Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

BÌNH LUẬN VỀ MẺ CÁN BỘ NGUỒN VỪA XUẤT XƯỞNG

Cán bộ chiến lược nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp tại Lễ bế giảng ngày 02/03/2020.

“Cán bộ nguồn” có thực sự đủ năng lực 
dù được đánh giá giỏi, xuất sắc?

RFA
2020-03-04


 
100% đạt giỏi, xuất sắc

Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho 86 cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Khóa XIII (lớp thứ 3 và lớp thứ 4) được khai giảng vào sáng ngày 5/11/2019 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Khóa học bế giảng vào ngày 2/3/2020, với kết quả 100% đạt giỏi và xuất sắc.

Trước đó, hồi tháng 10/2018, Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Khóa XIII (lớp thứ 1 và lớp thứ 2), với sự tham gia của 95 học viên cũng được thông báo đạt 100% giỏi và xuất sắc.


Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo lên tiếng với RFA rằng thông tin về kết quả các khóa đào tạo cán bộ chiến lược, hay còn gọi là cán bộ nguồn từ trước đến nay luôn đạt kết quả tốt đẹp tuyệt đối. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh: 


“Những khóa học gọi là công tác chính trị thì thường có những kết quả kiểu như vậy, tức là 100% đều đạt kết quả xuất sắc, khá giỏi. Bởi vì những kiến thức về chính trị rất là chung chung, có tính chất tuyên truyền nhồi sọ một chiều, đơn giản và dễ dàng, không đòi hỏi tư duy gì cả. Những người thông minh cũng như người đần độn đều có thể làm được hết. Đấy là một lý do dẫn đến chuyện 100% đều xuất sắc.” 

Ông Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được báo chí dẫn lời cho biết chi tiết về chương trình học tập của khóa học (lớp thứ 3 và lớp thứ 4) gồm 6 học phần với 44 chuyên đề và 4 báo cáo thực tế địa phương. Kết thúc khóa học, các học viên làm đề án tốt nghiệp và phải bảo vệ đề án trước hội đồng có 5 thành viên là các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài học viện.

Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định với RFA rằng dù chương trình học được cụ thể hóa và thay đổi, được cho là phù hợp với thực tiễn như thế nào đi chăng nữa thì bệnh thành tích ở khối Cộng sản và Việt Nam vẫn còn rất nặng. Do đó, kết quả đạt 100% giỏi và xuất sắc của các khóa học bồi dưỡng cán bộ nguồn không có gì đáng ngạc nhiên.
Phó Giáo sư-Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, bày tỏ đồng quan điểm với Nhà báo Võ Văn Tạo. Tiến sĩ Mạc Văn Trang cũng xác quyết kết quả 100% cán bộ chiến lược đạt giỏi và xuất sắc là “không có gì đặc biệt”. Tiến sĩ Mạc Văn Trang tiếp lời: 

“Thực ra những lớp bồi dưỡng tại chức, nhất là học chính trị thì thầy dạy xong, thầy lại ra bài và thầy chấm điểm rồi kết quả thường rất là cao. Người ta muốn đẹp thì người ta cho 100% giỏi với xuất sắc thì đều được thôi. Nói vui ở Việt Nam do có thành tích thi đua thì 100% các cháu mẫu giáo đều được được tặng một phiếu ‘Bé ngoan’. Ở Việt Nam thì bệnh thành tích rất phổ biến, vì vậy tự ra bài thi, tự chấm rồi có thành tích đẹp vậy thôi.” 

Không tin tưởng vào cán bộ lãnh đạo tương lai 

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, tại buổi lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Khóa XIII (lớp thứ 3 và lớp thứ 4), cho biết 86 học viên của khóa học này là những người được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó có cán bộ được quy hoạch chức danh cấp trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương giai đoạn 2020-2025; quy hoạch chức danh bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2026.

Đài RFA ghi nhận một số nhà quan sát tình hình Việt Nam ở trong nước đều cho rằng họ không có chút niềm tin nào đối với những cán bộ chiến lược được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo trong thời gian tới. Nhà báo Võ Văn Tạo lý giải vì sao ông không thể lạc quan: 

“Tôi không hy vọng gì những quy hoạch nguồn cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở mọi cấp độ; ví dụ cán bộ cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh rồi đến cấp trung ương. Tôi nghĩ rằng, nói xin lỗi hầu hết là bất tài, vô dụng mà chỉ giỏi lấy lòng chạy vại, mua chức, luồn lót để theo phe đang mạnh ở Đảng bộ hoặc địa phương hay ngành nào đó…Những người đứng đầu mà thế lực người ta đang mạnh thì người nào được lòng người mạnh nhất đó sẽ được đưa vào cơ cấu.”
.
Một trường hợp mới nhất có thể trưng dẫn liên quan đến cán bộ nguồn là thành phố Hải Phòng vừa ra quyết định chi 269 tỉ đồng để mua tặng mỗi hộ dân 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng. Vụ việc này đang dấy lên sự quan tâm đặc biệt trong xã hội Việt Nam mấy ngày qua.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại cuộc họp báo Chính phủ, diễn ra vào tối 3/3, cho biết xét về thẩm quyền, việc quyết định chi khoản tiền này (tiền ngân sách địa phương) thuộc Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng. Ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm rằng Chính phủ cũng sẽ có ý kiến với Hải Phòng, đề nghị rà soát lại việc này để chi sao cho hợp lý.

Mặc dù vậy, dư luận xã hội vẫn chỉ trích mạnh mẽ rằng quyết định đó của lãnh đạo thành phố Hải Phòng là không hợp lý, lãng phí và không cần thiết.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, qua trang Facebook cá nhân, đăng tải một bài viết vào hôm 3/3 với nhan đề “Hải phòng: Minh chứng cho sự thất bại của công tác bồi dưỡng cán bộ nguồn”. Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu cho rằng lãnh đạo Hải Phòng muốn làm cho nhân dân được hài lòng là phải làm cho Hải Phòng giàu có, chứ không phải tặng quà kỷ niệm mà thất thoát tốn kém. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nhận định và chúng tôi xin được trích nguyên văn: 

“Tập thể cán bộ nguồn của Đảng ở Hải Phòng cho những 3 nhiệm kỳ mà có một quyết định lạ lùng đến như vậy, thì không hy vọng gì vào các cán bộ nguồn này. Hải Phòng sẽ chẳng có cửa giàu mạnh nhanh, nếu tập thể cán bộ nguồn này kế tiếp thay nhau lãnh đạo Hải phòng.” 

Không những thế, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu còn cho là “Qua Hải Phòng nhìn thấy bức tranh bồi dưỡng cán bộ nguồn trên toàn quốc. Vì Tỉnh Thành nào thì cán bộ nguồn cũng có trình độ y hệt Hải Phòng. Bởi tất cả họ được đúc ra từ một khuôn theo cùng một cách thức”. 

Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói với RFA rằng theo ghi nhận của ông thì:
“Thậm chí tôi thấy cán bộ càng về sau lại càng ngu hơn, lại càng gian manh hơn. Tôi cứ nhìn vào Bộ Giáo dục thôi. Đầu tiên những ông Tạ Quang Bửu, ông Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng. Sau đó đến bà Nguyễn Thị Bình, ông Trần Hồng Quân. Rồi sau này là ông Nguyễn Minh Hiển, ông Phạm Vũ Luận đã kém đi rồi. Bây giờ thì ông Nhạ-ông Bộ trưởng nói ngọng. Chỉ mỗi Bộ Giáo dục thì cũng thấy càng ngày càng kém đi, càng dốt đi. Đấy là quy hoạch đào tạo đấy! Các ngành khác cũng thế thôi.” 

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam từng khẳng định với RFA rằng bộ máy của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam là một bộ máy không phương cứu chữa, bởi vì đó là một bộ máy không “vì dân-vì nước” mà là một bộ máy tham nhũng từ trên xuống dưới.

Báo cáo mới của tổ chức Minh bạch Quốc tế về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng toàn cầu năm 2018, công bố hôm 29/1/19, đã xếp Việt Nam hạng 117, xuống 10 hạng so với năm trước đó.

Mới đây nhất, Ủy viên Bộ Chính trị- Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, diễn ra vào ngày 10/1/2020 cho biết đã thi hành kỷ luật hàng ngàn tổ chức đảng, hàng vạn cấp ủy viên các cấp và xấp xỉ 55 ngàn đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Một vài nhà quan sát tình Việt Nam Đài RFA tiếp xúc đồng quả quyết kết quả các khóa học bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ nguồn càng đạt 100% giỏi và xuất sắc thì công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động sẽ không có hồi kết, hay như theo như quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thể hiện trong bài viết của ông rằng chống tham nhũng với kết quả không ngoài “Dã tràng xe cát biển Đông”.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét