Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

PHÓ CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - TRUNG TRẢ LỜI PV TRUYỀN HÌNH TQ

Truyền hình Trung Quốc phỏng vấn học giả Việt 

về tranh chấp Biển Đông

Tuần Việt Nam giới thiệu toàn văn bài trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc) của TS Vũ Cao Phan, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc như một góc nhìn cần tham khảo.
Tiến sĩ Vũ Cao Phan , nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc đã có buổi trả lời phỏng vấn Đài Truyền  hình Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc) trong tư cách Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Một phần của bài trả lời phỏng vấn này đã được phát trong Chương trình liên tuyến "Nhất hổ nhất tịch đàm" được truyền phát đến hơn 150 quốc gia trên thế giới tối thứ bảy, 25 /6/2011.

Phía Trung Quốc luôn leo lên trước

Sự thể hiện cứng rắn gần đây của Việt Nam ở Nam Hải (Biển Đông) biểu thị một thái độ gì ?

Trả lời : Nếu chỉ nhìn vào riêng biệt các sự kiện xảy ra gần đây để đánh giá phản ứng và thái độ của Việt Nam thì sẽ  không chính xác. Phải nhìn rộng ra một chút, nhìn xa ra một chút. Vài năm gần đây ngày càng có nhiều các tàu đánh cá của phía Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết lưới cụ rồi đòi tiền chuộc. Như năm ngoái chẳng hạn, hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân khu vực miền Trung bị bắt giữ. Đây vốn là vùng đánh cá truyền thống lâu đời và yên lành của ngư dân Việt Nam, bây giờ bỗng nhiên liên tục xảy ra những sự việc như vậy.

Có lần tivi Việt Nam chiếu cảnh hàng trăm thân nhân của những người đánh cá đứng, ngồi lam lũ trên bờ biển khóc lóc ngóng lo chồng con trở về đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội (điều này chắc các bạn Trung Quốc không biết).

Nhà đương cục Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc về vấn đề đó nhưng hầu như không được đáp ứng. Lần này Trung Quốc hành động mạnh hơn thì phản ứng của Việt Nam cũng buộc phải mạnh hơn, không có gì quá bất thường.

Tàu hải giám Trung Quốc, đội tàu thường xuyên quấy nhiễu vùng biển Việt Nam

Trong tinh thần ấy, tôi nghĩ, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ là những phản ứng tự vệ, đâu có phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh như các bạn vừa suy luận. Nếu người dân Trung Quốc thấy bất thường thì có lẽ là vì các bạn không biết đến các sự kiện trước đó như tôi vừa nói.

Còn nếu gọi đây là một sự leo thang thì phải thấy là Việt Nam leo theo các bạn Trung Quốc. Đúng thế đấy, phía Trung Quốc luôn luôn leo lên trước.

Theo ông, tranh chấp trên Nam Hải (Biển Đông) sẽ được giải quyết bằng vũ lực hay đàm phán ?

Ở Việt Nam loại câu hỏi như thế này hầu như không được đặt ra; tôi nói hầu như nghĩa là không phải không có. Mặc dù Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung - Việt vào lúc này vì những hòn đảo ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải).

Về phía cá nhân, tôi tin cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Thứ nhất là vì Chính phú hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp này không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.

Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình.
Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại - tôi muốn nói đến một dư luận quốc tế đã trưởng thành - sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy.

Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn, tôi tin như vậy. Tôi xin hỏi lại anh, chắc anh cũng không muốn có muốn một cuộc chiến tranh chứ ?
Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra những va chạm, xung đột nhỏ.

Bản chất của tranh chấp Trung - Việt

Bản chất của sự tranh chấp Trung - Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền ? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc "gác tranh chấp, cùng khai thác" như thế nào ?

Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trưng Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc "gác tranh chấp, cùng khai thác". Ta thử phân tích xem tại sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi.

Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra? Liên quan đến nó là lý do thứ hai: "gác tranh chấp, cùng khai thác" mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là: "Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác", có đúng không? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là "chủ quyền"! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên?

Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.

Về câu hỏi của các bạn là bản chất của cuộc tranh chấp Việt - Trung là gì, kinh tế hay chủ quyền thì tôi đã phát biểu như vậy. Nhưng nếu cho tôi được phát triển theo ý mình thì tôi nói rằng, bản chất của cuộc tranh chấp này là chính trị. Quan hệ Việt - Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây, có phải vậy không? Để giải quyết nó, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với nhau, ở cấp cao nhất ấy, một cách bình đẳng, bình tĩnh, thẳng thắn và chân thành. Vấn đề hóc búa đấy. Đương đầu với sự thật không dễ dàng, nhưng sẽ dễ dàng nếu xuất phát từ thiện chí mong muốn một sự bền vững thực chất cho tình hữu nghị Việt - Trung.
 
Làm gì để duy trì quan hệ hữu hảo Việt - Trung?

Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Trung - Việt sẽ như thế nào ? Làm cách nào để có thể duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước ?

Tôi là một người có nhiều năm công tác ở Hội Hữu nghị Việt - Trung, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc và nói một cách rất chân thành là tôi yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là "thân Trung Quốc" cũng được. Vì thế, điều mong muốn thường trực của tôi là làm sao xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, thật sự tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Chắc các bạn cũng muốn vậy. Nhưng có không ít việc phải làm. Có việc phải bắt đầu lại. 

Trước hết, như tôi đã nói là phải ngồi lại với nhau. Có vị bảo với tôi là ngồi mãi rồi còn gì. Không, ngồi như vậy chưa được, ngồi như vậy không được. Ngồi thế không phải là ngồi thẳng. 

Về phần mình với mong muốn như vậy, tôi xin được gửi gắm đôi điều giống như là những lời tâm sự đến các bạn: 

Thứ nhất là, vấn đề đàm phán song phương giữa hai nước. Tôi nghĩ đàm phán song phương cũng tốt, cũng cần thiết. Những nơi có tranh chấp đa phương như quần đảo Trường Sa (Nam Sa) thì cần phải đàm phán nhiều bên còn như quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) là vấn đề của riêng hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại khác. Nhưng Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà "song phương" ở đây? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa "con đường song phương". 

Tình trạng tranh chấp Hoàng Sa rất giống với tình trạng tranh chấp của đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà ở đấy, địa vị của Trung Quốc hoàn toàn giống như địa vị của Việt Nam ở Hoàng Sa lúc này. Chẳng lẽ Trung Quốc lại có một tiêu chuẩn kép cho những cuộc tranh chấp giống nhau về bản chất sao ?Ư

Thứ hai là, chúng ta thường nói đến sự tương đồng văn hóa giữa hai nước như là một lợi thế cho việc chung sống hữu nghị bên nhau giữa hai dân tộc.  Điều đó đúng một phần, nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ứng xử có sự khác biệt với lớn Trung Quốc. Nếu văn hóa ứng xử của người Trung Quốc là mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán (và do đó thường áp đặt?), nặng về lý trí, thì văn hóa ứng xử của người Việt Nam là nhẹ nhàng, khoan dung, nặng về tình, ơn thì nhớ lâu, oán thì không giữ. Hình như các bạn Trung Quốc chưa hiểu được điều này ở người Việt Nam. Cần phải hiểu được như vậy thì quan hệ giữa hai bên mới dễ dàng. 

Tôi có thể lấy một ví dụ. Những sự kiện ở Nam Kinh, ở Lư Cầu Kiều xảy ra đã hơn bảy chục năm rồi. Nhưng mỗi khi có vấn đề với Nhật Bản, người Trung Quốc lại xuống đường biểu tình, đầy căm thù nhắc lại những sự kiện ấy. Người Việt Nam thì không như vậy. Phát xít Nhật đã góp phần gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người Việt Nam năm 1945, và trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1965 - 1975, người Mỹ, người Hàn Quốc đã gây rất nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, chính những người lính các nước này khi trở lại Việt Nam đã rất ngạc nhiên bắt gặp những nụ cười niềm nở thân thiện của người dân. Có lẽ nhờ thái độ, cách ứng xử đó của người Việt Nam chăng mà Mỹ, Nhật, Hàn cuối cùng đã trở thành những đối tác kinh tế và thương mại lớn, và là những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam sau chiến tranh? 

Nói như thế vì tôi thấy rằng, cách ứng xử nặng nề của phía Trung Quốc đối với Việt Nam đã và đang đẩy những người Việt Nam vốn rất yêu quý Trung Quốc ra xa các bạn, chứ không phải là Việt Nam cố đi tìm những liên minh ma quỷ để chống Trung Quốc. 

Lấy thêm một ví dụ nữa nhé! Bây giờ chúng ta đã có thể hiểu bản chất sự kiện (cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh) tháng 2/1979 rồi. Người Việt Nam đã muốn quên đi, và khi tiếp xúc với các bạn Trung Quốc vẫn luôn giữ một sự niềm nở chân tình. Trái lại người Trung Quốc rất hay nói đến sự kiện đó. Các bạn biết không, năm 2009, tôi chẳng để ý đó là năm gì, giở báo, mạng của các bạn mới biết là đã 30 năm kể từ 1979. Không phải chỉ vào tháng 2 đâu mà suốt cả năm 2009 người ta nói về sự kiện này. Hàng mấy trăm bài viết, nhiều bài trên mạng mà nhìn vào chỉ muốn khóc. Lời lẽ thật tàn tệ. Thôi, cho chuyện này qua đi ...

Để Biển Đông không nổi sóng, các bên cần thẳng thắn và thiện chí.

Thứ ba là, quan hệ giữa hai nước chúng ta thậm chí phải trở nên đặc biệt vì chúng ta có sự tương đồng văn hóa, lịch sử, là láng giếng không thể cắt rời, từng hoạn nạn có nhau (bản thân  tôi là một người lính trong chiến tranh, tôi không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc về cả vũ khí, lương thực mà mình trực tiếp được sử dụng). Hai nước chúng ta lại đang cùng cải cách mở cửa, phát triển kinh tế. Chừng ấy lý do là quá đủ để quan hệ này trở nên hiếm có, trở nên đặc biệt. 

Tôi nói như vậy là muốn phát biểu thêm rằng, hai nước còn một lý do tương đồng nữa là cùng thể chế chính trị, cùng ý thức hệ, điều hay được người ta nhắc đến. 

Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi - của riêng tôi thôi nhé - thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Nó tồn tại như một điều kiện, một lý do thế thôi, không cần nhấn mạnh như cách hai nước vẫn làm. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau. 

Hơn nữa, giả dụ một ngày nào đó một trong hai nước chúng ta có một thể chế chính trị khác thì sao, chúng ta lúc ấy còn cần duy trì quan hệ láng giềng tốt nữa không ? Vẫn cần chứ, rất cần. Vậy thì ... 

Tôi rất sẵn lòng cùng các bạn làm tất cả những gì để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã hiểu biết càng hiểu biết nhau hơn nữa, đã gần gũi càng gần gũi nhau hơn nữa. Cám ơn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.
.

Trả lời phỏng vấn báo chí về việc Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa bài bình luận với những lời lẽ không chính đáng, mang tính chất đe dọa về vấn đề biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết:

"Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là hết sức rõ ràng. Việt Nam chủ trương giải quyết mọi vấn đề, trong đó có vấn đề biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra những bình luận thiếu thiện chí, không đúng với sự thật, và điều này hoàn toàn ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước, gây ra những tổn thương về tình cảm cho nhân dân Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng Thời báo Hoàn cầu cũng chỉ là tiếng nói của một nhóm người nhất định, chứ không phải đại diện cho nhân dân Trung Quốc. Tôi tin rằng nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới đều không thể đồng tình và chia sẻ với những bình luận thiếu thiện chí như vậy của Thời báo Hoàn cầu".

"Về phía Việt Nam, chúng ta bao giờ cũng nói rất rõ ràng về chủ trương giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn chủ trương phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc. Hai nước đang xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhân dân hai nước cũng như hai Đảng, hai nhà nước đều rất nỗ lực phát triển mối quan hệ vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Tôi tin rằng những bình luận thiếu thiện chí của tờ Thời báo Hoàn cầu đã không đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân 2 nước" - bà Nga nói.

 Nguồn: Tuần Việt Nam (VNN)

31 nhận xét :

  1. Cả hai bên đều "Nói hay làm dở", không tin được
    bên nào. Chỉ khổ cái lỗ tai và cuộc sống của nhân dân cả hai nước!

    Trả lờiXóa
  2. Kts Trần Thanh Vânlúc 08:21 29 tháng 6, 2011

    Oi! Tình hữu nghị Việt Nam Trung Hoa?
    "TÌNH HỮU NGHỊ VIỆT NAM VÀ TRUNG HOA NHƯ MÔI
    VỚI RĂNG. MÔI HỞ THÌ RĂNG LẠNH. RĂNG CẮN THÌ MÔI ĐAU"

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đọc bài này trên báo. Mừng, lâu lắm mới thấy "mưa rơi bể Bắc" như vậy.

    Trả lờiXóa
  4. Người Việt Nam xây phố cho người Hoa ngay giữa trung tâm Thành Phố Mới ở Bình Dương.
    http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-28-khi-nguoi-viet-nam-xay-pho-danh-rieng-cho-nguoi-hoa-
    Hoan hô tình hữu nghị Hoa - VIỆT !!!

    Trả lờiXóa
  5. Cuộc phỏng vấn chỉ là một phần rất nhỏ trong chương trình được chuẩn bị công phu của đài Phượng Hoàng, mà chương trình này thì chủ yếu nói về với tình hình hiện nay Trung Quốc có nên sử dụng giương oai sức mạnh quân sự hay không.Trong bài này một nhà bình luận Trung Quốc đã nói là: cò súng trong tay Việt Nam, nếu Việt Nam bóp cò thì Trung Quốc sẽ chơi đến cùng... Tôi thấy Việt Nam nên học tập Trung Quốc làm những chương trình tương tự, tổ chức một cuộc thảo luận, khán giả có hàng trăm người, rồi mời cả người nước ngoài đến để thảo luận (Phượng Hoàng mời cả người Mỹ, Nhật, Hàn, Việt Nam đến thảo luận).

    Trả lờiXóa
  6. Đọc bài này tôi thấy sống lưng lạnh toát. Mồ hôi đầm đìa (mặc dù đang ngồi phòng điều hòa 21 độ). Bác Hồ nói “Việt Nam muốn hòa bình, Việt Nam đã nhân nhượng,…”. Việc nhân nhượng đôi khi là cần thiết, nhưng đôi khi lại giết chết mình vì đưa nhân nghĩa đối xử với lang sói.
    Có một câu tục, nôm na thế này: "Đừng nghe Cave kể chuyện, đừng nghe thằng nghiện trình bày...". Nhìn vào lịch sử mấy nghìn năm dựng, giữ nước của cha ông, phải thấy được rằng bản chất thâm nho, độc ác và tư tưởng bành trướng đã ngấm sâu vào máu, não của chính quyền Bắc Kinh (người ta có thể thay đổi nhiều thứ, trừ não của mình). Chúng ra đánh Mỹ, Pháp chỉ là trận chiến mấy chục năm, nhưng trận chiến chống TQ kéo dài suốt mấy nghìn năm lịch sử (các nước phương tây thua Việt Nam là do họ thất bại trong việc phân biệt đâu là dân thường, đâu là quân giải phóng để không bắn nhầm thường dân, vì họ là nước văn minh. Còn TQ, phương châm chiến tranh là: “Cứ thấy cái gì động đậy là bắn, bất kể chó mèo, lợn, gà, bộ đội, thường dân. Bộ đội lớp sau bắn lớp trước, bất kể đó là quân TQ hay quân địch)…
    Với tính cách vừa bẩn, xấu, độc ác như vậy như vậy, tôi đoán được tương lai dân tộc, khi mà Việt Nam hợp tác làm “anh hem tốt” của TQ, khi mà các nước khác từ bỏ việc theo đuổi “đa phương hóa trong giải quyết tranh chấp Biển Đông” vì sự quay lưng của Việt Nam, khi đó, Cáo sẽ vào nhà. Việc dân tộc ta phụ thuộc là tất yếu. Ôi, dân tộc ta…

    Đàm Quang Đông

    Trả lờiXóa
  7. Trả lời phỏng vấn thông minh!

    Trả lờiXóa
  8. Bai tra loi phong van tuyet voi!

    Cam on TS Vu Cao Phan.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi thật sự cảm phục khi đọc bài trả lời phỏng vấn của TS Vũ Cao Phan.
    Nghĩ mà thương thay cho cái ông GS. Nguyễn Huy Quý...?!

    Trả lờiXóa
  10. "CUNG KHAI THAC U?" de TQ thanh chu tich hoi dong quan tri v se duoi viec cac thanh vien u?

    Trả lờiXóa
  11. He he... vao nha nguoi ta va de nghi CUNG KHAI THAC VO NGUOI TA ! bo tay!

    Trả lờiXóa
  12. Tôi đọc bài của ông Phan với nhiều thất vọng.Tôi cũng hiểu rằng ông cũng dám đương đầu với một số luân điểm quá sai trái của TQ nhưng tôi vẫn có cảm giác là ông vẫn có tâm trạng sợ,ít nhất sợ "TQ hiểu lầm".Phải nói thẳng là điều này may còn đúng chỉ với một bộ phận nào đó trong nhân dân TQ chứ đối với các "thế hệ cầm quyền TQ" cần khẳng định là không" Điều này đã được xác minh qua lịch sử và qua các tài liêu. Ông Phan không hiểu điều này thì rất là kỳ lạ đấy.Vì vậy ta cần phải kiên định
    1) Ta duy trì tình hữu nghị với mọi láng giềng,không phân biệt.Ông cha ta đã căn dặn:"Bán bà con xa mua láng giềng gần"
    2)Là một nước ta bình đẳng với mọi nước khác
    3) Ta là một bộ phận của cộng đồng:có trách nghiệm ,nghĩa vụ cũng như khai thác mọi hổ trợ của cộng đồng
    Vì thế trong quan hệ với TQ cần phải đặt trong việc tuân thủ các nguyên tắc của các mối quan hệ vói cộng đồng,đặc biệt cần "lật tẩy" các thủ đoạn "bịp bợm" của " nhà cầm quyền TQ"
    1)Gác tranh chấp cùng khai thác trong điều kiện không chịu phân rõ chủ quyền.Phải chăng đây là thủ đoạn "tằm ăn dâu" để TQ nuốt chửng ta một cách nhẹ nhàng nhất (cứ nhìn kiểu các Dự án mà TQ trúng thầu thì hiểu thâm độc của họ)
    2) Đàm phán song phương: Trường Sa,Hoàng Sa là của TQ,đường lưỡi bò là của TQ,các anh phải ngồi xuống và ký (chấm hết).Tinh thần của song phương là để nó sát thực với tình hình,còn với TQ ,song phương chủ đích là dùng sức mạnh để "cưởng bức""trấn lột". Điều này không những hại ta mà hại cả bạn bè vì đây là thủ đoạn "bẻ đủa từng chiếc"
    3)" Hợp tác cùng phát triển" theo kiểu TQ là "làm tôi tớ không công " Hợp tác theo cách "tao bảo thế nào mày phải nghe và làm như thế ấy".Vả lai giờ thì "thế giới đã nói nhiều": TQ nói đường làm một nẻo. Ta là nạn nhân rõ nhất cần làm nhân chứng cho vấn đề này
    Trong phát biểu của ông Phan tôi cho có hai điểm mơ hồ và sai trái
    1) Việt Nam "Ân nhớ lâu,oán mau quên".VN ân oán rất phân minh.Ân nhớ lâu,Oán cũng nhớ lâu,chỉ điều dân ta luôn vì Đại nghíã,không chấp nhặt kiểu "tiểu nhân" ,và luôn luôn vì quyền lợi của dân tộc,vượt qua các tính toán thấp hèn để mưu cầu hạnh phúc cho dân tốc
    2)Ông có nói đến "liên minh ma quỷ".Cần phải khẳng định rằng trong đầu óc của các nhà lãnh đạo ta không bao giờ đặt ra vấn đề này.Đưa vấn đề này ra tôi nghĩ ông ta muốn phân trần:Ông luôn luôn trung thành ,còn việc tôi bỏ chạy với ma quỹ là vì ông" Phải nói rằng tôi bỏ chạy là vì "ông là ma quỷ"và chúng tôi chạy đến không phải với ma quỷ mà với lương tri của thời đại.Tôi nghĩ ông nói như thế này tôi cho là phạm đến lòng tự trong của các vi9j lãnh đạo và dân tộc
    Tôi nghĩ với cương vị người có trách nhiệm phát biểu như trên có nhiều điểm không ổn.Tôi hiểu đây là vấn đề phức tạp ,khó nói,nhưng "nếu nói không được "thì thà "đừng nói" chứ không được nói sai,đặc biệt khi nó gây nên các phản cảm

    Trả lờiXóa
  13. Dù sao đây là bài phát biểu vừa chân tình vừa thẳng thắn và rất ..khôn. Không như những phát biểu nửa vời của các vị VN khác.
    Nhưng đây cũng chỉ là phát biểu của một học giả chứ chưa phải của thành viên CP

    Trả lờiXóa
  14. Có bác nào có toàn văn bài phỏng vấn bằng tiếng Anh không. Nếu có đề nghị đăng lên.

    Trả lờiXóa
  15. Hoan hô bác Vũ Cao Phan.

    Trả lờiXóa
  16. Trả lời của TS VC Phan rất khoa học và rất xác đáng. Trong đó nêu ra quan điểm mà phải làm minh bạch câu nói: Chủ quyền của ta, gác tranh tranh chấp, cùng khai thác, nổi bật vấn đề Hoàng Sa so sánh với Đảo Điếu Ngư mà TQ dang tranh chấp với Nhật.
    Rõ ràng TQ dùng vũ lực chiếm HS năm 1974 khi quân đội VNCH đang đóng giữ, và chiếm đảo Chữ thập trong quần đảo TS năm 1988 bắn giết chiến sỹ quân đội VN, là những sự thật hiển nhiên.
    Chủ quyền là tối quan trọng, đấu tranh bảo vệ và giữ vững chủ quyền bất khả xâm phạm là lâu dài, cam go nhưng không thể lơ là và bị ru ngủ bơi mĩ từ hoặc sự mua chuộc.
    Những hành động leo thang, ngày càng nghiêm trọng từ phía TQ gần đây làm nóng tình hình Biển Đông mà VN và các nước buộc phải có phản ứng gay gắt, dẫn đến QH Mĩ phải ra nghị quyết về việc này yêu cầu TQ chấm dứt và tuân thủ giải pháp hòa bình. Các nước liên quan Biển Đông cần hợp sức với HK, ngăn chặn âm mưu thôn tính từ TQ, xây dựng một nền công pháp chung để làm lành mạnh Biển Đông, đầy tiềm năng và con đường huyết mạch chấu Á và TG.
    ..........
    Chính ngôn

    Trả lờiXóa
  17. Bac Phan noi hay nhung con thieu 1 y. Do la "Toi mong rang nhan dan TQ hay bot chut thoi gian nghien cuu chung cu lich su xem Truong Sa va Hoang Sa thuoc Viet Nam hay Trung Quoc, neu ai co quan tam toi se xin gui day du tai lieu chung minh chu quyen khong the tranh cai cua Viet Nam"

    Trả lờiXóa
  18. Bài trả lời phỏng vấn TV Trung Quốc của ông Vũ Cao Phan rất hay : vừa nhẹ nhàng vừa cương quyết, vừa chân tình vừa sắc bén, vừa đúng đường lối vừa có ý kiến cá nhân độc đáo. Có thể các bác không thích cái chân tình, nhẹ nhàng, đường lối? Nhưng đây là nói với nhân dân TQ. Cần làm cho dân họ hiểu ra. Những kẻ mù quáng bên TQ còn nhiều lắm.

    Trả lờiXóa
  19. Bài trả lời có vẻ như đang né tránh nói thẳng nhiều vấn đề, đang ra sức vừa thủ thế cho mình vừa tung đòn nhè nhẹ thăm dò phản kháng yếu ớt, biết đối phương làm sai nhưng vẫn chấp nhận vuốt nhẹ đối phương theo kiểu chuyện lớn thành chuyện bé, chuyện bé thì "mau quên", rồi không nhớ nữa. Nhưng dù sao thì nói như thế đã đề cập được nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông rồi. Cảm ơn ông.

    Trả lờiXóa
  20. Tôi rất tâm đắc bài trả lời của Ô. Vũ Cao Phan, đúng là khẩu khí ngoại giao. Chúng ta yêu nước nhưng cũng phải nghĩ cho rằng'' tứ hải giai huynh đệ", bất luận là gì thì một dân tộc cũng có người này người kia, những cố gắng để tránh cho cả một dân tộc không phải đương đầu với một cuộc chiến tranh thì thật là đáng khen lắm!

    Trả lờiXóa
  21. Ông Phan đàm luận theo đúng kiểu thận trọng, cầu an của nhà nước ta. Điều đó không sai, không xấu. Song, dường như ông cầu an mạnh đến nỗi né tránh luôn vấn đề là: nếu thận trọng không xong, cầu an chẳng được thì tinh thần thái độ lúc ấy sẽ thế nào với Trung Quốc?

    Trả lờiXóa
  22. Thư tịch cổ Trung Hoa thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam(29-06-2011)

    http://vitinfo.vn/MMuctin/Xahoi/CTXH/LA90308/default.html

    Trả lờiXóa
  23. Tôi thích khẩu khí của ông Vũ Cao Phan. Sao CP không chọn ông làm Ngoại giao nhỉ. Không biết ông S có tài cán gì mà cho qua TQ làm DPV. Sử dụng đúng người đúng việc, may ra mới chấn hưng QG được.

    Trả lờiXóa
  24. Bác nào không vào nhận xét được bằng Mozilla FireFox, thì dùng Google Chrome nhé.

    Trả lờiXóa
  25. Tôi nghĩ ông Phan đã nói rất hay. Có một số bác cứ cho rằng như vậy là yếu ớt, là có tính "ve vuốt" nhưng cần phải nhìn nhận thực tế là bài phỏng vấn thực hiện trong "hang cọp" và "người đi săn" phải cự kỳ bản lĩnh mới có thể đề cập vấn đề nhẹ nhàng mà thẳng thắn như thế. Ở bên đó còn lắm kẻ mù quáng mà các bác cứ bảo bác ấy nhắc lại "chiến bại" của bọ họ thì há chăng phải là làm cho họ thêm "mù quáng" vì tự ái dân tộc sao. Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đã biết dùng nhân nghĩa để thắng tàn bạo một phần vì tính cách nhân nghĩa, yêu chuộng hoà bình một phần vì thực tế cân bằng lợi ích kinh tế-quân sự-ngoại giao giữa việc gây hấn và hoà đàm. Tôi nghĩ phải cho người dân trung quốc và thế giới thấy được điều cốt lõi đó (vì đây là đài TH quốc gia và có khả năng bài này sẽ đăng online)
    Thật không may rằng đây chỉ là tiếng nói "riêng lẻ" của các học giả và tầng lớp nhân dân chứ chưa phải tiếng nói chung của "Chính phủ và mọi tầng lớp nhân dân"
    KTS. Cao Tuấn Minh

    Trả lờiXóa
  26. ĐÔI ĐIỀU TÂM ĐẮC


    Cảm tưởng nhân đọc bài “PHÓ CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - TRUNG TRẢ LỜI PV TRUYỀN HÌNH TQ
    Truyền hình Trung Quốc phỏng vấn học giả Việt về tranh chấp Biển Đông” trên Blog của TS Nguyễn Xuân Diện


    Tôi đọc bài này dễ có đến mươi lần, thấy mát lòng mát dạ, hả hê thực sự như trút được một gánh nặng từ lâu phải mang vác quá sức mình. Đọc xuống các comment phía đưới thấy các còm sĩ nhà mình cũng đồng tâm trạng vui sướng không kém. Vội vàng lướt qua các nhà hàng xóm của Bác Diện xem phản ứng ra sao thì thấy phấn khởi trong lòng hơn nữa khi vì có biết bao nhiêu người đồng lòng đồng điệu với mình. Đúng là đồng thanh tương ứng. Quả thật, không phấn khởi làm sao được khi đã rất lâu rồi mới có một bài phỏng vấn mà chức sắc Việt Nam trả lời đã lỗ tai đến rứa. Toàn bài phỏng vấn, lời lẽ nhu hòa mà cứng cỏi, lập luận sắc sảo mà tế nhị, lý lẽ vững chắc mà thuận nhĩ. Đúng là trời sinh ra ông Vũ Cao Phan để làm ngoại giao, sao chính phủ không nhìn thấy thực tài của ông mà sử dụng đúng người, đúng việc như họ vẫn thường nói nhỉ?

    Tuy nhiên, hầu hết những vấn đề ông đề cập trong cuộc phỏng vấn đều ít nhiều đã được đề cập đã được lý giải đâu đó rồi. Cái tài của ông là tái tạo chúng thành công một cách mỹ mãn để đối đáp với tư thế vững vàng trong một cuộc phỏng vấn của nhà đài nước lạ vốn quen xử sự với ít nhiều khinh khi dân tiểu quốc.

    Điều tôi tâm đắc nhất và tôi nghĩ là điều mới mẻ nhất chưa ai dám nói công khai trước công luận đàng hoàng dõng dạc như ông. Nói với người ngoài nước mà thực ra là để nói với người trong nước. Điều tâm đắc ấy nằm trong phần trả lời sau:

    “Tôi nói như vậy là muốn phát biểu thêm rằng, hai nước còn một lý do tương đồng nữa là cùng thể chế chính trị, cùng ý thức hệ, điều hay được người ta nhắc đến.
    Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi - của riêng tôi thôi nhé - thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Nó tồn tại như một điều kiện, một lý do thế thôi, không cần nhấn mạnh như cách hai nước vẫn làm. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau.
    Hơn nữa, giả dụ một ngày nào đó một trong hai nước chúng ta có một thể chế chính trị khác thì sao, chúng ta lúc ấy còn cần duy trì quan hệ láng giềng tốt nữa không ? Vẫn cần chứ, rất cần. Vậy thì…
    Tôi rất sẵn lòng cùng các bạn làm tất cả những gì để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã hiểu biết càng hiểu biết nhau hơn nữa, đã gần gũi càng gần gũi nhau hơn nữa. Cám ơn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.”

    Trả lờiXóa
  27. Cảm ơn Bác Diện dầu sao cũng cho đăng một phần.
    BĐT

    Trả lờiXóa
  28. Thưa bác BÚT Điện tử,
    Tôi đã đăng toàn phần đấy bác ạ. Không bỏ của bác câu nào đâu!
    Kính
    NXD

    Trả lờiXóa
  29. Thưa anh Diện thế là tiêu cái phần hai rồi. Vì dài quá nên tôi phải cắt đôi. Có lẽ trở ngại đường truyền cũng nên. Nhưng thôi, cái đoạn 2 đó tôi viết xong cũng lạnh luôn, nên đã TB: "Anh Diện chắc không đăng phần này được, gởi cho anh xem vậy".

    Trả lờiXóa
  30. Bai tra loi hay, nhung toi nghi can cung ran hon. Toi la nguoi truc tiep cam sung bao ve To quoc, rat buc xuc truoc nhung hanh dong ngang nguoc cua TQ, nhung toi thay cach nha ta phan ung voi tq con nhe qua. Can phai manh me dut khoat hon trong ca hanh dong cu the lan ngoai giao.

    Trả lờiXóa