Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Mạc Văn Trang: SUY NGẪM TRONG NHỮNG NGÀY ĐẠI DỊCH COVID-19


SUY NGẪM TRONG NHỮNG NGÀY ĐẠI DỊCH COVID-19 

Mạc Văn Trang

Hơn một tháng được khuyến cáo “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ ai ở chỗ nào thì cứ ở yên”, nên cứ nằm nhà. Hết lên “phây” lại đọc sách rồi nghĩ vẩn vơ… Có đôi điều suy ngẫm, xin chia sẻ cùng bạn hữu xem sao.

1. Chưa bao giờ khái niệm BÌNH ĐẲNG được hiện thực hóa như trước con virus Corona tí tẹo.

Hơn 200 quốc gia dù siêu cường hay nhỏ bé, dù văn minh hay lạc hậu, đều phải có nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử giống nhau đối với con Virus Corona. Độc tài hay dân chủ, cánh tả hay cánh hữu; nữ hoàng hay tổng thống, thủ tướng; nghệ sĩ hay cầu thủ ngôi sao; tỉ phú, đại gia hay người vô gia cư… tất cả đều có thể bị dương tính với virus. Ai cũng phải khiêm tốn, chừng mực, cư xử cẩn trọng trước con virus nhỏ bé này.


Duy chỉ có anh DLV Quang Lùn nổi tiếng của Việt Nam là ngạo nghễ, dám tuyên bố cóc sợ con virus này, sẵn sàng không đeo khẩu trang vào thăm bệnh nhân mắc dịch covid-19…

Có người nói, con virus Corona dạy cho loài người một bài học: mọi người dù tầng lớp nào, ở mọi quốc gia, dân tộc nào cũng đều bình đẳng trước Thượng đế.

2. Giúp con người ý thức hơn về GIÁ TRỊ SỐNG đích thực.

Trước sự đe dọa của cái chết, ta càng thấy sinh mạng con người là trên hết! Khi bị cách ly ta mới nhớ ra, những gì cần thiết nhất cho sự sống? Đó là không khí trong lành, nước, thực phẩm sạch và tình yêu thương trong nơi trú ngụ. Chỉ giản dị thế thôi, có cần thật nhiều lắm đâu, là ta cảm thấy hạnh phúc rồi.

Vậy mà bao lâu nay người ta hùa nhau hủy hoại môi trường sống, đầu độc bầu khí quyển; gây ô nhiễm nguồn nước, đưa chất độc hại vào thực phẩm và thờ ơ với người thân, vô cảm trước đồng bào, độc ác với đồng loại… Người ta làm như vậy để làm gì? Vì cái gì? Có cần phải như thế không?

Trước cái chết quá dễ dàng khi diễn ra đại dịch, bỗng nhiên nhớ đến câu hát của Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi?” Con người thật nhỏ bé, mỏng manh trước cái chết. Khi ta về với “cát bụi” thì để lại cái gì có ý nghĩa cho đời?

Ông cha ta nói: “Cáo chết để da, người chết để tiếng”. Vậy tiếng gì? Có tiếng thơm lưu danh thiên cổ; có tiếng khen, tiếng nói tiếc thương của cộng đồng; có tiếng bàn luận về những điều mờ ám bất minh; có tiếng mỉa mai, nguyền rủa “nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”…

Có phải những điều đó khiến ta ý thức rõ hơn về ý nghĩa của cuộc sống: Khi ta từ biệt thế giới này, cái gì còn lại có ý nghĩa cho đời?

3. Khi sản xuất của cả thế giới đình trệ, ta càng nhận ra CANH NÔNG VI BẢN.

Khi nghe có lệnh cách ly, người ta nháo nhào đi mua gạo, mì, thịt, cá, mắm muối… Chả thấy ai đi sắm ô tô, mua nhà lầu, áo quần thời trang, đồ trang sức, mỹ phẩm … Ta chợt hiểu rằng, các ngành sản xuất có thể ngừng cả năm, cũng chả sợ chết, nếu có đủ lương thực, thực phẩm.

Giữa đại dịch, Việt Nam nhộn nhịp xuất khẩu gạo, theo GS Võ Tòng Xuân, hiện có thể xuất đi 4 triệu tấn gạo, an ninh lương thực vẫn “không sứt mẻ”. (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52226989). Vậy là tạm yên lòng.

Có một điều đặc biệt nữa, hàng triệu nông dân trở thành người lao động ở các khu công nghiệp hoặc đi kiếm ăn nơi thành phố, bị thất nghiệp trước đại dịch, họ trở về quê hương, là không sợ chết đói. Chỉ cần gia đình có một ít ruộng đất, họ chăn nuôi, trồng trọt, chừng 1-2 tháng đã có nhiều thứ cho thu hoạch để sống.

Nông nghiệp, nông thôn chính là nơi dân tộc ta đã trường tồn phát triển đến ngày nay và vẫn là nơi nương tựa cho mỗi con người khi thất cơ, lỡ vận.

Tuyệt đại bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp đều từ nông thôn mà ra, vậy mà nhìn lại mấy chục năm qua, thấy biết bao chính sách sai lầm với nông nghiệp, nông dân nước ta. Cái Luật quái ác quy định “đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý” đã tước đi quyền sở hữu ruộng đất, ngàn đời của nông dân; các nhóm lợi ích đua nhau tranh cướp chiếm đoạt đất đai, gây bao nỗi oan khiên, thống khổ cho dân lành.

Những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật”, ông cha ta phải trải qua hàng mấy trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm đổ mồ hôi, xương máu mới tạo ra mặt ruộng bằng phẳng, có lớp đất màu mỡ để làm lúa nước, vậy mà bọn cướp đất đem xe đổ sỏi, cát lấp đầy cánh đồng một cách man rợ rồi vây rào chặn lấy.

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều”… câu thơ ấy của Nguyễn Đình Thi cũng chẳng thấm gì so với cảnh cướp đất tàn bạo ngày nay.

Cả nước hiện còn 58 sân Golf, mỗi sân golf chừng 200 đến 300ha đất, có bao nhiêu người chơi golf? Bao nhiêu tỉnh thu hồi đất vô tội vạ rồi bỏ hoang hàng 10- 15 năm nay? Hà nội, chỉ riêng một dự án ở Mê Linh chiếm 2.000 ha đất, bỏ hoang hơn 10 năm nay (https://zingnews.vn/thu-tuong-yeu-cau-kiem-tra-2000-ha-dat-du-an-bo-hoang-tai-me-linh-post925673.html). Cướp đất rồi bỏ hoang là hai lần tội ác, vậy mà không kẻ nào bị trừng phạt?

Người nông dân nuôi sống cả đất nước này và còn góp phần nuôi thiên hạ, vậy mà được mùa thì rớt giá, mất mùa phải cứu đói! GDP tăng trưởng 6-7% vào túi ai mà nhìn người nông dân đồng bằng sông Cửu Long tội nghiệp, xác xơ vậy? Nơi cung cấp lúa gạo, cá tôm, trái cây nhiều nhất cho đất nước lại là nơi “vùng trũng” về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục so với cả nước? Các cấp lãnh đạo có nghĩ gì về điều này không?

4. Trước sự đe dọa sống còn của đại dịch khiến toàn đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam LẠI ĐOÀN KẾT chung sức, chung lòng ngăn chặn hiệu quả loại virus hiểm nguy, làm thế giới phải ngạc nhiên, khen ngợi. Trước đây đã nhiều lần như vậy.

Nhưng sau chiến thắng rồi, những người lãnh đạo lại “ngạo nghễ”, tưởng mình “đỉnh cao trí tuệ” để mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác. Lại đặt đảng trên dân, trên nước. Lại không thèm nghe những lời chính trực. Lại phân loại người dân, chia rẽ xã hội. Lại “phản động” nếu yêu nước, thương dân mà không yêu đảng. Lại nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch” và thẳng tay gây tội ác với đồng bào mình… Lần này liệu có tỉnh ngộ, khá hơn không, hay đâu vẫn đấy?

5. Trong HỌA có PHÚC.

Từ thế chiến thứ 2 đến nay, nhân loại mới rơi vào thảm họa thế này. Nhưng trong đại họa, khắp thế giới và cả người dân Trung quốc càng nhận ra Đảng CS Trung quốc mới là con virus nguy hiểm nhất của nhân loại.

Từ chuyện nguồn gốc con Coronavirus Vũ Hán đến che giấu bệnh dịch rồi cung cấp những thiết bị y tế chống dịch tồi tệ… Tất cả đã lột trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa và bản chất dối trá, gian manh, thâm hiểm, độc ác của Trung cộng trước toàn thế giới. Đó là ĐAI PHÚC cho nhân loại!

Hy vọng rồi đây cộng đồng quốc tế sẽ khởi kiện Đảng CSTQ, lôi Tập Cận Bình ra trước Tòa án của công lý; dẫu Trung cộng có chối tội thì cũng bị Tòa án lương tâm của nhân loại phán xét. Và điều quan trọng nhất là nhân loại đã thức tỉnh và sẽ đoàn kết lại ngăn chặn con virus đảng CSTQ, mối đe dọa sống còn đối với toàn nhân loại.

Vậy là tránh “nhàn cư vi bất thiện”, ngẫm nghĩ viết ra đôi điều chia sẻ, hy vọng cũng có ích.

10/4/2020
MVT

5 nhận xét :

  1. Nhân loài sẽ thức tỉnh trước hiểm hoạ virutCSTQ vậy là điều tuyệt vời

    Trả lờiXóa
  2. Tôi thích nhất đoạn này: "Trước sự đe dọa sống còn của đại dịch khiến toàn đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam LẠI ĐOÀN KẾT chung sức, chung lòng ngăn chặn hiệu quả loại virus hiểm nguy, làm thế giới phải ngạc nhiên, khen ngợi. Trước đây đã nhiều lần như vậy.
    Nhưng sau chiến thắng rồi, những người lãnh đạo lại “ngạo nghễ”, tưởng mình “đỉnh cao trí tuệ” để mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác. Lại đặt đảng trên dân, trên nước. Lại không thèm nghe những lời chính trực. Lại phân loại người dân, chia rẽ xã hội. Lại “phản động” nếu yêu nước, thương dân mà không yêu đảng. Lại nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch” và thẳng tay gây tội ác với đồng bào mình… Lần này liệu có tỉnh ngộ, khá hơn không, hay đâu vẫn đấy?".

    Trong đại dịch thì thấy mối quan hệ rất khăng khít giữa dân và chính quyền, chính quyền nói gì dân theo đó, chính quyền ra lệnh dân theo ngay. Đó là vì sự HỢP LÒNG DÂN!
    Còn dịch xong thì giống như sau 1975, chính quyền, đảng lại xa dân, lại ra những chính sách, mệnh lệnh KHÔNG HỢP LÒNG DÂN.
    Chẳng biết sau dịch này, CSVN có nhận ra không? Tôi chắc là CSVN không quên, luôn phải nhớ câu của ông Hồ: CS từ dân mà ra, vì dân mà đấu tranh, vì dân mà phục vụ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau... Những câu mà trong chiến tranh chống Pháp, Mỹ đều được viết thành khẩu hiệu dán đầy đường!
    Thế mà sau chiến tranh, những khẩu hiệu kiểu này tự nhiên biến mất và thay vào đó là : "Đảng CSVN quang vinh muôn năm", chủ nghĩa Mác Lê Nin vô địch muôn năm... từ đó dần xa dân, xa nước!
    Người ta nói CS chỉ giỏi trong chiến tranh giữ nước, nhưng rất dốt trong chiến tranh phát triển đất nước. Vì trong giữ nước một mất một còn, CSVN phải dựa vào dân, do đó luôn dành chiến thắng vì được dân ủng hộ. Còn trong phát triển đất nước, là công cuộc đầu tư liên quan đến tiền, đất, của cải vật chất thì lúc này CSVN lại tự cho mình làm được, muốn ăn một mình, không dựa vào dân nên luôn thất bại!

    Trả lờiXóa
  3. Rất tâm đắc với suy ngẫm của Thầy. Chúc Thầy an khang trường thọ.

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết của anh Mạc văn Trang sâu sắc, phù hợp với tình hình thế giới hiện nay, thức tỉnh thế giới phân biệt bạn và thù. Đến đây tôi nhận ra thế giới ngày nay chỉ còn 3 nước do đảng cs lảnh đạo còn nơi sinh đẻ ra cộng sản cũng đã trở về cát bụi từ mấy chục năm rồi.

    Trả lờiXóa
  5. "Và điều quan trọng nhất là nhân loại đã thức tỉnh và sẽ đoàn kết lại ngăn chặn con virus đảng CSTQ, mối đe dọa sống còn đối với toàn nhân loại."
    Quá chính xác bác Trang ơi.

    Trả lờiXóa