Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Dấu lặng cuối tuần: NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHUYẾT TẬT NHẶT ĐÁ VÁ ĐƯỜNG


Người đàn ông khuyết tật nhặt đá, vá đường

Diệp Phan
Thứ bảy, 21/12/2019, 06:00 (GMT+7)
Nắng gắt, mồ hôi ướt đẫm lưng, tiếng nện búa cũng không còn chắc nữa ông Dân mới gom đồ nghề và mấy cái bao rỗng trở về khi vá xong hai ổ gà lớn.

Ông Dân hì hụi bê đống đồ nghề lỉnh kỉnh chất lên chiếc xe ba gác rồi nhấc cái chân trái còng queo của mình đặt lên yên trước, dùng chân phải còn lành lặn đạp mạnh xuống mặt đường để xe lăn bánh. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc với người dân phường Trà Nóc, thành phố Cần Thơ và mọi người biết ông Dân lại sắp đi vá đường ở đâu đó.

Đã 5 năm rồi, ông Nguyễn Hồng Dân (51 tuổi) xem công việc vá đường là niềm vui. "Tui chỉ vá mấy cái lỗ nhỏ cho bà con đi tạm khỏi té thôi, chứ sức đâu mà làm thay Nhà nước", ông Dân nói. "Cơ duyên" đưa ông đến với công việc này là hồi 2014 khi vừa cùng vợ lên Bình Dương bán vé số, ông chứng kiến một người đàn ông đi đường không kịp tránh ổ gà, ngã xe gãy cổ, tử vong tại chỗ. Ám ảnh với vụ tai nạn, vài ngày sau ông đến nhà nạn nhân thăm hỏi rồi ngay hôm sau mua xi măng và cát, nhặt đá ven đường trộn lại, vá cái ổ gà đã cướp đi một mạng người.

"Vá cái đó thì không thể bỏ qua những cái bên cạnh. Riết rồi đi đường thấy ổ gà là tui nhớ trong bụng, bán vé số đủ ăn, dư được đồng nào tui mua xi măng làm liền", ông Dân kể.

Ông Nguyễn Hồng Dân và chiếc xe gác chở nhựa đường chuẩn bị đi vá ổ gà. 
Ảnh: Diệp Phan.

Kể từ đó, ông âm thầm tự bỏ tiền ra vá hàng ngàn ổ gà ở Bình Dương, rồi Kiên Giang, bây giờ là Cần Thơ theo những lần chuyển chỗ ở. Về lại Cần Thơ hơn ba năm nay, ông tiếp tục bán vé số, còn vợ ông bán những thứ lặt vặt trong căn nhà trọ nhỏ.

Mấy tháng trước, ông Dân phát hiện dọc bờ kênh có nhiều cục nhựa đường người ta bỏ đi nên thử tận dụng. Kết quả là ổ gà vá bằng nhựa đường chắc chắn và đẹp hơn. "Nhựa đường cũ đập ra trộn với dầu hỏa, tui thấy xài bền hơn xi măng nhiều", ông nói.

Dừng xe ở con kênh cạn gần nhà, bất chấp nước đen kịt bốc mùi, ông Dân ngồi lên một tảng đá to sát bờ, chân còn lại nhúng xuống kênh rồi rướn người ra xa nhặt những cục nhựa đường. Khi được năm bao đá nhỏ ông đẩy xe đến khúc cua gần nhà nơi có cái ổ gà lớn mà ông thấy từ hai ngày trước.

Người đàn ông 51 tuổi bắt đầu bằng cách dùng chổi quét sạch sẽ khu vực sắp "thi công" rồi lấy dầu hỏa xịt đều lên đống nhựa đường cũ, châm lửa đốt bởi "đá lấy dưới kênh lên ướt nhẹp, phải đốt vậy nó mới dễ đập, cũng là làm chảy lớp nhựa cũ ra luôn". Một lúc sau, khi những tảng nhựa đường lẫn đá cấp phối nóng chảy, ông Dân dùng búa đập mạnh thành những cục nhỏ rồi lấy tay dàn đều, phủ kín cái ổ gà nham nhở. Không có lu hay đầm, ông dùng chiếc chày nện để lớp đá nhựa đường cũ "ăn" vào nhau thật chặt.

Sau hơn bốn năm vá đường bằng xi măng, mới đây ông Dân phát hiện ra có thể tận dụng những cục nhựa đường cũ để miếng vá chắc và đẹp hơn. Ảnh: Diệp Phan.

"Công nghệ" vá đường mới của ông tỏ ra hiệu quả hơn hẳn cả về mặt thẩm mỹ lẫn sự bền chắc. Hơn bốn năm vá đường, ông Dân nhận ra rằng những chỗ vá chỉ được một thời gian ngắn. Con đường vành đai dẫn vào sân bay Cần Thơ có một đoạn hẹp, dài khoảng 2 km mà ba năm nay ông đã phải vá không biết bao nhiêu lần bởi cứ vá khoảng vài tháng lại trở về như cũ.

Đi bán vé số, vừa để ý đoạn nào có ổ gà, lại vừa ngó nghiêng xem chỗ nào có nhựa đường cũ để gom về, nhiều người biết chỗ cũng chỉ ông đến lấy. Trước nhà hiện nay có khoảng 2 tấn nhựa đường ông để dành hơn nửa năm nay với quyết tâm vá dứt điểm đoạn đường vành đai sân bay.

"Mỗi ngày tui bán vé số cũng được 100 ngàn, mình giúp đỡ người khó khăn thì chỉ giúp được một hai người thôi, vá đường vậy thì giúp được nhiều người, mà còn giúp được cả năm", ông Dân nói. Khoảng hơn một năm nay ông Dân ít đi bán vé số, một phần vì đã có cửa hàng nhỏ của vợ kiếm được đồng ra đồng vào, phần vì ngày càng nhiều người biết đến việc làm của ông nên thường tìm đến chỉ những chỗ đường hỏng, rồi dành dụm ít tiền gửi ông mua vật liệu.

"Sáng nay tui đạp xe ra đại lý vé số tính lấy trăm tờ đi bán nhưng có một cô lạ hoắc gọi lại gửi ít tiền rồi nhắn: Con để dành bữa giờ, chú mua đồ vá đường nhen", ông kể và cho biết số tiền đó được quy đổi thành chục lít dầu hỏa cùng với nhựa cũ có sẵn để vá cái ổ gà này.

Thấy chồng làm việc thiện, vợ ông, bà Ngô Thị Phường, 50 tuổi, không cản, vì bà cũng chứng kiến vụ tai nạn vì ổ gà ở Bình Dương năm đó mà chỉ thi thoảng nhắc chồng "làm vừa thôi" bởi lo ngại cái chân tật nguyền của ông có thể sinh chuyện khi bưng đá, nện búa mạnh.

Ông Lê Văn Tước, Tổ trưởng từ thiện phường Trà Nóc, TP Cần Thơ cho biết, tổ từ thiện của phường cũng thi thoảng đi vá đường. "Nhưng cả tổ tôi làm không bằng một mình ông Ba Dân", ông Tước nói.

Tháng 11 năm ngoái, ông Dân được ra Hà Nội nhận giải thưởng KOVA, ở hạng mục Sống đẹp, giải thưởng tôn vinh những cá nhân, tập thể xuất sắc trong nhiều lĩnh vực trên khắp cả nước.

Gần 12h, nắng gắt khiến mồ hôi ướt đẫm lưng, chảy giọt trên má nên tiếng nện búa của ông Dân cũng không còn chắc nữa. Tỳ tay xuống đất, ông đứng bật dậy, gom đồ nghề và mấy cái bao rỗng trở về khi vừa vá xong hai ổ gà lớn.

"Tui nghe người ta nói ở Sài Gòn nhiều đường có ổ gà lắm. Biết cái nhựa đường cũ này làm tốt vậy, có khi ra năm tui lên đó", ông Dân kể về dự định lên Sài Gòn của mình.
 
Diệp Phan
Nguồn:VNE
 

3 nhận xét :

  1. Coi chừng bị bắt đào lên lại hết vì dành công việc kiếm ăn của bộ GTVT ông ơi! Ông gì tự ý sửa đường cho bà con bị phạt phải "trả lại nguyên trạng " đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phát động trong toàn đảng : Học tập và làm theo tấm gương sáng ngời của ông Nguyễn Hồng Dân.

      Xóa
  2. Các đơn vị duy tu bảo dưỡng đường bộ ăn lương của Dân để hoc gi và làm việc gì ...? Không khéo đến nơi còn phải buộc bác bán vé số này phải về viết đơn lên các quan XIN PHÉP SỬA CHỬA mới được làm ..... Ngao ngán ...lắm .!

    Trả lờiXóa