cho dân thường – Sao để quan sai hành hạ dân – Luật pháp Việt Nam là rất đúng – Đừng để oan sai giáng hạ cho dân lành”.
Hình ảnh những con hươu với chữ OAN.
Ròng rã bao nhiêu năm qua, cha mẹ, vợ con, anh chị em của Chưởng cũng bán hết tài sản, bỏ công việc đi khắp các cửa để kêu oan cho anh. Cha anh đã viết huyết thư để cầu xin tha mạng cho con trai mình vì họ tin tưởng mãnh liệt rằng con trai họ vô tội.
Hình ảnh bức huyết thư của cha Chưởng.
Mục đích của pháp luật là để bảo vệ người dân đạt được công lý nhưng xây dựng và thực thi pháp luật là con người. Vì vậy sự nhầm lẫn hoặc những kẽ hở trong quá trình điều tra có thể xẩy ra. Những bản án oan sai đã từng được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới. Việt Nam cũng đã từng có Huỳnh Văn Nén, Hàn Văn Long, Nguyễn Thanh Chấn … bị kết án oan. Nhưng cũng nhờ sự thận trọng và kiên nhẫn của các cơ quan thực thi pháp luật mà công lý đã chiến thắng và những người tử tù đã được giải oan và trở về với cuộc sống.
Thưa Ông Chủ tịch, tôi không có đầy đủ thông tin về vụ án để có thể khẳng định Nguyễn Văn Chưởng thực sự có tội hay không. Vì vậy tôi không cầu xin ông tha bổng cho anh ấy. Nhưng tôi tha thiết đề nghị Ông hãy dùng thẩm quyền của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để chỉ đạo các cơ quan hữu quan tạm dừng thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng và tiếp tục điều tra cho đến khi chắc chắn rằng bản án là đúng người đúng tội.
Cuộc sống của Nguyễn Văn Chưởng chỉ còn tính từng ngày. Quyết định của ông có thể giữ lại mạng sống của một con người và cứu vãn tương lai của cả gia đình anh ấy, nhất là của đứa con gái chưa từng được gặp mặt cha. Hơn thế, quyết định của ông sẽ giúp khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật, thu phục nhân tâm, làm tăng niềm tin của người dân vào Nhà nước, vào pháp luật và khuyến khích nhân dân tuân thủ pháp luật.
Tôi biết Ông Chủ tịch vô cùng bận rộn với những công việc đại sự quốc gia nên có thể không có đủ thời gian để nắm thông tin về vụ việc này. Tôi xin ông, ngoài việc lắng nghe báo cáo của các cơ quan hữu quan, hãy chỉ đạo các cán bộ giúp việc thu thập các bài báo và lắng nghe dư luận xã hội để có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về sự việc. Tôi xin gửi kèm đây 2 tài liệu bao gồm tóm tắt vụ án của luật sư Lê Văn Hoà, người tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng và với tư cách nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, trong đó có vụ án Nguyễn Văn Chưởng; và lá thư của Nguyễn Văn Chưởng gửi cho gia đình Với địa vị của mình tôi không có điều kiện xác minh để khẳng định mọi thông tin trong hai tài liệu này là hoàn toàn chính xác nhưng muốn gửi tới ông để ông có căn cứ chỉ đạo làm rõ vụ việc.
Tôi viết thỉnh nguyện thư này không vì bất kỳ một động cơ cá nhân nào mà đơn thuần chỉ theo sự thúc giục của lương tâm trước nỗi đau của đồng loại. Tôi không phải là người thân của Nguyễn Văn Chưởng, cũng không hề quen biết bất cứ ai có liên quan đến anh ấy. Làm việc này tôi không mưu cầu sự nổi tiếng dù với bất cứ hình thức nào. Tôi không biết liệu lời thỉnh cầu cuả tôi có mang lại kết quả gì hay không nhưng nếu không gửi thỉnh nguyện thư này tới Ông, lương tâm tôi sẽ không nguôi day dứt trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời.
Xin trân trọng cảm ơn Ông đã đọc lời thỉnh cầu cuả tôi. Tôi hy vọng vào sự từ tâm của ông.
Hà Nội, ngày 9/8/2023.
Đại Việt Sử ký toàn thư của tác giả Ngô Sĩ Liên có đoạn chép về Lý Thánh Tông Hoàng Đế rằng “…Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa…” Lại chép “…Mùa hạ, tháng 4, [3b] vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: "Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm...” Tại sao cứ phải tìm cách thi hành bằng được bản án mà còn đầy rẫy những vướng mắc, sai lầm về tố tụng thì được gì? Giữ mạng sống cho họ để có cơ hội làm rõ trắng đen thì mất gì? Chả lẽ càng hiện đại, càng văn minh thì lòng nhân của những người cầm cân nảy mực càng sa sút so với thời phong kiến cách nay cả nghìn năm?
Trả lờiXóaBản thân "thỉnh nguyện thư" dù viết cách gì và nội dung ra sao... đều vô tác dụng.
Trả lờiXóaChớ dại dột mà đặt lòng tin vào địa chỉ nhận thư.
Tác dụng thật sự của thỉnh nguyện thư là làm thế nào để tạo dư luận càng rộng rãi càng tốt.
Hãy viết thích hợp với mục đích này và công khai (ngỏ).