Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

GS. LÊ HUY BÁ LÊN TIẾNG VỀ THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG MIỀN TRUNG

  Cá chết ở bờ biển huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hôm 20/4/2016.

Cá chết hàng loạt thành thảm họa môi trường
do chậm xử lý?


Việt Hà, phóng viên RFA RFA 2016-04-29
 
Ô nhiễm biển miền Trung Việt Nam gây ra cá chết hàng loạt mới đây được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là do thủy triều đỏ và độc chất hóa học do con người thải ra nhưng lại không cho biết cụ thể những độc chất hóa học nào có thể là tác nhân gây cá chết hàng loạt. Sự chậm trễ trong xử lý vấn đề đang khiến sự cố biển miền Trung trở thành một thảm họa môi trường và có hậu quả lâu dài theo nhận xét của giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường thuộc trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Liên quan đến chất thải số lượng lớn

Giáo sư Lê Huy Bá dành cho Việt Hà của đài Á Châu Tự do buổi phỏng vấn về vấn đề này. Trước hết đánh giá về kết luận gần đây của Bộ Tài nguyên Môi trường đối với thủy triều đỏ, giáo sư Lê Huy Bá cho biết:
Độc tố thứ nhất phải mạnh, nhiều, tải lượng cao, nồng độ lớn thì mới có thể gây chết như thế. Những chất đó thường là chất hóa học hoặc kim loại nặng, có thể dưới dạng ion hoặc dạng axit mạnh hoặc những kim loại nặng gây chết hàng loạt như crom, niken, thủy ngân hoặc đồng.
GS Lê Huy Bá
GS Lê Huy Bá: Không thể có thủy triều đỏ trong điều kiện môi trường và điều kiện tự nhiên như vậy. Thủy triều đỏ là tảo nở hoa mà tảo nở hoa thì phải có giống tảo thích hợp với môi trường biển ở miền Trung. Thứ hai kèm theo đó là điều kiện lục địa của vùng biển đó phải có dạng như hình lưỡi liềm và sóng gió không có mấy và không có hải lưu. Nhưng ở miền trung thì có một dòng hải lưu ở lưng lửng chảy xuống phía nam. Tiếp theo nữa là những chỗ có thể tạo thủy triều đỏ phải  hứng chịu lượng trầm tích và trong chất lơ lửng có chứa nhiều chất hữu cơ và trong chất hữu cơ đó có chứa ni-tơ và phốt-pho, và có tỷ lệ 1/16. Mùa thì phải có là mùa cuối hè và đầu thu chứ không phải bây giờ. Chúng tôi có người bạn nghiên cứu về viễn thám đã chứng minh rằng vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị Thừa Thiên Huế khi quan sát không thấy chỉ số thay đổi màu nước cho thấy sự xuất hiện của tảo để xảy ra thủy triều đỏ. Có nghĩa là từ tháng 3 đến giờ là không hề có một biểu hiện nào của thủy triều đỏ ở vùng biển đó.

Việt Hà: Theo giáo sư thì vấn đề độc tố hóa học của con người trên đất liền và trên biển mà với lượng cá chết có ngày người dân nói là lên đến hàng tấn cá như vậy thì theo giáo sư đánh giá độc tố này là như thế nào?

GS Lê Huy Bá: Độc tố thứ nhất phải mạnh, nhiều, tải lượng cao, nồng độ lớn thì mới có thể gây chết như thế. Những chất đó thường là chất hóa học hoặc kim loại nặng, có thể dưới dạng ion hoặc dạng axit mạnh hoặc những kim loại nặng gây chết hàng loạt như crom, niken, thủy ngân hoặc đồng hoặc một số chất khác mới có thể gây chết hàng loạt như vậy.

000_9Y4WA-400.jpg
Một phần nhà máy thép Formosa của Đài Loan tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hôm 4/12/2015. AFP PHOTO.

Việt Hà: Mới vừa rồi thì cơ quan chức năng bên Huế đã kiểm tra và nói rằng nồng độ crom ở vùng biển đó có hơi cao hơn. Theo đánh giá của giáo sư thì crom ở mức độ cao như vậy thì sinh hoạt hàng ngày của con người có thể thải ra cái lượng crom lớn như vậy được không?

GS Lê Huy Bá: Cái đó chắc chắn là từ công nghiệp. Sinh hoạt dân dụng không thể có hiện tượng đó. Vì nếu vậy thì chết lâu rồi. Hiện tượng chết hàng loạt và chết ở tầng biển 30 đến 40 mét thì không thể là thủy triều đỏ mà chỉ có thể là kim loại nặng và một số hóa chất xuất hiện có liên quan đến chất thải với lượng lớn, chất độc cao, nồng độ cao và thường là hóa chất.

Việt Hà: Khi người ta đã thải ra với lượng lớn như vậy thì tác hại sẽ kéo dài bao lâu và mình có giải pháp nào có thể xử lý được vấn đề này không?

GS Lê Huy Bá: Đoạn này là hơi khó vì độ kéo dài của nó phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự làm sạch của biển (detoxification) của biển. Khả năng tự làm sạch của biển mà không cao thì việc làm giảm chất độc là rất lâu. Lịch sử đã chứng minh ở Nhật là 30 năm sau vẫn còn bị mặc dù họ đã có biện pháp tức thời để tẩy rửa nhưng không ăn thua. Nó nằm ở trầm tích, kim loại nặng xuống sâu xuống trầm tích biển thì làm sao vớt lên được mà loại trừ nó khó lắm. Cái nguy hiểm nhất là nó đi vào dây chuyền thực phẩm. Nó có khả năng tích lũy và phóng đại sinh học. Cái nguy là nguy chỗ đó. Khi thực vật trôi nổi (phytoplankton) nhiễm arsen, hay crom thì trong những con sinh vật phù du (plankton) sẽ ăn những thực vật phù du đó và nó sẽ tích lũy hơn rất nhiều và cao hơn so với thực vật trôi nổi. Con cá ăn thực vật trôi nổi đó thì tích lũy cao hơn nhiều lần. Cho đến khi con chim và con người ăn phải cái đó thì tích tích lũy cao nhiều lần nữa . Vừa tích lũy sinh học, vừa phóng đại sinh học thì hậu quả cuối cùng là con người là sinh vật tiêu thụ cao là dễ bị ung thư mà có thể nói trắng là con người bị ung thư. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến ung thư sau này.

Việt Hà: Mất đến 20 ngày Bộ Tài Nguyên môi trường mới đưa ra kết luận là độc chất hóa học và thủy triều đỏ mà cũng không nói là độc chất nào. Theo giáo sư là một nhà chuyên môn việc tìm ra độc chất hóa học đó có cần lâu đến như vậy và khó khăn đến như vậy không?

GS Lê Huy Bá: Tôi có thể nói rất khách quan là mặc dù có khó thật vì phải truy nguyên và phải làm rất chính xác, công minh đúng đắn để đưa ra kết luận khách quan để mọi người tâm phục khẩu phục. Nhưng nói thế khó không có nghĩa là không làm được bởi vì ngay cả điều kiện Việt Nam ta có đủ phương tiện và trí tuệ để làm được và thời gian không cần phải kéo dài như vậy. Ở đây tôi cho rằng bắt đầu nó là sự cố môi trường nhưng nó đã chuyển thành thảm họa môi trường. Khi đã có thảm họa môi trường thì phải xử lý ngay, có đáp ứng kịp thời  càng sớm càng tốt để khắc phục.

Việt Hà: Xin cảm ơn giáo sư.
 

 

8 nhận xét :

  1. Lãnh đạo VN luôn lặp lại kịch bản "tình cảm" với nhân dân http://www.tienphong.vn/xa-hoi/pho-thu-tuong-mong-ba-con-ngu-dan-thong-cam-binh-tinh-998763.tpo

    Trả lờiXóa
  2. Đây là thảm hoạ diệt chủng đối với sinh vật biển miền trung VN, thảm hoạ này sẽ lan dần ra cả 3 miền. Nếu bắt đầu xử lí từ bây giờ thì cũng phải mất vài thập niên mới trả lại được môi trường vốn có cho vùng biển VN. Ngư dân và dân quanh vùng sẽ sinh sống như thế nào và sinh sống bằng nghề gì? Không phải là đánh cá và làm muối!

    Trả lờiXóa
  3. Tại sao Bộ KHCN và Viện Hàn Lâm KHCN đang "im lặng đáng sợ". Trong thời gian qua VN đã chi hàng nghìn nghìn tỉ để trang bị bao nhiêu Phòng Thí Nghiệm Trọng Điểm Quốc Gia. Chả lẻ những thiết bị đó lại "đắp chiếu" tất cả?

    Trả lờiXóa
  4. Thế mà ông thứ trưởng bộ TNMT, ông phó chủ tịch tỉnh nọ thông tin đến báo chí, đến dân chúng như chúng ta đã biết. Chỉ có thể có 3 khả năng: các quan không biết, không am hiểu thật dù bằng cấp đầy người, các quan biết nhưng xấu bụng vì một mục đích đen tối, bệnh hoạn. Các trường hợp đều phải được xử lý thích hợp. Nghĩ xa hơn tìm nguyên nhân và cũng là giải pháp là từ nhận thức, phải nhận biết: Nặng giai cấp và ý thức hệ, nhẹ dân tốc đều sai lầm và thất bại. Khẩu hiệu tranh cử để thắng lợi của tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm, sắp sang thăm nước ta đáng để chúng ta suy ngẫm, đáng để hỏi ông về sự trải nghiệm này.

    Trả lờiXóa
  5. Bây giờ ở nước mình lại có thêm một tai họa đáng sợ là ngay cả những vấn đề rất cần phải có ý kiến của giới khoa học-kỹ thuật thì các cơ quan chức năng thường bỏ ngoài tai ý kiến của những nhà khoa học mà họ cho là không "ăn cánh" với mình.

    Trả lờiXóa
  6. Hi vọng Việt Nam lần này sẽ thoát ra khỏi thòng lọng của Formosa.

    Trả lờiXóa
  7. http://thoibao.today/paper/ha-tinh-du-khach-tra-lai-phong-dip-nghi-le-414197 Hà Tĩnh: Du khách trả lại phòng dịp nghỉ lễ
    Ông Đặng Thế Tân, Phó Ban quản lý khu du lịch Thiên Cầm (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Cả khu có hơn 800 phòng nghỉ, giá dao động từ 800.000 đến 1.000.000 đồng. Do cá chết ở vùng biển Kỳ Anh nên đã có 80% lượng khách trả phòng, gây thất thu lớn”.

    Trả lờiXóa
  8. Ngày 27/4, tức là hơn 20 ngày sau khi cá biển bị chết hàng loạt dọc bốn tỉnh miền Trung (bắt đầu từ Hà Tĩnh) mà Bộ TN-MT cho rằng Formosa không liên quan thì tôi đã rất ngạc nhiên dù tôi biết rằng cuộc điều tra vẫn còn đang tiếp tục và ý kiến của Bộ lúc đó chưa phải là kết luận cuối cùng. Bởi vì, theo tôi, lúc đó, đã có những yếu tố rõ ràng cho thấy trong thảm họa này, Formosa có liên quan,(còn mức độ hay tính chất của liên quan thì tôi chưa có ý kiến). Những yếu tố đó là: (1)một đường ống xả khủng được Formosa đặt ngầm dưới đáy biển do một thợ lặn người Hà Tĩnh phát hiện trong khi nó đang xả thải, (2)300 tấn hóa chất được Formosa nhập về từ đầu năm mà báo chí đã có danh mục, (3)phát biểu của PGĐ Chu Xuân Phàm phải được xem như một sự thừa nhận chính thức của lãnh đạo Formosa rằng hoạt động xả thải của Formosa có thể đã gây nên sự cố nghiêm trọng này. Tôi cho rằng chỉ với ba yếu tố này là đủ để các cơ quan chức năng của VN đặt Formosa vào tầm ngắm. Nếu đến nay mà các Bộ vẫn còn quan điểm cho rằng Formosa không liên quan... thì tôi e rằng cuộc điều tra sẽ không thể có kết quả chính xác được!

    Trả lờiXóa